Hôm nay,  

San Antoino, Tôi Đến Để Nhớ Thương

04/04/202313:32:00(Xem: 2754)

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021.

*

04042023_Kim Loan_Paul and
Paul và Mary Smith

 ***

Ngày tôi chuẩn bị lên đường vượt biên, Ba đưa tôi tờ giấy ghi địa chỉ ông anh tôi bên Mỹ để qua tới đảo khai với Cao Ủy cho mau lẹ. Bà chị Hai góp ý:

-       Mà em cũng nên học thuộc địa chỉ này để phòng xa, lỡ có... chuyện xui xẻo gì xảy ra ngoài biển, lạc mất hành lý thì còn nhớ địa chỉ mà khai báo với người ta!

Cái miệng “ăn mắm ăn muối” của bà chị nói đúng y chang, tàu của chúng tôi vừa ra khơi được một đêm là bị mưa bão tả tơi, máy thoát nước trên tàu bị hư ... đúng lúc, chúng tôi ướt như chuột lột, cả đêm dài vật vã với nước từ trên trời rơi xuống, cộng với nước biển tràn vào tàu mỗi khi có sóng lớn nghiêng ngả “lắc lư con tàu đi”. Cuối cùng chúng tôi vào bờ biển miền Nam nước Thailand với đúng một bộ đồ mặc trên người vì tất cả hành lý đã quăng ra biển cho tàu bớt nặng trong cơn sóng dữ.

Vừa cập bờ đêm khuya là trưa hôm sau có nhân viên Cao Ủy Người Thái tìm đến để lấy “lý lịch trích ngang” của từng người. Cái địa chỉ của anh tôi, tôi đã thuộc nhuyễn hơn cháo nên có thể khai báo ngay lập tức, với chút tự hào là có người thân bên Mỹ. Tuy nhiên, lúc ấy tâm trí và thể xác tôi còn phờ phạc sau mấy ngày đói khát trên biển, nên tôi không chắc cái zip code có nhớ đúng không, nên khai địa chỉ có bấy nhiêu : “ 6026 Merrimac Cove, San Antonio, Texas, USA”

Vậy đó, cái địa chỉ này đã trở nên thân thuộc gắn bó với tôi suốt bốn năm trời ở trại tỵ nạn Thailand. Biết bao lần tôi nhận được thư anh tôi từ bên Mỹ, là bấy nhiêu lần tôi ngắm nghía cái địa chỉ trên góc bìa trái của phong bì, rồi mới mở thư ra xem. Và cũng là bấy nhiêu lần, tôi nằm dài trên sàn nhà tỵ nạn, sau khi viết xong lá thư cho ông anh, nắn nót cẩn thận ngoài phong bì cái địa chỉ gửi đi “6026 Merrimac Cove ...”

Tình hình trại tỵ nạn cuối mùa đầy phức tạp, âu lo bị trả về Việt Nam khi trại chuẩn bị đóng cửa theo lệnh của Cao Ủy Tỵ Nạn, nên khi may mắn đậu thanh lọc nhưng bị phái đoàn Mỹ từ chối, tôi liền xin đi Canada đến định cư xứ lạnh tình nồng cuối năm 1993. Một năm sau đó, tôi lần đầu tiên được... xuất cảnh qua Mỹ, tìm đến San Antoino thăm căn nhà 6026 Merrimac Cove mà tôi đã mong ngóng, tưởng tượng và thương nhớ mỗi ngày của bốn năm tại trại tỵ nạn. Như một giấc mơ, căn nhà ấy tôi đã được chứng kiến tận mắt, sung sướng đứng ngay trước cửa nhà, lấy tay sờ vào bảng số 6026, rồi bước vào trong nhà, chậm rãi hít thở chầm chậm không khí xứ Mỹ, thành phố San Antonio, gặp gỡ người thân rưng rưng dòng nước mắt hạnh phúc.

Những ngày ở San Antonio là những ngày khám phá tất cả những nơi chốn trong thành phố, River Walk, Alamo Museum, Zoo, các quán ăn, những nẻo đường, tuy nhiên niềm ao ước được gặp mặt một gia đình mà tôi vô cùng ái mộ và quý mến đã không thực hiện được vì họ đã chuyển đi tiểu bang khác.

Tôi muốn kể về ông bà Smith (của cuộc đời thật, chớ không phải ông bà Smith trong phim do Brad Pitt và Angelina Jolie thủ vai).

Ông bà Smith, một gia đình Mỹ trắng, theo đạo Southern Baptist, sống theo lời Kinh Thánh từ hành động cho đến suy nghĩ, nhân đạo với tình thương tha nhân. Khi anh trai tôi vượt biển qua Malaysia rồi định cư ở San Antoinio, ở chung với một nhóm sinh viên độc thân người Việt Nam học chung trong trường Đại Học, một trong những người bạn đến trước đã giới thiệu nhóm sinh viên này đến Southern Baptist Church để làm quen với ông bà Smith. Nơi đây, vì mục đích truyền đạo và thực hành Kinh Thánh, họ welcome tất cả mọi người đến sinh hoạt, tham dự Lễ và lớp học Kinh Thánh và nấu ăn với nhau mỗi tối thứ tư hàng tuần. Anh tôi, vì muốn trau dồi thêm tiếng Anh nên là một trong vài người siêng năng nhất, rồi trở nên thân thiết với ông bà Smith (một số các sinh viên khác dần dà rơi rụng, ban đầu họ đến các tối thứ tư nghe Bible và ăn uống, sau đó họ có việc làm thêm nên bận rộn, không tham gia nữa).

Ông Paul Smith lúc ấy hơn 60 tuổi và quyết định retired sớm để toàn tâm toàn sức phụng vụ Nhà Thờ như một Deacon (trợ tế). Nghề nghiệp của ông trước lúc hưu là giáo viên dạy môn Lịch Sử ở một trường Trung Học, nghe đâu trước đây ông có đi lính phục vụ tại Miền Nam Việt Nam một thời gian ngắn, sau đó giải ngũ và đi học ra trường Sư Phạm.

Bà Mary Dee Smith, mặc dù có bằng Đại Học về "Sociology", nhưng theo Kinh Thánh của Nhà Thờ Southern Baptist Church, người vợ không nên đi làm, người chồng là trụ cột gia đình, nên bà Smith ở nhà nội trợ, nuôi dạy con cái, và bà làm “volunteer” không ăn lương cho Church với vai trò thư ký.

Cả hai ông bà là những “evangelists” (nhà truyền giáo) tích cực của Southern Church. Khi dòng người tỵ nạn Việt Nam vượt biển đến Mỹ ngày càng tăng, ông bà là một trong những người tích cực nhất của Nhà Thờ liên lạc với tổ chức USCC (US Catholic Conference) làm “sponsors” cho rất nhiều cá nhân và gia đình Việt Nam đến San Antonio những thời gian đầu hòa nhập với cuộc sống nước Mỹ. Bà Smith hàng tuần bỏ tiền đăng trên các báo Việt Ngữ kêu gọi người Việt đến với Baptist Church của ông bà, ai cần xe đưa đón, hoặc bất cứ khó khăn gì trong việc sinh hoạt Nhà Thờ, ông bà đều sẵn lòng giúp đỡ không ngại ngần, kể cả tốn kém tiền bạc vật chất từ tiền riêng của ông bà. Chính bà Smith sau đó đã lập ra một nhà thờ Baptist cho người Việt ngay trong lòng ngôi nhà thờ Mỹ, với mục đích tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người Việt tìm học Lời Chúa, bà mướn cả một mục sư Người Việt đến làm lễ giảng dạy hàng tuần trong giờ thờ phượng Chúa, cũng chính từ tiền riêng của ông bà. Họ quan niệm theo giáo lý của Southern Baptist, mục đích cuối cùng của cuộc sống không phải để làm giàu, nếu Chúa cho giàu có thì tốt, mà mục đích chính là sau khi từ giã cõi đời được về nhà Chúa.

Ông bà có hai người con trai, đặt tên theo các nhân vật trong Kinh Thánh là Stephan và Mark. Hai người con đều lấy vợ ngoan đạo, và theo gương má chồng là bà Mary Smith, họ ở nhà làm nội trợ, nuôi dạy con cái, để chồng xông pha ngoài xã hội làm trụ cột kinh tế cho gia đình.



Khi biết tôi đến trại tỵ nạn cuối năm 1989, ông bà Smith lo lắng hỏi anh tôi tình hình tỵ nạn, vì Cao Ủy đã muốn đóng cửa các trại tỵ nạn Đông Nam Á, rồi họ đề nghị sẵn sàng làm giấy bảo trợ cho tôi, nhưng anh tôi trả lời rằng, dù anh ấy và gia đình ông bà Smith và cả cái Hội Thánh của ông bà đứng ra bảo trợ cũng chẳng ăn thua gì, vì trước tiên tôi phải trải qua cuộc thanh lọc bởi nước sở tại là Thailand.

Ông bà liền xin địa chỉ tôi ở trại để viết thư thăm hỏi ủi an. Có ngờ đâu lá thư đầu tiên ông bà gửi theo thùng quà to và nặng y như những thùng quà gia đình tôi thường lãnh tại Tân Sơn Nhất mỗi khi anh tôi gửi về. Có lẽ đó là thùng quà lớn nhất ở trại tỵ nạn thời điểm đó, khiến tôi bối rối khi nhận được. Bên trong hầu hết là quần áo, mới có, second-hand cũng có, một số lọ thuốc và đồ dùng thông dụng, và cuốn Kinh Thánh. Trong thư, ông bà Smith nhờ tôi chia quần áo thuốc men cho những người xung quanh, và nói tôi cho biết cần những gì khác cho người khó khăn trong traị, họ sẽ gửi vào lần sau, kể cả tiền bạc, dù họ không có nhiều nhưng sẽ cố gắng trong khả năng có thể. Tôi xúc động, viết ngay một lá thư dài, cám ơn và trình bày rõ ràng cho ông bà Smith:

-       Thứ nhất, ở trại cũng đã có tổ chức YWAM (Youth With A Mission) lo nhiều vấn đề cho người tỵ nạn, trong đó có cả kho quần áo cũ từ các nước Phương Tây gửi về, nên ông bà yên tâm, khỏi phải gửi nữa.

-       Thứ hai, chuyện tiền bạc giúp đỡ người nghèo trong trại cũng có các Linh Mục liên lạc với hội Mekong bên Pháp, giúp đỡ những người có nhu cầu không phân biệt tôn giáo.

Trong lá thư cũng có tâm hình của ông bà Smith. Bà có khuôn mặt tròn thật phúc hậu, mái tóc màu bạch kim uốn gọn gàng, nụ cười hiền hòa, ông mặc bộ đồ vest, dáng dấp mô phạm, cặp kiếng trắng trên khuôn mặt cân đối, toát lên vẻ nhân từ của một người truyền đạo đáng mến. Ngoài ra, còn một tấm hình nữa, ông bà chụp với hai người con trai và anh trai tôi trong một dịp gặp gỡ tại nhà thờ.

Chỉ qua những tấm hình và vài lời giới thiệu của anh tôi, tôi đã cảm mến ngay gia đình Smith, một gia đình người Mỹ ngoan đạo điển hình và tôi mong được gặp mặt bằng xương bằng thịt, nhưng tôi đã không may mắn trong chuyến xuấn cảnh đầu tiên qua Mỹ năm ấy đến San Antoinio, vì họ đã chuyển về sinh sống tại Wichita, Kansas.

Nhưng cũng trong dịp này, tuy không được gặp ông bà Smith, tôi đã được anh tôi kể thêm vài chuyện khác về họ.

Trong những người thường đến nhà thờ Southern Baptist thuở đó, có anh Đực, không phải trong nhóm sinh viên như anh tôi, nhưng trong nhóm bà Smith làm quen từ lần đến USCC và mời họ về sinh hoạt nhà thờ. Anh Đực không có khả năng học vấn, tiếng Anh kém cỏi, mọi việc giấy tờ khi mới nhập cư đều do ông bà Smith (hoặc hai con trai của ông bà) giúp đỡ, rồi giới thiệu Đực vào làm ở Cafeteria trong một căn cứ Không Quân tại San Antonio. Thời gian đầu, anh Đực siêng năng đi nhà thờ, chăm chỉ mỗi buổi tối Thứ Tư học Kinh Thánh cũng như ở lại ăn uống, sau đó anh Đực không đến nhà thờ vì làm thêm một job khác, thay đổi số phone vì theo lời anh Đực, không muốn ông bà Smith làm phiền rủ rê đi lễ.

Bốn năm sau, anh Đực bảo lãnh vợ từ Việt Nam qua, với trình độ Tiếng Anh vẫn bập bẹ, Đực liền quay trở lại nhà thờ, nhờ vả ông bà Smith những việc giúp đỡ cho vợ Đực: điền giấy tờ, đưa đón đến những nơi hẹn làm những thủ tục ban đầu, xin food stamps, xin thức ăn nhà thờ, nên vợ chồng Đực trở lại sinh hoạt nhà thờ.

Sau khi mọi việc ổn định, thì y như lần trước, vợ chồng Đực lại âm thầm giã từ nhà thờ không một lời giải thích, và lại đổi số phone. Nhưng một năm sau, vợ Đực chuyển dạ sinh con khó khăn trong bệnh viện, Đực laị phone cầu cứu ông bà Smith, một lần nữa, ông bà giang tay cứu giúp vợ con Đực, từ những lần thức đêm cầu nguyện, hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất cho đến khi vợ con Đực an toàn xuất viện. Sau đó, vợ chồng Đực ngỏ ý vì con còn quá nhỏ, vợ không đi làm được, nên hai vợ chồng dự tính mở một nhà hàng bán thức ăn Việt Nam và mượn ông bà Smith khoảng 10,000 dollars.  Được một thời gian, vợ chồng Đực đóng cửa nhà hàng và rời khỏi San Antonio một cách bí mật, dĩ nhiên món nợ 10 ngàn cũng đi theo không hẹn ngày trở về.

Câu chuyện này xảy ra khi anh tôi cùng vợ con đã dọn về Dallas, nhưng nghe rất nhiều người quen ở San Antoinio kể lại. Vậy mà trong chuyến đi Wichita công tác, anh ghé thăm ông bà Smith, khi nhắc lại những kỷ niệm San Antonio và những người tỵ nạn Việt Nam thuở ấy, dù có nói đến anh Đực, ông bà Smith vẫn dùng lời lẽ ngọt ngào, không kể lể, oán trách. Nếu có ai hỏi thẳng chuyện ấy, ông bà sẽ vẫn bình thản nhẹ nhàng nói rằng, vợ chồng Đực hẳn là đã làm ăn thua lỗ, phá sản nên bỏ đi và chưa có tiền trả cho ông bà, vậy thôi!

Cũng theo lời anh tôi, hầu hết những người Việt lúc đó theo ông bà đi lễ, cuối cùng không một ai theo đạo Southern Baptist, kể cả anh tôi vì lấy vợ Catholic. Đặc biệt là vợ chồng anh Đực khi đứa con sơ sinh nguy kịch trong bệnh viện, đươc ông bà Smith tận tình giúp đỡ mọi bề, họ đã tự nguyện thề hứa với ông bà Smith sẽ theo đạo, nhưng rồi “hứa cho nhiều cũng vậy thôi”, thế mà ông bà Smith không hề than thở, thất vọng, vì họ đã sống đúng tinh thần Phúc Âm, đem yêu thương và sự thứ tha đến với người xung quanh.

Tháng 1 năm nay (2023), trong chuyến qua Texas thăm gia đình các anh chị em, dù anh tôi không còn ở San Antonio, dù ông bà Smith cũng đã rời San Antonio từ lâu, vợ chồng con cái chúng tôi vẫn làm một chuyến road trip về lại chốn xưa. Chúng tôi ở khách sạn Hilton ngay khu Alamo Museum kế bên River Walk, để thăm lại những nơi chốn tôi đã đi qua trong chuyến xuất cảnh đầu tiên qua Mỹ năm nào.

Đến ngôi nhà quen thuộc, dù chỉ được đứng bên ngoài chụp hình, lòng tôi lâng lâng niềm vui, bồi hồi sống lại những cảm xúc của gần 30 năm trước, khi tôi còn ở trại tỵ nạn, nơi có những đêm trong “giấc mơ Mỹ Quốc” của tôi, là thấp thoáng bóng căn nhà 6026 Merrimac Cove, và một gia đình Người Mỹ đạo Southern Baptist đầy lòng nhân ái, yêu thương!

Edmonton, Tháng3/2023

KIM LOAN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,262
Sau vài lần vượt biên thất bại, ông anh thứ năm của tôi đến được Songkhla, Thailand. Trong lá thư gửi về, anh kể chuyến tàu của anh trải qua bao biến cố hãi hùng, cướp bóc, hải tặc, và cuối lá thư, anh nhấn mạnh, một câu mà viết cả chục lần: “Đàn bà con gái đừng bao giờ vượt biên”. Ý của anh là nhắn nhủ tôi đấy, vì chuyến đó tôi đòi đi theo nhưng ba tôi không cho vì lo cho tôi hiểm nguy nơi biển cả.
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 8 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn dương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Một ngày trước mùa lễ Giáng Sinh, mẹ tôi gọi điện thoại cho tôi. Trong đường dây điện thoại tôi nghe bà khóc. Vừa khóc bà vừa kể chuyện thằng Út bỏ học. Bà nói cả nhà chúng tôi ai cũng khuyên bảo to nhỏ với nó, nhưng nó không nghe. Nhà chỉ còn mình tôi là chưa khuyên răn nó. Mẹ tôi nói: "Con gần tuổi với nó nhất, biết đâu con khuyên răn được nó đi học trở lại." Tôi lặng người nghe mẹ kể mà không biết an ủi mẹ như thế nào. Tôi nói với mẹ cuối tuần này, anh Đức, một người bạn của tôi về thăm nhà tôi sẽ quá giang nhờ xe để thăm nhà và nói chuyện với Út để coi sao. Tôi nói bà hãy yên tâm. Tôi hy vọng rằng sẽ khuyên bảo được Út trở lại trường để học.
Mấy hôm nay trời vẫn có nắng tuy khí hậu rất lạnh. Tôi hồi hộp nhìn những bông mai vàng của Mỹ đang nở sớm, hoa hồng vẫn còn ra nhiều búp, hoa giấy mọc xum xoe tươi đỏ, hoa chuối may mắn còn một nụ đang nở. Tay run run nâng niu những đóa hoa thầm cám ơn chúng vẫn chưa tàn trong thời tiết giá đông.
Năm nào cũng thế, trước Tết tôi thường dạo vài vòng trên các con đường quanh phố Bolsa, khu thương mại của người Việt, để được hưởng sớm không khí Tết và để lòng thấy thêm yêu đời. Hình ảnh, cảnh vật Tết ngày xưa được tái hiện lại làm cho cảnh phố phường trở nên thật đặc biệt. Nhìn xem cảnh vật và mọi người chuẩn bị đón Tết, lòng tôi bỗng lâng lâng một cảm xúc rộn ràng xen lẫn với cảm giác vui sướng như khi còn ấu thơ được hưởng ba ngày Tết tại quê nhà.
Cách nay mấy tuần, tôi đến thăm một người bạn thân đang ở trong nhà dưỡng lão Elmwood House ở Quận Arlington. Cái khung cảnh ấy khiến tôi suy nghĩ về cuộc đời và thân phận tuổi già. Ra khỏi thang máy tầng lầu 2, trước mặt là một phòng rộng, bày biện mấy bộ salon, năm ba chiếc bàn vuông, bàn tròn sắp xếp gọn gàng; bên phải, bên trái là hai dãy hành lang dẫn vào các phòng ngủ – hun hút, im lìm. Năm bảy cụ quây quần trong phòng giải trí này chuyện trò, đánh cờ tướng, xoa mạt chược, chơi tứ sắc hay bài Tây. Bỗng tôi trông thấy ông Phan đang ngồi đánh cờ tướng với ông cụ cùng trạc tuổi ở chiếc bàn gần cửa. Một chút ngỡ ngàng, tôi tự hỏi: “chẳng lẽ ông ta cũng vào nhà dưỡng lão?” Hỏi thế, bởi vì ông Phan có đến bốn đứa con học hành thành đạt, đứa nào cũng có nhà cửa khang trang, tưởng chừng về già ông ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc sum vầy bên con cháu. Nhưng cuộc đời nào ai biết chắc tuơng lai?
Cái gì? Trại hè Niềm Tin 10 hả? Trời đất quỷ thần ơi, mới ngày nào còn là trại Niềm Tin 1 mà bây giờ đã trại Niềm Tin 10 rồi sao? Thời gian đi nhanh khủng khiếp. Tôi vẫn còn nhớ….
Tác giả là Registered Nurse cho Saint Joseph's Hospital, Phoenix, Arizona từ năm 1975. Hiện tại bà đã về hưu, vui thú điền viên. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015, là lời cầu nguyện của một bệnh nhân “Thượng Đế! Đừng Bắt Con Phải Chết”. Bài viết mới của tg về câu chuyện muôn thuở: "Tình".
Ông Ronnie năm mươi bảy tuổi, Mỹ đen nhưng nhỏ con cũng xêm xêm Steven, đã thế mắt lại hơi xếch, tóc nối và thắt thành cái bím dài giống hệt mấy anh thổ dân da đỏ, lại giống đuôi sam mấy anh ba Tàu. Ông Ronnie có trách nhiệm giao và nhận hàng đến đi, hổng biết sao ổng lại nhanh nhạy như những tay thám thính, hễ trong hãng có động tịnh gì là ổng biết sớm nhất, ai còn ai bị ra đi, ai lên hương, ai xuống chó, phúc lợi thế nào… Ổng biêt hết ráo và luôn mách cho Steven, dĩ nhiên là lúc nào cũng kèm theo câu căn vặn:” Im miệng đấy nhé! Tao chỉ cho mày biết thôi đấy!”
Lúc nhỏ tôi rất kỵ cái kiểu người ta hay nói “ngồi lê đôi mách”. Thường bạn bè đi đâu chơi chung, những khi đùa giỡn hay chuyện trò, tôi luôn bị rơi vào khoảng không, khó tiếp nhận niềm vui đang có mà tâm tư đi tìm điều gì xa vắng, rồi lại sống với hình ảnh khác bằng tưởng tượng, thêu dệt mây trời với hoa thơm cỏ lạ, dù bạn bè trước mắt rất dễ thương tốt bụng thường lo lắng khi thấy tôi không cười nói và buồn bã.
Nhạc sĩ Cung Tiến