Hôm nay,  

Mầm Xuân Trên Đất Mới

29/10/202405:00:00(Xem: 2071)
Ben Tran, con của TG Triều Phong trong dịp được khen thưởng năm thứ 1
Ben Tran, con trai của TG Triều Phong trong dịp được khen thưởng  năm thứ nhất
 
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Dưới đây là bài viết cảm động ghi lại niềm hạnh phúc và tình thương của tác giả đối với con trai duy nhất của mình.
 
*
 
Vị bác sĩ gia đình còn khá trẻ, đẹp trai tiến tới trước mặt tôi trong lúc tôi đang đứng ngoài hành lang bệnh viện chờ đợi, ông chìa tay ra và thốt:
 
- Congratulations! You did a good job! (Xin chúc mừng! Ông đã làm thật tốt!)
 
Đi theo sau bác sĩ là cô y tá trẻ hơn ông, cười cười khi nghe ông nói đoạn nhìn tôi nheo mắt và đưa ngón tay cái lên như ngầm ra dấu “number one” khiến tôi mắc cỡ quá, lúc bắt tay ông bác sĩ!
 
Ở Việt Nam, tôi bị tù gần sáu năm trời chỉ mỗi cái tội vượt biên và hơn mười năm “chết dấp” bên trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) của Phi Luật Tân vì đến đảo sau ngày đóng cửa nên chẳng có điều kiện để lập gia đình. Thành thử ra tôi độc thân tới năm bốn mươi bốn tuổi mới lấy vợ, cách đây được hơn tháng! Phần vợ tôi khi ấy cũng xấp xỉ bốn mươi, do cứ mãi ở chờ bố cô đi tù cải tạo ngoài Bắc hơn mười mấy năm trời mới về, rồi sang đây với diện H.O, thành ra cũng chẳng trẻ trung gì! Thế nên khi bác sĩ chính thức báo tin là vợ tôi đã “cấn thai” thì tôi chới với vô cùng. Bởi tôi chưa có “ready” thì bảo sao tôi không hoảng sợ cơ chứ?
 
Mặt khác, số là sáng hôm qua, vợ tôi bỗng nhiên la toáng lên trong nhà tắm rằng có thể nàng đã “có bầu” sau khi âm thầm đi mua que thử thai làm tôi đang ngồi xem tivi ngoài phòng khách “hết hồn!” Hôm nay hai đứa tôi quyết định tới bệnh viện dưới phố Charleston để khám nghiệm cho chắc. Và bây giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa! Nhìn sắc mặt của tôi, người bác sĩ đoán hiểu tâm trạng bối rối và thái độ ngượng ngùng của tôi trước câu chúc mừng của ông, nên tiếp:
 
- Don’t think I'm joking. It’s true! And you know why I said that? (Đừng nghĩ là tôi đùa. Đó là sự thật! Và ông biết tại sao tôi nói vậy phải không?)
 
Tôi lắc đầu. Ông ta giải thích thêm:
 
- You know, it’s very hard to get pregnant at this age so that's why I told you that. You are so very lucky! (Như ông biết, tôi nói thế vì thật khó để có em bé vào độ tuổi của ông bà. Ông thật là may mắn!)
 
Lúc đó vợ tôi cũng vừa ở trong nhà vệ sinh bước tới, chúng tôi chợt hiểu ra và cám ơn ông rối rít. 
 
Từ đấy, đời tôi đã bước sang một khúc rẻ khác vô cùng quan trọng của kẻ sắp làm cha! Hàng ngày đi làm về tôi thường ghé vô chợ Food Lions hay Harris Teeter mua đồ ngon về nấu cho vợ ăn, đi lấy thuốc dưỡng thai “Prenatal” thuốc bổ cho vợ, lo việc nhà…để vợ nghỉ ngơi!
 
Mỗi tháng chúng tôi đưa nhau trở lại bệnh viện cho bác sĩ theo dõi bào thai. Khi vợ tôi mang bầu hơn hai tháng, chúng tôi được bác sĩ yêu cầu đến gặp để họ tham khảo ý kiến về việc khám xem thai nhi có thể bị bệnh “down syndrome-hội chứng down” không bằng cách dùng kim chích, hút lấy “dịch ối” để thử nghiệm, vì vợ tôi đã lớn tuổi nên nguy cơ em bé mắc bệnh này rất cao. Tuy xác suất của phương pháp này không phải là chính xác 100% nhưng đó là cách tốt nhất để có thể phát hiện. Và trong trường hợp nếu thai nhi có triệu chứng bị bệnh thì họ sẽ bàn bạc với chúng tôi nên giải quyết như thế nào? Giữ hay bỏ?
 
Những ngày sau khi tiến hành xong quá trình ấy, hai vợ chồng tôi sống trong lo âu hồi hộp. Nỗi sợ hãi luôn ám ảnh hai đứa, chúng tôi không biết phải tính thế nào lỡ không may trong trường hợp con chúng tôi vướng phải bệnh này? Đêm đêm tôi thấy vợ tôi đứng trước bàn Phật van vái rất lâu. Riêng tôi nhiều khi đang làm việc tôi chợt dừng lại, thẫn thờ khi nhớ tới chuyện này mà không biết phải làm sao hơn là cầu nguyện ơn trên ban phước cho chúng tôi mà thôi!
 
May mắn thay, lần khám thai kế tiếp chúng tôi được bác sĩ cho biết là dựa theo kết quả xét nghiệm thì thai nhi của vợ tôi cho thấy em bé phát triển bình thường, không có triệu chứng này. Thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng lo âu trên vai, trên đường về chúng tôi ghé vào chợ Public mua bông trái cây về cúng tạ Trời Phật!
 
Đến tháng thứ năm thì tôi cảm thấy tâm hồn lâng lâng như bay bổng trong trạng thái sắp sửa có con trai, khi vợ tôi khám “ultrasound” xong! Lúc chúng tôi gặp vị bác sĩ vui tính của mình, ông hỏi ngay:
 
- Do you want more babies? (Ông muốn có thêm em bé nữa không?)
 
- Yes, doctor. I want one more baby girl! (Vâng, bác sĩ. Tôi muốn có thêm một bé gái!)
 
Nghe vậy, ông ta lấy vai hích nhẹ vào người tôi nói to:
 
- Go ahead, don’t hesitate! You guys don’t have more time! (Hãy tiến tới, đừng ngần ngại! Ông bà không có nhiều thời gian nữa đâu!)
 
Nhưng vợ tôi cũng cười và trả lời liền:
 
- No, I don’t want to anymore, doctor! (Không, tôi không muốn thêm đâu, bác sĩ!)
 
Chợt vị bác sĩ ngó hai chúng tôi, nghiêm mặt nói thêm:
 
- My wife is a doctor and she also gets pregnant, too. You know, we need more. (Vợ tôi là bác sĩ và cô ấy cũng đang có thai. Ông bà cũng biết chúng ta nên có thêm em bé.)
 
Thế là về nhà, chúng tôi bắt đầu sắm sửa các thứ cần thiết và cuối tuần hay đến “Babies R Us” mua áo quần bé trai cho con, kiếm một chiếc “stroller” tốt cho nó. Tôi vốn định hướng rất dở nên lúc vợ sắp sanh, tôi thường chạy tới chạy lui từ nhà đến bệnh viện vài bận cho quen đường sá, để khỏi quýnh quáng, lạc đường lúc vợ “bể bầu!”
 
Bữa vợ đau bụng “đẻ,” tôi tất tả chở vợ vô bệnh viện, chờ bốn năm tiếng đồng hồ mà tử cung của vợ tôi vẫn không mở ra được nên phải trở về. Chiều tối hôm sau vợ tôi lại chuyển dạ, chúng tôi vội vàng đến bệnh viện lần nữa. Kỳ này, bác sĩ quyết định mổ và tôi được kêu vào ngồi cạnh giường, sát bên vợ!
 
Tôi nắm tay cô ấy và qua tấm màn che vợ tôi với các bác sĩ, y tá đang thực hiện việc mổ xẻ, mỗi lần thấy cô ý tá cầm chiếc khay to, đựng những cục bông gòn dài, lớn bằng bắp chân, thấm đầy máu đỏ lòm mang đi bỏ, tôi chóng mặt và thật sự sợ hãi. Có chứng kiến cảnh này mới thương vơ, thương người phụ nữ hơn. Chả trách sao mà tục ngữ Việt Nam ta có câu “Đàn bà đi biển mồ côi một mình” là vậy!
 
Lúc nghe tiếng em bé khóc oe oe, tôi liếc vô trong để cố xem mặt mũi con trai tôi thế nào thì thấy bà bác sĩ đang ẳm thằng nhỏ vừa kéo ra khỏi bụng vợ tôi còn đỏ hỏn, tay múa máy, chân đạp đạp vào khoảng không, máu mủ, nhớt nhao chảy lung tung xuống phía dưới và gọi tôi:
 
- Come here, please! (Ông tới đây!)
 
Tôi đứng dậy, bước tới gần. Bà giao em bé cho cô y tá bồng rồi lấy cây kéo đưa tôi, vừa hỏi vừa chỉ vào sợi dây rốn còn dính liền giữa hai mẹ con nói:
 
- You want to cut it? (Ông muốn cắt dây rốn cho bé không?)
 
Đang bần thần như đi trên mây, nhưng vẫn còn nghe được bác sĩ hỏi nên tôi gật đầu ngay. Bà bác sĩ chỉ chỗ cắt dây rốn, tôi lập tức làm theo mà chưa kịp nhận thức rằng kể từ giây phút ấy, tôi đã cho con tự sống với cuộc đời riêng của chính nó rồi!
 
Đoạn họ dùng cuộn vải, băng cuống rốn vừa cắt, lấy khăn lau sơ đứa nhỏ và mang nó lên cho vợ tôi nhìn con mình. Vợ tôi vô cùng xúc động và phấn khích khi được ôm đứa con đầu đời vào lòng. Cô khóc và mân mê chân tay nó xem con có lành lặn hay bị tật nguyền gì không?
 
Sau đó họ kêu tôi đi theo cô y tá để chụp hình, lưu lại kỷ niệm cho con khi cô tắm rửa và cân đo cho thằng nhỏ. Đôi lúc tôi lén nhìn cô làm việc mà lòng luôn thắc mắc vì sao con tôi xấu quá! Mặt mũi sưng sỉa và lỗ tai bé tí tẹo như lỗ tai chuột thế kia mà không biết rằng vì thay đổi môi trường sống từ bụng mẹ ra bên ngoài nên hài nhi chưa thích nghi và các bộ phận cơ thể chưa đổi thay kịp!
 
Xong xuôi cô y tá đưa con cho tôi nhìn một chút và chỉ vào đôi môi đỏ hồng, phồng phồng của nó đùa vui:
 
- You see! He has a sexy mouth! (Ông xem! Bé có cái miệng khêu gợi!)
 
Đoạn cô hỏi tôi tên họ em bé, ghi vào một sợi dây và mang vào cổ tay nó xong thì đặt em vào lồng kiếng, nơi giữ nhiệt độ giống như trong bụng người mẹ cho em bé ổn định dần. Bấy giờ tôi cứ đứng mãi bên ngoài phòng giữ các trẻ sơ sinh nhìn vào trong qua cái cửa kính thật to và thấy con mình ngọ ngoẹo với niềm vui khó tả!
 
Chiều hôm sau, con trai tôi được đưa về phòng má nó đang nằm để hai mẹ con đoàn tụ. Chạng vạng tối thì bác sĩ đến mang cháu sang phòng gần đó để “circumcised!” (cắt da bao quy đầu). Hai vợ chồng tôi xót xa lúc nghe nó khóc thét bên kia mà ngỡ như có ai đang dùng dao cắt vào da thịt mình vậy. Khi mang cháu trả lại cho chúng tôi, ông bác sĩ đùa vui:
 
- He is a good screamer!
 
Ngày kế tiếp, bố mẹ vợ tôi từ Ohio xa xôi cũng lặn lội xuống South Carolina nuôi con, thăm cháu và cùng tôi đưa hai má con về nhà. Trước khi rời khỏi bệnh viện, tôi được cô y tá tận tình hướng dẫn cách quấn khăn cho em bé sau khi tắm như thế nào để nó có cảm giác như vẫn còn trong bụng mẹ mà yên tâm ngủ, không khóc, không quấy!
 
Tôi không biết những bệnh viện phụ sản và y bác sĩ ở Việt Nam lo cho bà mẹ và hài nhi mới sanh ra sao chứ bệnh viện bên đây thì vô cùng sạch sẽ, đầy đủ phương tiện, bác sĩ với y tá thì hết lòng, “lương y như từ mẫu” vậy!
 
Thời tiết ở miền Nam dịu mát hơn miền Bắc và miền Trung Tây của nước Mỹ vào mùa hè nhưng vô cùng “humid.” (oi nồng) Mùa thu thì lá không vàng lắm và cũng không có nhiều màu sắc sặc sỡ như các miền kia nên không quyến rũ bằng! Đông tới thì mọi thứ tàn phai dù không có tuyết, nhưng cũng rất lạnh đủ để vạn vật yên ngủ chờ năm sau tái sinh. Mùa xuân thì thường mưa nhiều nên cây nhanh đâm chồi nẩy lộc, ra lá, nở hoa, trổ bông đẹp đẽ, đón mầm sống mới, thanh bình trong tiếng chim ca. Cuộc đời cứ vậy trôi đi qua bao mùa nắng hạ, sương thu êm đềm!
 
Sáu năm sau, tôi có việc trở lại bệnh viện và tình cờ gặp lại vị bác sĩ của mình ngày trước. Ông mừng lắm khi thấy tôi, và vội vàng chạy lại. Câu đầu tiên ông mở miệng hỏi là:
 
- How many? How many? (Bao nhiêu? Bao nhiêu?)
 
- Only one doctor! (chỉ có một thôi, thưa  bác sĩ!) Tôi ngơ ngác giây lâu rồi chợt hiểu ý ông nên đáp ngay.
 
- Oh, you're a bad boy! (Ô, ông dở quá!)
 
Ông cười lớn, khoát tay chê tôi dở, đoạn giơ tay mình lên:
 
- I have four. Two boys, two girls! And we are done! (Tôi có bốn đứa. Hai trai hai gái! Và chúng tôi xong rồi!)
 
Tôi sửng sốt, rồi khen lấy khen để:
 
- You are very good but you know both of you are doctors so you have a good condition. In particular, I am a refugee and I am very poor so how can I have many babies like you? (Ông thật là giỏi. Nhưng ông cũng biết vì cả hai ông bà đều là bác sĩ nên có điều kiện tốt. Đặc biệt là tôi là người tỵ nạn và chúng tôi rất nghèo. Bởi thế làm sao tôi có thể có nhiều con như ông được?)
 
- I know. I am only joking now! I have four kids. That means I have four chances but you only have one chance so you have to try the best for him, right? (Tôi biết. Tôi chỉ đùa thôi. Tôi có bốn đứa con. Có nghĩa là tôi có 4 cơ hội, nhưng ông chỉ có một cơ hội thôi, bởi thế ông phải cố gắng làm những điều tốt nhất cho cậu ấy nhé.)
 
- Yes, doctor. I will try! Thank you very much. (Đúng vậy, thưa bác sĩ. Tôi sẽ cố gắng. Cám ơn ông rất nhiều.)
 
Lúc này do hoàn cảnh gia đình, chúng tôi đã dọn về ở tiểu bang Ohio và con tôi thì đã tới tuổi đến trường. Hằng ngày chở con đi học ở “kindergarten, preschool” là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc dù có cực khổ ít nhiều trong việc đón đưa. Bởi mỗi khi tan trường, nhìn con mừng rỡ, lẫm chẫm chạy ra ôm chầm lấy tôi lúc thấy mặt khiến bao nhiêu mệt mỏi trong tôi tiêu tan, nhọc nhằn biến mất!
 
Và dù không còn ở South Carolina nhưng tôi vẫn nhớ hoài lời vị bác sĩ gia đình của mình hồi xưa nên cố gắng hết sức để lo mọi thứ cho con, siêng năng chở con đi học bơi, học võ để nó tự sinh tồn, tự vệ tránh bị “bully,” hay đưa con đi chơi đá banh, học piano cho nó có thêm sức khỏe, phát triển trí não qua âm nhạc mà tôi đã hấp thụ phương cách giáo dục từ mấy “frères” ở trường Lasan Taberd lúc tôi theo học hồi nhỏ!
 
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi thứ thay đổi. Thời gian này con tôi phải ở nhà và học online, nên có nhiều thời gian tìm tòi mọi thứ hơn. Lúc được trở lại trường, một hôm con tôi cho biết, tốt nghiệp trung học xong nó muốn xin vào Học Viện Không Quân Hoa Kỳ (USAF-The US Air Force Academy) ở Colorado.
 
Vậy là bắt đầu từ hôm đó nó chuẩn bị mọi thủ tục cần thiết từ bảng điểm GPA 4.38 đến giấy chứng nhận học sinh xuất sắc (Outstanding Academic Excellence) năm 2023 của trường do ông hiệu trưởng cấp, “Certificate of Membership of the National Honor Society”, thư giới thiệu của hai Thượng Nghị Sĩ Sherrod Brown và Rob Portman, Dân Biểu Mike Turner ở tiểu bang Ohio, giấy khen làm việc thiện nguyện cộng đồng của OH cũng như “Scholar Athlete Award” của GWOC (Greater Western Ohio Conference,) thư giới thiệu của “Master” về “The To-Shin-Do”, thư của cô giáo dạy “piano” là chủ tịch vùng này lúc ấy của NFMC (National Foundation of Music Club,) giấy chứng nhận hiến máu cho Community Tissue Service, Community Blood Center, thư tự giới thiệu về bản thân…để nộp. Công việc hoàn tất, thuận lợi tưởng chừng chỉ còn chờ đi học thì vào phút cuối nó bị học viện đưa qua “waiting list” vì mắt cận hơn 8 “diopters!”
 
Trong thời gian chờ đợi buồn bã này thì con tôi nhận được học bổng toàn phần cho mỗi năm là $35,000.00, bao gồm các khoản “tuition and fees, living expenses, program fees, books supplies and equipment, miscellaneous personal expenses, transportation” về ngành “biomedical engineering” của OSU (The Ohio State University) với thời gian hoàn tất là 4 năm, theo kế hoạch B mà nó đã dự phòng! Tận dụng dịp may ấy nó nộp đơn xin vào AFROTC (The Air Force Reserve Officer Training Corps) của trường này luôn!
 
Chiều ngày 04 tháng 02 năm 2023, lúc tôi đang làm việc thì nghe tivi, báo chí đưa tin và bình luận việc không quân Mỹ vừa bắn rơi khinh khí cầu dọ thám của Trung Quốc, đã làm lóe lên trong tôi một ý tưởng. Trong buổi cơm gia đình tối đó, tôi nói với con tôi rằng có thể nó sẽ được học viện gọi vì vụ này, làm vợ tôi không nín được cười và bị sặc suýt tí nữa là văng cả cơm ra ngoài trước ý nghĩ mà cô ấy cho là “suy đoán quá đáng” của tôi! Còn con tôi thì ngạc nhiên hỏi:
 
- Why? (Tại sao?)
 
- Nước Mỹ cần phải gia tăng lực lượng không quân để bảo vệ không phận, họ sẽ trang bị các thứ và đào tạo thêm nhân viên, binh lính sau sự kiện hôm nay. - Tôi giải thích mạnh mẽ.
 
Con trai tôi chỉ cười nửa miệng và lắc đầu chẳng nói gì nhưng trong ánh mắt của nó thì tôi biết nó không tin vào những gì tôi vừa nói. Tuy nhiên đúng như dự đoán của tôi, một tuần sau thì nó có giấy gọi; nhưng không phải là của USAF mà là của AFROTC, để đi “interview,” rồi khám sức khỏe tại Columbus và cuối cùng là được nhận vào Lực Lượng Trừ Bị Không Quân Hoa Kỳ với thời hạn đào tạo là 4 năm nhưng chuyển qua chuyên ngành “Spaceforce” với học bổng 15.000 đô cho mỗi năm của Department of The Air Force Air University (AETC).
 
Hiện tại, nó có phần tin tưởng tôi hơn bởi dẫu tôi tuy không được học nhiều hơn nó, tiếng Anh không giỏi như nó nhưng kinh nghiệm sống thì tôi phải hơn nó vì dù muốn dù không thì tôi cũng là cha nó! “Áo mặc sao qua khỏi đầu?”
 
Bây giờ nó lên năm thứ hai và mỗi ngày từ thứ Hai cho đến thứ Năm hàng tuần nó phải dậy từ 4 giờ 30 phút sáng để tập quân sự trước khi lên lớp. Trong năm đầu tiên sinh viên sĩ quan có thể tự động “dropout” nếu cảm thấy không thích hợp hay không chịu nổi hoặc không còn muốn theo con đường binh nghiệp nữa. Trường hợp của các sinh viên có “scholarship” thì hơi khác biệt, ở năm này dù thôi học thì sinh viên vẫn không phải bồi thường phí tổn AFROTC đã chi trả. Nhưng sang năm thứ 2 thì đặc ân này không còn. Nếu sinh viên sĩ quan nào tự ý bỏ học thì phải hoàn tiền mà AFROTC đã đài thọ cho họ. Theo thống kê của Lực Lượng Trừ Bị Không Quân Hoa Kỳ tại OSU thì mỗi năm có khoảng 30 % sinh viên sĩ quan của trường này bỏ cuộc với nhiều lý do khác nhau.
 
Mùa hè sang năm thì con tôi sẽ tới căn cứ không quân Hoa Kỳ Maxwell Air Force Base ở Alabama để thụ huấn khóa huấn luyện quân sự chính thức. Và sau đợt này thì AFROTC sẽ trực tiếp loại ra một số học viên yếu kém hay bị kỷ luật… Số sinh viên sĩ quan được giữ lại, xem như chính thức được nhận vào đào tạo thực thụ!

Ben chuẩn bị cho buổi học trong quân phục Không Quân.
Ben trong bộ quân phục Không Quân
 
Trong kỳ nghỉ năm nay, lúc hai cho con tôi dọn lại mảnh vườn nhỏ trước sân nhà, tôi chợt thấy cây “Tử đinh hương” tưởng đã chết ở mùa đông vừa qua đâm một chồi non gần dưới gốc. Tôi chỉ nó, nói với con tôi:
 
- Đời của ba giống như cái cây này!
 
Con trai tôi đang nhổ cỏ dại gần đấy, dừng tay nhìn tôi ngạc nhiên hỏi:
 
- Tại sao ba như cây này?
 
- Nó sắp chết bởi vừa trải qua mùa đông khắc nghiệt năm trước giống như đời ba lúc nhỏ cũng vì sống với cộng sản bạo tàn, cực khổ gần chết nên bắt buộc phải trốn đi tị nạn, bị tù đày nhiều lần và bỏ hết cả tuổi thanh xuân bên trại tị nạn, tưởng sẽ chết bên đó rồi. Phút chót may được Mỹ cứu vớt đưa đến đây nhưng ba không tới trường học được để có bằng cấp cao làm được nhiều tiền hơn, có công việc tốt hơn để lo con với mẹ và trả nợ đất nước này; đất nước đã giúp ba, giúp gia đình mình, vì phải lo làm kiếm tiền giúp ông bà nội đang bệnh đau, già yếu ở VN, bây giờ đời sống tạm ổn thì sức đã cùn, lực đã kiệt!
 
Thằng con tôi làm thinh. Nói tới đó tôi ngừng lại, cúi xuống chỉ cái chồi non xanh mượt mà, bóng bẩy đang nhô cao tràn trề nhựa sống, rung rinh trong gió, thì thầm với nó:
 
- Con thì giống như cái mầm này! Con sẽ phát triển và vươn cao thành cây khác nhưng mạnh mẽ và tươi tốt hơn như tương lai sáng lạn mà hiện con đang có. Con sẽ thay ba trả nợ đất nước này, con…
 
Tôi mới nói đến đó là thằng con tôi đã cắt ngang:
 
- Không! Con không có trả nợ cho ba, ba ơi. Nợ ba thì ba phải trả! Ở đây chẳng ai bắt ba phải làm gì to lớn cả. Ba cứ làm theo khả năng của ba, ba chỉ cần làm một người công dân tốt, đi làm đàng hoàng, không tạo gánh nặng cho xã hội là OK rồi. Còn con? Đất nước này là của con, con có bổn phận lo cho đất nước con!
 
Trước lập luận rõ ràng và thái độ dứt khoát của nó, tôi chợt hiểu nền giáo dục của Mỹ là một nền giáo dục thực tiễn, độc lập trong nhận thức, khai phóng tư tưởng trong tư duy khám phá, không có chuyện quàng việc này vào việc kia, lấy hiện tại thay cho quá khứ như một hệ quả bắt buộc, nên tôi bảo con trai tôi một cách thẳng thắn.
 
- “Well”, con biết Cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam vào ngày 30 tháng 04 năm 1975 đến nay là gần 50 năm rồi và trong gia đình mình thì ba như thế hệ thứ 1 hy sinh ra đi tìm tự do vì con cháu mai sau nên bây giờ con là thế hệ thứ 2; thế hệ tiếp nối, được sống ở một cường quốc, một đất nước dân chủ tự do, vì vậy ba thấy con học hành giỏi giang ba rất mừng nhưng ba sẽ vui hơn nếu mai này có thành công thì con vẫn nhớ rằng dù con là người Mỹ nhưng gốc vẫn là Việt Nam nghe chưa?
 
Thằng nhỏ có vẻ không đồng ý với các điều tôi vừa nói nên gân cổ lên cãi.
 
- Ba ơi, người Mỹ là người gì? Tất cả những người đang sống ở đây là từ mọi nơi, mọi quốc gia đến. Mọi người sống hợp pháp ở đây, sanh ra ở đây đều là người Mỹ cả. Và ba biết hiện nay con đang ở trong “group leader” phải không? Nhưng con nói cho ba biết con là người dở nhất trong số này đó, bởi vì những người bạn kia rất giỏi, rất thông minh. Họ hay hơn con nhiều lắm! Tại ba không có gặp nhiều người nên ba cứ nghĩ người Việt Nam mình giỏi nhất thôi…
 
Cảm thấy nó đã trưởng thành vững chắc trong khái niệm về hành trình nhận dạng nguồn gốc của mình ở đất nước này, tôi giải thích thêm:
 
- Không, không, ba đâu có nói người Việt Nam mình giỏi nhất đâu. Ba chỉ nói con học giỏi và ba muốn con luôn nhớ con là người Mỹ gốc Việt vậy thôi!
 
- Yes, I know. I am a “Vietnamese American”, ba ơi! Con biết, ba nói cái này với con nhiều lần rồi. Con sẽ không quên cái “root” của mình!
 
 
Lập thu, 2024 - Ohio
 
Triều Phong
 
 
 
 
 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
19/11/202410:10:16
Khách
Dạ, cám ơn chị Mimi đã có lời khen.
Triều Phong
18/11/202422:04:17
Khách
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay.
11/11/202414:04:59
Khách
Chào anh,
Cám ơn ý kiến đóng góp của anh, Phao Ng.
Triều Phong
10/11/202402:07:06
Khách
GPA 4.38 là rất cao, nếu có tham gia thể thao hay âm nhạc nghệ thuật la` đuợc vào các truờng danh tiếng như Brown, Cornell, Columbia, Notre Dame, UC Berkeley, UCLA .
07/11/202423:27:04
Khách
Cám ơn ý kiến của các bạn, nhưng tôi thực sự không hiểu các bạn muốn bình luận gì về truyện của tôi.
Triều Phong
02/11/202413:10:01
Khách
Năm 1932, dân Ðức bất mãn về chánh trị kinh tế và dồn phiếu bầu cho Hitler làm lãnh tụ đưa đến thế chiến II. Bầu phiếu theo dân chủ lại đưa đến độc tài phát xít là truờng hợp của Ðức năm 1932. Cuộc bầu cử Tổng Thống năm nay cho thấy nuớc Mỹ có nguy cơ cực đoan, độc tài, phát xít và quân đội sẽ bị lạm dụng. Kinh nghiệm VNCH đầu hàng bất ngờ năm 1975 dù VNCH đang còn 500 ngàn quân, một nửa lãnh thổ, và TQ muốn nhảy vào thay Mỹ bảo vệ chỉ vì Duơng Văn Minh có liên hệ với CS bị Cộng Sản móc nối từ lâu mà tình báo không biết nên để TT Huơng giao quyền hành. Nay Trump và Musk cũng có liên hệ với Putin, thì phải nhớ chuyện bị DVM làm nội tuyến cho CS.
31/10/202404:40:31
Khách
Theo bộ Encyclopedia of the Vietnam War, sau năm 1975, số lượng sĩ quan, công chức và cán bộ VNCH bị bỏ tù khoảng hơn 1,000,000 người trên tổng dân số NVN lúc đó khoảng 20 triệu người. Tất cả bị giam tại trên 150 trại giam; theo đó khoảng 500,000 được thả về trong 3 tháng đầu; 200,000 bị giam từ 2 đến 4 năm; 250,000 bị giam ít nhất 5 năm, và năm 1983 (tức sau 8 năm) còn khoảng 60,000 người bị giữ lại lâu hôn. (Spencer C. Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History, Vol. two, Santa Barbara, California: 1998, tr. 602. Sách trích tài liệu của Sagan, Ginette and Stephen Denney, Violations of Human Rights in the Socialist Republic of Vietnam, Palo Alto, California: Aurora Foundation, 1983.)

Trong số trên 1,000,000 người bị tù sau năm 1975, theo những cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Âu Châu, có khoảng 165,000 nạn nhân đã chết trong các trại tù “cải tạo”. (Anh Do & Hieu Tran Phan, “Millions of lives changed forever with Saigon’s fall”, nhật báo Orange County Register, Chủ Nhật, 29-4-2001, phụ trang đặc biệt về ngày 30-4, tt. 2-3.)
31/10/202404:35:45
Khách
Bà Yung Krall tên thật là Đặng Mỹ Dung- con của Đại Sứ CSVN tại Liên Xô, vợ của 1 sĩ quan hải quân Hoa Ky- trong cuốn sách với tựa đề “Thousand Tears Falling” (Ngàn Giọt Lệ Rơi), đã dựa vào những tài liệu của quốc tế, liệt kê những con số sau:

Từ 1975 dến 1987 cộng Sản đã:
– Đày đi tù “cải tạo “: 1,040,000 người .
– Chết trong tù “cải tạo”: 95,000 người.
31/10/202402:37:15
Khách
Theo bản tường tình của Aurora Foundation năm 1983 do bà Ginetta Sagan và ông Stephen Denney thực hiện thì có hơn một triệu người miền Nam đã bị CS bắt đi "cải tạo " mà rất ít người được về sau thời hạn mười ngày hay một tháng. Trên toàn quốc lúc bấy giờ có trên 150 trại "cải tạo ".
Có khoảng 500,000 người được trả tự do trong vòng ba tháng;
200,000 người ở trong trại từ hai đến bốn năm;
240,000 người ít nhất năm năm;
nhiều chục ngàn người trên mười năm.
31/10/202402:30:30
Khách
VVNM- Phùng Văn Phụng: ...Bước vào nhà của mình mà thấy quá xa lạ. Có mấy đứa trẻ con ngồi học ở trong nhà mà tôi đâu có biết đứa nào là con tôi đâu. Khi tôi đi “học tập cải tạo” con út tôi mới vừa tám tháng, khi về đứa út cũng đã 8 tuổi rồi, làm sao tôi biết nó cho được. Đứa con trai 9 tuổi chạy xuống nhà sau, lúc đó bà xã tôi đang nấu cơm. Nó nói: “Má ơi có ông nào vô nhà kìa.”….Tôi vừa bước vô nhà mình, đi thẳng ra phía sau nhà, gặp bà xã đang nấu cơm, tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Tôi đã khóc, không thể nào cầm giữ nước mắt cho được. Người ta khóc vì buồn rầu, đau khổ. Tôi khóc vì tưởng chừng như đã chết rồi mà được sống lại. Tôi đâu có ngờ tôi còn sống để được về với gia đình sau gần 8 năm trong các trại tù khắc nghiệt ở các miền thượng du, núi rừng âm u miền bắc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 412,335
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù. Bài viết sau đây kể về một tai nạn xe hơi chính tác giả đã trải qua.
Hàng năm, sau Tết Tây, trong khí trời se se lạnh của đất Sài Gòn, đâu đó bắt đầu nghe tiếng nhạc Xuân rộn ràng, hay những bài nhạc du dương thay lời muốn nói của bao người con xa quê mong sum vầy ngày Tết. Mặc dù mỗi vùng miền có thể có những truyền thống và đặc trưng riêng nhưng ngày Tết là ngày lễ của tất cả Người Việt kể cả những người Việt xa xứ như Mị.
Đến với đất nước này không chỉ có niềm vui, mà còn có dòng nước mắt. Nhân vật trong câu chuyện tôi đã đổi tên. Nhưng giá mà, tôi có thể thay đổi được cả cuộc đời cho em. Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi, mợ Hai phủi tay đứng dậy.
Mỗi sáng chủ nhật quán cà phê Chợt Nhớ đông nghẹt khách, phần lớn là khách quen thuộc, tuy nhiên tuần này có thêm khách xuyên bang về. Chợt Nhớ là quán có tên tuổi nhất ở vùng này, dân chơi, dân giang hồ, dân cờ bạc, mấy mậu cho vay nặng lãi và tụi khoe mẽ… đều tụ tập về đây. Quán lúc nào cũng ồn ào, rộn ràng. Tivi cả chục cái chuyên về football, chỉ có mỗi cái sau lưng quầy tính tiền là luôn chơi nhạc Bolero nỉ non sướt mướt. Khách uống cà phê hầu như chẳng có ai nghe nhạc hay xem tin tức mà chỉ dán mắt vào tivi coi tỉ số đá banh, tỉ số bóng cà na và cá độ. Tụi thằng Tí Còi, thằng Sơn Lắc, thằng Hùng Nổ, con Lisa, con Yến… là đóng đô thường trực.
Nhớ lần đầu, tôi qua Mỹ ăn Tết cách đây gần 30 năm, ba tôi và ông anh dẫn hai đứa con từ California về Texas, gia đình ông anh khác từ Oklahoma cũng chạy xe về Texas, rồi với gia đình bà chị ở Texas, tất cả cùng kéo nhau ra phi trường Dallas FortWorth cho tôi một niềm vui bất ngờ. Cha con anh chị em gặp nhau ríu rít mới thấy cái thiêng liêng của sum họp, của ngày Tết Nguyên Đán nơi xứ người quý giá thế nào. Lúc ấy thành phố Arlington còn ít người Việt, không đông đúc như bây giờ và dĩ nhiên Tết cũng trầm lắng hơn, chợ búa Việt Nam ít ỏi, chưa có ngôi nhà thờ Các Thánh Tử Đạo rộng rãi bề thế như ngày nay, mà chỉ là căn nhà thờ bé nhỏ share với cộng đồng của Mỹ.
"Trước 75, ông ngoại là y tá ở Chẩn Y Viện Trung Ương. Ai trong xóm đau bệnh hay gặp điều chi nguy hiểm đều chạy đến kêu ông. Trong những giai đoạn khó khăn sau này, mình thấy ông cũng làm thợ hồ, mình thấy ông đi bốc giùm mộ, và có khi ông cũng giúp xóm làng thông các đường ống cống... Ông không bao giờ nề hà bất cứ công việc nào, dù khó khăn bao nhiêu. Khi đi nhà thờ, nhìn thấy những cuốn sách đáp ca bị đứt chỉ và sút gáy, ông lặng lẽ mang về nhà khâu và mang lên lại nhà thờ những cuốn sách lành lặn; hôm khác lại mang thêm vài cuốn về khâu tiếp. Sau này lớn tuổi, ông vẫn không bao giờ để phí thời gian. Ngoài những giờ đọc sách, làm vườn, ông thắt hàng trăm chiếc võng làm quà cho bạn bè, người thân. Ông thắt cả dây thừng để kéo chuông nhà nhờ..."
Tôi đứng trên tầng lầu cao thứ 11 của tòa nhà cao 12 tầng nhìn xuống, những người nhỏ bé với những chiếc áo choàng dầy dài phủ kín đầu, vào giờ trưa đi vội vã vào những hàng quán cạnh công sở để ăn uống. Họ đi thật nhanh chứ không vừa đi vừa nói chuyện như mùa hè ấm áp, chẳng ai nói với ai lời nào mà như đã định trước nhà hàng nào rồi, chỉ đi thẳng vào quán thôi. Chiếc xe ủi tuyết to lớn xuất hiện ở cuối đường đang cào những ụ tuyết lớn mới rơi của tối qua, thổi vào một chiếc xe khác đi song song với nó để chở những khối tuyết ấy đi đổ ở một trạm đã được thành phố quy định để lấy chỗ cho xe cộ, người đi đường không bị nguy hiểm khi phải tránh những ụ tuyết này mà len ra lòng đường xe chạy. Tiếng còi hụ của xe hốt tuyết bỗng dưng vang lên thật to để cho những người chủ xe đã đậu xe ở bên cần được hốt tuyết ra rời xe đi chỗ khác, không sẽ bị phạt tiền.
Tội nghiệp con nhỏ quá, vừa mới từ bên kia, nửa vòng trái đất, qua đây sống với gia đình người chị chưa đầy sáu tháng, đã phải dời đi, sống với người lạ, chưa biết chưa hiểu gì đời sống ở đây, không hiểu tiếng Mỹ, thiệt bơ vơ. Chắc là con nhỏ cứ nói tiếng Việt, tưởng ai cũng là người Việt như em. Em có khuôn mặt xinh đẹp, làn da trắng mịn màng, đôi mắt trong ngây thơ, với trí khôn không phát triển như người bình thường. Mơ là cô giáo của em.
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
Hôm qua cô em Hoàng Thư đem cho cô Ba một bịch bưởi. Đây là loại bưởi có vỏ màu vàng tươi, trái lớn nhỏ cỡ như bàn tay xòe, múi bưởi ngon như bưởi Biên Hòa mình, vị chua ngọt đậm đà, hơi the the. Sáng nay cô ngồi lột bưởi. Hồi đó chồng của cô Ba thích bưởi này lắm. Thích ăn nhưng “y” không thích lột, mà cô cũng hổng cho y lột vì y sẽ làm chèm nhẹp mất ngon, uổng công người trồng cây tưới nước đem tới nhà cho. Cô thường bắt cái ghế nhỏ, lót ngồi chồm hổm kế bên cái “ghế lười” (lazy chair) của y, vừa lột vừa chỉ. Lột bưởi phải cầm dao nhỏ, khứa vỏ bưởi ra làm 4 phần, rồi mới lấy tay mà tách vỏ ra. Xong rồi lấy mũi dao mà tách từng múi, lột sạch mà phải nhẹ tay hông thôi múi bưởi bể thì thấy mất đẹp. Lột hai, ba trái thì đầy một tô, lựa hết múi nguyên đưa cho y, y nói “cám ơn cưng” rồi bỏ từng múi vô miệng, vừa ăn vừa khen “ngon quá”. Nói gì nói, chỉ gì chỉ, mỗi lần có bưởi ngon thì cũng cô lột y ăn y ăn cô lột. Cô ăn mấy miếng bị bể bể, cũng nói ờ ờ, bưởi này ngon thiệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến