Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân và giải đặc biệt năm 2023. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
*
Có nhiều người bạn hay nói, tôi mến người này thích người kia. Tôi hỏi:
- Vì sao mến thích người đó?
Họ đáp:
- Không biết, chỉ cảm nhận là người tốt.
Trực giác của tôi không thật sự nhạy bén để cảm nhận ai là người tốt người xấu. Sự mến mộ một người của tôi đến từ yếu tố nhận thức, qua thời gian tiếp xúc, nói chuyện và những cử chỉ hành động của người đó tạo nên.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy có những điều tiểu tiết trong cuộc sống, không cần giải thích gì nhiều, đã làm những người xa lạ gặp nhau đôi lần đã thấy thân quen hoặc ngược lại, đã thân quen bỗng nhiên xa lạ. Tôi xin kể vài chuyện nhỏ bé như thế.
Tôi không quên anh bạn ấy, có lẽ vì hình ảnh, câu chuyện giữa anh và tôi. Thời gian mới qua Mỹ, tôi quen biết anh trong trường dạy tiếng Anh miễn phí vào ban đêm. Bạn học trong lớp chúng tôi xưng hô gọi anh vì anh lớn tuổi hơn tất cả chúng tôi. Anh hiền lành và đạo đức nên ai cũng quý mến anh.
Một hôm, anh ấy rủ tôi và một người bạn học khác đi chơi SeaWorld. Anh lái xe chở chúng tôi mấy tiếng đồng hồ mới tới SeaWorld. SeaWorld là một công viên giải trí, ngoài các trò chơi cảm giác mạnh còn có hồ cá nhìn được cận cảnh các sinh vật biển, có chương trình biểu diễn cá voi, sư tử biển, rái cá và nhiều loài động vật biển khác.
Tới cổng công viên SeaWorld, anh ấy nói:
- Để anh vào mua vé.
Hai đứa tôi chờ hoài không thấy anh ra nên đến quầy bán vé tìm anh. Hai đứa chạy tới chạy lui tìm rất lâu thì thấy anh đã vào công viên rồi. Đứng ở bên trong cổng rào, anh hét lớn hỏi:
- Sao hai đứa chưa vào?
Hai đứa tôi gào lên:
- Tụi em không có vé.
Anh chỉ tay về hướng quầy vé rồi đi vào bên trong. Chúng tôi đến quầy vé chờ hoài vẫn không thấy anh nên hai đứa móc tiền ra đếm, gom lại chỉ có thể mua được một vé. Hai đứa tôi quyết định không mua vé mà để tiền mua đồ ăn nước uống. Thời gian đó, chúng tôi chưa có thẻ nhà băng hay thẻ tín dụng.
Hai đứa chúng tôi nghĩ theo kiểu Việt Nam, anh ấy rủ đi chơi thì anh ấy sẽ bao. Còn anh ấy nghĩ kiểu Mỹ, đi chơi chung nhưng tiền ai nấy trả. Hai đứa tôi mua thức ăn và nước uống rồi dắt nhau đi lòng vòng ngoài công viên như đôi tình nhân hết mặn nồng. Đi mãi mỏi chân, chúng tôi ra bãi đậu xe ngồi chờ anh.
Tưởng anh sẽ áy náy vì chúng tôi chờ anh bên ngoài mà về sớm, ai ngờ anh ở chơi trong đó đến sẩm tối mới ra. Nguyên ngày trời nắng nóng như thiêu đốt, ngồi chờ từ sáng cho đến chiều tối, lòng đầy muộn phiền. Trải qua “thảm họa” ở chẳng đặng mà về cũng không được này, tôi mới biết khả năng vượt qua “thảm họa” một cách bình thường của tôi là như thế nào.
Thấy anh ra đến xe, tôi nhẹ nhàng hỏi:
- Sao anh ra trễ vậy, tụi em chờ anh quá trời luôn.
Anh ấy cười đáp:
- Mua vé rồi thì phải chơi cho đáng đồng tiền chứ.
Nghe câu trả lời của anh, lòng tôi bỗng hết phiền muộn vì vừa hiểu được anh.
Cho dù bạn đang ở lứa tuổi nào thì cũng không thể tránh khỏi phiền muộn khi gặp phải những điều không như ý trong cuộc sống. Để quên đi điều phiền muộn ấy thì phải hiểu vì sao tâm trạng mình phiền muộn và tìm cách làm cho nó vơi đi.
Hồi còn ở Việt Nam tôi có thằng bạn, khi đi ăn uống chung cả đám bạn trai lẫn gái, cứ mỗi lần tính tiền thì nó đứng dậy vỗ ngực nói:
- Để anh trả hết cho.
Mọi người cảm ơn thì nó nói:
- Có bao nhiêu đâu. Không có chi.
Lúc về nó tính toán tiền, xong chia đều bắt đám con trai chúng tôi phải trả lại cho nó. Bạn bè mời nhau đi ăn uống là chuyện rất bình thường, tuy nhiên cũng cần phân biệt rủ và mời, rủ đi ăn là tiền ai nấy trả và mời thì người mời trả. Mức độ mập mờ giữa rủ và mời đi ăn của nó ngày càng cao khiến đột nhiên nó trở thành chủ nợ và bọn tôi thành con nợ của nó. Việc tự nguyện trả tiền toàn bộ khi đi ăn uống đó khác với việc cho vay một khoản tiền cụ thể, vậy mà nó đi theo đòi nợ bọn con trai chúng tôi mỗi ngày. Biết nó sĩ gái, bày đặt làm màu gánh chi phí để lấy le nên bọn tôi trả tiền cho nó và bớt đi ăn uống chung với nó.
Vừa qua có một người bạn mời tôi đi ăn tối, bạn qua Mỹ từ lúc còn nhỏ, nói viết tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt. Trước khi đi ăn, bạn ân cần hỏi xem tôi muốn ăn ở nhà hàng nào và có thích một loại thức ăn đặc biệt nào không. Tôi đáp, ăn ở đâu cũng được. Bạn lái xe chở tôi đến một nhà hàng có phong cách vừa Mỹ vừa Mexico mà gia đình vợ con bạn ấy đã đến ăn nhiều lần.
Vào nhà hàng, bạn chủ động đẩy tờ thực đơn qua và hỏi tôi muốn gọi món ăn thức uống gì. Nói thật ở Mỹ, nhưng mỗi khi ra ngoài ăn, tôi toàn đi ăn ở các nhà hàng Việt Nam. Nhìn thực đơn tiếng Mỹ, tiếng Mễ toàn các món lạ tôi chưa từng biết nên tôi nhờ bạn gọi giùm món ăn cho tôi luôn. Bạn gọi mấy món ăn phụ, hai món thức ăn chính và xin thêm hai cái đĩa không để cùng ăn chung. Bạn nói, ăn như vầy để tôi biết mùi vị của cả hai món ăn.
Ăn xong, bạn ấy gọi nhân viên tính tiền, nhân viên phục vụ hỏi cách thanh toán gộp lại hay chia ra. Trong những lần đi ăn với bạn Mỹ hay Việt, tôi thích kiểu thanh toán phần ai nấy trả. Tôi muốn giành trả tiền, nhưng bạn nói, bạn mời thì bạn trả. Tôi không muốn tạo ra cảnh “tranh giành trả tiền khí thế” khiến người phục vụ chẳng biết nhận thẻ tín dụng từ ai nên để bạn ấy trả tiền. Bạn ấy qua Mỹ từ nhỏ, nhưng lại theo kiểu Việt, bạn trả hết cả thức ăn, nước uống và tiền tip.
Có những sự việc đôi khi mình nhớ đến dù đó là những chuyện nhỏ nhặt hay các hình ảnh chẳng liên quan gì đến nhau.
Một người bạn hay mời tôi và bạn bè đến nhà ăn hải sản. Bạn này cuối tuần thường lái tàu ra biển câu cá, bắt tôm cua chỉ để đem biếu tặng và đãi bạn bè ăn. Bạn ấy chẳng những đã bỏ nhiều thời gian công sức mà tiền đổ xăng dầu cho con tàu còn mắc hơn ra chợ mua cá tôm, nhưng đó là niềm vui của bạn ấy. Vì công sức của bạn và tình cảm nồng hậu của vợ bạn dành cho bạn bè nên mỗi lần được mời ăn ở nhà vợ chồng bạn ấy, tôi thấy ngon hơn cả trăm lần ăn tôm cá ở nhà hàng sang trọng.
Có một người bạn khác mời tôi ăn tối, sau bữa ăn, vợ chồng bạn ấy tặng tôi một bịch nhỏ trái táo tàu trồng trong vườn nhà. Nhìn những trái táo tàu được hái một cách cẩn thận và rửa sạch sáng bóng, tôi biết tình cảm mà vợ chồng bạn ấy dành cho mình quý như thế nào. Điều đó tạo nên một xúc cảm trong lòng và tôi đã trân trọng điều đó bằng cả lòng thành.
Trong những buổi tụ tập bạn bè, tôi gặp nhiều bạn quen và lạ. Bạn quen tôi không bàn đến nhiều ở đây, bạn lạ thì tôi quan sát và làm quen. Trong những người bạn lạ đó có một bạn khiến tôi thắc mắc: Bạn này có gì mà ai cũng tỏ vẻ thiện cảm và yêu mến đến vậy? Bạn ấy giàu sang, chức quyền, có điểm nổi trội hay có điều gì khiến người khác ngưỡng mộ? Nói để các bạn biết, ở Mỹ này ít ai săn đón người giàu sang hay chức quyền vì không mấy ai thật sự cần sự giúp đỡ ở họ.
Bạn lạ ăn mặc sang trọng, lịch sự và có vẻ lãnh đạm một chút. Ngồi cạnh bên trái tôi, bạn ấy ít nói, chỉ chăm chú lắng nghe chứ không tham gia vào các câu chuyện trong bàn tiệc. Tôi chào, bạn ấy cười chào lại, tôi hỏi câu nào bạn ấy chỉ trả lời câu đó thế thôi.
Cuối buổi tiệc đến phần ăn tráng miệng, tuy vợ chồng bạn chủ nhà đã bày ra một đĩa nhiều loại trái cây, nhưng một chị mà tôi chưa quen, đem ra một trái thanh long ruột đỏ to bằng bàn tay. Chị ấy đảo mắt xem có bao nhiều người trong bàn, rồi thận trọng cắt trái thanh long ruột đỏ ra thành hơn mười miếng đặt vào một cái đĩa. Các bạn thử tưởng tượng xem, trái thanh long to bằng bàn tay mà cắt ra nhiều lát như vậy thì lát thanh long nó mỏng đến cỡ nào.
Một bạn ngồi bên phải nói nhỏ vào tai tôi:
- Trước đây thanh long ruột đỏ hiếm chứ bây giờ ngoài chợ bán đầy. Ra mua một rổ mà mời khách, chứ một trái chia ra bao nhiêu người ăn coi sao được.
Chị ấy cầm cái đĩa có những lát thanh long mỏng nhỏ, đi quanh bàn mời từng người một. Đến chỗ anh bạn lạ, chị ấy mời, nhưng bạn ấy lắc đầu từ chối.
Tôi nghĩ chắc bạn này thấy ít nên không ăn. Chị ấy mời tôi, tôi cẩn thận lấy một lát. Khi chị ấy đã đi qua rồi, tôi hỏi người bạn lạ:
- Sao anh không nhận một lát thanh long cho chị ấy vui?
Bạn lạ đáp:
- Cô ấy là vợ tôi.
Thấy mình bị hớ lời, tôi hỏi tiếp:
- Anh không thích thanh long à?
Bạn ấy nói với giọng điệu thân thiện:
- Thanh long nhà tôi trồng đem đến.
Bị hớ thêm lần nữa, người ta đã trồng tất là thích rồi. Đa số nhà người Việt ở California đều trồng một số cây ăn quả mình thích và cũng để làm cảnh đẹp sân vườn. Với vẻ quan tâm, tôi hỏi:
- Năm nay thanh long được mùa không anh?
Bạn ấy cố gắng kiềm chế cảm xúc và kiên nhẫn trả lời nhỏ nhẹ với người hỏi những câu ngớ ngẩn:
- Tôi mới trồng, đầu mùa chỉ có một trái.
Tôi không hỏi nữa vì hiểu ra tình cảm của một người bạn dành cho những người bạn. Tôi cũng có trồng cây ăn quả trong vườn nhà nên biết sự trân quý những thành quả qua một năm tưới bón, chăm sóc của mình. Trồng năm đầu và chỉ mới có một trái mà vợ chồng bạn ấy lại đem đến tặng cho bạn bè, thật là hiếm gặp phải không các bạn. Bạn ấy đem tặng cái tốt đẹp nhất mình có để làm hài lòng người khác, đã cho thấy sự chân thành của bạn ấy đối với bạn bè.
Buổi tiệc tàn, mọi người đứng dậy phụ dọn dẹp chén đĩa, bàn ghế trước khi ra về. Nhìn anh bạn lạ, đầu tóc trau chuốt kĩ lưỡng, ăn mặc sang trọng đứng rửa chén bát sau bếp, tôi hiểu vì sao mọi người quý mến bạn ấy.
Có nhiều bạn được quý mến không phải vì giàu sang, địa vị hay có tài năng mà bởi những điều dễ làm cho người khác mến mộ như lòng chân thành, sự nhẫn nại, biết lắng nghe, một cái bắt tay ấm áp với ánh mắt thân tình, một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu...
Trong các buổi tụ tập bạn bè, một người có những lời hài hước thú vị thường được mến thích, tuy vậy theo tôi, một người thể hiện sự quan tâm tới những người khác thì sẽ được ái mộ hơn nhiều.
Phước An Thy
Phước An Thy