Hôm nay,  

Sự Mến Mộ

25/04/202409:09:00(Xem: 2087)
Phuoc An Thy
Tác giả lãnh lãnh giải về Huế Tết Mậu Thân -VVNM tại Lễ Trao Giải VVNM 2018.

Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân và giải đặc biệt năm 2023. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.

 

*

 

Có nhiều người bạn hay nói, tôi mến người này thích người kia. Tôi hỏi:
- Vì sao mến thích người đó?

Họ đáp:
- Không biết, chỉ cảm nhận là người tốt.

Trực giác của tôi không thật sự nhạy bén để cảm nhận ai là người tốt người xấu. Sự mến mộ một người của tôi đến từ yếu tố nhận thức, qua thời gian tiếp xúc, nói chuyện và những cử chỉ hành động của người đó tạo nên.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy có những điều tiểu tiết trong cuộc sống, không cần giải thích gì nhiều, đã làm những người xa lạ gặp nhau đôi lần đã thấy thân quen hoặc ngược lại, đã thân quen bỗng nhiên xa lạ. Tôi xin kể vài chuyện nhỏ bé như thế.

Tôi không quên anh bạn ấy, có lẽ vì hình ảnh, câu chuyện giữa anh và tôi. Thời gian mới qua Mỹ, tôi quen biết anh trong trường dạy tiếng Anh miễn phí vào ban đêm. Bạn học trong lớp chúng tôi xưng hô gọi anh vì anh lớn tuổi hơn tất cả chúng tôi. Anh hiền lành và đạo đức nên ai cũng quý mến anh.
Một hôm, anh ấy rủ tôi và một người bạn học khác đi chơi SeaWorld. Anh lái xe chở chúng tôi mấy tiếng đồng hồ mới tới SeaWorld. SeaWorld là một công viên giải trí, ngoài các trò chơi cảm giác mạnh còn có hồ cá nhìn được cận cảnh các sinh vật biển, có chương trình biểu diễn cá voi, sư tử biển, rái cá và nhiều loài động vật biển khác.

Tới cổng công viên SeaWorld, anh ấy nói:
- Để anh vào mua vé.

Hai đứa tôi chờ hoài không thấy anh ra nên đến quầy bán vé tìm anh. Hai đứa chạy tới chạy lui tìm rất lâu thì thấy anh đã vào công viên rồi. Đứng ở bên trong cổng rào, anh hét lớn hỏi:
- Sao hai đứa chưa vào?

Hai đứa tôi gào lên:
- Tụi em không có vé.

Anh chỉ tay về hướng quầy vé rồi đi vào bên trong. Chúng tôi đến quầy vé chờ hoài vẫn không thấy anh nên hai đứa móc tiền ra đếm, gom lại chỉ có thể mua được một vé. Hai đứa tôi quyết định không mua vé mà để tiền mua đồ ăn nước uống. Thời gian đó, chúng tôi chưa có thẻ nhà băng hay thẻ tín dụng.

Hai đứa chúng tôi nghĩ theo kiểu Việt Nam, anh ấy rủ đi chơi thì anh ấy sẽ bao. Còn anh ấy nghĩ kiểu Mỹ, đi chơi chung nhưng tiền ai nấy trả. Hai đứa tôi mua thức ăn và nước uống rồi dắt nhau đi lòng vòng ngoài công viên như đôi tình nhân hết mặn nồng. Đi mãi mỏi chân, chúng tôi ra bãi đậu xe ngồi chờ anh.

Tưởng anh sẽ áy náy vì chúng tôi chờ anh bên ngoài mà về sớm, ai ngờ anh ở chơi trong đó đến sẩm tối mới ra. Nguyên ngày trời nắng nóng như thiêu đốt, ngồi chờ từ sáng cho đến chiều tối, lòng đầy muộn phiền. Trải qua “thảm họa” ở chẳng đặng mà về cũng không được này, tôi mới biết khả năng vượt qua “thảm họa” một cách bình thường của tôi là như thế nào.

Thấy anh ra đến xe, tôi nhẹ nhàng hỏi:
- Sao anh ra trễ vậy, tụi em chờ anh quá trời luôn.

Anh ấy cười đáp:
- Mua vé rồi thì phải chơi cho đáng đồng tiền chứ.

Nghe câu trả lời của anh, lòng tôi bỗng hết phiền muộn vì vừa hiểu được anh.

Cho dù bạn đang ở lứa tuổi nào thì cũng không thể tránh khỏi phiền muộn khi gặp phải những điều không như ý trong cuộc sống. Để quên đi điều phiền muộn ấy thì phải hiểu vì sao tâm trạng mình phiền muộn và tìm cách làm cho nó vơi đi.

Hồi còn ở Việt Nam tôi có thằng bạn, khi đi ăn uống chung cả đám bạn trai lẫn gái, cứ mỗi lần tính tiền thì nó đứng dậy vỗ ngực nói:
- Để anh trả hết cho.

Mọi người cảm ơn thì nó nói:
- Có bao nhiêu đâu. Không có chi.

Lúc về nó tính toán tiền, xong chia đều bắt đám con trai chúng tôi phải trả lại cho nó. Bạn bè mời nhau đi ăn uống là chuyện rất bình thường, tuy nhiên cũng cần phân biệt rủ và mời, rủ đi ăn là tiền ai nấy trả và mời thì người mời trả. Mức độ mập mờ giữa rủ và mời đi ăn của nó ngày càng cao khiến đột nhiên nó trở thành chủ nợ và bọn tôi thành con nợ của nó. Việc tự nguyện trả tiền toàn bộ khi đi ăn uống đó khác với việc cho vay một khoản tiền cụ thể, vậy mà nó đi theo đòi nợ bọn con trai chúng tôi mỗi ngày. Biết nó sĩ gái, bày đặt làm màu gánh chi phí để lấy le nên bọn tôi trả tiền cho nó và bớt đi ăn uống chung với nó.

Vừa qua có một người bạn mời tôi đi ăn tối, bạn qua Mỹ từ lúc còn nhỏ, nói viết tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt. Trước khi đi ăn, bạn ân cần hỏi xem tôi muốn ăn ở nhà hàng nào và có thích một loại thức ăn đặc biệt nào không. Tôi đáp, ăn ở đâu cũng được. Bạn lái xe chở tôi đến một nhà hàng có phong cách vừa Mỹ vừa Mexico mà gia đình vợ con bạn ấy đã đến ăn nhiều lần.

Vào nhà hàng, bạn chủ động đẩy tờ thực đơn qua và hỏi tôi muốn gọi món ăn thức uống gì. Nói thật ở Mỹ, nhưng mỗi khi ra ngoài ăn, tôi toàn đi ăn ở các nhà hàng Việt Nam. Nhìn thực đơn tiếng Mỹ, tiếng Mễ toàn các món lạ tôi chưa từng biết nên tôi nhờ bạn gọi giùm món ăn cho tôi luôn. Bạn gọi mấy món ăn phụ, hai món thức ăn chính và xin thêm hai cái đĩa không để cùng ăn chung. Bạn nói, ăn như vầy để tôi biết mùi vị của cả hai món ăn.

Ăn xong, bạn ấy gọi nhân viên tính tiền, nhân viên phục vụ hỏi cách thanh toán gộp lại hay chia ra. Trong những lần đi ăn với bạn Mỹ hay Việt, tôi thích kiểu thanh toán phần ai nấy trả. Tôi muốn giành trả tiền, nhưng bạn nói, bạn mời thì bạn trả. Tôi không muốn tạo ra cảnh “tranh giành trả tiền khí thế” khiến người phục vụ chẳng biết nhận thẻ tín dụng từ ai nên để bạn ấy trả tiền. Bạn ấy qua Mỹ từ nhỏ, nhưng lại theo kiểu Việt, bạn trả hết cả thức ăn, nước uống và tiền tip.

Có những sự việc đôi khi mình nhớ đến dù đó là những chuyện nhỏ nhặt hay các hình ảnh chẳng liên quan gì đến nhau.

Một người bạn hay mời tôi và bạn bè đến nhà ăn hải sản. Bạn này cuối tuần thường lái tàu ra biển câu cá, bắt tôm cua chỉ để đem biếu tặng và đãi bạn bè ăn. Bạn ấy chẳng những đã bỏ nhiều thời gian công sức mà tiền đổ xăng dầu cho con tàu còn mắc hơn ra chợ mua cá tôm, nhưng đó là niềm vui của bạn ấy. Vì công sức của bạn và tình cảm nồng hậu của vợ bạn dành cho bạn bè nên mỗi lần được mời ăn ở nhà vợ chồng bạn ấy, tôi thấy ngon hơn cả trăm lần ăn tôm cá ở nhà hàng sang trọng.

Có một người bạn khác mời tôi ăn tối, sau bữa ăn, vợ chồng bạn ấy tặng tôi một bịch nhỏ trái táo tàu trồng trong vườn nhà. Nhìn những trái táo tàu được hái một cách cẩn thận và rửa sạch sáng bóng, tôi biết tình cảm mà vợ chồng bạn ấy dành cho mình quý như thế nào. Điều đó tạo nên một xúc cảm trong lòng và tôi đã trân trọng điều đó bằng cả lòng thành.

Trong những buổi tụ tập bạn bè, tôi gặp nhiều bạn quen và lạ. Bạn quen tôi không bàn đến nhiều ở đây, bạn lạ thì tôi quan sát và làm quen. Trong những người bạn lạ đó có một bạn khiến tôi thắc mắc: Bạn này có gì mà ai cũng tỏ vẻ thiện cảm và yêu mến đến vậy? Bạn ấy giàu sang, chức quyền, có điểm nổi trội hay có điều gì khiến người khác ngưỡng mộ? Nói để các bạn biết, ở Mỹ này ít ai săn đón người giàu sang hay chức quyền vì không mấy ai thật sự cần sự giúp đỡ ở họ.

Bạn lạ ăn mặc sang trọng, lịch sự và có vẻ lãnh đạm một chút. Ngồi cạnh bên trái tôi, bạn ấy ít nói, chỉ chăm chú lắng nghe chứ không tham gia vào các câu chuyện trong bàn tiệc. Tôi chào, bạn ấy cười chào lại, tôi hỏi câu nào bạn ấy chỉ trả lời câu đó thế thôi.

Cuối buổi tiệc đến phần ăn tráng miệng, tuy vợ chồng bạn chủ nhà đã bày ra một đĩa nhiều loại trái cây, nhưng một chị mà tôi chưa quen, đem ra một trái thanh long ruột đỏ to bằng bàn tay. Chị ấy đảo mắt xem có bao nhiều người trong bàn, rồi thận trọng cắt trái thanh long ruột đỏ ra thành hơn mười miếng đặt vào một cái đĩa. Các bạn thử tưởng tượng xem, trái thanh long to bằng bàn tay mà cắt ra nhiều lát như vậy thì lát thanh long nó mỏng đến cỡ nào.

Một bạn ngồi bên phải nói nhỏ vào tai tôi:
- Trước đây thanh long ruột đỏ hiếm chứ bây giờ ngoài chợ bán đầy. Ra mua một rổ mà mời khách, chứ một trái chia ra bao nhiêu người ăn coi sao được.

Chị ấy cầm cái đĩa có những lát thanh long mỏng nhỏ, đi quanh bàn mời từng người một. Đến chỗ anh bạn lạ, chị ấy mời, nhưng bạn ấy lắc đầu từ chối.
Tôi nghĩ chắc bạn này thấy ít nên không ăn. Chị ấy mời tôi, tôi cẩn thận lấy một lát. Khi chị ấy đã đi qua rồi, tôi hỏi người bạn lạ:
- Sao anh không nhận một lát thanh long cho chị ấy vui?

Bạn lạ đáp:
- Cô ấy là vợ tôi.

Thấy mình bị hớ lời, tôi hỏi tiếp:
- Anh không thích thanh long à?

Bạn ấy nói với giọng điệu thân thiện:
- Thanh long nhà tôi trồng đem đến.

Bị hớ thêm lần nữa, người ta đã trồng tất là thích rồi. Đa số nhà người Việt ở California đều trồng một số cây ăn quả mình thích và cũng để làm cảnh đẹp sân vườn. Với vẻ quan tâm, tôi hỏi:
- Năm nay thanh long được mùa không anh?

Bạn ấy cố gắng kiềm chế cảm xúc và kiên nhẫn trả lời nhỏ nhẹ với người hỏi những câu ngớ ngẩn:
- Tôi mới trồng, đầu mùa chỉ có một trái.

Tôi không hỏi nữa vì hiểu ra tình cảm của một người bạn dành cho những người bạn. Tôi cũng có trồng cây ăn quả trong vườn nhà nên biết sự trân quý những thành quả qua một năm tưới bón, chăm sóc của mình. Trồng năm đầu và chỉ mới có một trái mà vợ chồng bạn ấy lại đem đến tặng cho bạn bè, thật là hiếm gặp phải không các bạn. Bạn ấy đem tặng cái tốt đẹp nhất mình có để làm hài lòng người khác, đã cho thấy sự chân thành của bạn ấy đối với bạn bè.

Buổi tiệc tàn, mọi người đứng dậy phụ dọn dẹp chén đĩa, bàn ghế trước khi ra về. Nhìn anh bạn lạ, đầu tóc trau chuốt kĩ lưỡng, ăn mặc sang trọng đứng rửa chén bát sau bếp, tôi hiểu vì sao mọi người quý mến bạn ấy.

Có nhiều bạn được quý mến không phải vì giàu sang, địa vị hay có tài năng mà bởi những điều dễ làm cho người khác mến mộ như lòng chân thành, sự nhẫn nại, biết lắng nghe, một cái bắt tay ấm áp với ánh mắt thân tình, một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu...

Trong các buổi tụ tập bạn bè, một người có những lời hài hước thú vị thường được mến thích, tuy vậy theo tôi, một người thể hiện sự quan tâm tới những người khác thì sẽ được ái mộ hơn nhiều.
 
Phước An Thy

Ý kiến bạn đọc
17/07/202422:43:10
Khách
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay.
26/04/202419:43:41
Khách
Cảm ơn bạn Khách đã đồng cảm và gửi lời chúc sức khỏe.
Phước An Thy
25/04/202422:01:43
Khách
Con thấy đúng đó chú. Con hoàn toàn đồng ý với chú. Con ấn tượng nhất là vợ chồng "người bạn lạ" đó. Họ là những người tốt. Chúc chú và gia đình luôn vui khỏe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,753
Vài ngày trước Giáng Sinh 2023, tôi điện thoại chúc Thầy Cô Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu bình an trong tình yêu thương của Chúa Hài Đồng, đồng thời chúc sức khỏe Thầy Cô trong năm mới 2024. Vào dịp Tết Nguyên Đán tháng 2, 2024, tôi lại điện thoại chúc Tết Thầy Cô, nhưng lần này không được trả lời, nên tôi đành gởi lời chúc qua text message, kèm theo lời mời sớm, mong Thầy Cô tham dự Đại Hội Y Khoa Huế (YKH) Hải Ngoại vào khoảng tháng 7 năm nay. Tôi không nhận trả lời của Thầy. Mãi hơn một tháng sau, trong bất ngờ và cảm xúc, Hội YK Huế Hải Ngoại nhận tin buồn chính thức từ gia đình cho biết Thầy Lê Thanh Minh Châu đã thanh thản ra đi vào ngày thứ Tư, 28 tháng 2, 2024, tại Rancho Mirage, CA, hưởng đại thọ 94 tuổi.
Thông thường sau những ngày nắng hè oi bức, mùa thu mang đến sự mát mẻ dễ chịu cả đêm lẫn ngày. Ra đường phải mặc thêm áo khoác nhẹ, choàng cái khăn quàng quanh cổ. Năm nay đặc biệt thời tiết thay đổi. Vùng Hoa Thịnh Đốn mưa nắng bất thường. Mưa liên miên mấy hôm liền dù không lớn nhưng trời âm u ẩm ướt, không mấy khi có nắng cả ngày. Tuy nhiên nhờ có mưa các sân cỏ vàng hoe mấy tháng hè vì thiếu nước nay xanh tươi trở lại. Hoa cúc trồng từ những năm trước ra hoa rực rỡ màu sắc. Mấy cây cà, cây ớt vẫn còn tươi tốt chưa bị ảnh hưởng thời tiết se lạnh mùa thu. Lá cây trên cành vẫn còn xanh tuy đã vào tháng 10. Thấy thời tiết tương đối dễ chịu ngày cuối tuần con gái Vân rủ Mẹ đi thăm nhà nghỉ mát của người bạn ở ngoại ô Maryland trên hòn đảo nhỏ, cách nhà khoảng 90 phút lái xe.
... Tôi biết gia đình chị Thương gồm hai mẹ con, ngày ấy bà Sáu chưa nhiều tuổi lắm, chỉ trên 40, bà chưa từng bước ra đường kiếm tiền bao giờ hồi còn ở quê hương, thế mà từ ngày đặt chân đến Canada bà đã phải đi làm, ban đầu lau nhà, dọn dẹp rác trong những shopping mall, sau này bà có chút vốn liếng về tiếng Pháp, bà xin được vào hãng may; bà làm cực nhọc để nuôi con gái đi học, bà muốn chị sau này sẽ bớt khổ, sẽ làm một chức vụ nào đó kha khá để khỏi uổng công bà đã mang nặng đẻ đau, bị nhà chồng ruồng bỏ từ khi biết bà mang bầu là con gái; rồi bà và chị đã phải vượt biên chết đi sống lại khổ sở trên biển cả, bao nhiêu khổ cực oan trái bà đã từng cầu xin Trời Phật để bà gánh vác thay con, để con gái có một cuộc sống thật nhàn nhã, sung sướng sau này...
Mùa hè năm ấy, thằng Huy về nhà nghỉ hè trên đôi nạng gỗ. Cu cậu vừa mới hoàn thành xong khóa huấn luyện quân sự Cadet Field Training và khóa huấn luyện Air Assault (không kích trên không). Ngày cuối cùng của khóa huấn luyện Không Kích Trên Không, cu cậu không may bị bong gân nên phải chống nạng. Tuy đi khập khiễng nhưng cu cậu hớn hở ra mặt vì được về thăm nhà và nghỉ hè được một tháng. Chị ra sân bay đón con trai. Thấy chị từ xa, thằng Huy đưa tay lên cao vẫy - “Má ơi, con ở đây nè”. Chị vội vàng chạy lại. Hai má con ôm nhau. Chị xót xa:
Cuối hè, thu về trước ngõ nhưng khí hậu vẫn còn nóng oi bức, gần 100 độ F vào giữa trưa, nhờ có gió biển từ Đại Tây Dương thổi vào làm mọi người cảm thấy dễ chịu. Năm đó cũng vào mùa nầy, có người bạn rủ tôi qua Florida để tìm lại hương xưa, từ khí hậu nắng mưa, có vườn cây ăn trái không khác gì quê hương mình. Trong khi đó cũng có người nói rằng ở Nam Florida lắm mưa nhiều bão, như Andrew năm 1992, tàn phá tàn phá khủng khiếp miền Nam Florida, nó san bằng cả đến những cây cổ thụ trên 100 tuổi, làm sập nhà cửa, FEMA (cơ quan cứu trợ khẩn cấp Liên bang) phải đến từng nhà bị sập để cứu người. Cuối cùng tôi quyết định cùng vài người bạn đến Florida thử thời vận, khi sống ở Nam Florida tôi chứng kiến nhiều cơn bão đi qua như: Katrina, Wilma, Irma... và những người bạn đi chung với tôi đã bỏ đi.
Sáng nay trong lúc mơ mơ màng màng, chuông điện thoại reng. Tôi mở điện thoại ra coi, trên màn hình là một người phụ nữ ngoài năm mươi, đưa mắt nhìn qua máy security camera, bà ta vẫy tay chào. Tôi vội chạy xuống nhà dưới, mở cửa: - Chào buổi sáng. Tôi có thể giúp gì cho bà? Người phụ nữ nhìn tôi, ái ngại rồi giải thích sự có mặt của mình. - Xin lỗi cậu. Tôi là Jane. Năm ngoái tôi có mua bông của cậu bán, những người hàng xóm đi qua đều khen hoa đẹp, nên năm nay tôi trở lại xem coi cậu có còn bán không. Vì không tìm ra cách thức liên lạc, nên tôi mới đánh liều tới hỏi cậu. Xin lỗi vì đã làm phiền cậu vào cuối tuần...
Trường hợp này xảy ra cho chính bản thân tôi ngay trên nước Mỹ văn minh và giàu có: nhà tôi bị trộm viếng, tôi bắt được ngay tại trận, chạm mặt với nó, và rượt đuổi nó. Sau khi nó chạy thoát, tôi phải cất công đi làm “thám tử” điều tra coi tên trộm từ đâu đến, để rồi khi kiếm ra, chính tôi phải kiếm đến tận nhà để làm hòa và tha thứ cho “ngài đệ tử” của thần Đạo Chích này.
Tôi biết Khánh đã lâu, từ khi còn là cô bé du sinh, vô xin việc làm thêm ở toà báo để có thêm thu nhập. Nói nhiêu đó đã đủ biết Khánh không phải con cán bộ qua Mỹ ăn chơi bằng diện du sinh. Ngặt thời ấy, cộng đồng người Việt ở địa phương còn chống Cộng dữ lắm nên tôi chỉ biết tôn trọng những người bị bứng ra khỏi quê hương, sống đời hải ngoại. Tuy cái ăn, cái mặc, chỗ ở, việc làm; đặc biệt là tự do đều rộng mở ra tương lai tươi sáng; chỉ nỗi nhớ người thân, quê nhà canh cánh trong lòng người xa quê.
Đang ngủ say, Bin bỗng giật mình tỉnh giấc vì nghe những tiếng ầm ì rất lớn. Cửa sổ muốn bể toang như có ai đang dập mạnh vào. Em sợ hãi nhìn sang giường bên. Chị Ti đang ngồi trùm chăn run rẫy . Bỗng dưng điện tắt phụt. Bóng tối mang gương mặt kinh dị của Halloween, như muốn nuốt chửng lấy cả hai. Hốt hoảng, hai chị em cùng nhảy phóc xuống giường, chạy nhanh sang phòng ba mẹ, gào khóc inh ỏi.
Tôi gặp anh khi cuộc đời anh đã ba chìm bảy nổi, cộng thêm tôi vào là thành chín cái lênh đênh. Hề gì, một mái lều tranh hai quả tim vàng. Tôi dạy học, dẫu đồng lương chết đói, nhưng yên chí mỗi tháng có 13kg gạo, nửa ký đường và ba chục đồng “tiền Bác”, đủ sống qua ngày. Điều quan trọng tôi là thành phần gương mẫu trong xã hội, chưa hề có “nợ máu với nhân dân”. Thời chế độ cũ, tôi chỉ có đi học. Di cư vào Nam năm hai tuổi, tới mùa hè 1975 học xong, rồi đi dạy, thì chắc chắn phải là thành phần gương mẫu. Vì vậy khi lập gia đình với một ông vừa ra khỏi “trại cải tạo”, hàng xóm cũng nhân nhượng không để ý lắm tới sinh hoạt của chúng tôi.
Nhạc sĩ Cung Tiến