Hôm nay,  

Nợ Văn Thơ

22/08/202215:50:00(Xem: 2252)

Tác giả lần đầu tiên tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình Người Hoa Nở.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.


*

Tôi qua Mỹ mùa Noel năm 1985 bắt tay vào công việc, tối mặt tối mày bận rộn vì đã giẫm chân theo cuộc sống nơi đây, nợ nhà nợ xe thì phải cày cuốc theo lẽ tự nhiên thôi, thời gian này chẳng cần biết gì, thích gì ngoài giấc ngủ.

Cuộc sống lao theo đời cơm áo, những thú vui và niềm đam mê hình như bị chôn vùi trong chiều sâu của tâm hồn. Năm 2014 người chị tên Xuân Ba cựu học sinh trường Thành Nội sinh sống bên tiểu bang New York, bỏ công tìm kiếm học trò trường năm xưa để tổ chức họp mặt, thật quý hoá khi bà hiệu trưởng Tôn nữ Tiểu Bích đang định cư thành phố Sacramento thuộc miền Bắc tiểu bang California.

Thời gian này tôi cũng tạm gọi ổn định nhà cửa không đến nỗi lo xoắn ruột như bước đầu. Gặp lại bạn bè, Thầy Cô như được quay về thời hoa mộng, được tắm lại dòng sông xưa êm ả, niềm đam mê về thi phú bừng lên mãnh liệt như ngày xưa từng mê đọc thơ Đinh Hùng, Quang Dũng, Lưu trọng Lư, Hàn mặc Tử, Huy Cận, Thế Lữ, Tế Hanh...v...v... Ngoài ra còn mê đọc văn chương của Tự Lực Văn Đoàn, Vũ Khắc Hoan, Dương Nghiễm Mậu, Trùng Dương, Mai Thảo, Chu Tử, Tuý Hồng, Nhã Ca, Nhật Tiến, Doãn quốc Sĩ , truyện nước ngoài thì mê “ Những người khốn khổ”, “ Thằng gù nhà thờ Đức Bà “của  Victor Hugo, “Bác Sĩ Zhivago “ của Boris Pasternak, “ Cuốn theo chiều gió “ của Margaret Mitchell, “ Đỉnh gió hú “ của Emily Bronte ..v..v...

 

   Tôi bắt đầu tràn nghiên thi phú góp nhiều bài cho vườn thơ Nữ Thành Nội, nhưng bao nhiêu luật lệ về thơ trả lại thầy cô chẳng nhớ gì hết, may mắn chị Xuân Ba quen được người làm tranh thơ ở tận Florida trang trí cho vườn thơ Nữ Thành Nội, anh BT nhắc nhở về luật, tìm kiếm trên Google các mẫu luật thơ gởi cho chúng tôi ôn lại. Tôi được giới thiệu đầu tiên vào Diễn đàn Tình Nghệ Sĩ, Tình Bằng Hữu do nha sĩ Cao minh Hưng làm trưởng hội, sau khi gởi 4 bài thơ đến chào hàng làm quen nơi quy tụ nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ trao đổi tác phẩm cho nhau xem. Nơi này tôi biết các hội viên nổi tiếng như chị Thanh Dương, chị Đỗ Dung, chị Phương Lan ... được đọc truyện, nghe nhạc, xem tranh rất thoải mái sau những giờ làm việc mệt nhọc. Kế tiếp tôi được vào hội thơ Đường để học hỏi thêm những bậc tiền bối giỏi luật.Tình cờ trang chủ “Vườn Hoa Thơ Duyên” đọc thơ của tôi đâu đó lại email riêng mời nhập hội, duyên nghiệp từ đó càng gần thêm với thi phú… Tôi say mê học hỏi và thích thú xướng họa mỗi ngày.

Năm 2016 tình cờ xem thông báo của cơ sở Văn Thơ Lạc Việt, tôi viết đại bài văn, không ngờ may mắn hợp ý ban giám khảo được giải nhì về văn, chị Phương Hoa giải nhất. Hội trưởng của Cơ sở Văn Thơ Lạc Việt- ông Chính Nguyên thông báo từ nay chúng tôi là hội viên. Nhận xét chị PH từ Diễn đàn Tình Nghệ Sĩ biết làm thơ Đường nên tôi kéo qua hội thơ Đường Hoàng Gia. Thật sự tôi vẫn mê thơ hơn, nên sau đó vẫn miệt mài làm thơ. Chị Phương Hoa thấy tôi họa thơ ào ạt, có đêm nhảy lên 4, 5 bài, chị thắc mắc tại sao trúng giải văn lại không thấy viết bài nào tiếp mà cứ say sưa làm thơ, nên thúc giục tôi viết bài, tôi lơ là xem lời nói chị như nước đổ lá môn, chị vẫn léo nhéo bên tai tới 2 năm sau, tôi mới chịu viết, nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo tổ chức, Nha sĩ Cao minh Hưng lại mời vào hội Việt Bút. Từ từ duyên kéo lại với thơ văn, chị Đỗ Dung trang chủ hội Minh Châu Trời Đông (phụ nữ), chị Hồng Thuỷ hội trưởng Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ, bạn Phương Thuý trang chủ Cô Gái Việt (phụ nữ) lần lượt mời tôi gia nhập, hiện tại có phó chủ tịch cơ sở Văn Học Cỏ Thơm Phan Khâm mời tham dự đóng góp thơ mỗi quý.  

 

Còn niềm sung sướng nào bằng khi được tiếp xúc các đàn chị đàn anh, bậc thầy cô xuất chúng. Mỗi ngày tôi được tắm gội trong biển thơ, và tưởi tẩm suối văn chương. Đọc tác phẩm nào cũng đều thấy có cái hay riêng để học hỏi, tác giả này có lối văn trong sáng, tác giả kia ý tưởng hay, tác giả nọ nội dung câu chuyện luôn hướng thiện, tác giả khác sưu tập những tài liệu bổ ích..v..v...Ngoài ra hội có nhiều trò chơi thú vị như làm thơ nối tiếp vần cuối, nạp bài về chủ đề này hay chủ đề nọ để ra sách, đóng góp câu chuyện ngắn dưới 100 chữ, hoặc mục tán gẫu đùa giỡn của 2 hội đàn bà. 

 

Điều thích thú hơn nữa là theo dõi mục “Viết Về Nước Mỹ” của Việt Báo, đọc truyện hằng tuần, chung quanh được chiếu sáng bể học, mở mang trí tuệ, góc hoài niệm, lối quan điểm hôm nay về cuộc sống. Mục “Viết Về Nước Mỹ” kể những sinh hoạt, những chia sẻ thực tế trên nước Mỹ, đã cuốn hút sự say mê của tôi không thể ít. Tôi quý mến con đường văn học mở rộng, giữ gìn tiếng Việt trên quê người, nhất là cách tổ chức rất phóng khoáng thoải mái. Được gởi bài đăng nơi có số độc giả đông nhất vào đọc đã là vui rồi,lại còn màn được chọn trúng giải, đôi khi tôi cũng dư công suy nghĩ tự thắc mắc “Báo chí thời buổi này cũng khó khăn, người bảo trợ, mạnh thường quân có nhiều không? Mà hàng năm vẫn tổ chức phát nhiều giải, số người trúng tuyển càng ngày càng đông lại được mời mỗi năm sau đó với 2 vé free dự nhà hàng, đây là đường lối hoạt động và cách xử thế thật đẹp mắt đáng kính nể. 

 

Trở lại hội thơ Đường luật là nơi tôi dành nhiều thì giờ nhất cho việc xướng họa cùng các thi nhân. Tôi học hỏi nhiều luật thơ khó như thể Ngũ Độ Thanh, thể Toán Sắc, Toán Thi hoặc Song Thanh, Tung Hoành Trục Khoán, Bát Âm, Toán Sắc Thi, Lộc Lư Ngũ Bộ, Tập Danh và nhiều thể thơ biến hoá vui lạ khác, cũng như thơ Lục Bát, Tứ Tuyệt, Song thất lục Bát, thơ 5 chữ, thơ 8 chữ. Chưa kể các vị tiền bối còn trân trọng đem thơ của tiền nhân Phan bội Châu, Nguyễn công Trứ, Trần tế Xương, Hồ xuân Hương, Hàn mặc Tử, Bà Huyện Thanh Quan..v..v...cho thi hữu họa. Thích thú hơn nữa là thơ về lịch sử như Hai Bà Trưng, Trần bình Trọng, Trần quốc Toản, vua Quang Trung, hoặc thơ tưởng niệm những anh hùng đã Vị quốc Vong Thân.

 

Tôi luôn đặt tình cảm trước nhất khi có quá nhiều thơ mời họa. Tánh luôn bận lòng theo mấy chuyện đời bị ai... Những người lớn tuổi trên dưới 90, bác A sinh sống bên Texas, vợ chồng được chính phủ cấp căn housing, vợ bị liệt nằm một chỗ đã hơn 10 năm, ban ngày bác trai chăm sóc vợ, đêm về tìm khuây bằng vần thơ chia sẻ. Thi nhân khác bị khiếm thị từ nhỏ sống dưới Sacramento. Tiền bối B sống nơi vùng lạnh Minnesota cũng chỉ hai thân già, chồng chăm sóc người vợ đã bị bệnh Alzheimer. Thi sĩ khác sống cô đơn bên Đức, sự sống gắng liền với bệnh viện ra vào như đi chợ, có lúc đi bộ xỉu ngoài đường nhờ hàng xóm đưa vào bệnh viện… Ngoài ra còn nhiều trường hợp khác nữa rất thương tâm. Hiểu nỗi buồn thế gian nên tôi vẫn thường họa thơ ưu tiên trường hợp như vậy trước để họ vui có thể tìm phút thư giãn, tạm quên sự cô đơn buồn bã của tuổi già trên xứ người, sau đó mới họa các bạn khác.

 

Tôi nhớ mấy năm về trước lúc chưa nghỉ hưu, đi làm trên thành phố LiverMore, mỗi trưa lấy giờ lunch đi bộ nửa tiếng nhìn trời xanh tươi, mây trắng lửng lờ trôi, hoa cỏ bên đường vàng tím tươi sắc, lòng phơi phới tận hưởng niềm hạnh phúc giữa cảnh thiên nhiên, thơ tràn ra , hoặc khi tâm hồn thoải mái họa thơ rất nhanh, lúc đó tưởng chừng không có niềm vui nào bằng. Sau giờ chiều tan sở, trên đường về nhìn đồi núi hoa cỏ lau bay trong gió, có những vạt hoa vàng nở rộ hồn lại dâng lên nguồn thơ nhẹ nhàng, lúc ấy có cô bạn ngồi bên, tôi bận lái xe nhờ cô chụp vội cảnh đẹp. Giờ cơm tối xong xuôi tôi lại thức khuya viết bài gởi Việt Báo. Mưa dầm thấm lâu, tôi cảm nhận mình đã bắt đầu ghiền viết văn, viết say sưa những điều trong cuộc sống từ cảm xúc vui buồn…

 

Đêm của sự tĩnh lặng, không gian yên ắng, là lúc soi bóng mình trên vách, gỏ chữ vào máy lạc vào thế giới của đam mê. 

 

Bây giờ dù đã nghỉ hưu, thời gian rảnh rỗi hơn nhưng con Covid làm nhân loại sợ hãi, rồi biến thể Delta, Omicron diễn tiếp nên mọi người tự giam lỏng. Chân bị bó buộc hạn chế đi ra ngoài, tinh thần tù túng, tôi tìm niềm vui cùng thơ văn, nhưng không ngờ... Thơ mời họa càng ngày càng nhiều, bài viết từ 10 diễn đàn gởi tới tấp, chưa kể những câu truyện hay, những bài viết cảm động còn được các hội viên lấy từ đâu về, thêm vào nhiều diễn đàn tôi không gia nhập nhưng vẫn rớt email vào. Mỗi lúc mở máy phải mất cả tiếng đồng hồ xoá xong mới thấy được những diễn đàn của mình sinh hoạt. Hộp Mail mở ra được ví như một khu rừng toàn cây cối rậm rạp mù mịt không lối đi, dọn dẹp các thư không quen, còn lại thư các hội của mình, tuỳ duyên trước mắt có truyện nào đọc lẹ làng, nhiều bài chưa đọc được đành chấm dấu đỏ để dành lại. 

 

Ban ngày lao xao theo chuyện nhà, rồi thì cũng phải sắp xếp những đề tài thực tế trước mắt như làm thơ phúng điếu chia buồn, tưởng niệm các nhà văn hoặc những nhân vật nổi tiếng trong giới làm văn học, chuyện trước mắt đáng quan tâm như Putin đem quân xâm lăng nước Ukraine, ngày lễ Hai Bà Trưng, chuyện Covid -19, gặp thể thơ Ngũ độ Thanh, ngồi nghiên cứu tìm tòi chữ nghĩa mỗi câu thơ phải có 5 trong 6 thanh dấu của chữ Quốc Ngữ Việt Nam Sắc, Hỏi, Ngã, Nặng, Huyền và không dấu… cũng đủ đốt thì giờ.

 

Tôi rất trân trọng những khối óc nặn bút để sáng tác ra tác phẩm, nhưng tình trạng báo động nghẹt máy làm tôi càng quýnh quáng. Tôi thấy mình đang nợ mọi nơi... từ hội thơ không thể họa hết các bài xướng, đọc truyện chưa xong, dù tôi né tránh gọi phone bất cứ ai ngay cả bạn bè, chỉ biết gom được thì giờ phút nào thì gom như đọc truyện lúc ngồi trên xe có tài xế lái, khi đợi khám bệnh nơi bệnh viện, lúc chờ việc gì ngồi một góc. Đọc được truyện nào xong thẳng tay delete mà không thấy lương tâm bị cắn rứt, chỉ còn bất lịch sự im lặng không có lời cám ơn hoặc phê bình gì.

 

Vì vốn mê văn chương, tôi nhớ đã đọc đâu đó “Văn học đem đến cho con người không chỉ tri thức, văn học còn nuôi dưỡng tâm hồn, khiến chúng ta có cái nhìn sâu sắc, đúng đắn hơn về thế giới quanh mình và biết yêu thương trân trọng những giá trị vật chất cũng như tinh thần. Văn học là món ăn tinh thần và món ấy sẽ trở thành cao sơn mỹ vị, chúng sẽ trường tồn vượt thời gian và sống mãi trong lòng người đọc”.

 

Dẫu luôn nhớ câu nói của đại văn hào Victor Hugo “Nhờ có sách mà người khôn ngoan tìm thấy niềm an ủi lớn trong vũng nước cuộc đời”.  Nhưng hiện tại tôi thật sự xin lỗi những bài viết hay, vì con số bài viết lưu dấu đỏ save lại nay đã lên hơn số ngàn. Tình cảm quý mến hội thơ Đường nay cũng thực hiện xướng họa chỉ 3/4. Viết bài cũng tắt nghẽn, số sách được tặng và số sách mua ủng hộ càng ngày càng chồng chất cao đầy nhà, nhìn mà cứ hẹn “hôm nào đọc từ từ sẽ hết“. Tôi cảm thấy ước mơ chưa thực hiện được, quanh tôi những chồng sách, máy tôi chứa đầy thơ truyện, mọi dự tính vẫn còn lừng khừng, giờ giấc chưa cho phép đọc hết sách truyện, thôi thì cứ xem như tôi đang... mắc nợ văn thơ vậy. 

Minh Thúy Thành Nội 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,825
Buổi sáng vào sở hắn được người Giám đốc cho biết hôm nay hắn sẽ đem giao xe ở Uvalde City Dealership, lấy một chiếc khác ở đó mang đi giao ở San Antonio, xong sẽ có một chiếc cho hắn mang về. Nhưng khi đến Uvalde thì được chủ gọi về ngay. Hắn bồn chồn hỏi lý do nhưng người chủ hãng chỉ nói, “Mầy lấy chiếc xe dự định đem đi San Antonio mang về đây để ngày mai sẽ giao. Mầy lái xe về cẩn thận, dù không có gì nghiêm trọng lắm nhưng mầy cần phải về ngay.”Trên đường về, đầu óc hắn suy nghĩ lung tung. Không biết chuyện gì xảy ra mà bị gọi về ngay như vậy! Hai chú em có vấn đề gì không. Trong đầu hắn tư tưởng lộn xộn
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Bài viết này của ông không phải chuyện buồn, mà là... buồn cười. Viết Về Nước Mỹ mời đọc bài viết mới có duyên, hóm hỉnh của tác giả Phước An Thy.
Jen đưa tay lên vuốt nhẹ chiếc áo dài trước khi trao nó lại cho Annie, đứa con gái riêng của nàng. Chiếc áo màu đỏ được dệt bằng vải gấm được điểm tô vài cánh lá trúc màu vàng kim lấp lánh. Chiếc áo mà nàng nhờ người bạn mua giùm khi nàng còn ở trường đại học. Nàng dự định mặc chiếc áo này trong ngày cưới với Don. Nàng quen Don khi cả hai còn học chung trường Virginia Commonwealth University. Don học về kỹ sư điện tử, còn nàng học về hóa sinh. Don đang hoàn tất chương trình kỹ sư và đang thực tập ở một công ty gần nhà. Còn nàng chỉ mới vào năm thứ hai. Don là người gốc Mỹ gốc Việt. Tên tiếng Việt của anh là Trần Nguyên Đức.
Trong cuộc đời, tôi có hai lần lo âu quá sức. Lần thứ nhất là gặp cơn giông tố sau khi bị cướp biển rồi phá hư máy khi vượt biên 42 năm trước và lần này qua cơn bão IAN. Thử tưởng tượng ban đêm trong nhà tối om, ngoài trời mưa gió vần vũ, những cơn gió hú vang bên ngoài cộng với sấm chớp đì đùng, mà mình bị cắt mọi thông tin với bên ngoài thì không lo âu sao được.
Vào những năm cuối của thập niên 1990 đầu những năm 2000, tôi thường có dịp đi công tác qua Nhật hay Hong Kong để đặt hàng và duyệt hàng trước khi nhập về hãng. Trong số hơn 300 hành khách cùng có mặt với tôi trên những chiếc Boeing 747, chiếc máy bay thông dụng cho các chuyến bay đường dài thời đó, tôi luôn gặp các đồng hương Việt Nam. Họ đều đáp cùng chuyến bay với tôi từ Mỹ về đến Tokyo hay Hong Kong để từ đó bay về Việt Nam. Nói chung tôi biết họ là người Việt do các câu chuyện họ đối thoại rôm rả cùng nhau trong lúc chờ đợi. Ngược lại có lẽ ít ai trong số họ có thể biết được tôi là người Việt Nam vì tôi thường đi cùng với các đồng nghiệp Mỹ hay Nhật
Ngọc Hạnh - Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây là bài bà mới viết về chuyến đi chơi Virginia Beach.
Hồi mới đến Mỹ, nghe nhiều người Việt đi làm nghề may, tôi tưởng bở nghĩ mình từng tốt nghiệp từ nhà may nổi tiếng Thiết Lập Sàigon, từng mở lớp dạy cắt may Âu Việt Phục Nam Nữ, mỗi khoá cũng trên vài chục học viên; từng sử dụng các loại máy may, máy vắt sổ thêu ren các thứ, chắc sẽ kiếm được khá tiền, nên xăng xái đến shop may xin việc. Bà chủ shop người Tàu Việt thấy dân mới qua ngơ ngáo nên ăn hiếp, bắt tôi mượn tiền mua chở tới hai cái máy may công nghiệp xịn hiệu JUKI của Nhật, một cái để may, cái kia 5 kim để vắt sổ và các loại zíc zắc
Hắn yên lặng bước đi cùng ông ta, tự hỏi “Phòng dưới cầu tầu…chẳng lẽ ông ta là homeless?” Quả nhiên, khi xuống, ông ta chỉ một cái vòm lõm vào chân cầu “Vâng đây là phòng của tôi từ cả năm nay rồi, mời ông.” Cái vòm cao, rộng, đủ cho một người nằm; chắc chắn không sợ nắng mưa. Ông ta chỉ bậc đá nói :”Mời ông ngồi, tôi pha tách cà phê sáng, rồi xin phép ông cho tôi nói chuyện.”
Đã bao người làm công việc đưa học trò qua đường giờ tan học ở ngã tư trường học này? Chắc chắn có những người đã ra thiên cổ, những người đang sống những ngày cuối đời trong các viện dưỡng lão, những người bị covid-19 cướp đi sinh mạng khi còn muốn làm công việc của người lớn tuổi để trả ơn những người lớn tuổi khi họ còn là một cậu nhóc, cô bé với ngôi trường tiểu học của họ ở đâu đó trên nước Mỹ bao la. Nên không có gì để bi lụy vì người ta thì già đi và qua đời là lẽ tự nhiên, cái còn lại đáng qúy là văn hoá Mỹ, cái văn hoá sau khi về hưu thì đi làm công việc đưa trẻ nhỏ qua đường sau mỗi buổi học theo định nghĩa về văn hoá đơn giản nhất: “Cái gì lập đi lập lại thành thói quen, thói quen lập đi lập lại thành phong tục, phong tục lập đi lập lại thành văn hoá”.
Mặc dầu không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tôi cũng thực hiện được nhiều bức ảnh đẹp. Nước Mỹ rộng bao la nên không thiếu những cảnh đẹp, do bàn tay con người dựng lên cũng có, do tạo hóa sáng tạo cũng có: Mùa Xuân với hoa anh đào trên dòng sông Potomac ở Washington DC, mùa Hè ở Grand Canyon, Arizona, mùa Thu ở San Juans, mùa Đông thì có rừng thông, núi tuyết ở Yellow Stone, tiểu bang Wyoming … Tôi lại nghĩ, sẽ đẹp biết bao nếu những bức ảnh của tôi có mang ý nghĩa nhân bản một cách tự nhiên, không dàn dựng, không hư cấu, không cần photoshop can thiệp.Tôi cho đó là những bức ảnh có hồn, khác với những bức ảnh đẹp về nghệ thuật mà vô tri, vô giác! Trong suốt thời gian sống ở Mỹ, tôi vẫn để tâm theo đuổi mục tiêu đó.
Nhạc sĩ Cung Tiến