Hôm nay,  

Người bạn già

18/08/202300:00:00(Xem: 3963)

unnamed
Hình tác giả cung cấp

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là  Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.


*

Tôi đã hứa với Văn, ngày thứ sáu và thứ bảy của tuần lễ nghỉ phép, tôi sẽ đến nhà làm giúp cho Văn cái giàn mướp. Sau khi mở cửa cho tôi vào nhà, Văn pha cho tôi ly cà phê rồi đến ngồi trên cái ghế xoay đối diện với máy điện toán, tiếp tục đọc trang mạng. Văn thường nói với bạn bè: Đọc và viết là một phương cách giúp cho não bộ hoạt động và thư giãn tâm trí, một món ăn tinh thần tốt lành, không tốn kém. Đọc xong bản tin đặc biệt và bài bình luận thời sự trên trang mạng, Văn đứng dậy, đi đến phòng ăn sửa soạn ăn sáng rồi cùng tôi làm cho xong cái giàn mướp thì điện thoại reo. Văn vừa nói câu hello thì đã nghe giọng nói lớn tiếng từ điện thoại.

- “Ông đang làm gì vậy, còn tập thể dục à? Đến tôi uống cà phê”.
- “Giờ này còn tập gì nữa, tôi đang tính kiếm cái gì ăn sáng” – Văn trả lời.
- “Vậy đến tôi uống cà phê và ăn sáng luôn. Xin phép bà xã rồi hãy đi, sợ vợ thì cũng tốt đấy, nhưng vừa phải thôi, chứ ông cứ loanh quanh ở nhà tháng này qua tháng khác, không cần biết đến ai còn ai mất hay sao? Đến ngay nghe ông, tôi đang chờ ông đấy” – tiếng người nói với giọng khàn khàn trên điện thoại, rồi cười lớn tiếng.
- “Bà xã tôi đi công chuyện rồi. Để tôi thay đồ rồi tôi tới”– Văn trả lời, rồi để cái điện thoại lên trên mặt bàn. Nhưng Văn chợt nhớ đến tôi đang có mặt ở nhà Văn. Nên gọi lại cho người bạn, nói về tôi sau khi đã rủ tôi “đi cho vui”.
- “Ừ, ừ mời anh bạn ông tới luôn. Thế còn gì bằng, tới ngay nhé” – tiếng ông bạn của Văn nói trong điện thoại.

Như một thói quen từ những ngày còn đi làm, mỗi ngày, Văn thức dậy lúc năm giờ sáng, sau khi làm vệ sinh cá nhân, sửa soạn thức ăn sáng và trưa cho con trai đem theo đến trường trong những ngày đi dạy học – ngôi trường mà những năm tháng trước đây con Văn đã theo học các lớp bậc trung học, cách nhà Văn vài dặm, rồi Văn pha ly cà phê và ngồi trước máy điện toán đọc tin tức, báo chí, bài vở, điện thư của bạn hữu. Mùa Hè Văn ra sân sau nhà tập thể dục sớm, còn mùa Đông, Văn chờ cho trời bớt lạnh giá, mặc áo ấm rồi ra tập trễ hơn thường lệ. Tập thể dục xong, Văn tỉa cây quét lá, chăm sóc cây kiểng trong khu vườn nhỏ. Nghỉ mệt năm mười phút cho hết mồ hôi, Văn đi tắm và vào mấy trang mạng vừa đọc vừa ăn sáng. Xong đâu đó, Văn tiếp tay với bà xã rửa rau, cắt hành và mấy việc lặt vặt của việc bếp núc, hoặc lại loanh quanh vui thú điền viên với khu vườn nhỏ, tiếp giáp với sân sau căn nhà. Khi Văn trở vào nhà thì mặt trời đã gần đứng bóng. Văn xem truyền hình với các bản tin buổi trưa, hoặc làm một vài việc linh tinh trên máy điện toán. Có lẽ vì lớn tuổi hay vì no bụng, nên Văn thường ngủ gà ngủ gật khi đang ngồi coi truyền hình sau khi ăn trưa. Loanh quanh chuyện này chuyện kia cho tới giờ đi bộ tới Trung Tâm Công Giáo Việt Nam tham dự thánh lễ mỗi buổi chiều. Văn chủ ý đi bộ như một cách vận động nhẹ, ích lợi cho sức khỏe và cũng là cách bù lấp khoảng thời gian còn trống trong ngày. Vì trong thời gian này, bà xã Văn còn đang làm việc tại hãng và con trai Văn cũng đang ở thư viện đọc sách hay soạn bài cho ngày mai đi dạy. Sau bữa ăn tối, Văn coi mấy tiết mục giải trí, đố vui trên truyền hình hay đọc tin trên máy điện toán rồi đi ngủ. Ngày này qua ngày khác, những thói quen như vậy đã trở thành một lịch trình sinh hoạt mỗi ngày của Văn sau khi về hưu. Đời sống của Văn quẩn quanh như một điệp khúc được lập đi lập lại, theo ngày tháng thành một tập quán. Văn lại hài lòng với những niềm vui nhỏ bé, và trầm lặng như vậy trong tuổi hưu trí.
 
Trên đường đến nhà bạn, Văn kể cho tôi nghe chuyện quen thân với ông bạn của Văn, từ lúc cả hai học cùng một lớp, một ngành, tại trường San Jose City College vào thập niên tám mươi, và cả hai vừa đi học vừa đi làm trong thời gian mới định cư tại thành phố San Jose, cũng như tình trạng bịnh hoạn và sa sút tinh thần hiện nay của người bạn trong tuổi già.

Vào thập niên tám mươi, Văn ngoài ba mươi, còn ông Nguyễn hơn Văn chừng năm sáu tuổi, cựu sĩ quan ngành Quân Cụ, đã giải ngũ trước năm 1975 vì lý do sức khoẻ, vượt biên đem theo được ba con trai, còn vợ và cô con gái bị kẹt lại. Gà trống nuôi con, và để có đủ tiền nuôi con ăn học, ông Nguyễn đã làm đủ mọi nghành nghề, từ sửa xe cũ, lắp ráp, trông coi kho hàng điện phế thải của người cháu họ, và ghi danh theo học các lớp điện tử vào buổi tối. Còn Văn độc thân, nên cả hai thường la cà bên nhau, cùng làm bài tập, và làm thực tập trong phòng thí nghiệm của nhà trường. Hai người cựu quân nhân gặp và quen biết nhau qua các lớp học rồi trở thành bạn thân. Nhiều lần ông Nguyễn đã khuyên Văn lo cưới vợ đi, kẻo mai kia “cha già con mọn”, đôi lần ông Nguyễn hứng chí bảo Văn “ Ông chờ ai, ông kén hả. Được rồi, cứ chờ đi, cứ đợi đi. Em gái tôi vượt biên được, tôi sẽ gả cho. Em tôi xinh lắm nghe ông.....”. Nhưng khi cô em gái ông Nguyễn vượt biên đến được Pulau bidong, Malaysia thì Văn đã làm lễ đính hôn được hai ba tháng  rồi.

Sau những năm dài bảo lãnh, gia đình ông Nguyễn được đoàn tụ, rồi ba người con trai và cô con gái lớn lập gia đình theo những năm tháng khác nhau. Tuy không giàu có, nhưng ba người con trai và con rể của ông Nguyễn đều hấp thụ và trưởng thành từ nền văn hóa Hoa Kỳ, cộng với ảnh hưởng phong cách sống của cha mẹ qua các sinh hoạt gia đình mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Do đó, các con của vợ chồng ông Nguyễn chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa Việt Mỹ – tất cả đều có tinh thần cầu tiến, năng động, cũng như hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình, đã chịu khó học hỏi và vào đời sớm hơn những người cùng trang lứa. Tất cả các con ông Nguyễn đều có một đời sống tương đối sung túc. Căn nhà bốn phòng, nay chỉ còn lại hai vợ chồng già, cả hai đều nay yếu mai đau, làm ông Nguyễn sa sút tinh thần, cảm thấy buồn chán, than vãn và lo nghĩ vu vơ. Quen nhau đã lâu năm, biết tính tình và đời sống người bạn già trong tuổi về chiều có vấn đề. Nên khi ông Nguyễn gọi điện thoại kêu Văn tới uống cà phê là Văn nhận lời ngay.

Tôi quen biết Văn khi làm việc trong cùng một nhóm. Trong công việc, Văn thường đem kinh nghiệm lâu năm cũng như kiến thức của mình để nâng đỡ người khác. Văn kiên nhẫn, nhiệt tình với bạn cùng sở, hòa đồng trong công việc của nhóm và ngay cả với những đối tác khác nhau. Những giây phút nghỉ giải lao, ngồi bên nhau với ly cà phê, qua những câu chuyện thời cuộc và nhân tình thế thái, anh thường tự nhận mình thuộc lớp người “trung dung”, không bảo thủ mà cũng không cấp tiến. Chúng tôi quý mến nhau, nên khi biết Văn cần làm giàn mướp, tôi đến làm phụ với Văn. Nhưng qua cú điện thoại của người bạn già, Văn đã gác lại việc nhà, rủ tôi đến thăm bạn. Tôi cảm thấy vui khi thấy cái tình của Văn dành cho bạn, nên đã lái xe đưa Văn tới nhà ông Nguyễn uống cà phê, ăn sáng, và để nghe hai người – một người già dặn kinh nghiêm sống và một vừa bước qua tuổi trung niên tâm sự và nói chuyện đời.

Bà xã ông Nguyễn đi tới đi lui tưới cây, tỉa lá, xem hoa sau vườn, để mặc ba chúng tôi ngồi nói chuyện trời trăng mây nước. Sau khi đã ăn sáng với bánh mì quyết bơ kẹp sausages chiên. Ông Nguyễn bưng ra ba ly cà phê phin sữa nóng, rồi hỏi Văn:

-“ Sao, thằng boy của ông bao giờ lấy vợ? Có bạn gái chưa? Bảo thày giáo lấy vợ đi để có cháu nội với người ta đi chứ. Vẫn dạy toán ở trung học Sacto River hay ở đâu?”

- “Cháu mới hai mươi tám mà. Bạn trai, bạn gái, thì cô cậu nào sinh ra và lớn lên ở Mỹ mà chẳng có. Chỉ trừ anh chàng này” – Văn nói chọc quê tôi.

-“Thế là anh lại cầm nhầm đũa của ông Văn ngày xưa rồi. Lấy đại đi, may hơn khôn, lấy cho có vợ như người ta, cho xong kiếp người” – ông Nguyễn nhìn tôi, nói và cười. Nghe ông Nguyễn nói vậy, tôi chợt nghĩ ông bạn già của Văn vui tính. Nên,tôi cũng nói cho có chuyện: Dạ, cũng sắp rồi.

Văn nhấp một chút cà phê và để ly xuống bàn, rồi nói với ông bạn già của Văn : “Cháu vẫn dạy ở trường cũ. Mấy tuần vừa qua trường nghỉ lễ, cháu đi Los Angeles với bạn. Anh chàng ham vui với bạn bè lắm, những ngày nghỉ lễ ít khi ở nhà. Còn chuyện lấy vợ lấy chồng của đám trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ là chuyện của các cô cậu ấy, mình không quyết định được. Ông không nghe thiên hạ nói cho vui nhưng có thật à !” Văn trả lời rồi nói đùa với ông Nguyễn.

-“ hiên hạ nói sao?” Ông Nguyễn hỏi Văn.

- “Thì con đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Nói cho vui vậy mà. Chuyện hôn nhân của con là hạnh phúc của đời con. Ai mà chẳng ước mong cho con mình có một đời sống hôn nhân hạnh phúc. Chuyện gì đến thì nó sẽ đến, đôi khi mình lo lắng thái quá, rập theo khuôn mẫu một cách máy móc có thể  làm hư bột hư đường mất “- Văn nói với ông Nguyễn.

- “Ừ, nói vậy cũng không sai. Dù nghe qua thấy cũng hơi buồn. Đám trẻ sinh ra và lớn lên với sinh hoạt và văn hóa Mỹ nên khác với thời cha ông mình. Các con tôi đã lập gia đình hết rồi. Con tôi sinh tại Việt Nam, lớn lên ở Mỹ nên cũng dễ dung hòa phần nào. Nhưng bây giờ chúng cũng như những con chim lìa đàn xa tổ, chỉ còn hai vợ chồng già tôi cu ki bên nhau thôi. Thằng boy ông, anh ta còn ở chung với gia đình là tốt rồi. Thực tình, nhiều lúc tôi thấy cô quạnh quá, buồn muốn chết được - Ông Nguyễn nói và nâng ly cà phê lên rồi lại để xuống bàn, mắt nhìn mông lung lên trần nhà, rồi hỏi Văn: Còn ông thì sao?

Nghe ông Nguyễn hỏi, Văn nói:

“Con tôi sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ. Nên tôi biết cái bổn phận, trách nhiệm và giới hạn của mình, của cha mẹ người Mỹ gốc Việt. Không phải là buông xuôi, nhưng phải chấp nhận một thực tế là mình đang sống tại Hoa Kỳ, hít và thở nền văn hóa Hoa Kỳ - nhập giang tùy khúc, cái gì thái quá thì cũng không hay. Đôi lúc góp ý với con về việc này, chuyện kia, vợ chồng tôi thường nói với cháu là bố mẹ rất mừng là con đã trưởng thành. Nên mọi sự việc bố mẹ chỉ góp ý thôi, còn quyết định là ở con. Là thày giáo, con hãy cố gắng làm tốt trong mọi vấn đề. Con thành công trong đời là bố mẹ thành công, và nếu thất bại thì đó cũng là sự thất bại của bố mẹ. Bố rất vui là con đã chọn đúng nghành nghề mà bố mơ ước từ thời thanh niên, nhưng vì đất nước bị chiến tranh bố phải  sống đời quân ngũ”.

 – “Anh ta còn độc thân, còn sống chung với gia đình. vậy là phước đức rồi. Cá nhân tôi, đôi khi cảm thấy đời sống cô quạnh qúa, buồn tẻ quá. Ngày ngày hai vợ chồng lủi thủi bên nhau, mười ngày thì chín ngày đau. Vợ chồng tôi sang đây đã lớn tuổi, mang được ba bốn đứa con. Bây giờ vì công ăn việc làm, mỗi đứa một nơi, có đứa thì gọi điện thoại, có đứa thì lâu lâu ngày lễ mới tới thăm. Nhiều lúc thấy buồn thật là buồn. Tình nghĩa ông bà với cháu nội, cháu ngoại không mặn mà như đời cha ông mình, tình hàng xóm láng giềng không còn như ở Việt Nam, ai sống mặc ai, ai chết mặc ai. Bà xã tôi nay thì nói trước quên sau, hơi lẫn rồi. Nếu mai này còn lại một người, chắc buồn muốn chết được” – ông Nguyễn nói một mạch, giọng trầm buồn, sau khi đã nhấp giọng với ly cà phê trên tay.

Nghe ông Nguyễn than thở, Văn an ủi người bạn già: “Thỉnh thoảng con ông bà, chúng ghé thăm hay điện thoại là tốt lắm rồi. Ông bà còn có ba bốn đứa, chứ tôi chỉ có một thì sao! Các cháu nội ngoại ông bà nói tiếng Việt không sõi, nên nó vô tình tạo lên khoảng cách giữa ông bà và các cháu thôi. Chứ tôi thấy, tình nghiã ông bà với các con cháu của các gia đình người Mỹ cũng đằm thắm, dạt dào tình nghĩa lắm. Sống trong một Xã hội thực dụng, ai cũng bận rộn cả, hết bill này tới hóa đơn kia. Cuối tuần lại lo dọn dẹp nhà cửa, chợ búa, lo chuyện này bận chuyện kia nên ít đi lại, thăm hỏi lẫn nhau. Tôi với ông như vầy cũng là có phước rồi, dù không thập toàn. Qua báo chí, tôi thấy cũng có gia đình gặp những sự  việc khác biệt về luân lý, đạo đức, tôn giáo làm đổ vỡ tình mẹ cha, tình vợ chồng, gây ra nhiều chuyện đau lòng lắm. Thôi, biết đủ là đủ, biết nhàn thì được nhàn, hãy vui với những hạnh phúc trong tầm tay đi ông. Mai kia mốt nọ, con trai tôi lập gia đình, ra ở riêng thì vợ chồng tôi cũng cu ki một mình như ông bà bây giờ thôi. Người Mỹ về già, người ta vui sống với nhà dưỡng lão. Chắc hẳn, mình cũng phải làm quen, hội nhập với văn hóa Hoa Kỳ và chấp nhận đời sống như vậy. Suy nghĩ vẩn vơ vẫn thái quá, cũng không giải quyết được gì, mà lại sinh ra trầm cảm, mang bịnh vào thân. Thôi, hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống ông à”.

Ông Nguyễn ngồi im lặng nghe Văn nói, như thầy đồ ngồi trầm tư mặc tưởng nhìn trời đất và nghe môn sinh Văn đang ê a đọc bài.

Hai chúng tôi và ông bạn già của Văn ăn sáng, uống cà phê và tâm sự vặt dường như đã hơn một tiếng đồng hồ. Xong cữ cà phê, ông Nguyễn pha cho tôi, Văn và ông mỗi người một ly trà Sâm rồi nói: “Qùa của vợ chồng thằng út đến thăm hồi đầu năm. Ông và anh uống đi, mùi thơm dịu, lại giúp ăn ngon, ngủ êm”.

- “Vậy là nhất ông rồi, còn than với thở gì nữa” – Văn cười và nói với người bạn già.

- “Ai dám than thở gì đâu” – ông Nguyễn trả lời, rồi nói: “Mình là con người mà, ông với tôi, đáng lẽ ở tuổi tam thập nhi lập, phải thành thân rồi. Nhưng vì cuộc chiến tương tàn do Cộng sản gây ra. Nên khi vượt thoát sang được đây, mình sống trong tình trạng dở thầy dở thợ. Nhưng, có những lúc tôi ngồi suy đi nghĩ lại, thấy mình phải tạ ơn Chúa, tạ ơn đời, cám ơn nước Mỹ đã rộng tay đón nhận những người tha hương, mất tự do như ba người mình đây. Mặc dù trong thâm tâm, đôi lúc tôi vẫn cảm thấy buồn, cái buồn man mác, khó diễn tả. Đôi khi tôi có cảm tưởng như tôi đã đánh mất một cái gì đó, không tìm lại được. Nên, nhiều lúc thấy buồn lắm”. Ông Nguyễn cao hứng, nói một hơi dài, sau khi nhấp một ngụm trà Sâm, rồi ông Nguyễn để ly nước trà xuống mặt bàn, ngồi im lặng.

- “Cớ chi mà ông phải buồn. Chuyện gì đã qua hãy để nó qua một bên, suy nghĩ vẩn vơ, không ích lợi gì mà còn sinh bịnh hoạn. Hãy vui với những gì mình đang có, hạnh phúc trong tay còn đi tìm ở đâu nữa. Nhìn vào sinh họat của các cộng đồng mình ở hải ngoại thì thấy rõ: Không phải chỉ có ông và  tôi, mà rất nhiều đồng hương mình dù đang có cuộc sống hạnh phúc, cũng gặp những khó khăn và thử thách trong đời sống hàng ngày. Nhưng, hãy lạc quan, yêu đời mà sống, mọi việc rồi cũng sẽ qua”  – Văn an ủi ông bạn già.

Nghe Văn nói xong, tôi chợt nhớ tới cái giàn mướp còn dang dở, và như để nhắc Văn, tôi nói: Hai ông đã có gia đình, ít nhiều cũng đã có kinh nghiệm sống. Còn tôi, theo gia đình qua chương trình HO với hai bàn tay trắng, chẳng có tài cán gì. Nhưng được đi học ngành nghề theo sở thích, được ngồi nói chuyện phải trái một cách tự do, không lo sợ công an, bộ đội gõ cửa ban đêm thì tôi cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Cám ơn hai ông đã cho tôi một buổi sáng cuối tuần thật đẹp bên ly cà phê thơm ngon và những câu chuyện thú vị.

Tôi đứng dậy theo Văn. Ông Nguyễn hiểu ý vừa cười vừa nói với Văn:” Đi đâu vậy, lâu lâu mới có dịp cà phê cà pháo với nhau. Nhớ vợ à? Ngồi chơi chút xíu đi đã”.

- “Thôi ngồi nói chuyện với ông cũng đã lâu rồi. Hai chúng tôi về làm cho xong cái giàn mướp, mai kia có trái tôi sẽ đem qua tặng ông bà. Cám ơn ông bà đã cho hai chúng tôi một cuối tuần vui vẻ bên ổ bánh nóng dòn, ly cà phê ngon, ly trà Sâm bổ thượng bổ hạ” -  Văn cười khi nói với ông Nguyễn mấy lời ân tình nghĩa nặng để kết thúc câu chuyện thiên hạ sự cuối tuần và buổi ăn sáng với ông Nguyễn.

Văn và tôi đi ra vườn sau nhà, chào bà xã ông Nguyễn để ra về, bà xã ông Nguyễn chỉ nhoẻn miệng cười trong khi đang cầm mấy trái chanh tươi trong tay, dưới tàn cây lá sum xuê, với các cành nặng trĩu những trái chanh màu xanh. Thấy vậy – ông Nguyễn nói:” Bà xã tôi nghễng ngãng và nói trước quên sau, bà ấy có nghe rõ đâu mà chào với chèo – Thôi hai ông về, lúc nào rảnh, thỉnh thoảng ghé tôi chơi”. Hướng về phía tôi, ông Nguyễn nói:” Lấy vợ đi, cho có đôi có lứa, sướng khổ như chúng tôi. Mời ông Văn thì nhớ mời tôi nhé. Anh nhớ đưa ông Văn về thẳng nhà, đừng đi ngang về tắt để bà ấy la cho thì khổ cả đám”. Nói xong, ông Nguyễn cười và cùng bước song song với chúng tôi ra chỗ tôi đang đậu xe ở sân trước nhà ông Nguyễn. Sau cái bắt tay thân tình, ông Nguyễn đứng chờ chúng tôi lùi xe ra đường một cách an toàn, rồi mới quay lưng, từ từ bước từng bước, đi vào nhà.

Những chiếc xe trên các làn đường xa lộ chạy tương đối chậm trong ngày cuối tuần, vì có những khúc đường bị kẹt xe. Mắt chăm chú nhìn dòng xe chạy lúc nhanh lúc chậm. Chiếc xe tôi lái đưa Văn về, có lúc chạy như con rùa đang bò từng bước trên con đường dài. Tôi chợt nhớ đến những điều mà Văn và ông bạn già của Văn nói chuyện, rồi nghĩ mông lung đến sự cô đơn của đời sống độc thân, và cái phức tạp, lo lắng, buồn phiền của đời sống gia đình. Bất giác tôi hát nho nhỏ: Que Sera, Sera? Whatever Will Be, Will Be? Biết ra sao ngày sau?.......Que Sera, Sera........

Văn ngồi lặng thinh. Nghe tôi hát xong câu cuối cùng. Văn cười, khen tôi hát hay rồi nói nhỏ: Đời là thế!.
 
Chu Kim Long

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,005
Sau vài lần vượt biên thất bại, ông anh thứ năm của tôi đến được Songkhla, Thailand. Trong lá thư gửi về, anh kể chuyến tàu của anh trải qua bao biến cố hãi hùng, cướp bóc, hải tặc, và cuối lá thư, anh nhấn mạnh, một câu mà viết cả chục lần: “Đàn bà con gái đừng bao giờ vượt biên”. Ý của anh là nhắn nhủ tôi đấy, vì chuyến đó tôi đòi đi theo nhưng ba tôi không cho vì lo cho tôi hiểm nguy nơi biển cả.
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 8 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn dương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Một ngày trước mùa lễ Giáng Sinh, mẹ tôi gọi điện thoại cho tôi. Trong đường dây điện thoại tôi nghe bà khóc. Vừa khóc bà vừa kể chuyện thằng Út bỏ học. Bà nói cả nhà chúng tôi ai cũng khuyên bảo to nhỏ với nó, nhưng nó không nghe. Nhà chỉ còn mình tôi là chưa khuyên răn nó. Mẹ tôi nói: "Con gần tuổi với nó nhất, biết đâu con khuyên răn được nó đi học trở lại." Tôi lặng người nghe mẹ kể mà không biết an ủi mẹ như thế nào. Tôi nói với mẹ cuối tuần này, anh Đức, một người bạn của tôi về thăm nhà tôi sẽ quá giang nhờ xe để thăm nhà và nói chuyện với Út để coi sao. Tôi nói bà hãy yên tâm. Tôi hy vọng rằng sẽ khuyên bảo được Út trở lại trường để học.
Mấy hôm nay trời vẫn có nắng tuy khí hậu rất lạnh. Tôi hồi hộp nhìn những bông mai vàng của Mỹ đang nở sớm, hoa hồng vẫn còn ra nhiều búp, hoa giấy mọc xum xoe tươi đỏ, hoa chuối may mắn còn một nụ đang nở. Tay run run nâng niu những đóa hoa thầm cám ơn chúng vẫn chưa tàn trong thời tiết giá đông.
Năm nào cũng thế, trước Tết tôi thường dạo vài vòng trên các con đường quanh phố Bolsa, khu thương mại của người Việt, để được hưởng sớm không khí Tết và để lòng thấy thêm yêu đời. Hình ảnh, cảnh vật Tết ngày xưa được tái hiện lại làm cho cảnh phố phường trở nên thật đặc biệt. Nhìn xem cảnh vật và mọi người chuẩn bị đón Tết, lòng tôi bỗng lâng lâng một cảm xúc rộn ràng xen lẫn với cảm giác vui sướng như khi còn ấu thơ được hưởng ba ngày Tết tại quê nhà.
Cách nay mấy tuần, tôi đến thăm một người bạn thân đang ở trong nhà dưỡng lão Elmwood House ở Quận Arlington. Cái khung cảnh ấy khiến tôi suy nghĩ về cuộc đời và thân phận tuổi già. Ra khỏi thang máy tầng lầu 2, trước mặt là một phòng rộng, bày biện mấy bộ salon, năm ba chiếc bàn vuông, bàn tròn sắp xếp gọn gàng; bên phải, bên trái là hai dãy hành lang dẫn vào các phòng ngủ – hun hút, im lìm. Năm bảy cụ quây quần trong phòng giải trí này chuyện trò, đánh cờ tướng, xoa mạt chược, chơi tứ sắc hay bài Tây. Bỗng tôi trông thấy ông Phan đang ngồi đánh cờ tướng với ông cụ cùng trạc tuổi ở chiếc bàn gần cửa. Một chút ngỡ ngàng, tôi tự hỏi: “chẳng lẽ ông ta cũng vào nhà dưỡng lão?” Hỏi thế, bởi vì ông Phan có đến bốn đứa con học hành thành đạt, đứa nào cũng có nhà cửa khang trang, tưởng chừng về già ông ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc sum vầy bên con cháu. Nhưng cuộc đời nào ai biết chắc tuơng lai?
Cái gì? Trại hè Niềm Tin 10 hả? Trời đất quỷ thần ơi, mới ngày nào còn là trại Niềm Tin 1 mà bây giờ đã trại Niềm Tin 10 rồi sao? Thời gian đi nhanh khủng khiếp. Tôi vẫn còn nhớ….
Tác giả là Registered Nurse cho Saint Joseph's Hospital, Phoenix, Arizona từ năm 1975. Hiện tại bà đã về hưu, vui thú điền viên. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015, là lời cầu nguyện của một bệnh nhân “Thượng Đế! Đừng Bắt Con Phải Chết”. Bài viết mới của tg về câu chuyện muôn thuở: "Tình".
Ông Ronnie năm mươi bảy tuổi, Mỹ đen nhưng nhỏ con cũng xêm xêm Steven, đã thế mắt lại hơi xếch, tóc nối và thắt thành cái bím dài giống hệt mấy anh thổ dân da đỏ, lại giống đuôi sam mấy anh ba Tàu. Ông Ronnie có trách nhiệm giao và nhận hàng đến đi, hổng biết sao ổng lại nhanh nhạy như những tay thám thính, hễ trong hãng có động tịnh gì là ổng biết sớm nhất, ai còn ai bị ra đi, ai lên hương, ai xuống chó, phúc lợi thế nào… Ổng biêt hết ráo và luôn mách cho Steven, dĩ nhiên là lúc nào cũng kèm theo câu căn vặn:” Im miệng đấy nhé! Tao chỉ cho mày biết thôi đấy!”
Lúc nhỏ tôi rất kỵ cái kiểu người ta hay nói “ngồi lê đôi mách”. Thường bạn bè đi đâu chơi chung, những khi đùa giỡn hay chuyện trò, tôi luôn bị rơi vào khoảng không, khó tiếp nhận niềm vui đang có mà tâm tư đi tìm điều gì xa vắng, rồi lại sống với hình ảnh khác bằng tưởng tượng, thêu dệt mây trời với hoa thơm cỏ lạ, dù bạn bè trước mắt rất dễ thương tốt bụng thường lo lắng khi thấy tôi không cười nói và buồn bã.
Nhạc sĩ Cung Tiến