Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Ăn Tết

09/02/202400:00:00(Xem: 2021)
Ăn Tết minh hoạt_Ảnh Mùng Một Tết tòa soạn Việt Báo
Ăn Tết minh hoạt_Ảnh Mùng Một Tết tòa soạn Việt Báo
Mỗi sáng chủ nhật quán cà phê Chợt Nhớ đông nghẹt khách, phần lớn là khách quen thuộc, tuy nhiên tuần này có thêm khách xuyên bang về. Chợt Nhớ là quán có tên tuổi nhất ở vùng này, dân chơi, dân giang hồ, dân cờ bạc, mấy mậu cho vay nặng lãi và tụi khoe mẽ… đều tụ tập về đây. Quán lúc nào cũng ồn ào, rộn ràng. Tivi cả chục cái chuyên về football, chỉ có mỗi cái sau lưng quầy tính tiền là luôn chơi nhạc Bolero nỉ non sướt mướt. Khách uống cà phê hầu như chẳng có ai nghe nhạc hay xem tin tức mà chỉ dán mắt vào tivi coi tỉ số đá banh, tỉ số bóng cà na và cá độ. Tụi thằng Tí Còi, thằng Sơn Lắc, thằng Hùng Nổ, con Lisa, con Yến… là đóng đô thường trực.

    Ở một góc phía sát mặt đường có một nhóm bạn cũng thường ghé quán nhưng không có chơi game hay cá độ. Bọn họ thường tụ tập nói chuyện linh tinh hay đùa giỡn thôi. Sáng nay thằng Duy hỏi thằng Linh:

    – Tết nay mầy có dìa Dziệt Nam ăn tết không?

    – Có, tao đã đặt vé từ trước Thanksgiving.

    – Sướng nha, chuẩn bị hưởng rồi.

    – Dzậy mầy có dzìa không?

    – Tao cũng muốn đi nhưng chưa đi được, chắc có lẽ tết năm sau. Dzìa Việt Nam mùa này tiện lợi đủ đường. Vừa qua lễ Noel hàng hóa đại hạ giá, quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo… giảm tới 85% luôn, tha hồ mua làm quà, chỉ cần bỏ ra vài trăm đô là đủ nhét chặt mấy cái vali. Đi Việt Nam những mùa khác làm gì có đồ giảm giá mà mua.

    Thằng Hưng cận, mắt mũi dí sát cái điện thoại cầm tay hí hoáy quẹt quẹt, nó không nhìn lên nhưng nghe rõ hết, nó cà khịa:

    – Ăn tết là ăn cái giống gì vậy hả? Ở Mẽo này đồ ăn ta, Tàu, Tây, Mễ… ăn muốn lòi bản họng chưa đã sao? Còn bánh mứt truyền thống thì các chợ nhập qua thiếu điều chở đi đổ biển cũng không hết, dzậy mà còn đòi dzìa bển ăn tết.

    Thằng Linh đạp thằng Hưng cận một phát thiếu điều muốn té ngã khỏi ghế:

    – Con bà mầy, bày đặt cà khịa hả? móc họng hả?

    Cả bàn cười sằng sặc, thằng Duy chọt vô:

    – Nó xạo xạo cái miệng chứ tết nào cũng chạy dzìa bển ăn tết ai mà hổng biết.

    Thằng nghĩa nãy giờ xem đội Eagle và đội Dolphin chơi trên sân GA. Mắt nó không rời ti vi nhưng tai nó nghe nên miệng chửi:

    – Mầy thô quá Hưng cận, ăn tết đâu chỉ là món ăn hay ăn uống nhậu nhẹt, ăn còn có ý nghĩa tinh thần nữa, hưởng cái không khí tết, cái văn hóa cổ truyền, thõa mãn cái nghe, thấy, nhìn, cảm nhận… Mầy lúc nào cũng chỉ nghĩ ăn với nhậu không hà.

    Bấy giờ thằng Hưng mới ngưng quẹt điện thoại, vẻ mặt câng câng:

    – Nói thì nói dzậy thôi chứ dzìa bển ăn tết là hưởng, ngu sao hổng hưởng? Đã lắm tụi bay ơi, mang dzìa vài xấp là làm dzua, muốn gì cũng được, mấy em chân dài xinh đẹp chìu hết mình luôn.

    Thằng Hưng nói thiệt tình. Nó đem hình và quà mấy con ghệ từ bên Việt Nam gởi qua, con nào cũng kêu thương kêu nhớ. Hổng biết nó dzìa bển dụ khị tán tỉnh sao  đó làm cho mấy con nhỏ tưởng thiệt nên nuôi mộng lấy Dziệt kiều để được đi Mỹ. Thằng Hưng khôn thấy mẹ luôn, nó bỏ ra tiền thì nó phải được cái gì đời nào nó cho mấy ẻm ăn không. Mà mấy con nhỏ đó cũng khôn thấy bà, sành sõi nước đời, tụi nó cũng rành sáu câu cái mác Dziệt kiều, câu Dziệt kiều để đi Mỹ chứ yêu thương gì! Hai bên đều đang chơi trò cút bắt với nhau thôi chứ chẳng có ai chân tình gì hết ráo. Gần như năm nào thằng Hưng cũng dzìa Việt Nam ăn tết, quê nó ở Thủ Thừa-Long An nhưng có nhà ở Sài Gòn nên về bển hổng lo chỗ ở hay ăn uống, chỉ lo hổng có sức chơi thôi!

    Nghe thằng Hưng nói vậy, cả đám cũng gật gù hưởng ứng, chuyện gì chứ nói chuyện ăn chơi, gái gú ai mà hổng ham. Chợt thằng Linh lái chuyện sang hướng khác, hổng biết nó chọt thằng Hưng hay chỉ là vô tình:

    –  Tao ghét nhất mấy khứa ở ngoài thì hùng hổ dữ dằn nhưng khi dzìa tới hải quan Tân Sơn Nhất thì khúm núm khép nép, kẹp tiền vào passport.
    Thằng Hưng cãi:

    – Bố thí cho cô hồn các đảng năm hay mười đô để tụi nó khỏi làm khó dễ, mình đi qua nhanh hổng sướng sao? Bộ mầy hổng thấy tụi nó cứ câu giờ làm khó những người không kẹp tiền?

    – Mình không làm gì sai thì chẳng sợ ai, cũng vì nhiều người nghĩ và làm như mầy nên tụi nó mới lộng hành nhũng nhiễu.

    Thằng Hưng quạu đeo:

    – Tao đách biết chuyện chính trị. Tao cũng chẳng thèm quan tâm chuyện chính trị. Tao cứ kẹp tiền để  qua cửa hải quan cho lẹ. Mầy ngon thì nói với mấy khứa HO đó. Mấy khứa lão miệng thì nói này nọ nhưng năm nào cũng dzìa bển ăn chơi, cặp kè gái gú bằng tuổi cháu của mấy ổng. Ngày ngày ra quán cà phê, quán nhậu nổ banh nhà lồng luôn. Tao chính mắt thấy mấy khứa kẹp tiền và còn bảo người nhà kẹp tiền vô để tụi hải quan không làm khó.Tao cũng nhắc cho tụi bay biết là tao không có quơ đũa cả nắm nhen, ý tao là có nhiều khứa lão HO mà tao biết tên biết mặt chứ không phải là tất cả, đừng có mà xuyên tạc à nha!

    Trong đám nhà lá lộn xộn này thì Nghĩa là người hiền nhất, ít nói nhất nhưng xem ra cứng cựa nhất. Nghĩa đồng ý với thằng Linh, nó cũng muốn dzìa Việt Nam chơi vì gia đình nó còn ở bển, ngặt cái con vợ Nghĩa không thích Việt Nam nên không chịu đi, còn đi một mình thì con vợ ghen quá trời, mỗi lần nói đến chuyện đi Việt Nam là hai vợ chồng cãi lộn ì xèo, bởi vậy nên Nghĩa ít đi Việt Nam nhất. Lần cuối nó đi Việt Nam một mình cách đây cũng đã năm năm, còn lần đi cả hai vợ chồng thì cách cũng đã mười lăm năm, lần đi ấy đã để lại bài học nhớ đời. Khi Nghĩa về tới Tân Sơn Nhất nó nhất định không chịu kẹp tiền vào passport, thằng nhân viên hải quan lầm lì khó chịu hỏi linh tinh, cả hai cứ ngầm so găng với nhau, cuối cùng thằng nhân viên hải quan thấy không ăn hiếp được bèn đóng mộc cho qua để còn kiếm chác đứa khác. Riêng con Quyên, vợ  Nghĩa thì kẹp mười đô vào passport ấy vậy mà thằng nhân viên hải quan lấy tiền rồi lại làm khó, nó bảo số serial trên visa mờ không hợp lệ bắt phải làm cái khác, thế là con Quyên phải tốn thêm một trăm rưỡi nữa mới qua được cửa khẩu. Cả hai vợ chồng Nghĩa tức muốn hộc máu mà không làm gì được. Về đến Sài Gòn đã hăm tám tết, không còn vé tàu, xe, máy bay gì để về miền Trung. May có người quen móc nối với tụi nhân viên đường sắt, dẫn ra ga sài Gòn và lên phòng riêng của nhân viên toa xe, có điều phải chi gần gấp đôi giá vé chính thức. Tay nhân viên toa xe nhìn thấy va li lỉnh kỉnh biết là Dziệt kiều nên chém đẹp.

    Về ăn tết ở quê vui thật, gặp bạn cũ, người thân, đi viếng mộ ông bà tổ tiên, gặp họ hàng… nhưng cũng mệt lắm, lì xì muốn hụt hơi luôn. Đó là Nghĩa đã hà tiện, đã căn cơ bớt rồi đấy, nếu chơi xả láng lấy le hay chơi nổi như người ta nữa thì có mà sạch túi luôn.

    Đêm giao thừa ở quê ngày xưa thiêng liêng lắm, giờ phút giao thừa tưng bừng pháo nổ, giờ phút giao nhau giữa cũ và mới, giữa con người với đất trời, giữa thế hệ hiện tại với tổ tiên… Nhưng từ khi nhà cầm quyền cấm pháo thì giao thừa trôi qua trong lặng lẽ không ai hay biết.

    Đêm ba mươi tối như hũ nút, Nghĩa lên lầu thắp nhang cúng phật, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, lòng nhớ tiếng pháo của một thời bé thơ. Lần hai vợ chồng Nghĩa về ăn tết năm ấy những tưởng có gì thay đổi nhưng tuyệt nhiên chẳng có gì. Đêm ba mươi tối mịt như cái màn đêm phủ chụp xuống, tất cả lặng lẽ chìm đắm trong một màu đen thăm thẳm chẳng thấy một chút le lói nào có thể xuyên qua tấm màn đen ấy. Kể từ bận ấy đến giờ vẫn còn cấm pháo và cấm nhiều thứ khác nữa, giao thừa, ngày tết, mùa xuân... âm thầm qua chẳng ai hay biết. Đêm giao thừa không có tiếng pháo chẳng khác gì cả nước bít bùng trong bốn bức tường sắt tối đen vô cảm.

    Ngày tết ở hải ngoại pháo nổ giàn trời luôn, pháo đốt từ chùa chiền, thương xá, tiệm tùng, nhà hàng, chợ búa, shopping… Người ta thi nhau đốt, đốt để lấy hên, để vui ba ngày tết. Tết hải ngoại nếu rơi vào cuối tuần thì càng vui hơn, tấp nập hơn. Nếu tết mà rơi vào ngày làm trong tuần thì Nghĩa lấy ngày nghỉ để đi chơi tết, lên chùa lễ Phật… Tết ta ở hải ngoại trùng với thời tiết mùa đông, trời lạnh giá ấy vậy mà chị em phụ nữ vẫn mặc những bộ áo dài truyền thống để đi hội chợ xuân. Những tà áo dài đủ kiểu, đủ màu sắc làm cho không khí xuân như tươi hơn, ấm hẳn lên. Mấy năm gần đây thì phong trào áo dài cách tân từ trong nước lan ra hải ngoại. Nhìn những cái áo dài ngắn cũn cỡn, nhỏ xíu trông thật xấu xí và phản cảm. Người mặc áo dài cách tân cứ như mặc áo bính của trẻ em, không vừa với kích thước người lớn. Cách tân kiểu này phá hư nét đẹp áo dài Việt Nam, thế mới biết không phải cứ cái gì mới, cái gì cách tân cũng tốt đâu! Nhiều khi cái cũ, cái xưa ấy vậy mà lại đẹp và hay hơn rất nhiều.

    Người đi chơi tết dường như cũng hưởng được chút không khí tết của quê nhà. Giữa vùng ngoại phương lạnh giá, nhiều nơi còn ngập cả trong tuyết băng. Riêng thành Ất Lăng này thì khí hậu tương đối ôn hòa, tuy là tết ở vào trọng đông nhưng nhiệt độ chỉ lạnh chứ không mấy khi có tuyết, ở đây tuyết cũng chỉ đủ làm duyên chứ không dữ dội như các bang phía bắc. Ngày tết các chùa thoang thoảng hương trầm, đèn nến sáng trưng, đồng hương diện áo dài (dù là áo dài cách tân nhỏ xíu và ngắn cũn cỡn) tự nhiên lòng người cũng thấy vui, thấy như mình đang sống giữa không khí tết cổ truyền.

Nghĩa miên man trong dòng suy tư của mình trong lúc cả đám bạn nhao nhao nói chuyện như pháo nổ. Bất chợt có tiếng la to làm cho mọi người trong quán cà phê dáo dác hướng mắt về chỗ phát ra tiếng la, thì ra thằng Win vừa trúng Jackpot ba con số bảy với số tiền lên đến mười lăm xấp. Thằng Hưng chạy lại chỗ thằng Win vỗ vai chúc mừng nó:

    – May mắn ghê dzậy mầy! Tết này huy hoàng rồi hén!

    Thằng Linh cũng lại gần máy game, nó cười nhếch mép:

    – Từ đây đến tết cũng còn hơn cả tháng nữa, bộ mầy tưởng nó giữ được đến lúc đó sao?

    Thằng Quân ngồi ở máy game kế bên, vẻ mặt không vui không buồn, mắt vẫn dán chặt vào màn hình máy game, miệng nó triết lý:

    – Tiền cờ bạc mà, vô tay này ra tay kia, rút từ máy này rồi đút vô máy khác là chuyện thường! Hồi nào giờ ai thắng Jackpot sớm muộn gì cũng đút lại máy game hết ráo, thậm chí còn lỗ thêm nữa.

    Thằng Linh phản ứng:

    – Lời lỗ gì hổng biết, nhưng lấy được Jackpot thì trước mắt là hên lắm đó. Cả mấy chục thằng cháy túi và phải mấy tháng trời mới có một người lấy được Jackpot. Tao đây cũng thử thời vận hoài, chơi cả chục năm nay nhưng có bao giờ trúng Jackpot đâu, ngay cả mầy nữa, rồi còn nhiều thằng khác cũng thế!

Ngoài quán cà phê Nhớ ra còn có quán Mộng Mơ, quán Dĩ vãng… cũng đầy nhóc máy game. Ly cà phê có mấy đồng sao sống nổi? Mấy quán cà phê Việt sống bằng máy game, cầm cái cá độ đá banh, banh cà na… cá độ quanh năm luôn vì có bao giờ hết game đâu? Ngoài quán cà phê Việt ra, mấy cây xăng của tụi Ấn Độ và chợ của bọn Đại Hàn cũng đặt đầy máy đánh bạc. Những con bạc người Việt thua liểng xiểng, thua cháy túi. Thằng Dũng cũng là bạn của cả nhóm, nó thua nặng đến độ rút hết tiền 401-K mà cũng trả không hết nợ. Năm rồi nó dzìa Việt Nam bán mấy lô đất mà gia đình chia để đem qua trả nợ, nợ tiền cờ bạc của giang hồ không phải chuyện giỡn chơi, chúng xử tới bến. Thằng Anh, con trai của siêu thị Đại Phát cũng cá độ và thua game đến nỗi bán cả nhà và xe vẫn trả không hết nợ, cuối cùng bỏ thành Ất Lăng trốn nợ, tuyệt tích giang hồ luôn. Những người mê cờ bạc, chơi máy game đều là vì lòng tham, muốn bỏ ra chút ít mà thắng nhiều. Tiếc rằng tất cả cuối cùng đều sạch nhẵn túi.  Đã dính vào máy game thì rất khó bỏ, thắng chút ít thì muốn thắng thêm còn thua thì muốn gỡ gạc, vì vậy mà ngồi chơi cho đến khi không còn xu teng nào. Nhiều người sau đó vay của giang hồ để tiếp tục chơi hòng lấy lại những gì đã mất, nào ngờ mất luôn những gì đã có. Nghĩa cũng nhiều lần thử thời vận, có đôi khi thắng nho nhỏ nhưng cuối cùng cũng đút lại vào máy game hết. Cái may (hay bị) là tiền bạc vợ nắm giữ hết cho nên không đến nỗi chơi đến cháy túi. Rất nhiều lần Nghĩa cứ tâm niệm: “Mình có bản lãnh, chỉ chơi cho vui, chơi tài tử chút chút thôi!” nhưng khi đã ngồi vào máy game thì bản lãnh, nghị lực, quyết tâm… gì cũng tiêu tùng hết! Những cái máy game quả là kiếp nạn của không ít người Việt ở thành Ất Lăng này, nó không chỉ làm khổ người chơi mà di họa đến cha mẹ, vợ, chồng, con cái… của người chơi. Có không ít gia đình tan đàn xẻ nghé cũng vì máy game. Đừng tưởng chỉ có đàn ông hay thanh niên mới chơi game. Ở quán cà phê Nhớ này còn có cô Chín đã ngoài 75 tuổi rồi vẫn đóng đô ở đấy. Bà Tư mập đi bán hải sản dạo cho các tiệm nails, có đồng nào cũng nhét hết vào máy game. Nhỏ Hạnh, chủ tiệm Nail, hễ tiệm ế khách là lủi vào quán chơi game...Hầu hết người chơi đều thua, thỉnh thoảng có người lấy được Jackpot. Chính cái thỉnh thoảng này đã gieo vào đầu những người chơi cái hy vọng (chẳng có bao nhiêu phần trăm) mình cũng sẽ thắng jackpot. Sáng nay thằng Win lấy được Jackpot, kể như rất là may mắn, cái tỷ lệ may mắn này nhỏ biết là bao. Cả quán xôn xao vì cái may mắn của thằng Win.
 
***
 
Anh Sam đem ra mười lăm ngàn tiền mặt mới keng chung cho thằng Win, nhiều ánh mắt nhìn theo tỏ vẻ xuýt xoa đầy thèm thuồng mong ước. Anh Sam chung tiền xong nói với mọi người:

    – Giao thừa năm rồi quán Chợt Nhớ có mời ca sĩ Tuấn Vũ từ Cali và ca sĩ Ái Vy ở địa phương đến hát giúp vui, năm nay sẽ mời các ca sĩ sau buổi biểu diễn ở Morrow District về hát cho anh em thưởng thức. Quán bao anh em ăn chơi tới bến luôn. Năm nào quán mình cũng chơi lớn, chơi cho dân chơi không dám khi dễ.

    Anh Sam chơi sang, chơi sộp, chơi xịn thật! Tết năm nào cũng rước ca sĩ về hát và còn đãi ăn nhậu thoải mái, riêng khoản rượu tây mắc tiền thì mọi người mang theo, quán chỉ bao bia bọt và thức ăn. Cả vùng này có nhiều quán cà phê nhưng chỉ có mỗi quán Chợt Nhớ là chơi đẹp như vậy. Cũng có người nói dèm sau lưng anh Sam: “ tiền mướn ca sĩ và bao ăn nhậu cũng từ tiền máy game ra, đâu phải thằng Sam rút tiền túi bao!”, đành rằng là vậy, nhưng những quán khác cũng có máy game nhưng đâu có chơi xịn như vậy, chỉ có mỗi quán Chợt Nhớ của anh Sam mà thôi!

    Trong suốt tuần lễ tết, quán Chợt Nhớ có đủ các trò chơi nào là xì dách, xập xám, tiến lên, đổ xí ngầu, bầu cua cá cọp… Nhiều con bạc khát nước chơi lớn, tiền thắng thua lên đến cả hai chục ngàn. Với Nghĩa và đám bạn của Nghĩa thì chỉ chơi chút chút hoặc là hùn ăn theo với ai đó chứ chẳng có khả năng chơi lớn. Khách ở quán Chợt Nhớ phần lớn là dân làm móng và dân hành nghề tự do ăn tiền mặt, không bị ràng buộc giờ giấc, phép tắc… nên hàng năm cứ sau lễ Thanksgiving là rủ nhau mua vé về Việt Nam ăn tết, ai không đi thì tụ tập ở quán Chợt Nhớ mà sát phạt nhau. Nghĩa không có ý so sánh hay đua đòi, vì Nghĩa biết mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, tuy nhiên cứ thấy người ta rộn ràng chuẩn bị về quê ăn tết tự nhiên trong lòng cũng thấy xốn xang.

    Nghĩa ngồi ngẩn ngơ nghĩ về câu thằng Hưng nói lúc nãy: “Ăn tết là ăn cái gì dzậy?” thằng Hưng cà khịa nhưng câu khịa của nó cũng khiến cho lòng thấy mang mang chi lạ.
 
***
 
Nghĩa không dzìa Việt Nam ăn tết nhưng ở vùng hướng nam của thành Ất Lăng này mấy năm nay cũng ăn tết lớn không thua gì Việt Nam. Ông John Lampl làm thị trưởng Morrow hai nhiệm kỳ liên tiếp, có vợ người Việt Nam nên ổng yêu văn hóa và ẩm thực Việt; yêu truyền thống và lễ hội Việt. Ông thị trưởng ủng hộ hết mình cho những hoạt động văn hóa của cộng đồng Việt, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cả về vật chất lẫn tinh thần để cộng đồng Việt sinh hoạt. Nghĩa thấy có một sự thay đổi lớn , một sự trưởng thành vượt bậc của cộng đồng Việt ở đây, nào là: tổ chức hội trăng tròn trung thu, hội chợ đêm về ẩm thực, lễ tưởng niệm ngày quốc hận và dĩ nhiên tết nguyên đán là một lễ hội quan trọng nên tổ chức rất lớn, đầy đủ màu sắc và âm thanh của một cái tết Việt. Tết Nguyên đán ở Morrow năm nào cũng có hội chợ xuân, ca múa nhạc, thi áo dài, thi hoa hậu, thi giọng ca karaoke, có hô lô tô, bầu cua cá cọp, có múa lân và dĩ nhiên là pháo nổ giàn trời. Những gian hàng bánh trái và thức ăn truyền thống thì ê hề, phục vụ đắc lực cho nhu cầu ẩm thực của khách du xuân.

    Cứ mỗi sáng mồng một tết âm lịch, Nghĩa luôn luôn lên chùa dâng hương lễ Phật, có năm thì theo đoàn hành hương đi viếng các chùa khác từ nam lên bắc thành Ất Lăng. Ngày hội xuân cả nhà Nghĩa tham gia từ trưa cho đến mãn hội mới về. Nghĩa dắt hai đứa con theo, sắm cho tụi nó bộ áo dài tha thướt, cả hai đứa đều thích thú với trang phục truyền thống này. Cả hai đứa con cũng thích bò bía, gỏi cuốn, phở, bánh mì… và bao  nhiêu món ăn khác.

    Hai vợ chồng Nghĩa cũng diện áo dài truyền thống đúng (dù có cho là cũ, không cách tân), luôn luôn chuẩn bị sẵn bao lì xì để tặng cho những người thân quen hay bạn bè gần gũi. Thật sự thì trong bao lì xì chẳng nhiều nhặn gì, chỉ là tờ hai đô la và vé số Mega. Mùa xuân tặng nhau chút mơ mộng, chút vui nho nhỏ khiến người vui mà mình cũng vui theo. Sở dĩ Nghĩa luôn bỏ vào bao lì xì tờ hai đô la là vì người Việt tin rằng tờ hai đô la là tờ tiền may mắn, mặc dù biết niềm tin này rất mơ hồ, không có cơ sở nhưng người ta tin thì cũng chìu theo. Nào đâu chỉ có niềm tin tờ hai đô la may mắn là mơ hồ, còn có nhiều niềm tin khác cũng rất mơ hồ thậm chí vô lý nhưng khi quần chúng số đông đã tin thì không thể nào cưỡng lại được. Cái quan niệm tờ hai đô là mang lại may mắn xuất phát từ trong nước, sau đó mới lan dần ra hải ngoại. Ở trong nước giờ ai ai cũng giữ tờ hai đô la trong bóp của mình. Ngày xuân mà tặng tờ hai đô la thì mang lại may mắn cho người. Nghĩa thầm cười trong bụng: “nếu tặng vài chục vài vài trăm tờ hai đô la thì quả là may mắn thật”!

    Mùa xuân mới lại về, ngày tết cổ truyền đang hiện diện với đầy đủ màu sắc, âm thanh và hương vị trên xứ sở Cờ Hoa. Nghĩa không về Việt Nam nhưng vẫn ăn tết lớn với cộng đồng Việt ở đây.
 
Tiểu Lục Thần Phong
Ất Lăng thành, 010124

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 273,187
13/09/202400:00:00
Ông bà có cả thảy 9 người con. Không may, anh Tư và anh Tám mất sớm. Chị Bảy lúc nhỏ, hay bị giật kinh phong. Càng ngày, biến chứng càng trầm trọng, trở thành thần kinh, phải cho vào bệnh viện tâm thần. Cũng may, những người con còn lại đều thành đạt, nên ông bà cũng được an ủi, và đỡ cảm thấy bứt rứt khi nghe miệng đời dèm pha: “Nhà đó chắc thất đức lắm, nên con cái mới bị vậy.”
12/09/202405:00:00
Tôi chẳng rõ hình ảnh chiếc Xích Lô len vào tâm trí tự hồi nào; lại khiến lòng tôi xao xuyến trong lần đầu nhìn loại xe đạp ba bánh này trưng bày bên ngoài một cửa hàng chuyên bán nước mía, trong khu thương mại khá sầm uất tại Little Saigon quận Cam, sau bao năm sống xa đất nước. Sau này tôi thấy ở nhiều nơi khác nữa, như ở khu mua sắm Hong Kong, trên đường Bellaire, tên Việt là đại lộ Saigon bên Houston Texas. Nơi đây có tới hai chiếc Xích Lô đặt trang trọng trước một siêu thị thật lớn, người đi qua đi lại thường dừng bước nhìn ngắm, hay chụp vài tấm ảnh. Rồi còn bao nhiêu chiếc Xích Lô sáng loáng, nhỏ nhắn xinh xinh được trưng bày ngày một nhiều thêm nơi phòng khách trong các ngôi nhà bạn hữu tôi từng có dịp ghé thăm. Tôi cảm thấy Xích Lô giống một thứ gì thân thương của người Việt Nam như lũy tre làng, con trâu, luống cày, chiếc xuồng ba lá,…
10/09/202405:00:00
Cả đám đang tán gẫu cười đùa rôm rả, chợt im bặt khi thấy bóng thằng Edgar đang từ xa xăm xăm đi đến. Nó dẫn một khứa lão mới toanh tới và giới thiệu: - Hey Steven, đây là ông Robert, từ hôm nay ông ấy sẽ nhập với nhóm của anh. Mọi người bắt tay và tự giới thiệu tên mình với ông Robert. Steven cũng bắt tay ông ấy, điều đầu tiên gây ấn tượng nhất là đôi mắt ông Robert sáng quắc, sáng trưng trên gương mặt đen như hắc ín, chưa bao giờ mà Steven thấy một người da đen nào có đôi mắt sáng đến như thế. Cánh mũi thì giống hệt cặp sừng con trâu rừng, đôi chân bước đi hơi khập khiễng. Ông Robert cao hơn Steven cả một cái đầu, tướng tá săn chắc và gọn gàng chứ không ồ ề ục ịch như tụi thằng Kasame, thằng Gred...Ông Robert tiếp xúc với công việc và nhanh chóng tiếp thu, chỉ một buổi là làm thành thạo như mọi người.
06/09/202400:00:00
Anh Đào Quang Mỹ là nhà giáo, nhà văn và là nhà báo với bút danh Hoài Mỹ, khi viết các bài văn trào phúng anh ký bút hiệu Thạch Thủ. Anh là Chủ Nhiệm báo Bán Nguyệt San Ngàn Thông, ra đời vào thập niên 70 tại miền Nam Việt Nam, phục vụ độc giả thuộc lớp tuổi mới lớn, tuổi học trò. Nhóm chủ trương Bán Nguyệt San Ngàn Thông là các giáo sư trường trung học Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn, gồm những giáo sư, nhà văn, nhà thơ: Quyên Di-Bùi Văn Chúc, Hoài Mỹ-Đào Quang Mỹ, Đình Bảng-Lê Quang Bảng, Thái Bắc-Tăng Vĩnh Lộc, nhạc sĩ Hoàng Quý-Hoàng Kim Quý, nhạc sĩ Dương Đức Nghiêm, họa sĩ ViVi-Võ Hùng Kiệt. Bảo trợ tài chánh cho Bán Nguyệt San Ngàn Thông là giáo sư Đoàn Văn Thơm, trường Nguyễn Bá Tòng.
04/09/202404:00:00
Alaska nguyên là thuộc địa miền Tây Bắc Bắc Mỹ của Nga. Qua sự đề xuất của Ngoại-trưởng William Seward, ngày 30-3-1867, Thượng Viện Hoa Kỳ đã đồng ý mua lại vùng thuộc địa này từ Đế-quốc Nga chỉ với giá 7,200,000.00 đô la. Quốc kỳ Hoa kỳ nhanh chóng được cắm lên vùng lãnh thổ mới vào ngày 18-10-1867 và qua một vài thay đổi về mặt hành chánh, trước khi đựợc tổ chức thành lãnh thổ vào ngày 11-5-1912. Alaska trở thành Tiểu bang thứ 49 của Hoa kỳ ngày 3-1-1959. Là một trong hai tiểu bang không cùng ranh giới với Hoa kỳ (Hawaii và Alaska), Alaska ở vùng cực Bắc nước Mỹ, phần lớn diện tích bị băng tuyết phủ quanh năm. Với những phong cảnh thiên nhiên đẹp và hùng vĩ, Alaska đã thu hút rất nhiều du khách từ nhiều nước trên thế giới.
02/09/202413:40:00
“…Người xưa nói ngắn gọn mà ý nghĩa sâu xa, “có phước có phần”? Đứa bé đi chơi về, trao cho bà ngoại miếng bánh, viên kẹo nó đã để dành cho bà ngoại chứ không phải nó không muốn ăn. Một việc nhỏ trong mắt người lớn nhưng là việc lớn đối với trẻ nhỏ luôn thích ăn bánh kẹo. Nếu cha hay mẹ nó mua cho bà ngoại cả hộp bánh, cả túi kẹo bà ngoại thích ăn là chuyện bình thường thì cái bánh, viên kẹo đứa cháu thương, nghĩ đến bà nên đem về là phước phần của bà ngoại. Nếu cho bà ngoại miếng ngọc bằng cái bánh, hay thỏi vàng bằng viên kẹo thì bà ngoại vẫn chọn cái bánh, viên kẹo của cháu bà. Ông bà mình nói là bà ngoại có phước có phần. Phước là có đứa cháu ngoại thảo ăn, thương bà. Phước cũng là “không” có đứa cháu, cha mẹ đã nói là mua cho bà ngoại, nhưng ngồi trong xe nó cứ cố tháo gỡ bao bì cho đã nư…”
30/08/202400:00:00
Hàng năm, vào khoảng đầu tháng Năm, sau khi tuần lễ biết ơn thầy cô giáo (Teachers’ Appreciation Week) kết thúc, lòng tôi lúc nào cũng nôn nao mong đợi mùa hè. Những ngày cuối của tháng Năm là những ngày để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất. Tôi tạm xa đồng nghiệp, xa học trò, xa trường lớp trong vòng ba tháng. Tôi sẽ nhớ những em học trò chào tôi bằng tiếng Việt mỗi buổi sáng dù các em không nói được tiếng Việt nhiều.
29/08/202405:00:00
Con người của lão lạ kỳ, gọi như thế nào cho đúng đây? Chung thủy, trung thành, không thay đổi…! Đi vô tiệm ăn nếu thích món nào thì khi trở lại lão ăn hoài món đó. Vô tiệm ăn Thái lão chỉ ăn một món Red Curry. Đến tiệm Cheddar lão chỉ ăn món cá hồi nướng. Vô tiệm Muscat’s Charlie lão chỉ ăn mỗi món cá tuna nướng! Chỉ cần một lần món nào vừa miệng là lão chỉ ăn món đó, không hề thay đổi! Mụ bảo hãy thử món khác nhiều khi ngon hơn thì sao nhưng lão lắc đầu! Lão như vậy nên các tiệm ăn quen mặt, biết ý. Bao giờ cũng vậy, vừa ngồi xuống người hầu bàn sau khi viết xuống món mụ muốn, họ cười toe quay qua lão: - Tôi biết ông muốn món gì rồi! Red Curry phải không? Cá hồi nướng phải không….?
27/08/202405:00:00
Vào năm 2001, khi tờ nhật báo Việt Báo khởi xướng Viết Về Nước Mỹ, tôi hoàn toàn tán thành với chủ trương của tòa soạn trong việc gìn giữ văn hóa Việt nơi xứ người, và tôi đã bắt đầu tập tành việc viết lách. Viết trước hết là để ủng hộ, sau tham gia ghi lại những câu chuyện, những kinh nghiệm để các con, các cháu, các thế hệ tiếp nối hiểu rõ hơn những gì thế hệ đi trước đã trải qua...
23/08/202400:03:00
Tôi biết chị Hồng khi chúng tôi còn sinh hoạt trong cộng đồng người Việt vùng Richmond, Virginia. Chị Hồng là thủ quỹ của hội Người Việt Richmond. Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, Hội Người Việt đều in đặc san Xuân, chị thường nhờ tôi viết bài cũng như giúp chị liên lạc với nhà in CT Printing ở Maryland. Ngoài thủ quỹ của Hội Người Việt ra, chị Hồng còn được biết đến với vai trò ca đoàn phó trong Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tánh tình chị dễ mến, hoạt bát, và hòa đồng. Chị luôn sốt sắng phụng sự trong giáo xứ cũng như cộng đồng, nên được rất nhiều người quý mến. Công việc thường ngày của chị là thư ký cho văn phòng bác sĩ. Tính tới thời điểm bây giờ thì chúng tôi biết nhau cũng hơn hai mươi năm.