Hôm nay,  

Nước Mỹ Là Nhà Của Mị

30/10/201700:00:00(Xem: 10361)
Tác giả: Quynh Gibney

Bài số 5257-19-31100-vb2103017

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tại Việt Nam cô học đại học tổng hợp ngoại ngữ. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và tác giả đang làm công việc thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Mong Quynh Gibney tiếp tục viết.

 
***
 

Nước Mỹ của Mị bây giờ là một khoảnh sân sau nhà lem nhem cỏ chỗ xanh chỗ vàng, có nơi trụi lủi vì Mị không dám tưới nước nhiều. Mị ở miền Nam bang California mà. Ở California thì phải cẩn thận tưới tiêu, không được lãng phí nước vì hạn hán. Có dạo, họ còn giới hạn hẳn việc sử dụng nước trên mỗi đầu người.

Mị chịu khó dùng nước tiết kiệm. Rửa rau quả thì Mị cũng cho nước vào xô mang ra tưới rau. Kế bên vạt cỏ lem nhem ấy là góc rau Việt Nam của Mị. Có cà, có hẹ, có cải bẹ xanh, có ngò rí, có ớt chỉ thiên, có rau dấp cá, có hng lủi, hung cây, bạc hà, nha đam, còn có cả vài ngọn gừng xanh mướt mà Mị vùi vào đất những củ gừng đã lên mầm mang ra từ bếp. Đất đai, cây cối cũng như tình cảm con người, phải chăm sóc, nâng niu, vun đắp thì đất mới màu mỡ, cây mới ra hoa kết trái, tình cảm mới trở nên thân thiết, bền lâu.

Mị có biết chi nhiều về nước Mỹ đâu. Ngày xưa ở Việt Nam thì Mị cũng không ngáo ngơ lắm đâu. Tuy Mị không bon chen được mấy với các kiểu “con nhà có điều kiện” theo cách nói của bọn trẻ bây giờ thì Mị cũng có công việc kha khá, tiếng Anh cũng nói được ít nhiều. Mị học Đại Học Tổng Hợp khoa Ngoại Ngữ. Là Đại Học Văn Khoa ngày xưa thời cha mẹ của Mị. Nhưng mười bốn năm trước, Mị quởn quá không biết làm chi, thế là có một anh chàng tự xưng là nhạc sỹ, mắt nâu, tóc nâu, mũi két về xin cưới Mị là Mị đồng ý ngay và đi Mỹ luôn cho biết với người ta.

Một chiều tháng 10  mười ba năm trước, Mị đến Mỹ. Sau khi đã ói sạch mấy chục bao nylon trên chuyến bay từ Việt Nam sang Đài Loan và từ Đài Loan sang San Francisco thì Mị quá đuối luôn. Các cô chiêu đãi viên hàng không liền yêu cầu Mị ngồi yên đấy ôm… cái bụng bầu, các cô kêu người cho xe đẩy Mị ra cảng. Mị ngại quá, nhưng đi thì sợ té. Ôi dào ơi, cái anh đẩy xe, người cũng nhỏ thôi mà khỏe phết. Anh ý đẩy Mị ngồi một xe lăn, một bác nữa xe lăn kế bên đi phom phom một hơi là tới cổng hải quan.

Sau khi lảo đảo trình giấy xong thì Mị cũng được ra cửa gặp chồng Mị. Suy nghĩ đầu tiên của Mị về cái phi trường San Francisco là, “chời ơi nó xấu quắc”. Mị có đi nước ngoài rồi nhé. Mị từng đi Singapore và Malaysia theo tour. Ôi phi trường hai xứ ấy nó to và đẹp lắm. Cái phi trường San Francisco này sau nó xám xịt thế kia. Nhưng Mị chẳng nghĩ được chi nhiều nữa. Mị đói. Cứ nghĩ bà bầu 24 tiếng không ăn gì, ói suốt cả chặng bay dài xuyên đại dương bao la thì… đói phải biết.

Chiều tháng 10 đó, Mị bận quần áo thì mỏng để đi đường xa cho thoải mái mà đi bộ trong cơn gió lúc giao mùa của thành phố biển San Francisco, Mị lạnh khủng khiếp. Mị lấy chồng My, mà lại lấy một ông ở cái thành phố bé tí tẹo, có năm ngàn dân và trong số đó có hai người Việt Nam nên ông ấy chả biết quái gì về phụ nữ Việt Nam sợ lạnh như Mị. Ông ấy còn bảo gió biển rất thoáng mát. Ôi, lúc ấy Mị chỉ muốn khóc mà bận run lập cập nên không khóc nổi a. May mà chỉ đi 10 phút là đến một tiệm ăn của người Hoa, Mị vào kêu một tô phở, đúng, phở nhé. Mị ăn trong 5 phút, cái tô không mà còn bốc khói. Mị xoa bụng nghĩ, một quãng đời mới đã bắt đầu.

Sau khi được tô phở giúp cho tỉnh táo thì Mị lên xe về nhà mới. Nhà mới của Mị thuộc vùng Sonoma County, có Napa Valley, thung lũng trồng nho làm rượu nổi tiếng của bang California cách thành phố San Francisco về hướng đông bắc. Làm sao Mị có thể quên được quãng đường đêm thăm thẳm ngày đầu tiên trên đất Mỹ. Nhìn quãng đường thăm thẳm, thỉnh thoảng có một vài xe ngược chiều mới thấy ánh đèn xe, còn thì mỗi xe của Mị bon bon trên đường, một mình. Mị cứ thắc mắc mãi, quái, cái xứ Mỹ này giàu có thế sao lại không có nổi một cây cột đèn đường thế kia?

Nói về giao thông phải công nhận đường xá ở Mỹ đẹp quá xá đẹp. Mị ở Mỹ đã mười ba năm và vẫn không thôi ngưỡng mộ hệ thống đường xá của Mỹ. Họ thiết kế và qui hoạch cực kỳ cẩn thận.  Các xa lộ rộng thênh thang với nhiều làn xe lưu thông mỗi chiều. Hệ thống biển báo, chỉ đường hết sức rõ ràng và thuận tiện. Đặc biệt có nhiều nút giao thông bao gồm có khi cả hai ba tầng với các xa lộ tỏa đi nhiều hướng khác nhau. Các loại xe hơi với nhiều hiệu khác nhau mà ngày còn ở Việt Nam, Mị cứ tưởng trên đời này chỉ có mỗi hai ba hạng xe Nhật, Mỹ rất phổ biến với người Việt Nam.

Đến giờ Mị vẫn còn thói quen nhìn hiệu xe, kiểu xe khi đi đường và Mị phát hiện hàng ngàn chiếc xe lưu thông trên đường mà Mị gặp mỗi ngày khi đi làm, gần như chư bao giờ Mị thấy hai chiếc xe có cùng kiểu dáng và màu sắc trong một ngày. Thế mới thấy rõ rằng người Mỹ tiêu thụ xe hơi nhiều nhất thế giới và hệ thống giao thông phục vụ cho nhu cầu đi lại bằng xe cá nhân vẫn không ngừng phát triển.

Đấy, cứ nói tới giao thông của Mỹ và xe hơi là Mị thích ghê gớm, khéo lại sa đà vào. Mà Mị ham lái xe lắm. Cứ nghĩ đến lúc ngồi sau tay lái vi vu là sướng hết người. Sinh con chỉ mới có một tháng thôi, là chồng Mị cho Mị tập lái xe. Thằng bé con của Mị ngủ ngoan lắm, cứ nằm trong ghế dành cho trẻ em mà ngủ. Thế là Mị hăm hở lên ghế tài xế, chồng Mị bảo “cover the break” ý là đạp chân lên thắng í, thì mới gạt cần số được, nhưng Mị nào hiểu. Mị cứ tưởng như cái thuở Mị chạy xe gắn máy bon bon khắp Sài Gòn, chỉ cần để chân hờ trên thắng thôi, hễ cần thì đạp thắng. Thế nên, ông chồng thử xe thì không sao, mà tới phiên Mị ngồi vào thì cần số cứng ngắc, không gạt tới gạt lui gì được. Sau chừng ba mươi phút, chồng Mị bắt đầu chửi thề, còn Mị thì mếu máo chắc là Mị làm hư xe của lão í. Cuối cùng chồng Mị phát hiện ra Mị chỉ để cái chân hờ trên cái thắng thôi, không có đạp nên cần số gạt hổng được. Vì Mị hiểu “cover” là “che lên” chứ nào hiểu chi mô. Thế là lão cứ cười miết tới tận mấy năm sau vẫn còn lôi ra chọc quê Mị.

Ôi chao, cuối cùng sau 6 tháng vất vả dạy Mị lái xe thì chồng Mị bảo, chồng phải kêu thầy dạy Mị chứ huyết áp chồng Mị bắt đầu không kiểm soát được rồi. Thế là chồng Mị thuê một anh chàng trẻ trung hết sức đẹp trai dạy Mị lái xe, ngại quá Mị hay thích trai đẹp mà. Cuối cùng, Mị cũng có được bằng lái xe sau hai lần thi lái.

Ngày đầu tiên Mị chạy xe một mình trên đường, cảm giác tự do choáng ngợp. Ôi hai chữ Tự Do. Làm sao có thể hiểu được hết niềm vui của Tự do khi chưa từng nếm trải cảm giác tù túng, đến cả đi chợ cũng phải chờ người khác, đi bác sỹ cũng phải lệ thuộc vào giờ giấc và ý muốn của người khác. Và sau khi Mị hăm hở, hí hửng lái xe một vòng thành phố, hết sức tự tin Mị lái xe thẳng vào … khung cửa garage. Chưa kể Mị quen cái kiểu chạy xe hỗn loạn của Sài Gòn, nên đang chạy mà thấy anh nào lấp ló đứng chờ ngay bảng dừng xe là Mị ngoan ngoãn dừng lại nhường đường khiến mấy lần Mị xém bị điếc tai vì xe sau nó bóp kèn inh ỏi. Hóa ra, bên Mỹ này có luật đường ưu tiên mà. Vi phạm thì không những bị phạt mà lỡ gây tai nạn thì tiền bảo hiểm xe tăng lên nhiều nên người ta chấp hành luật nghiêm chỉ lắm. Đúng là muốn xã hội trật tự thì luật pháp phải nghiêm minh. Mị thấy mình an tâm hẳn, không phải sợ cảnh đi đúng luật mà còn bị ăn vạ bắt đền.

Nhưng rồi giai đoạn suy thoái kinh tế bắt đầu. Nó ảnh hưởng ghê gớm đến nhà của Mị. Vợ chồng con cái phải bán nhà ở miền Bắc, dọn xuống miền Nam Cali ở. Mị tuy phải bán nhà nhưng lòng mừng hí hửng. Bởi vì chỗ Mị ở tuy đẹp nhưng vắng vẻ. Muốn ăn thức ăn Việt Nam thì khó kinh khủng và có thì cũng không ngon. Đi xuống San Jose thì cũng xa hơn hai tiếng lái xe nên hiếm khi được đi. Ngày Mị mới sang, bà con bạn bè không ngại đường xá xa xôi đến thăm, mang theo cho Mị gạo, nước mắm, bún khô, mỳ gói, lạp xưởng, túm lại là thức ăn khô các loại. Mọi người về rồi mà Mị còn tưởng mình là mới được tiếp tế nhu yếu phẩm giống tù học tập cải tạo ngày xưa. Nhà Mị có các cậu đi học tập cải tạo nên biết cảnh ấy. Nhưng giờ Mị ở Mỹ rồi, mà sao giống dữ đa.

Bây giờ Mị đã ở Miền Nam Cali, tháng 10 mà trời nắng như thiêu đốt. Nếu như các tiểu bang ở Miền Đông nước Mỹ phải thường xuyên đối mặt với lốc xoáy và bão lụt thì California nổi tiếng với những trận động đất và cháy rừng. Khi đang gõ những dòng này thì Mị cũng đang theo dõi một trận cháy đồi cỏ chỉ cách nhà Mị có ba mươi phút chạy xe thôi. Tại Miền Bắc, nơi thành phố Santa Rosa và khu vực Napa Valley vừa hứng chịu một đợt hỏa hoạn kinh hoàng thiêu trụi nhiều ngôi nhà, vườn tược và nhiều người chết nữa. Tội quá.

Nước Mỹ, sau mười ba năm đã là nhà của Mị. Là tình yêu mỗi ngày một lớn lên trên mảnh đất này. Là nơi mà Mị có thể dựa vào nỗ lực của bản để từng ngày an cư lạc nghiệp. Ngày mới sang, Mị nghe hàng xóm hỏi “When will be your due date?” Mị thắc mắc trong bụng “Không dưng hỏi mình ngày trả hóa đơn là sao ta?” , nhưng giờ Mị đã là Thông dịch viên Tòa Án của California.

Ngày Mị đứng trên tầng 14 của tòa nhà liên bang ở San Diego, ngắm nhìn thành phố nhộn nhịp phía xa xa, nghĩ mình có thể trở thành thông dịch viên ngày hôm nay cho thẩm phán liên bang, Mị tự hào về mình nhưng đồng thời cũng cảm thấy mình vô cùng may mắn khi có cơ hội phát triển năng lực cá nhân trên mảnh đất xa xôi nhưng đã trở thành thân thuộc.

Nơi đây có gia đình của Mị, nơi đây có tình yêu của Mị, nơi đây có sự nghiệp của Mị. Nơi đây, là NHÀ của Mị.

Quynh Gibney

Ý kiến bạn đọc
05/11/201716:59:38
Khách
Lovely! Simple yet meaningful !
02/11/201700:39:37
Khách
Thích cách viết thực tế, không màu mè, rất gần với cuộc song!
01/11/201713:22:30
Khách
Dạ em cám ơn anh Từ Huy. Em cứ viết linh tinh trên Facebook, nên bạn bảo viết gửi lên đây đi. Em chỉ kể lại chuyện đời thường, không đủ mộng mơ như Mỵ nên Mị ngắn đi một tí. :)
01/11/201705:00:07
Khách
Nàng Mị viết rất mộc mạc dể thương, thật thà.
01/11/201700:06:03
Khách
Bài viết đầy... mộng mị, mơ màng như... "tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba"!. Chúc mừng Mị đã đến, "trải nghiệm" và chinh phục nước Mỹ.
Là... nhạc sĩ, bác sĩ, mì gói... nha Mị! Như thời ba mẹ và mấy ông cậu học tập của Mị ngày xưa.
Mê tên Mỵ xưa giờ. Lần đầu tiên gặp làm tui thích "cực kỳ" luôn!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,711
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.