Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông đề ngày 10 tháng 5 năm 2020.
*
Giữa cao điểm của “đại ôn dịch” Covid-19, tôi tình nguyện làm việc tạm thời, đáp lời kêu gọi các nhân viên hồi hưu chia sẻ gánh nặng quá tải của bệnh viện.
Sau nhiều năm không hành nghề, bỡ ngỡ ban đầu cũng qua.
Gặp nhiều đồng nghiệp mới, đa số còn rất trẻ.
Trong đó, có một vị luôn luôn tìm cơ hội tiếp cận với tôi. Hơi lạ.
Chúng tôi hàn huyên đủ chuyện, dịch bệnh, công việc mới cũ, gia cảnh ...Dần dần trở nên thân thiết.
Một hôm anh nói với tôi, tôi đúng là nhân vật anh đã cất công tìm kiếm bấy lâu nay để giải mã cho một chuyện bí ẩn của gia đình.
Đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
Sau đó tôi biết rõ, quả thật, tôi chính là người trong cuộc.
Nhớ lại quá khứ, như quay ngược một cuốn băng rè, tôi kể lại cho anh.
***
*
Những năm sau khi định cư. Tôi đã làm việc trong nhiều môi trường khác nhau. Nhà cầu, nhà hàng, nhà thuốc, nhà thương và cuối cùng về vườn trong nhà ghét của nhà tôi.
Ở nhà thuốc, tôi đã leo từng nấc thang, từ pharmacy attendant, assistant, student, intern, pharmacist, manager, associate.
Tôi biết Janice-mẹ của anh-khi bà là bệnh nhân trong thời kỳ cai nghiện. Bà phải dùng methadone mỗi ngày tại nhà thuốc trước sự giám sát của dược sĩ.
Các nhân viên của dược phòng luôn luôn cảnh giác, theo dõi đặc biệt mỗi khi bà bước vào. Do có tiền án ăn cắp, bà đã bị cảnh sát bắt giữ và cảnh cáo nhiều lần.
Thỉnh thoảng bà than không tiền đi xe bus, vay tôi vài đồng lẻ. Thường thường tôi đều giúp, mặc dù có vay nhưng không có trả.
Một ngày nọ, cách đây khá lâu, nhân kỷ niệm sinh nhật của tôi. Các nhân viên hát chúc mừng trên hệ thống loa trần.
Một số khách hàng và bệnh nhân cũng vây quanh tôi, hoà ca.
Bỗng nhiên, bà Janice chen vào, trao tặng tôi một gói quà.
Tôi cảm động vì biết bà đang sống trong điều kiện ngặt nghèo. Phải là người đặc biệt lắm mới được bà chiếu cố.
Cô thủ quỹ ngoài quầy chạy tới, hớt ha hớt hãi, nói không kịp thở, yêu cầu bà trả tiền cho gói quà bà vừa lấy trên kệ hàng.
Mọi người tò mò ném cho bà những ánh mắt khó chịu.
Bà cúi mặt, che dấu sự xấu hổ trước đám đông.
Thấy thế, tôi kín đáo móc túi, lấy tờ 20 đô la đặt dưới gói quà, nói chỗ tôi không có bàn máy tính tiền, bà phải ra phía trước trả.
Gỡ được thể diện, bà nháy mắt cám ơn. Đáp lại, tôi cho bà biết, vì nghỉ cuối tuần nên 2 ngày nữa mới thật sự là sinh nhật. Nhấn mạnh, quà không quý bằng một lời chúc mừng.
Buổi tối sinh nhật của tôi, các thân hữu thuộc thành phố lớn kế bên tổ chức đãi tiệc ở một nhà hàng Việt Nam.
Mưa tuyết dày đặc, rất khó khăn lái xe trên xa lộ, nhưng không lẽ không đi. Vợ tôi dùng dằng, nửa muốn cáo lỗi nửa muốn đi.
Sau cùng, chúng tôi quyết định liều. Lái rất chậm, giữ bốn con mắt mở to, tỉnh táo, luôn luôn đề phòng bất trắc.
Đang bò lết trên xa lộ, bỗng vợ tôi khều tay, kêu tôi chầm chậm dừng lại vì thấy phía xa xa có người vẫy tay, có lẽ xin quá giang. Tôi cố nhướng mắt nhìn nhưng không thấy gì cả. Chắc vợ tôi hoa mắt. Vả lại, giờ này, giữa thời tiết này ở trên xa lộ làm sao có người.
Tôi vẫn tiếp tục lái thêm một đoạn nữa thì không hiểu sao tay lái nằng nặng, bị bẻ quặt qua một bên, không chỉnh thẳng được. Xe bỗng khựng lại, đổ nghiêng, suýt rơi xuống rãnh hố bên lề. Chúng tôi xuống xe, dùng hết sức đẩy lên nhưng không nhúc nhích.
Đành cố thủ trong xe, nghĩ cách giải quyết.
Khoảng ít lâu sau, nghe có tiếng còi hụ và đèn chớp xanh đỏ của xe đang đi tới. Tôi biết sẽ được giúp đỡ nên chờ đợi.
Hai xe tuần cảnh với 4 nhân viên sắc phục rọi đèn pin, kiểm tra.
Họ nói, chúng tôi rất may mắn, vụ lạc tay lái đã cứu sinh mạng chúng tôi. Nếu chạy thêm khoảng hơn hai cây số nữa, không biết chúng tôi có cơ hội được nhìn thấy mặt trời sáng ngày mai hay không.
Một cảnh sát cho biết, có vài chục xe chồng chất lên nhau trong tai nạn kinh hoàng ở phía trước. Số thương vong không đếm xuể. Tất cả các xe cứu thương của thành phố đều được điều động, đang trên đường tiếp cứu khẩn cấp.
Những viên cảnh sát này có nhiệm vụ đóng đường ngay chỗ xe tôi gặp nạn. Họ đặt bảng hướng dẫn, đổi luồng lưu thông qua các con đường nhỏ song song với xa lộ.
Họ giúp tôi đẩy xe lên mặt lộ. Tôi cho xe lách vào đường chỉ dẫn, tiếp tục hành trình. Đến nơi trễ.
Mọi người thông cảm và mừng cho chúng tôi vừa thoát nạn như một phép lạ.
Truyền thông liên tục cập nhật tin tức về tai nạn khủng khiếp đang diễn ra.
Có rất nhiều câu hỏi, cho đến lúc đó, tôi không thể giải thích. Sự việc xảy ra quá đột ngột. Chuyện không tưởng. Tại sao tôi đã không điều khiển được tay lái? Tại sao xe không lọt hẳn xuống rãnh hố mà chỉ lơ lửng? Vợ tôi hoa mắt hay không hoa mắt?
Mỗi khi nhắc lại chuyện đó, vợ tôi vẫn rét run, bủn rủn tay chân.Có ơn trên hay có mẹ tôi đã phù hộ?
Sinh thời, mẹ tôi là một phật tử thuần thành, ngày ngày thường tụng kinh, cầu bình an, xin độ trì cho con cháu.
Những ngày trở lại làm việc, tôi hơi thắc mắc không thấy Janice đến uống thuốc như mọi ngày. Đoán rằng bà đã chuyển sang nhà thuốc khác vì một lý do tế nhị nào đó, nên tôi không tìm hiểu.
Vài năm sau, tôi đổi từ nhà thuốc cộng đồng sang nhà thương, làm công việc mới.
Tôi hoàn toàn quên bà mẹ của anh, mãi cho đến bây giờ.
***
*
Ông anh lớn! Xin phép cho tôi được gọi ông như thế.
Janice-mẹ tôi-là một người đàn bà bất hạnh. Bà sống trong một gia đình đổ vỡ.
Cha tôi là một người nghiện rượu. Ông thường hành hạ mẹ con tôi.
Khi ông đi tù vì tội đồng loã trong một vụ án mạng, tôi mới mười sáu tuổi.
Xa chồng, mẹ tôi cặp với nhiều đàn ông khác nhau. Thời xuân sắc bà từng là gái gọi đắt khách. Bà nghiện ma tuý lúc nào tôi không rõ. Cuộc sống của bà càng ngày càng tệ hại. Bà bị bắt vài lần với các tội danh khác nhau.
Tôi được ông bà ngoại mang về nuôi nấng, nuôi ăn học cho đến khi tốt nghiệp đại học. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp mẹ tôi, tuy sự liên lạc lỏng lẻo.
Chuyện tình cảm của mẹ tôi thật phức tạp. Sau cha tôi, bà yêu say đắm một người đàn ông có vợ. Bao nhiêu tiền bạc kiếm được từ việc bán thân xác bà đều cung phụng cho ông ta. Khi không đưa đủ tiền, bà bị bỏ rơi tàn nhẫn.
Trả thù đời, bà mong nhiễm HIV để truyền nọc cho cánh đàn ông ham mua vui. Không biết tại sao bà không nhiễm.
Tuy tôi không hãnh diện về lối sống của bà, nhưng tôi vẫn xót thương cho một kiếp người khốn khổ. Dẫu sao bà cũng là bậc sinh thành tôi không chối bỏ. Cuộc đời mỗi người do người đó định đoạt. Về sau bà nghiện nặng và có lần suýt chết vì dùng ma tuý quá liều.
Thời gian đó, tôi đã sắp ra trường nên có đủ kiến thức nhận biết sự nguy hiểm rình rập bên cạnh bà. Tôi, cùng với ông bà ngoại, gây áp lực bắt bà phải cai nghiện.
Một đôi lần, bà có nhắc đến một người dược sĩ á đông. Bà nói tốt cho ông ta. Bà cho rằng người á đông sống có tình nghĩa hơn dân bản xứ. Họ đối xử với bà như một con người, không cần biết bà là người thế nào.
Giảm thiểu ma túy nhưng bà lại sa vào vòng luẩn quẩn khác. Bà quen thói ăn tiêu rộng rãi nên lúc nào cũng túng thiếu. Với sự cộng tác của lão bạn tứ cố vô thân, bà trở thành kẻ cắp chuyên nghiệp. Tên của bà có trong sổ bìa đen của sở cảnh sát.
Liệu pháp cai nghiện có kết quả khích lệ. Uống thuốc đều đặn, liều lượng thấp dần.
Tôi rất lạc quan, hy vọng bà sẽ khỏe mạnh và sống lương thiện. Có việc làm bà sẽ không ăn cắp. Sẽ thay đổi cuộc sống, sẽ tìm lại được hạnh phúc đã xa rời.
Số trời ông ạ! Bà đã qua đời trong một tai nạn thảm khốc, giống như chuyện ông kể lái xe dự tiệc đêm sinh nhật. Xe của bà bẹp dúm. Đầu đập vào đuôi xe phía trước, không nhận diện được khuôn mặt. Dấu tay và các đồ đạc giấy tờ trong xe xác nhận lý lịch bà.
Cảnh sát thu gom và giao lại tất cả những gì tìm thấy cho chúng tôi.
Tôi đã cất các vật dụng đó, không đụng đến, trong một thời gian rất lâu. Ngày dọn ra ở riêng, tôi chọn lọc những thứ cần thiết để lưu giữ và loại bỏ những thứ còn lại. Vô tình, tôi tìm thấy một tấm thiệp chúc mừng sinh nhật và tờ 20 đô la trong phong bì không dán kín. Tên người nhận trùng với tên ông.
Mỗi khi gặp một đồng nghiệp á đông tôi đều dò hỏi. Nhưng không ai biết một người có tên như tên trên bì thư.
Đúng là định mệnh khi tôi gặp ông. Linh tính cho tôi biết ông chính là người mẹ tôi định gửi thiệp. Tiếp xúc với ông, đối chiếu các dữ kiện, tôi biết chắc tôi đã đúng.
Đây! Của ông xin gửi trả ông. Tôi rất sung sướng đã thay mẹ tôi thực hiện ý nguyện của bà.
***
*
Tin được không? Ngày Janice gặp tai nạn qua đời cũng là ngày xe tôi gặp tai nạn bên vệ đường. Không gian và thời gian trùng hợp đến kỳ lạ. Không thể ngẫu nhiên!
Tôi lạnh người với ý nghĩ chợt đến.Người vẫy tay mà vợ tôi trông thấy đêm bão tuyết đó có thể nào là bóng ma Janice không? Có thể nào vì tôi vẫn cố lái xe không dừng mà Janice đã cưỡng tay lái đưa xe lạc qua bên lề, không cho tôi đi tới?
Janice! Nếu đúng là bà, vợ chồng tôi nợ bà ơn cứu tử. Ngay ngày mai tôi sẽ điện thoại đặt mua một giỏ hoa tươi, đích thân không đến được vì lệnh cách ly xã hội, tôi sẽ nhờ người của cửa tiệm mang đặt trước phần mộ của bà.
Tấm thiệp chúc mừng sinh nhật và tờ 20 đô la sẽ là kỷ vật vô giá của tôi.
Có món quà sinh nhật nào đáng nhớ trong đời, như món quà đến muộn này không...
Nguyễn Cát Thịnh
Hình như gọi là thâu ngân thì đúng hơn là thủ quỹ
Ba mươi hai năm sau [1845], Bác sĩ Tâm Thần [Psychiatrist] Alexandre Jacques François Brière de Boismont cũng đã viết trong "Des Hallucinations, ou Histoire raisonnée des apparitions, des visions, des songes, de l'extase, du magnétisme et du somnambulisme - Hallucinations: or, The rational history of apparitions, dreams, ecstasy, magnetism, and somnambulism" thì hồn ma bóng quế chỉ là ảo giác.
Năm 2011, tác giả Walter Isaacson trong quyển sách viết về cuộc đời của thiên tài Steve Jobs [người đã sáng lập ra đại công ty Apple] thì vào những giây phút cuối cùng, Jobs chỉ thốt lên được "Wow ! wow ! wow ! - Ái chà ! ái chà ! ái chà !";
Phải chăng Jobs đã nhìn thấy hồn ma bóng quế của những người thân yêu đã khuất hay ông đã nhìn thấy tương lai của thế giới nhờ vào những phát minh của mình hay là thiên đàng ?