Hình: Trên, từ trái: 1. Tác giả Biển Cát nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm. 2. Tác giả Quán Quân Xuân Mỹ nhận giải 2023 VVNM Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm từ cựu Khôi Nguyên Nguyễn Văn Tới. 3. Tác giả Kim Loan nhận giải VVNM Vinh Danh Tác Giả. 4. Tác giả Minh Thúy Thành Nội nhận giải VVNM Vinh Danh Tác Giả. 5. Bên dưới: Phát Giải Danh Dự, từ trái: Chủ bút Việt Báo Trịnh Y Thư, tác giả Thư Trương, đại diện cho tg Thanh Mai; tác giả Tiểu Lục Thần Phong, dân biểu Tạ Đức Trí, tác giả Lê Đức Luận, cựu khôi nguyên Orchid Thanh Lê, tác giả Duy Nhân, Julie Trần từ Wells Fargo, tác giả Lại Thị Mơ và giám khảo Nguyễn Viết Tân.
GARDEN GROVE, CA (VB) - Vào trưa ngày Chủ Nhật 26/11/2023, tại hội trường đài truyền hình SBTN, buổi lễ phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ (VVNM) năm thứ 23 đã diễn ra trong không khí trang trọng nhưng vẫn ấm áp tình thân truyền thống, giữa những người yêu đất nước, con người, ngôn ngữ và nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại.
Buổi lễ có sự tham dự của khoảng 200 khách mời với toàn bộ chương trình được truyền hình LIVE trên Youtube SBTN, Việt Báo online và Facebook Việt Báo để các tác giả và độc giả VVNM khắp nơi cùng xem trực tiếp. Đến với buổi lễ có đông đảo những tác giả tham gia gởi bài, các tác giả thắng giải trong năm nay cũng như nhiều năm trước, từ khắp nơi trên đất Mỹ về hội tụ. Có người tham gia lần đầu, như tác giả Biển Cát, đến lãnh giải từ South Carolina, cũng có người đã có mặt từ những kỳ phát giải đầu tiên, như tác giả kỳ cựu ThaiNC từ San Jose xuôi nam về tham dự và “hỗ trợ tinh thần” cho giải thưởng.
Buổi lễ còn có mặt của nhiều vị dân cử đại diện cộng đồng gốc Việt tại vùng Little Saigon, những khuôn mặt luôn hỗ trợ giải thưởng từ nhiều năm qua, gồm cựu Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, Thượng Nghị Sĩ Tom Umberg, Dân Biểu Tạ Đức Trí, L.S Nguyễn Quốc Lân của Học Khu Garden Grove, cựu Phó Thị Trưởng Garden Grove Thu Hà Nguyễn, cựu Dân Biểu Tyler Diệp…
Sau buổi ăn trưa ấm cúng, vui vầy, được quan khách cho là “xôm tụ nhất, đẹp nhất và nhiều món ngon lạ được chuẩn bị kỹ càng nhất”, mọi người trở lại chỗ ngồi để chương trình phát giải bắt đầu “livestream”.
Hợp Ca Hội Trùng Dương mở đầu chương trình phát giải.
Đúng 1 giờ 30, bài Hợp Ca Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương với tiếng hát sô-lô của ca sĩ Khánh Ly qua phiên khúc Tiếng Sông Hồng, Bích Liên -Tiếng Sông Hương và Jimmy Nhựt Hạ - Tiếng Cửu Long cùng với ban hợp ca Cát Trắng xướng lên đã long trọng mở đầu cho chương trình VVNM năm nay, nâng cao tinh thần khán phòng, đưa người tham dự vào một bầu không khí vừa “rộn ràng như câu thơ” vừa xúc động. Mỗi người một tâm tư, một hoài niệm, về một quê hương chúng ta mãi hoài mang theo trong lòng dù đang ở bất cứ nơi nào, và đó, theo lời của MC Nguyễn Hoàng Dũng, cũng chính là chất keo của buổi họp mặt giải thưởng hôm nay, với các tác giả từ khắp mọi miền trên nước Mỹ về hội tụ, “nhưng tình thương đã nối liền” bằng ngôn ngữ, văn hóa và dòng máu Việt.
Kiều Chinh phát biểu mở đầu Lễ Phát Giải VVNM 2023.
Nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh giữ đúng truyền thống hàng năm, là người phát biểu đầu tiên trong buổi lễ. Bà nhớ lại cách đây 23 năm, vào tháng tư năm 2000, đúng 25 năm ngày người Việt miền Nam phải bỏ xứ ra đi, bà và những người bạn cố tri là nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, thi sĩ Nguyên Sa… cùng ngồi lại với nhau, nảy sinh một ý tưởng làm thế nào để người Việt ở Mỹ, ai ai cũng có thể kể lại câu chuyện, những câu chuyện về cuộc đời tị nạn của chính mình, lập ra một thứ “lịch sử ngàn người Viết” như nhà thơ Nguyên Sa đã từng nói. Giải thưởng Viết Về Nước Mỹ đã ra đời từ đó. Bà xúc động nhớ về hai người bạn là “cha đẻ” của giải thưởng VVNM là nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ, tuy hai bạn đã về hưu, nhưng giải thưởng VVNM vẫn được tiếp tục tổ chức tốt đẹp. Đó là nhờ thế hệ kế thừa, trong đó có cô Nina Hòa Bình (CEO Việt Báo) đã đứng ra gánh vác trọng trách giải thưởng và tờ Việt Báo thay cho cha mẹ. Nghệ sĩ Kiều Chinh mong rằng VVNM tiếp tục được sự hưởng ứng nhiệt tình của người Việt khắp nơi, để những trang lịch sử sống động của người Việt tị nạn vẫn tiếp tục được viết, trở thành món quà vô giá cho những thế hệ tương lai.
Nhã Ca - Trần Dạ Từ từ Thụy Điển tham dự trực tuyến "livestream" và MCs Nguyễn Hoàng Dũng & Thụy Trinh điều hợp chương trình.
Với kỹ thuật của thời đại thông tin hiện nay, ở tận xứ sở Thuỵ Điển xa xôi, nhà thơ-nhà văn Nhã Ca-Trần Dạ Từ, người sáng lập Việt Báo và Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ vẫn có mặt trong khán phòng qua màn ảnh sân khấu “livestream” trực tiếp để gởi lời chào đến tất cả những người tham dự VVNM năm nay. Ông bà rất tiếc vì lý do sức khỏe nên không có mặt ở Cali để có thể bắt tay, thăm hỏi từng người, nhưng vẫn bên cạnh cùng tham dự và theo dõi chương trình với mọi người. Nhà văn Nhã Ca nhắc giải thưởng VVNM bắt đầu hình thành từ tháng tư năm 2000, vẫn tiếp tục cho đến tận ngày hôm nay là nhờ có sự đóng góp của rất nhiều người, trong đó các tác giả gởi bài viết đóng vai trò quan trọng nhất. Giải thưởng đã đạt được nhiều thành tựu và sự công nhận; đặc biệt vào ngày 28/07/2010, Quốc Hội Hoa Kỳ đã chính thức tuyên dương VVNM về những đóng góp trong lĩnh vực văn hóa lịch sử cho cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Cựu dân biểu liên bang Alan Lowenthal người đưa sách VVNM vào thư viện quốc hội Library of Congress chúc mừng tác giả thắng giải 2023.
Trong những đóng góp lớn lao, phải kể đến Cựu Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal là người đã có công đưa những bộ sách VVNM vào Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ vào năm 2015. Cho dù năm nay đã nghỉ hưu, ông vẫn dành thời giờ để đến với buổi lễ năm nay. Ông chúc mừng Việt Báo, các tác giả thắng giải, nhấn mạnh rằng VVNM là niềm hãnh diện chung cho cả nước Mỹ chứ không riêng cộng đồng người Việt. Ông cho rằng những câu chuyện của người Việt tị nạn cũng là trải nghiệm chung của cả dân tộc Mỹ. Những bộ sách VVNM tại Thư Viện Quốc Hội là cơ hội để những câu chuyện sống động mà các tác giả viết trở thành đề tài nghiên cứu của các học giả, và có thể được chia sẻ khắp nơi trên thế giới. Vào thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày Sài Gòn thất thủ, hình thành cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ, bộ sách VVNM trong Thư Viện Quốc Hội càng có vai trò quan trọng. Ông cảm tạ đại gia đình Việt Báo đã cho mình cơ hội chia sẻ những điều mà ông cho là đáng trân quý.
Hai MC Thụy Trinh- Nguyễn Hoàng Dũng sau phần tri ân các nhà bảo trợ, các thiện nguyện viên, các giám khảo, đã trân trọng giới thiệu “các nhân vật chính của giải thưởng” là các tác giả đến từ khắp nơi và mời tất cả các tác giả cùng đứng lên “trình diện” quan khách trước khi giới thiệu cuốn sách Viết Về Nước Mỹ 2023 “mới ra lò”. Cuốn sách dày 620 trang với 49 tác giả. Thụy Trinh nhấn mạnh, Viết Về Nước Mỹ bước vào năm thứ 23 là nhờ công sức của nhiều người, nhất là những cá nhân có tấm lòng với văn hóa và ngôn ngữ Việt. Mua sách là cách hỗ trợ thiết thực nhất chúng ta có thể tiếp tay để đóng góp duy trì và phát triển giải thưởng. Sách Viết Về Nước Mỹ tính đến hôm nay đã có 23 cuốn, hơn 13,800 trang sách, thực sự là bộ sách ngàn người viết có số lượng độc giả đông nhất. Sách mới 2023 vừa được in ấn và phát hành khắp nơi trên mạng amazon.com và barnesandnorble.com.
Mỗi người đến với VVNM vì mỗi lý do khác nhau. L.S Nguyễn Quốc Lân cho biết Ông luôn trân trọng ý tưởng thành lập giải thưởng này. Ngay từ những ngày đầu sống đời tị nạn, hầu hết người Việt ở Mỹ đều muốn có dịp ghi chép, kể lại những trải nghiệm của mình cho thế hệ con cháu về sau. Theo Ông, VVNM đã đáp ứng đúng nhu cầu này của cộng đồng. Cũng vì thế, ông muốn đóng góp phần của mình để cho VVNM tiếp tục tồn tại và kéo dài.
Dân Biểu Trí Tạ, tự nhận mình là thế hệ sinh sau đẻ muộn, gởi lời cảm ơn đến các cây cổ thụ trong làng viết văn của cộng đồng hải ngoại như Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Nguyên Sa… đã sáng lập giải thưởng VVNM, tạo cơ hội cho người Việt tị nạn chia sẻ kinh nghiệm sống của mình tại hải ngoại sau biến cố 30/4/1975. Theo Ông, VVNM đã làm được công việc tạo cơ hội cho các thế hệ sau hiểu rõ được giá trị của hai chữ Tự Do.
LS Nguyễn Quốc Lân trao Giải Đặc Biệt VVNM cho tg Phước An Thy.
Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn cũng có mặt để trao bằng tưởng lục của văn phòng Thượng Viện California cho VVNM và chủ khảo Trương Ngọc Bảo Xuân. Bà cảm ơn Việt Báo đã liên tục tổ chức VVNM trong suốt 23 năm qua. Theo bà, điều quan trọng của giải thưởng này là giữ gìn tiếng Việt ở hải ngoại; bởi vì tiếng Việt còn, người Việt còn. Bản thân bà lúc trẻ cũng cố gắng học và nói tiếng Việt nhờ nỗ lực của những cơ quan truyền thông tiếng Việt trong cộng đồng.
Chủ khảo Bảo Xuân nhận bằng tưởng lục từ TNS Janet Nguyễn.
Đáp lại thịnh tình, nhận bằng tưởng lục từ văn phòng Thượng Viện California, chánh chủ khảo Trương Ngọc Bảo Xuân nói rằng đây không phải là cho cá nhân bà, mà cho toàn ban giám khảo và những người luôn đóng góp, làm việc thiện nguyện giúp giải thưởng lớn mạnh. Bà cảm ơn nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ đã trao lại ngọn đuốc cho thế hệ tiếp nối để giữ gìn văn hóa của người Việt. Chúng ta nói tiếng Việt, viết tiếng Việt, và chúng ta kể lại đoạn đường chúng ta đã đi qua… Bà mong các tác giả tiếp tục kể chuyện, gửi bài về cho VVNM, để giữ gìn lại gia tài cho các thế hệ mai sau.
Đại diện cho những nhà tài trợ đặc biệt nhất có lẽ là Julie Trần, đại diện cho Wells Fargo; và Danny Trần, đại diện cho US Bank, là hai nhà tài trợ lâu đời của VVNM, với hai đại diện "trẻ" nhất trong số quan khách tham dự.
Những người luôn tận sức tận lực làm công việc văn hóa nghệ thuật, như nhà văn Cung Tích Biền, họa sĩ Ann Phong, Ysa Lê từ Vaala, hay cô Kim Ngân từ Viện Việt Học, và nhiều văn nghệ sĩ khác cũng có mặt trong khán phòng v.v… họ là những người đến với giải thưởng hàng năm, không lên tiếng gì, nhưng luôn bên cạnh trân trọng thay mặt ban tổ chức trao giải cho tác giả thắng giải, như một cách để biểu lộ sự hỗ trợ và khuyến khích các tác giả tiếp tục viết, tiếp tục kể chuyện.
Nhà văn Cung Tích Biền trao giải VVNM vinh danh tác giả cho tác giả Minh Thúy Thành Nội.
Chương trình tiếp tục với phần phát các giải đặc biệt và giải danh dự xen kẽ với những tiết mục văn nghệ giàu tính nghệ thuật, mỗi tiết mục mang một sắc thái văn hóa, tô điểm cho ý nghĩa của buổi lễ phát giải. Khách tham dự ngồi yên lặng thích thú lắng nghe tiếng hát của Jimmy Nhựt Hạ qua bài Đi Đâu Cho Thiếp Theo Cùng và Hò Lơ của Phạm Duy, hay tiếng hát day dứt của ca sĩ Thu Vàng với bài Người Đi Qua Đời Tôi của Phạm Đình Chương – Trần Dạ Từ, tiếng hát cao vút của Bích Liên qua bài “Tình Ca” của Phạm Duy gợi lên tình yêu “tiếng nước tôi” dạt dào.
1. Bích Liên hát Tình Ca-Phạm Duy. 2. Khánh Ly hát Ave Maria-Trần Dạ Từ; Rồi Đây Tôi Sẽ Đưa Em Về Nhà - Phạm Duy, Ngẫu Nhiên - Trịnh Công Sơn. 3. Thu Vàng hát Người Đi Qua Đời Tôi - Phạm Đình Chương | Trần Dạ Từ
Khi được hỏi cảm tưởng khi tham dự buổi lễ, tác giả Tiểu Lục Thần Phong về từ Atlanta nói: “Thích nhất là được gặp ca sĩ “thần tượng” Khánh Ly, và “ấn tượng” nhất trong chương trình văn nghệ là tiếng hát ngọt như mía lùi của Jimmy Nhựt.
Tác giả Sỏi Ngọc xem “livestream” từ nhà gửi lời nhắn “Em đang xem livestream ngày phát giải, các anh chị thật đã bỏ nhiều công phu quá, làm rất vinh hạnh cho người lãnh giải, em thật cảm động dùm những người được giải đó”.
Cô Hằng Nguyễn của Việt Báo Foundation nói: “Đó là ưu tiên hàng đầu của ban tổ chức, chúng tôi chỉ mong các tác giả đến với giải thưởng cảm nhận được sự trân trọng chúng tôi dành cho họ, và đó là lý do mà tất cả mọi tiết mục ngày hôm nay đều được chọn, tập kỹ, ở mức “thượng hạng”, để buổi lễ trao giải và hội ngộ giữa tác giả và độc giả Viết Về Nước Mỹ luôn là một ngày đáng nhớ.” Và như đáp lại điều này, tác giả thắng giải đặc biệt Đào Ngọc Phong khi được hỏi về cảm nghĩ đã nói: “Tôi nhận thấy ban tổ chức đã bỏ nhiều tâm lực và thể lực thực hiện thành công buổi lễ, tạo không khí thân tình giữa tác giả và độc giả. Đối với tôi, từ những năm tham dự như một độc giả, năm nay đến đây với tư cách tác giả lãnh giải thưởng, tôi rất xúc động tiếp nhận giải thưởng do họa sĩ Ann Phong trao trong không khí thân tình nhưng đậm màu sắc văn hóa. Cảm ơn Việt Báo Foundation.”
Nhạc sĩ Sỹ Dự và Jimmy Nhựt với bài Đi Đâu Cho Thiếp Theo Cùng & Hò Lơ của Phạm Duy.
Các giải thưởng VVNM 2023 lần lượt được trao trong từng đợt như sau:
Sáu Giải Đặc Biệt VVNM 2023 thuộc về:
1. Tác giả Nguyễn Thị Thanh Dương từ Dallas, Texas với bài viết “Số Khổ”, ghi lại các món ăn dân dã cũng như cách sống, cách suy nghĩ mang đậm chất Việt trên đất Mỹ.
2. Tác giả Phước An Thy, tham dự và thắng giả VVNM từ năm 2018 trong mục đặc biệt viết về biến cố Mậu Thân, năm nay Ông thắng giải với bài viết “Bạn Tôi” viết kể chuyện vui về văn chương chữ nghĩa Việt trong đời sống thường nhật.
3. Tác giả Đào Ngọc Phong, một tác giả cũng mới bắt đầu viết tham dự VVNM trong vài năm gần đây, với bài viết “Người Trong Hang” kể về cuộc gặp gỡ của tác giả với một người cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam.
4. Tác giả Phương Lâm về từ Seatle với bài viết “Họp Mặt Phủ Cam ở Cali”. Lần đầu tiên tham dự Lễ Phát Giải VVNM, chị nói: “Thật là một may mắn và vinh dự đến nhận giải thưởng VVNM, quá trang trọng ngoài sức tưởng tượng của mình.”
5. Tác giả Nguyễn Thị Thu Hương cũng từ Seatle, nhưng cùng “quê’ với tác giả giám khảo Nguyễn Viết Tân gốc Kinh Năm, với bài viết “Cho Đi Và Nhận Lại”.
6. Tác giả Trần Đình Phước, là cựu trung úy không quân VNCH, nay đã về hưu, với bài viết “Ngày Cuối Cùng Làm Crossing Guard”, kể về niềm xúc động và cảm nghĩ trong ngày cuối cùng làm nhân viên hướng dẫn học sinh và bộ hành qua đường, một công việc mà ông gắn bó trong suốt 17 năm trời.
Giải đặc biệt VVNM: tác giả Phước An Thy, Nguyễn Thị Thanh Dương, Phương Lâm, Đào Ngọc Phong, Nguyễn Thị Thu Hương và Trần Đình Phước. Người trao giải: Orchid Lâm Quỳnh, Irish Đinh, Ann Phong, Nguyễn Quốc Lân và Phan Tấn Hải.
Năm giải danh dự VVNM 2023 thuộc về:
Giải danh dự thứ nhất được trao cho tác giả Lại Thị Mơ, đến từ New Jersey đoạt giải với bài viết "Hãy Tha Thứ Cho Con”, kể về sự hối hận của đứa con đối với người cha nhân mùa Lễ Father’s Day.
Giải danh dự thứ hai trao cho tác giả Duy Nhân, về từ Chicago, với bài viết "Joe và Những Con Chim Bồ Câu”, viết từ lăng kính của một người đã về hưu sống trên đất Mỹ.
Giải danh dự thứ ba trao cho tác giả Lê Đức Luận, với bài viết "Chuyện Buồn Dâu Rể", kể với câu chuyện ngậm ngùi của các vị cha mẹ sống ở Mỹ không “cơm lành canh ngọt” với con cái.
Giải danh dự thứ tư thuộc về tác giả “nổi tiếng” Tiểu Lục Thần Phong đến từ Atlanta, với bài "Riêng Chung Chuyện Đời" viết với bút pháp, văn phong giản dị, lối kể chuyện dí dỏm, tự nhiên.
Giải danh dự thứ năm thuộc về tác giả Thanh Mai cư dân của Minnesota, với bài viết "Thay Tế Bào Gốc Tự Thân", kể về câu chuyện của ông xã của chính tác giả trải qua quá trình điều trị ung thư, chia sẻ những tâm tình, kinh nghiệm và thông tin hữu ích.
Phát Giải Danh Dự, từ trái: Chủ bút Việt Báo Trịnh Y Thư, tác giả Thư Trương, đại diện cho tg Thanh Mai; tác giả Tiểu Lục Thần Phong, dân biểu Tạ Đức Trí, tác giả Lê Đức Luận, cựu khôi nguyên Orchid Thanh Lê, tác giả Duy Nhân, Julie Trần từ Wells Fargo, tác giả Lại Thị Mơ và giám khảo Nguyễn Viết Tân.
Và như chúng ta thường nói, “save the best for last”, trước khi bước vào bốn giải chung kết, Khánh Ly xuất hiện giản dị trong chiếc áo dài đen với bài Ave Maria của Trần Dạ Từ, cùng ba cô hát bè áo dài trắng, Thúy Hằng, Vành Khuyên, Phương Hà. Tiếng hát của Bà cất lên trầm lặng, có lúc nghe như tiếng nấc, nghẹn ngào và đứt quãng, cả khán phòng chìm xuống, trở về một không gian “đêm đen bóng tối” cảnh tượng của một nhà tù cộng sản vào năm 1979, với họa sĩ Chóe, tay chân bị cùm và tiếng cầu nguyện hụt hơi của Ông, khiến những người bạn tù của ông là nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà văn Doãn Quốc Sỹ lúc bấy giờ cũng bị giam tại trại tù Gia Trung đã cùng ông thức trắng. Bà cho biết bài hát này được sinh ra vào những "đêm đen bóng tối" đó. Khánh Ly hát thêm bài Rồi Mai Tôi Sẽ Đưa Em Về Nhà của Phạm Duy và kết thúc với bài Ngẫu Nhiên của Trịnh Công Sơn trong tiếng yêu cầu “hát nữa, hát nữa” của khán thính giả.
Khánh Ly hát bài Ave Maria của Trần Dạ Từ, cùng Thúy Hằng, Vành Khuyên, Phương Hà.
Bốn giải chung kết được để dành đến phút hồi hộp cuối cùng. Người tham dự hướng lên màn ảnh đọc và nghe trích đoạn của bốn câu chuyện trước khi các giải được lần lượt công bố.
Giải vinh danh tác phẩm năm nay được trao cho tác giả Biển Cát, tác giả tên thật là Trần Hương Thủy, về từ South Carolina đoạt giải với bài viết “Mùa Bình An” với văn phong đẹp nhẹ nhàng mà cảm động. Bà tham gia gởi bài cho VVNM năm đầu tiên, và cũng lần đầu tiên tham dự lễ phát giải, bà cảm động cảm ơn ban tổ chức và độc giả đã cho bà cơ hội chia sẻ những câu chuyện rất riêng và cũng rất chung của người Việt sống trên đất Mỹ.
Giám khảo Nguyễn Viết Tân và tác giả Lại Thị Mơ. Chủ bút Trịnh Y Thư và tác giả Xuân Trương đại diện cho tg Thanh Mai.
Giải vinh danh tác giả thứ nhất thuộc về tác giả Kim Loan, đến từ Canada, với bài viết “San Antonio, Tôi Đến Để Nhớ Thương” kể về ân nhân người Mỹ đã giúp đỡ những người tị nạn ổn định hòa nhập vào đời sống trên đất Mỹ. Phát biểu khi nhận giải, tác giả Kim Loan nói, “không cần phải sống trên đất Mỹ mới có thể viết về nước Mỹ, miễn là bạn có kỷ niệm, có kinh nghiệm, có câu chuyện, thì bạn có thể kể. Và tác giả cảm ơn Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ đã giúp bà thực hiện điều này, kể và tiếp tục kể những câu chuyện tri ân nước Mỹ, vì bà yêu đất nước Việt Nam (không cộng sản), yêu Canada, và yêu nước Mỹ.
Giải vinh danh tác giả thứ hai thuộc về tác giả Minh Thúy Thành Nội, về từ thành phố Hayward, bắc California, với hai bài viết “Ba Hiểu” và “Mẹ Mê Facebook”. Bài Mẹ Mê Facebook của tác giả qua giọng đọc của Jimmy Nhựt đã thu hút sự chú ý và thích thú của người nghe trong thính phòng. Sau khi lãnh giải từ nhà văn Cung Tích Biền, tác giả đã đọc một bài thơ vui tặng giải thưởng: “Việt Báo con đường chọn lựa hay, ta liền chấp bút gửi bài ngay…viết về nước Mỹ hòa tim óc, văn hóa xứ người góp một tay.”
Tiết mục cuối cùng quan trọng nhất là Giải Quán Quân Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm VVNM 2023, lọt vào ngòi bút của tác giả Lê Xuân Mỹ qua bài viết “Giọt Lệ Biết Làm Sao Ngưng”. Tác giả từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2021. Bài viết thắng giải năm nay là câu chuyện người thật việc thật, viết để tưởng nhớ hai người bạn Phạm Phúc-Hạnh Nguyên vừa qua đời, là nạn nhân của một vụ giết người vào tháng 6 năm nay, gây chấn động thương tâm cho cả cộng đồng người Việt Bắc Cali.
Tác giả khôi nguyên 2023 VVNM Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm phát biểu.
Tác giả quán quân Nguyễn Văn Tới đã lên sân khấu trao lại “vương miện” cho tác giả Xuân Mỹ trong tiếng vỗ tay của mọi người. Trong phần phát biểu của mình, tác giả Xuân Mỹ nói “với cái chết thương tâm của hai bạn tôi, hôm nay, lời mong muốn duy nhất của tôi là, sẵn có mặt quý vị dân cử ở đây, xin quý vị hãy làm cách nào đó để bảo vệ những người công dân lương thiện của chúng ta, những người không có một tấc sắt trong tay mà chỉ có ngòi bút, làm thế nào để cái chết của những người như hai bạn Phúc-Nguyên không trở thành vô nghĩa.” Ông cũng muốn dành những giây phút trang trọng này cảm ơn các tác giả, độc giả, giám khảo, ban tổ chức, và kêu gọi mọi người hãy tiếp tục gìn giữ và viết tiếp trang sử ngàn người viết của người Việt tị nạn trên quê hương này.
Lễ Phát Giải VVNM 2023 chấm dứt sau phần chụp hình lưu niệm, khán phòng vẫn còn khách tham dự lưu luyến ở lại hàn huyên, chụp hình và hẹn tái ngộ. Tác giả khôi nguyên 2021 Nguyễn Văn Tới sau chuyến công du sinh hoạt văn hóa Little Sài Gòn về đến nhà đã gởi lời chia sẻ: “Một trong những điểm nhấn của người Việt Nam ở đây là nét văn hóa gìn giữ tiếng nói và chữ viết của người mình. Việt Báo là người tiên phong, đặt nền móng cho một chương trình đã và đang nổi tiếng trong gần 25 năm qua với buổi lễ trao giải lần thứ 23, vinh danh những tác giả và tác phẩm của họ viết về những mảnh đời lành lặn lẫn những mảnh đời rách nát, tang thương, về muôn vạn nẻo đường đời mà người Việt Nam mình vẫn đang bước đi.”
Ông cũng không quên gửi gắm niềm tin: “Tôi biết và tôi cảm nhận được sâu sắc rằng người Việt mình vẫn viết “trang sử ngàn người” và sẽ viết ngày càng mạnh mẽ hơn, điển hình là qua ¼ thế kỷ, chương trình VVNM của Việt Báo vẫn từng bước vững chãi đi lên, và chắc chắn sẽ còn đi tiếp nhiều năm nữa.”
Việt Báo nhận được rất nhiều lời nhắn nhủ chân tình của các tác giả từ khắp nơi, xin trân trọng cảm ơn. Và xin nhắc các tác giả đừng quên chuẩn bị kỷ niệm 50 năm biến cố 30 tháng tư, xin cùng góp bài, góp sức để giải thưởng và sách VVNM 2025 đầy đủ những câu chuyện cay đắng ngọt bùi 50 năm người Việt xa xứ.
best erectile dysfunction <a href=""> https://forums.dieviete.lv/profils/127605/forum/ </a> drug prevention games
01/12/202315:13:07
Phan
Khách
ta dại ta tìm nơi vắng vẻ... nhưng đọc bài tường trình, xem hình những người khôn cũng thấy lao xao quá chừng trong bụng. Chúc mọi người bình an, vui với chữ nghĩa xa xứ. Cảm ơn Việt báo thật nhiều, đã tạo cơ hội cho những người có lòng cùng góp tay bảo tồn tiếng Việt ở hải ngoại.
Trân trọng kính chào tất cả gia đình Việt báo
Phan
Gia đình Khương An ở giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế Huế, học cùng lớp, cùng trường Jeanne D’Arc với tôi. Hai vợ chồng họ vượt biên, đến định cư ở Seattle rất sớm. Khương An sinh hoạt trong hội gia đình tổng giáo phận Huế ở Seattle, hội này đa phần là người giáo xứ Phủ Cam nên biết gia đình tôi tới Cali, Khương An gọi điện thoại về Cali nhắc tôi đủ điều
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Mừng tác giả viết trở lại, bài viết mới dí dỏm, vừa tếu lâm vừa ngậm ngùi.
Tôi đọc nhiều chuyện kể về sự cam chịu số phận hẩm hiu của các nàng dâu, sự ti tiện của các chàng rể và sự cay độc của những bà mẹ chồng trong thời phong kiến, tôi cảm thấy ray rứt… Khi được sống trong xã hội văn minh, kinh tế phát triển, tưởng rằng: dâu, rể không còn là vấn đề phải ray rứt ngậm ngùi! Thế nhưng có nhiều điều cười ra nước mắt – nói hoài vẫn còn chuyện để kể bà con nghe chơi!
Tuy nói ngoài miệng như vậy, nhưng trong đầu tôi lúc đó cứ suy nghĩ miếc về sự khác biệt giữa xe đạp nam và xe đạp nữ. Hồi tôi còn ở Việt Nam làm gì có phân biệt xe đạp của nam hay của nữ. Ở cái xứ này sanh ra đủ thứ chuyện. Giống y như câu người xưa thường nói: "Phú quý sinh lễ nghĩa" rồi đẻ ra, phân biệt của nam của nữ cho bán được nhiều xe hơn...
Mẹ tôi hầu như lép vế, im tiếng trước, khi bố bắt đầu quát tháo. Tôi không hiểu sao ông dễ nổi nóng. Về mặt thể chất, hai người trái ngược nhau; mẹ tôi mỏng- manh; bố tôi vạm vỡ. Có lần ông quát to và giơ tay lên như sắp táng vào mặt mẹ tôi; mới tám tuổi, mà không biết sức gì thúc đầy tôi lao vào đứng giữa hai người, che chở cho mẹ.
Chị ngồi miết ngoài hàng hiên tới trời chạng vạng, không màng ăn cơm chiều khi đã nhìn ra quê cũ sau bao năm xa cách, không còn ai tin ai ngoài chính mình, không còn ai thương ai ngoài chính mình, không còn ai muốn giúp ai ngoài chính mình, không còn ai cho ai cơ hội ngoài chính mình… Chị trở thành người không giống ai trong gia đình, ngoài cánh cổng nhà chị cũng không giống những người quen xưa cũ, những người không quen nhưng đã chọn quê chị để định cư cũng vậy luôn. Họ đều ném cho chị những cái nhìn khó chịu về hành vi của chị vì không giống họ.
Một buổi chiều cuối mùa đông, nhóm cựu học sinh Đà Nẵng tại Bắc Cali hẹn nhau cùng đi thăm Cô tại nghĩa trang Oak Hill, San Jose California. Thời gian trôi qua thật nhanh. Thấm thoắt đã hai năm Cô rời xa chúng tôi. Trời ngây ngây lạnh, trong cơn gió nhè nhẹ và cái nắng vàng hiu hắt, chúng tôi đứng quây quần quanh ngôi mộ nằm chênh chếch lưng chừng đồi. Nhớ Cô thật nhiều. Nhớ dáng người nhỏ nhắn, nụ cười ấm áp với khuôn mặt thật hiền. Nhớ đến một cô giáo có trái tim vô cùng nhân hậu, một người thầy đáng kính, suốt một đời luôn quên hạnh phúc riêng mình, để sống cho những người bất hạnh, những đứa trẻ bụi đời, lang thang, những bé mồ côi và những người cơ nhỡ. Bạn bè cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, một thời trung học, và những ngày tháng trên quê hương thứ hai này. Cùng nhau tưởng nhớ về Cô giáo Đặng Thị Liệu kính yêu của học trò Phan Châu Trinh và Nữ Trung Học Hồng Đức.
Anh chị em con Cindy không có ý kiến gì chuyện nó cặp thằng Matt, riêng ông Định thì không thích ra mặt, ông rất bực bội và không chấp nhận cuộc tình dị chủng. Ông Định vốn là sĩ quan Viẹt Nam Cộng Hòa, sau khi đi tù hơn năm năm thì được thả và đi Mỹ diện HO15. Ông Định sống ở Mỹ cũng ba mươi lăm năm nhưng xem ra khá bảo thủ, không chấp nhận và tiếp nhận cái mới, cái khác. Ông Định chưa từng ra khỏi tiểu bang này, chưa một lần ăn pizza hay hamburger. Khi nghe tin con Cindy cặp thằng Matt thì ông giận lắm. Ông cứ giữ khư khư cái quan niệm lấy Mỹ là đồng nghĩa me Mỹ nhưng thập niêm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước. Thời thế đã thay đổi, xã hội đổi thay, con người cũng khác nhưng ông không thay đổi, hơn nữa chuyện con Cindy với thằng Matt là tình yêu trong sáng, tình yêu thật sự ấy vậy mà ông vẫn không chịu thay đổi cách nhìn cách nghĩ của mình.
Có nhiều bạn học cho là A hay phô trương, nhưng với tôi, A không có vẻ gì như thế. A học giỏi so với bạn cùng lớp vì A đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam và có bằng TOEFL điểm cao nên nói tiếng Anh lưu loát. Thỉnh thoảng bạn ấy được thầy nhờ thông dịch cho các học sinh Việt Nam mới qua, không theo kịp bài giảng tiếng Anh của thầy. Trong lớp, A hay giơ tay hỏi và phát biểu ý kiến của mình khiến vài bạn khó chịu. Họ nói với nhau là A khoe mẽ giỏi tiếng Anh. Giờ nghỉ, A chủ động đi bắt chuyện làm quen với học sinh các lớp khác và những học sinh người nước ngoài.
Rời Cali cả tuần nay rồi mà tâm trí tôi vẫn bềnh bồng với những sinh hoạt ngày Tết trôi qua vội vã – Gần bốn tuần lễ vui chơi ở Orange County, ngày nối tiếp ngày, đêm trôi qua đêm với những náo nức rộn rã như những ngày xưa tuổi nhỏ mỗi lần Tết đến. Tôi thật sự chưa tỉnh thức với chính mình. Cái gì làm tôi u mê đến vậy? Xin đừng hỏi tôi, tôi không trả lời được đâu. Không dấu được nỗi buồn còn đọng lại sau chuyến đi, tôi bỗng giật mình thảng thốt với chính mình. Vui chơi với bè bạn tuổi không còn trẻ nữa tuổi bảy lăm mà cứ tưởng mười lăm nên trận mưa đêm rã rít hiếm có ở Cali làm tôi có chút ngỡ ngàng.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.
Trân trọng kính chào tất cả gia đình Việt báo
Phan