Hôm nay,  

Vui Buồn Đời Sếp

09/02/202211:10:00(Xem: 3266)
sach vvnm
Bộ sách VVNM 22 cuốn

 

Sáng thứ Sáu, tôi đi làm tiện đường ghé qua một tiệm bán donut và cà phê. Cô cashier mới nhìn tôi cười thật tươi hỏi:

 

-  You là Thai, phải không?

 

Wow! Thấy cô em cũng quen quen, nhưng … là ai mà biết tên tôi?

 

Cô tự giới thiệu: Jessica!

 

Gương mặt, rồi cái tên khá quen thuộc, nhưng nhất thời… vẫn không nhớ! Ôi cái đầu tôi già lão rồi! Cô nói luôn:

 

– Tui làm cho you ở hãng Oviso đó, không nhớ sao?

Nhắc đến tên hãng là tôi nhớ lại cô ngay.

 

Khá lâu rồi, có đến 14, 15 năm chứ không ít. Cô Jessica người Phi làm Deburrer trong khâu làm việc của tôi. Ngày đó cô là nhân viên mới, nhưng lại hay đi trễ, về sớm, và nhất là bỏ đi ăn trưa lâu hơn giờ quy định của hãng đến nổi có lần tôi phải nói vài lời nhắc nhở, mới biết cô là người mẹ độc thân, single mother, có một thằng con trai 4, 5 tuổi gởi nhà trẻ. Thằng con cô thuộc diện không được bình thường hay có bệnh gì đó, nên dù phải gởi con để đi làm, cô vẫn bị họ gọi phải đến vì thằng nhỏ quậy quá làm ảnh hưởng đến các em khác.

 

Cô khổ lắm, biết đi làm như vậy là không được, nhưng mẹ phải lo cho con nên phải chịu. Muốn yên thân làm việc cũng không xong. Cô năn nỉ tôi thông cảm.

 

Và tôi đã thông cảm, làm ngơ cho cô thỉnh thoảng đi trể về sớm… một khoảng thời gian khá lâu cho đến khi kinh tế xuống, cô bị hãng laid-off nghĩ việc.

 

Chuyện là như vậy. Bây giờ thì cô đã có gia đình trở lại, không còn là người mẹ đơn thân như xưa nữa. Cô cũng bỏ nghề deburr, đi làm cashier cho mấy tiệm bán cà-phê donut này.

 

Điều thú vị là cô vốn làm buổi tối, còn tôi chỉ ghé lại đây buổi sáng trước khi đến sở làm. Đúng ra chúng tôi không thể gặp! Hên sao hôm nay cô lần đầu tiên làm thế ca cho một cashier buổi sáng đang bệnh nằm nhà, nên mới được gặp nhau!

 

Tôi trả tiền, cô ngăn lại, bảo đã trả cho tôi rồi, lại gói thêm cái bánh làm tôi càng ngại, không chịu.

 

Nhưng cô nói:

- Tôi luôn luôn nhớ you đã giúp tôi rất nhiều. Hôm nay tôi chỉ có vậy thôi để cám ơn you.  

Cô nói giọng chân thành quá làm tôi cảm động nên chịu nhận ly cà phê và cái bánh.

Sáng thứ Sáu cuối tuần. Trời Thu Cali vẫn còn nắng ấm thật đẹp, lại càng đẹp hơn…

Và nhất là, cà phê chưa bao giờ ngon như hôm nay!

Life is beautiful!

 

Cuộc đời làm sếp thỉnh thoảng có được những giây phút cảm động như hôm nay, và đây không phải lần đầu tiên tôi gặp lại một nhân viên cũ đã lâu.

Tâm vẫn còn trẻ, khi vào xin việc khoảng 30 trở lại và có trên 5 năm kinh nghiệm trong nghề. Phỏng vấn interview kiến thức khá vững, không đòi hỏi lương quá cao, là người lý tưởng với công việc tôi đang cần, mặc dù khi đó một nhân viên khác trong hãng cho biết Tâm ở một hãng khác mấy năm trước làm việc bê bối và từng bị đuổi việc. Nhưng tôi đang cần người, và lại nghĩ rằng Tâm có bê bối mấy năm trước, bây giờ biết đâu đã thay đổi? Cho Tâm một cơ hội thử xem.
 

Và tôi đã thất vọng não nề. Tâm chỉ làm việc đàng hoàng được vài tuần là bắt đầu sinh chứng: đi làm không đúng giờ, làm việc bê trễ hư hao, và vài lần tôi còn bắt gặp Tâm…ngủ gật trong lúc làm việc nữa. Khuyên nhủ, cảnh cáo, mấy lần đều không đặng. Tâm mắc bệnh cờ bạc rất nặng.

Nhiều khi đánh bạc thâu đêm, sáng tới hãng người đầy mùi thuốc lá, mặt mày ngơ ngáo vì thiếu ngủ, tôi phải cho về chứ công việc của Tâm là điều khiển những máy móc công nghiệp này, lỡ nó vô ý thay vì đưa cục sắt cho máy tiện, nó lại đưa…cái ngón tay của nó vào thì mới ô hô ai tai!

 

Chưa đến ba tháng, cuối cùng tôi phải cho Tâm thôi việc. Lần đầu tiên trong đời, và cũng là lần duy nhất, tôi phải fire một nhân viên dưới quyền. Cái cảm giác thật là khó chịu. Biết là không phải lỗi ở mình, vậy mà tôi cũng cảm thấy bứt rứt lắm. Đưa Tâm bước ra khỏi hãng, bắt tay từ giã, bỗng Tâm nhìn tôi mắt rươm rướm, nói:

 

- Em biết là anh Thái cũng nương cho em nhiều lắm chứ em làm chỗ khác chắc tụi nó đuổi em từ lâu rồi. Không phải em nói để anh mướn em lại, chứ kỳ này về em nhứt định bỏ không đánh bài nữa, làm lại cuộc đời đàng hoàng anh ơi!

 

Tôi cảm động nghe Tâm nói, mà thực ra cũng không tin tưởng gì mấy.

Nhưng Tâm đã làm thiệt

 

Cuối tuần, gia đình tôi vào quán ăn, xong xuôi đến khi tính tiền thì nhân viên thu ngân nói tất cả tiền bữa ăn tối gia đình tôi đã được trả rồi. Tôi ngạc nhiên hỏi ai? Họ chỉ xuống cuối phòng có ba người đang ngồi. Bây giờ tôi mới để ý. Người đàn ông là Tâm đang vẩy tay chào. Phải mất mấy giây tôi mới nhận ra Tâm vì thời gian khá lâu không gặp, và nhất là bây giờ nó đã hoàn toàn biến thành con người mới, bên cạnh là vợ và đứa con trai khoảng 2,3 tuổi.

 

Hàn huyên thăm hỏi, Tâm nói nó đã bỏ được mọi thói hư tật xấu cờ bạc, làm lại cuộc đời, cưới vợ, có con, và nhờ vợ khá giả nên hai vợ chồng đang làm chủ một tiệm bán nước lọc nhỏ. Không giầu nhưng cũng đủ sống.

 

Tôi hỏi lại ngày đó có buồn gì tôi không. Nó nói may nhờ anh Thái cho nghỉ việc nên mới cương quyết làm lại cuộc đời. Tâm nói thêm sau đó có trở lại tìm tôi để khoe là nó đã thành một con người khác, nhưng tôi đã đổi hãng nên không gặp.

 

May quá chúng mình vẫn còn duyên nên hôm nay mới gặp lại.

Ngày đó té ra mình cho nó nghỉ việc vậy mà hay.

Mừng cho Tâm đã có cuộc đời mới.

Life is beautiful, again.

Và tôi hứa câu chuyện sau đây không liên hệ gì đến mấy vụ được đài ăn uống free bất ngờ như ở trên: “Nu ma mi”!

 

Số phần đưa đẩy sao đó nên tôi vô làm cái hãng nhỏ xíu mà nhiều chuyện này.

 

Chủ hãng vốn là một tên Tàu gốc Đài Loan, gia đình hắn không biết sao lại sống ở Nhật. Sau khi tốt nghiệp trung học, hắn qua Mỹ, gặp và cưới một cô Đại Hàn có quốc tịch Mỹ và ở lại xin nhận Mỹ làm quê hương.

 

Sau một thời gian làm việc, dù có bằng Master và Ang Lê như gió, hắn vẫn là thứ da vàng mũi tẹt bị đì đến mức chịu không nỗi, ghét quá ra lập cái hãng nhỏ này tự mình làm chủ. không cho ai đè cổ nữa. Sau này khi làm việc một thời gian khá thân hắn tâm sự lúc đang làm cho hãng lớn, thằng sếp manager nó về hưu. Tính theo chức vụ, bằng cấp, và kinh nghiệm, nó phải là người đầy đủ tư cách thế chức manager đó, nhưng không, hãng mướn một thằng trắng khác không biết gì, chỉ được cái miệng vô làm sếp. Nó bị chơi ép làm cấp dưới, mà phải train, chỉ bảo cho thằng mới vô chưa biết gì đó để nó… làm sếp mình mới đau! Vì vậy hắn quyết định bỏ đi ra làm một mình.

 

Nhưng đó là chuyện tên chủ hãng, còn ở đây tôi muốn nói về… bà chủ hãng.

 

Bà tên Tini, là người Đại Hàn như đã nói ở trên. Hiền khô như bột.

 

Một hôm bà ấy hỏi tôi

- Này Thái, tao muốn hỏi mày chuyện này

- OK chuyện gì? Tôi ngạc nhiên.

Bà có vẻ bí mật:

- Tao để ý dưới shop, tụi nó hay nói “Nu ma mi, nu ma mi” hoài. Nu ma mi là gì vậy?

“Nu ma mi”!

Mèn ơi dĩ nhiên tôi biết, nhưng… không tiện nói ra chút nào!

 

Chuyện là thằng chủ lập hãng, không biết có phải vì nhớ mối hận năm xưa nên không chịu mướn tên Mỹ nào. Cả hãng trên chục mạng chỉ toàn thợ Việt Nam và Mễ. Lực lượng Việt-Mễ ngang nhau.

 

Làm việc trong một cái shop nhỏ hẹp, thế nào cũng có đụng chạm, cãi cọ qua lại là thường, nhất là chửi thề không tránh khỏi. Mễ chửi lối Mễ, và Việt chửi lối Việt. Một lần tên Mễ làm gì không biết, làm ông Việt Nam thét lớn “Đu mother mi!”. Thằng Mễ láu cá, tuy không biết tên Việt nói chi, nhưng chắc chắn không tốt lành gì, nên chu mỏ bắt chước giọng quạt lại chọc tên Việt, thành “Nu ma mi”. Ô hay tên Mễ này đọc Kim Dung hồi nào mà biết đòn “Gậy ông đập lưng ông” của Cô Tô Mộ Dung vậy hè? OK thì ta cũng cô tô mộ dung lại cho nó biết tay. Ông Việt không thèm dùng tiếng mẹ đẻ nữa, chơi ngay một tràng ba chữ  “Nu ma mi” của thằng Mễ trả đũa liền lập tức. Và tiếp theo, cả hai bên liên tiếp nhả “Nu ma mi” như đại liên bắn nhau vậy đó, khiến cả bọn còn lại cả Mễ lẫn Việt ôm bụng cười một trận đã đời.

 

Kể từ đó, ba chữ “nu ma mi” trở thành… ngôn ngữ quốc tế, đầu môi chót lưỡi cho cái cộng đồng nhỏ Mễ-Việt đề huề này. Không phải chỉ khi Việt-Mễ cãi lộn mới sổ “nu ma mi”, mà nhiều lần tôi chứng kiến hai tên Mễ cãi nhau cũng… “nu ma mi” túi bụi.

 

Thiệt là khó nói!

May bà nói tiếp:

- Tao đoán tụi nó nói “No Mommy” phải không?

Tôi mừng rỡ gật đầu

- Tôi cũng nghĩ vậy. Chắc là tụi nó nói “No mommy” đó.

Bà thấy tôi đồng ý nên cũng OK, không hỏi han gì thêm.

Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đó.

 

Vài hôm sau đến kỳ phát lương. Toàn bộ mười mấy tên công nhân có thông lệ xếp hàng dài chờ bà chủ đến bắt tay từng người đưa check. Tôi làm supervisor đứng cuối.

 

Đến tên Mễ đầu tiên, bà trao tấm checks, và…trước sự bàng hoàng của cả bọn, bà vừa cười vừa nói: “Carlos, nu ma mi”. Thằng Carlos này mấy tháng nay đã quen tật đứa nào “nu ma mi” nó, là nó “nu ma mi” lại ngay, nên buột miệng theo phản xạ tự nhiên:“Nu ma mi, thank you Tini”. Cả bọn phía sau bấm bụng cố nhịn cười. Tới ông Việt Nam đứng kế, bà lại “Nu ma mi”. Ông Việt thấy tên Mễ "Nu ma mi" mà bà chủ có vẻ thích chí cười tươi nên bắt chước nói theo “Nu ma mi, thanks TiNi”

 

Và lần lượt tất cả đều được nhận check cùng ba chữ “Nu ma mi” âu yếm từ bà chủ.

Đến tôi đứng chót. Bà lại

- "Nu ma mi", here’s your check, Thai.

Chục con mắt ếch giương nhìn coi sếp trả lời thế nào!

OK. Đàn em tới đâu thì đàn anh tới đó. Không chịu chơi lấy gì trị nỗi đám lâu la ba hoa xích đế này.

- Thanks Tini, nu ma mi.

Tôi nói.

 

./.

ThaiNC

 

Ý kiến bạn đọc
10/02/202218:27:12
Khách
Nu ma mi...Câu truyện có tình có nghĩa và vui đáo để! Cám ơn tác giả!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,684
Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay. Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.
Nhập ngũ vào Thủ Đức sau biến cố Mậu Thân 1968 khi đang theo học năm thứ hai Cao Học Sử Địa tại Văn Khoa Saigon, anh được chọn vào Không Quân, và có lẽ do bản chất yêu thích văn nghệ với sở trường ca hát và đờn địch, anh vào làm việc trong ban Tâm Lý Chiến của Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa, đi từ cấp bậc Chuẩn Úy cho đến Đại Úy. Đầu năm 1975, anh lấy vợ, một nữ quân nhân phục vụ trong phòng Xã Hội cũng tại sư đoàn 3 Không Quân. Vợ chồng anh ở trong trại sĩ quan của đơn vị cho đến ngày mất nước. Khi anh vào tù, chị trở về quê sống với cha mẹ chị gần Cần Thơ.
Phải nhìn nhận rằng Lão là con người hiền lành, rất hiền lành! Nói theo kiểu người mình hay nói là hiền như cục đất! Lão hiền từ trong nhà ra tới ngoài đường. Chưa bao giờ lão lớn tiếng, hay nói những lời nóng nảy, cộc cằn với bất cứ ai! Cái tâm lão cũng vô cùng là hiền, hiền cả với cây cỏ, với thú vật! Lân la ngoài vườn nhiều khi thấy ớt con hoặc é quế mọc nhiều quá, mụ vợ nhổ quăng bớt. Nếu thấy được lão nhặt chúng đem đi chỗ khác trồng! Mụ kền rền, lão bảo: “Chúng nó cũng muốn sống mà!” Bất cứ con bọ nào bất chợt lọt vào trong nhà là lão túm lấy mở cửa quăng ra ngoài, vừa quăng lão vừa nói: - Đi về nhà mày đi, ở đây lâu là có cơ hội xuống ống cống đấy! Ý lão ám chỉ mụ! Mụ ghét nhất bất cứ con gì chui vào nhà, trông thấy là mụ quăng ngay vào bồn cầu, giật nước mất tích luôn!
Hôm nay trời trong, nắng vàng rực rỡ nhưng lạnh. Hàn thử biểu cho thấy buổi sáng 47độ và trưa được 54 độ F. Vào buổi chiều 16 giờ khí tượng cho biết sẽ có mưa. Từ hôm qua các con đã khuyến khích tôi đi xem hoa đào vì sợ sau cơn mưa, phần lớn hoa sẽ rơi rụng, tơi tả không còn đẹp nữa. Qua video người bạn gửi cho xem thấy hoa đào ở Tidal Basin thủ đô Hoa Thinh Đốn đã nở rộ.
Với Hai Búng thì có nhiều chuyện để nói. Tên trên giấy tờ là Phạm Bình Nhâm, nhưng từ khi vào quân đội, ban bè cùng khóa đặt cho hắn cái tên mới là Búng - Hai Búng. Sở dĩ hắn mang cái biệt danh (nickname) này vì nhà hắn gần chợ Búng mà khi nhắc đến chợ Búng, hắn say sưa nói miết - quên thôi! Hắn tả cảnh, tả tình về quê hương của hắn với những vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu, An Sơn, Bình Nhâm (nơi sinh quán của hắn) hấp dẫn đến mức mà người nghe thấy mát rượi với những cây chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... ngát hương vườn lài, thơm phức mùi sầu riêng và ngọt lịm mùi lò đường, ruộng mía ven sông …Và bao gìờ kết thúc câu chuyện cũng là lời mời rất chân tình: “Khi nào đi qua Chợ Búng, nhớ ghé nhà tao, tao sẽ đưa tụi mày đi ăn bánh bèo bì Mỹ Liên, hay Ngọc Hương, hai tiệm bánh bèo bì nổi tiếng không những ở chợ Búng mà khắp nước đấy. Rồi về nhà tao, mẹ tao sẽ đãi một bữa cháo vịt – thịt vịt bầu mà chấm nuớc mắm gừng do mẹ tao pha chế thì hết sẩy – Tụi mày sẽ nhớ đời …”
Hồi tôi ở trại tỵ nạn, trầy trật bốn năm trời mới vượt qua cuộc thanh lọc đáng ghét, và khi gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn thì bị từ chối, mặc dù tôi có đầy đủ gia đình ở bển. Còn chồng tôi, cả giòng họ rủ nhau đi vượt biên rất sớm, năm 1977 khi cả miền Nam đang vào cơn tàn tạ dưới bàn tay của “bên thắng cuộc”. Trong khi ở trại Mã Lai chờ phái đoàn Mỹ, thì phái đoàn Canada lơn tơn xuất hiện, gia đình chồng tôi nôn nóng thoát khỏi cuộc sống tù túng ở trại nên nhắm mắt đưa chân qua Canada định cư luôn một lèo. Sau đó, chồng tôi đi học, vào cấp ba rồi Đại Học, quyết chí thực hiện giấc mơ Mỹ Quốc năm xưa, bèn nộp vào trường Đại Học tại New York. Khi nộp đơn thì hào hứng, đến khi được nhận thì bị bà má chồng “bàn ra”, vì sợ tốn kém với số “student loan” quá lớn, chồng tôi cũng bị nản chí, không qua đó học nữa.
Thời gian gần đây, tôi đọc được bài ký sự sống động đã cho tôi một bài học trân quý về nền giáo dục của Hoa Kỳ từ tác giả Hạ Vũ, với câu chuyện “Tôi làm Cô giáo nhà trẻ Mỹ” trên mục VVNM trang Việt Báo. Tác giả kể chi tiết từng hoạt động và phương pháp chăm sóc trẻ nhỏ tại lớp học. Từ việc chuẩn bị môi trường sạch sẽ, an toàn và cách cho trẻ ăn uống, vệ sinh đến giấc ngủ trưa yên lành; ngay cả việc vệ sinh cho bé cũng phải hết sức kiên nhẫn và luôn dùng chữ “please” để khởi đầu và cho biết mình sắp làm gì đó cho trẻ, chữ “thank you” để cảm ơn trẻ đã cộng tác, dù việc đó là phục vụ cho chính các em.
Trong 53 năm, chúng tôi kề cận, nhường nhịn, yêu thương và chăm sóc nhau để cùng xây dựng cuộc sống riêng sau khi cả hai chúng tôi học xong đại học. Chúng tôi đã có một gia đình nhỏ an vui với hai con trai. Và từ khi chúng tôi đem hai cô con gái nhà người dưng, mang về làm hai con gái ruột nhà mình thì gia đình chúng tôi có thêm ba đứa cháu. Nay, các con đã thành nhân, các cháu thì đã có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai con trai của chúng tôi đã có nghề nghiệp vững vàng, chúng đã có nhà riêng. Chúng tôi già dặn hơn cùng với sự trưởng thành của con cháu. Hai chúng tôi đã về hưu, vẫn cùng có nhau, tiếp tục nhường nhịn, chăm lo cho nhau trong những năm tháng cuối đời...
Dallas mới qua một đợt lạnh khủng hoảng sau lễ tình yêu, nghỉ học nghỉ làm tuyết đá đầy đường. Hy vọng là đợt lạnh cuối mùa vì thời tiết Texas khó đoán bởi đôi khi sang tháng tư còn tuyết. Tội nghiệp những người thích trồng, họ thường gieo hạt giống trong garage từ cuối tháng hai để sang tháng ba là đậu bắp đã cao được gang tay, cà chua non nhìn mắc ham, những cây ớt xanh mát mắt... Đợi tháng ba cho ra vườn là sớm có ăn, nhưng đầu tháng tư trời lại đổ cho trận tuyết làm cây con chết ráo. Những người mê trồng tính khôn ăn sớm nên gieo hạt trong garage từ cuối tháng hai lại hoá ra ăn muộn vì phải gieo hạt lại lần nữa.
Các nhà khoa học có thể đưa ra tuổi thọ trung bình của một người, nhưng chưa có một thống kê nào cho biết mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi nằm xuống đã ở được khoảng bao nhiêu căn nhà! Điều này có thể nói lên mỗi người có những nhu cầu “xê dịch” rất khác nhau. Sau hiệp định Genève 1954, cuộc sống của người Việt Quốc Gia chỉ trong phạm vi từ vĩ tuyến 17 cho đến Mũi Cà Mau. Nhưng kể từ năm 1975 cho đến nay thì “nhà Việt Nam” đã có mặt tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Mỗi một căn nhà của người Việt trên quê người gói ghém tất cả những thăng trầm của một đời lưu lạc nơi đất khách; là những vinh nhục, được mất, hy sinh, đánh đổi để tồn tại. Biết bao người bôn ba ra hải ngoại đang sống trong những căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi; nhưng từ trong sâu thẳm họ vẫn không quên được căn nhà cũ của mình trên quê mẹ!
Nhạc sĩ Cung Tiến