Hôm nay,  

“Windy City” – Thành Phố Gió

22/06/202208:00:00(Xem: 2231)

Tiểu Lục Thần Phong

 

Tác giả tên thật Nguyễn Thanh Hiền, Nickname: Steven N, Bút danh: Tiểu Lục Thần Phong, Sinh sống ở Atlanta 20 năm.

 

*

Chicago đón tôi cũng như đã từng đón vô số du khách bằng những cơn gió lồng lộng, gió phần phật, gió miên man, gió hoang vu, gió xuân thì… thổi suốt ngày đêm. Tôi đã từng ghé thăm nhiều thành phố lộng gió ven biển nhưng chưa từng thấy ở đâu mà gió phong lưu và hoang đàng như ở đây. Lẽ ra những thành phố ven biển thì gió nhiều hơn mới phải, đằng này Chicago lộng gió hơn bất cứ nơi nào ( chí ít là trong sự biết ít ỏi của tôi). Gió từ hồ Michigan thổi cả bốn mùa, chao ơi hồ gì mà lớn kinh khủng quá, cứ ngỡ như biển, mịt mù chẳng thấy gì bến bờ. Hồ Michigan là hồ lớn nhất trong cụm ngũ đại hồ của bắc Mỹ và cũng là hồ nước ngọt lớn thứ năm trên thế giới. Chicago có diễm phúc nằm bên bờ hồ, nối hồ với dòng sông Missisipi có con kênh nước trong xanh ( đoạn chảy qua thành phố).

 

Chicago nằm ở trung tây nước Mỹ, vùng trung tâm thành phố có ba triệu dân ( tính toàn vùng đô thị thì lên đến chín triệu rưỡi dân), hàng năm đón đến bốn mươi triệu du khách. Chicago với những tòa nhà chọc trời không thua gì New York như: tháp Trump, tháp Willis, tháp Bank of America, tháp Sear… Những tòa nhà sừng sững dọc hai bên bờ sông, soi bóng xuống dòng sông. Cái đẹp tư nhiên và cái đẹp nhân tạo của bàn tay con người quyện vào nhau, chẳng thể thiếu được, rất hài hòa, tôn giá trị lẫn nhau. Khách du lịch nườm nượp qua lại trên bờ, dưới sông những con tàu chở khách du lịch đầy ắp chạy ngược xuôi. Dòng nước trong xanh màu ngọc bích cứ như là nước biển, có lẽ nước hồ Michigan lạnh cộng với mây trời và những đặc tính nào đó nên dòng nước mới xanh một màu đẹp đến nao lòng.

 

Vắt qua dòng sông có đến mười mấy cây cầu, những cây cầu bằng sắt thép, kiểu cách như cầu Bình Lợi, Bình Triệu vậy… Những cây cầu có tuổi đời năm mươi năm, một trăm năm nhưng vẫn tiếp tục trách vụ kết nối đôi bờ. Có những cây cầu quay, mở ra để cho tàu thuyền qua lại, ngày nay nó đã không còn được sử dụng nữa. Nó được kéo cao lên và giữ nguyên như thế để làm di tích lịch sử. Những cây cầu mở ngày xưa giờ trở thành nhân chứng cho một thời vàng son chưa xa lắm. Tôi nghe người ta nói Hàng Châu có nhiều những cây cầu đá bắt qua kênh rạch ở đó đẹp và lãng mạn, nhưng đó là những cây cầu chỉ dành cho khách bộ hành hoặc xe thô sơ. Còn những cây cầu bằng thép của Chicago không chỉ dành cho khách bộ hành, xe đạp mà cái chính là giúp cho một lượng xe hơi, xe tải khổng lồ ngày đêm qua lại. Những cây cầu thép đẹp và lãng mạn không kém, du khách đứng trên cầu cứ tì tay lên thành cầu mà ngắm nhìn dòng nước xanh biếc bên dưới. Những cây cầu thép của Chicago mang đầy tính hoài niệm của thời kỳ nước Mỹ huy hoàng trong lúc thế giới ( nhất là nước nước công nghiệp mới) còn chìm đắm trong đói nghèo và lạc hậu.

 

Những cây cầu ở Chicago đều có bốn tháp ở hai đầu cầu, trong lòng tháp là cầu thang đi bộ xuống bờ sông, trên tháp là những phù điêu hay tượng của các nhân vật hay sự kiện lịch sử, văn hóa… Những cái tháp ở hai đầu cầu rất giống với lối kiến trúc tháp cầu của London, thực tế ở Chicago cái dấu ấn văn hóa của người Anh rất sâu đậm và rõ nét, ấy là những tòa nhà với hoa văn và kiểu cửa quay tròn, những nhà hàng với bàn cafe nho nhỏ xinh xinh, những đại sảnh lớn với chùm đèn pha lê khổng lồ, với lối kiến trúc mô phỏng thời phục hưng và với những phù điêu, đường nét chạm trổ hoa văn… rất đẹp, đẹp đến ngỡ như mơ. Tôi tận dụng cái thời gian ngắn ngủi của mình để đi thật nhiều, xúc chạm nhiều hơn nữa, những cái chưa biết thì tra google và Wikipedia để tìm hiểu. Quả thật tâm hồn tôi, đôi mắt tôi được no nê thỏa thích vì được thưởng thức “bữa tiệc nghệ thuật buffet”. Tôi thấy thích thú lạ thường, chưa bao giờ say mê đến như thế, lúc trước có thăm New Orleans cũng đã mê cái lối nghệ thuật đậm dấu ấn của người Pháp. Nhưng New Orleans nghèo quá, đã hoàn toàn lùi vào dĩ vãng. Chicago thì khác, vẫn đang hưng thịnh và phát triển, dòng lịch sử vẫn tiếp diễn chứ không bị đứt đoạn hay hoàn toàn thuộc quá khứ. Lịch sử Chicago đang tiếp diễn, nối tiếp quá khứ với hiện tại và tương lai vẫn còn phía trước.

 

Chicago là thành phố lớn thứ ba của nước Mỹ, thành phố có tầm vóc toàn cầu, vô số nhà chọc trời, là trung tâm kinh tế, tài chánh chỉ đứng sau New York. Chicago là thành phố của những trụ sở lớn, đặc biệt là trung tâm kiến trúc tân kỳ của Mỹ và thế giới (Architecture), nơi đây đã sản sinh những kiến trúc sư tài giỏi bậc nhất và cho ra những công trình kiến trúc lừng danh thế giới. Tôi đi loanh quanh, nhìn, ngắm, sờ mó, hít thở… cái không khí của Chicago mà lòng đầy rạo rực và kích thích. Chưa bao giờ tôi thấy bị hấp dẫn mãnh liệt đến như thế. Những tòa nhà làm trụ sở nhà băng, đại công ty, khách sạn… lớn quá sức tưởng tượng, đứng dưới những cây cột khổng lồ mà thấy mình như con sâu cái kiến. Những cây cột kiểu tân cổ điển theo phong cách Hy Lạp- La Mã to, cao, đồ sộ đến ba người ôm mới xuể. Đứng trước những tòa nhà với những cây cột như thế, tự dưng tâm trí tôi liên tưởng đến những thành phố huy hoàng của đế quốc Hy Lạp, La Mã thuở xa xưa. Athen, Rome đã qua, giờ thì New York, Chicago...

 

Chicago to lớn chỉ sau New York nhưng đẹp hơn, không khí trong lành hơn, phong cảnh hữu tình hơn và cũng ít ăn mày hơn. Những quán bar, nhà hàng, tiệm nước… dọc hai bên bờ sông ngày đêm nhộn nhịp khách du lịch nhưng tuyệt đối không có trộm cắp, móc túi hay gây gỗ… Nói chung là rất an toàn cho mọi người. Bên bờ sông còn có một đài tưởng niệm những quân nhân đã hy sinh và mất tích trong chiến tranh Việt Nam, có thể coi đây như một bức tường đá đen ở Washington được thu nhỏ. Người ta làm cái quốc hiệu bằng đồng hình khóm tre và con rồng với dòng chữ VNCH để bày trí một cách trang trọng ở chính giữa đài tưởng niệm này. Đài tưởng niệm tuy nhỏ và khiêm tốn nhưng đẹp, trang nhã, có cột cờ, đài phun nước và đèn chiếu sáng. Tôi viếng thăm đúng vào ngày chiến sĩ trận vong, thấy một vài vòng hoa nhỏ, một vài tờ giấy photo lời chúc tụng của ông thị trưởng dán ở đấy. Đài nằm ở bậc thềm bờ sông, lưng dựa vào tường của con đường và mặt nhìn thẳng ra sông nên đẹp và thoáng mát.

Chicago còn có nichname là Windy city có lẽ do thành phố này lộng gió, gió từ hồ Michigan thổi về suốt từ ngày thành phố được dựng lên, tất nhiên là gió vốn đã thổi từ thời hồng hoang, dù có Chicago hay không có thì gió vẫn hoang đàng thổi bốn mùa. Chicago còn được gọi bằng một cái tên thứ hai là the Second city, người ta giải thích nó không phải là thành phố lớn thứ hai mà có nguyên do khác, Cụ thể là Chicago bị trận hỏa thiêu kinh hoàng gần như thành bình địa. Từ 1837 Chicago được xây dựng mới hoàn toàn trên nền cũ bởi vậy mới có tên gọi là the Second city. Chicago còn có tên gọi thứ ba, tên này vốn do nhà văn kiêm nhà thơ người Mỹ Carl S đã đặt ra: the Big shoulder city. Chính ông còn giải thích cặn kẽ hơn: Chicago được xây dựng nên bởi những bờ vai lớn của người Chicago, đó là tất cả công nhân, nông dân, kiến trúc sư, kỹ sư, bác sĩ, cảnh sát, chính khách, doanh gia, luật sư… Quả thật như thế, tất cả mọi người kê vai vào góp công sức, tài chánh và trí tuệ để rồi có một Chicago tráng lệ, giàu có và hùng mạnh như thế này.

 

Tôi vốn yêu thích chữ nghĩa, đi đến đâu cũng tìm đến những địa điểm có liên quan đến sách vở giấy bút hay viết lách...Đến Chicago cũng không ngoại lệ, lần đầu tiên đứng dưới chân tòa tháp Chicago Tribune và cũng là tòa soạn của tờ báo Chicago Tribune. Tờ báo này ra đời từ năm 1847 bởi Jame Kelly và vài đồng sáng lập. Chicago Tribune không chỉ là thời báo hàng ngày mà còn là một tập đoàn báo chí, radio, tivi, truyền thông… gần hai trăm năm huy hoàng ở Chicago. Cứ mỗi sáng người dân mua một ly cà phê, một cái croissandwich và một tờ thời báo. Đó là phong cách sống thời thượng của một thời. Hôm nay tòa tháp vẫn còn đây, cái bảng hiệu lẫy lừng vẫn còn đó nhưng những tờ báo giấy thì ngậm ngùi lùi vào dĩ vãng, số lượng báo in còn rất ít. Thời đại công nghệ cao, kỹ thuật điện toán, internet… tất cả tin tức, hình ảnh, âm thanh xuất hiện ngay trong phút giây chỉ sau cái quẹt của ngón tay. Có người hóm hỉnh bảo rằng:” Thời đại hôm nay là thời đại văn minh quẹt”. Nghe mắc cười nhưng nó rất thực tế, tất cả ở trong cái điệm thoại thông minh cầm tay, chỉ cần cái điện thoại này là có thể giải quyết tất cả mọi việc từ đọc báo, xem phim, nghe nhạc, nghe tin tức, giao dịch nhà băng, mua bán, trả tiền, nhận tiền, đặt vé, qua cổng… tất cả chỉ cần quẹt quẹt là xong việc! Thật còn hữu hiệu hơn cả quẹt vào cây đèn thần của Aladdin trong truyện cổ Ả Rập “Nghìn lẻ một đêm”.

 

Tôi tìm đến bảo tàng các nhà văn Mỹ “American Writers Museum”, không biết nơi nào khác có bảo tàng các nhà văn nhà thơ như ở Chicago không? Thật khâm phục những bộ óc các nhà văn nhà thơ Mỹ. Họ đã làm cho phong phú đời sống tinh thần của người Mỹ nói riêng nhân loại nói chung. Tôi vô cùng khâm phục sức viết của các nhà văn Mỹ, xưa cũng vậy, nay cũng thế. Họ có thể viết cả trường thiên tiểu thuyết vài ngàn trang sách một cáh dễ dàng và nhanh chóng. Họ viết một quyển sách cả ngàn trang trong vài tháng, sách in tới tấp.  Thậm chí có những người chuyên viết sách cho ngườii khác, chẳng hạn như giúp biết bút ký, hồi ký cho những nhân vật có tên tuổi, rồi mai này khi mà trí tuệ nhân tạo (AI) viết sách thay cho con người nữa mới kinh khủng không sao tưởng nổi...Mặc dù là thời đại công nghệ cao, kỹ thuật điện toán tiên tiến, thời đại quẹt quẹt nhưng số lượng sách báo của Chicago và nước Mỹ vẫn rất phong phú. Mỗi khi vào nhà sách Banner&Noble hoặc các quầy báo ở các siêu thị là tôi mê mẩn ngất ngây với cả rừng sách báo...Ở nhà sách Banner &Noble có thể nói là trung tâm chữ nghĩa của nước Mỹ, ở đó có tất cả các loại sách, với tất cả mọi chủ đề, ở đây cứ như là một lâu đài tri thức, kiến thức và chữ nghĩa. Không chỉ sách của người Mỹ mà có sách của tác giả ngoại quốc được dịch sang tiếng Anh.

 

Chicago có China town lớn thứ hai của nước Mỹ. China town này sạch sẽ và ngăn nắp hơn China Town ở New York, tuy nhiên các đặc điểm chung khác thì vẫn y như thế. Sức mạnh mềm lẫn sức mạnh ngầm của người Hoa thật đáng nể. Họ vận động hành lang để lập nên một “Lãnh địa” riêng. Ngay bên bờ sông có một cái đình hóng gió với kiến trúc và màu sắc đặc trưng của người Hoa, bên đình còn có cây liễu rũ và xa xa một chút có cây cầu đi bộ. Nhìn cái phong cảnh ấy và cái đình bên bờ sông cứ ngỡ bến Tầm Dương, bến Cô Tô, bến Tần Hoài… nào đó trong lịch sử nước Tàu. Văn hóa là sức mạnh mềm, đang lan tỏa khắp nơi, đi đâu cũng thấy sư tử Tàu, nhà hàng Tàu, hàng hóa Tàu… Ai đã từng đến Las Vegas chỉ tần tinh ý một chút là thấy sức mạnh của Trung Hoa như thế nào, những máy games lồng hình ảnh, nhân vật, biểu tượng đặc trưng của văn hóa Tàu. Tượng những con sư tử khổng lồ án ngữ khắp các cửa chính, hình tượng ông địa vác đãy bạc và xâu tiền có mặt khắp nơi...Rồi trên khắp nước Mỹ những viện Khổng Tử tràn lan… Đó chính là sức mạnh mền của Trung Hoa.

 

Ngày xưa, khi chưa ra khỏi xứ mình, tôi cũng như những con ếch khác cứ bị gạt, nào là xứ mình ra ngõ gặp anh hùng, người mình thông minh, bất khuất, đảm đang, xứ mình rừng vàng biển bạc...Người nói xạo cứ nói y như thật. Người nghe tuy biết xạo, không tin nhưng cũng nghe như thật, để rồi sản sinh ra những con người cuồng vì cái xạo ấy. Đến khi ra khỏi xứ thì mới biết xứ mình chẳng là gì so với xứ người. Rồi lúc được làm công dân xứ Đào bang, tôi lại cứ ngỡ xứ Đào của mình là nhất thiên hạ, nhưng rồi đi ra khỏi xứ Đào thì mới biết có những xứ khác còn to lớn hơn, giàu có hơn, đẹp hơn rất nhiều… Thế rồi tôi chợt “ngộ” ra: Những con ếch nằm ở đáy giếng là những con ếch có cái mồm to nhất! Nói xạo nhất và độc tài nhất, cứ một mực xạo và bắt mọi người phải tin và cuối đầu phục vụ cái xạo ấy.

Chicago là một thành phố to lớn, bề thế với lịch sử rất phong phú thuộc tiểu bang Illinois. Ở đây hệ thống phương tiện giao thông công cộng rất thuân tiện cho cư dân và du khách: Xe lửa, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buyt, taxi và hệ thống xe công nghệ cao như Uber… Từ phi trường về đến trung tâm thành phố chừng hai mươi lăm dặm mà giá vé xe lửa chưa tới ba dollars, quá rẻ! Ngoài hệ thống giao thông công cộng ra, các công trình lợi ích dân sinh xã hội cũng rất đa dạng và phần lớn miễn phí cho cư dân và du khách: Công viên Millennium, sở thú, hệ thống bảo tàng...và bao nhiêu các tiện ích công cộng khác. Tôi thấy người Mỹ nói chung, cư dân Chicago nói riêng sao mà nhiều phước báo đến thế! Hưởng bao nhiêu là phúc lợi xã hội, thật buồn khi nhìn lại người dân xứ mình, thiệt thòi đủ thứ.

Chicago nói riêng, nước Mỹ nói chung vốn là mảnh đất của nhiều sắc dân, đa chủng tộc nên văn hóa cũng rất đa dạng, ẩm thực vô cùng phong phú… tất cả cùng hội tụ về đây để sống và phát triển. Tất cả được tự do và tôn trọng cái tự do của người khác. Tôi thấy giáo đường thiên chúa rất đồ sộ nhưng thánh đường hồi giáo cũng không kém là bao. Tôi thấy những mảng văn hóa người da trắng châu Âu bên cạnh những mảng văn hóa châu Phi của người da đen, văn hóa của người nam Mỹ và văn hóa gốc châu Á cùng song song tồn tại. Có lẽ ở Mỹ sự tự do và khoan dung hơn hẳn các xứ khác, ở đây chấp nhận hàng chục triệu người di dân từ các xứ nghèo đói, lạc hậu, chiến tranh… dung chứa những nạn nhân của kỳ thị chủng tộc, giới tính; bảo vệ những nạn nhân của bất đồng chính kiến, bị đàn áp vì chính trị, tôn giáo; giúp đỡ và đấu tranh cho những nạn nhân của vi phạm nhân quyền…

 

Trên đường phố Chicago, dọc bờ sông, trong khu shopping… tôi thấy có những người Hồi giáo trùm kín từ đầu đến chân đồng hành với mọi người. Tôi thấy những cặp đôi gay hay les nắm tay nhau đi trên phố và cả hôn nhau nơi công cộng… Điều này cho thấy sự khoan dung rất tuyệt vời của Mỹ, của Chicago. Nước Mỹ chấp nhận mọi sự khác biệt để cùng tồn tại và phát triển. Tổng thống Barack Obama từng phát biểu ở Việt Nam:”… Chính tôi cũng bị chỉ trích hàng ngày, chúng tôi chấp nhận mọi khác biệt...”, rất tiếc là ở xứ mình không thể, không chấp nhận sự khác biệt, không cho ý kiến phản biện, cấm ngặt mọi chỉ trích. Mọi người chỉ được cúi đầu nghe và khen, chỉ được nói những gì được cho phép, chỉ được xem và nghe những gì đã kiểm duyệt...

 

Chicago ngày đêm tấp nập du khách, nam thanh nữ tú, người giàu, người nghèo, da trắng, da vàng, da đen… đủ cả. Nước Mỹ là hiệp chủng quốc, là quốc gia của di dân thì Chicago cũng đâu có ngoại lệ. Chính di dân đã làm nên nước Mỹ hùng mạnh và giàu có. Chính di dân đã đem sức lực và những bộ óc thiên tài đến để xây dựng quốc gia này và the Big Shoulder city.

 

Tiểu Lục Thần Phong

(Ất Lăng thành, 06/22)

 

Ý kiến bạn đọc
21/09/202221:57:30
Khách
Chinatown instead of China town
Bài viết tả Chicago hay.
01/07/202201:16:03
Khách
Chào Tiểu Lục Thần Phong(Ất Lăng thành, 06/22),tác giả “Windy City” – Thành Phố Gió 22/06/2022
Bài của bạn rất phong phú,hay lắm.Rất vui mừng thấy bạn (chưa biết trẻ/già nhưng dùng chữ bạn theo thường lệ) đang ở Atlanta và viết tuỳ bút về CHICAGO.Xin tự giới thiệu bài tuỳ bút mang tên Chicago,Windy City,tác giả HongNguyen/H.N.T .Bạn chỉ cần search Google để đọc cho vui và cảm thông đã có một bài viết cùng chủ đề,hơn nữa đây cũng là dịp sơ ngộ giữa bạn và tôi:cùng ở ATLANTA. ChNg,Jun.30.22
TB- Xin BBT VIỆT BÁO đừng cho hiển thi địa chỉ gmail của tôi.Cảm ơn
29/06/202215:05:55
Khách
Bài viết hay lắm và cung cấp cho người đọc nhiều thông tin, kiến thức về Chicago. Xin cám ơn tác giả.
25/06/202202:03:15
Khách
Lớn sau NY nhưng chắc cũng lắm tệ nạn sau NY
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,513
Mỗi năm tết đến, không riêng thời tiết, không gian đầy hoài niệm vì sắp thêm một năm nữa đi qua, lòng người cũng bâng khuâng trước tương lai năm mới sắp đến, luyến tiếc mất còn trong năm cũ sắp hết và đặc biệt là không bao giờ trở lại. Rồi năm mới đến sẽ ra sao với tuổi đời ngày càng chồng chất những lo toan, muộn phiền. Thế là hoài niệm cứ tuôn chảy, nhìn về tương lai như bầu trời xám bên ngoài khung cửa. Còn chăng những vui buồn đã qua, những buồn vui không mong sẽ đến.
Không biết gọi những cái Tết tại Mỹ là “Tết Ta trên đất khách” có thật sự chính xác hay không khi thời gian tôi sinh sống tại đây đã vượt qua thời gian tôi ở quê nhà, nhất là khi mình đã nhận nơi này làm quê hương thì sao lại có thể gọi đây là đất khách? Nhưng thôi cứ tạm gọi như thế để phân biệt với những cái Tết tôi được đón tại quê nhà.
Đã từ lâu, tôi thường lấy ngày nghỉ để ở nhà suốt từ Giáng Sinh qua năm mới, Tết Việt cũng nghỉ ở nhà, dù chẳng làm gì hay phải đi đâu? Lý do nghỉ chỉ đơn giản là đi làm hoài sẽ hết việc cho người khác. Nhưng ở nhà, ở không lại hay nhớ nhà, nhớ quê với thời tiết, không gian cuối năm thường gợi nhớ. Biết nhớ nhiều không phải là tốt, nhưng quên hết liệu có phải là quên hay cố quên tức là nhớ nhất, nhớ nhất tức là quên thật rồi. Nhớ câu thơ của Bùi tiên sinh, “Uống xong ly rượu cùng nhau/ hẹn rằng mãi mãi quên nhau muôn đời”. Câu thơ lý giải thế nào là tri kỷ, tri âm hay nhất mà tôi từng đọc được. Nhưng nhớ tri kỷ khác với nhớ nhà, nhớ Tết, nhớ quê. Người ta, ai cũng cần một nơi để về thì đó chính là nhà mình, quê mình. Ai cũng có đặc thù văn hoá của dân tộc mình thì đặc thù văn hoá của người Việt là Tết, nên nhớ Tết là cảm giác chung của người Việt xa quê chứ không riêng gì ai.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Hai năm đại dịch tác giả ngưng bút ít viết, quay trở lại tác giả gởi một lúc ba bài đầu năm 2022 - Mong tác giả năm Nhâm Dần thăng tiến nhiều hứng khởi viết nhiều, viết khỏe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Sau gần hai năm đại dịch COVID-19 chúng tôi bị giới hạn đi chơi nhưng nay Minnesota được thả lỏng hơn và kế hoạch đi du lịch lại được bàn đến (lúc này Omicron chưa xuất hiện). Ngay lúc đó khoảng mùa xuân năm 2021 Hãng Hỏa Xa Hoa Kỳ Amtrak quảng cáo hạ giá vé xe lửa vì số hành khách giảm nguyên do chính là đại dịch COVID-19 gây ra. Vé đi 10 chuyến trong một tháng chỉ mất 299 đô la hạng bình dân (coach). Chúng tôi không bỏ lỡ dịp may hiếm có này nên chụp ngay cơ hội làm một chuyến khám phá nước Mỹ bằng cách cưỡi con ngựa sắt vĩ đại vì dân Mỹ gọi xe lửa là “great iron horse”.
Tính đến đầu năm 1977, con số người Việt định cư tại thành phố Wichita đã đạt con số khoảng trên 1200 người, trong số này đa phần là tái định cư, tức là rời bỏ gia đình bảo trợ người Mỹ, hoặc thay đổi từ tỉnh lẻ về thành phố lớn (chưa kể số người tị nạn Cao Miên, Lào và Hmong), hoặc từ tiểu bang khác do bạn bè lôi kéo đến. Để tiện lợi cho việc loan tải thông tin đến người Việt trên toàn tiểu bang, người viết thực hiện bản tin mỗi tháng một lần mang tên Thông Báo. Bản tin được đánh máy lên giấy stencil, đánh dấu, rồi quay rô-nê-ô để in thành nhiều bản. ( phương tiện ấn loát ngày xưa không tân tiến như ngày nay, còn in tại nhà in thì tốn rất nhiều tiền và phải in từ 2000 bản trở lên).
Mít vàng, xoài đủ ngọt ngây / Đường xa không thể đến đây, để nhỉn / "Phây-bút"*, xin gởi ảnh hình / Người trèo, người hái... "bình bình"**, còn nguyên.
Dù những cơn gió lành lạnh cuối đông vẫn đang chờn vờn trên những ngọn cây, nhưng không khí của mùa xuân hình như đã bắt đầu man mác trong không gian. Bên cạnh những nhánh cây khẳng khiu trơ trụi đã có một vài búp lá xanh non đâm chồi nẩy lộc .Vạn vật như đang chờ đón những làn gió ấm cho những đóa cúc vàng tươi rực rỡ , cho những cánh mai nhẹ nhàng rung trong nắng sớm. Mùa xuân đã hiện hữu nơi đây để lòng mình vui như trẩy hội và theo truyền thống, các bạn hãy cùng tôi khai bút đầu năm, bạn nhé .
Tác giả Lê Đức Luận lần đầu tham dự VVNM với bài “Ngẫm ra mới thấy thèm”. Tốt nghiệp Khóa 1 Trường ĐH/CTCT/ Đà Lạt. Trước năm 1975: Sĩ quan, làm việc trong Ủy Ban Binh Thư - Tổng Cục/CTCT/QL VNCH – Sài Gòn. Sau năm 1975: Bị “Tập trung cải tạo” 7 năm. Sang Mỹ năm 1986 -Thỉnh thoảng viết bài đăng trên các Đặc San: Ức Trai, Biệt Đông Quân, Chiến Sĩ Cộng Hòa. Sau đây là bài tham dự VVNM mới nhất ông viết về chuyện đời thăng trầm của người đàn ông từ Việt Sang Mỹ trở lại Việt Nam.
Nhạc sĩ Cung Tiến