Hôm nay,  

lòng trắc ẩn …

3/23/202400:11:00(View: 3220)
phan
 Tác giả Phan phát biểu tại Lễ Trao Giải VVNM 2018.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. 

***
 
Đã bao giờ bạn cầu nguyện một điều gì chưa? Hầu như trong chúng ta, ai cũng đã từng chắp tay cầu nguyện một điều gì vì lòng trắc ẩn khi nhìn cảnh hoang tàn đổ nát ở dải Gaza, vạn gia đình bồng bế nhau chạy giặc, những nấm mộ ven đường gợi nhớ quê xưa. Bạn thầm cầu nguyện bình an cho những người khốn khổ được trở về nhà. Tôi nhìn những người lính trẻ dưới giao thông hào tuyết đá lầy lội của trận chiến đang cam go giữa Ukraine và Nga, tôi nhớ chiến tranh ở quê nhà nên thầm cầu nguyện ơn trên che chở cho những người lính vì họ còn quá trẻ. Bạn cầu nguyện cho những người không quen biết đang bị động đất ở đâu đó trên địa cầu được bình an trở về nhà. Tôi cầu nguyện cho cơn sóng thần khủng khiếp tiếp diễn đổ vào hoang đảo, đừng đổ vào những thành phố ven biển đông dân cư, nơi tôi chưa từng nghe hay biết đến địa danh đó trước khi xem tin tức trên tivi… Nhưng đã bao giờ tôi và bạn suy nghĩ về hành vi của mình với những người không quen biết, những nơi chưa từng nghe tên hay đến đó bao giờ.
   
Bạn có biết mỗi ngày trên trái đất có bao nhiêu người đã cầu nguyện cho bạn được bình an? Bạn không biết được, bạn cũng không nhớ hết những lần bạn đã cầu nguyện cho người không quen. Nhưng những người được bạn cầu nguyện cho, họ có được gì không? Và bạn, có được gì không trong mỗi ngày không biết bao nhiêu người đã cầu nguyện cho bạn? Vậy bạn và những người không quen đã cầu nguyện cho nhau - vì lẽ gì? Hầu như dân tộc nào cũng có văn hoá tốt đẹp ở điểm không muốn đồng loại bị khổ đau nên nghe tin bên Thổ Nhĩ Kỳ bị động đất, phản xạ của người Mỹ, người Việt, người mù, kẻ sáng mắt giống nhau là ngước lên trời, Xin Ơn trên…
  
Bạn có thể nghĩ sâu xa theo kiến thức, hiểu biết riêng của bạn về cầu nguyện. Tôi nghĩ đơn giản là lòng trắc ẩn bẩm sinh trong mỗi sinh mệnh đều như nhau, không ai muốn người khác bị khổ đau, bất chấp màu da, tiếng nói. Vậy bẩm sinh là gì? Trong sinh học dễ hiểu như người bị bệnh tim bẩm sinh là chưa chào đời, trái tim thai nhi còn trong bụng mẹ đã có vấn đề. Nhưng bẩm sinh về triết học, thần học là bệnh nhân loại, bệnh thấy người khác khổ đau thì mình cũng cảm thấy khổ đau, không kể màu da, tiếng nói… thấy đứa bé da đen, da trắng không quan trọng, chỉ thấy nó cười như hoa nở khiến ta vui. Ta khổ vì lòng trắc ẩn khi thấy đồng loại hoạn nạn, ta hạnh phúc theo tiếng cười vô ưu của em bé không quen. Hai trạng thái của lòng trắc ẩn đều dẫn đến một hành vi là cầu nguyện. Ta cầu nguyện cho người khổ đau bớt khổ đau, ta cầu nguyện cho nụ cười em bé mãi hạnh phúc trong cuộc đời nó. Thực tế hơn, bạn ăn bữa ăn hè phố rất ngon miệng vì khác không khí trong phòng ăn nhà bạn nên ngon chứ thức ăn chưa chắc ngon bằng bạn tự nấu ở nhà. Bạn ăn bữa ăn hè phố sẽ bớt ngon nếu có quá nhiều trẻ em chờ chực thức ăn thừa từ bạn. Bạn không trở lại quán xá nào đó vì người chủ quán đánh đuổi đám trẻ ăn mày dã man quá… Bạn lại cầu nguyện cho chúng có một nơi nương tựa. Đã bao giờ bạn tự hỏi bạn cầu nguyện cho sự đau lòng đừng tiếp diễn nữa, hay là bạn đối phó với lòng trắc ẩn trong bạn bằng cách cầu nguyện? Bạn có nghĩ, thiện tâm bạn cầu nguyện cho đồng loại được bình an thì đã có nửa phần trong nguyện ước là bình an của bản thân bạn vì lòng trắc ẩn trong bạn sẽ không đánh gục bạn vì ai mà sống nổi với mỗi ngày toàn thấy đau lòng, tang thương. Đi xa hơn chút nữa khỏi lý luận bảo vệ bản thân hay còn gọi là tự vệ, bạn sẽ nhận ra sự phó thác cho ơn trên vì bạn đã lực bất tòng tâm. Điều này khó kiểm chứng vì ai cũng chỉ hiểu được lòng mình thôi nên ai mà biết người kia có đúng là lực bất tòng tâm nên cầu nguyện cho toàn nhân loại.
  
Tôi không dám tranh luận với bạn về cầu nguyện và lòng trắc ẩn, nhưng theo tôi những lời cầu nguyện cho người, cho mình, không ngoài giá trị giảm nhẹ, nếu xua tan được lòng trắc ẩn bên trong càng tốt. Nếu mắt không thấy sự đau lòng thì bạn có cầu nguyện không? Chẳng ai chắp tay xin ơn trên cho động đất, sóng thần, đói nghèo, chiến tranh và dịch bệnh. Tất cả lời cầu nguyện đều mong ơn trên đem những tai ương ấy đi xa và mãi mãi đừng trở lại. Nhưng không có ơn trên nào cho bạn thỏa nguyện được nên những điều đau lòng vẫn tiếp diễn, lòng trắc ẩn của bạn vẫn song hành với khổ đau bất tận của con người. Và vì thế chúng ta có một Đức Phật và lộ trình giải thoát khỏi luân hồi.
  
Tôi không có ý lật đổ niềm tin hay những lời cầu nguyện vì sự tương tác của cầu nguyện và lòng trắc ẩn song hành. Nếu bạn và tôi không có lòng trắc ẩn thì chúng ta đã dám làm bao nhiêu chuyện động trời vì không có lòng trắc ẩn thì sợ gì lòng trắc ẩn hành hạ đến chết chúng ta. Nhưng nếu không có thiện tâm để cầu nguyện cho muôn loài được bình an thì chúng ta bước ra đường là chém giết hết mọi sinh linh cho đến sinh linh cuối cùng mạnh hơn ta, kết liễu đời ta. Không có lòng trắc ẩn khi chứng kiến cảnh đau lòng thì con người đã không ngại gây ra tội ác. Phải chăng cầu nguyện là thuốc an thẩn của lòng trắc ẩn? Cầu nguyện cho người là chữa thương lòng trắc ẩn cho mình, và người cũng thế.
  
Rất khó khi dặn lòng đừng cầu nguyện nữa khi đời sống rất ít người không cần bất cứ sự giúp đỡ nào về vật chất nhưng họ vẫn cầu nguyện cho họ giàu hơn nữa, họ cầu nguyện sự trường thọ để tận hưởng gia tài kếch xù của họ. Người nghèo khổ đến xin chết cũng không được khi không còn đường sống. Tôi đã xem người mẹ, người bà ở dải Gaza ôm những đứa cháu vào lòng và gào lên trước ống kính truyền hình, “Hãy giết chúng tôi đi. Chúng tôi không còn chịu nổi cảnh sống này…” Tôi không bàn đến nguyên do của chiến tranh nổ ra, chỉ đặt giả thuyết. Nếu khủng bố Hamas không tấn công Israel ngày 07 tháng 10 năm 2023 thì Israel không có lý do gì tấn công vào dải Gaza để tiêu diệt Hamas. Nếu những người mang danh thánh chiến có lý trí thì họ đã tiên liệu được sự trả đũa của Israel chứ! Họ thừa biết sự thống khổ không nhà, không lương thực của người dân trên dải Gaza khi chiến tranh nổ ra. Nhưng họ là Hamas, nhân loại không thể thiếu họ để đồng loại biết đường mà phân biệt đức tin và cuồng tín. Ông Lê Nin nói, “Tôn giáo là thuốc phiện của người dân” để ngụy biện cho chủ nghĩa vô thần mà ông ấy tín thác, nhưng câu này đặc biệt đúng với cuồng tín. Trong khi tôi từng đọc được một triết gia người Pháp thế kỷ 17 lại nói, “người ta chỉ hơn nhau một đức tin…”
  

Suy ra con người chỉ khác nhau ở lòng trắc ẩn bao lớn? Nếu không đem hạnh phúc đến được cho người khác thì xin đừng làm khổ họ đã là người có lòng trắc ẩn. Suy ra con người không có ai không cần sự giúp đỡ vì người giàu cũng khóc nói chi người nghèo, người trên vạn người còn khóc thì nói gì vạn người phía dưới. Quyền lực hay giàu có, nghèo hèn với vô danh trước mắt Thượng đế là bằng nhau, hơn nhau ở đức tin hay vô thần mà thôi. Nhưng nói gì thì con người cũng khác hết muôn loài ở đức tin, niềm tin tôn giáo chưa bao giờ phản bội người có đức tin. Cũng chưa hề có môt tôn giáo nào hướng tâm con người đến tội lỗi, hay giết hại đồng loại. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho mọi sinh linh được bình an trong cõi đời ngắn ngủi đã bị trói buộc trong quy luật sinh trụ hoại diệt của vũ trụ, trong kiếp người sinh lão bệnh tử…
  
Nhưng chúng ta cũng nên bỏ ra ít thời gian để suy nghĩ về cầu nguyện biến thái đương đại khác với bản chất của cầu nguyện mà chúng ta quen hiểu theo đời trước chứ không phải suy nghĩ cá nhân. Thấy tai nạn xe trên đường không phải hiếm nên tự nhiên ta thốt nên lời, “vái trời cho đừng có ai bị sao hết…” Phản xạ vô điều kiện ấy đã di truyền qua nhiều đời nên ta làm theo cha ông ta từ xa xưa, ta không có suy nghĩ về phản xạ của chính mình. Có những cầu nguyện đơn giải như người mẹ xin ơn trên che chở làn tên mũi đạn cho con trai bà ngoài chiến trận vì việc ấy ngoài sức người mẹ. Cầu nguyện là xin ơn trên ban phát cho điều gì đó ngoài sức người, như cầu nguyện cho chiến tranh Ukraine và Nga chấm dứt vì quá nhiều người vô tội đã chết. Người cầu nguyện không chấm dứt được cuộn chiến, dù cuộc chiến không ảnh hưởng đến cuộc sống của người cầu nguyện nhưng lòng trắc ẩn với đồng loại của người cầu nguyện đã dẫn tới hành động xin ơn trên. Ai cũng sẵn lòng cầu nguyện cho người tàn tật có cái xe lăn để không phải bò lết trên đất lạnh. Cầu nguyện cho người Ấn độ sớm xoá bỏ giai cấp xã hội để hoà đồng vào thế giới văn minh. Cầu nguyện cho người châu Phi có lương thực, nước sạch để dùng… Cầu nguyện cho người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng sớm được tự do.
  
Những lời cầu nguyện mang bản sắc nhân văn, tình đồng loại vô vụ lợi, nhưng có lời cầu nguyện nào thành hiện thực không? Hay những lời cầu nguyện ấy chỉ xoa diệu được phần nào lòng trắc ẩn của người cầu nguyện. Rồi mọi việc vẫn nguyên như cũ khi mắt không nhìn thấy cảnh đau lòng nữa, trí không nhớ những việc không thuộc về mình gần như là mặt trái, sự thật của lòng người… Và điều thật hơn là thần thánh chỉ đưa ra giáo lý, giáo pháp cho chúng sang giác ngộ, tỉnh tức. Thần thánh không sở hữu quyền năng hay tài sản nào trong vũ trụ thì lấy gì để ban phát cho người cầu nguyện. Tuy chúng ta có rất nhiều giai thoại về Phật Bà hay Đức Mẹ xuất hiện ở đâu đó để phổ độ chúng sanh, cứu khổ cứu nạn… Nhưng giai thoại muôn đời vẫn là giai thoại. Giai thoại về đức tin không hại người lành, ví như trên con thuyền vượt biên, một người thấy Đức Mẹ hiện thân chống đỡ gió bão cho con thuyền như chiếc lá trên biển khơi sóng to gió lớn, hệ quả là mọi người trên thuyền lên tinh thần, vững niềm tin và đoàn kết với nhau hơn. Nhưng một kẻ tham lam mà nghe tin Phật Bà hiển linh ở rừng sâu núi thẳm để giúp con nai con mắc bẫy thì gian khổ mấy người tham cũng mang lễ vật đến nơi để cúng tế Phật Bà. Chắc chắn lời cầu nguyện của người ấy là vốn lẫn lời chứ không có chuyện chỉ tạ ơn Phật Bà đã cứu con nai. Những người thực dụng còn mặc cả luôn với Đức Phật, Đức Chúa. Họ không ngại nói lời tạ lễ hoành tráng sau khi cầu được ước thấy với thần thánh.
  
Nhưng ai đủ bình tâm suy nghĩ thử xem, Đức Mẹ đủ sức mạnh chống đỡ gió bão ngoài biển khơi thì sức mạnh đó hẳn là siêu nhiên, và Đức mẹ có sức mạnh siêu nhiên thì hô mưa hoãn gió, đâu cần hiện thân làm gì! Phật Bà nhìn thôi Tôn Ngộ Không đã khiếp vía, trong khi Tôn giả có bảy mươi hai phép thần thông mà sợ Phật Bà đến vậy thì đủ biết sức mạnh siêu nhiên của Phật Bà là vô song. Ngài nhìn thôi thì cái bẫy sắt thép hoá thành nước, con nai con tiếp tục rong chơi… Giai thoại không làm hại ai, có hay không cũng đều hướng người ta tới hy vọng.
  
Trở lại với đời thường để thấy ý nghĩa của cầu nguyện. Ai cũng cầu nguyện trở thành giám đốc công ty càng lớn càng tốt nên thiếu quan hoài đến mấy ông tỷ phú bằng da bằng thịt không cho chúng ta gì ngoài sự bóc lột sức lao động của chúng ta. Nhưng chúng ta cầu nguyện để được như họ, trở thành họ là sao? Giàu là bằng chứng của thông minh cộng với may mắn, khi điều kiện ắt có và đủ thì chúng ta giàu. Ở đây nói về lòng trắc ẩn để đâu hay buông bỏ quá dễ cho những giá trị thấy được.
  
Đến đây đã rõ thần linh không có gì để cho chúng ta ngoài giáo lý, giáo pháp của các ngài đã chứng thực bằng khổ hạnh mà các ngài từng trải qua. Đức Chúa có thể bỏ trốn trước khi bị đóng đinh trên thập giá, nhưng ngài không làm để dùng đau khổ xác thân ngài mà thức tỉnh chúng ta đừng ngập mặt trong tội lỗi nữa. Đức Phật không nhờ bát sữa tỉnh thức thì chúng ta đã không có Đức Phật. Ngài là người vô sản từ khi thoát ly gia đình đến khi quán triệt được luân hồi. Ngài là người vĩ đại với sự thông minh và ý chí vượt khó. Ngài nói gì với chúng sanh, “ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Thay vì hiểu phật tánh có sẵn trong bẩm sinh mỗi người, hãy cố gắng tu luyện như ngài thì thành Phật. Người ta lại đi thờ ngài để cầu nguyện, van xin chứ không tu thân luyện pháp. Khi còn tại thế ngài đã trắng tay thì khi lên niết bàn ngài còn gì ngoài mây trắng bay mà cho phật tử, ngoại đạo tín thác ngài… Khác nào ngài chỉ cho con đường giải thoát khỏi ngục tù sinh lão bệnh tử của kiếp người. Ngài không bảo ai thờ ngài thì chúng ta đi xây chùa to, đúc tượng lớn rồi xì xụp lạy, cầu nguyện ngài ban cho phú quý, sức khoẻ, trường thọ… toàn những thứ ngài đã vứt bỏ để đi tu vì cuộc sống nhung lụa chốn cung đình là khổ chứ không phải hạnh mà ngài đã quán chiếu được.
  
Một chiều xuân ngồi nhìn cây sồi đầy nụ thì hôm sau hoa sồi đã rụng vàng sân. Lá rồi xanh cho chim chóc về có nơi trú nắng, lá sẽ vàng khi trời trở lạnh sang thu, lá sẽ rụng theo những bông tuyết đầu mùa… cành lại trơ trọi lá tới mùa sau theo vòng sinh trụ hoại diệt của vũ trụ. Người ngồi nhìn thân cây già cỗi trong vòng sinh trụ hoại diệt của đời cây sồi cũng giống như vòng sinh lão bệnh tử của người nhìn. Thuyết luân hồi trước mắt, những hạt rơi mùa trước đã mọc cây con, những đứa bé con của người nhìn đã trưởng thành. Vậy là cây và người đều đã không tìm được giải thoát trong kiếp này nghĩa là tiếp tục luân hồi. Nhưng không cầu nguyện Đức Phật, Đức Chúa giải thoát vì sự giải thoát đích thực là tự giải thoát, không ai can thiệp vào sinh mệnh người khác được khi mỗi sinh mệnh là một chủ thể độc lập trong vũ trụ này…
 
Phan

Reader's Comment
3/24/202421:21:45
Guest
Bài viết rất hay đúng vào lúc thế giới đang lên cơn sốt. Khác với thú vật, con nguời có lòng trắc ẩn cho mọi sanh linh dù tốt hay xấu. Vua Lý Nhân Tông khi trời lạnh thì biết xót thuơng cho nguời phạm tội đang ở tù nên truyền lệnh đem chăn mền cho tù nhân. Khi George Floyd, kẻ nghiện ma tuý, mua bánh kẹo dùng tiền giả bị chủ tiệm báo cảnh sát bắt, cảnh sát đè cổ nghẹt thở, y kêu mẹ mình truớc khi chết thì những nguời da trắng bên đuờng động lòng trắc ẩn xin cảnh sát nhẹ tay, có nguời xót xa đứng khóc. Chỉ trừ những vệ binh, quản giáo trại cải tạo Cộng sản không có lòng trắc ẩn hành hạ tù cải tạo sa cơ bị tù, con nguời hơn thú vật nhờ lòng trắc ẩn với muôn loài. Nhiều nguời ở mọi tôn giáo nay ăn chay chỉ vì không muốn sát sanh , hội bảo vệ thú vật nay hoạt động trên khắp thế giới. Thành ra dù khủng bố Hamas tàn ác , nhình cảnh trẻ em phụ nữ Palestine bị nhà tan cửa nát, bị bom rơi đạn lạc, bị bỏ đói thì mọi nguời trên thế giới động lòng trắc ẩn. Liên Hiệp Quốc nay kêu gọi ngưng tấn công Gaza. Chỉ có những nguời không có nhân tính như ten cảnh sát giết Floyd, những vệ binh quản giáo tù cải tạo CS, hay những kẻ hai bên (Hamas, DT) cầm vũ khí tại Gaza, và những kẻ tiếp tế vũ khí bom đạn mới tiếp tục làm chuyện giết nguời hay ngăn cản tiếp tế bỏ đói không gớm tay. Theo thuyết nhân quả nhà Phật thì lòng trắc ẩn gây nhân lành, cứu nhân độ thế như ta đã thấy nguời tị nạn đuợc cứu khắp nơi trên thế giới nhờ lòng trắc ẩn. Liên Hiệp Quốc hôm nay lại cảnh báo dân Haiti sắp lâm vào nạn đói mà các chánh trị gia đang tranh cãi đấu đá nên làm ngơ, thật đáng buồn.
Send comment
Off
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Your Name
Your email address
)
Add a posting
Total View: 538,985
Chúng tôi đến phim trường khoảng năm giờ chiều, một tiếng trước giờ quay. Khoảng ba mươi phút sau, đạo diễn chương trình bước lên sân khấu để giúp mọi người làm nóng chuẩn bị cho buổi quay. Ông đạo diễn dặn rằng nếu thấy cái bảng đèn điện có chữ "Applause", mọi người khán giả chúng tôi nhớ vỗ tay thật lớn. Nếu cái bảng "Noise" chớp đèn, chúng tôi nhớ la hét điên cuồng. Nếu bảng "Stand" chớp đèn, mọi người nhớ đứng lên. Vì là lần đầu tiên được tham gia chương trình ghi hình trực tiếp, tôi không hiểu tại sao đạo diễn dặn chúng tôi những điều này để làm gì. Tôi cảm thấy buồn cười khi đạo diễn ra hiệu cho nhân viên điều khiển ba cái bảng trên lần lượt chớp để chúng tôi thực tập. Chúng tôi ngoan ngoãn làm theo: hết vỗ tay đến la hét rồi đứng lên. Khi chương trình quay hình bắt đầu, cả ba cái bảng đều chớp lia lịa ngay lúc Dennis Miller bước ra sân khấu. Tất cả mọi người trong trường quay đều đứng lên, vừa la hét vừa vỗ tay long trời lở đất.
- Ôi, tội nghiệp quá. Rồi sao nữa chị? - Mẹ của Lộc muốn em làm theo ý của mình là học ngành điện toán hay khoa học, nhưng Lộc lại giấu mẹ theo học về hội họa. Sau khi mẹ em biết được, bà buồn, thất vọng và có thể chì chiết gì đó nên Lộc đã mua súng để tự bắn mình. - Chuyện xảy ra khi nào vậy chị? - Cách đây vài tuần. Sau lễ Thanksgiving. - Trời!
Thời gian vụt như thoi đưa ngoài khung cửa. Mới đầu Tết Quý Mão đó mà bây giờ đã sắp hết năm chuẩn bị đón xuân Giáp Thìn. Mấy hôm nay được nhiều nơi biếu lịch, tôi ngạc nhiên chỉ thấy in toàn hình con Mèo mà không phải con Rồng. Vào ông Google tìm hiểu thắc mắc của mình nhưng không thấy trang Web nào đề cập. Nhìn hình lịch toàn những con Mèo đen, trắng, xám, nâu thật xinh” thì ra con Mèo được người ta quý trọng như vậy. Tôi nghĩ đến ông chồng tuổi Mão, bất ngờ cảm hứng muốn viết đôi điều về người chồng đã chung sống với mình gần 40 năm...Xin phép cho tôi được gọi Chàng là con Mèo cho gọn. Con Mèo này không hề phá làng phá xóm hay làm mất lòng ai, nên được bà con thương mến cảm tình.
Năm 2023 đã qua đi và để lại cho thế giới cũng như Hoa Kỳ những hệ lụy, những biến động vì thiên tai, biến đổi khí hậu, tác động của Covid-19, lạm phát tăng cao, kinh tế trì trệ và cả chiến tranh, các cuộc xung đột của Nga - Ukraine và Palestine - Israel. Năm qua, bang California chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của vấn nạn trộm cướp, đập phá, đặc biệt là những vụ bạo lực gây náo động xã hội. Các công ty, doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận sự gia tăng đáng kể về tổn thất tài chính liên quan đến nạn trộm cắp. Các công ty, doanh nghiệp bán lẻ đã phải tăng cường đội ngũ an ninh, thuê thêm nhân viên bảo vệ, thay đổi sản phẩm, cất giữ hàng hóa có giá trị trong các hộp khóa, giảm giờ hoạt động hoặc buộc phải đóng cửa các cơ sở, cửa hàng.
Tổng Thống Abraham Lincoln đã có một câu nói nổi tiếng: You can fool all of the people some of time; you can fool some of the people all of the time, but you can't fool all the people all the time.” Tạm dịch: Bạn có thể đánh lừa tất cả mọi người một lúc nào đó; bạn có thể lừa dối một vài người nhiều lần, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi được”. Nhà Phật có thuyết nhân qủa, trong Thánh Kinh Thiên Chúa nói: Điều gì con không muốn người ta làm cho mình thì đừng làm cho người ta. Đó là những ràng buộc tâm linh về lẽ công bằng. Hướng dẫn mọi người hãy cố sống cho phải đạo.
Hôm nay tôi có họp và tiệc cuối năm với cấp trên, có cả màn ảo thuật đặc biệt giúp vui ở phần cuối nên buổi tiệc kết thúc hơi trễ, mãi 9 giờ tối mới lò mò về. Khi lái xe về gần đến nhà, tôi nhớ ra hôm nay cũng là ngày trong tuần County đi lấy rác. Mùa đông trời tối sớm. Thời tiết mấy hổm rày lại nhiều gió và lạnh âm độ C, nên thật nhát ra ngoài trời. Tôi tưởng tượng sau khi mang cặp giỏ đi làm vào nhà, tôi sẽ phải đẩy hai thùng rác vào trong. Nhưng khi đến nhà, tôi ngạc nhiên không thấy thùng rác của mình nằm bên lề đường đợi. Lái xe vào sâu bên trong driveway thì thấy thùng rác đã nằm ngay ngắn ở chỗ của chúng.
Tâm hồn đang mơ say với giấc mộng đẹp còn vương lại từ đêm hôm qua. Bỗng nghe tiếng gọi của dì Thu, tôi giật mình tỉnh giấc rồi mà lòng vẫn còn luyến tiếc mộng mị an lành vừa thoáng tan đi. Chợt nhớ lại, hôm nay Huấn sẽ đến đón hai dì cháu chúng tôi đi biển. Sau nhiều lần chàng mời, dì Thu cứ nấn ná mãi cho đến gần ngày lễ ra trường của tôi, dì mới nhận lời để cả hai dì cháu đi chơi chung với anh hôm nay, và dì cháu tôi cũng nhận lời mời sẽ đến thăm gia đình bên ấy nhân ngày đọc kinh giỗ cho cha của chàng vào thứ bảy tuần tới.
Anh Nghê Minh Hiệp sinh và lớn lên tại Saigon, trong một gia đình có thân phụ là một sĩ quan từng phục vụ các Sư Đoàn 7, 9, 21 Bộ Binh, với chức vụ sau cùng là Thiếu Tá thuộc SĐ 21 BB, và 3 người anh em cũng là quân nhân, với người anh cả phục vụ trong Tiểu Đoàn 35 Biệt Động Quân, người anh kế là một phi công trực thăng, và người em rể cũng là một phi công trực thăng vỏ trang – cả 2 người này đều tốt nghiệp phi hành từ Hoa Kỳ. Do sống gần thân phụ, Hiệp chuyển trường nhiều lần, học qua các trường trung học Vĩnh Bình và trung học Tống Phước Hiệp, ở Vĩnh Long. Sau khi đậu Tú Tài vào năm 1968, Hiệp tình nguyện đầu quân vào Không Quân VNCH khi anh vừa tròn tuổi 19. Vào năm 1969, Hiệp được gởi sang Hoa Kỳ học bay. Tháng 11, năm 1971, sau khi hoàn tất chương trình học lái máy bay phản lực trong một năm rưỡi, Hiệp trở về Việt Nam, và được đưa ra Đà Nẵng phục vu Phi Đoàn 516, lái khu trục phản lực A 37. Cuối năm 1972, Hiệp được điều vào Biên Hòa học lái chiến đấu cơ phản lực F5. Xong khóa học
Ngày đầu năm, năm đó, cả nhà cô Ba gồm mười mấy người lớn nhỏ ra tiệm ăn cơm Tàu. Đại gia đình sống trong một thành phố nhỏ, chỉ có mỗi nhà hàng Tàu này mà thôi. Tiệm đắc lắm, có món lạp xưởng hết sẩy, đang thèm mà. Trong tiệm đầy khách ăn nói xôn xao vui vẻ. Sự ồn ào y như mấy quán ăn hồi còn ở Việt Nam. Làm như tất cả những những người gốc Á Đông sống xung quanh đều tụ lại đây hay sao ta? Đang ăn, bỗng dưng cô Ba thấy quặn đau một cái, ngưng nhai, đợi, rồi tỉnh bơ nhai tiếp. Đau quặn thêm cái nữa, cũng đợi, ngừng tay gắp, làm thinh, chịu đau.
Những lời thằng Eddie chạm vào điểm nhạy cảm của Steven, điều nó nói cũng là ý nghĩ vốn có trong đầu Steven. Người Việt hải ngoại không còn mấy ai đọc sách, tầng lớp trí thức gốc Việt chỉ đọc sách tiếng Anh có liên quan đến vấn đề chuyên môn của công việc, lớp trẻ sanh ra hay lớn lên ở hải ngoại chỉ đọc sách tiếng Anh vì đâu đọc được tiếng Việt. Tầng lớp bình dân làm móng, lao động tay chân thì không đọc sách dù là tiếng Anh hay tiếng Việt, cả đời không đụng đến sách báo. May ra chỉ còn một số ít ỏi yêu thích văn chương là chịu đọc. Sách tiếng Việt ở hải ngoại coi như cùng đường, đang thoi thóp hấp hối. Sách có in ra thì cũng chỉ để tặng quanh quẩn một nhóm người trong giới viết lách, yêu thích văn chương. Sách phát hành trên Amazon cũng chỉ để khoe mẽ cho vui chứ có ma nào mua. Viết lách chẳng những không được gì mà còn phải tốn tiền làm bìa, tiền dàn trang, tiền in, tiền để được lên mạng Amazon… Một thực tế đen tối và phũ phàng nhưng người viết vẫn cặm cụi, vẫn miệt mài. Viết là nỗi
Nhạc sĩ Cung Tiến