Hôm nay,  

Chiếc Hài Của Lọ Lem

01/10/202405:01:00(Xem: 7127)

bo-sach-vvnm 

Tác giả tên thật Lại Ngọc Thành, định cư tại Hoa Kỳ từ 1984, cư dân Houston, nghề nghiệp Computer Engineering nay đã về hưu. Ông đã tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2005 và nhận giải thưởng Danh Dự năm 2006 với bài viết "Nước Mắt Chảy Xuôi". Sau đây là bài viết mới nhất của ông ôn lại biết bao chuyện vui buồn trong những năm tháng nhiều gia đình Việt Nam xuất cảnh sang Mỹ theo diện quân nhân chế độ cũ hoặc đoàn tụ gia đình.
*

Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình tôi, chú Khải gửi về từ năm 1978, nhưng mãi đến cuối năm 1982, khi ba tôi được thả ra khỏi "trại cải tạo" Vĩnh Phú, thì má tôi mới xúc tiến việc nộp đơn xin xuất cảnh, diện đoàn tụ gia đình. Ở vào thời điểm đó, khi những chuyến bay chính thức rời Sài Gòn đi Mỹ, Pháp, hay Canada hãy còn lác đác như lá mùa thu, thiệt tình mà nói ai trong nhà tôi cũng đều không thấy nhen nhúm một tia hy vọng nào cả. Đi vượt biên tốn năm ba cây vàng cho một đầu người mà còn bị bắt lên bắt xuống, đằng này cả gia đình tôi lại trông mong vào tờ giấy bảo lãnh để được đi chính thức cả nhà, nghe qua như chuyện thần thoại nghìn một đêm lẻ!

Phải chi là diện vợ chồng bảo lãnh cho nhau, hay tệ ra cũng con cái bảo lãnh cho cha mẹ già thì còn le lói vài tia sáng hy vọng cuối đường hầm, đằng này chú Khải đứng tên bảo lãnh cho ba má tôi thì bị xếp vào diện anh chị em bảo lãnh cho nhau, biết tới chừng nào mới được cứu xét! Đã vậy còn thêm cái lý lịch sĩ quan cải tạo từng đi học tập của ba tôi nữa thì ngày đi Mỹ thấy sao mà diệu vợi. Thảng hoặc nghe tin người quen này tới đảo, gia đình kia được đi đoàn tụ, gia đình tôi không khỏi bùi ngùi cho số phận hẩm hiu của nhà mình. Đi đâu cũng được, miễn rời khỏi Việt Nam, thoát được sự kềm kẹp của "mấy ảnh" thì may ra đời sống mới còn đôi chút ý nghĩa!

Nhưng đến năm 1988, khi diện HO tức cựu tù nhân chính trị trở thành ưu tiên số một bên cạnh diện con lai trong việc cứu xét cho đi Mỹ, thì gia đình tôi một sớm một chiều thấy giấc mộng xuất cảnh nằm trong tầm tay với. Nhờ có giấy bảo lãnh của thân nhân nộp từ mấy năm trước, hồ sơ của nhà tôi được xếp phỏng vấn đợt đầu tiên. Như cô bé Lọ Lem được mặc quần áo đẹp đi dự dạ hội ở Hoàng Cung, cả nhà tôi ai nấy đều bần thần và ngất ngây như bị phục rượu. Chàng Hoàng Tử là vùng đất hứa mà bao nhiêu năm nay đâu ai dám tơ tưởng, vậy mà trong phút chốc đã hiển hiện như bằng xương bằng thịt, hỏi sao trong lòng không rộn ràng háo hức!

Người vui nhứt, dĩ nhiên là ba tôi. Từ hồi được thả ra khỏi "trại cải tạo", ba tôi đã tở thành một người khác. Ổng trầm lặng hơn, khắc khổ hơn, và dĩ nhiên, ốm hơn, già hơn hồi trước “giải phóng” là cái chắc. Nghề nghiệp chuyên môn không có, sức khỏe suy giảm để có thể làm những công việc nặng nhọc, ba tôi tự dưng bỗng trở thành một người bị gạt ra bên lề xã hội. Dù không nói ra nhưng ông cảm thấy mình trở thành một thứ "cánh hoa chùm gửi" ăn bám vợ con. Mà nói cho cùng thì vợ con cũng đâu có gì mà ăn bám. Cả nhà tôi chỉ trông vào thùng thuốc lá lẻ của má tôi, mua bán cò con đắp đổi qua ngày. Ông dè dặt từng lời ăn tiếng nói, không bao giờ lớn tiếng với anh em tôi. Thú vui của ông bây giờ chỉ là những lúc gặp lại những người đồng cảnh ngộ, ngồi vấn thuốc rê hút phì phào, nhâm nhi cà phê pha bắp rang, và kể lại những kỷ niệm vàng son ngày xưa.

Cũng có những lúc ông trở nên hoạt bát hơn, chẳng hạn như những lần nhận được quà hoặc tiền của chú Khải gửi về. Những thùng quà đó làm cho ông vui vì ít ra ông cũng cảm thấy mình không đến nỗi thừa thãi, mặc dù đó là tiền của chú Khải cho chứ không phải do ổng làm ra. Đều đặn một năm hai lần, chú Khải gửi quà về cho nhà tôi, lâu lâu kèm theo một lá thư của cô Loan vợ chú Khải, và một vài tấm hình chụp cả nhà nhân ngày ra trường của thằng Vũ, con trai lớn của chú, hay chụp hôm cả nhà đi chơi Disneyland. Những tấm hình màu đẹp đẽ ấy kèm với thùng quà thơm phưng phức trước mắt, đem đến cho ba tôi, và dĩ nhiên cả nhà, những niềm vui nho nhỏ. Ba tôi ngắm hình chú Khải đứng cười bên cạnh thằng Vũ, rồi quay lại nói với má tôi:

- Thằng Khải hình như càng ngày càng mập ra, cái bụng chang bang như đàn bà chửa sắp đẻ. Ngữ này mỗi ngày chắc cũng tu vài lít bia là ít!

 Má tôi vói tay lấy cặp kính lão đeo vào, đón lấy tấm hình trên tay ba tôi, ngắm nghía một lát rồi mới nói:

- Ông nói hơi quá. Chú Khải coi bệ vệ hơn hồi đó một chút chứ đâu đến nỗi! Mà bên bển người ta uống bia lon chớ đâu phải bia hơi như bên mình mà ông nói mấy lít!

 Thằng Đạt em tôi ngồi gần đó cũng chìa mỏ vô góp chuyện:

- Chú Khải nhỏ hơn ba có năm tuổi, mà nếu đứng chung chụp hình, người ta dòm sẽ tưởng ... hai cha con.

 Ba tôi cười:

 - Tiên sư mày, con với cái, tại má mày không đưa tiền cho tao đi nhuộm tóc, chứ tao đâu đến nỗi già dữ vậy!

 Rồi ba tôi đứng lên, tay cầm ly trà, mắt ngó mông lung ra ngoài cửa sổ:

 - Tại ở đây tù túng suy nghĩ nhiều nên mau già, chứ qua đó đời sống có lối thoát thì đâu có làm cho người ta cằn cỗi như vậy. Thằng Khải hồi đó lông bông mà bây giờ cũng có nhà cửa sự nghiệp đàng hoàng. Xứ Mỹ là xứ cơ hội mà, ai qua đó mà không ăn nên làm ra là thứ bỏ đi (!).

 Bao giờ cũng vậy, hể mỗi lần nhắc đến chú Khải là ba tôi lại mơ màng về cuộc sống ở một nơi nào đó xa lắc. Ở đó sẽ không có những buổi sáng ba tôi nằm dài trên giường ngó lên trần xem mấy con thằn lằn rượt đuổi nhau chờ má tôi đi bán buổi sáng về nấu cơm, không có những buổi chiều chạng vạng ngồi trước cửa nhà quạt phành phạch đuổi muỗi, hay những buổi tối cúp điện ngồi vấn thuốc rê dí lỗ tai sát cái radio nghe lén đài VOA, BBC để theo dõi tin tức quốc tế. Đời sống ở vùng đất hứa ấy chưa biết ra sao, nhưng ba tôi chắc mẻm một điều là tốt đẹp hơn cuộc sống hiện tại của ông, cuộc sống chắt chiu từng điếu thuốc từng ly cà phê, cuộc sống lo toan từng bữa cơm độn, cuộc sống chật vật làm cho con người ta dễ trở nên nhỏ nhen một cách bần tiện. Và hơn thế nữa, ông hy vọng qua đó có thể thay đổi được cuộc sống vô vị hiện tại, thoát được cái xã hội mà hình như không có chỗ cho ông dung thân.
 
 Từ hôm được gọi đi phỏng vấn xong và được chấp thuận, chỉ còn đợi khám sức khỏe và thủ tục sắp xếp chuyến bay thì nhà tôi hôm nào cũng vui như Tết. Những người bạn của ba tôi tụ họp lại bàn tán đủ thứ chuyện: những chuyện nghe được ở quán cà phê, ở tiệm hớt tóc, những tin tức từ đài VOA, BBC hay trong những lá thư của thân nhân gửi từ Mỹ về. Tôi có cảm giác phải chi nếu kéo dài cuộc sống hy vọng như vậy chắc ba tôi sống thọ thêm vài chục năm nữa. Có một buổi chiều, trong lúc ba tôi và hai ông bạn thân, bác Tín và bác Đăng, đang ngồi uống cà phê, thì ông đại úy ở đầu xóm, đi học tập đâu cũng gần sáu năm, cầm một tờ giấy chạy ào vô nhà tôi như một cơn lốc:
 
 - Nè, mấy ông mở to con mắt lên mà đọc: con nhỏ em tôi ở Mỹ, photocopy trang báo Văn Nghệ Tiền Phong gửi về cho tôi nè. Mỹ sẽ cho tụi mình hưởng qui chế tị nạn, cùng với housing và trợ cấp hàng tháng, ít nhứt là một năm đầu.
 
  Bác Tín giằng lấy tờ giấy trên tay ông đại úy, lẩm nhẩm đọc rồi thắc mắc:
 
 - Housing là nhà cửa. Vậy tụi mình qua đó được cấp nhà cửa sẵn sàng hết rồi. Nghe nói bên đó tiền nhà mắc lắm, tụi mình được cấp nhà sẵn như vậy là đỡ lo rồi còn gì!
 
 Bác Đăng làm ra vẻ hiểu biết:

 - Hồi đó bọn Mỹ bỏ rơi tụi mình, bây giờ phải cưu mang là phải đạo quá rồi! Nghĩ lại tụi mình bị tù cải tạo mấy năm mà bây giờ được tụi nó "bốc" đi như vậy cũng không tiếc lắm.
 
Rồi bác hỏi thêm:
 
 - Ờ mà ông có biết trợ cấp được bao nhiêu không?
 
Ông đại úy trợn mắt ngó bác:
 
 - Gần ba trăm một tháng cho một đầu người. Tương đương với một cây vàng. Nhà ông tám đứa con với hai vợ chồng mỗi tháng lãnh gần mười cây. Nếu tụi Mỹ trợ cấp một năm thôi, là ông có một trăm hai chục cây. Một trăm hai chục cây vàng ông nghe chưa? Ngồi ở không ăn suốt đời cũng không hết!
 
Mặt bác Đăng nghệt ra vì con số khủng khiếp mà ông đại úy vừa đưa ra. Cả đời bác chắc chưa bao giờ có được trong tay mấy chỉ vàng. Một vợ tám con với đồng lương sĩ quan ngày trước, chạy gạo đủ ăn đã là may phước lắm rồi! Bác mơ màng tưởng tượng ngồi ôm một trăm hai chục cây vàng trong tay, cuộc đời bác chắc sẽ bước sang một "khúc quanh lịch sử" mà bác không thể nào hình dung nỗi.
 
Ba tôi đón lấy tờ giấy, lướt qua một chút rồi hỏi mượn ông đại úy:
 
- Anh đi photo cho tôi một bản để tôi cho mấy người khác coi.
 
Ông đại úy gật gù:
 
- Đi photo chứ anh, còn bản chính tôi phải ép plastic để rủi rách biết tìm đâu bằng chứng hẳn hoi như vậy.
 
Vừa lúc đó má tôi từ dưới bếp bưng bình trà khác lên thay, nhìn thấy nét mặt ông nào ông nấy hớn nhở như mừng mẹ về chợ, bà cũng phải phì cười:
 
- Mấy ông làm như tiền Mỹ là tiền chùa, muốn có bao nhiêu cũng được. Bên đó người ta cũng phải đổ mồ hôi xót con mắt mới có ăn, của đâu để sẵn cho mấy ông qua bển hưởng!
 
Ba tôi gạt đi:
 
- Bà là đàn bà mà biết cái gì! Tụi tôi còn chưa bàn tới tiền ráp-pen được truy lãnh từ năm 75 tới giờ là đã ... thực tế lắm rồi! Tiền trợ cấp ở nước Tây Phương nào cũng có, để giúp cho dân thất nghiệp hoặc có lợi tức thấp. Mình mới qua, tiếng Anh tiếng U còn ngọng nghịu, được hưởng trợ cấp cũng là một điều hợp lý quá rồi còn gì!
 
Bác Tín tán đồng:
 
- Mình cũng đâu có ý định ăn bám suốt đời đâu! Có một số vốn rồi mình mở cơ sở làm ăn, hay là tụi mình hùn vốn lại mở tiệm ăn Việt Nam cũng được. Con nhỏ em tôi nói một tô phở bên đó bốn đô, tính ra tiền mình là hai chục ngàn. Bên đây phở Pasteur tô bự nhứt cũng chỉ có năm ngàn, chị thấy chưa, một vốn bốn lời!
 
Ba tôi ngó thấy nét mặt của má tôi có vẻ không thuyết phục, bèn làm một màn giải thích thêm, như võ sĩ trên võ đài bồi thêm cho địch thủ một cú đấm “knock out” để hạ đo ván:
 
- Vậy chứ tôi hỏi bà bên đó không dễ kiếm tiền sao thằng Khải hồi đó lông bông, lương xài tuần lễ đã hết cứ chạy lên vợ chồng mình xin xỏ, bây giờ qua đó nó cũng có nhà cửa xe cộ cơ ngơi đàng hoàng tử tế? Nếu không dễ dàng sao ai qua bển mới có mấy tháng là đã gửi quà về cho thân nhân bên này? Bà đã thấy có ai qua đó mà nghèo không, nói tôi nghe thử?
 
Má tôi tự dưng bị ba bốn người đàn ông xúm lại tấn công, bà chống đỡ yếu ớt:
 
- Ông làm gì mà dữ vậy! Tôi có ở bển ngày nào đâu mà biết! Tại thấy mấy ông lạc quan quá đáng nên mới có ý kiến ý cò một chút vậy thôi mà!
 
Rồi bà đứng lên, vùng vằng vừa đi vào bếp vừa lẩm bẩm cằn nhằn:
 
- Mấy cha này bị Việt cộng “cải tạo” lâu quá rồi đâm ra ngớ ngẩn. Một chỉ vàng bên đây bà con ruột thịt hỏi mượn còn chưa chắc được chớ đừng nói gì một trăm hai chục cây vàng mà khi không người ta đem cho! Đúng là nằm mơ!
 
Ba tôi và mấy người bạn không thèm đếm xỉa tới lời cằn nhằn của má tôi, mấy người tiếp tục ngồi bàn tán xôn xao, mỗi người đều tự vẽ trong đầu mình một tương lai vô cùng tươi sáng đang chờ đón mấy ổng ở Mỹ. Đâu phải ai cũng dễ dàng có được những tương lai như vậy, nhứt là ở tuổi về chiều như ba tôi, bác Tí hay bác Đăng.
 
Rồi mọi thủ tục khám sức khỏe và chờ lên danh sách chuyến bay cũng xong xuôi, cả nhà tôi được báo hai tuần trước ngày lên đường. Má tôi gom góp tất cả vốn liếng dành dụm sắm cho cả nhà những bộ đồ mới tươm tất. Tôi cũng có một bộ đồ vest, bận vào ngó vào trong kiếng y như ... “gà khoác áo tơi”. Thằng Đạt em trai tôi nhất định không chịu bận đồ vest, nó nói "dòm như ông già", má tôi phải cằn nhằn:
 
- Mày ra phi trường ăn bận lôi thôi lết thết như thằng ăn mày người ta ngó thì đừng có mắc cỡ!
 
Con Thúy, đứa em gái út của tôi, năm nay mới mười bảy, cũng góp ý:
 
- Má để cho ảnh bận quần jean với áo thun cá sấu coi cũng lịch sự vậy!
 
 Má tôi giơ tay phân bua:
 
- Mình ra phi trường đi xuất cảnh ghé tới mấy nước chớ có phải ra chợ Sài Gòn đâu! Ờ mà thôi tụi bây muốn bận cái gì thì bận, có mang chài mang lưới gì thì cứ mang, tao mệt quá rồi! Còn mày nữa, Thúy! Sao chưa chịu bận áo dài vô, còn chưa tới một tiếng nữa là đã đi rồi!
 
 Con Thúy phụng phịu:
 
- Trời nóng như thiêu mà má bắt con trùm áo dài vô chắc chưa qua tới đó con đã chết ngộp rồi.
 
 Má tôi trợn mắt:
 
- Ăn với nói tầm bậy tầm bạ! Sắp sửa đi rồi mà không biết giữ mồm giữ miệng. Tụi bây đứa nào đứa nấy lớn tồng ngồng cái đầu mà sao cứ để tao la hoài vậy! Còn thằng Thăng đâu, kêu ba mày coi lại giấy tờ coi có thiếu cái gì không, giờ này ổng còn đứng ngoài đó hút thuốc nữa. Chuyện gì mà nói hoài mấy tháng nay cũng chưa hết!
 
Tôi ngó ra ngoài cửa thấy ba tôi đang đứng chia tay với mấy người bạn. Ổng diện đồ vest vô coi cũng còn phong độ lắm, ít ra cũng còn hơn cái dáng thảm não âu sầu cách đây mấy tháng. Ba tôi ân cần bắt tay từng người bạn đến tiễn:
 
- Tôi qua bển trước rồi mấy anh qua sau. Tụi mình ở Cali hết mà, thế nào cũng có dịp gặp lại.
 
 Bác Đăng cẩn thận dặn:
 
- Tôi đi sau anh chắc cũng khoảng sáu tháng là ít, vì giờ này cũng chưa được gọi phỏng vấn. Có gì anh nhớ viết thư về để tụi này biết rõ tình hình bên đó nha.
 
Ba tôi cười an ủi:
 
 - Chắc chắn rồi. Có gì lạ sẽ cho anh biết.
 
Chuyến bay chở gia đình tôi rời Tân Sơn Nhứt tới Bangkok vào lúc trời chạng vạng tối. Ngó chung quanh toàn là dân đi đoàn tụ diện ODP hoặc dân HO như gia đình tôi. Mọi người nói chuyện râm ran. Một cặp vợ chồng ngồi cùng dãy ghế với tôi, gương mặt hớn hở như đi hưởng tuần trăng mật lần thứ hai. Mà có lẽ vui hơn lần thứ nhứt là cái chắc. Hồi đó đám cưới xong, cùng lắm là hai người tung tăng ở Cấp, hoặc thơ mộng hơn thì dìu nhau đi hồ Than Thở hay thung lũng Tình Yêu ở Đà Lạt. Bây giờ thì họ sắp đến một vùng đất mà từ hồi cha sanh mẹ đẻ chỉ được dòm trong sách báo hay phim ảnh, ở đó mùa thu có lá vàng rụng đầy công viên thiệt là thơ mộng, hay mùa đông tuyết rơi lả tả ngồi ôm nhau bên cạnh lò sưởi, khung cảnh ấm cúng làm cho tình yêu của họ càng thêm mặn nồng. Người chồng khoảng ngoài ba mươi, vui vẻ bắt tay tôi làm quen:
 
- Em đi Mỹ hả? Ở tiểu bang nào vậy?
 
Tôi cười xã giao:
 
- Dạ em ở Cali vì ông chú bảo lãnh về đó. Còn anh?
 
Người chồng gật gù:
 
- Gia đình anh về Texas, chỗ cao bồi mọi da đỏ đó. Nghe nói nóng lắm, nhưng chắc cũng đâu nóng bằng Sài Gòn mình, vả lại bên đó có máy lạnh mà, lo gì phải không?
 
Chị vợ ngồi kế bên cũng góp chuyện:
 
- Em cho địa chỉ để mai mốt tụi này tới nhà chơi. Bên đó Mỹ không, chắc gặp đồng hương cũng quý. Texas với Cali chắc cao lắm cỡ Sài Gòn Đà Lạt, bên đây muốn đi thì chầu chực xe đò, chứ qua bển có xe nhà lái chừng một tiếng là tới chứ mấy!
 
Tôi lấy cây viết ghi vội tên mình và địa chỉ chú Khải, đầu óc lơ mơ nghĩ không biết khoảng cách từ Texas tới Cali là bao xa. Nhớ mang máng trên bản đồ hình như cũng xa lắm, làm gì mà mất có một tiếng lái xe. Cái bà này chắc chỉ nói cho sướng miệng!
 
Ở Bangkok mười ngày, gia đình tôi được đi thẳng Mỹ, trong khi một số gia đình khác phải qua Phi học Anh văn sáu tháng. Ba tôi hãnh diện nói với má tôi:
 
- Muốn đi thẳng Mỹ, ngoài diện HO phải là cấp tá trở lên và đi học tập ít nhứt năm năm như anh vậy.
 
Má tôi xì một tiếng:
 
- Giờ ông nói hươu nói vượn gì không được.
 
- Vậy sao ông trung úy Nam đi chung chuyến với mình phải qua Phi?
 
Má tôi trả lời:
 
- Chắc ổng chỉ đi diện ODP suông thôi, không được diện HO như ông!
 
Chuyến bay phải ghé Tokyo mất sáu tiếng và sau đó bay thẳng đến San Francisco. Trong phòng đợi của phi trường chờ nhân viên ICM làm việc, ba tôi cứ nhấp nhổm ngồi không yên. Con Thúy và thằng Đạt mặt mũi bơ phờ ngồi ủ rũ một góc vì bị say ... máy bay, không thèm để ý tới khung cảnh đẹp đẽ sang trọng và tấp nập đang diễn ra trước mắt. Má tôi ngồi canh chừng mấy cái túi xách của cả nhà, có cả bức tranh sơn mài thiệt lớn làm quà cho chú Khải.
 
Lúc bước ra khỏi cửa phi trường về phía chỗ thân nhân đón tiếp, tôi đã nom thấy cái dáng bệ vệ của chú Khải. Chú bụm hai tay trước ngực, kêu lớn:
 
- Anh Khang, chị Nga!
 
Cả nhà tôi túa lại phía chú. Mới gặp chú tôi thấy hơi ngỡ ngàng vì hình như tụi tôi ăn mặc còn... đẹp và lịch sự hơn gia đình chú nữa. Ba tôi, tôi, và thằng Đạt ngượng nghịu trong ba bộ đồ vest cứng ngắc, má tôi và con Thúy mặc áo dài "cho có vẻ tươm tất" như lời má tôi nói. Chú Khải bận một chiếc quần short, áo thun không cổ áo, chân mang giày thể thao màu xám. Cô Loan vợ chú thì bận bộ đồ thun như đang tập thể dục thẩm mỹ. Hay là "mốt" bên này nó thế? Chú Khải cười tươi như hoa, giang rộng đôi tay như muốn ôm hết cả nhà chúng tôi:
 
- Welcome anh chị và ba cháu tới Mỹ. Sao đi máy bay có mệt không? Hội USCC vừa mới báo cho em hai hôm trước. Mấy đứa nhỏ lớn dữ rồi nha. Anh sao, tụi nó có làm khó dễ gì không?
 
Chị Loan quay qua má tôi:
 
- Chị xem, ảnh hỏi như ăn cướp vậy ai mà trả lời cho kịp. Trông chị đâu đến nỗi già chác lọm khọm như chị viết trong thư.
 
Má tôi cười:
 
- Già chứ Loan, năm chục rồi chứ bộ nhỏ sao. Ờ mà sao không thấy thằng Vũ vậy?
 
- À nó đi làm không xin phép nghỉ được, chiều về nhà anh chị gặp nó luôn.
 
Nhà chú Khải ở ngoại ô San Jose, cách phi trường San Francisco chưa đầy hai giờ lái xe. Chiếc xe van của chú chạy bon bon trên đường phố, vừa lái chú vừa giải thích cho ba tôi, tôi và thằng Đạt những khu phố hai bên đường. Tôi đưa mắt ngó ra ngoài qua khung cửa kính xe, những tòa nhà cao ngất ngưởng, những chiếc xe đủ màu đủ kiểu bóng loáng chạy vùn vụt bên cạnh, kèm theo những cái tên lạ hoắc do chú Khải giải thích. Xứ Mỹ đây sao? Thành phố San Francisco đây sao? Cầu Golden Gate mà tôi đã từng cầm tấm post card ngắm nghía hàng giờ đây sao? Nhìn tận mắt nó cũng đâu đến nỗi vĩ đại như tôi tưởng tượng. Cuối cùng rồi gia đình tôi cũng đã tới Mỹ, sẽ bắt đầu một cuộc sống mới tràn đầy hy vọng.
 
Nhà chú Khải ở ngoại ô San Jose. Chú nói ở đây giá nhà rẻ hơn một chút nhưng đi làm mất gần cả tiếng đồng hồ. Chú nói nhà nhỏ và cũ vì đã hơn mười tuổi, nhưng tôi thấy nó đẹp gọn ghẽ và... mới tinh. Chú kể chú đang làm cho một hãng điện, còn cô Loan thì làm trong nhà băng, còn thằng Vũ con chú đã ra trường đại học, hiện tại nó vừa đi làm vừa đi học lấy bằng master mà chú giải thích tương đương với bằng phó tiến sĩ. Trời đất, thằng Vũ nhỏ hơn tôi hai tuổi, ngày xưa tới nhà chơi tôi còn dẫn nó đi mua cà rem, vậy mà bây giờ nó đã sắp học xong phó tiến sĩ, còn tôi chỉ mới xong cái bằng... tốt nghiệp phổ thông.
 
Buổi tối cô Loan sắp xếp chỗ ngủ cho cả nhà. Ba má tôi nghỉ ở phòng đọc sách, chú Khải mới kê cái giường cho ông bà vô ngủ tạm. Con Thúy được thằng Vũ nhường phòng của nó, còn nó và anh em tôi ra family room nằm ngủ. Nằm trằn trọc trong bóng đêm, ngó cái hồ cá có nước chảy róc rách, tôi lan man nhớ lại bữa ăn tối hồi nãy. Chú Khải cười nói luôn miệng, cô Loan thì tỏ vẻ săn sóc con Thúy, cô cứ xuýt xoa phải chi cô có con gái lớn như vầy thì tha hồ cô dẫn đi shopping. Ba tôi thì cười bằng đuôi mắt và bằng cả tay chân nữa. Ngày đầu tiên trên xứ Mỹ đã không làm tôi thất vọng quá đáng vì sự vồ vập thân tình của cả nhà chú Khải.
 
Thằng Vũ an ủi tôi:
 
- Mai mốt anh đi học lại, bốn năm là ra trường kỹ sư, không khó lắm đâu.
 
Tôi cười gượng gạo:
 
- Tao bỏ lâu rồi hổng biết giờ đi học lại có nhớ gì không nữa. Hồi còn đi học mà còn học dở, huống gì đã bỏ gần mười năm nay!
 
Chú Khải lắc đầu:
 
- Vậy chứ chú thì sao? Hồi đó mới qua chú phải vừa đi làm ban ngày, buổi tối đi học thêm hai năm. Sau này cô Loan đi làm có “income” chú mới “quit job” đi học luôn bốn năm.
 
 Cô Loan nhắc khéo:
 
- Anh nói chuyện chêm tiếng Mỹ nhiều quá tụi nhỏ nghe đâu có hiểu kịp.
 
Chú Khải cười hề hề:
 
- “Sorry”, tại chú quen miệng. Tiếng Anh của chú cũng dở ẹt nhưng tại mấy chữ quen dùng nên chú buột miệng vậy thôi. Nghe chú nói có cái gì không hiểu thì hỏi lại nghe.
 
Ba tôi lên tiếng:
 
- Tụi nó là con cháu mà, hơi đâu mà chú khách sáo! Mấy đứa bây nữa, ăn đi chứ, làm cái gì mà ngồi ngẩn người ra hết vậy?
 
Tôi ngồi ngó bàn ăn ê hề những chén những dĩa mà thấy ớn ngang xương. Má tôi với con Thúy cũng khều vài đũa cho có lệ rồi ngồi nhâm nhi ly nước. Chỉ có thằng Đạt là chiếu cố tận tình. Ba tôi hỏi chú Khải:
 
- Bên đây mấy người cựu sĩ quan có sinh hoạt gì không chú?
 
- Thì mấy ổng cũng có hội riêng tùy theo binh chủng, mỗi năm hội họp ba bốn lần gì đó để biểu tình ngày 30 tháng 4, hoặc để tổ chức hội chợ vào dịp Tết. Em bận bịu đi làm nên cũng không có gia nhập nên cũng không rành lắm.
 
- Còn về vụ trợ cấp cho người mới tới như gia đình anh chị thì sao?
 
- À, nếu là tị nạn, tụi Mỹ nó gọi là “refugee”, như mấy người vượt biên ở bên đảo sang, thì được hưởng trợ cấp trong năm đầu nhưng phải theo học chương trình huấn nghệ của họ. Còn anh chị thì vì do em bảo lãnh nên là diện “immigrant, tức là diện di dân, không có trợ cấp gì hết!
 
Ba tôi há hốc mồm:
 
- Không có gì hết? Chú nói sao anh nghe không rõ?
 
- Thì không có trợ cấp chứ sao! Ngay cả tiền vé máy bay của anh chị, tụi em cũng phải đóng trước.
 
Má tôi chen vào:
 
- Hết bao nhiêu vậy chú?
 
Chú Khải vói tay lấy lon bia, coi bộ không chú ý lắm:
 
- Khoảng chín trăm mấy một người.
 
Má tôi lẩm bẩm:
 
- Vậy là gần cả ngàn cho một người. Như vậy là chú đóng gần năm ngàn tiền vé máy bay cho gia đình anh chị?
 
Chú Khải khoát tay:
 
- Thì coi như anh chị đi vượt biên đóng vàng vậy mà.
 
Rồi chú pha trò:
 
- Nhưng như vậy thì coi bộ an toàn và chắc ăn hơn, phải không nào?
 
Từ sau khi biết được chú Khải phải tốn gần năm ngàn tiền vé máy bay, không khí trên bàn ăn bỗng trở nên khác hẳn. Tôi nhẩm tính ra khoảng mười lăm cây vàng, cả một gia tài cho một gia đình ở Việt Nam. Rồi còn việc không có trợ cấp nữa. Tiếng Anh tiếng u lại không biết. Không lẽ gia đình tôi cứ phải ăn dầm nằm dề ở nhà chú Khải sao? Để tránh cho mọi người khỏi sự ngượng ngập, chú Khải cười xuề xòa:
 
- Mới qua bước đầu thì ai cũng gặp khó khăn nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Cuộc sống mà, ở đâu cũng có những khó khăn của nó, nhưng ít ra bên này mình còn cảm thấy mình có tương lai hơn. Hồi mới qua em cũng xuống tinh thần dữ lắm. Tiếng Anh thì không biết, học vấn thì chỉ có bằng tú tài một, nhiều đêm đi làm cu li chùi cầu tiêu tới ba bốn giờ sáng mới về tới nhà, thấy đời đen như mõm chó. Nhưng mình qua đây đâu phải để làm những chuyện đó đâu! Cái gì bắt đầu cũng khó. Anh chị và mấy cháu qua hơi trễ, nhưng trễ còn hơn là không bao giờ! Tụi Mỹ nó kêu là, “later better than never! Dù gì cũng còn có tụi em!
 
Ba tôi cảm động:
 
- Cám ơn chú! Anh chị và mấy cháu không làm gánh nặng cho gia đình cô chú đâu. Chú kiếm việc gì cho anh và mấy cháu làm, việc gì cũng được, nhà anh không sợ vất vả! Thằng Thăng đó, hồi đó cũng có đi làm thợ bánh mì một thời gian, cũng thức hôm thức khuya nhồi bột, canh lò, nướng bánh. Thằng Đạt coi nhỏ con chứ cũng khỏe lắm nha, nó ăn như tằm ăn lên, mà mình dây nên ốm nhom ốm nhách như sống sót sau trận đói Ất Dậu 1945. Phải không mấy đứa? Còn anh tuy lớn tuổi một chút, nhưng miễn người ta mướn thì mình làm. Chú thấy sao?
 
Chú Khải gật gù:
 
- Từ từ rồi tính. Anh chị mới qua cần phải nghỉ ngơi một thời gian, nhứt là cho quen với giờ giấc bên này. Thời gian đầu anh chị sẽ ngủ ngày thức đêm vì quen với giờ giấc bên nhà. Vài ba tuần nữa, anh chị sẽ học lái xe và học Anh văn trước.
 
Ngó về phía chúng tôi, chú tiếp:
 
- Mấy đứa phải ráng chịu khó vài năm đầu, đi học ESL trước rồi vào college. Có thằng Vũ nó chỉ dẫn cho. Ở đời không có gì tự dưng mà có. Nhưng không phải quá khó mà mình không làm được, miễn là mình đừng cao vọng quá hay bon chen những việc vượt quá khả năng. Thôi, kể chuyện Sài Gòn cho tụi em nghe đi. Chuyện đời sống bên đây rồi từ từ anh chị sẽ biết hết mà.
 
Bữa ăn lại tiếp tục vui vẻ, nhưng mỗi người trong nhà tôi lại theo đuổi những ý nghĩ riêng. Tôi chợt nhớ tới những người bạn của ba tôi, những người đang chờ đợi bên nhà và sắp sửa qua đây. Liệu họ có may mắn gặp được một người thân tốt bụng như chú Khải không? Mà nói cho cùng, nếu họ có thất vọng với cuộc sống bên này đi chăng nữa, thì chắc rồi họ cũng sẽ vượt qua được. Sau bảy lăm, cuộc đổi đời làm tan hoang biết bao nhiêu gia đình vậy mà họ cũng lây lất và tồn tại, thì sá gì một vài thử thách ban đầu ở vùng đất hứa hẹn này.
 
Một tuần sau chú Khải mướn cho gia đình tôi một căn apartment riêng. Ba cha con tôi làm janitor cho một building ở ngay trung tâm thành phố. Công việc bắt đầu từ tám giờ tối tới gần sáu giờ sáng mới xong. Mấy hôm đầu, sáng nào má tôi cũng thoa dầu nóng cho ba tôi, mặc dù hai anh em tôi lãnh hết những công việc nặng, ổng chỉ lau chùi những bàn ghế trong văn phòng. Má tôi vừa xức dầu thoa lưng vừa cự nự:
 
- Cái tướng ông trói gà không chặt mà bây giờ bày đặt đi làm cu li. Hồi đó ở Việt Nam cứ tưởng qua đây ngon lắm.
 
Ba tôi cười hì hì:
 
- Ở bển thì giống như ếch ngồi đáy giếng, với được tin gì nghe phấn khởi một chút là tin sái cổ để còn lý do mà sống. Chứ tôi hỏi bà, đời sống vật chất đã khổ như vậy, nếu không có nguồn hy vọng nào cho tương lai thì làm sao người ta sống nỗi.
 
Má tôi xì một tiếng:
 
- Hồi đó thấy ông lạc quan quá đang mà tôi đâm bực. Sao, hổm nay làm đã quen chưa? Nếu thấy mệt quá kham không nổi thì nghỉ đi, tôi nói thằng Thăng kiếm việc gì đó ban ngày làm thêm đôi ba tiếng nữa.
 
Ba tôi nhỏm dậy:
 
- Đâu có được bà! Tôi làm hơi cực một chút nhưng thấy thảnh thơi hơn bên nhà. Dù gì mình cũng còn có ích. Để tụi nó đi học ESL, biết chút ít tiếng Anh rồi sau này đi học đại học kiếm cái bằng, chứ hổng lẽ bà muốn ba cha con tôi đi chùi cầu tiêu với lau “toilet” suốt đời hay sao?
 
Rồi ông quay sang tụi tôi, lớn tiếng hỏi:
 
- Mấy đứa ghi danh đi học ESL chưa?
 
Thằng Đạt nhanh miệng:
 
- Người ta đi học cả tuần nay rồi mà bây giờ ba mới hỏi đã ghi danh chưa.
 
- Tụi bây đi hồi nào mà sao tao không biết?
 
- Giờ đó ba còn nằm ngáy khò khò trong phòng còn biết trời trăng gì nữa. Ờ có thư của bác Tín dưới Los gửi lên cho ba, hồi tối thằng Vũ có ghé đưa mà con quên đưa cho ba.
 
- Đâu xé ra cho tao đọc thử. Ông này đi sau gia đình mình hai tháng nè. Thằng cha này cũng thuộc loại "lạc quan không có cơ sở" như má mày nói,
 
Ba tôi xé phong thư ra, ngồi đọc rồi cười từng chập. Má tôi đợi ông đọc xong mới tên tiếng hỏi:
 
- Ông Tín viết có gì vui mà thấy ông cứ cười mỉm chi cọp hoài vậy?
 
Ba tôi cười hề hề:
 
- Thằng cha Tín mới qua có ba tuần mà đã đi làm bốn job rồi. Việc nào thằng chả cũng nói chả không có năng khiếu. Đi cắt cỏ nhà người ta thì chỗ lồi chỗ lõm như đầu ba vá. Đi rửa chén thì mỗi đêm làm bể cả chục cái, tiền lương không đủ tiền đền. Đến lúc đi bỏ báo ban đêm thì mắt quáng gà, nhà mua thì không ném báo, nhà không mua thì đem liệng trước cửa nhà người ta. Chả nói mới qua đây chưa đầy một tháng mà tóc đã bạc phơ như Ngũ Tử Tư, lại không có bạn bè than thở tán dóc uống cà phê nhàn nhã như hồi còn bên nhà. Chả nói vùng đất hứa gì lạ quá, không giống cái thiên đường mà thằng chả vẽ vời tơ tưởng trong đầu. Ờ, thằng cha có nhắc tới cha Đăng, cha trung úy một vợ tám con mà có lần cha Tín nói là ổng sẽ lãnh được một trăm hai chục cây vàng đó, bà nhớ không?
 
- Ờ ông Đăng chừng nào đi?
 
- Chắc cũng vài tháng nữa. Có lẽ tôi sẽ viết thơ về kể cho ông nghe đời sống thực tế bên này, để ổng tỉnh giấc mộng kê vàng của ổng. Đi trễ vài tháng, sống trong hy vọng được thêm vài tháng, rồi qua đây trở lại thực tế, phải không bà?
 
Má tôi mơ màng:
 
- Cũng may ông còn có chú Khải sống hết mình với gia đình mình. Không biết rồi mình sẽ trả ơn chú ấy bằng cách nào đây?
 
Nghe nhắc đến chú Khải, tôi mới chợt nhớ tới tối nay phải gọi cho thằng Vũ để hỏi mượn mấy cuốn sách toán lý hóa để ôn lại trước khi ghi danh đi học ở đại học cộng đồng vào mùa thu năm tới. Bỏ trường lớp gần mười năm nay rồi, tôi biết trước là mình sẽ vất vả rất nhiều. Nhưng có sao đâu, con bé lọ lem đã dự dạ tiệc xong, chuông đồng hồ nửa đêm đã điểm. Gia đình tôi và còn biết bao nhiêu gia đình khác đang đi kiếm chiếc hài làm rớt trên đường chạy vội ra chiếc xe song mã. Chuyện cổ tích nào lại không có một kết cuộc tốt đẹp. Bây giờ tôi nghĩ mình có quyền ước mơ chứ, những ước mơ nhỏ bé nằm trong vòng tay với mà tôi nghĩ mình có thể thực hiện được. Tôi sẽ trở lại trường, sẽ đi học lấy cái bằng chuyên môn, và rồi sẽ có một cuộc sống tương đối ổn định. Giấc mộng kê vàng của bác Tín hay của ba tôi cũng đâu phải là một chuyện gì kinh thiên động địa lắm đâu! Tôi nhớ ba tôi vẫn thường hay nói: "Xứ Mỹ là xứ cơ hội mà". Có đúng như vậy hay không? ...
 
 
Ngc Duy
 
 

Ý kiến bạn đọc
07/10/202417:22:34
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay.
03/10/202418:28:09
Khách
Một điều đáng tiếc là chánh phủ VNCH thiếu sót bổn phận với quân và dân. Sau khi quân Nga tấn công Ukraine tháng 2 năm 2022, chánh phủ Ukraine di tản 4 triệu dân ra nuớc ngoài, Ba Lan nhận 2 triệu, Mỹ nhận 100 ngàn. Tuy nhiên chánh phủ VNCH lại không tổ chức di tản dân ra nuớc ngoài như Ukraine sau khi quân CS chiếm miền Trung. Chánh phủ VNCH lại không cảnh báo cho dân biết chánh sách kinh tế Cộng sản như đánh tư sản, mại bản, tiểu thuơng, tịch thu ruộng đất đưa vào hợp tác xã, nhu yếu phẩm phải mua từ cử hàng quốc doanh, và hình phạt gulag cho tù binh. Nhiệm vụ của chánh phủ là cảnh cáo dân truớc những nguy hiểm như bão tố, lụt lội, và phải di tản dân ra vùng nguy hiểm. Nhưng chánh phủ VNCH không thông báo những tai họa của Cộng Sản và không di tản dân. Vì vậy dân miền Nam bị bất ngờ khi CS bắt đổi tiền, tịch thu nhà cửa, tài sản, tiểu thuơng bị cấm buôn bán, quân nhân và công chức bị tù cải tạo. Hàng trăm ngàn nguời bị chết thảm khi đi vuợt biên chỉ vì chánh phủ VNCH không cảnh cáo truớc hiểm hoạ Cộng Sản hay cho di tản dân như Ukraine. May thay các quốc gia trên thế giới hào hiệp đứng ra cứu vớt dân VN đưa vào trại tị nạn và cho định cư khi chính nguời Việt chúng ta xô đẩy nhau vào địa ngục Cộng Sản. Ông NC Kỳ nói với giao' dân ở Tân Sa Châu là nên ở lại VN vì ở Mỹ không có mắm tôm cà pháo. Ông DVM sau khi nhận chức TT thì nói trên đài phát thanh khuyên "đồng bào đừng bỏ nuớc ra đi" rồi hai ông này lén ra đi. Hậu quả là hàng triệu nguời ở lại VN 30-4-75 không ra đi, bị mắc nạn. Xô đẩy khuyến khích hàng triệu nguời vào khổ nạn là điều thất đức. Nếu Mỹ không sáng lập chuơng trình ODP và HO thì biết bao nhiêu nguời phải chịu sống địa ngục. Xin tri ân những nguời vận động sáng lập chuơng trình ODP và HO.
02/10/202412:44:56
Khách
Hồi 1978 (?) có chuơng trình Ra Ði Trong Vòng Trật tư ODP cuả TT Carter đuợc USCC và các hội thiện nguyện thi hành thì không cần citizenship để bảo lãnh. Chỉ cần giấy USCC gởi về là ở VN nộp đơn, không cần giấy I-171 của Immigration. Truớc khi có chuơng trình ODP, chỉ có US citizen mới bảo lãnh đuợc cha mẹ vợ con và anh em, sau khi ODP chấm dứt thì bảo lãnh thân nhân lại phải cần citizenship. ODP là chuơng trình đuợc Mỹ thoả thuận với CSVN năm 1978-1979 để giảm số thuyền nhân ra đi ào ạt nguy hiểm trên biển.
Cám ơn tác giả đã viết bài viết rất hay và dí dỏm.
02/10/202400:17:24
Khách
Trích: “Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình tôi, chú Khải gửi về từ năm 1978 . . . .”
Ông Khải ắt rời VN diện di tản 1975, và 1978 ở Mỹ chỉ là Thẻ Xanh. Để bảo lãnh di dân cho anh chị em, người bảo lãnh cần có quốc tịch Mỹ.
Lại Gia Định “định cư tại Hoa Kỳ từ” 1981.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 310,685
11/10/202400:26:00
Trường hợp này xảy ra cho chính bản thân tôi ngay trên nước Mỹ văn minh và giàu có: nhà tôi bị trộm viếng, tôi bắt được ngay tại trận, chạm mặt với nó, và rượt đuổi nó. Sau khi nó chạy thoát, tôi phải cất công đi làm “thám tử” điều tra coi tên trộm từ đâu đến, để rồi khi kiếm ra, chính tôi phải kiếm đến tận nhà để làm hòa và tha thứ cho “ngài đệ tử” của thần Đạo Chích này.
10/10/202412:12:00
Tôi biết Khánh đã lâu, từ khi còn là cô bé du sinh, vô xin việc làm thêm ở toà báo để có thêm thu nhập. Nói nhiêu đó đã đủ biết Khánh không phải con cán bộ qua Mỹ ăn chơi bằng diện du sinh. Ngặt thời ấy, cộng đồng người Việt ở địa phương còn chống Cộng dữ lắm nên tôi chỉ biết tôn trọng những người bị bứng ra khỏi quê hương, sống đời hải ngoại. Tuy cái ăn, cái mặc, chỗ ở, việc làm; đặc biệt là tự do đều rộng mở ra tương lai tươi sáng; chỉ nỗi nhớ người thân, quê nhà canh cánh trong lòng người xa quê.
08/10/202405:01:00
Đang ngủ say, Bin bỗng giật mình tỉnh giấc vì nghe những tiếng ầm ì rất lớn. Cửa sổ muốn bể toang như có ai đang dập mạnh vào. Em sợ hãi nhìn sang giường bên. Chị Ti đang ngồi trùm chăn run rẫy . Bỗng dưng điện tắt phụt. Bóng tối mang gương mặt kinh dị của Halloween, như muốn nuốt chửng lấy cả hai. Hốt hoảng, hai chị em cùng nhảy phóc xuống giường, chạy nhanh sang phòng ba mẹ, gào khóc inh ỏi.
04/10/202400:00:00
Tôi gặp anh khi cuộc đời anh đã ba chìm bảy nổi, cộng thêm tôi vào là thành chín cái lênh đênh. Hề gì, một mái lều tranh hai quả tim vàng. Tôi dạy học, dẫu đồng lương chết đói, nhưng yên chí mỗi tháng có 13kg gạo, nửa ký đường và ba chục đồng “tiền Bác”, đủ sống qua ngày. Điều quan trọng tôi là thành phần gương mẫu trong xã hội, chưa hề có “nợ máu với nhân dân”. Thời chế độ cũ, tôi chỉ có đi học. Di cư vào Nam năm hai tuổi, tới mùa hè 1975 học xong, rồi đi dạy, thì chắc chắn phải là thành phần gương mẫu. Vì vậy khi lập gia đình với một ông vừa ra khỏi “trại cải tạo”, hàng xóm cũng nhân nhượng không để ý lắm tới sinh hoạt của chúng tôi.
03/10/202405:00:00
Trong xã hội, từ thuở dựng nước, tiền nhân đã đặt người làm thầy vào vị trí rất cao trọng, chỉ sau vua, trong thứ tự Quân Sư Phụ. Với tôi, người làm thầy mang một thiên chức cao cả, vì người làm thầy có thể giúp định hình tương lai cho nhiều thế hệ tiếp nối. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thân mẫu là người cả đời chỉ biết đến phấn trắng, bảng đen, có thân phụ vừa là sĩ quan quân đội vừa là huấn luyện viên của Cục Chính Huấn, trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên tình yêu dành cho việc giảng dạy đến với tôi thật tự nhiên, thật nhẹ nhàng....
27/09/202400:00:00
Phải chăng khi ta viết về một người chết là ta giúp cho người chết không bị thời gian lãng quên?! Là cho phép người chết sống lại, cho dù trên trang giấy trừu tượng, để cảm nhận người chết đang hiện hữu với ta, gần gũi với ta trong thương nhớ mà đôi khi lúc còn sống ta lại phần nào hững hờ vì không gian và thời gian không cho phép. Tuy chết là hết, nhưng có những cái chết bi hùng, chết “đẹp” đáng ngưỡng mộ. Là những cái chết khác lạ trong đời thường. Như của Harakiri, coup de grâce/phát súng ân huệ ngoài chiến trường, tự vận của những tướng quân hay tự sát tập thể với trái lựu đạn nổ giữa niềm uất hận không muốn buông súng. Nhiều cái chết rất bình thường xẩy ra trong giấc ngủ hay đột ngột do tai nạn, và thường nhất là cái chết do các bệnh nan y, đến từ từ, với nỗi sợ hãi và đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, cho người bệnh và thân nhân.
26/09/202405:00:00
Những con vật được nuôi trong nhà, gọi chung là gia cầm thì con chó được loài người thuần hóa sớm nhất từ loài sói xám và được nhắc đến nhiều trong văn học từ cổ chí kim, từ đông sang tây với những từ ngữ ngọt ngào: trung thành, tình nghĩa, khôn ngoan, thân thiện... Nhưng không hiểu tại sao người Việt mình khi giận hờn nhau thường đem con chó ra chửi: “đồ chó,” “cái mặt chó,” “cái đồ chó đẻ!”. Lúc bực bội những chuyện ngoài đường, về nhà con chó chạy ra ngoắc đuôi mừng rỡ, ông chủ lại cho nó một đá cho hả giận… mặc dù nó chẳng có tội tình gì - nó cúp đuôi, tiu nghỉu chạy trốn - chẳng hiểu tại sao (?). Trong nhà vợ chồng cãi nhau, chó là con vật đầu tiên bị mang tai họa. Vì không biết làm sao cho bớt ấm ức, bèn đá con chó, chửi con mèo… Bởi thế, mới có thành ngữ “mắng chó chửi mèo” hay “chỉ chó mắng mèo” là vậy. Thật khốn khổ cho cuộc đời con chó!
24/09/202405:00:00
Bạn bè rủ đi “Cruise” gần nửa tháng qua ba thành phố của tiểu bang Alaska và Canada. Tôi cảm thấy ông xã không được khỏe và bản thân mình cũng vậy, nên đang còn lưỡng lự. Nhưng L (ông xã) thúc giục tôi cố gắng chuyến này bởi khó có cơ hội đi cùng với bạn bè, còn ông thì không thích đi du lịch. Hèn gì mấy năm trước hai người đến bưu điện làm thẻ passport, ông nhất định không chịu làm nhưng lại thúc giục tôi tiến hành.
20/09/202400:31:00
Hắn mỉm cười một mình. Hắn vừa nghĩ tới hai chữ “vu vơ” mà một tác giả dùng làm tựa đề cho loạt bài viết về văn chương trong một website văn học có uy tín. Lý do là vì hắn cũng đang vu vơ về việc viết văn. Bản thân hắn không quan trọng nên những gì thuộc về hắn cũng không quan trọng. Tất cả chỉ là...vu vơ.
19/09/202405:00:00
Lần đó gia đình chúng tôi bay qua Texas để dự lễ ra trường High School của Kevin, thằng cháu, con trai út của ông anh Tư. Đại gia đình đi thành một phái đoàn, kéo đến hội trường của trường học, nhìn đám trẻ tưng bừng nhốn nháo, hớn hở vui cười, gọi tên nhau í ới, lòng tôi cũng vui theo. Chương trình bắt đầu, cả hội trường im phăng phắc, sau các thủ tục ban đầu, các bài phát biểu của các thầy cô giáo, hiệu trưởng, là phần phát biểu cảm tưởng của người thủ khoa, valedictorian. Đó là một cậu bé Mỹ da trắng, cao ráo, khuôn mặt sáng sủa, có nụ cười thật dễ mến...
DAVEMIN.COM
Nhạc sĩ Cung Tiến