Hôm nay,  

Trung Thu Kể Chuyện

29/09/202300:00:00(Xem: 4117)
 
Áo Dài TX Jan 2023
Hình do tác giả cung cấp
 
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021.
 
*
Nước Mỹ, người Mỹ không có tết Trung Thu, dù họ có rất nhiều các lễ hội khác, nhưng người Mỹ gốc Việt ở các quốc gia phương Tây tự do như Canada, Châu Âu, Úc Châu... hàng năm đều rộn ràng tổ chức Trung Thu cho các thế hệ con cháu nhằm duy trì và gìn giữ những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nơi hải ngoại.

Cách đây vài năm, nhân dịp đi thăm gia đình ở thành phố Arlington tiểu bangTexas bên Mỹ vào đúng mùa Trung Thu, tôi thấy các chợ Việt Nam tại đây bày bán nhiều loại bánh Trung Thu do chính người Việt sản xuất tại các thành phố đông người Việt như Dallas, Houston và California bên cạnh bánh Trung Thu nhập từ Taiwan, Mã Lai, China. Mặc dù Trung Thu chỉ phổ biến ở một số nước Châu Á như China, Korea, Singapore, Taiwan, Việt Nam, Japan cửa hàng Costco cũng nhạy bén nhập về các loại bánh trung thu, bánh pía. Người Việt mình tha hồ có nhiều lựa chọn. Bánh Trung Thu "Made in China" từ lâu vốn mang tiếng làm ăn gian dối trở thành lép vế hẳn đi. Cứ sau mỗi mùa Trung Thu những hộp bánh ế phần nhiều là hàng China, chợ đã phải hạ giá on sale buy 1get 1 free.
 
Chợ Costco Mỹ thật... dễ thương, luôn làm vừa lòng khách hàng người Việt, nghe nói Costco ở Nam California còn bán bánh chưng mỗi dịp tết Nguyên Đán. Coi bộ bánh chưng, bánh trung thu khó chinh phục người Mỹ, thị trường Mỹ so với phở, chả giò của Việt Nam. Món chả giò mặn và chả giò chay cũng đã chễm chệ nằm trong tủ kính chợ Costco bấy lâu nay, thật vui và hãnh diện. (Chợ Costco ở Canada, hoặc ít nhất là Costco nơi tôi ở, chưa bán các loại hàng này, có lẽ do mỗi manager có quan niệm và suy nghĩ khác nhau).
 
Tôi đã được chứng kiến đêm văn nghệ ca múa hát Trung Thu tại Asia Time Square trong khu chợ Việt, Arlington, Texas. Từ chiều, các bậc cha mẹ đưa các con em tấp nập đổ vào chỗ parking. Đứa trẻ nào cũng áo dài khăn đóng, các bé trai bé gái tay cầm lồng đèn, chạy nhảy tung tăng quanh khu vực khán đài, các gian hàng vui chơi và bán thức ăn nhộn nhịp tiếng nhạc hòa cùng tiếng cười nói đông vui.
 
Cũng giống như mùa Tết Nguyên Đán, hễ mỗi lần nhìn đám con nít (trong đó có các con tôi khi chúng còn bé) xúng xính áo dài đón Tết Trung Thu, tôi thường nhìn xa xăm thở dài, chép miệng: 

 - Tự dưng thấy thương tụi nhỏ quá chừng. Hồi đó bên quê nhà, Tết vui lắm, Trung Thu vui lắm, bên đây dù sao cũng chưa bằng.
 
 Vì nơi đây chúng ta nhiều khi đón Tết không đúng ngày, phải chờ weekend. Thời gian ngắn ngủi, lại thiếu cả cái không khí, cái đất trời, cái hương vị, nào phải cứ ăn bánh tét bánh chưng là Tết, ăn bánh nướng bánh dẻo là Trung Thu? Nói chung là tổng thể mọi thứ kết hợp lại, như đêm Trung Thu phải chơi dưới ánh trăng tròn, rước đèn khắp xóm, chớ đâu phải vòng vòng trong khu shopping dưới ánh... đèn màu như bên đây, hỏi sao không tội cho đám nhỏ!
 
Và tội cho chúng nữa là không biết thưởng thức bánh trung thu, bánh nướng, bánh dẻo ngon thế nào, có đứa chỉ ăn thử một miếng nhất định không ăn miếng thứ hai, có đứa thì nguây nguẩy từ chối vì không biết và không thích ăn cái bánh này. Thành ra bánh trung thu cho thiếu nhi mà ở hải ngoại toàn dành cho...  người lớn. Người lớn ăn bánh vì cảm được cái ngon của bánh, vì mùi vị kỷ niệm từ thời ấu thơ, còn con nít được tụ tập mặc quần áo đẹp và rước đèn theo tiếng trống tiếng nhạc là chúng vui rồi.

Hổm rày trên bầu trời đã lấp ló bóng trăng to đẹp, gần như tròn tria. Tôi nhìn qua khung cửa sổ sau nhà, cảm xúc:

- Trăng tròn quá, lại sắp đến Trung Thu rồi ư?

Chồng tôi vội vàng lên tiếng trước khi nhanh chân bước lên lầu:

- Em lại chuẩn bị lập lại cái điệp khúc “hồi đó”, anh nghe cả trăm lần, ngán lắm rồi nghen!

Tôi mơ màng trả lời dù biết rằng chẳng ai nghe:

- Ừa, nhưng lần này “hồi đó” không phải ở Việt Nam mà ở trại tỵ nạn, anh ơi!

Đó là Tết Trung Thu đầu tiên ở trại tỵ nạn Thailand. Thực ra, cuộc sống ở trại ngày nào cũng như ngày nào, nhất là trong “trại cấm” dành cho những người đến trại sau ngày Cao Ủy tuyên bố đóng cửa, ngày dài lê thê, tương lai chưa biết ra sao, có ai để ý cái Tết của trẻ con.

Nhưng may nhờ có Chùa và Nhà Thờ, các Cha các Sư  xin phép Ban An Ninh Trại, rồi cho người ra ngoài chợ Lào chợ Thái, mua đầy đủ tre, giấy bóng kiếng, sơn màu, cọ, dây kẽm... để làm những chiếc đèn Trung Thu. Từ một vài tuần trước, sân Chùa sân Nhà Thờ bắt đầu rộn ràng những người ngồi vót tre, cắt giấy, làm nao lòng người tha hương, và không khí trong trại thêm sinh động, hứng khởi hơn thường ngày .

Nhóm chúng tôi bốn nàng: tôi làm thiện nguyện ở post office, một nàng làm cô giáo Tiếng Việt, còn hai nàng kia ở nhà phụ trách cơm nước và chiều tối sinh hoạt trong Ca Đoàn Nhà Thờ. Mấy bữa gần kề Trung Thu, hai nàng ấy có mặt hầu như cả ngày ngoài Nhà Thờ, tôi và nàng cô giáo đi làm về phải ăn mì gói trộn cơm nguội, nhưng mà vui, vì ăn xong cũng chạy ra ngoài đó tán dóc, ăn bánh kẹo, phụ mấy chuyện lặt vặt linh tinh... trừ cơm cũng no ngang.

Theo chương trình, vào ngày Trung Thu, sau giờ lễ tại Chùa và Nhà Thờ, các em thiếu nhi có mặt (bất kể tôn giáo) đều được phát một chiếc lồng đèn và vài chiếc bánh kẹo (lúc ấy trại chưa có người làm bánh Trung Thu). Nàng cô giáo trong nhóm nổi hứng đề nghị chúng tôi làm bữa tiệc “Đón Trăng Rằm” tại nhà, kêu đám học trò nhỏ đến cùng chung vui .

Cả đám hào hứng đồng ý, chúng tôi sẽ nấu một nồi chè đậu xanh bột báng nước dừa, mua thêm vài bịch bánh kẹo, đậu phộng da cá và vài bình nước Coca Cola. Khi tan lễ các em sẽ kéo về nhà chúng tôi, quay quần ăn uống, ca hát, chơi trò chơi tập thể, rồi sau đó là phần vui nhất của đêm trăng tròn: rước đèn Trung Thu. Chúng tôi sẽ dẫn các em rước đèn vòng quanh các lô nhà, các con đường của trại, vừa đi vừa hát:


“Tết Trung Thu em đốt đèn đi chơi/ Em đốt đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca dưới ánh trăng rằm/ tùng dinh dinh tắc tùng dính dính ...”

Dù ở trại, hổng phải “phố phường” của xóm cũ quê xưa bên bờ đại dương, nhưng ai cấm các em được “vui sướng với đèn trong tay” và “múa ca dưới ánh trăng rằm” trại tỵ nạn?

Đúng 6 giò 30 chiều, các trò nhí lục tục kéo đến, mỗi đứa trên tay một lồng đèn đủ màu xanh đỏ tím vàng, chúng tôi cũng vui lây với sự hồn nhiên của chúng. Bỗng trời bên ngoài bắt đầu chuyển sang âm u, gió mạnh. Chuyện gì vậy cà, chả lẽ lại là mưa đúng đêm Trung Thu như nhiều lần khi tôi còn ở Việt Nam, dù mùa mưa Ngâu đã trôi qua? Câu hỏi chưa kịp trả lời thì mưa lộp bộp trút xuống, hối hả như kìm nén cả ngày giờ mới được bung xả. Cả cô lẫn trò ngơ ngác, nhìn những hạt mưa nặng nề bên ngoài mái lá.

Tôi bâng quơ nhớ về Trung Thu năm trước, có xa xôi gì lắm đâu, lúc ấy tôi còn đi dạy học, cùng với các thầy cô giáo trẻ trong trường, hẹn nhau sau buổi dạy chạy ra Nhà Văn Hóa Thanh Niên xem ca nhạc mừng Trung Thu. Vừa xong tiết dạy, trời đầy mây xám báo hiệu sẽ có mưa, nhưng với lòng hăng say tuổi trẻ, hơn nữa ngày hôm sau là cuối tuần không phải bận rộn với giáo án, với trường lớp, chúng tôi vẫn lên đường, sáu bảy chiếc xe đạp, chuyện trò rôm rả mặc kệ ông trời đang hăm dọa với vài tiếng sấm sét dạo đầu. Khi chúng tôi đến tụ điểm ca nhạc, những hạt mưa lớn, nhỏ rủ nhau ào xuống, trắng xóa cả trời đất, chúng tôi cũng kịp gửi xe, chạy vào hội trường an toàn.

Hai tiếng sau, tan đêm nhạc, chúng tôi trở ra thì ôi thôi, mưa không còn lớn nhưng vẫn rả rích, đoạn đường trước mặt ngập nước lênh láng, qua nửa chiếc bánh xe đạp. Đành bỏ tiết mục ăn đêm, chúng tôi phải về nhà, có mấy cô mang theo áo mưa, nhưng nước vướng chân vướng xe, nên các cô cởi bỏ áo mưa, cả đám hì hục lội nước dắt xe qua những khúc ngập lụt, khúc nào không ngập thì lại leo lên xe, cho mau về khu Gò Vấp ngoại ô thân yêu. Tới nhà, tôi ướt như chuột lột, sau khi thay quần áo khô ráo sạch sẽ, ngồi ăn cơm, mưa vẫn tí tách trên mái tôn nhà bếp, tôi lặng lẽ vừa nhai cơm vừa ngẫu hứng “xào” thơ Hàn Mặc Tử:

Sao anh không về thăm xóm cũ
Nhìn nước vừa lên, nước vẫn lên
Nhà em thấp thoáng nơi đầu hẻm
Mái ướt che ngang cột bóng đèn
Gió theo lối gió, mưa kệ mưa
Dòng nước thành sông, chẳng như xưa
Thuyền giấy chúng mình trôi lờ lững
Giờ đây lênh láng, lội mút mùa
Mơ khách về chơi, khách về chơi
Áo em ướt quá làm sao phơi
Ở đây mưa đến mang ngập lụt
Ai biết vì ai, ơi hỡi trời!

Tiếng ồn của lũ trẻ đưa tôi về thực tại trại tỵ nạn, mưa càng nặng hạt hơn, không biết khi nào sẽ ngưng, mà đợi đến lúc ấy thì “sau cơn mưa trời lại... tối thui”, nên chúng tôi cho các em ăn tiệc ngay. Các lồng đèn được thắp nến, treo quanh nhà, tạo nên một không gian lung linh, kỳ ảo, và rất lãng mạn. Căn nhà tỵ nạn tưng bừng bởi tiếng ăn uống, hát ca, trò chơi tập thể hòa với tiếng mưa, tiếng sấm sét rền vang.

Tiệc tàn nhưng mưa chưa tàn, còn mưa lâm râm, gió rít nhiều hơn. Thương lũ nhỏ không được ngắm “chị Hằng” nhưng phải ra về vì sắp đến 10 giờ giới nghiêm. Tụi nó nhốn nháo tạm biệt các cô, mấy đứa bước ra trước bỗng quay lại hét lên:

- Cô ơi, ma!! Em mới thấy ma!!

Tôi nhanh nhẩu trấn an:

- Bậy nà, ma cỏ gì ở đây chớ?

Nói xong, tôi khựng lại, vì ai ở trại cũng biết chuyện trước đây có nhiều lính bộ đội Việt Nam đào ngũ từ chiến trường Cambodia chạy sang trại Thailand tỵ nạn, bị Cao Ủy từ chối không cho đi định cư vì nghi ngờ lý lịch “bộ đội”, các người lính này đã thất vọng, thắt cổ tự tử, hoặc những trường hợp đau bệnh chết oan uổng. Người ta rỉ tai nhau, vào lúc đêm khuya, nhất là những đêm mưa gió bão bùng, vẫn có những bóng ma lởn vởn, thực hư ra sao tôi không biết, chỉ biết giờ đây chúng tôi nhìn nhau run như cầy sấy. Vừa lúc ấy, một đứa khác xuất hiện ngay cửa:

- Hổng có ma cô ơi, hổng có ma, mà là... người ta.

- Là sao?

-  Dạ, là một chú mặc áo mưa, cầm cây dù, đứng ngay bên hông nhà, chú đưa con bịch trái cây, biểu đem vô đây.

- Chú đó là ai, tên gì, có nói bịch trái cây này cho ai không?

Thằng nhỏ gãi đầu:

- Dạ, con... quên hỏi!

Chúng tôi liền chạy ra cửa, chỉ kịp thấy một dáng người, che cây dù đen, rảo bước trong làn mưa nơi cuối con đường, dưới ánh đèn hắt hiu y như trong bài hát nào đó “người đi ngoài sương gió, đêm mưa ngoại ô buồn”, thương ghê nơi!

Còn lại bốn đứa chúng tôi, cùng tự hỏi và tự trả lời, chắc là chàng nào đó muốn đến thăm nàng nào đó, nhưng vì mưa quá lớn và vì có lũ trẻ trong nhà, nên ngại vào chăng? Mà chàng đó là ai? Trong bốn đứa, nàng Quyên đã có người yêu là anh Trinh, hồi nãy anh ấy cũng có mặt ăn tiệc Trung Thu và cũng mới ra về trước đó không lâu, vậy thì là ai, và muốn thăm nàng nào?

Là một đồng nghiệp post office của tôi ư? Không phải, vì mấy anh ấy nghịch như “quỷ sứ”, đã đến đây thì ngại gì mà không bước vào? Cũng có thể là một chàng nào đó thường lên bưu điện lãnh thư rồi làm... cây si của tôi? Ủa, biết đâu đó lại là chàng trong ca đoàn nhà thờ tương tư nàng ca đoàn, và còn mấy thầy giáo trường Việt Ngữ nữa chi, nàng cô giáo nhóm tôi  xinh xắn lắm đấy. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn không thể đoán ra là ai, để còn cám ơn hoặc muốn trả lại cho đúng người.

Nàng Quyên bỗng la lên:

- Hay người ấy là... ma?

Cùng lúc ánh chớp lập lòe ngoài cửa, chúng tôi rú lên, nhưng kịp lấy lại bình tĩnh, bật cười với câu đùa “vô duyên” của nàng Quyên, rồi mở bịch trái cây ra xem, là những chùm nho căng mọng cùng mấy trái táo đỏ thơm ngát, ngọt ngào.

Ôi, bất kể người ấy là ai, chúng tôi sẽ phải... ăn hết mớ trái cây này, chớ biết làm sao.

Và đêm Trung Thu năm ấy, nơi trại tỵ nạn, có ba cô nàng đi vào giấc ngủ trong tiếng mưa đêm êm ái và cõi lòng xao xuyến bâng khuâng.

Edmonton, Trung Thu 2023

KIM LOAN

Ý kiến bạn đọc
11/10/202304:33:47
Khách
Bài viết rất hay . Làm nhớ về những mùa trăng ngày xưa . Cám ơn Tác giả Kim Loan
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,413
Con Kelly khá nhỏ nhắn xinh xắn, da trắng, nét mặt người Âu. Nó rất khác với những đồng hương của nó, bọn họ thì to bè bự xương, da ngăm đen, nét mặt thô. Có lẽ tổ tiên nhà con Kelly lai hoặc là di cư từ Tây Ban Nha. Những lúc ăn trưa hay những lúc tụ tập đùa giỡn, con Kelly kể chuyện nó vượt biên từ Honduras qua Mexico và rồi theo đường dây nhập cư lậu để vào Cali và sau đó thì sang thành Ất Lăng này. Nó vào hãng này cũng được năm năm rồi, công việc ở xưởng Debug không nặng, chuyên gắn các bộ phận máy điện toán như Hard drive, Memory, Motherboard… Tuy nhiên hai ngón tay cái và cổ tay thì đau nhiều vì phải nhấn và sử dụng nhiều, với lại thời gian kéo dài mười tiếng một ngày. Hôm nó xỉu vì mệt và có thể nó bỏ bữa ăn sáng.
Đôi lúc mẹ có cảm tưởng con gái bây giờ là mẹ của mẹ. Con học cao hiểu rộng luôn chỉ huy mẹ chuyện này điều kia, những chuyện mẹ kể ngày xưa con bác ra không cần nghe. Giọng nói con từ từ oai phong và mang âm điệu ra lệnh, mẹ chỉ biết tuân hành và không cần thắc mắc.
Hễ má gọi Tí là “mày” là Tí biết má đang hổng dzui nên Tí không dám hé miệng thắc mắc nữa. Mà thực ra, trong lớp học, trong xóm khu apartments này đâu phải đứa nào cũng có ba, như chị em con Cẩm thằng Tú con của cô Xuyến bạn của má, họ cũng chỉ có ba mẹ con sống với nhau đấy thôi. Một buổi tối, Tí đang chơi các đồ chơi một mình, rồi như nhớ ra điều gì
Chuyện xảy ra cách đây 8 năm, khi đó tiệm Nails của tôi vẫn còn hoạt động, và tôi còn sống ở Augusta. Thành phố Augusta không lớn lắm, nhưng được nhiều người biết đến, vì nơi đó có Master week. Hằng năm, vào đầu tháng tư, từ khắp nơi trên thế giới, các danh thủ golf sẽ đến đây tranh tài để giành danh hiệu Master. Và đây cũng là dịp để mọi người từ các nước đến tham dự. Không phải nói, ai cũng biết Augusta rất tấp nập vào dịp này. Bình thường, tiệm tôi đã đông vào những ngày cuối tuần. Nhưng thứ bảy của tuần lễ Master, thì đông đến… mệt không nghỉ. Cuối ngày, khi tôi vừa với tay định tắt bảng “open”, thì ba người khách bước vào.
Bố mẹ tôi là một đôi đũa lệch, không phải ở bề ngoài. Bởi vì bố mẹ tôi rất đẹp người, bố cao ráo đẹp trai, mẹ xinh như người mẫu. Nhưng anh em tôi, sau lưng vẫn gọi bố mẹ tôi là đôi đũa lệch. Khi có quá nhiều xung đột, người ta thường chia tay nhau mỗi người một ngả, tan đàn xẻ nghé, mặc cho con cái lêu bêu. Nhưng bố mẹ tôi thì không bao giờ nói đến chuyện ly dị, hai ông bà vẫn ở với nhau gần 60 năm, dù có nhiều lệch lạc.
Sui gia là mối quan hệ đặc biệt từ chỗ không quen biết nhau rồi thì kết thông gia, đi đến chỗ tương kính và thân thiết như người trong một gia đình. Đây là nét đẹp văn hóa và phong tục của người Việt mà người Mỹ không có. Riêng tôi, có lẽ vì không có duyên nên anh sui thì có mà cũng như không. Ngược lại, tôi lại có duyên với chị sui. Phải nói ngay để tránh hiểu lầm : Duyên ở đây không phải là duyên nợ theo quan niệm thông thường mà là duyên nợ văn chương.
Năm mươi năm là quãng thời gian không đáng kể trong vũ trụ tính tỷ tỷ năm, nhưng là nửa đời người, là ba thế hệ: Thế hệ tham chiến, thế hệ chạy giặc, thế hệ bỏ nước ra đi để làm giàu. Có lẽ nhìn lại từng góc quán một lần để tưởng niệm những bậc cha chú, đàn anh đã ngồi và trò chuyện với đời sau để chúng tôi hiểu biết hơn về chiến tranh ở quê nhà.
Tác giả tên thật Trần Hương Thủy hiện sống tại South Carolina. Lần đầu tham dự chương trình VVNM với bài viết “Ngày qua giông bão". Bà đã từng cộng tác với nhiều tờ báo tại hải ngoại. Sau đây là câu chuyện tác giả gởi cho VVNM ngày 30 tháng 4 với ghi chú: “Câu chuyện bắt đầu từ những ngày của tháng 4/1975 , nhưng nỗi đau vẫn còn lại mãi..."
Tháng Tư đây là Tháng Tư Đen 1975 khi Miền Nam Việt Nam bị “trời sập”! Lúc ấy, tôi mới 9 tuổi nhưng những ký ức vẫn còn đậm trong trí óc dù gần 50 năm đã trôi qua. Trong khi gia đình bác ruột và chú ruột tôi chạy ra Bến Bạch Đằng xuống tàu Trường Xuân thì gia đình tôi lại chạy loạn trong thành phố. Vì nhà tôi gần cửa ngõ sân bay, xung quanh là các căn cứ quân sự, công xưởng của VNCH và kế bên vùng “xôi đậu” An Phú Đông, nên phải kéo nhau vào Ngã Bảy, chung cư Ngô Gia Tự, tá túc nhà người quen. Tưởng đâu sẽ an toàn hơn, nhưng ban đêm khi lũ trẻ chúng tôi nằm chồng chất bên chiếc giường trong nhà thì người lớn ngồi ngoài hiên, đếm từng đóm hoả châu rơi, vọng tiếng đại bác hoặc hoặc tiếng súng lẻ loi, chả biết của “bên nào”.
Nghĩ đi nghĩ lại sao mấy năm nay đi lấy máu kiểm tra sức khỏe hàng năm mà chẳng phát hiện ra bệnh ung thư? Nếu không vì cú té làm bị gãy xương không biết Hoàng vẫn khỏe mạnh, ăn ngon miệng, làm vườn, xúc tuyết hùng hục như trâu không? Có lẽ lâu nay tế bào ung thư nằm phục sẵn chờ xương bị tổn thương là nhào vô tấn công mà cũng có thể là đến thời kỳ bịnh ung thư phát tán và cú té chỉ là chuyện xảy ra trùng hợp? Sau này Hoàng vào Mayo Clinic thay tủy sống mới biết đa số bệnh nhân đa u tủy đều bị té gãy xương trước rồi càng ngày càng rạn gãy thêm mới khám phá ra. Nhưng cũng vì cú té đó mà chụp MRI chỉ thấy nứt 2 đốt xương làm cả bác sĩ lẫn bệnh nhân cứ nghĩ là do bị loãng xương mà phí thời gian điều trị, tà tà mấy tháng trời để tụi ung thư hoành hành phá thêm mấy cái xương tội nghiệp!
Nhạc sĩ Cung Tiến