Hôm nay,  

Lời Tạ Ơn Muộn Màng

25/11/202200:00:00(Xem: 3981)
            
                                                               
IMG_4710
Tác giả VVNM Đào Ngọc Phong.
                                 
 
Tác giả sinh năm 1941, dạy học từ năm 1964 đến 1975. Định cư tại Mỹ 1991 nay đã về hưu và sống tại Orange County, California.

*
 
LỜI NÓI ĐẦU : Tác giả xin được mạn phép trân trọng nêu tên thực của một số bạn hàng trong nghề bán vé du lịch vùng Little Sài Gòn, California, mục đích chỉ là bày tỏ lòng biết ơn đối với quí vị nhân mùa Lễ Tạ Ơn 2022. Bài này đã được viết vào năm 2021, năm nay xin được góp mặt trong mục VIẾT VỀ NƯỚC MỸ do Vietbao-Daily chủ trương từ hơn 20 năm nay.
             
Lễ Tạ Ơn năm nay, 2021, đã qua cả mấy tuần rồi, nhưng nghĩ lại, trước và trong ngày 25 tháng 11, mình chưa tạ ơn đủ với bao nhiêu người đã giúp đỡ, hỗ trợ mình vượt qua nhiều khó khăn, hoạn nạn trong suốt 30 năm sống trên đất Mỹ, từ 1991, năm đầu tiên dự Lể Tạ Ơn theo truyền thống Mỹ.
            
Con số chẵn 30, nhắc tới con số chẵn 400 kể từ khi những người Pilgrims cử hành Lễ Tạ Ơn đầu tiên vào tháng 11 năm 1621 tại thị trấn Plymouth, tiểu bang Massachusetts. Tôi thường tự hỏi cuộc vượt biển của 102 “thuyền nhân” trên con tàu Mayflower ngày 16 tháng 09 năm 1620 từ cảng Plymouth miền Nam nước Anh đến châu Mỹ có những điểm gì giống nhau và khác biệt so với những cuộc vượt biển của hơn bảy trăm ngàn người Việt Nam sau năm 1975 hay không?
            
Lần giở lại trang sử nước Anh vào thế kỷ 16-17. Vào năm 1534, vua nước Anh HENRY VIII cắt đứt quan hệ với Đức Giáo Hoàng La Mã. Vua trở thành giáo chủ của Giáo Hội Anh  (Church of England) mặc dù vua vẫn theo công giáo. Quyền uy của Vua là tuyệt đối. Tất cả những khuynh hướng tôn giáo khác đều bị coi là ngoại giáo mà tín đồ của họ bị ruồng bắt. Ngay cả triết gia Thomas More (1478-1535) từng là Đại Pháp Quan trong triều cũng bị vua chặt đầu khi ông từ chối ủng hộ Luật Tối Thượng (Act of Supremacy). Có hai khuynh hướng tôn giáo khác chống đối Giáo Hội Anh. Đó là phái Thanh giáo (Puritanism) chủ trương cải tổ những hình thức xa xỉ trong giáo hội; và phái Tin Lành Ly Khai Triệt Để (Radical Protestant Separatists). Tín đồ của giáo phái này phải lén lút hành đạo không theo những nghi thức của Giáo Hội Nhà Nước.
              
Năm 1608, dưới triểu vua James I (1566-1625), một số tín đồ phái Ly Khai trốn khỏi Anh tìm tự do tôn giáo tại Hòa Lan, xứ sở của tự do tư tưởng. Nhưng đời sống kinh tế nghèo khổ, cùng môi trường giáo dục quá phóng khoáng khiến nhóm này muốn di cư sang vùng thuộc đia mới ở châu Mỹ, nơi chua có một chính quyền áp đặt luật lệ , mà họ tin là sẽ hoàn toàn tự do thực hành tín điều của họ.
            
Họ trở về Anh, tìm bảo trợ tài chánh của công ty khai thác thuộc địa Virginia Company, lại được triều đình cho phép di cư lập thuôc địa tại châu Mỹ. Có tài chánh, họ mua tàu Mayflower và ngày 16 tháng 9 năm 1620.  Tàu khởi hành từ cảng Plymouth miền nam nước Anh. Hành khách trên tàu có 102 người, nhưng chỉ có khoảng 36 người là tín đồ phái Ly Khai, còn lại là những thương nhân hay những hạng người dân giả khác. Tín đồ Ly Khai tự đặt tên cho mình là SAINTS (những vị thánh), để phân biệt với những Strangers (những kẻ lạ).
            
66 ngày lênh đênh trên Đại Tây Dương, chịu sóng gió mưa bão bệnh tật, cho đến khi cặp bến Cap Cod (nay thuộc tiểu bang Massachusetts) vào ngày 21 tháng 11 năm 1620,với mùa đông vô cùng khắc nghiệt, số người sống sót chỉ còn một nửa. Họ vào đất liền tại một vùng đất mà họ đặt tên Plymouth để kỷ niệm bến cảng quê hương.                                                                                                                     
           
Đó là một vùng đất gần như bỏ hoang, vì nhũng bộ lạc thổ dân chết vì bệnh dịch trong thế kỷ trước. Vùng này vốn là nơi sinh nhai của bộ lạc Wampanoag. Qua năm sau họ được một thổ dân dạy cho cách trồng bắp, cách đánh cá, cách săn bắt thú rừng. Có sự sống chung hòa bình giữa di dân và thổ dân.
           
Vào khoảng tháng 11 năm 1621, lãnh tụ của nhóm Ly Khai là William Bradford quyết định tổ chức một Lễ Hội Ba Ngày Mừng Vụ Mùa đầu tiên. Khách mời là thổ dân Wampanoag.

Lễ Hội này là Lễ Tạ Ơn đầu tiên trong truyền thống văn hóa Mỹ. Ý nghĩa ban đầu là sự tỏ lòng biết ơn cùa những người nhập cư đối với dân bản xứ đã bao dung họ, giúp đỡ họ sống sót. Những người nhập cư này không mang tâm thức thực dân có ý bóc lột hay áp chế thống trị dân bản xứ.  Vì bản thân họ là những người trốn chạy sự áp chế, ruồng bắt .
            
Sau này các sử gia gọi những VỊ THÁNH là những MAYFLOWER PILGRIMS ( Những Người Hành Hương Của Con Tàu Mayflower). Di sản tinh thần quan trọng nhất của nhóm di cư nhỏ bé này là bản MAYFLOWER COMPACT (Bản Hợp Đồng) được ký kết bởi 41 “thuyền nhân” còn sống sót, hứa hẹn thiết lập một cơ chế chính trị tự quản dựa trên luật pháp công bằng và chính trực trong địa phận Plymouth. Các sử gia coi bản hợp đồng này là tài liệu sơ khai cho bản Hiến Pháp Hoa Kỳ sau này.
            
Di sản thứ hai là khát vọng tự do, muốn sinh sống, muốn tư tưởng, muốn thực hành tín ngưỡng theo ý mình mà không bị một chế độ độc tài chuyên chế kiểm soát.
            
Như vậy so sánh với những cuộc vượt biển của dân Việt năm 1975, tôi thấy rõ ràng khát vọng tự do sống trong một định chế dân chủ dựa trên luật pháp, không có một phe nhóm độc quyền nào, là động lực duy nhất thúc đẩy họ rời quê hương. Áp chế tư tưởng, tín ngưỡng, ngôn luận, nghiệp đoàn của chế độ mới sau 1975 chính là nguyên nhân chính của bao thảm kịch vượt biển.  
            
So với thời Mayflower, người vượt biển 1975 được gia nhập ngay vào một xã hội dân chủ vững vàng, ổn định, bao dung, kỹ thuật cao, không phải vất vả trồng bắp, đánh cá, săn bắn.  
Một số ít người trước 1975 đã từng du học ở Mỹ nên dễ dàng tìm được việc làm.
            
Riêng với cá nhân tôi, vào độ tuổi 50, với vốn tiếng Anh “đáng thương”, việc sinh kế quả là gay go. Ngôn ngữ là chìa khóa quan trọng nhất để kiếm được việc làm. Ngay từ tháng đầu thi lái xe đã vật lộn với tập sách hướng dẫn thi viết bằng tiếng Anh ( hồi đó 1991 chưa có bản tiếng Việt), lại bị chứng cận thị 8 độ với cặp mắt kiếng cũ mèm khiến bị rớt thực hành mấy lần.
            
Những ân nhân giúp tôi vượt qua bước đầu về ăn ở không ai khác là các anh em trong gia đình, vượt biển từ những năm 76,80, đã ổn định đời sống. Hàng năm vào dịp Lễ Tạ Ơn, gia đình tôi đều gởi lời tri ân đến các cô chú.                             
             
Làm sao tìm được việc làm? Bất ngờ liên lạc được với một anh bạn thân học từ lớp đệ thất ngoài Bắc trước 1954. Anh bạn giới thiệu đi thi vào một Dưỡng Trí Viện đang tuyển một số chuyên viên có chút kiến thức tâm lý học để chăm sóc bệnh nhân. Ban giám khảo gồm bốn người lần lượt đặt câu hỏi, mà mình như vịt nghe sấm có hiểu gì đâu; nhưng uống thuốc liều, chỉ dựa vào một hay hai từ nghe được, là cứ nói theo ý nghĩ của mình, bằng cái giọng tiếng Anh cà cộ, phát âm theo Pháp ngữ nhiều hơn, bởi vì hồi nhỏ học theo quí thày từ hồi Pháp thuộc. Đúng là điếc không sợ súng, nói ẩu mà thôi.
 
               
Một năm trôi đi, bỗng một hôm nhận được giấy của Dưỡng Trí Viện gọi trình diện.
Mình tự hỏi không hiểu sao lại được gọi; có lẽ ban giáo khảo chấm đậu vì cái… “liều lĩnh bất bình thường giống các bệnh nhân” chăng? Đến nay tôi vẫn tri ân anh bạn tốt, và chúng tôi thường đi ăn uống với nhau trong lúc về hưu rảnh rỗi.
              
Khi sửa soạn hồ sơ nhận việc tại Dưỡng Trí Viện, bất ngờ tôi được một “job” trong văn phòng du lịch tư Voyages Sai Gòn tại trung tâm Little Sai Gòn.  Và kể từ đây nghề bán vé du lịch, dẫn tours du lịch kéo dài 15 năm cho đến khi về hưu, với nhiều ân nhân mà tôi vẫn luôn ghi nhớ nhưng chưa bao giờ nói lời tạ ơn.
            
Mặc dù muộn màng, nhưng “có còn hơn không”, để cho lòng không bị vướng mắc. Sau  khi nghỉ hưu năm 2006, tôi đã tính viết những mẩu chuyện dưới nhan đề “Vui Buồn Nghề Lám Du Lịch”. Vậy mà lần lữa, năm này qua năm khác, không sao đặt bút viết được. Rất nhớ những bạn hàng dễ thương quanh vùng Little Sài Gòn, những vị khách đã từng đi trong những tours du lịch Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông, Philippines mà mình làm hướng dẫn viên (tour guide).  Đôi khi bất ngờ gặp một vài bạn hàng trong quán cà phê, quán phở, siêu thị…tay bắt mặt mừng; mừng vì sau 15 năm làm ăn trong thương trường, tình cảm thân ái đã không bị tổn thương vì những cạnh tranh trong nghề nghiệp không thể tránh khỏi.  Tôi mạn phép nêu tên quí vị chỉ để tỏ lòng tri ân về sự cộng tác ân cần đã giúp nhiều cho việc kinh doanh của Voyages Saigon.                                                                                                                    
           
Có lần trong Costco gặp lại anh chị Hân trước kia làm chủ văn phòng Hân Sài GònTravel lâu năm trên đường Brookhurst.  Anh chị vẫn vồn vã chào hỏi, thật là cảm động. Mình nhớ hồi đi Pháp về, anh chị cho lon cà phê Paris mà đến nay mình vẫn giữ lại cái lon trống.  Một lần khác trong một quán bún bò Huế gặp em Judy chủ văn phòng du lịch Judy Travel góc đường Bolsa-Ward. Judy vẫn tươi tắn ân cần chào hỏi anh chị Phong Annie. Lại trong một tiệm phở bất ngờ gặp hai vợ chồng Minh Khánh chủ văn phòng du lịch Four Seasons Travel. Hai em đều thật dễ thương, rất giỏi bán tour du lịch quốc tế, đến nay, 15 năm rồi thỉnh thoảng mình vẫn còn liên lạc.

Một bất ngờ thú vị, mới đây đi viếng tang một người bạn mới qua đời tại nhà quàn Peek Family, nhận ra ngay em Đức chủ văn phòng du lịch Star Travel, vợ là Tina Trang từng hát trong ban Ngàn Khơi. Hóa ra Đức trước kia là học trò của người quá cố tại trường trung học Kiến Phong, đến đây giúp cô giáo lo việc tiếp khách. Tình nghĩa thầy trò mấy chục năm không phai.
              
Trên email, Annie bất ngờ thấy một địa chỉ lạ, gọi điện thoại mới hay đó là chị Thanh, chủ văn phòng du lịch Holidays Travel trên đường Westminster. Chị Thanh mở văn phòng trước mình nhiều năm, là tay kỳ cựu giỏi giang trong nghề. Chị Thanh đã về hưu, nhắc chuyện xưa khi Phong đến giao visa hàng tuần có kèm theo hộp kẹo gương mà chị ưa thích.  
            
Gặp lại Simone Nga, chủ AV Travel trong một buổi sinh hoạt tại tòa soạn Việt Báo. Simone vừa bán vé vừa tổ chức nhiều tour du lich châu Âu rất thành công. Một dịp khác gặp Dũng, chủ văn phòng du lich World Vision trên đường Edinger; gặp anh Hùng, Tina chủ Cali Net World trong một lễ Phật Đản…Kevin của Skyliner Travel thì nhiều lần vẫn book vé cho Annie đi Srilanka, Bhutan. Anh Thanh và Ms. Christine, chủ văn phòng 99 Travel đối diện Phước Lộc Thọ vẫn là hàng xóm từ mấy chục năm nay.
            
Còn nhiều bạn hàng Phong và Annie không gặp lại nhưng vẫn nhớ với lòng trìu mến, như cô Vicky của Coslo Travel; cô Hồng và hai em Phước-Maggie của World Paradise; cô Ánh chủ LA Travel; chị Tuệ, cô Hòa của Blue Sky Travel; hai vợ chồng cô Nga chủ Phước Hạnh Travel;
Cô Lee chủ Pleasant Travel; cô Phượng chủ USA Travel trong khu Siêu thị Phát Tài cũ;
các cô chủ của Happy Travel, Le Travel….
            
Hai năm trước có việc về Việt Nam mình nhớ ngay đến Hwa-Hwa Travel trên đường Bolsa, luôn luôn có giá Eva đặc biệt. Gặp lại Jimmy, Annie, Hương, có tay nghề giỏi, kiên nhẫn bám trụ nghề du lịch, vẫn vui vẻ chào đón mình .
            
Có lần trong một tiệc cưới, bỗng có người đập vai hỏi anh chị còn nhớ tôi không? Giật mình quay lại hóa ra chị Giang Minh Nguyệt, chủ văn phòng du lịch Bon Voyage trong khu Liberty Square, góc đường Bolsa-Brookhurst. Chị Nguyệt lăn lộn trong nghề du lịch lâu lắm rồi, có thể coi là một cao thủ. Lúc nào chị cũng nhanh nhẹn hoạt bát. Từng là bạn hàng trong bao năm, gặp lại chị vui biết mấy. Văn phòng của chị ở một góc tòa cao ốc nhìn ra tiệm bùn bò Vỹ Dạ, sau sang tên cho Chương. Văn phòng của chúng tôi, Annie và Phong ở cùng tòa cao ốc góc bên kia, với bảng hiệu VOYAGES SÀI GÒN đối diện Cơm Tấm Thành. Trước đó Chương là nhân viên bán vé của Voyages Saigon, luyện được tay nghề book vé nên bước ra làm chủ.
            
Bước dầu mở văn phòng Voyages Sài gòn thật nhiều gian nan. Làm sao sống sót (survive) được trên đất Mỹ với những người nói tiếng Anh ú-ớ lại dám đâm đầu vào làm du lịch? Tôi nhớ có lần mới qua Mỹ được một tuần, vào siêu thị Mỹ hỏi mua bánh sandwich; mình phát âm kiểu “nhà quê” thế nào mà cô bán hàng không sao hiểu được, cho đến khi bất ngờ thấy bánh trên quầy chỉ cho cô ta thấy, thí cô cười phá lên nói ông phát âm sai. Cô nói lại, mình mới hiểu, chỉ cần không nhấn mạnh một vần là người Mỹ không thể hiểu được. Tiếng Mỹ như vậy làm sao “deal” trên điện thoại với khách hàng? Nói trực diện còn khó nghe, huống hồ qua điện thoại?
            
Nhưn, như người lính mới từ quân trường ra mặt trận, lúc đầu nghe tiếng súng là run, nhưng sau đó càng ngày càng gan lì. Cửa tiệm đã mở rồi, phải chiến đấu thôi.
            
Số là, cô em ruột của Kim Anh (Annie) là Phùng Kim Vy vốn làm chủ một văn phòng du lịch bên Montreal hiệu Saigon Tours Canada từ năm năm trước, 1987. Kim Vy có óc kinh doanh lớn, từ lâu muốn mở một chi nhánh bên Mỹ, nhưng chưa có ai tin cẩn giao phó. Khi gia đình tôi qua Mỹ vào tháng 7-1991 thì Kim Vy bắt tay vào việc liền. Tháng 9 Kim Vy bay qua mướn luật sư làm thủ tục mở kinh doanh, mướn văn phòng, treo bảng hiệu, trang bị bàn ghế, máy móc, lập trương mục ngân hàng, in bướm quảng cáo (fliers). Tôi còn nhớ lúc ấy cả gia đình tôi bốn người, Kim Anh và hai cháu Phương Nghi, Hồng Quân đem những tờ quảng cáo ra sân sau Phước Lộc Thọ gài trên cửa kính xe hơi, bị nhân viên an ninh (security) đuổi chạy có cờ; đành phải đi rảo các chợ, cửa hàng, cửa tiệm ăn trao tận tay khách. Hình như lúc ấy chỉ quảng cáo trên nhật báo Người Việt và tờ tuần san Chí Linh do ký giả Trọng Viễn chủ trương.
            
Lúc đầu chỉ có hai người điều hành là Kim Anh và Trần Chính mới từ Việt Nam qua. Chính đã từng làm cho văn phòng Sàigòn Tours ở Sài Gòn do chị Phùng Kim Yến, chị cả của Kim Anh, làm chủ, mở từ năm 1988 khi chế độ cộng sản Việt Nam theo gương cộng sản Trung Hoa mở cửa, làm nhà thầu cho chế độ tư bản đem công nghệ vào nước với nhân công rẻ.
          
Văn phòng Saigon Tours chuyên lo đón khách nước ngoài đi những tours trong nước từ Nam ra Băc. Trần Chính vốn học trường Pháp từ nhỏ nên rất giỏi tiếng Pháp, hướng dẫn nhiều tours khách ngoại quốc nên có nhiều kinh nghiệm. Khi Chính qua Mỹ năm 1992 thì vừa đúng lúc Kim Vy mở Voyages Saigon. Trong ba tháng đầu, công việc còn ít, khách chưa nhiều, chỉ cần hai người làm việc. Trong thời gian này tôi đi tìm nhiều việc khác, từ việc ráp máy vi tính loại để bàn, đến việc thi vào sở công chánh Caltrans, thi vào nhà thương điên….
            
Cuối năm 92 khách đông dần, hai người làm không xuể. Phong phải phụ Kim Anh trông coi cửa tiệm. Mà mình có bao giờ biết “book” vé bằng máy vi tính đâu? Mới chỉ tập đánh “keyboard” vài tháng nay khi đi học ESL buổi tối nghe người Mỹ nói cho quen tai.
            
Công việc của văn phòng du lịch lúc bấy giờ là “book” vé quốc nội, quốc ngoại, làm visa về Việt Nam. Muốn book vé trên vi tính, phải học những công thức trong một cuốn sách dày 500 trang. Thế là mỗi đêm về, tôi chúi mũi nghiên cứu, lọc ra mấy trăm công thức thực dụng ghi thành một cuốn chỉ nam để trước mặt khi book vé. Thí dụ vé từ Los Angeles đi Houston chẳng hạn, từ ngày nào, giờ nào, một chiều hay khứ hồi, bao nhiêu khách. Mỗi thành phố có một ký hiệu riêng, thí dụ Los Angeles có ký hiệu LAX, San Jose có ký hiệu SJC. Không thuộc những ký hiệu này, không thể book vé. Mỗi vé book cho hãng máy bay nào, như Delta, American Airlines,
đại lý được hưởng hoa hồng 10 phần trăm. Nếu một ngày mình bán được 5000 tiền vé thì mình được 500.   
            
Book được chuyến bay là một chuyện, nhưng in được vé ra cho khách mới là quan trọng. Chỉ những đại lý nào gia nhập Hội ARC (AIRLINE REPORTING CORPORATION) mới được phép in vé. Voyages Saigon chưa được gia nhập ARC nên bắt buộc phải nhờ một đại lý có ARC in vé. Hồi đó ở Little Sai Gòn có ba văn phòng kể là lớn, hoạt động từ lâu có ARC mà những văn phòng nhỏ mới ra lò phải nhờ in vé. Đó là văn phòng GTT, C&H, Five Oceans Tours. Phong và Annie đều rất quen thân và rất quí các nhân viên làm trong các văn phòng này như anh Dũng, cô Phụng, cô Maggie, cô Quỳnh Như ở GTT; cô Cindy ở C&H; cô Vivian Tsai, Cẩm Tsai…ở Five Oceans Tours.
            
May mắn là ngay sát bên có văn phòng du lịch Trần’s Travel có ARC, nên việc in vé dễ dàng nhanh chóng. Anh chị Trần Long, chủ Trần’s Travel thật dễ mến, mặc dù trên nguyên tắc thương mại ở Mỹ không thể có hai cơ sở gần nhau mà kinh doanh cùng mặt hàng. Trong khu thương mại Mỹ, nguyên tắc này được tuân thủ đúng luật; nhưng khu Việt Nam thì coi như pha.   Chủ đất chỉ cần có người thuê, không cần biết kinh doanh ngành gì. Trong việc cạnh tranh giành khách hàng dễ đưa đến những giận hờn ghen ghét, nhưng anh chị Long lại hết sức “nice”, giúp đỡ Phong, Annie rất nhiều trong việc in vé.
                
Anh Long từng là một trong những người chủ xướng lập hội tương trợ ngành du lịch ở Orange County. Tiếc rằng anh Long vắn số ra đi sớm, để lại bao luyến tiếc cho những đồng nghiệp. Chị Long vẫn “kiên cường” bám trụ cho tới bây giờ với sự cộng tác nhiệt tình của các cô Linda, Quyên…. Trần’s Travel nổi tiếng với vé về VN giá rẻ của đường bay Đại Hàn Asiana Airlines.
            
Nhận thấy nhiều bất tiện trong việc in vé, Kim Vy nỗ lực vận động gia nhập ARC, và năm sau đã được chấp thuận. Tôi phải lên Los Angeles học một khóa để văn phòng chính thức được công nhận quyền in vé. Máy in vé và những xấp vé được ARC chở tới, và hàng tháng Annie phụ trách làm bản tường trình số lượng vé bán.
            
Việc tự in vé nội địa tạm ổn, nhưng vé về Việt Nam thì bắt buộc phải qua GTT, C&H, Five Oceans Tours.  Mỗi công ty mạnh về một hãng. GTT mạnh về hãng Eva Airlines của Đài Loan, C&H mạnh về hãng Cathay Pacific của Hongkong; Five Oceans mạnh về hãng China Airlines của Đài Loan.
            
Voyages Saigon được Five Oceans Tours cho một cái “deal” tốt là được giành trước một số chỗ vào dịp Tết về đường China Airlines ( gọi là blocked seats ), không phải vất vả xin chỗ tới lui; lại còn đước một vé “tặng không” nếu bán được 15 vé; hơn nữa, thỉnh thoảng được thưởng một chuyến du lịch 10 ngày miễn phí gọi là “Fam Trip”, như đi Hong Kong, Taipei, Manila , Bangkok. Tôi đã từng tham dự một chuyến Fam Trip Los-Hongkong-Manila rất thú vị.
              
Cô Vivian Tsai cũng cho Voyages Saigon được quyền phát hành vé VN chặng Taipei, Hongkong, Singapore về Saigon. Nhưng sau này Minh Travel có độc quyền in vé CI-VN ở Little Saigon nên Voyages Saigon mất cái quyền này.
              
Về việc tổ chức các tours, Vivian hợp tác với Voyages Saigon mở các chuyến tours nội địa ngắn ngày như đi San Francisco, Grand Canyon, Las Vegas, Lake Tahoe…
                          
Đại Hàn có hai hãng, Korean Airlines của nhà nước và Asiana Airlines của tư nhân. Asiana thường được khách hàng chiếu cố vì giá rẻ nhất tuy thời gian bay dài hơn.
            
Công việc của văn phòng du lịch VN bận rộn và căng thẳng nhiều với vấn đề xin chỗ của các hãng nhất là gần Tết, vấn đề visa của khách có bị nhà nước cộng sản từ chối hay không. Nhiều trường hợp tức cười, vé đã có mà visa chưa có, lý do khách bị tòa đại sứ VN cấm nhập vì hoạt động chống phá nhà nước, trong khi khách là một bà cụ “hiền như Bụt”. Văn phòng vất vả gọi tòa đại sứ tới lui mới được xác minh là trùng tên! Khuya nay ra phi trường mà gần chiều tối mới được cấp visa. Hú vía! Vì nếu không, phải hoãn chuyến bay thì văn phòng phải đền tiền vé “sặc gạch”. Lời một vé khoảng 30 đồng mà đền cả mấy trăm đồng. Cho nên bán vé nội địa là sướng nhất.
            
Sau 1995, Mỹ và VNCS thiết lập bang giao. Số lượng khách về VN tăng vọt. Người tỵ nạn VN từ những năm 1975 phần lớn đã có đời sống ổn định, kinh tế vững vàng, muốn hưởng thụ, nên nhu cầu du lịch thế giới của họ cũng tăng lên. Trần Chính bàn với Phong Annie lập kế hoạch tổ chức các tours để mở rộng địa bàn kinh doanh. Phân công Trần Chính chuyên lo các tours đi Nhật và Âu Châu; Phong chuyên lo các tours Đông Nam Á, kết hợp du lịch VN.
            
Nguyên tắc là đi tour địa phương nào thì phải có công ty du lịch đia phương yểm trợ vì họ biết rõ những địa điểm du lịch cũng như những tiệm ăn ngon. Trần Chính phải tìm những công ty địa phương ở Trung Hoa, Nhật, Pháp, Nga……Phong phải tìm những công ty ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hongkong, Phillipines…Riêng ở VN đã có công ty nhà là Sài Gòn Tours của chị Phùng Kim Yến.
            
Cuối năm 1996, Voyages Saigon hợp tác với đài Radio Bolsa phát thanh hàng tuần quảng cáo các chương trình du lịch với tiêu đề SỐNG VUI VÀ DU LỊCH. Cô Minh Phượng xướng ngôn viên của đài là người đặt những câu hỏi cho Chính hoặc Phong liên quan đến một chương trình tour. Với giọng trong trẻo, lưu loát, duyên dáng hấp dẫn người nghe, Minh Phượng đã làm cho chương trình Sống Vui Và Du LịCh càng ngày càng có nhiều thính giả theo dõi, và đến ghi tên các chuyến tours.
            
Thường du lịch Âu châu một năm có nhiều chuyến đi ba vùng Tây Âu, Đông Âu và Nga; du lịch Đông Nam Á một năm ba chuyến. Sau mỗi chuyến đi, Trần Chính lên đài kể lại thành một bài thuyết trình rất hấp dẫn; còn Phong thường viết lại thành ký sự du lịch đăng trên Tạp chí Chí Linh hay nhật báo Viễn Đông….
            
Số lượng du khách tăng lên thì công việc càng nhiều áp lực (stress). Phải mướn thêm nhân viên; các cô Hảo, Thu Hằng, Eva, Chương.là những cộng tác viên rất hiền lương và tận tụy với văn phòng.
            
Các tours Đông Nam Á, Phong thường tổ chức theo công thức: chẳng hạn 4 ngày 3 đêm ở Singapore, về Sài Gòn hay Hà Nội 4 ngày 3 đêm. Khi về Việt Nam, có những khách ở lại thêm ít ngày với gia đình, sẽ trở về Mỹ riêng; còn lại, các du khách sẽ về chung theo đoàn trên cùng chuyến bay.
            
Trong mỗi chuyến đi, sau khi đã ổn định chỗ nghỉ ngơi cho đoàn trong những khách sạn cao cấp, tôi một mình lang thang trên những phố xá Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hongkong,  độc ẩm trong những quán trà, cà phê, nghe âm nhạc mỗi xứ một khác, ngôn ngữ mỗi dân tộc một khác, thực phẩm mỗi nền văn hóa một khác…trải nghiệm đời mình như một lữ khách không quê hương, cô đơn trong một khối nhân loại xa lạ. Mình đâu có dùng tiếng Việt mẹ đẻ để hỏi han người bản xứ được. Trớ trêu thay! Khi trở về đất Việt với người Việt, mình lại không thể nói tiếng Việt theo cảm hứng hay theo cảm nghĩ riêng; nói đùa, nói tếu, nói hớ một tiếng giữa chợ, trên đường phố, trong quán ăn có thể bị tóm, không về Mỹ được, bỏ đoàn bơ vơ.  
            
Có lần từ một khách sạn, tôi vẫy một xe xích lô ra hồ Hoàn Kiếm. Tôi ước tính đường xa chắc phải trả 10 đô la. Ông phu xe mặc quần áo tồi tàn đạp chiếc xích lô cũ kỹ, ghế ngồi không có nệm, chỉ vài thanh gỗ đen xỉn.Ông nói :  “Xin ông cho con năm chục ngàn”. Tôi sững người vì hai điểm; giá quá rẻ chỉ hơn hai đô la; tại sao ông ta lại xưng “con” với tôi?
            
Trông nét mặt ông ta chỉ khoảng 50 tuổi là cùng; không lẽ tôi già quá chăng? Hồi đó tôi mới chỉ hơn sáu mươi. Theo kinh nghiệm cảnh giác, tôi yên lặng ngồi xe không hỏi han gì trên đường đi. Biết đâu ông ta là một công an chìm đóng vai phu xe theo dõi những người từ nước ngoài về, nhất là từ Mỹ. Khi xuống xe, tôi lịch sự cám ơn và trả ông ta mười đô la. Trên gò má cao khắc khổ, tôi bỗng thấy hai dòng nước mắt chảy xuống. Tôi hối hận đã nghi oan ông ta là công an. Ông ta là một đồng bào của tôi, sống cùng khổ giữa một thành phố đầy khách sạn huy hòang tráng lệ. Tôi không dám hỏi han thêm, chào ông và bước đi trong lòng cảm thấy như phạm một tội gì.
            
Chỉ khi trở về với đoàn, mới thấy tiếng Việt hay thật, làm mình như trở về quê hương đích thực; du khách trong đoàn hôn nhiên hỏi thăm nhau tíu tít, ai đã ăn uống món đặc sản này chưa, đã coi “show” hấp dẫn nọ không….Sau một chuyến đi, nhiều du khách đã trở nên những bằng hữu thân thiết. Phong xin tri ân tất cả quí du khách đã đi với Voyages Saigon bao nhiêu lần tours, đã thông cảm cho những khuyết điểm trong việc tổ chức, về vấn đề ăn uống nghỉ ngơi…
            
Năm 1998, chị Tuệ, chủ Blue Sky Travel sang tiệm cho Voyages Saigon. Phương Nghi (Natalie) đứng ra điều hành trong hai năm rồi sang lại tiệm cho cô Hòa. Từ năm 2000 đến nay  cô Hòa rất thành công trong việc kinh doanh du lịch dưới bảng hiệu Blue Sky Travel trên đại lộ Bolsa-Trần Hưng Đạo
 
                                                ***********************
            
Khoảng đầu năm 1999, Mạng Lưới Quốc Tế ( Internet ) đã đưa việc kinh doanh du lịch vào máy vi tính. Bất cứ ai biết dùng máy vi tính đều có thể tự tìm vé trên mạng và trả tiền thẳng cho hãng máy bay. Thế là số lượng khách hàng của các văn phòng du lịch giảm đi nhanh chóng.
Phần lớn người Mỹ biết dùng máy vi tính tự book vé nên nhiều văn phòng du lịch do người Mỹ làm chủ phải đóng cửa. 
             
Trong cộng đồng người Việt vùng Little Saigon, lớp trẻ tự book vé được; chỉ còn một số khách cao niên không biết dùng máy vi tính, phải nhờ các văn phòng du lịch làm vé thôi; nhưng tiền hoa hồng 10 phần trăm không còn; các văn phòng phải xin khách hàng lệ phí book vé. Dần dần chẳng cần in vé thành một tờ cứng do máy in vé ngày xưa nữa; khách chỉ cần biết số hiệu của vé là ra phi trường được. Thành ra lợi tức của các văn phòng du lịch Việt Nam thời kỳ này thật khốn đốn. May là còn bán vé về Việt Nam, sống qua ngày. Nhiều văn phòng du lịch phải bán kèm các dịch vụ khác như bảo hiểm, làm công chứng, di trú, chuyển tiền…Ngược lại, bán vé du lịch bây giờ không còn là chuyên môn của các văn phòng du lịch nữa. Nhiều văn phòng chuyên bán bảo hiểm chẳng hạn cũng kèm theo bán vé du lịch, vì dùng vi tính quá dễ dàng. 
            
Có thể nói, đối với các văn phòng du lịch nói riêng, “Intenet” là một mối “nhân họa” hút bao nhiêu du khách lên mạng; còn đối với ngành du lịch nói chung bao gồm các hãng hàng không, các hệ thống khách sạn thì đại dịch Covid-19 là mối tai họa trời giáng.
            
Voyages Saigon còn trông cậy vào những chuyến tours, nhưng phải giảm số nhân viên.
Sự căng thẳng do áp lực công việc đã làm cho Annie ngã bệnh, phải chữa trị suốt hai năm ở nhà, sức khỏe suy giảm từ đó. Về phần tôi cũng vậy, từ năm 2000 trở đi bỗng bị chứng ợ nóng (Heartburn hay Acid Reflux ) khiến cho việc dẫn tours đi nước ngoài thêm khó khăn. Ra nước ngoài ăn đồ lạ là bị liền, vì thế các chuyến tours Đông Nam Á giảm dần cho đến năm 2003 thì bỏ hẳn.
            
Cuối năm 2004, Phong và Annie giã từ nghề làm du lịch, nhường văn phòng Voyages Saigon cho Trần Chính làm chủ, dời đi địa điểm khác, tiếp tục tổ chức những chuyến tours châu Âu rất thành công cho đến nay. Văn phòng cũ đóng cửa, nhường chỗ cho Trần’s Travel của chị Long từ trên lầu xuống. Kim Vy chuyển sang kinh doanh khách sạn từ mấy năm trước, mở khu nghỉ mát THE CLIFFRESORT tại Mũi Né, Phan Thiết, thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài.
            
Mười lăm năm lăn lộn trong nghề du lịch giữa xã hội Mỹ với biết bao vui buồn. Nhưng trong lòng Phong và Annie vẫn quí mến và tri ân tất cả các bạn hàng và những vị khách đi tours
            
Nói vui buồn, mà không nói vinh nhục; bởi vì làm gì có “vinh”, nhưng nhẫn nhục thì có. Những trường hợp vé, visa không về kịp, khách ra phi trường không có chỗ, đi tours ăn uống không ngon miệng…..là phải bị khách “chửi nát mước”; một vé chỉ lời vài chục…..Kiếm được một đô la bằng sinh kế lương thiện ở Mỹ không dễ dàng như kiếm một triệu đô la bằng cách bán người, bán rừng, bán đất, bán biển…
            
Có lần một thanh niên chừng 25 tuổi đến lấy vé theo hẹn, nhưng vì gần Tết xin chỗ khó khăn, vé không về kịp. Cậu ta bèn chửi thề trước mặt Annie; Phong ngồi trong nói “Cháu không nên nói năng bất lịch sự với phụ nữ như thế”. Bất ngờ cậu ta chỉ mặt Phong: “Lão già kia muốn gì mà xía vô?” Annie phải nhỏ nhẹ xin lỗi mãi mới đi.
            
Mỗi lần “bị “như thế, Phong thường tự nhủ “Vẫn còn hơn là chăm sóc bệnh nhân trong dưỡng trí viện”, “Chửi như vậy còn nhẹ, sao bằng trong trại cải tạo?”.
            
Con người cạnh tranh nhau để sinh tồn trong năm môi trường: tình trường, thương trường, chính trừơng, quan trường, chiến trường. Trong trường nào cũng có kẻ thắng người thua. Kinh doanh dịch vụ du lịch không thoát khỏi quy luật cạnh tranh. Một vé chênh nhau 5 đô la cũng khiến khách bỏ văn phòng này sang văn phòng khác. Trong dịch vụ cung cấp visa về VN, có nhiều văn phòng cạnh tranh nhau hạ giá visa đến độ gần như lỗ vốn…Voyages Sai Gòn và Phoenix là hai công ty lớn cung cấp visa; tuy có sự cạnh tranh để lấy visa từ các văn phòng du lịch, nhưng chẳng bao giờ mất hòa khí. 
            
Tất nhiên việc tổ chức các tours Nhật, châu Âu cũng có sự cạnh tranh. Ngoài Voyages Saigon với Trần Chính, còn có AV Travel với Simone Nga, rồi sau này có ATNT Travel với Trần Nguyên Thắng đều rất thành công; nhưng ai có khách của người nấy, không có chuyện tiêu cực xảy ra. Đó chính là nhờ cộng đồng tỵ nạn Việt Nam tại Mỹ đều ngầm hiểu phải tương trợ, tương nhượng nhau mà sống.  Mình phải tự lực sinh tồn; đã là tỵ nạn thì làm sao được chính quyền bản quốc hỗ trợ được như những cộng đồng Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan….?
            
Nhân mùa Lễ Tạ Ơn 2021, 400 năm sau lễ đầu tiên của những người Mayflower Pilgrims (Những Người Hành Hương trên chuyến tàu Mayflower), tôi xin gởi đến cộng đồng tỵ nạn Việt Nam tại Mỹ nói riêng, nước Mỹ nói chung lời tạ ơn chân thành đã hỗ trợ cho chúng tôi được hành nghề sinh sống lương thiện, được sinh hoạt tự do về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần.
 
           
Lời tạ ơn nói ra tuy muộn màng nhưng thật ra vẫn ấp ủ trong lòng từ 30 năm rồi. Những thuyền nhân Mayflower xưa kia đã viết thành văn bản hiến pháp sơ khai Mayflower Compact cho nước Mỹ. Còn cộng đồng tỵ nạn Việt Nam, tuy không cùng nhau viết thành văn một bản hiến pháp nào, nhưng đã “sống một bản hiến pháp bất thành văn”, phù hợp với những giá trị nhân bản, sống cùng nhau với lòng từ ái, khoan dung, hiểu biết.
                                                                                                
Đào Ngọc Phong                                                                                
California ngày 10 tháng 12 năm 2021
 
NGUỒN THAM KHẢO :
-Internet : MAYFLOWER 400
-Internet : HISTORY.COM
-Internet : WIKIPEDIA
-Book   : WORLD HISTORY-Perspectives On The Past—Editor : D.C Heath and Company-1992-USA           
           
 

Ý kiến bạn đọc
29/11/202201:36:24
Khách
Bài viết cho thấy tác giả là người có trí nhớ cực tốt thêm vào sự thông minh nên tuy có trở ngại về Anh ngữ, nhưng vẫn thành công trong lãnh vực du lịch.
Văn phong rõ ràng nên tuy có nhiều chi tiết nhưng vẫn gây hứng thú cho độc giả như tôi .
Một bài viết hay làm thỏa mãn sự hiếu kỳ, tò mò về hoạt động thương mại của những cơ quan du lịch tư nhân .
25/11/202219:30:43
Khách
Kính chúc bác Phóng Dao một mùa lễ bình an, gia đạo thuận hoà và sức khẻo dồi dào để kể chuyện hay hơn ông Nguyễn Ngọc Ngạn. Phan nghỉ lễ Tạ ơn năm nay hơi kỹ, tới chín ngày nên có thời gian ngồi đọc một số bài viết của qúy thân hữu. Đặc biệt bên Calif thì nhà anh chị là chỗ ngủ, chỗ ăn, chỗ tắm cho Phan khi có lệnh triệu tập của bác Từ. Nếu không nói tới chỗ dựa tinh thần thì thiếu xót sau khi công khai chỗ dựa ăn nhờ ở đậu.
Bác Phong nói thật lòng mình một lần làm Phan thấy nhẹ nhõm dùm bác. Trong đời sống, kiếm sống đã khó, sống ơn nghĩa càng khó vì người Việt hầu như ngại miệng khi phải nói ra... người tây phương hôn nhau ngoài đường và không tè cột đèn, trong khi...
Cảm ơn bác Phong đã cho Phan quà lễ Tạ ơn năm nay thật ý nghĩa. Đa tạ bác nhiều.
Phan
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,584
Vừa mới nghe đến câu “lông cá (vảy cá hoặc da cá) mượt như lông mèo” thì Cô không biết phải cười hay khóc. Cười thì có vẻ là vô tâm, là cười cợt sự giới hạn trong ngôn từ và sự trải nghiệm thực của bé trai này. Còn khóc, có vẻ như những đứa trẻ ngồi trước mặt sẽ ngơ ngác không hiểu tại sao. Một thiếu sót trong lối giáo dục ít cho trẻ trải nghiệm thực tế với các sự vật, các em chỉ nghe thầy cô miêu tả trong giờ học hoặc nghe cha mẹ kể sơ qua mọi thứ đang diễn ra ở thế giới xung quanh. Và cái kết là các em gắn đặc điểm của thứ này với thứ kia trong văn miêu tả. Hầu hết các cha mẹ có con em khiếm thị ở Việt Nam, họ phải tần tảo kiếm cơm, áo, gạo, tiền lo cho cuộc sống và gần như không còn điều kiện để đồng hành sát sao, tìm hiểu các phương pháp và tiếp cận lối giáo dục đúng cách để giúp con hiểu mỗi vấn đề một cách tường tận.
Cuộc sống vốn đã bận rộn, thời gian làm việc, học tập, nghỉ ngơi còn không đủ thì có đâu rảnh rỗi để ngắm nhìn và trò chuyện cùng hoa! Chưa kể ở thời đại @ này: Facebook, Youtube, Twitter, Tiktok, Viber, Instagram … quá hấp dẫn, đã lấy đi một quỹ thời gian đáng kể của rất nhiều người rồi còn gì?! Người ta ăn, ngủ và làm việc bên cái cellphone của mình gần như 24/24 là chuyện khá bình thường hiện nay. Ở bất kỳ nơi nào từ gia đình cho đến trường học, công sở, phòng gym, bệnh viện… thậm chí trong khi đang lái xe người ta vẫn không ngừng nhắn tin cho nhau! Nghe đâu có nhiều người sau khi nằm xuống còn được con cái chôn theo cái cellphone để… bầu bạn!
Nhạc sĩ Cung Tiến