Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Ông Ngoại Của Na

22/06/201600:00:00(Xem: 10030)

Tác Giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 3850-17-30350-vb4062216

Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003. Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm. Bài viết mới của tác giả được viết nhân Ngày Quân Lực VNCH 19 Tháng Sáu.

* * *

1.

Ông tôi hỏi:

“Ai đây?”

“Dạ, con là con Na”

“Na nào?”

Tôi hơi khựng lại. Mặc dù tôi đã nghe ba má nói về bệnh tình của ông lâu nay, nhưng hầu như không nghĩ ra là ông sẽ không nhận ra tôi.

Má nói nhỏ:

“ Đã hai năm con ạ!”

Vâng, đã hai năm kể từ cái ngày ông tôi té ngã. Khi chúng tôi về quây quần bên ông, ông còn chưa tỉnh. Rồi chúng tôi lại phải trở về nhà để đi học, mỗi gia đình đi một nẻo. Chỉ có má tôi ở lại vài ngày nữa và được thấy lúc ông mở mắt.

Tôi bước tới, nắm lấy đôi bàn tay của ông. Đôi bàn tay ốm yếu, xương xẩu.Và gương mặt của ông, trông như người mới ốm dậy. Mà thật, từ đó tới nay, ông có khỏe đâu! Ấy là tôi chỉ nghe má tôi nói lại sau những lần má qua thăm ông, phụ với nhà cậu chăm sóc ông.

Tôi nói nhỏ:

“Con là con Na, cháu ngoại của ông. Ông nhớ bé Na không ông?”

Ông hấp háy đôi mắt, sau vài giây ông lắc đầu, ngập ngừng nói:

“Không… không biết… bé Na… nào hết.”

Tôi đưa mắt nhìn má. Má mỉm cười như an ủi tôi. Tôi biết là ông cháu tôi phải đi lại từ đầu.

Cái khởi đầu của chúng tôi không khó. Chỉ như chúng ta bắt đầu làm quen với một người bạn mới. Vậy thì phải giới thiệu. Với tôi thì dễ quá, chẳng qua là vì tôi đi nhiều và có nhiều bạn.

“Thưa ông, con là bé Na, cháu ngoại của ông. Con hai mươi tuổi. Con không sống gần ông, vì thời gian qua con đi làm volunteer ở xa lắm. Nhà con ở bên Cali. Kỳ này con được nghỉ, má cho con về đây thăm ông. Lâu lắm rồi, hai năm, con không gặp ông…”

Ông không lộ vẻ cảm động dù tôi thấy mình nghẹn lời. Tôi không phải là con bé “mít ướt” đâu, nhưng tôi muốn khóc quá vì thấy ông không giống ông của tôi lúc còn khỏe mạnh. Thấy ông im lặng, tôi giục:

“Ông giới thiệu về ông đi ông!”

Như ngầm hiểu trò chơi bắt đầu, ông nói:

“Giới thiệu hả? Ừ thì giới thiệu. Ông là ông nội của thằng Tí…”

Tôi nhắc:

“Ông còn là ông ngoại của bé Na nữa ông ơi!”

Ông gật đầu thích thú:

“Ừ thì là … ông ngoại của bé Na.”

“Ông nói tiếp đi ông!”

“Nói gì nữa? À, ông bị bệnh, bệnh gì nhỉ? Bệnh… “stroke” đó, bé Na!”

“Dạ con biết. Nhưng ông đã hết bệnh rồi.”

“Còn, còn đó! Ông không làm việc nhiều được. Ông không đi được. Ông hay quên…”

“Dạ con biết. Nhưng ông sẽ khỏe, ông phải khỏe, nghen ông!”

“Ông xin lỗi con, ông … không nhớ con là đứa nào. Cháu của ông… nhiều lắm. Ông không nhớ hết.”

Tôi mừng khi thấy ông chịu nói nhiều.

“Ông ơi, không sao cả. Ông không nhớ con cũng được. Ông coi như mới gặp con hôm nay. Bắt đầu tất cả nghen ông!”

“Bắt đầu? Ừ thì bắt đầu. Hay đó! Ông không phải moi cái đầu, nhức đầu.”

Tôi phì cười. Ông cười theo. Xem ra trò chơi được bắt đầu êm xuôi.

2.

Khi ông chịu nói nhiều, tôi trở thành người ít nói. Tôi tự nhắc mình phải lắng nghe. Nghe là chính. Tôi muốn ông nói, bởi vì giọng của ông hay bị ngắt quãng, không phải vì ông mệt, mà vì ông cố tìm những từ ngữ. Tôi đọc được đâu đó, rằng nếu chúng ta có khó khăn về cái gì, chúng ta lại nên cố gắng làm cái ấy. Tôi chỉ thỉnh thoảng nói dặm vào để giúp ông khi ông tìm mãi không ra chữ. Hoặc như khi ông nói:

“Đưa cho ông cái… điện thoại để ông đi vào phòng tắm.”

Thì tôi phải nhắc ông:

“Ông ơi, có phải ông muốn nói cái walker không?”

Ông cười bẽn lẽn:

“Ừ, cái… cái… walker. Ông cứ… quên hoài.”

Và như để phân trần, ông nói:

“Hai năm qua ông đã khá rồi, bé Na! Nhưng sao chữ “wal…ker”… cứ mãi… ông không nhớ. Ông thấy chữ “cái điện thoại” dễ nhớ hơn.”

Tôi phì cười, tạm thời chịu thua ông. Có lẽ cái gì in vào đầu nhiều nhất thì ông sẽ thấy dễ nhớ nhất.

Cái walker, tôi thấy cứ nói y như tiếng Anh cũng được, khỏi cần dịch ra. Vì nó cũng trở thành một tiếng khá thông dụng, đặc biệt đối với những gia đình có người già, người bệnh. Chẳng lẽ nói đó là cái xe tập đi? Nó khác nhiều so với xe tập đi của em bé. Nhưng nói đến công dụng thì chắc chẳng khác bao nhiêu. Chỉ khác một điều… đó là chiếc xe tập đi dành cho người lớn.

Tôi được ở chơi với ông cho đến hết tuần. Thật là rỗi rảnh để được ngồi bên ông trò chuyện. Hôm nay tôi được bà ngoại đưa cho một quyển album. Bà bảo thỉnh thoảng ông đòi xem hình. Như vậy là tôi có chuyện để hỏi ông rồi.

Tôi giở quyển album. Tôi đoán ngày xưa do thiếu thốn phương tiện nên hình ảnh cũng ít. Chỉ có vài tấm ảnh đen trắng của ông lúc còn nhỏ, tôi đoán vậy. Và đúng thế. Ông vui mừng khi thấy quyển hình. Ông giành lật những trang đầu tiên, và ông giới thiệu với tôi:

“Đây là… nhà của ông. Đây là… cha mẹ của ông. Đây là… anh chị của ông.”

Ồ, ông nhớ! Tôi mừng lắm. Bà ngoại nói khi ông nhìn thấy hình thì ông nhớ, đặc biệt là chuyện càng xưa ông càng nhớ rõ. Thế là tôi được phiêu lưu vào thế giới của ông. Tôi nghe ông kể như người kể chuyện cổ tích.

“Đây là hình của ông lúc còn đi học. Bé Na biết không, hồi đó, xưa lắm đó, chụp hình khó khăn lắm. Muốn chụp hình cho đẹp phải vào tiệm, ông phó nhòm trùm cái đầu ổng lại cùng với cái máy chụp hình để trên giá cao nghệu. Chụp xong một tấm hình là phải vứt bỏ một cái bóng đèn. Chụp ngoài trời cũng khó khăn, mấy ai có máy chụp hình đâu! Rồi, còn đây là hình lúc ông học Y khoa…”

Tôi la lên:

“Ông học Y khoa hở ông? Rồi ông có làm bác sĩ không ông?”

“Không, ông học Y khoa có một năm, rồi ông đi lính.”

“Sao vậy ông? Ông không thích làm bác sĩ hở?”

“Ông thích chứ! Nhưng ông muốn đi lính. Vậy là ông bỏ Sài Gòn, về Đà Lạt để thi vào trường Võ Bị.”


“Tên trường hay ha ông!”

“Hay lắm! Nhưng ông bị ông cố giận không ngó mặt ông. Sau rồi ông cố cũng chịu thua.”

Tôi phì cười:

“Ông cố thương ông, tôn trọng ý muốn của ông ha!”

“Ừ. Đây là Trường Võ Bị Đà Lạt của ông. Trông đẹp không bé Na?”

Với tôi thì không có cảm nghĩ gì về ngôi trường của ông cả, nhưng tôi nói cho ông vui:

“Dạ đẹp lắm. Ồ, đây là hình của ông hở ông? Ông mặc đồ lính oai và đẹp quá!”

Ông cười khoái chí:

“Đồng phục của sinh viên sĩ quan Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đó!”

Tôi chưa từng thấy ông nói lưu loát thế này bao giờ. Ông như không còn đau ốm. Ông như trẻ lại mấy mươi năm.

“Đây là hình ảnh trường của ông. Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Bé Na thấy hàng chữ “Tự Thắng Để Chỉ Huy” không? Câu này ai cũng ghi nhớ và thực hành đúng như vậy.”

“Hay quá! Phải tự thắng mình trước hở ông? Như vậy chắc ông đã học tập cực khổ trong ngôi trường này hở ông?”

“Phải. Rất cực khổ. Nhưng ai ra trường cũng trở thành những người chỉ huy giỏi.”

“Dạ.”

“Đây là hình ông lúc đi nhận nhiệm vụ ở miền Trung. Đây là hình ông chuẩn bị đi hành quân. Đây là hình ông đi tu nghiệp ở Mã Lai. Đây là…”

Ông như say sưa khi trở về một thời ngang dọc. Tôi ngồi yên lặng để cùng ông suy tưởng, dù rằng vào những lúc đó tôi còn ở tận nơi đâu.

Những trang album chấm dứt, dù phía sau còn nhiều tờ trống. Cứ như một người viết văn chợt mỏi tay hay cạn ý, chấm dứt câu chuyện một cách đột ngột. Tôi định hỏi ông một điều gì, nhưng ông đã nói như thốt lên:

“Hết hình coi rồi, bé Na! Hết rồi!”

Rồi ông bật khóc. Tôi hoảng hốt ôm lấy ông:

“Ông ơi, ông đừng khóc!”

Bà ngoại chạy đến, dỗ ông như dỗ một đứa trẻ. Ông tôi trở nên yếu đuối lạ lùng. Bà ngoại nói ông trở nên dễ cảm động sau khi bị “stroke”.

Một lát sau, bà ngoại sửa lại tấm chăn cho ông, rồi rón rén cùng tôi ra sân.

“Ông ngoại ngủ say rồi, bé Na! Ngồi đây, bà ngoại kể tiếp cho nghe. Năm đó miền Nam của chúng ta đã mất vào tay cộng sản. Ông ngoại bị đưa vào nơi gọi là “trại cải tạo”. Mười hai năm ông ngoại ở trong tù, đi hết trại này đến trại khác, từ trong Nam ra ngoài Bắc. Ông ở đâu thì bà cũng ra tận nơi để thăm. Khổ lắm con ạ! Cái khổ thân xác kèm thêm cái khổ về tinh thần. Chúng ta đã mất hết… Sau này khi ông ngoại ra trại, tuổi xuân cũng không còn. Bé Na, con thích viết văn, sau này con sẽ viết lại nhé!”

“Dạ, con sẽ viết.”

3.

Tháng Sáu. Trời ấm áp hẳn lên. Vài ngày nữa tôi sẽ về lại Cali. Tôi thấy quyến luyến bầu trời của thủ đô. Thủ đô! Nghe chữ này hay quá! Tôi học được từ ông tôi đấy! Mấy hôm nay ông thường lẩm nhẩm bài hát “Anh về thủ đô” nghe là lạ. Ông nói đó là nhạc hát cho người lính. Ông cháu tôi cũng thường xuyên đi tản bộ ngoài trời. Bà cũng đi nữa. Ông vẫn đi với cái walker. Chúng tôi ra công viên gần nhà.

Khi tôi giữ cái walker để ông ngồi xuống băng ghế đá, bên cạnh bà, tôi bỗng nghĩ ra một trò chơi. Và tôi “bày” cho ông trò chơi đó. Tôi nói:

“Nếu con là chiếc xe thì ông là tài xế. Nếu con là con ngựa thì ông là nài ngựa. Nếu con là người lính thì ông là người chỉ huy. Ông làm người chỉ huy của con ha ông!”

Ông chưa hiểu. Bà cũng lắc đầu không hiểu. Tôi bắt đầu làm theo một mẫu quảng cáo của chương trình trên TV, Wounded Warrior Project, trong đó người cha thương binh đặt hai bàn tay lên vai con gái của ông, và hai cha con họ bước đi. Người thương binh bước đi vững vàng nhờ nương theo con gái. Tôi nói:

“Bây giờ ông hãy đứng lên, đặt hai bàn tay lên hai vai của con.”

Bà giúp ông đứng lên, làm theo lời tôi.

“Bây giờ con bước đi, và ông là chỉ huy, ông ra lệnh cho con há!”

“Ông… không có cái điện thoại, à không, cái… walker, làm sao ông đi?”

“Ông đã nắm vai con rồi, ông không cần cái walker ông ơi!”

“Hả?”

“Ông hãy thử đi! Ông không té ngã đâu!”

Ông ngập ngừng rồi đi thử vài bước. Ông thấy được. Ông yên tâm bước thêm mấy bước nữa.

“Rồi, bây giờ ông ra lệnh cho con đi!”

“Ra lệnh à? Ông còn không tự đi một mình được.”

“Ông là người chỉ huy mà! Ông phải tự thắng để chỉ huy.”

Tự Thắng Để Chỉ Huy! Những tiếng này như có một sức lan tỏa mạnh mẽ lạ thường. Tôi cảm thấy hai bàn tay của ông ấm lên, và ông nói như ra lệnh:

“Tiến về phía trước! Đến chỗ cột cờ kia!”

Chúng tôi đi về phía cây cột cờ tưởng tượng. Ông bảo quẹo phải, tôi quẹo phải. Ông bảo quẹo trái, tôi quẹo trái. Và ông cháu tôi đã đứng trước cột cờ. Ông không còn nắm vai tôi nữa. Tôi nhìn qua ông. Ông tôi đang đứng nghiêm chào lá cờ tưởng tượng đang bay phấp phới trên cao. Ông bước tới thêm vài bước nữa. Ôi, ông tôi đã không cần đến cái walker!

Bà ngoại đã đến một bên, kịp cùng tôi đỡ lấy ông đang nghiêng người sắp ngã. Nhưng trông nét mặt của ông vui sướng lắm, hồ như ông đã cất được cái gánh nặng lâu nay trong tâm hồn.

4.

“Bé Na thương yêu của ông,

Sau cái ngày con giúp ông đứng thẳng chào cờ, ông vui lắm, và tự hứa rằng mỗi ngày ông sẽ tập để không cần dùng đến cái walker nữa. Mà thật, bây giờ ông chỉ dùng nó rất ít. Bây giờ ông chống gậy, và khi cảm thấy yên tâm để tự đi, thì ông coi cây gậy như vật trang trí thôi. Bây giờ ông cũng không còn gọi nhầm cái walker là “cái điện thoại” nữa. Ông đã trở lại gõ bàn phím máy computer. Và điều vui nhất, bé Na có biết là gì không, chính là ông đã nhớ ra bé Na.

Vâng, mọi thứ không phải tự nhiên mà đến. Chúng ta phải luyện tập, phải cố gắng. Ông không dám tự tin quá đáng, nhưng ông dặn lòng: “Đừng bỏ cuộc!” Khi con đưa đôi vai để cho ông nương theo, ông đã nghĩ rằng con, và những người trẻ như con, là sự tiếp nối cho niềm tin và ước vọng của thế hệ ông.

Bé Na thương yêu của ông, tiến về phía trước, Tự Thắng Để Chỉ Huy, con nhé!”

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
24/06/201604:46:55
Khách
Xin cám ơn "aoluahadong" với lời nhận xét đầy khích lệ cho Cam Li. Kính chúc "aoluahadong" vui khỏe.
Xin cám ơn Diệu Hương với sự đồng cảm. Thân chúc Diệu Hương hăng say sáng tác.
Cam Li NTMT
23/06/201605:34:43
Khách
Em cũng thích chuyện ngắn này , có đủ quá khứ, hiện tại, vừa có cái tươi mát của tuổi hai mươi, vừa có sự từng trải của tuổi già.
Chị luôn là idol author của em từ lúc còn đọc Tuổi Hoa đến bây giờ. Và Chị đã góp phần giúp em viết dễ dàng.
Cảm ơn Chị
Diệu Hương
23/06/201600:47:39
Khách
Câu chuyện của ông và cháu làm tôi thich thú theo dõi cái giao cảm giữa hai người không cùng thế hệ, và may mắn có một cái hậu thật dễ thương! Một lần nữa, tác giả cho thấy cái duyên khi viết về những chuyện đời thưòng, giản dị nhưng chuyên chở tâm tình và những mơ ước của tuổi trẻ... ước gì những truyện ngắn này có thể dịch ra tiếng Anh cho thanh thiếu niên hải ngoại để vun bồi văn hoá cộng đồng nhỉ? Xin cảm ơn tác giả. Chúc an mạnh!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,384,530
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.