Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Những Ánh Mắt Trẻ Thơ

11/06/202406:20:00(Xem: 1909)

Kim Loan phát biểu VVNM 2023 (4) (1)

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023.

*

Khi ba vừa bước chân vào nhà
Tưởng các con vui khi gặp ba
Nhưng trong ánh mắt con, ba hiểu
Ba chỉ là một bóng hình xa...


Cũng phải ba năm anh mới trở lại thành phố này, nơi anh đã từng ở và có rất nhiều kỷ niệm, hơn thế nữa, có hai đứa con anh đang sống. Cuộc sống mới bận rộn đã ràng buộc anh, với khoảng cách đường dài mười tiếng lái xe và anh nghĩ các con đã đầy đủ với số tiền cấp dưỡng hàng tháng nên chuyện thăm nom chúng không là điều bắt buộc. Dù đã dứt lòng khi ra đi nhưng khi lái xe về những con đường cũ, khu phố cũ, anh không khỏi cảm thấy man mác buồn.


Cho đến khi xe dừng trước cửa nhà thì anh lại thêm nỗi bối rối, không biết sẽ thế nào khi đối diện với người vợ cũ và hai đứa con. Người vợ mà trước kia anh đã dễ dàng buông ra những lời lạnh lùng nhất, tàn nhẫn nhất, để được chia tay, đi theo tiếng gọi của một tình yêu mới mà anh say đắm. Anh ngồi trong xe thật lâu để ngắm lại ngôi nhà, chẳng có gì thay đổi, có chăng là trong ngôi nhà này đã thay đổi, đã thiếu một người. Anh hồi hộp bấm chuông cửa, vài phút im lặng trôi qua, bây giờ là buổi chiều, anh tin là mọi người đang ở trong nhà, anh phải bấm chuông thêm hai lần thì cánh cửa mới từ từ hé mở ra, đó là thằng cu Tí, con trai lớn của anh.


Thấy ba, thằng bé vừa mừng vừa ngạc nhiên:


- Ba về hả, con nhìn qua lỗ cửa thấy ba nhưng con không tin.


Anh xoa đầu nó:

- Ba đây mà. Tại sao con lại không tin? Ba có khác đâu.

Đôi mắt thằng bé cụp xuống, vẻ vui mừng lúc nãy biến mất:

- Con nghĩ là ba không muốn về đây nữa. Ngày ba đi mẹ đã khóc nhiều lắm.

Anh hình dung ra người vợ tội nghiệp, lát nữa gặp anh, cô ta có khóc và mắng chửi anh bao nhiêu, anh cũng chấp nhận hết cho vơi bớt day dứt bấy lâu. Anh giục con:

- Mở cửa cho ba vào nhà. Hôm nay ba về thăm hai con.

Cu Tí mở rộng cánh cửa, bước vào nhà anh khựng lại nhìn thằng cu Tí, trẻ con mau lớn quá, mới ba năm, giá mà năm năm, mười năm thì chắc anh sẽ không nhận ra con của mình nữa. Anh quàng tay ôm vai con, âu yếm hỏi:

- Mẹ con đâu?

- Mẹ đi làm rồi.

Thì ra cô ấy đã đi làm dù hai con còn nhỏ không có ai bên cạnh trông nom đỡ đần. Ba năm nay người vợ cũ đã trừng phạt anh bằng cách không hề liên lạc với anh, cô đổi số điện thoại, không trả lời những thư từ anh gởi tới bằng đường bưu điện nên anh không biết gì về cuộc sống của họ, mặc dù hàng tháng tiền trả child support vẫn trừ trực tiếp vào lương của anh đều đặn. Anh chợt nhớ ra:

- Thế em đâu rồi? Em Tina đâu rồi?

- Nó đang ngủ.

- Để ba vào phòng thăm nó nhé.

Thằng bé gạt đi:

- Thôi ba, nó mà thức dậy thấy người lạ nó khóc đấy.

“Người lạ”, thằng cu Tí bình thản nói như một điều đương nhiên. Anh lẩm bẩm lập lại hai chữ “người lạ”, chợt thấy chạnh lòng, mà cũng phải, khi anh ra đi bé Tina mới mấy tháng tuổi nó có biết gì về anh đâu.

Hai cha con ngồi đối diện nhau, cu Tí đã 12 tuổi rồi, trông chững chạc hẳn ra, không biết vì anh đã xa nó một khoảng thời gian, một khoảng cách cuộc đời hay vì nó đã lớn khôn theo hoàn cảnh? Những đứa trẻ trong gia đình ly dị bao giờ cũng trưởng thành sớm hơn những đứa trẻ trong gia đình bình thường.

Anh hỏi han con về chuyện học hành trường lớp, cu Tí trả lời đầy đủ. Khi anh hỏi con có nhớ ba không thì nó trả lời ngây thơ:

- Lúc ba mới đi thì nhớ, con khóc nhiều lần lắm và ngày nào cũng chờ mong ba về, nhưng bây giờ hết rồi.

Và nó hỏi lại:

-  Thế ba có nhớ con và em Tina không?

- Ba nhớ thương các con chứ.

- Sao ba không về thăm? Ba bỏ đi lâu thế?

Anh lúng túng:

- Tại ba…bận rộn quá.

- Mẹ nói ba ở nhà khác với vợ con khác của ba!

Anh nhìn con, trong đôi mắt thằng cu Tí vẫn vô tư, nói về ba nó mà như nói về một người nào xa lạ, Cu Tí không hề làm quan tòa kết tội anh, nhưng câu nói của nó đã gieo vào lòng anh như ngàn lời oán trách.

Bỗng có tiếng điện thoại reo, chắc đã là thông lệ nên cu Tí nói:

- Mẹ gọi đấy.

Nó ra dấu cho anh im lặng để nó nói chuyện phone. Anh lắng nghe cuộc đối thoại giữa hai mẹ con, mà chủ yếu là từ những câu trả lời của cu Tí, nó kể với mẹ là Tina đang ngủ, mẹ nó dặn khi nào em thức dậy thì cho em uống thuốc ho rồi mới cho ăn cơm, rồi sau đó tắm cho em. Câu cuối cùng là cu Tí luôn miệng vâng dạ, con nhớ lời mẹ dặn mà, con sẽ không bao giờ mở cửa cho người lạ đâu, mẹ cứ yên tâm.

Cúp phone xong cu Tí mỉm cười nheo mắt nhìn anh, coi như nó vừa làm một sự chiếu cố đặc biệt cho anh, đã phá lệ, để người lạ vào khi không có mẹ ở nhà. Nó đã không coi anh như một thành viên trong ngôi nhà này nữa.

Chỉ trong vài phút ngắn ngủi trò truyện giữa hai mẹ con, anh đã hình dung ra cuộc sống hiện nay của họ. Buổi sáng cô ở nhà lo cho con và buổi chiều đi học về cu Tí phải gánh vác nốt những việc còn lại, thiếu một người cha, thằng bé đã phải làm những công việc của người lớn. Cu Tí kể:

- Ngày nào lúc break time ở hãng mẹ cũng gọi để xem nhà có chuyện gì không, và mẹ nhắc nhở con đủ thứ việc nhà. 



Anh cảm động khen con:

- Cu Tí ngoan và giỏi quá.

Anh đi lại khắp nhà, vẫn những đồ đạc cũ khi anh còn ở đây, kể cả những đồ dùng lặt vặt, người vợ cũ vẫn tiết kiệm như trước hoặc cô không có khả năng mua sắm cái mới.

Căn nhà này vợ chồng anh khi mới cưới nhau đã mua trả góp, đã là căn nhà hạnh phúc, căn nhà ước mơ của hai vợ chồng. Sinh thằng cu Tí xong, vợ anh đi làm tiếp để mau trả nợ nhà, khi cu Tí gần 9 tuổi món nợ nhà vơi bớt, vợ mới mang bầu Tina đứa con thứ hai, cô đâu ngờ rằng thời gian này anh đang có người yêu và sắp sửa lìa bỏ gia đình.

Căn nhà anh đã sống 9 năm trời nên anh dễ dàng nhận thấy vài thay đổi hư hỏng, những vết tường loang, cái mành cửa sổ xộc xệch, vài cái nẹp cửa phòng ngủ vênh ra, vòi nước trong phòng tắm đang chảy nhỏ giọt hững hờ như đang oán trách người chủ cũ đã vắng mặt lâu ngày.

Anh ra nhà kho sau vườn lấy búa đinh vào đóng lại nẹp cửa và sửa vòi nước, điều đơn giản dễ làm ấy nhưng với mẹ con cô cũng là điều không thể làm được. Khi mang hộp đồ nghề trả lại nhà kho, anh dạo quanh khu vườn. Cây đào, cây lê ngày nào còn bé nhỏ, vợ chồng anh hí hửng mua về, đã mong cây mau lớn để có bóng mát cho các con chơi. Nay cây đã lớn, đã có bóng mát, nhưng hai đứa con anh đã bao giờ vui thích chơi đùa dưới bóng mát ấy chưa?

Anh không dám nghĩ tiếp, bước vào nhà, những hình ảnh quá khứ bỗng đổ ập vào tâm tư anh, đây là phòng ăn, nhà bếp, cô ấy đã từng đứng nấu nướng, dọn ra những bữa ăn cho chồng con, kia là phòng ngủ, đã từng có những lúc mặn nồng hạnh phúc vợ chồng. Nhưng anh đã không yêu cô nữa, có một tình yêu khác làm anh mê đắm, anh đã đi theo tiếng gọi của con tim, dù khi anh đề nghị ly dị, vợ anh đã phản đối, đã khóc hết nước mắt, xin anh nghĩ lại vì các con, đừng làm tổn thương những tâm hồn vô tội.

Bé Tina đã thức dậy, từ trong phòng ngủ đi ra, thấy anh, Tina vội túm lấy áo cu Tí tìm chỗ nương tựa chở che và nhìn anh bằng ánh mắt nghi ngờ, xa lạ. Tina đã hơn 3 tuổi, nếu gặp ngoài đường anh không nhận ra con, anh thấy mình tệ bạc quá khi bây giờ mới đến thăm con lần đầu kể từ khi ly dị. Anh đến bên Tina giơ tay định bế nó, nhưng cu Tí nói ra vẻ hiểu biết đầy kinh nghiệm:

- Ba đụng vào người nó, nó sẽ khóc đấy.

Rồi cu Tí quay ra dỗ dành em:

- Đây là ba, ngày xưa ba cũng ở chung nhà với chúng ta mà. Cho ba bế Tina nhé?

Con bé vẫn chưa tin cậy, nó càng dựa vào người cu Tí và bám chặt lấy cu Tí hơn. Anh đành chịu thua, ngồi nhìn hai đứa con, ít nhiều ngày xưa anh đã từng bồng bế Tina, từng nâng niu nó, đó là máu thịt của anh, nhưng giờ đây chẳng khác gì người xa lạ. Khi ly dị vợ, xa con, anh không thể hình dung ra tình huống này.

Cu Tí để mặc anh ngồi thừ ra ở ghế, nó đi lo cho em, lấy chai thuốc ho như lời mẹ dặn. Anh không nỡ nhìn thằng bé loay hoay mở hộp thuốc, anh giúp nó bơm thuốc vào ống để cu Tí mang ra cho Tina uống, xong nó dắt em vào bếp lấy cơm để ra bàn cho con bé tự ăn một mình, cu Tí dịu dàng với em:

- Ăn cẩn thận, đừng làm đổ ra bàn, ăn xong anh cho ăn kẹo.

Tina ngoan ngoãn gật đầu và rón rén múc từng muỗng cơm ăn ngon lành. Tất cả diễn ra trước mắt anh như một vở bi kịch, vở bi kịch do chính anh gây ra và hai đứa con anh là nhân vật chính.

Từ lúc nào hai mắt anh cay xè mờ lệ. Cuộc sống hiện nay anh đang có bên vợ mới, con mới, chắc gì đã được như anh ước mơ, vậy mà anh đã đánh đổi bằng sự vất vả và thiếu thốn tình cảm của hai đứa bé này. Một ngày nào đó khi chúng lớn lên, chúng sẽ hiểu vì đâu.

Anh bỗng rùng mình và đau đớn, anh cứ ngồi nhìn hai con và không biết phải làm gì, nỗi đau như chôn chặt anh trong lòng ghế. Một lúc lâu cu Tí dè dặt hỏi:

- Ba đợi mẹ về không?

Anh lắc đầu, hình như nếu anh thốt ra lời thì nước mắt cũng ra theo.

- Vậy ba về đi, chút nữa con còn tắm cho Tina và học bài nữa, con bận lắm.

Anh rút ra một xấp tiền đưa cho cu Tí, nó nắm chặt lấy món tiền, chắc nó nghĩ những đồng tiền cần thiết cho mẹ và sẽ làm mẹ vui. Nhìn cử chỉ và nét mặt vui mừng của thằng bé, anh có thể đoán ra mẹ con họ đã sống trong cảnh chắt chiu từng đồng. Căn nhà anh hào phóng để lại cho vợ con nhưng cô ấy vẫn phải tiếp tục trả góp thêm vài năm nữa.

Anh ôm chặt lấy cu Tí, trong đời anh, chưa bao giờ có một cảm xúc thương yêu con dạt dào như bây giờ. Bé Tina vẫn đứng xa, nhất định không cho anh đụng tới.

- Ba đi nhé, con hãy ngoan, chăm học. Ba sẽ về thăm các con thường xuyên.

Anh đến đây, dự định sẽ gặp lại vợ cũ, sẽ nói lời xin lỗi và vui chơi cùng hai con. Bây giờ anh hiểu rằng, có nói trăm ngàn lần lời xin lỗi và dù vợ anh có tha thứ, chấp nhận hiện tại đường ai nấy đi, nhưng những cái nhìn của hai con, ánh mắt buồn vui bất chợt và dửng dưng của cu Tí, ánh mắt xa lạ và dè dặt của bé Tina, sẽ theo ám ảnh anh không biết đến bao giờ.

Cánh cửa mà cu Tí vừa khép lại sau lưng anh, lại gieo vào lòng anh cả sự lạnh lùng và oán trách. Cánh cửa đã phân chia ranh giới, như hai kẻ xa lạ mỗi người một lối đi và cuộc sống khác nhau.

Anh lái xe rời khỏi thành phố như một kẻ chạy trốn.


Edmonton, Fathers Day 2024

Kim Loan                 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
19/07/202420:06:48
Khách
PhanNg viết:
Chẳng hạn Tổng Thống Biden lấy vợ rồi ly dị say mê sự nghiệp chánh trị bỏ bê khômg dạy dỗ con trai là Hunter Biden để anh ta hút xách nghiện ngập nên nay bị kết tội khai man mua súng lúc đang hút xách.

--------------------------------------------------

Ông Biden từng là widower vì người vợ đầu tiên của ông bị chết vì tai nạn xe cộ, chứ ông ấy không hề ly dị vợ.

Ông hay bà PhanNg biết đọc tiếng Anh không hả? Nếu biết thì nên dùng search engines như DuckDuckGo, Econsia, hay Google mà tìm thông tin chính xác,

Cho dù nếu ông hay bà PhanNg ghét tổng thống Biden thì cũng không nên xuyên tạc với những tin láo xạo theo kiểu của bầy vịt cộng .đã và đang làm.
02/07/202420:50:15
Khách
Cảm ơn Tác Giả một bài viết hay.
13/06/202422:54:31
Khách
Kim Loan viết bài này hay lắm! Đặc biệt là khác những bài trước về cách kể chuyện vui tươi, hóm hĩnh; bài kỳ này có lối viết khác: da diết, sâu sắc... Biết là đang đọc truyện, mà vẫn như nhìn thấy người cha và hai đứa bé trước mặt; nhất là hình ảnh bé gái 3 tưổi bám chặt vào anh trai 12 tuổi để tìm sự che chở. Sống động và hay quá!
12/06/202420:44:15
Khách
Ngoại tình là một tội nặng lắm. Không những nó làm tan vỡ gia đình, chia lìa vợ chồng, con cái mà còn đưa đến những hệ lụy liên hệ đến cả họ hàng hai bên nội, ngoại, và ảnh hưởng ngay cả đến bạn bè. Nó còn đưa đến những rắc rối, tai hại về công ăn việc làm, nhà cửa, tiền bạc nữa. Chưa nói đến đổ máu đấy
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, nên đừng tưởng rằng dấu giếm được sự ngoại tình của mình .
Mấy ai dễ dàng tha thứ cho người bạn đời về tội ngoại tình để rồi tiếp tục chung sống, coi như không có chuyện xấu xa này xẩy ra, life goes on .
Thế cho nên ráng mà gạt bỏ sự cám dỗ của ngoại tình .
12/06/202415:56:19
Khách
Tên PhaoNg nói thật là buồn cười, nếu không muốn nói là ngu xuẩn . Nghiện ngập ma túy là chuyện thường tình, vả lại Hunter Biden đã hơn 18 tuổi, đã ra khỏi trách nhiệm của bố mẹ.
Bà Patti Davis, con gái của TT Reagan trước kia cũng nghiện ngập ma túy đấy thôi. Không những vậy, bà còn chụp hình khỏa thân cho tạp chí Playboy nữa .
Hai đứa con gái sinh đôi của TT Bush rất là quậy phá, đã vài lần bị bắt khi uống rượu dưới tuổi vị thành niên .
Tên PhaoNg cũng chẳng biết tại sao TT Nixon từ chức nên mới viết những câu bình...loạn như thế.
11/06/202414:37:46
Khách
Bài viết rất hay và cảm động. Con nguời hay phạm lầm lỗi, nhưng cái lầm lỗi của nguời cha không những làm hại nguời mẹ mà còn làm hại những đứa con thơ, trẻ con mới 12 tuổi phải mang gánh nặng do cha gây ra, và hai con như bị mồ côi cha. Nếu mình không yêu vợ chồng thật tình thì đừng đẻ con, vì đẻ thêm con ra chỉ làm hại trẻ con vô tội. Cuộc đời vô thuờng đầy oan nghiệt, nếu mình đã quyết định sai lầm về vợ chồng và đã có con thì phải can đảm nhận trách nhiệm với món nợ gây ra với con vì con cái bị mình bắt buộc sinh ra dù nó không muốn bị sinh ra trên cõi ta bà để gánh chịu tội lỗi của cha mẹ.
Ði theo tiếng gọi tình yêu của một nguời xa lạ mà bỏ rơi con mình thì hành động quá bản năng tàn nhẫn. Hành động bản năng này chỉ thấy ở hưu nai, sư tử, chó, gà, v.v bỏ con cái tự lo lấy thân sau vài tháng tuổi nhưng con nguời biết suy nghĩ về trách nhiệm bổn phận luân lý không ai làm. Nhưng cuộc đời lại có rất nhiều nguời sống theo bản năng thay vì sống theo đạo đức.
Chẳng hạn Tổng Thống Biden lấy vợ rồi ly dị say mê sự nghiệp chánh trị bỏ bê khômg dạy dỗ con trai là Hunter Biden để anh ta hút xách nghiện ngập nên nay bị kết tội khai man mua súng lúc đang hút xách. Chỉ vì Biden là Tổng Thống nên Hunter mới bị truy tố, nếu Biden không làm Tổng Thống thì có lẽ Hunter đã không bị truy tố như bao nguời dân trong các nhóm băng đảng đi mô tô phần đông hút xách mua súng ống nhưng không ai bị truy tố. Trong truờng hợp này, nguời con trai bị tù chỉ vì cái nghiệp của nguời cha ham sự nghiệp chánh trị. Cách hay nhất để chuộc lỗi lầm thiếu bổn phận làm cha là TT Biden từ chức để bà Harris lên làm TT để bà Harris pardon tha tội cho Hunter như TT Ford tha tội cho Nixon 1974. TT Biden có quyền tha tội cho con, nhưng làm như thế là mang tiếng thiên vị gia đình.
Nếu phải bỏ ngai vàng để cứu con trai duy nhất còn sống (đưá con khác đã chết trẻ) thì TT Biden nên làm. Cuộc đời hư vô công danh sự nghiệp như giấc kê vàng, nằm mơ thấy mình thành đạt công danh khi tỉnh dậy thì nồi kê nấu chưa chín.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 272,388
01/08/202400:59:10
Lệ Lê có giọng hát cổ nhạc đâm thấu tim thính giả. Có lẽ lai Mỹ nên Lệ Lê được trời phú giọng hát dây đào cao, làn hơi mạnh, trong, và ngân tự nhiên; lại thêm làn da trắng bóc trộn giống Á-Âu nên Lệ Lê một thời rất ăn khách trong làng cổ nhạc Việt hải ngoại. Trời thương Lệ Lê có trí nhớ tốt vô cùng thuộc đến cả gần trăm bài cổ nhạc đủ điệu, dài dai gấp hai, ba lần tân nhạc nên khách yêu cầu bản nào là xổ ra ngay bản đó. Cứ cả ngày rảnh rỗi mò mò vài nút máy thu âm cầm tay là Lệ Lê thuộc lòng lắm bài như kiểu nhồi sọ loa phường đã quen. Độc đáo hơn nữa, Lệ Lê mù nên rất dễ lấy nước mắt khách ái mộ. Sau cơn tiểu phẫu, Lệ Lê phát ù. Nhưng vẫn đẹp nét lai. Cứ lai là đẹp.
30/07/202400:02:39
Thời gian gần đây trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như ở Việt Nam bỗng nhiên phát sinh một câu hỏi là sống ở Mỹ sướng hay ở Việt Nam sướng? Vấn đề đặt ra giữa lúc có một số Việt kiều Mỹ phần lớn là đã lớn tuổi, đã về hưu nay quay về Việt Nam sống. Họ nói sống ở Việt Nam sướng và hết lời ca tụng Việt Nam, thì cũng được đi nếu họ không chê bai Mỹ, đả kích Mỹ và Việt kiều bằng những lời lẽ bịa đặt vu vơ...
26/07/202400:00:00
Chuyện bão tố hay cúp điện, mất điện đối với người Việt, hay nói chính xác hơn là “người Mỹ gốc Việt” khi còn ở quê nhà thì chỉ là điều... bình thường, quen thuộc, “nói hoài, nói mãi”, xưa rồi Diễm, ít quan tâm. Hay có quan tâm, thì chỉ là những cơn giông bão lớn, với số người phải chịu cảnh thiên tai này là quá lớn, cần sự quan tâm và cứu trợ của cả nước, hay thậm chí là những nước khác giúp đỡ! Riêng việc bị mất điện, cúp điện thì chẳng chết “thằng Tây” nào, và cũng có nhiều nơi, nhiều địa phương là chuyện như “cơm bữa”, là chuyện “thường ngày ở huyện”. Bởi cũng đã từng có nhiều người, nhiều gia đình, cả đời chưa hề... biết “xài điện” là gì, cho nên, có người vui miệng, từng xổ “tiếng Tây, tiếng u” là... “No table” hay “No star where”, dịch diễn nôm na là “miễn bàn”, “không sao đâu” đó thôi!
25/07/202406:00:00
Cô sinh ra trong một gia đình trung lưu trí thức. Ba cô là đại úy không quân. Lương của ông không nhiều, nhưng đủ nuôi vợ và đàn con sáu đứa. Như đa số những phụ nữ thời bấy giờ, mẹ cô chỉ ở nhà quán xuyến gia đình. Mọi việc sẽ thuận lợi theo dòng đời, nếu không có hai biến cố đột ngột xảy ra...
23/07/202406:01:00
Tác giả tên thật là Phương Nguyễn. Sinh năm 1957 tại Phủ Cam, Huế, là cựu học sinh trường Jeanne D'Arc. Bà hiện ở tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Tác giả vừa nhận giải Đặc Biệt năm 2023. Bài viết dưới đây là câu chuyện buồn về sự ra đi bất ngờ của người con trai, đồng thời là lời tri ân sự chăm sóc tận tình của bệnh viện Harborview – Seattle, USA.
19/07/202400:00:00
Hằng năm vào khoảng cuối tháng năm khi trăm hoa đua nở, khí hậu ôn hòa vừa nắng ấm vừa mát mẻ, thì khắp nơi xứ cờ Hoa, học trò các cấp lớp được nghỉ hè, rời mái trường thân yêu một thời gian. Khi ấy các cô cậu có thể đi du ngoạn với gia đình, tìm việc làm ngắn hạn trong mùa hè, hay chỉ nghỉ ngơi thỏa thích bù thời gian vất vả thức khuya dậy sớm suốt niên học.
18/07/202406:00:00
... Từ vài chục năm nay, chúng ta đã đồng ý với sự phân chia thành ba thế hệ người Việt đang sống ở nước ngoài: (1) Thế hệ thứ nhất gồm những vị đã thông tạo tiếng Việt vả chữ Việt tại quê nhà trước khi bỏ nước ra đi. (2) Thế hệ một rưỡi gồm những người rời khỏi quê nhà trong tuổi thiếu nhi chưa rành rẽ chữ và tiếng Việt. (3) Người trẻ được sinh ra ở quê hương thứ hai. Theo nhận xét của tôi thì việc đọc sách và báo Việt không có được sự hân hoan tương đương như trên. Tôi không dám viết ra đây phần trăm ít ỏi đã lượng định, xin quý độc giả tự làm việc này. Vậy ta phải làm gì để Giúp Thế Hệ Sau Đọc Sách Báo Việt? Ta hãy làm thế nào mà chợt có dịp may, một người thế hệ sau cầm quyển sách hay tờ báo đọc thử, nếu họ hiểu thì mới có cơ may họ sẽ tiếp tục đọc sách báo Việt. Nếu không hiểu thì họ sẽ từ giã, rất khó sẽ thử lại một lần nữa. Việc làm này cũng giúp cho toàn dân Việt nhìn rộng ra thế giới...
16/07/202402:20:00
Vì quê nhà đổi chủ, nên bà con mới phải lưu lạc xứ người. Ma cũ là người qua trước. Ma mới là người đến sau, “trâu chậm uống nước đục “. Những người may mắn thoát được trước ngày tan hàng, đã ổn định đời sống từ lâu. Kế đến là những thuyền nhân vượt biên sớm. Còn người kẹt trong các trại tù cải tạo mới được qua sau này, hầu hết toàn con cháu bà Cả đọi, được chính phủ Mỹ cho qua theo diện tị nạn, đa số đều lớn tuổi, tiền bạc eo hẹp. Bởi vậy khi có người lân la hỏi thăm có nhận giữ trẻ không? Họ sẽ trả tiền mặt. Tôi như chết đuối vớ được ván.
12/07/202400:00:00
Năm 2009 sau chuyến đến Nam Cali thăm gia đình và bạn hữu, tôi viết bài tường thuật cuộc phiêu lưu của tôi tại Orange County, lên Las Vegas, San José, trước khi rời Cali trở về nhà. Ly Kai, biệt danh ông kẹ đi bán chính thức, chủ xị của nhóm Văn Khoa tại đây với Mỹ Dung thường tổ chức mấy bữa họp mặt mỗi khi các bạn từ xa đến đây chơi. Trở về nhà, tôi viết một bài về chuyến du hành năm đó và gửi cho các bạn đọc cho vui, Mỹ Dung khuyên tôi gởi bài này cho báo Người Việt. Mấy tuần sau, bài «Mưa Cali» được NV đăng báo, và cô MC Hồng Vân đọc trên đài VOA tiếng Việt.
11/07/202406:00:00
... Chúng tôi chia tay, ra về với những nụ cười trên môi. Emily, cô bạn Mỹ tánh tình thẳng thắn, chân thật đã giúp tôi hiểu được những cú sốc văn hóa Việt trên đất Mỹ. Emily đã giúp tôi hiểu được sự khác nhau giữa hai nền văn hóa Việt Mỹ, nhờ buổi nói chuyện này mà chúng tôi trở nên hiểu nhau hơn và thân nhau hơn.