Hôm nay,  

Mùa Xuân Năm Ấy

27/01/202300:00:00(Xem: 4392)
 
IMG_3702
Hình tác giả cung cấp.
 
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021.
 
*
 
Sau vài lần vượt biên thất bại, ông anh thứ năm của tôi đến được Songkhla, Thailand. Trong lá thư gửi về, anh kể chuyến tàu của anh trải qua bao biến cố hãi hùng, cướp bóc, hải tặc, và cuối lá thư, anh nhấn mạnh, một câu mà viết cả chục lần: “Đàn bà con gái đừng bao giờ vượt biên”. Ý của anh là nhắn nhủ tôi đấy, vì chuyến đó tôi đòi đi theo nhưng ba tôi không cho vì lo cho tôi hiểm nguy nơi biển cả.
 
Lên cấp ba, ước mộng vượt biên trong tôi cũng nguôi ngoai, khi trong xóm có vài gia đình cho con cháu ra khơi, đi không đến nơi mà về cũng chẳng tới chốn, tội nghiệp họ, niềm hy vọng  ngày càng mong manh, đợi chờ trong mỏi mòn thật đáng sợ.

Lúc ấy, cũng có phong phanh các mối đi theo tàu viễn dương, bằng tàu sắt bự, khỏi lo tàu chìm không sợ hải tặc. Một chị quen với gia đình tôi đến rủ rê tôi đi. Đại khái, tàu sẽ đậu ở Cảng Sài Gòn, chờ khi thuận tiện sẽ đưa mình trốn dưới hầm, sau khi hải quan kiểm tra xem xét, tàu nhổ neo là an toàn thoát nạn, chỉ việc lên boong tàu ngắm biển uống bia với các anh thuỷ thủ, rồi khi gần đến MãLai (hoặc Thailand, Indonesia, Philippines) họ thả mình xuống với cái phao vào bờ. Vì tàu viễn dương chuyên buôn lậu hàng hoá nên mỗi chuyến chỉ nhận vài người, với giá đắt gấp mấy lần so với đi vượt biên “kiểu ra biển bình thường bằng ghe”.

Chị em tôi nghe xong, thấy có điều không ổn. Trước tiên phải nằm dưới hầm chứa hàng của tàu, có khi phải nằm vật vờ cả 1-2 tuần, cũng nguy hiểm chớ chẳng đùa. Rồi sau đó nếu vượt qua cửa ải hải quan, lên boong “ngắm biển với các thuỷ thủ”, có thiệt không đó, liệu mấy ảnh uống bia xong có… tha cho mình không nà?! Cuối cùng là thả mình xuống biển với cái phao, dù là gần bờ, nhưng cũng sợ lắm. Còn nữa, một thân một mình, (vì họ thả mỗi người một nơi khác nhau) vào bờ biển xứ lạ biết ăn nói làm sao, chưa kể gặp kẻ xấu. Tôi thà đi theo cả nhóm đông người vượt biên trên tàu gỗ, rồi cùng san sẻ mọi may rủi sống chết có nhau vẫn hơn chứ.

Khi tôi đã an tâm chờ giấy tờ bảo lãnh ODP thì giữa năm học lớp 12, thằng em họ, con ông chú ruột mang đến cho tôi một “thương vụ” bất ngờ. Vũ, vai em nhưng lớn hơn tôi một tuổi, hai chị em ngang ngửa tuổi chơi thân với nhau.

- Chị nè, em có thằng bạn lai Mỹ rất thân từ nhỏ vì chung xóm chung trường, em sẽ giới thiệu chị làm kết hôn giả với nó, xuất cảnh bằng máy bay. Nói trước cho chị đỡ bị "sốc", nó lai Mỹ đen... thui đấy. Chịu không?.

Tôi mừng húm nhưng cũng đắn đo:

- Mỹ đen trắng gì cũng được, chỉ là kết hôn trên giấy tờ thôi mà. Nó là người thế nào, con cái nhà ai, nếu là dân lông bông thì có cho thêm vàng chị cũng không dám dính vào đâu.

- Chị khỏi lo nhe, học xong cấp Hai nó nghỉ học đi làm xí nghiệp phụ giúp kinh tế gia đình. Thằng Bê là đứa bạn hiền lành, là đứa con ngoan dễ thương nhất mà em từng gặp trên cõi đời này. Bê sống với cha mẹ nuôi từ lúc mới được sinh ra. Hai ông bà nhân hậu thương yêu Bê hết lòng.

- Vậy thì em gặp Bê và ba má Bê nói chuyện hồ sơ, giá cả thế nào nha. Thời buổi này con lai cao giá lắm, bao người ngắm nghé, sẵn sàng chi nhiều tiền, không biết chị có cơ may... trúng tuyển không?

Vũ lạc quan:

-  Bê thân với em, ba má Bê quen với má em, bảo đảm vụ này sẽ thành công.
 
Tôi kể với gia đình, cả nhà rất mừng và đồng ý "phương án" này, hy vọng tôi sẽ thoả được ước mơ mà khỏi phải gian nan trên biển cả.
 
Dù đã biết trước Bê lai Mỹ đen mà lần đầu tiên Bê đến nhà, tôi vẫn ngỡ ngàng, mấy đứa trẻ con hàng xóm kéo nhau theo chân Bê đứng thập thò trước cửa nhà tôi, chúng nhìn Bê như nhìn một “vật thể lạ” từ hành tinh khác. Mái tóc của Bê quăn tít và to xù, tròn xoe trên đầu, làn da đen bóng loáng, nhưng bù lại đôi mắt Bê đẹp và hiền lành, thêm nụ cười rất dễ mến. 
 
Hôm ấy là ngày 23 đưa ông Táo về trời, tôi mời Bê và Vũ ở lại dùng cơm. Suốt bữa ăn, chúng tôi nói chuyện vui vẻ và tôi cảm thấy mến Bê. Bê không giống như một vài con lai khác mà tôi đã gặp. Là một người hiền lành, chân thật, có lẽ Bê được giáo dục bởi gia đình cha mẹ nuôi. Sau bữa cơm, tôi mang dĩa kẹo thèo lèo từ bàn cúng ông Táo ra nhâm nhi với trà sen, sau đó, ba đứa rủ nhau ra Ngã Tư Xóm Mới ăn chè, ngắm nhìn thiên hạ đi mua sắm Tết. Chỉ hơn nhau một vài tuổi nên chúng tôi rất thoải mái cười đùa rôm rả. Trời chiều tối thật đẹp, Vũ đề nghị ba đứa chạy xe vòng ra Xa Lộ Đại Hàn đón gió đêm cuối năm mát rượi.

Trước khi chia tay về nhà, Bê nói đã bàn bạc với ba má chuyện cùng tôi làm hồ sơ xuất cảnh, chờ qua Tết sẽ tiến hành như thỏa thuận.
 
Chiều ngày 30 Tết, Bê lại đến nhà tôi. Tôi ra mở cổng, gặp ngay lũ trẻ con bám theo Bê, lần này chúng quen với Bê lắm, cười nói, hỏi han và sờ mó Bê rất tự nhiên, thân thiện. Mấy bà hàng xóm lại có dịp xôn xao, bỗng dưng có một chàng Mỹ lai da đen, “bạn” của cô Loan, xuất hiện trong hẻm nhỏ xíu này, họ không xúm vào bàn tán, thêm mắm thêm muối cho thêm phần hấp dẫn gay cấn thì tôi đi bằng đầu! Thây kệ, ai nghĩ gì thì nghĩ, tôi sẵn sàng... đạp trên dư luận vì “giấc mơ Mỹ Quốc” của tôi.

Bê “điệu nghệ” mang theo hộp mứt và hộp trà đáp lễ, vì hôm qua khi gia đình tôi nấu xong nồi bánh chưng, tôi đã mang đến biếu gia đình Bê một cặp bánh kèm theo bịch lạp xưởng.

Tôi và Bê ngồi ăn mứt uống trà mà nghe cả tiếng đám con nít chộn rộn chen lấn nhau ngoài cổng, giành giựt chỗ đứng nhìn vào nhà như đang... xem phim, bà chị của tôi phải ra dàn xếp đám nhóc tì vì sợ Bê buồn. Nhưng Bê chỉ có chút mắc cỡ khi nói chuyện với tôi, cười hiền hòa chứ không ngại ngùng vì đám đông ngoài kia.

Khi tiễn Bê ra về, thì hỡi ơi, ngoài cổng không chỉ có đám con nít mà mấy bà mấy chị bán quà vặt quanh hẻm có mặt đầy đủ. Họ nhìn Bê và tôi với ánh mắt tò mò vui vẻ, rồi họ rộn ràng nối đuôi nhau tiễn Bê dắt chiếc xe đạp ra tận đầu ngõ.
 
Ngày Mồng Ba Tết, như đã hẹn trước, gia đình tôi làm bữa cơm mời gia đình Bê đến để bắt đầu chuyện làm hồ sơ. Tôi hồi hộp như... cô dâu chờ mong nhà trai đến rước. Mấy “bà Tám” trong xóm cứ việc dòm ngó đoán già đoán non đi nhé, một ngày không xa tôi bay đi Mỹ tha hồ mà ghen tị. "Ông mai" Vũ cũng đã đến nhà tôi chờ gia đình Bê. Tôi vui mừng ra đón, chỉ có ba má Bê, tôi hỏi:

- Ủa, Bê không đến hả hai bác?
- Nó …bận... công chuyện đột xuất!

Tôi và Vũ đều ngơ ngác, Bê bận chuyện gì nhỉ? Vào bàn tiệc, ba tôi vừa dứt lời chào thì má Bê lên tiếng trước:
 
- Chúng tôi có chuyện cần thưa với gia đình.
Giọng điệu nghiêm nghị, quan trọng làm cả nhà tôi lo lắng. Ba tôi nói:
- Có gì khúc mắc thì anh chị cứ nói.
- Dạ, chúng tôi không muốn tiếp tục chuyện làm giấy tờ hôn thú giả nữa.

Tôi giật mình hụt hẫng và thất vọng. Thì ra thế, nên Bê không thèm đến dù đã hứa hẹn chắc như đinh đóng cột. Tôi nói nhỏ với Vũ:

- Miếng ăn đưa lên tới miệng còn làm rơi đấy nhé, thế mà bảo đảm thành công.
 
Vũ bối rối:
 
- Em không hiểu tại sao Bê đổi ý nhanh quá.
 
Ba tôi hơi bất ngờ, nhưng rồi khoát tay:
 
- Tưởng gì, gia đình anh chị là chỗ thân quen với gia đình Vũ cháu tôi, coi như bữa nay chúng ta gặp gỡ, vui ngày mồng 3Tết, không sao cả.
 
Ba má Bê nhìn nhau đẩy qua đẩy lại, cuối cùng Ba của Bê e dè nói:
 
- Dạ thưa, không phải thế, sự thực là … là…thằng Bê nó muốn … làm hôn thú thật với cháu Loan, làm đám cưới thật rồi cùng nhau đi Mỹ, không biết ý cháu đây thế nào?
 
Nghe tới đây, cả nhà tôi im re vì quá bất ngờ. Vũ nhìn tôi, tôi nhìn Vũ, rồi Vũ ghé tai tôi trêu chọc:
 
- Bữa chiều Ba Mươi thằng Bê đến nhà, chị đãi nó món gì?
- Thì cũng nước trà và mấy món mứt dừa mứt bí.
- Vậy chị có… bỏ bùa yêu không đó, em phải gặp Bê để hỏi cho rõ, mới gặp vài lần mà yêu là sao, coi chừng sau này... ân hận không kịp! 
 
Tôi nhăn nhó:
 
- Giờ này mà còn đùa được nữa hở!?

Cũng may, ba tôi mau mắn cứu nguy cho tôi:

- Chuyện này không có trong dự định đôi bên, thôi anh chị cho cháu vài ngày suy nghĩ rồi sẽ báo cho bên đó biết.

Tôi chỉ vừa 18 tuổi đầu, chưa hề biết yêu đương, còn ham vui với sách vở bạn bè, dẫu trong trường trong lớp, tôi có mến chàng nào đó học giỏi, chàng nào đó cũng thích con bé răng khểnh “nhìn hay hay”, nhưng chỉ dừng lại ở đó, và mau chóng quên lãng theo các kỳ thi cuối năm. Cũng có vài anh hàng xóm để ý cô em láng giềng là tôi nhưng tôi chưa thật sự yêu ai, chưa có một mối tình nào như tôi hằng mơ ước, nên thơ lãng mạn, tìm hiểu, hẹn hò rồi đi đến hôn nhân, chớ không thể nhảy giai đoạn như gia đình Bê đề nghị.

Sau khi nhận câu trả lời từ phía gia đình tôi, Bê tránh gặp mặt Vũ, mấy lần Vũ đến nhà đều bị Bê từ chối gặp, Vũ nhờ ba má Bê năn nỉ cỡ nào cũng không có kết quả. Vũ vẫn không bỏ cuộc, rủ tôi đi cùng:

-  Tại chị mới ra nông nỗi này, chị phải đi theo em, đành phải dùng... "mỹ nhân kế" vậy!
 
Cứ như tôi là kẻ có tội, nên phải đền tội, mà tôi thấy mình cũng ... có tội, dù chẳng biết tội gì, bèn líu ríu đi theo Vũ. Cứ ngỡ rằng giống như trong bài hát “nếu có lần Loan gõ cửa đến thăm” thì Bê sẽ động lòng mở cửa, nào ngờ đâu, tôi và Vũ còn bị “hành hạ” đứng lâu hơn giữa trời trưa nắng chang chang, rồi hai chị em tự giác ra về, (người gì mà giận hờn lâu dữ hổng biết!?).
 
Vài tháng sau gia đình Bê lặng lẽ xuất cảnh, không báo cho Vũ và cả tôi lại càng không được cho biết (đương nhiên rồi).
Mấy đứa nhóc tì trong xóm hỏi tôi:

- Chị ơi, anh Mỹ đen tóc xù đâu rồi?
- Chị ơi, tụi em khoái anh Maradona hàm răng trắng bóc của chị lắm đó!
Có bà hàng xóm còn nửa đùa nửa thật, mỉa mai “móc lò” tôi nữa chớ:
- Tui tưởng cô Loan bay qua tới Mỹ rồi, sao vẫn còn ở đây vậy cà?
 
Kể từ khi Vũ giới thiệu “hợp đồng” với Bê, tôi đã rất “sang chảnh”, đối xử với chòm xóm ... tử tế hơn thường lệ, từ ông già bà cả, các chị sồn sồn, cho đến đám trẻ con hỉ mũi chưa sạch, để “ban bố” ân huệ hầu lưu lại trong tâm trí họ niềm luyến tiếc khi tôi âm thầm “biến mất” khỏi xóm. Tôi sung sướng tưởng tượng phút giây mọi người lé mắt bu lại xem hình tôi từ Mỹ gửi về, và tôi còn dự định gửi ké thùng quà của ông anh mấy hộp nho khô đãi cả xóm nữa cơ! Đúng là “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, và ông bà mình nói chẳng sai tẹo nào, “thấy 30 chưa phải là Tết”.
 
Vũ thì bứt rứt, quay qua đay nghiến tôi:

- Lỗi tại em, lỗi tại em! Đang yên đang lành, giới thiệu chị làm chi, giờ mất luôn thằng bạn hiền!
- Lỗi tại chị, lỗi tại chị mọi đàng em ơi. Chị biết làm gì hơn ngoài việc xin lỗi em, chị có muốn kết cục như vậy đâu chớ!
 
Tôi chỉ buồn chứ không giận, vì Bê có lòng tự trọng, đàng hoàng. Nếu Bê cứ để tôi làm giấy tờ rồi qua trại chuyển tiếp ở Philippines  “cưỡng ép” tôi, vì trên giấy tờ chúng tôi là “vợ chồng”, nhưng Bê đã làm theo con tim, không muốn đưa tôi vào chuyện đã rồi, hoặc van xin tình yêu miễn cưỡng. Tôi cũng mong Bê hiểu cho tôi, không vì tấm vé đi Mỹ mà giả dối đồng ý kết hôn rồi sau này kiếm cớ chia tay như nhiều trường hợp đã xảy ra.
 
Đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi ở Canada, Vũ ở Arlington, Texas, mỗi khi chị em gặp nhau lại nhắc về Bê, về những ngày xưa của một thời tuổi trẻ, với niềm tiếc nuối là đến nay vẫn chưa tìm được Bê ở nơi đâu trong 50 tiểu bang của Mỹ Quốc này?  
Mỗi mùa Xuân về Tết đến, Bê có bao giờ nhớ về một mùa xuân xa lắc xa lơ thuở ấy, có tôi, trong một “thương vụ” ngắn ngủi nhưng đã khiến trái tim Bê rung động lần đầu trong đời!?
 
Riêng tôi vẫn thì thầm câu hát ...“ Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa...”
Là mùa Xuân tuổi Mười Tám, mùa Xuân tôi được quen biết Bê và bâng khuâng cảm động tình yêu "sét đánh" của Bê dành cho tôi.
Mong rằng dù mộng không thành cho cả hai, vì lúc ấy mỗi người một giấc mộng khác nhau, nhưng kỷ niệm mùa Xuân năm đó còn đẹp mãi. Tôi cũng tin rằng Bê là người chăm chỉ, tốt bụng, chắc chắn đang có cuộc sống bình an, hạnh phúc, và sẽ có một ngày như tôi và Vũ thường mơ ước:
 
Bê ơi trái đất vẫn tròn,
Chúng mình... ba đứa sẽ còn gặp nhau!

Edmonton Xuân Quý Mão 2023
KIM LOAN

Ý kiến bạn đọc
30/01/202312:26:56
Khách
Trong kho tàng âm nhạc cổ điển tây phương, ngoài những tuyệt tác [masterpieces] có tính cách tôn giáo, thiên nhiên, vv...vv..., nó còn bao gồm những tuyệt tác diễn tả những mối tình một chiều [unrequited love] giữa nam/nữ hoặc tình bạn [Bá Nha Tử Kỳ] như sáng tác “Für Elise” của L.V. Beethoven, Piano Quartet Op. 47 của R. Schumann, Piano Quartet in C Minor Op. 60 của J. Brahms, vv...vv.

Nhưng có lẽ bài ca "Hör ich das Liedchen klingen - When I hear the echoes thronging" của R. Schumann là được nổi bật nhất vì nó gói ghém được nỗi tuyệt vọng, đau khổ tột cùng của một người với mối tình nam/nữ đơn phương.

Âm thanh/lời ca của bài hát này có thể gia tăng [theo cấp lũy thừa] nỗi tan nát lòng người đang ở trong hoàn cảnh này.

Anh Bê lai có thể không biết tí gì về sáng tác "Hör ich das Liedchen klingen" này. Nhưng người đọc xin phép được thay mặt để viết lên nỗi đau khổ tột cùng của anh trong lúc đó.

Thời gian sẽ và luôn là liều thuốc hiệu nghiệm nhất để hàn gắn những vết thương lòng và biết đâu khi những dòng chữ này được viết, anh Bê lai đang hưởng tràn đầy hạnh phúc bên người vợ hiền và đàn con khôn.
30/01/202306:41:49
Khách
Bài viết hay và xúc động! Hồi còn ở Vn anh cũng tính làm giả với bé Mỹ lai da trắng tên Loan ( biệt danh Loan trắng ) gặp nhau ở nhà hàng cầu Bông ngoài ngã tư An sương, sau cũng không được vì mẹ cô ta lên giá liên tục, và nghe Loan nói mẹ đã lừa một số người rồi, nên anh rút lui đi tàu.
29/01/202314:26:24
Khách
Bài ca Quan họ hiện đại [phỏng theo truyện cổ tích Trương Chi và Mị Nương] có câu:

Ngày xưa có anh Bê lai
Da đen bóng loáng, nụ cười dễ thương
Cô Kim Loan vốn ở lầu tây
Con nhà gia giáo nhưng mà tự do
Bê lai có chiếc thuyền chài
Chèo thuyền ngang dọc hôm mai dãi dầu
Bê lai mới nói một câu
Gió đưa phảng phất tới lầu Kim Loan
Kim Loan nghe nói thì thương
Nhưng trông thấy mặt anh chường lại chê
Bê lai buồn bã ra về
Cắm sào giữa bến hát thề một câu
Kiếp này đã dở dang nhau
Có sang kiếp khác lấy nhau cũng không thành.
28/01/202321:44:27
Khách
Bài viết hay lắm. Cám ơn tác giả. Xin chúc gia đình Kim Loan một năm mới an lành và hạnh phúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,083
Khó khăn lắm mới chạy được một suất “khảo sát thị trường ở Mỹ”. Phải vừa đấu đá, vừa lót tay, tốn biết bao nhiêu công sức. Vậy mà, cuối cùng Nghiệp vướng phải yêu cầu ác nghiệt của Lãnh Sự Quán Mỹ, là vấn đề thế chấp tài sản. Lý do LSQ yêu cầu cũng dễ hiểu thôi — để bảo đảm người đi sẽ phải quay về. Hắn bước vào nhà. Cửa đã mở sẵn, Hà, vợ hắn đang ngồi chờ trên ghế sô pha.
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Cô, viết về người cha, theo lời kể của một người hàng xóm cũ, hiện đang định cư ở Dallas, Texas.
Là con của một sĩ quan tù cải tạo, tác giả Lê Xuân Mỹ đã góp vào giải VVNM những bài viết xúc động. Ông đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Ông, viết để tưởng nhớ hai người bạn Phạm Phúc-Hạnh Nguyên vừa qua đời, là nạn nhân của một vụ giết người ngày 1 tháng 6 vừa qua gây thương tâm kinh hoàng cho cộng đồng người Việt Bắc Cali.
Ban Tổ Chức Giải Viết Về Nước Mỹ trân trọng thông báo Lễ Phát Giải và Ra Mắt Sách Viết Về Nước Mỹ 2022-2023 sẽ được tổ chức vào trưa Chủ Nhật ngày 26 tháng 11, 2023 tại Garden Grove, CA.
Niềm vui của mùa hè ở đây là tìm đến các ngã tư đường, nhìn trên trụ đèn , đủ loại giấy màu, đủ kích cỡ, đủ màu mực, chữ to, chữ nhỏ, nào là Garage sale, Yard sale, Moving sale, Estate sale v.v..., đó là những bản quảng cáo đơn giản của một khu chợ trời thu nhỏ trong sân, trong nhà để xe , tầm giấy nào cũng có ghi số nhà, mũi tên chỉ đường, ngày thứ năm họ bắt đầu quảng cáo, thứ Sáu, thứ Bảy, CN, là những ngày hè vui trên quê hương thứ hai này, đi khắp nơi, đường nào cũng qua, góc cùng ngõ cụt nào cũng tới, tha hồ mua, cũ họ mới mình giá cả hết sức khiêm tốn, 25 cents 50 cents, 1 đồng là giá cao.
Dường như con cái lớn lên khó dạy hơn hồi còn nhỏ. Hồi nhỏ nói gì chúng cũng nghe, bây giờ con ít vâng lời hơn khiến tôi có cảm giác con càng lớn càng khó dạy. Khi con còn trẻ nhỏ, chạy nhảy lung tung, la hét, lục lọi phá phách làm cha mẹ vất vả, nhưng cũng không khổ bằng khi con trưởng thành. Ảnh hưởng của nền văn minh dân chủ đã khiến con cái tự quyết định cho chính mình trong nhiều vấn đề khiến cha mẹ chỉ biết cầu trời. Giáo dục con cái ngày nay thật sự là một vấn đề không dễ dàng.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới về chuyến thăm viếng Florida năm nay của tác giả.
Khi còn trẻ, tôi có người bạn đi tu, anh ta học bảy năm trời để thành linh mục. Anh ta nói với tôi, “Với người Công giáo, trong nhà có một người đi tu học làm linh mục là vinh dự, niềm hãnh diện của gia đình. Cha mẹ tôi không ép con cái nhưng thầm mong là điều đương nhiên. Tôi quyết định làm linh mục với hơn nửa phần tự chọn tương lai của mình, non nửa phần vì mong cha mẹ tôi được vui như một sự đền đáp của người con…” Nay ước gì được gặp lại anh ta, gặp linh mục tôi sẽ nói về đời sống Mỹ, “Trong nhà có một người con đi lính, không chỉ tốt cho bản thân người ấy sống có kỷ luật từ đó về sau mà còn tốt cho mọi thành viên trong gia đình về cách sống đơn giản nhưng thực tế của người lính, lối suy nghĩ không ích kỷ vì tinh thần đồng đội của lính rất cao, là nguồn gốc, căn bản hình thành nên nhân cách con người tới suốt đời. Những thành viên trong gia đình không ít thì nhiều đều thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt hơn khi suy nghĩ về những thay đổi chín chắn và độ lượng của th
Khi nghe bác sĩ nói thay tế bào gốc chúng tôi cùng thắc mắc có phải là tủy thích hợp từ người khác hiến tặng không? Nhưng bác sĩ giải thích là phương pháp mới bây giờ sẽ dùng ngay chính tủy tốt của bệnh nhân để thay vào. Tra Google thấy nói là THAY TẾ BÀO GỐC TỰ THÂN. Nghe ngộ ghê! Bác sĩ cũng nói thêm bệnh nhân phải chịu nhiều phản ứng phụ rất khó chịu vì phải hóa trị một liều thuốc rất mạnh để làm các tế bào xấu lẫn tốt tiêu hết mới đưa tế bào gốc vào. Trong khi đó xác xuất chỉ 70% thành công và khả năng từ 1 đến 7 phần trăm sau này có thể bị vướng 1 loại ung thư máu không chữa được. Còn nếu không thay tủy thì bệnh ung thư của Hoàng sẽ trở lại sớm hơn. Thôi thì cứ chọn thay tủy vậy, 70% là con số cũng lớn mà. Cứ hy vọng đi!
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất, về câu chuyện "ai đời mẹ ghẻ lại yêu thương con chồng!"
Nhạc sĩ Cung Tiến