Hôm nay,  

Hãy Tha Thứ Cho Con

19/06/202311:48:00(Xem: 3638)
heike-mintel-Os2WMpNWpfM-unsplash
Hình của Heike Mintel từ Unsplash

 

 

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả nhân mùa lễ Father’s Day.

 

***

 

Nuôi con mới biết lòng cha mẹ.

Tôi đã không hề biết Bố tôi mù chữ, cho tới khi tôi học lớp bốn. Đó là buổi chiều ngày thứ Sáu, ngày lãnh lương mỗi tuần.

Bình thường sau khi tan sở (lúc đó ngân hàng đã đóng cửa), Bố ghé tiệm tạp hóa gần nhà, để đổi cái check ra tiền mặt vì Bố cần tiền ngay, nên không thể chờ qua sáng thứ Bảy đi tới ngân hàng.Thứ Bẩy Bố có vô số việc phải làm để kiếm thêm tiền chợ cho mẹ. Bố rất nhanh trí & khéo tay, việc gì Bố cũng mày mò làm được. Cuối tuần là ngày Bố rất bận,không sửa xe cho người quen, thì cũng cắt cỏ trồng cây ngoài vườn cho mẹ.

Bố là thợ sửa xe rất giỏi, vậy mà  không hề biết chữ, dù là tiếng Việt, nói chi đến tiếng Anh.

Bình thường, ghé đổi check xong, Bố mới về nhà tắm rửa. Hôm đó không hiểu sao, Bố lại về nhà tắm rửa, thay quần áo, rồi tự dưng bảo tôi đi theo, cho ra phố ăn cà rem. Tôi thích chí vỗ tay, chạy vào khoe với mẹ. Mẹ cũng cười, trách yêu:
-        Sắp tới giờ cơm rồi, mà còn đi ăn kem. Bố con đi mau mau rồi về.

Bố cười hì hì:
-         Cây kem nhỏ xíu mà.

Tôi mừng quá, leo lên ngồi chễm chệ phía trước, cạnh ngay chỗ tài xế. Đây là chỗ của mẹ! Mỗi khi theo Bố mẹ đi chợ, tôi phải ngồi phía sau.

Ra khỏi nhà chút xíu là tới tiệm tạp hóa, Bố bảo cứ ngồi trong xe, Bố ra ngay. Nhưng tôi đang thích chí, nhõng nhẽo đòi đi theo.

Vừa thấy ông chủ tiệm, là Bố tuôn ra một tràng tiếng Việt, rồi khoe luôn cô con gái cưng. Chắc hai ông thân thiết nhau lắm, vì thấy cách nói chuyện của hai người. Tôi tò tò theo Bố tới bàn của cô thu ngân, cô dùng ngón trỏ chỉ chỗ ký tên đàng sau tấm check. Bố cầm cây bút gạch chéo chữ X, tôi hơi ngạc nhiên, vì Bố tên là Trần Sâm mà, nhưng đang háo hức được ăn kem, nên cũng không thắc mắc.

Tôi quên bẵng chuyện Bố gạch chữ X vào tờ check, cho tới một hôm lúc Bố đi làm, tôi chợt nhớ ra, và hỏi mẹ:

-        Bố tên Trần Sâm, mà sao viết chữ X?

Mẹ tôi buồn rầu nói Bố không được đi học, nên không biết chữ, dù là tiếng Việt. Không phải chữ X đâu, gọi là "đánh chữ thập", dành cho những người không biết chữ.

Không biết chữ?

Trẻ con thật là ngây thơ, cứ tưởng cứ biết đi, biết nói là cũng biết viết.

Sau này khi lớn lên, tôi mới biết cuộc đời Bố cơ cực như thế nào. Ông bà nội có 11 người con, mà Bố là con Cả. Quê Bố ở Duyên Hải, một làng chài nghèo nhỏ bé ở phía Nam, ở đó hầu như nhà nào cũng sinh sống bằng nghề chài lưới. Vì nhà đông miệng ăn, nên Bố phải đi theo phụ với ông nội lưới cá từ khi mới 10 tuổi.

Làng quê nghèo không có trường học (nếu có rất xa). Thời gian cứ dần trôi lo chuyện cơm áo, Bố lớn lúc nào không hay. Các em của Bố cũng không được đi học nhiều, trong số đó có người bị khờ (thiểu năng), không làm gì được, chỉ ngồi ở xó nhà, ngơ ngơ ngác ngác.

Như định mệnh an bài, một buổi tối lang thang ngoài bờ biển, Bố thấy thấp thoáng nhiều bóng người, chạy lại gần, thì ra một nhóm người đang tính vượt biên. Họ nhờ Bố khiêng thùng dầu chôn dưới lùm cây ra cái ghe gần đó. Khiêng ra tới nơi, sợ bị lộ, họ ép Bố đi luôn.

Thế là Bố vượt biên tình cờ, dù nhà rất nghèo, chạy ăn từng bữa.

Bố mẹ gặp nhau trên đất Mỹ, khi cả hai cùng bán hàng "chạy" trên lề đường ở phố New York. Gọi là hàng chạy, vì toàn đồ giả. Mặt hàng là đồng hồ, túi xách nhái những nhãn hiệu nổi tiếng, để bán cho khách đi đường.

Hàng bán cho khách vãng lai, bày trên những tấm bạt nylon đặt ở vỉa hè, hễ thấy cảnh sát, là túm tấm bạt chạy qua phía khác, rồi len lỏi biến mất vào những ngõ hẻm khu dân cư. Cứ thế dân hàng chạy & cảnh sát chơi trò cút bắt rượt đuổi mỗi ngày.

Sau một thời gian quen biết, mỏi mệt chuyện bán hàng chạy, muốn gây dựng gia đình, Bố mẹ từ giã lề đường NY, dọn qua NJ.

Bố xin vô phụ việc trong một tiệm sửa xe có chủ người Việt. Dù không được đến trường, nhưng Bố sáng dạ, học nghề rất nhanh. Bởi vậy khi người chủ phải đóng cửa vì bạo bệnh, Bố xin được vô làm ở dealer Mỹ hẳn hoi, dù chẳng có mảnh bằng nào lận lưng.

Hình như do mặc cảm, hễ cầm bút là thấy Bố có vẻ ngượng ngập, lóng ngóng chứ cầm búa, mỏ lết thì ôi thôi, không ai "ăn"  được Bố đâu, khách hàng nào cũng muốn đưa xe cho Bố, một người rất tận tâm chịu khó.

Việc gì Bố làm, ai cũng tấm tắc khen. Trong mắt tôi, Bố thật tuyệt vời.


Vậy mà bố không biết chữ!

Lúc còn nhỏ, tôi không hề biết rằng, những chuyện do bản năng như đi đứng nằm ngồi thì không cần phải học. Còn lại không học thì không biết, bằng chứng khi học lớp hai, tôi đã biết đạp xe vù vù, trong khi nhiều bạn trong lớp cho tới lớp năm, vẫn chưa biết đạp xe.

Lớn lên ở vùng sông nước, Bố cũng tập cho tôi bơi như con rái cá khi còn rất nhỏ, nên trong mắt các bạn, Bố thật cừ khôi.

Từ khi biết Bố mù chữ, tôi không còn cười toe toét mỗi khi nghe các bạn khen bố nữa. Có một cái gì "lấn cấn" mà tôi không nói được: bực bội, mặc cảm, giận dỗi!

Bây giờ tôi rất ngại ngùng, khi đi cùng Bố đến những nơi hội họp đông người, nhất là khi có mặt Bố mẹ của các bạn trong lớp. Bố của bạn này là Bác Sĩ, mẹ của bạn kia là cô giáo. 

Bố không biết chữ, nhưng mẹ học xong trung học ở quê nhà. Trước khi sinh tôi, mẹ có học ESL buổi tối ở một trường tiểu học gần nhà. Nhờ vậy mọi sinh hoạt trong gia đình không bị xáo trộn. Trong nhà mẹ giữ phần chợ búa cơm nước, trả lời thư tín, hay viết check trả các hóa đơn, mọi thứ còn lại Bố làm hết.

Mọi người trong khu phố ai cũng gọi nhà tôi là "túp lều lý tưởng", vì có tất cả mọi tiện nghi cần thiết cho người lớn lẫn trẻ con đến vui chơi mà không phải đi xa.

Cầu tuột, xích đu, nhà chòi trên cây, võng nhẩy ngoài vườn.

Bố còn làm một cái bếp nhỏ cho mẹ ở góc vườn, gần bên có "khu thủy tạ"  cho người lớn ngồi uống cà phê, trò chuyện. Ở đó có một mái lá hình bát giác, có hòn non bộ, có hồ cá Koi, và vô số các bụi hoa hồng thơm ngát.

Một nơi lý tưởng cho mọi người gặp gỡ vui đùa, mỗi khi có ngày nghỉ. Không ai có thể kiếm được cặp vợ chồng nào hiếu khách như Bố mẹ tôi: chồng vui vẻ, hoạt bát, khéo tay, vợ nhỏ nhẹ, dịu dàng, biết nấu đủ thứ món ăn.

Còn hạnh phúc nào hơn, mà sao tôi cứ thấy lấn cấn trong lòng. Tôi còn muốn gì hơn, khi tôi cũng thừa hưởng gene di truyền từ Bố, trong lớp tôi là học sinh xuất sắc... nhưng kiêu ngạo.

Khi tôi biết mình quá kiêu căng, hỗn láo với Bố thì đã muộn rồi. Nỗi ăn năn hối hận cứ dày vò tôi mỗi ngày khi nhớ lại những gì tôi đã làm.

Tôi nhớ mãi, một bữa kia Bố nói với mẹ, Bố cần phải tập ký chữ Trần Sâm, chứ không được đánh dấu thập nữa. Nhiều nơi làm giấy tờ không chấp nhận chuyện này.

Không biết mẹ đã kèm cho Bố bao lâu, nhưng một hôm khi đi học về thấy Bố đang ngồi học. Trước mặt là bảng chữ cái, và nghe Bố phát âm: a, b, c…

Tôi cau mày: what?

Thật sự ra tôi chỉ biết nói tiếng Việt, chứ không biết đọc tiếng Việt. Bởi vậy tôi không hề biết Bố đang phát âm các mẫu tự theo tiếng Việt. Nhưng vốn kiêu ngạo (và hỗn láo), tôi chỉ nói trống không: What?

Tôi đi lại chỗ Bố, cũng nói trống không (chẳng thưa gởi gì cả): ê, bi, xi…no a bê cê.

Mẹ tôi lí nhí: Mẹ chỉ Bố đọc theo tiếng Việt.

Tôi bỗng dưng nổi giận: For what?

Rồi tuôn ra một tràng:

He needs to study English not Vietnamese. This is America.

Mẹ tôi phân bua: Bố cần tiếng Việt hơn tiếng Anh, để đọc được sách báo tiếng Việt, và hát karaoke những bài ca tiếng Việt.

Tôi gào lên:He needs to know English.

Rồi bật khóc nức nở, khi nhớ lại, hôm Bố vào văn phòng Nha Sĩ, cô thư ký hỏi DOB (dĩ nhiên bằng tiếng Anh đi ô bi). Bố bối rối ngoái đầu ra phía cửa (cầu cứu), vì hôm đó có tôi đi theo. Thấy Bố không hiểu câu hỏi, cô thư ký chỉ vào tờ lịch rồi hát happy birthday to you. Bài hát quá phổ biến hầu như ai cũng biết. Giờ thì Bố đã hiểu, Bố không biết chữ, nhưng biết chút ít về số. Tôi bước vào văn phòng khi cô thư ký còn đang vỗ tay hát bài ca sinh nhật.

Xấu hổ thành giận dữ, tôi giật tờ giấy trong tay Bố, điền một mạch các chi tiết rồi đưa lại cho cô thư ký. Mặt tôi hầm hầm, môi mím lại, cầm tờ giấy hẹn từ cô thư ký, tôi bước thẳng ra ngoài.

Thấy tôi nổi giận, bố cũng buồn hiu lặng lẽ đi theo.

Bố nào muốn mình mù chữ, không được đi học đâu phải là cái tội. Bố có làm gì sai trái trong quá khứ, để bây giờ tôi phải xấu hổ. Phải chi Bố giết người cướp của, hay lừa gạt ai đó, đằng này Bố là người lương thiện, một đứa con ngoan, một người anh tận tụy, hết lòng lo cho các em. Bằng cớ là từ khi qua được xứ Mỹ, ông nội thảnh thơi lúc tuổi già nhờ những thùng quà Bố gửi về giúp gia đình. Các cô chú cũng có công ăn việc làm ổn định hơn lúc trước.

Dù nghèo & dốt, chưa bao giờ Bố làm gì sai trái. Ở nơi làm, ông Chủ người Ý rất giàu, có vài cái dealer vừa sửa vừa bán xe. Các bạn làm chung nhiều người có bằng đại học mà sao ai cũng yêu quý Bố. Đâu có ai khinh rẻ, coi thường chỉ vì Bố mù chữ.

Giẻ rách cũng đỡ lấm tay! Huống chi một con người năng nổ, lúc nào cũng vui vẻ tươi cười hòa đồng với mọi người.

Nhân cách tạo ra phẩm chất con người. Khi tôi biết điều này thì đã muộn, chỉ vì kiêu ngạo tôi đã bao lần buông chữ "stupid" khi chỉ cho Bố dùng những thiết bị điện tử của thời new technology.
Trăm hay không bằng tay quen.

 

Người phát minh ra cái smart phone, cái tablet không vênh váo, kẻ thừa hưởng những công trình sáng tạo lại "lên mặt" với đời.

Phật bảo rằng: Bất hiếu là tội lớn nhất của kiếp người.

Hoa hậu Thái Lan sau khi đoạt vương miện, đã trở về quê nhà, quỳ lạy cha là một người sống bằng nghề quét rác. Cô quỳ lạy cha ngay trên đường phố để tạ ơn người đã cho cô ánh hào quang của ngày hôm nay.

Còn tôi?  Dù công việc Bố làm, thỉnh thoảng cũng có trở ngại chút đỉnh vì Bố không biết đọc (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh), nhưng nhờ lăn lóc lề đường NY, Bố nói tiếng Anh rào rào. Dĩ nhiên là "tiếng bồi", chẳng đúng câu cú văn phạm, nhưng người nghe vẫn hiểu.

Bố không giàu, nhưng vẫn có một mái nhà êm ấm, còn hơn biết bao kẻ vô gia cư. Việc Bố không biết chữ đâu làm tôi thiếu thốn cái gì, nếu không muốn nói tôi còn may mắn hơn biết bao bạn có Bố & mẹ đều là trí thức. Bố là "ma men", mẹ mê cờ bạc, đến nỗi gia đình tan nát, bố mẹ chia tay.

Tôi là kẻ vong ơn, chính cái mặc cảm vô minh mù quáng đã làm tôi dần dần rời xa Bố. Tôi lên đại học, chọn trường xa nhà và mắc tiền. Tự ý điền đơn, Bố mẹ chỉ biết trả tiền học mỗi tháng, chứ không hề biết rằng nếu học trường công của chính phủ, trong tiểu bang, tiền học sẽ ít hơn. Tôi là đứa vênh váo, ngạo mạn, tôi đã cố tình lừa dối cha mẹ để thoả mãn lòng kiêu hãnh. Chẳng cần biết Bố mẹ phải làm sao để trang trải cho tôi tiền học, tôi cần danh tiếng của ngôi trường đào tạo. Cho tới khi học xong, tôi mới biết, nhờ người giải thích Bố bằng lòng trả hết tiền học, dù trường cho phép, tôi được quyền mượn nợ. Vì tôi đã trên 18 tuổi, số tiền này tôi sẽ trả dần khi học xong.

Bố mẹ đã dùng tất cả số tiền để dành trong quỹ tiết kiệm để trả cả tiền học, lẫn tiền ở cho tôi trong suốt 5 năm đại học.

Gặp tôi trong ngôi trường danh tiếng đắt tiền, người yêu tôi không bao giờ biết Bố tôi chỉ là ông thợ sửa xe, mù chữ. Tôi giấu biệt tông tích gia đình, bởi vì người yêu tôi xuất thân từ một gia đình khoa bảng, giàu có.

Ngày tháng dần trôi, tôi lập gia đình rồi có con, nhưng cũng ít khi về thăm Bố mẹ. Chính tôi đã tạo ra sự ngăn cách này, nhất là khi biết Bố mù chữ, biết Bố có một người em khờ, biết nhà ông bà nội là một căn nhà rách nát ở làng chài nghèo Duyên Hải.

Tôi không ngờ, giấu tông tích cha mẹ ruột là một điều sai lầm. Trong cuốn phim nổi tiếng "Imitation of life", tiếng Việt dịch là: Ảo ảnh cuộc đời. Cô con gái khóc nức nở đi sau chiếc xe tang, đưa mẹ về lòng đất. Cô là giọt máu của bà người làm da đen, với ông chủ da trắng. Nhưng cô sinh ra da không đen, nên nhiều người tưởng cô là dân da trắng. Chính cái tát của người bạn trai khi biết mẹ cô gốc là người đen nô lệ, đã khiến mẹ cô phải tránh mặt, lui về một nơi thật xa, để  cô không còn mặc cảm có bà mẹ da đen. Thời đó kỳ thị vẫn còn nhan nhản khắp nơi trên đường phố. Người ta coi như đó là ưu quyền của màu da, thứ mà khi sinh ra không ai có quyền chọn lựa.

Chúng ta sinh ra được làm người đã là người may mắn. Nhưng lại muốn xinh đẹp, giỏi giang, giàu có, chứ không muốn nghèo hèn, tật nguyền hay ngu dốt.

Chính con người có trí óc khác loài thú, nhưng con người đã (tự mình) tạo ra nhiều vật cản: kỳ thị. Chỉ có con người mới kỳ thị, thú vật không biết kỳ thị. Mèo giết chuột, cọp rình mồi đó là bản năng, tạo hóa sinh ra (bắt) chúng như thế.

Nhưng con người đã tạo ra biết bao hệ lụy, do chính sự suy nghĩ sai trái khi đối xử với mọi người trong cộng đồng xã hội.

Tôi cũng vậy, không ai khinh rẻ Bố mẹ ít học. Chính tôi đã tạo ra hố ngăn cách, chính tôi là kẻ vong ơn gây nhiều buồn khổ cho Bố.

Khi tôi bừng tỉnh thì Bố tôi đã không còn trên cõi đời này. Tôi gục đầu bên áo quan, nhìn khuôn mặt hiền từ của Bố mà nước mắt như mưa.

Hãy tha thứ cho con. Bố ơi! Chính cái kiêu ngạo vô minh đã làm con mù quáng, con đã không trả ơn dưỡng dục sinh thành, mà còn gây buồn khổ cho Bố mẹ.

Tất cả những gì con có được ngày hôm nay đều nhờ công lao khó nhọc của Bố mẹ.

Lương tâm con dằn vặt, xốn xang mỗi khi thấy người ta hạnh phúc khi có cha bên cạnh vào ngày Father's Day.

Con có một người cha đáng kính, đã dạy cho con biết bao bài học về nhân cách, dù không một ngày đến trường. Còn con thành công rực rỡ ngoài đời, nhưng lại là đứa con vong ơn, bất hiếu. Hòa nhã, lịch sự với người đời để nghe người ta khen là người có học.

Không, ngàn đời không. Mảnh bằng, địa vị cao trong xã hội vẫn không tạo ra nhân cách con người.

Hãy tha thứ cho con. Bố ơi!

Con gái thân yêu của Bố. Khi con đã nhận ra lỗi lầm, cũng là lúc lương tâm con đã sống lại. Bố không bao giờ oán hận con mình.

Nếu con muốn chuộc lại lỗi lầm, hãy chăm lo cho mẹ trong những ngày còn lại của cuộc đời.

Hãy đối xử tốt với cha mẹ chồng, và đừng khinh rẻ người ít học, chỉ vì họ kém may mắn hơn ta.

Trên hết tất cả, con hãy chăm lo dạy dỗ các con của con, để truyền thống gia đình luôn luôn tốt đẹp. Đó là điều mong mỏi của Bố.

Nay con đã nhận ra lỗi lầm, đó là điều đáng khen. Con gái thân yêu của Bố.

Bố đã tha thứ cho con.

Tôi choàng tỉnh & chợt thấy mặt đầm đìa nước mắt. Tôi đã gặp và khóc nức nở xin lỗi Bố trong giấc mơ. Bố đã ôm chặt tôi như những ngày thơ dại, rồi hôn tôi trên trán: Bố rất hãnh diện có cô con gái là Bác Sĩ nổi tiếng, làm việc ở ngay chỗ mình sinh sống.

Con tạ ơn bố. Muôn đời nhớ ơn Bố.

Ngày mai là ngày Father's Day, các cháu sẽ ghé thăm ông ngoại.

Con gái của Bố.

 

Lại thị Mơ

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
24/07/202317:13:43
Khách
Nam mô a di đà Phật. Tôi cũng có tội này.
23/06/202314:26:31
Khách
Nhiều bậc cha mẹ qua đây bị trở ngại về English nên thường bị các con coi thường, hỗn hào nhất là lại mù chữ nữa.
"Bất hiếu là tội lớn nhất của kiếp người".
21/06/202315:37:14
Khách
Một trong những bài viết hay của cây bút Lại Thị Mơ mà tôi thường thích đọc.

Trước 75, ở Miền Nam, nhiều nhà văn, nhạc sĩ, và ngay cả các tướng lãnh, chính trị gia chỉ có bằng Trung học đệ nhất cấp( học đến lớp đệ Tứ hay lớp 9) hay thấp hơn thời Pháp thuộc, thế nhưng lại giỏi còn hơn cả những người thuộc thế hệ về sau có bằng đại học.
20/06/202300:04:00
Khách
Bài viết hay quá.

Nói chung thì không ít người ở vào trường hợp đã đối xử không được tốt với người thân hoặc quen biết, mãi đến khi họ khuất bóng, không còn trên dương thế nữa, thì mới tỉnh ngộ nhưng đã quá muộn, không còn có cơ hội để bù trừ những lỗi lầm mình đã phạm trong quá khứ với người đã quá cố.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 471,594
15/12/202300:00:00
Hễ nhắc đến bao sự khó khăn của thủa ban đầu lập lại cuộc đời trên miền đất mới, nhiều người thường ví von, chẳng hạn họ như bắt đầu bằng con số không to tướng hoặc với hai bàn tay trắng. Riêng tôi chẳng những hơn họ hẳn tới ba con số không, lại thêm con số năm to tướng đứng đằng trước. Nghĩa là tôi bắt đầu cuộc sống trên đất Mỹ với món nợ trên năm ngàn đô la. Bởi tôi phải ký giấy nợ tiền vé máy bay đưa ba người trong gia đình nhỏ bé của tôi từ bên trại tị nạn Mã Lai đi định cư, cộng với mọi chi phí nhà thương lúc sinh đứa con trai thứ hai, sau đúng bốn ngày đến Mỹ. Vì chúng tôi đã rời Worthington, một thành phố nhỏ nằm phía cực Nam bang Minnesota, nơi tôi được bảo trợ vào nước Mỹ, để dọn về San Diego, nên không thể xin chính quyền duyệt xét lại được. Tuy nhận lãnh tới hai món nợ quá lớn, tôi lại cảm thấy nhẹ tênh, bởi chỉ phải trả góp tổng cộng hai mươi đô la một tháng. Giống như cắt bớt đi một phần nhỏ số tiền chính phủ trợ cấp cho gia đình tôi sinh sống.
11/12/202300:00:00
Năm 2023 là năm mà chương trình Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo California của anh chị Trần Dạ Từ-Nhã Ca chủ trương bước vào năm thứ 23. Với cá nhân tôi, đây là thời điểm đáng ghi nhớ vì tôi đã nhận được giải thưởng danh dự trong buổi lễ phát giải rất trang trọng và thân tình tổ chức ở studio đài truyền hình SBTN, thành phố Garden Grove quận Cam vào ngày 26/11/2023 vừa qua. Sự kiện này nhắc tôi nhớ lại những ngày tháng xa lắc xa lơ cách đây hơn nửa thế kỷ, tưởng đâu đã vĩnh viễn ngủ yên trong ký ức, không ngờ giờ đây nó sống lại. Đó là những bước đầu chập chững viết văn và dự thi viết văn, giống như trường hợp tham gia vào cuộc thi Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên cho tới bây giờ.
08/12/202300:00:00
Sáng sớm hôm nay, tôi nhận message của OCTA (Orange County Transportation Authority) thông báo hôm nay nhân viên làm việc trong phần hành bảo trì các xe bus nói chung đình công. Hai tuần trước thì nhóm tài xế đình công mấy ngày, nhưng được giải quyết nhanh chóng. Lần này nhóm bảo trì đình công, chưa biết khi nào xong, nhưng phải thứ Hai tuần tới, tức một ngày trước ngày bầu cử, mới có thể giải quyết được. Thế là vợ nhìn chồng khi đang đút cháu Bồ Câu ăn sáng, chồng nhìn vợ, cháu Bồ Câu ư e khen món ăn của mẹ. Vợ lên tiếng trước “Anh nè, mấy khi Bồ Câu được khỏi đi học, thôi 3 đứa mình rủ nhau ra biển chơi”
04/12/202310:05:00
Mặt trời sắp lặn ở phía Tây sau dãy núi xa xa, những tia nắng mặt trời ửng lên như những sợi tơ trời màu hồng cam, từng sợi một hắt lên bầu trời một gam sắc màu huy hoàng thật đẹp, lay động tâm hồn người khách phương xa đang ngơ ngẩn nhìn. Năm nay tôi lại lái xe từ Arizona qua miền Nam California để tham dự lễ Phát Giải thưởng VVNM năm thứ 23. Hai năm trước, tôi được vinh dự là người lên lãnh giải thưởng cuối cùng, đồng nghĩa với giải thưởng cao quý nhất của buổi lễ truyền thống tốt đẹp do Việt Báo tổ chức mỗi 2 năm tại miền nam tiểu bang California. Năm nay tôi lại gặp gỡ những khuôn mặt các tác giả thân quen và biết thêm nhiều tác giả mới. Nhiều cảm xúc vui mừng pha lẫn háo hức của người tham dự khi sắp biết ai sẽ là các tác giả trúng giải thưởng cao quý của chương trình này.
02/12/202322:15:00
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải vinh danh tác giả 2023. | .Suốt tuần nay loay hoay sửa soạn hành lý cho buổi họp mặt dưới Santa Ana. Lòng buồn vui lẫn lộn, có lúc ngồi sững sờ nhìn ra cửa nghĩ ngợi mông lung ... Chúng ta ai cũng có ký ức về tuổi thơ. Nhớ thuở lên bảy được cha dẫn đến trường buổi đầu tiên, thuộc lòng đoạn viết của nhà văn Thanh Tịnh “Tôi Đi Học”.
30/11/202313:49:00
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023. Về đến nhà sau chuyến bay sang Cali nhận giải Vinh Danh Tác Giả VVNM 2023 chủ nhật qua, tác giả gửi bài "cảm tưởng" mới viết.
29/11/202312:02:00
Vào trưa ngày Chủ Nhật 26/11/2023, tại hội trường đài truyền hình SBTN, buổi lễ phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ (VVNM) năm thứ 23 đã diễn ra trong không khí trang trọng nhưng vẫn ấm áp tình thân truyền thống, giữa những người yêu đất nước, con người, ngôn ngữ và nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại. Buổi lễ có sự tham dự của khoảng 200 khách mời với toàn bộ chương trình được truyền hình LIVE trên Youtube SBTN, Việt Báo online và Facebook Việt Báo để các tác giả và độc giả VVNM khắp nơi cùng xem trực tiếp. Đến với buổi lễ có đông đảo những tác giả tham gia gởi bài, các tác giả thắng giải trong năm nay cũng như nhiều năm trước, từ khắp nơi trên đất Mỹ về hội tụ.
24/11/202300:00:00
Xin nhắn với những ai được người bảo trợ đứng ra làm hồ sơ bảo lãnh đến Hoa Kỳ, đừng bao giờ nghĩ rằng người bảo trợ sẽ được giảm thuế, được hưởng nhiều quyền lợi của chính phủ khi đứng ra bảo trợ mình. Do đó, xảy ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc, đưa đến oán hận người bảo trợ và không còn nhìn mặt nhau
21/11/202318:34:00
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021. Đây là bài viết mới mùa Thanksgiving trước khi tác giả cùng các tác giả từ khắp nơi bay sang Cali lãnh giải VVNM vào Chủ Nhật tuần này. Hẹn gặp!
17/11/202300:00:00
Trước khi lập gia đình, tôi thường hay nghe người đời ba điều bốn chuyện về chuyện vợ chồng. Nào là cuộc hôn nhân giữa hai người là duyên số do ông trời đã sắp đặt từ kiếp trước, vì vậy ở kiếp này phải có duyên nợ với nhau thì họ mới gặp lại và lấy nhau. Thế gian còn nói là duyên phận của một người tốt hay xấu còn tùy thuộc vào kiếp trước người đó có gieo nhân lành hoặc tạo nghiệp dữ hay không nữa. Do đó ở kiếp này người ấy sẽ có một cuộc sống hạnh phúc vì gặp được người vừa ý hay phải chịu đựng sự đau khổ vì bị lận đận về tình duyên.