Hôm nay,  

Chút Cảm Nhận về Nền Giáo Dục Hoa Kỳ và Việt Nam

22/03/202211:07:00(Xem: 2202)

Cỏ Dại là bút danh của một nữ tu trẻ dòng Mến Thánh Giá, Người gốc Kinh 5, Kiên Giang- Việt Nam, cô hiện chăm sóc cho các trẻ em khiếm thị. Trong bài viết đầu tiên gửi cho VVNM Bài hồi tháng 9, 2021 tác giả cho biết Cô sinh ra ở vùng quê Cái Sắn – Kiên Giang, Cô xa quê cũng gần hai mươi năm rồi, và giờ cũng đã xấp xỉ tuổi ba mươi. Tình cờ qua  bài viết “Chút muối của Sài Gòn” về những ngày đi thiện nguyện trong Mùa Covid, xin đăng lên trang Facebook Kinh 5 Quê tôi, tác giả gặp được những Bác “bạn già” là những bậc kỳ cựu của Kinh 5, cũng là những tác giả quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Cái duyên đến với VVNM từ đó và đây là bài thứ ba tác giả gửi cho Việt Báo.

 
***

 

Thời gian gần đây, tôi đọc được bài ký sự sống động đã cho tôi một bài học trân quý về nền giáo dục của Hoa Kỳ từ tác giả Hạ Vũ, với câu chuyện “Tôi làm Cô giáo nhà trẻ Mỹ” trên mục VVNM trang Việt Báo. Tác giả kể chi tiết từng hoạt động và phương pháp chăm sóc trẻ nhỏ tại lớp học. Từ việc chuẩn bị môi trường sạch sẽ, an toàn và cách cho trẻ ăn uống, vệ sinh đến giấc ngủ trưa yên lành; ngay cả việc vệ sinh cho bé cũng phải hết sức kiên nhẫn và luôn dùng chữ “please” để khởi đầu và cho biết mình sắp làm gì đó cho trẻ, chữ “thank you” để cảm ơn trẻ đã cộng tác, dù việc đó là phục vụ cho chính các em.


Hay quá những kinh nghiệm quý báu và thú vị tác giả chia sẻ cùng với sự quan tâm, tận tình và yêu thương đã dành cho trẻ nhỏ. Có thể nói qua các hành động này cho dù các bé chưa thể nói được nhưng hẳn đã cảm nhận được tất cả sự tôn trọng và yêu thương dành cho mình. Hay quá những bài học mà trường lớp và sách vở ở VN chưa thấy dạy cho sinh viên, giáo viên nhà trẻ trong các trường đào tạo. Thật là bài học quý cho những ai mang trong mình thiên chức làm mẹ, làm cô giáo nhà trẻ ở Việt Nam. Sẽ là một sự so sánh khập khiễng, do hệ thống lãnh đạo hay do nền giáo dục VN còn chạy đua theo hình thức: thành tích và lương - thưởng? Hay bởi nền giáo dục còn ở trong guồng máy mang tính chủ nghĩa cá nhân, thiếu đi cái thiện ích chung đặc biệt dành cho trẻ thơ, những thế hệ mà người ta gọi là “mầm non nước nhà"? 

 

Thời gian cách đây 10 năm, khi tôi còn là sinh viên thực tập tại một số trường mầm non này, tôi từng được chứng kiến cách thức các cô giáo, bảo mẫu chăm sóc trẻ, tốt có, chưa tốt có và chúng như những bài học cho tôi khi bước vào nghề. Biết kiến thức, có kinh nghiệm đấy nhưng tôi nhận thấy đa phần các cô giáo trẻ hôm nay dù là những người yêu nghề, rất có thiện chí vẫn khó thực hiện tất cả những điều mình thấy là lý tưởng khi sống giữa guồng máy giáo dục còn nhiều bất cập, chênh vênh ở VN. Họ phải là người yêu nghề, yêu trẻ thì họ mới có thể làm được công việc giữ trẻ suốt mỗi tuần trong nhiều năm, với nhiều vai diễn khác nhau ở trường: họ vừa là cô giáo dạy học khéo léo, nhẹ nhàng, vừa là người mẹ ôm ấp, vuốt ve lúc chúng nhát sợ, vừa là ông bố nghiêm nghị khi chỉ dạy, là người bà lúc dịu dàng, nâng niu cưng chiều trẻ, cô còn đóng vai là nhà khoa học, nhà sinh vật học, là hướng dẫn viên du lịch và cũng là cô cảnh sát, cô cấp dưỡng, vân vân trong các hoạt động chuyên môn nuôi dạy trẻ, lại còn phải thỏa mãn những đòi hỏi khác của “ngành, phòng giáo dục”. Họ phải diễn nhiều tuồng quá nên kiệt sức, nhất là mỗi khi có đợt thanh tra của phòng hay sở giáo dục. Họ phải thức đến khuya dọn dẹp lớp cho gọn gàng và sạch sẽ hơn ngày thường, họ ráng làm cho xong mớ học cụ hoa hoè nhiều màu bắt mắt rồi mới dám về nhà đi ngủ, họ phải rèn luyện kỹ năng cho nhóm trẻ thuần thục hơn khi được dự giờ trắc nghiệm để tránh không xảy ra sơ suất, hạn chế tối đa cái mà người ta có thể “tìm ra lỗi và ghi vào biên bản kiểm tra”, rồi trừ điểm của trường.

Tôi thương các cô giáo nhà trẻ này, họ phải ôm đồm quá nhiều vai trò và trách vụ, họ xoay như chong chóng mỗi ngày mà vẫn không thể đáp ứng được hàng loạt những đòi hỏi mà người ta muốn biến họ nên giống như “siêu nhân”. Cả ngày, họ quần quật với lũ trẻ, với giáo án bài dạy, giáo cụ và đồ dùng, đồ chơi cho trẻ phải mang tính “sáng chế thi đua”, chỉ có giờ ăn cơm trưa là lúc họ được tạm ngồi nhưng phải vội vàng để dỗ trẻ vào giấc ngủ, hay có khi là thông báo tranh thủ đi họp giáo viên… Nếu có trường hợp họ phải làm việc một cách lơ là, thiếu sự tận tâm thì chúng ta phải hiểu cho họ như thế nào?

Một ngày với các cô giáo giữ trẻ (Mầm Non) bắt đầu từ 6h30 sáng với công việc lau chùi, thông thoáng phòng và đón trẻ ngay khi cửa lớp vừa mở. Tôi thường thắc mắc, tại sao sáng sớm vừa mới bước vào công việc đã thấy các cô giáo dễ căng thẳng, đôi khi là cau có với các học sinh! Một lớp thông thường có hai giáo viên, ngoại trừ lớp nhà trẻ (18 tháng đến 3 tuổi) sẽ có thêm một cô bảo mẫu. Họ là cô giáo nhưng cũng vừa là người dọn vệ sinh, người bảo mẫu chăm sóc tất cả từ việc học tập, ăn uống của trẻ và mọi việc liên quan đến vệ sinh, tạp vụ của lớp học. Phụ huynh tranh thủ đưa con đến trường thật sớm để kịp giờ đến chỗ làm, thành ra rất thiếu thốn khâu chuẩn bị cho các cháu. Trong khi ấy các cô giáo chỉ kịp dọn dẹp qua loa lớp, liền sau khi đủ mặt là cho các bé tập thể dục buổi sáng tầm 15-20 phút ngoài trời, rồi lên lớp ăn sáng. Khoảng không gian chừng hơn kém 10m2 - 15m2 mỗi lớp học, vừa là không gian học tập, vui chơi cũng như ăn uống của từ 35-45 bé học sinh thật chật chội và ngột ngạt. Từ hoàn cảnh ấy cho thấy việc chăm sóc, cung cấp các dịch vụ giáo dục một cách khoa học, đạt hiệu quả cho số lượng bấy nhiêu trẻ trong khoảng không gian ấy là không thể. Nói cách khác, một cô giáo nếu gắn thêm mấy cánh tay lên người thì cũng không thể chăm sóc đầy đủ cho bấy nhiêu trẻ mà không có tiếng la hét. Lại còn cần thêm sự nhẫn nại, nhẹ nhàng nói “please”, “thank you” như các lớp học tại Mỹ nữa thì tiêu chuẩn hơi "bị cao".

Trong khi cô này đang cho trẻ ăn thì cô kia phải sắp xếp ổn định chỗ ngồi cho trẻ nào ăn xong trước có thể ngồi chơi; và còn phụ giúp nhắc nhở các em giữ “trật tự”, rồi vừa “dụ” vừa “doạ” cho những trẻ biếng ăn phải ăn nhanh lên cho kịp giờ hoạt động khác lúc 8h15’, mắt cô cũng đảo lia đảo lịa dòm ngó quanh lớp, nhìn vào nhà vệ sinh xem có bé nào ở trong đó nghịch nước hay không và cô cũng tranh thủ hứng xô nước lau nhà, sẵn trong tay khăn lau bàn và cây lau nhà để vừa kịp dọn lấy chỗ học cho trẻ vào buổi sáng, lấy chỗ trải giường cho trẻ vào buổi trưa và xếp ghế ngồi vào buổi xế chiều...

Nhiều lúc nhìn các cô giống như một chú cảnh sát cứ lăm lăm cái còi đeo ở cổ, nếu thấy tình trạng lộn xộn là thổi còi ngay. Đóng vai cảnh sát cả ngày mà vẫn không xong, chỉ cần chậm một xíu mà lỡ có trẻ nào cào cấu nhau thì đến buổi chiều lúc trả trẻ về sẽ tha hồ giải thích với phụ huynh, thậm chí phải xuống tới văn phòng trường để giải thích với hiệu trưởng. Một phụ huynh ở nhà trông chừng hai đứa con mà đôi khi chúng còn uýnh nhau toét cả đầu vẫn không thấy “xót” con, nhưng hễ trên lớp cô giáo không “thổi còi” can ngăn kịp thời, lỡ bị bạn cào trúng vào mặt một vệt thì nhiều phụ huynh thấy bầu trời u ám, “xót” con đến rớt nước mắt… và cô giáo thấy gánh nặng cuối ngày không được giảm nhưng đang tăng lên trên đôi vai với tinh thần mệt mỏi.


Cảm giác ấy có thể đeo đuổi các cô giáo trong nhiều ngày sau với những áp lực khác dồn nén khi những người quản lý giáo dục chỉ nhắm vào thi đua để đánh đồng cách chăm sóc trẻ “tốt”, họ hạ thi đua, trừ lương… trong khi đồng lương giáo viên mầm non rất còm cõi khoảng 5-6 triệu/tháng. Nhất định trong công việc phải có những niềm vui nhỏ nhỏ từ những đứa trẻ đơn sơ, dễ thương giống thiên thần ấy mới có thể tiếp thêm nghị lực cho các cô giáo, các bảo mẫu tại các nhà trẻ. Mỗi ngày, mỗi tuần của các cô giáo nhà trẻ tại mỗi trường học là muôn vàn câu chuyện khóc cười, là những lúc cố gắng và cũng có khi chán chường muốn bỏ cuộc, chuyển nghề. Nhưng đâu đó, vì kế sinh nhai hay vì một lý tưởng mà người ta vẫn phải tiếp tục trụ lại trong nghề, chỉ khác là trong niềm vui thanh thoát hay nỗi buồn vương tơ mà thôi.

 

Hệ thống giáo dục VN trước kia, các cấp học đều có trường công của Nhà nước và trường tư thuộc sự quản lý của các Nhà Dòng, các Ni Sư …Họ có sứ mạng giáo dục. Ở các trường tư thục này rất nổi tiếng về cách giáo dục theo cách thức tiên tiến, khoa học, nhân văn… của Âu Tây, học sinh của họ bây giờ phần lớn đã có tuổi, là những vị thành đạt và có lối sống cao đẹp với cả đức và tài. Người ta thường nói “học sinh thời đó ai được đi học cũng nên người chứ không như bây giờ, học nhiều mà chẳng được mấy ai thành người!”. Học trò ngày xưa được dạy kỹ lưỡng về Công Dân Giáo Dục, về nhân cách sống, kiến thức thì nắm đến nơi đến chốn, riêng môn Văn thì: thơ, câu cú ngữ pháp đâu ra đó. Còn thế hệ trẻ bây giờ lại coi nhẹ những việc đó, rất hiếm có người trẻ còn yêu thích tìm kiếm kiến thức trong sách vở và tập tành thơ ca như trò giải trí lành mạnh. Cũng trong tác động của thời công nghệ 4.5 đã lôi cuốn người trẻ theo một hướng nhìn và dẫn họ đi khác xưa rất nhiều đến nỗi không ai có thể níu lại cho kịp. Các trường xưa vẫn còn đó với mái ngói và ô cửa theo cấu trúc Pháp nhưng mà nay phần lớn đã bị trưng dụng và chuyển đổi thành trường công chế độ mới.

Nhắc đến trường công, tôi nhớ rõ câu chuyện trong một lớp mầm non thời tôi là thực tập sinh, hai cô giáo này vẫn nhận lương lao động hàng tháng của mình đầy đủ, đúng hẹn. Còn trẻ con thì như tờ giấy trắng đơn sơ như câu tục ngữ “đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ", điều này đã được một cô giáo áp dụng khi có ý muốn hỏi khéo phụ huynh: “Bộ tháng này ba mẹ con chưa lãnh lương hả?” Vì đa phần các trường công ở Sài Gòn, phụ huynh nào muốn con mình được quan tâm hơn, chăm sóc kỹ hơn và những đứa trẻ đặc biệt thì cần bồi dưỡng thêm cho cô giáo vào cuối tháng, mỗi cô vài trăm ngàn và lễ tết không quên quà kèm theo phong bì ... Nếu chẳng may đến hẹn mà quên thủ tục ấy thì con của họ sẽ về tường thuật “khéo" với ba mẹ câu nói đó. Nghe từ miệng một nhà giáo nói ra mà thêm xót xa, một nghề nghiệp xưa kia được đánh giá trọng vọng, nghề lái đò cao quý với đồng lương bèo bọt nhưng lương tâm nghề nghiệp vẫn trong sáng và được tôn trọng. Còn ngày nay, dường như đồng tiền đã che lấp đi biết bao vẻ đẹp, cao quý của nghề giáo. Hỏi còn bao nhiêu thầy cô còn có đủ tâm và tầm khi tham gia sứ mệnh giáo dục người trẻ hôm nay? Họ sẵn sàng đặt đồng tiền bên dưới nhân cách, tư cách của nhà giáo chân chính, mẫu mực? Không thể gom đũa cả nắm, nhưng những trường hợp như trên, tôi và nhiều bậc phụ huynh đều gặp thấy không phải là ít trong các trường công lập, nhất là tại các lớp nhà trẻ, bởi việc chăm sóc vất vả hơn và đặc thù hơn vì muốn con mình không bị thiệt thòi.

Nhưng may mắn khi đó đây còn những trường tư thục nhà trẻ của các tôn giáo. Họ mới được phép hoạt động sau này, và mục đích chính muốn cống hiến cho các em một nền giáo dục nhân bản, họ đến với các em vì lý tưởng phục vụ chứ không phải vì kế sinh nhai. Họ vẫn chịu sự quản lý tổ chức trường lớp, sự giám sát về giáo dục, phương pháp quản lý như các trường công. Ở khu vực này chất lượng giáo dục được nâng cao và có kết quả khả quan hơn.

Nói cho cùng, để giáo dục một con người thành nhân cần đến sự cộng tác của nhiều yếu tố từ gia đình, trường học đến xã hội. Một nhân vị có thể lớn lên và trưởng thành cần có sự đồng hành nâng đỡ, thấu hiểu và quan tâm rất nhiều từ ba mẹ, cộng với sự chuyên nghiệp của trường học để các em có được một nền móng vững chắc khi bước vào đời, đảm nhận cuộc đời của mình cách có trách nhiệm, có lý tưởng và hoài bão tốt.

Ở thời điểm này bên VN, thật hiếm khi chúng ta có thể bắt gặp được cách giáo dục, chăm sóc trẻ em mang tính khoa học và cũng đầy sự tinh tế, nhân văn như trong câu chuyện về lớp nhà trẻ của nước Mỹ.

Mới đây các trang mạng xã hội liên tục đưa tin về vụ bạo hành trẻ em tại VN với nhiều xót xa và đau đớn. Em, (tên tạm) người dì ghẻ đã bạo hành làm tử vong cháu bé 8 tuổi tại Sài Gòn cuối năm 2021…

Khi cơn đại dịch vẫn đang hoành hành và gây biết bao trắc trở, khó khăn và tang thương cho thế giới cũng như quê nhà. Lòng người còn chưa nguôi nỗi sợ, nỗi đau và còn đang khoắc khoải, nuối tiếc về những ngày tháng bình an, thì đột nhiên  nhận thêm một vết thương qua hành động bạo hành với trẻ em của Em. Cháu bé ấy đáng lý được sống trong vòng tay yêu thương, săn sóc, che chở cách đặc biệt của gia đình khi vì dịch Covid-19 mà bé không được đến được trường học.

Tôi muốn viết cho Em những dòng thổn thức, những tâm tình mà tôi nghĩ đôi khi tôi đang lội ngược dòng với suy nghĩ của nhiều người trên thế giới hôm nay. Thế nhưng, tôi vẫn muốn đóng góp suy tư của mình như một viên sỏi làm mực nước trong chiếc bình cảnh giác dâng lên đôi chút, như tiếng kêu xin lòng trắc ẩn và tha thứ của mọi người dành cho Em bằng tình cảm yêu thương chân thành. Chỉ có tình thương xuất phát từ con tim mới có thể làm cuộc sống này tươi đẹp thực sự dưới ánh mặt trời.

Trong khi vừa bắt gặp câu chuyện thật đẹp, thật hay về cách yêu thương và chăm sóc trẻ tại Mỹ từ một cô giáo gốc Việt thì cũng là lúc tôi vừa gặp thấy hình ảnh Em hành hạ một bé gái nhỏ nhắn, đáng yêu đến phải rời xa thế giới. Tôi đau xót cho đứa trẻ, cho mẹ của bé và cho cả Em nữa, với bản án cả về dư luận xã hội lẫn cơ chế luật pháp, có thể rất nặng nề. 

Đáng lẽ mọi người hân hoan chuẩn bị đón tết thì dư luận cả xã hội đổ dồn về Em, theo dõi những tin tức liên quan đến Em không phải vì ái mộ Em hay cảm thương Em. Mọi người khắp nơi đều lên án hành động tàn bạo mà Em đã làm với cô bé, con của người chồng hờ. Tưởng chừng như các hành vi thiếu nhân đạo, thiếu văn minh ấy chỉ xảy ra ở một vùng đất xa xôi, hẻo lánh, mù tịt văn hoá tri thức,...nhưng không, nó đã xảy ra nơi cô gái trẻ, rất xinh xắn và sống trong một chung cư rất ư “sang chảnh" mà Em sinh sống tại Sài Gòn, một thành phố được kể là rất phồn thịnh của nước Việt Nam.

Hẳn rằng Em, sau vụ bạo hành đã có giây phút cảm nhận sự bấn loạn, sợ hãi và có chăng là hối hận trước áp lực của những cuộc điều tra, trước bản án sẽ dành cho Em khi tuổi thanh xuân của Em còn đang mơn mởn, tràn trề. 

Em đã lớn lên trong một gia đình tốt, hạnh phúc, với tràn ngập yêu thương từ cha mẹ, các thành viên trong gia đình dành cho nhau không? Tôi không chắc rằng cuộc đời Em được xây dựng từ những nền móng vững chắc của lối sống, nếp giáo dục của gia đình một cách tốt nhất. 

Tôi thiết nghĩ, nếu Em được dạy dỗ sống nhân ái, khoan dung và cao thượng từ tấm bé, chắc chắn khi Em lớn lên, dù Em sống với ai thì em cũng sẽ hành xử như Em được dạy, được tiếp nhận từ gia đình Em thuở trước chứ không quá khắt khe, tàn bạo như Em đã làm trong thời gian gần đây. 

Cả xã hội đã xôn xao, đã truy tìm các thông tin vây quanh Em để lên án, lên tiếng đòi quyền lợi cho đứa con của “chồng Em". Gia đình Em cũng không tránh khỏi biết bao phiền lụy cùng lời xỉ vả về các hành động của Em. Cho dù lỗi của ai thì người đó chịu, nhưng phải chăng cha mẹ và gia đình Em cũng có một phần trách nhiệm. Và mỗi người xung quanh từng liên đới với em: người thân, bạn bè, thầy cô, những người hàng xóm, những con người mà  hiện nay trong quan niệm sống “mac-ke-no"(mặc kệ nó) cũng có một phần trách nhiệm? Có thể họ đã không giúp Em nhận được một nền giáo dục nhân phẩm, đạo đức với lương tâm đầy đủ; họ đã không là hồi chuông thức tỉnh lúc Em mê muội trong cơn nóng giận; họ đã bỏ mặc, không hề quan tâm lên án cái ác để  lôi em về phía thiện lương ngay từ đầu.

Có phải cha mẹ Em thiếu đi một bước quan trọng trong tiến trình giáo dưỡng Em? Chưa dạy Em cách đối nhân xử thế, cách chọn đối tượng để kết giao, cách đảm đương cuộc sống với những điều trái ý, với những người sống bên cạnh em dù không cùng máu mủ, ruột rà,... Nghĩa là dám đảm nhận cuộc sống mà Em chọn để sống có trách nhiệm, có nhân phẩm của một người phụ nữ, người mẹ trong gia đình, dù cho có những khó khăn, trái ý và đủ thứ sự khác. Nhưng đó là cuộc sống, là những con người mà Em chọn để sống cùng. 

 

Có thể Em chưa có kinh nghiệm làm mẹ để thương con, đau xót, lo lắng cho con mỗi khi con dở người, ốm bệnh, khờ dại,... Em chưa được trang bị một tâm sinh lý đủ để đảm trách vai trò làm mẹ, nhất là Em, “người dì ghẻ" trong mắt của bao người. Em có nhận được sự tôn trọng, lời khích lệ, ủng hộ để sẵn sàng làm một “Dì ghẻ" như “bánh đúc không xương" từ gia đình và mọi người xung quanh không? 

Nền giáo dục Em nhận được hơn 20 năm qua, với quãng thời gian dài trên ghế nhà trường đã hun đúc trong Em nhiều kiến thức, nhiều trải nghiệm cuộc sống tươi đẹp nhưng lại thiếu đi một góc yêu thương, bao dung và trắc ẩn nơi con tim của Em. Có thể các hành động bạo lực mà Em đã làm đã không cảm nhận được bằng con tim yêu thương nên Em không thấy sự đau đớn, không nghe được tiếng kêu khóc thấu trời, không nhìn thấy ánh mắt van xin da diết của cô bé 8 tuổi vẫn gọi em bằng “Dì" rất quý mến: “Đừng đánh đập, hành hạ con thêm nữa”. 

Hình như Em được nuôi lớn lên và bước vào đời với cuộc sống có vẻ tiện nghi, hiện đại và giàu sang của thời đại hôm nay. Tiếc thay, một nền giáo dục đầy vất vả, tốn kém, thiếu nhân bản …nên không đủ đánh thức trái tim Em trước những con người, mảnh đời yếu đuối và nhỏ bé đang cần sự kiên nhẫn, yêu thương và chăm sóc chung quanh. Em đã hành động quá dại dột và thiếu cân nhắc trước những hậu quả của mình gây ra. 

Thật khó để xin con người, xã hội này bỏ qua hay quên đi những hành vi bạo hành Em đã làm. Sự công bằng vẫn còn đó, Em sẽ phải trả giá cho việc mình làm. Thế nhưng, lòng tôi vẫn đau đáu một hy vọng, hy vọng người ta đừng lên án Em thêm nữa, đừng châm vào những lời kết án tử hình cho Em. Bởi bản án tử hình đã được nhiều quốc gia thuộc Âu Mỹ loại bỏ hầu hết khỏi bản luật của họ. Vì một phần, án hình sự không đạt được mục tiêu của nó là lấy lại sự công bằng, cải hoá sửa trị tội nhân. Bởi án tử hình không giáo hóa sửa trị người lầm lỗi, vì đương sự đã toi mạng rồi còn mong chi có cơ hội sửa mình. Song song là lòng nhân đạo của con người với nhau, với những tử tội. 

Án tử có nét gì đó đượm sự khắt khe, đau đớn tột cùng cho Em và cho cha mẹ, người thân của Em. Và người đã chết cũng không vì cái chết tử hình của Em mà có thể sống lại được. Em có thể chịu tội và đền tội để có một hy vọng làm lại cuộc đời, trở thành một người tốt, một con người sống nhân ái hơn.

 

Tôi khao khát cho các gia đình Việt luôn biết cách giáo dục, chăm sóc con trẻ từ nhỏ một cách khoa học với sự quan tâm cần thiết giúp hình thành cho mỗi nhân vị một nhân cách tốt, một sự trưởng thành. Và khi bước vào đời, mỗi người trẻ biết cách đảm đương cuộc đời, sống có trách nhiệm, có tính nhân văn và lòng trắc ẩn sâu thẳm trong trái tim của mình…

 

Tôi ước mong cho những bậc làm cha mẹ ở VN, sau biến cố của Em, họ cũng rút ra một bài học nào đó để hướng dẫn, khuyên bảo và quan tâm hơn đến con cái của họ. Và đừng để lịch sử có thêm một câu chuyện tương tự đáng buồn như câu chuyện của Em, để người cha, người mẹ đừng sống trong ân hận muộn màng khi chứng kiến đứa con yêu quý rơi vào vòng lao tù, án tử vì cha mẹ đặt nền móng yếu ớt, hời hợt những năm tháng đầu đời của con. Mặc dù, người trẻ bước vào đời với sự tự do và trách nhiệm, nhưng trước đó, khi còn là thanh thiếu niên, chúng cần được xây trên một nền móng vững chắc từ gia đình, trường học và xã hội để có được vốn sống tốt hầu biết đối nhân xử thế sao cho tình nghĩa vẹn đường. 


Xa hơn nữa tôi ước mong cho đất nước Việt Nam, những nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn xa, đặt nền giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu, để các thế hệ tương lai có được sự giáo dục tốt nhất. Từ nền tảng ấy mới mong nước Việt Nam có thêm người tài-đức, xây dựng một quốc gia cường thịnh, nhân nghĩa để sánh vai với thế giới văn minh.

Cỏ Dại 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,788
Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay. Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.
Nhập ngũ vào Thủ Đức sau biến cố Mậu Thân 1968 khi đang theo học năm thứ hai Cao Học Sử Địa tại Văn Khoa Saigon, anh được chọn vào Không Quân, và có lẽ do bản chất yêu thích văn nghệ với sở trường ca hát và đờn địch, anh vào làm việc trong ban Tâm Lý Chiến của Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa, đi từ cấp bậc Chuẩn Úy cho đến Đại Úy. Đầu năm 1975, anh lấy vợ, một nữ quân nhân phục vụ trong phòng Xã Hội cũng tại sư đoàn 3 Không Quân. Vợ chồng anh ở trong trại sĩ quan của đơn vị cho đến ngày mất nước. Khi anh vào tù, chị trở về quê sống với cha mẹ chị gần Cần Thơ.
Phải nhìn nhận rằng Lão là con người hiền lành, rất hiền lành! Nói theo kiểu người mình hay nói là hiền như cục đất! Lão hiền từ trong nhà ra tới ngoài đường. Chưa bao giờ lão lớn tiếng, hay nói những lời nóng nảy, cộc cằn với bất cứ ai! Cái tâm lão cũng vô cùng là hiền, hiền cả với cây cỏ, với thú vật! Lân la ngoài vườn nhiều khi thấy ớt con hoặc é quế mọc nhiều quá, mụ vợ nhổ quăng bớt. Nếu thấy được lão nhặt chúng đem đi chỗ khác trồng! Mụ kền rền, lão bảo: “Chúng nó cũng muốn sống mà!” Bất cứ con bọ nào bất chợt lọt vào trong nhà là lão túm lấy mở cửa quăng ra ngoài, vừa quăng lão vừa nói: - Đi về nhà mày đi, ở đây lâu là có cơ hội xuống ống cống đấy! Ý lão ám chỉ mụ! Mụ ghét nhất bất cứ con gì chui vào nhà, trông thấy là mụ quăng ngay vào bồn cầu, giật nước mất tích luôn!
Hôm nay trời trong, nắng vàng rực rỡ nhưng lạnh. Hàn thử biểu cho thấy buổi sáng 47độ và trưa được 54 độ F. Vào buổi chiều 16 giờ khí tượng cho biết sẽ có mưa. Từ hôm qua các con đã khuyến khích tôi đi xem hoa đào vì sợ sau cơn mưa, phần lớn hoa sẽ rơi rụng, tơi tả không còn đẹp nữa. Qua video người bạn gửi cho xem thấy hoa đào ở Tidal Basin thủ đô Hoa Thinh Đốn đã nở rộ.
Với Hai Búng thì có nhiều chuyện để nói. Tên trên giấy tờ là Phạm Bình Nhâm, nhưng từ khi vào quân đội, ban bè cùng khóa đặt cho hắn cái tên mới là Búng - Hai Búng. Sở dĩ hắn mang cái biệt danh (nickname) này vì nhà hắn gần chợ Búng mà khi nhắc đến chợ Búng, hắn say sưa nói miết - quên thôi! Hắn tả cảnh, tả tình về quê hương của hắn với những vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu, An Sơn, Bình Nhâm (nơi sinh quán của hắn) hấp dẫn đến mức mà người nghe thấy mát rượi với những cây chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... ngát hương vườn lài, thơm phức mùi sầu riêng và ngọt lịm mùi lò đường, ruộng mía ven sông …Và bao gìờ kết thúc câu chuyện cũng là lời mời rất chân tình: “Khi nào đi qua Chợ Búng, nhớ ghé nhà tao, tao sẽ đưa tụi mày đi ăn bánh bèo bì Mỹ Liên, hay Ngọc Hương, hai tiệm bánh bèo bì nổi tiếng không những ở chợ Búng mà khắp nước đấy. Rồi về nhà tao, mẹ tao sẽ đãi một bữa cháo vịt – thịt vịt bầu mà chấm nuớc mắm gừng do mẹ tao pha chế thì hết sẩy – Tụi mày sẽ nhớ đời …”
Hồi tôi ở trại tỵ nạn, trầy trật bốn năm trời mới vượt qua cuộc thanh lọc đáng ghét, và khi gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn thì bị từ chối, mặc dù tôi có đầy đủ gia đình ở bển. Còn chồng tôi, cả giòng họ rủ nhau đi vượt biên rất sớm, năm 1977 khi cả miền Nam đang vào cơn tàn tạ dưới bàn tay của “bên thắng cuộc”. Trong khi ở trại Mã Lai chờ phái đoàn Mỹ, thì phái đoàn Canada lơn tơn xuất hiện, gia đình chồng tôi nôn nóng thoát khỏi cuộc sống tù túng ở trại nên nhắm mắt đưa chân qua Canada định cư luôn một lèo. Sau đó, chồng tôi đi học, vào cấp ba rồi Đại Học, quyết chí thực hiện giấc mơ Mỹ Quốc năm xưa, bèn nộp vào trường Đại Học tại New York. Khi nộp đơn thì hào hứng, đến khi được nhận thì bị bà má chồng “bàn ra”, vì sợ tốn kém với số “student loan” quá lớn, chồng tôi cũng bị nản chí, không qua đó học nữa.
Trong 53 năm, chúng tôi kề cận, nhường nhịn, yêu thương và chăm sóc nhau để cùng xây dựng cuộc sống riêng sau khi cả hai chúng tôi học xong đại học. Chúng tôi đã có một gia đình nhỏ an vui với hai con trai. Và từ khi chúng tôi đem hai cô con gái nhà người dưng, mang về làm hai con gái ruột nhà mình thì gia đình chúng tôi có thêm ba đứa cháu. Nay, các con đã thành nhân, các cháu thì đã có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai con trai của chúng tôi đã có nghề nghiệp vững vàng, chúng đã có nhà riêng. Chúng tôi già dặn hơn cùng với sự trưởng thành của con cháu. Hai chúng tôi đã về hưu, vẫn cùng có nhau, tiếp tục nhường nhịn, chăm lo cho nhau trong những năm tháng cuối đời...
Dallas mới qua một đợt lạnh khủng hoảng sau lễ tình yêu, nghỉ học nghỉ làm tuyết đá đầy đường. Hy vọng là đợt lạnh cuối mùa vì thời tiết Texas khó đoán bởi đôi khi sang tháng tư còn tuyết. Tội nghiệp những người thích trồng, họ thường gieo hạt giống trong garage từ cuối tháng hai để sang tháng ba là đậu bắp đã cao được gang tay, cà chua non nhìn mắc ham, những cây ớt xanh mát mắt... Đợi tháng ba cho ra vườn là sớm có ăn, nhưng đầu tháng tư trời lại đổ cho trận tuyết làm cây con chết ráo. Những người mê trồng tính khôn ăn sớm nên gieo hạt trong garage từ cuối tháng hai lại hoá ra ăn muộn vì phải gieo hạt lại lần nữa.
Các nhà khoa học có thể đưa ra tuổi thọ trung bình của một người, nhưng chưa có một thống kê nào cho biết mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi nằm xuống đã ở được khoảng bao nhiêu căn nhà! Điều này có thể nói lên mỗi người có những nhu cầu “xê dịch” rất khác nhau. Sau hiệp định Genève 1954, cuộc sống của người Việt Quốc Gia chỉ trong phạm vi từ vĩ tuyến 17 cho đến Mũi Cà Mau. Nhưng kể từ năm 1975 cho đến nay thì “nhà Việt Nam” đã có mặt tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Mỗi một căn nhà của người Việt trên quê người gói ghém tất cả những thăng trầm của một đời lưu lạc nơi đất khách; là những vinh nhục, được mất, hy sinh, đánh đổi để tồn tại. Biết bao người bôn ba ra hải ngoại đang sống trong những căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi; nhưng từ trong sâu thẳm họ vẫn không quên được căn nhà cũ của mình trên quê mẹ!
Chị Bông đọc xong email của người bạn chỉ cách muối cà pháo ăn liền, lại còn minh họa theo một bát cà pháo dầm nước mắm tỏi ớt trông thật ngon lành hấp dẫn. Suốt hai tuần lễ qua chị lấy vacation về phố Bolsa California thăm người nhà, ăn uống thịt thà, tôm cá mỡ màng nên bỗng thèm món ăn nhà quê dân dã này. Chị lái xe ngay ra chợ mua vài pound cà pháo, ăn đổi món và để giảm cân. Sau chuyến đi chơi Cali chị đã tăng 2 pounds.Về nhà chị thực hiện như bạn chỉ, xẻ cà ra, ngâm nước muối cho ra bớt chất độc hại thâm đen. Trong khi chờ đợi cà còn ngâm trong chậu, chị Bông pha sẵn một bát nước mắm tỏi ớt đậm đà. Món này chỉ ăn với cơm trắng cũng đủ ngon nhớ đời.
Nhạc sĩ Cung Tiến