Hôm nay,  

Chuyện Như Huyền Thoại

06/08/202100:00:00(Xem: 7082)


VVNM_phan lang tranh thơ.Picture9  

Phương Hoa
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014.  Giải Trùng Quang 2018 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.

 

****

 

Viết tặng bạn Phạm Phan Lang, cựu nữ Trung Tá Lục Quân Hoa Kỳ
 
Cái tin cô bạn cựu Trung Tá Lục Quân Hoa Kỳ Phạm Phan Lang (Thực sự thì Phan Lang đã nhận quyết định thăng chức Đại Tá trước khi giải ngũ) từ xứ du lịch bờ biển Hạ Uy Di dọn về California làm nức lòng bè bạn khắp nơi trên đất liền. Nhóm Bắc Cali toàn nữ chúng tôi và Phan Lang cũng đều là thành viên của Văn Thơ Lạc Việt (VTLV), Văn Bút Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, Cô Gái Việt, và Minh Châu Trời Đông, vui mừng điện thoại cho nhau ơi ới mỗi ngày, bàn tính rôm rả chuyện đi Nam Cali thăm nhà mới của “Đứa con gái cưng Mỹ Quốc” nữ Trung Tá gốc Việt đầu tiên của Hoa Kỳ, cũng là “Hậu duệ Hai Bà Trưng Triệu Việt Nam” là những câu chúng tôi thường gọi đùa người bạn gốc quân nhân này. Và tôi bắt đầu tính chuyện làm thơ, để chị Đỗ Dung viết thư pháp Chúc Mừng Tân Gia.
 
Trưởng đoàn là chị nhà báo Lê Diễm, trưởng ban Xã Hội VTLV, người luôn mau mắn chu toàn lo cho việc “quan hôn tang tế” của VTLV. Chị chịu trách nhiệm thuê xe kiêm luôn chức bác tài. Sau khi rủ rê hẹn hò ngày giờ đâu đó, chúng tôi thành lập được một phái đoàn thiệt đông, thiệt “oách,” cỡ một tiểu đội quần hồng, bảy tám “nàng” như một tour du lịch chánh hiệu con nai vàng, và chị Lê Diễm book chiếc Van 12 chỗ rộng rãi ngon lành. Nhưng kéo dài theo thời gian, các bông hoa …rơi rụng lia chia, kẻ bận chuyện kia người kẹt chuyện nọ, cuối cùng thì đầu to đuôi teo, số người đi còn lèo tèo chỉ bốn mống, Lê Diễm, Đỗ Dung, Phương Hoa, và Minh Thúy.
 
Đây là lần đầu tiên sau ngày “mở cửa” qua hơn một năm rưỡi nằm nhà trốn dịch, chị em chúng tôi mới được các đức lang quân cho đi chơi xa, nên ai nấy rộn ràng chuẩn bị. Trước ngày khởi hành, đọc tin thấy dịch biến thể Covid Delta đang hoành hành, lây lan khắp năm chục tiểu bang Hoa Kỳ, nhiều nhất là ở Nam Cali, vùng Los Angeles.  Cho nên đêm trước khi đi tôi lo âu không ngủ được vì nghĩ đến chuyện cái con Delta nó lẩn quẩn dưới Nam Cali, và có lúc tôi đã tưởng phải hủy chuyến đi. Nhưng rồi nghĩ đến công lao chị Lê Diễm đã thuê xe và các chị chuẩn bị bữa giờ. Tội nhất người bạn vàng Phan Lang của chúng tôi, điện đàm liên tục, hỏi han về sở thích ăn uống của mỗi người để chuẩn bị. Và hai cái tủ lạnh đầy nhóc các thức ăn chay mặn khi chúng tôi đến nơi đã nói lên tình cảm và sự chu đáo đối với bạn bè của người bạn nhà binh ấy.
 
Lúc khởi hành, miền Bắc Cali khí hậu thật mát mẻ. Xuống xa dần về phía Nam, trời bắt đầu nóng lên hừng hực, đến nỗi máy lạnh trong xe mở lên cũng chẳng “xi nhê” gì. Nóng bốc khói đã làm tôi vỡ mộng ngắm cảnh dọc đường. Nên nhân lúc mọi người nói cười vui vẻ, bàn tính đi Little SaiGon sẽ mua sắm những gì, tôi lấy điện thoại ra mở đầu cho bài viết của chuyến đi đầy hào hứng. Lần trước Phan Lang từ Hawaii qua Cali thăm con gái làm việc ở Google, nhóm bạn chúng tôi cũng đã gặp nhau và “tâm sự loài chim biển” cả ngày trong bữa tiệc tại nhà Minh Thuý mà không biết chán.  Tôi thường liên lạc với Phan Lang nên biết được nhiều điều cảm động về người bạn này. Lịch sử gia đình Phạm Phan Lang gồm một chuỗi dài đầy huyền thoại, kiêu hãnh, ngọt ngào, lẫn đớn đau... mà nghe tới đoạn nào trái tim tôi cũng bị mềm đi theo đoạn ấy... 
 
30 tháng Tư 1975 ngày mất nước, Thiếu Tá Hải Quân của QLVNCH Phạm Văn Diên lái chiếc chiến hạm loại nhỏ PGM 615 rời quê hương mang theo gia đình cùng bố mẹ già, gia đình người anh, một người em vợ, cùng trên dưới hai trăm quân nhân và đồng bào. Người ta chen lấn lên tàu, nhiều người nhét vàng vào tay Thiếu Tá Diên nhưng anh tuyệt đối không nhận của ai một thứ gì.  Nhà ba mẹ Phan Lang vốn khá giả, ba là một nhà thầu lớn từng xây nhà cho tướng Tôn Thất Đính và Đỗ Mậu ở Nha Trang. Ngày di tản nàng mang theo một ruột tượng có dollars, vàng, và kim cương nhưng vì say sóng nên tháo ra cất vào hành lý. Chiến hạm đó vừa chiến đấu ở miền Trung trở về đã bị thương tích đầy mình, trên đường ra khơi thì bị trục trặc, nước tràn vào.  May gặp một chiếc tàu khác cứu, chỉ vớt người, rồi đánh chìm chiến hạm, mang theo toàn bộ gia tài của bạn tôi xuống lòng đại dương.
 
Đến Mỹ với hai bàn tay trắng, được bảo trợ về định cư nơi thành phố nhỏ vắng vẻ miền quê, gia đình vợ chồng Phan Lang gồm ba đứa con thơ cùng bố mẹ chồng già. Nhưng khi người bảo trợ khuyên đi xin trợ cấp thì họ nhất định không chịu, thà là xin việc làm xa thành phố, anh Diên đạp xe đạp đi cả chục cây số mỗi ngày, lương chỉ ba cọc ba đồng. Phan Lang thì xin được chân rửa bát ở nhà hàng. Nghe bạn kể mà tôi muốn rơi nước mắt.  Vốn con nhà tiểu thư khuê các, ra đi mất sạch mọi thứ, chỉ còn lại đôi giày cao gót dính vào chân, quen cách điệu đà lúc nào cũng giày cao guốc nhọn, nên lúc đi rửa chén cũng không nghĩ mình sẽ bị vấn đề gì khi mang đôi giày độc nhất đó.  Cô nàng làm sao tưởng tượng được, khi nhấc thùng chén đĩa nặng trịch lên và chỉ một bước trên đôi giày cao gót, nàng đã bị trượt chân tới trước rồi ngã uỵch xuống sàn nhà, chén bay đĩa văng tứ tung, bể tan thành trăm mảnh.
 
Phan Lang nhớ lại, lúc ấy cái đau vì ngã thì ít, mà cái tủi thân, đau đớn vì hoàn cảnh nước mất nhà tan, mang thân lưu lạc thì nhiều. Và sự đau đớn chảy theo từng dòng lệ trào tuôn đã bừng lên một ý chí mãnh liệt cho Phan Lang. Cần phải đi học. Học để vươn lên. Để kiếm tương lai cho gia đình và con cái, không thể sống với nghề tay chân rửa bát này được. Thời may, nhờ người bảo trợ giúp, đưa gia đình Phan Lang đến ở trong một trại gà, nuôi 60,000 con gà thịt. Cơ hội đến, vợ chồng Phan Lang ghi danh vào University of Maryland, Eastern Shore. Mỗi ngày chỉ 24 tiếng, mà bạn tôi vừa đi học, vừa làm ba job chính và nhiều job phụ, tôi nghe mà bắt...chóng mặt, nhớ không hết. Đi học vừa làm work study, xong chạy về cho gà ăn, cho uống thuốc, tối đi làm ở McDonald's, đi dạy tiếng Anh cho trẻ Việt mới định cư, nuôi dạy ba đứa con thơ, làm nàng dâu ngoan chăm sóc hầu hạ cơm dâng nước rót cho bố chồng từng là quan Chánh Tổng ngày xưa, và người mẹ chồng mang nhiều thứ bệnh...
 
Vất vả thế, vậy mà chỉ sau ba năm đến Mỹ, năm 1978, khi còn đang học đại học, Phan Lang cùng anh Diên và vị Giảng Sư Vật Lý đã hoàn thành một nghiên cứu về khoa học và đạt loại xuất sắc, nên được trường chọn đưa đi dự đại hội ở Viện Y Tế Quốc Gia - National Institutes of Health (NIH) tại Atlanta. Anh Diên cũng được chọn đi dự, nhưng Phan Lang đặc biệt hơn, được đề cử đại diện làm người phát ngôn, Speaker của trường, để đọc bài giới thiệu trước đại hội. Chưa hết, cũng trong năm 1978, Phan Lang được chọn là một trong 20 sinh viên xuất sắc toàn quốc trong chương trình Liên Đoàn Nghiên Cứu Nước Ngoài (The Foreign Study League) đi nghiên cứu một tháng qua các nước Anh, Pháp, và Ý.
 
Và công khó đã được đền bù. Đến năm 1980, sau 5 năm định cư trên đất Mỹ, Phan Lang tốt nghiệp đại học hạng tối ưu, trên 4:00 GPA, nhận cùng lúc hai tấm bằng Cử Nhân. Một là Cử Nhân Kinh Tế Gia Đình (Home Economics) và một là Dinh Dưỡng Học (Nutrition and Dietetics). Sau khi tốt nghiệp, Phan Lang xin gia nhập quân đội Hoa Kỳ, tham gia vào chương trình thực tập về Dinh Dưỡng của Lục Quân Hoa Kỳ (US Army Dietetic Internship).
Khi nghe bạn kể đến đây tôi không dằn được nên chặn lại và hỏi:

“Phan Lang có thể cho mình biết nguyên do nào bồ nghĩ đến gia nhập quân đội Hoa Kỳ không?”
 
“Well, mình sẽ không nói những lời sáo ngữ như là vì yêu nước Mỹ hay muốn đền ơn gì gì đó. Phan Lang nói.  “Mà thật ra mình vào quân đội vì quân đội có chương trình thực tập dinh dưỡng tốt nhất, và đặc biệt, những quyền lợi (benefits) trong quân đội Hoa Kỳ rất là lý tưởng, không đâu sánh bằng. Hay hơn nữa, chỉ cần phục vụ ba năm là có thể xin giải ngũ nếu muốn, và khi ra ngoài sẽ rất dễ xin việc làm.” Cô nàng cười, tiếp: “Nhưng vào được trường sĩ quan quân đội Lục Quân Hoa Kỳ không phải dễ đâu à nha! Phải có đủ tiêu chuẩn, thứ nhất là tốt nghiệp bằng Cử Nhân loại giỏi và đúng ngành, thứ hai phải dưới ba mươi tuổi, thứ ba phải có quốc tịch Mỹ, cộng thêm với 3 lá thư giới thiệu của những nhân vật quan trọng và một bài viết về tiểu sử. Và đặc biệt là, phải qua được cuộc phỏng vấn rất khó khăn.”
 
Khi đó Phan Lang bị thiếu hai điều quan trọng nhất: Đã qua tuổi ba mươi và chưa có quốc tịch Mỹ. Nhưng nhờ tốt nghiệp Cử Nhân hạng tối ưu, có nhiều thành tích tốt lúc ở trường đại học, và 3 lá thư giới thiệu nhiệt tình từ ba nhân vật quan trọng trong ngành giáo dục và xã hội, kèm theo bài viết về tiểu sử rất “bắt mắt,” nên họ thấy tiếc nếu không nhận Phan Lang. Và họ đã làm một cuộc phỏng vấn, mất cả nửa ngày trời hỏi toàn những câu hóc búa. Cuối cùng vì quá thích thú khi biết thêm về người thí sinh này, nên họ đã nhận “đặc cách” người phụ nữ Việt đã có gia đình và ba đứa con nhỏ và chưa nộp đầy đủ những gì họ yêu cầu, vào với quân đội Mỹ.
 
“Wow! Wow!” Tôi nghe mà chỉ biết kêu lên thích thú, vì không còn lời để ngợi khen bạn.
 
Sau một năm học tập và được nhà binh rèn luyện với đầy đủ phong cách một quân nhân, năm 1981 Phan Lang tốt nghiệp, ra trường là một nữ Thiếu Uý. Thật không thể tưởng tượng nổi, đã vào quân đội mà nàng vẫn phải chu toàn việc nhà, rồi còn trở lại trường vào ban đêm học lấy bằng Thạc Sĩ. Chuyện nghe như huyền thoại, như cổ tích “nghìn lẻ một đêm,” mấy ai tin được một sĩ quan của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, mà mỗi ngày sau khi xong nhiệm vụ việc nước thì vội vã chạy về nhà lo nấu ăn, lo con cái, đi học đêm, chăm sóc bố mẹ chồng, nhất là mẹ chồng thân mang nhiều thứ bệnh cần phải nấu thức ăn kiêng. Nàng dâu quân nhân gốc Nha Trang mỗi ngày còn phải tắm rửa, gội đầu, chải mái tóc dài quá gối của bà cụ rồi quấn khăn vành cho bà theo người Bắc. Quả là một nàng dâu đầy hiếu thuận, rất hiếm thấy...
*
Trước ngày đi Nam Cali, tôi nhắn địa chỉ nhà Phan Lang cho đứa cháu dưới đó để nó ghé lại lấy vài món đồ, thì con bé kêu lên, “Chỗ đó là khu nhà giàu, đẹp và sang lắm,” và bây giờ, khi chị Lê Diễm dừng xe loay hoay bấm số code để cổng mở cho xe chạy vào tôi mới thấy nó nói đúng. Đây là một khu gia cư “kín cổng cao tường” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khu nhà cao cấp này được chăm sóc rất chu đáo. Trước cửa nhà nào hoa cỏ cũng xinh tươi rực rỡ, đường đi ngang dọc bóng loáng không chút bụi, nhìn thật đã mắt. Phong cảnh trang nhã thanh lịch xung quanh đã làm dịu bớt đi cơn nắng nóng hực lửa đang chào đón khách đến từ Vùng Đông Vịnh mát mẻ.

VVNM_Phái.Đoàn.Cali-thăm.Nhà.Mới (1)

Phái đoàn thăm nhà mới.

 
Đó mới chỉ là toàn cảnh bên ngoài. Vào bên trong, ngôi nhà còn đặc sắc hơn với cách sắp xếp và trang trí nội thất độc đáo của Phan Lang và chàng ông xã. Quả đúng là người về từ Hawaii.  Sự trang trí thật mát mắt với phong cảnh miền biển, rải rác khắp nơi là những con cá, mực, vỏ sò, hoa lá, rong rêu... nhìn thật tuyệt. Mọi người ríu rít thi nhau trầm trồ, khen ngợi sự sắp xếp và trang trí trong nhà. Chàng xã Barry của Phan Lang nghe vậy cười vui vẻ:

“Tất cả là do cô ấy làm hết!”

Tôi nheo mắt ghẹo:

“Tại sao lại là ‘một mình cô ấy’ làm chứ?”

Barry cười lớn hơn, nói đùa một cách duyên dáng, kiêm thêm chút… hãnh diện:

“Bởi vì cô ấy là Trung Tá của Quân Lực Hoa Kỳ!”
 
Tối hôm đó, vợ chồng một người bạn văn khác, là Chúc Anh và Jeffrey Miller, từ Los Angeles (LA) lên chơi cùng ăn tối với chúng tôi. Chúc Anh và Jeffrey Miller rất nhiệt tình với bạn bè, lái xe mất mấy tiếng đồng hồ vào ban đêm rồi sau mãn tiệc thì chạy về LA lại làm mọi người cảm động. Khỏi phải nói, bữa tối đầy bàn với sơn hảo hải vị thật hấp dẫn. Phan Lang còn chu đáo kèm theo nhiều món chay ngon cho những người không ăn thịt cá như tôi.
 
Lúc ngồi nhìn Phan Lang, tôi lại nghĩ về câu chuyện tình dễ thương và cảm động của cặp Diên & Lang thời trẻ.  Duyên nợ kiếp nào mà chàng sĩ quan Hải Quân của thành phố biển Nha Trang gặp cô bé nữ sinh 13 tuổi đã bị tiếng sét ái tình giáng trúng.  Nàng còn quá nhỏ, nên “chàng Bắc Kỳ” mãi âm thầm dõi theo hình bóng của bé, chờ đến khi cô tốt nghiệp và đậu Tú Tài mới xin rước nàng về dinh.  Một lần, sau khi được bạn cho xem hình ảnh quá khứ của hai người, tôi có làm tặng cho Phan Lang bài thơ dưới đây:
 
Câu chuyện cựu Thiếu Tá Hải Quân VNCH Phạm Văn Diên lao mình xuống biển cứu 4 đứa trẻ, trong nhóm 13 đứa bị sóng lôi đi trong ngày lễ Độc Lập năm 1985, rồi hy sinh tánh mạng, và được tiểu bang South Carolina tặng bằng vinh danh anh hùng, cũng đã mấy chục năm rồi, nhưng đối với Phan Lang, mỗi lần có ai nhắc lại, cảm giác của nàng giống như sự việc mới xảy ra hôm qua.  Tôi để ý quan sát và thấy tình yêu mà bạn tôi dành cho người chồng quá cố thật đậm sâu, có thể gọi là một mối tình bất diệt.  Tuy nhiên, chuyện tình đau thương ấy cũng đã tặng lại, bù đắp lại cho Phan Lang một mảnh hồn thơ rất dạt dào, dù đầy u uẩn, đủ để nàng trở thành một thi sĩ. Và đó cũng là nhân tố khiến những bài thơ của Phạm Phan Lang được nhiều nhạc sĩ tài danh để mắt đến. Có hơn 125 bài thơ tình đau khổ nhưng mượt mà của Phan Lang đã được phổ nhạc, và một trong số bài thơ mà tôi tâm đắc nhất là bài “Mắt Nhắm Nghỉ Ngơi” được nhạc sĩ Mai Hoài Thu phổ nhạc và ca sĩ Vân Khánh trình bày. (https://www.youtube.com/watch?v=ofZdUSEmETI) Lời thơ như ai như oán, điệu nhạc như tiếc như thương, giọng hát kiểu Quan Họ vừa réo rắc vừa thê lương làm cho người nghe xúc động vô vàn, xúc động đến rơi nước mắt:
 
“Như một vết thương
Không bao giờ lành
Tháng ngày mong đợi
Nhìn quanh tìm quanh...” (Mắt Nhắm Nghỉ Ngơi – Thơ Pham Phan Lang)

VVNM_PHAN-LANG-311

Phan Lang.

 
Tôi vừa thương quý vừa hâm mộ người bạn này, nên chi mỗi lần có dịp gặp nhau nghe bạn bè

nhắc nhở về người quá cố là tôi quan sát kỹ từng cảm xúc trên nét mặt nhà thơ. Mỗi lần nhắc đến anh Diên, nét mặt và ánh mắt Phan Lang đều sáng hừng lên một niềm yêu thương vô bờ bến. Tôi ngồi lặng ngắm đến sững sờ, nghe bạn kể chuyện mà chú ý đến từng chữ từng câu thoát ra từ đôi môi vẫn còn tươi hương sắc ấy. Lại lẩn thẩn nghĩ thầm, và ích kỷ tiếc thầm, không hiểu tại sao một cánh hoa xinh như mộng thế này, sự nghiệp oai hùng thế này, bị gãy gánh lúc mới nửa chừng xuân thế này, lại không có một “anh hùng Việt Nam” đồng hương nào … thương hương tiếc ngọc nhào vô để thay thế vị anh hùng đã khuất mà chăm sóc cho bạn tôi, lại để nàng “rơi vào tay anh chàng mắt xanh da trắng.”  Không biết cặp tình này sống như thế nào nhỉ, bạn tôi có hạnh phúc hay không khi sống với người chồng bất đồng ngôn ngữ. Không biết anh chàng Barry “râu hùm hàm én mày ngài” (Kiều) này có tốt với vợ không đây.
 
Tôi đang ngồi nhìn bạn chăm chăm, trầm ngâm ngẫm nghĩ bâng quơ như thế, bỗng dưng Phan Lang bất ngờ thốt lên:
 
“Khi mua ngôi nhà này, Barry và mình đã thoả thuận với nhau, là mỗi lần về đây ông ấy sẽ chỉ ở đây mười ngày rồi về lại nhà bên Hawaii, còn mình cũng nói mỗi lần về lại nhà Hawaii mình sẽ ở mười ngày thôi rồi về lại Cali đất liền. Nhưng từ lúc dọn về Cali đến nay đã gần bốn tháng rồi chưa hề nghe ông ấy nói sẽ đi.”
 
Tôi bỗng có cái cảm giác xúc động vô cớ. Hổng lẽ “ai đó” đã đọc được ý nghĩ của tôi, hiểu được những thắc mắc trong tôi, nên đã khiến cho Phan Lang bất ngờ giải đáp, để chứng tỏ là bạn tôi được yêu chìu và hạnh phúc lắm. Tôi bất chợt rùng mình. Không chừng người quá cố đã “chọn” anh chàng Barry này để gửi gắm vợ mình cũng nên.  Tự nhiên như có người “mở miệng” tôi vụt hỏi cô nàng về “phút đầu gặp nhau” của “cuộc tình sau” mà lâu nay chưa hề nghe bạn tôi một lần nhắc đến.  Thế là Phan Lang kể hết cho chúng tôi nghe. Barry rất tôn trọng “Anh lớn” Phạm Diên. Mỗi lần tới ngày kỵ giỗ anh đều phụ Phan Lang bày biện cỗ bàn tươm tất và cũng thắp hương nghiêm trang vái lạy đề huề trước bàn thờ như một người Việt thường làm.  Trước ngày kết hôn, Barry đã đưa Phan Lang đến phần mộ anh Diên và thắp hương trình bái xin phép “đàn anh.” Hèn chi anh Diên đã “chấp nhận” cho anh ta thế chỗ của mình. Tôi xúc động nghĩ thầm.
 
Tôi nghĩ thế cũng có nguyên do.  Tôi từng nghe P.Lang kể, anh Diên rất hiển linh, tuy anh đã mất nhưng nàng luôn có cảm giác anh lúc nào cũng ẩn hiện quanh mình để hộ trì cho vợ con. 
 
Câu chuyện gặp nhau của “mối tình sau” bạn kể làm tôi tin mình nghĩ đúng. Hình như anh Diên đã “chọn” một người hiền để gửi gắm nàng, chăm sóc cho nàng.  Barry thật sự là một người quá hiền lành, một nhà đầy khách bạn vợ đông đảo, mọi người đều nói tiếng Việt chen lẫn tiếng Anh để cho Barry khỏi cảm giác bị bỏ rơi, nhưng anh cả ngày chỉ im lặng mỉm cười, pha cà phê, nướng bánh mời mọi người, dọn dẹp ly tách, bưng ghế, sắp xếp lại các thứ…và bị nàng kêu réo bắt chụp hình cho mọi người hết chỗ nọ đến cảnh kia, báo hại anh chàng xách máy hình chạy theo đến...không kịp thở. Dù có hiểu những chuyện chúng tôi đang nói, Barry cũng chỉ cười cười, hoặc lắc đầu, khi nghe một câu chuyện khôi hài chứ không hề tham gia vào.
 
Và rồi Phan Lang kể cho chúng tôi nghe về “mối tình sau” của nàng.  Chỉ là trong dịp tình cờ không định trước, Phan Lang đi công việc cùng người bạn, bất chợt cô ấy ghé tạt qua một văn phòng môi giới và điền đơn tìm bạn bốn phương. Trong khi Phan Lang ngồi nhìn vẩn vơ đợi bạn, thì người giám đốc công ty bước lại chào, và thấy tay nàng không đeo nhẫn anh ta trổ tài dụ dỗ tham gia chương trình kết bạn. Người bạn của Phan Lang đã phải trả lệ phí môi giới $3,000, nhưng khi nghe nàng từ chối và nói không tin vào những việc như thế này sẽ đi đến đâu, thì ông
ta “nổi máu tự ái nghề nghiệp” lên và thách thức:
 
“Chúng tôi sẽ phục vụ miễn phí cho cô, để cô thấy là chúng tôi làm việc hiệu quả ra sao!”
 
Phan Lang vẫn không tin vào trò đùa này, nên chỉ cười từ chối, đứng lên định ra về thì bị cô bạn kia lôi lại giúi hồ sơ vào tay và ép, “Điền đại cho vui, trong khi tôi mất ba nghìn bạn có mất gì đâu mà sợ chứ!”  Bất đắc dĩ, cô nàng miễn cưỡng điền bâng quơ vào mẫu đơn theo kiểu đùa chơi, phá chơi, không ghi lý lịch mình là một quân nhân cấp Tá, lại còn ghi chỗ điều kiện chọn người làm bạn phải có ba điều kiện thật khó khăn như một thách thức với công ty môi giới này. Thứ nhất, người đó phải có học vị Tiến Sĩ, thứ hai, phải là một triệu phú, thứ ba, còn độc thân.
 
Khi ông giám đốc nhận lại hồ sơ, liếc ngang qua chỗ điều kiện, ông nhìn lại cô khách hàng bướng bỉnh bằng một ánh mắt cũng đầy thách thức như muốn nói, “Tôi biết cô muốn làm khó chúng tôi, nhưng mà không sao, hãy đợi đấy!”
 
Vậy mà trong cuộc “cá cược” này công ty đã tìm ra một người đúng y chang theo yêu cầu “chọc phá” của nàng. Tiến Sĩ Barry là giáo sư dạy ở Đại học Hawaii, và sau là Giám đốc kỹ thuật Lực Lượng Chống Tàu Ngầm, thuộc Hạm Đội khu vực Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Chúng tôi ngồi há hốc ra nghe câu chuyện và hồi hộp dõi theo từng sự kiện và diễn tiến Phan Lang kể. Vì tôi yêu cầu kể bằng tiếng Anh cho Barry cùng nghe để anh khỏi bị buồn chán, anh chàng ngồi nghe từ đầu tới cuối, thỉnh thoảng lấy hai tay che mặt lại ra vẻ “mắc cỡ” rất dễ thương, khi Phan Lang kể lại những lần bị nàng từ chối và anh buồn bã ra sao…Câu chuyện điền đơn kết bạn bốn phương đùa vui này Phan Lang lúc đó kể hết cho mấy đứa con nghe vì lúc này tụi nhỏ cũng đã lớn và có sự hiểu biết. Thấy mẹ nhiều lần từ chối không chịu đi gặp Barry, mấy nhóc cũng muốn mẹ có bạn cho bớt đau buồn nên xúi mẹ cứ đi gặp thử xem sao.  Cuối cùng Phan Lang miễn cưỡng nghe lời con tới cuộc hẹn, nhưng từ chối hết mọi sự sửa soạn quần áo hay điểm trang do con gái phụ giúp, mà chỉ phục sức đơn giản như một phụ nữ bình dân không có đặc biệt gì, mục đích làm nản lòng người sẽ gặp. Và khi gặp Barry nàng nói thẳng thừng là trái tim nàng đã chết, không thể nào yêu ai được nữa. Vậy mà Barry vẫn quyết tâm theo đuổi, chờ đợi, viết thư, gọi điện thoại...bằng mọi cách cố gắng chinh phục. Anh chàng xin được yêu nàng “vô điều kiện,” không đòi hỏi nàng phải yêu lại, cho dù cả đời không yêu anh cũng chẳng sao, chỉ cho phép anh yêu nàng là đủ. Có lẽ vì “mưa dầm thấm lâu” nên sau ba năm kỳ công theo đuổi, và các con của Phan Lang cũng thích Barry nên khuyên mẹ nhận lời, Phan Lang đồng ý đưa đến mộ anh Diên để anh “xin phép” được kết hôn.
 
Viết đến đây tôi nhớ lại, một lần Phan Lang đã tâm sự với tôi nhiều “chuyện bên lề” xảy ra trước tai nạn của anh Diên. Người ta nói, những người sắp lìa bỏ cõi đời một cách bất ngờ thường hay có dấu hiệu báo trước, mà sau khi họ đi rồi người ở lại mới thấy. Phan Lang cho biết, anh Diên đã hai lần nói với vợ trước mặt ba đứa con, mà lần sau cùng chỉ vài ngày trước khi anh mất, là, “Nếu một ngày nào anh chết đi em hãy tìm người khác kết hôn để họ chăm sóc cho em,” và khi ấy nàng vô tư cười đùa đáp trả, “Còn em mà đi trước nếu anh cưới ai thì em sẽ về kéo cẳng!” Nhưng điềm báo rõ ràng nhất, tôi nghe Phan Lang kể mà dựng cả chân lông. Là 2 ngày trước khi tai nạn xảy ra, đột nhiên anh Diên nói những lời thật nghiêm trang, những lời anh chưa từng nói trước đây, là cám ơn vợ, cám ơn thật nhiều những gì nàng làm cho anh, lo lắng chăm sóc cho anh, và gia đình. Thương tâm hơn nữa, trong đêm trước ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, trên đường tới nhà người bạn họp mặt trước khi ra biển vào sáng sớm hôm sau, anh ngồi ghế trước với vẻ buồn bã vô cớ, không hề nói năng và đưa hai tay ra sau ghế cầm lấy tay nàng suốt trên đường đi, cho dù trên xe có đông người anh vẫn không ngại. Rồi trên đường picnic, lúc gần đến nơi, anh bỗng kêu người bạn lái xe ngừng lại ghé vô trạm xăng, dù xe còn đầy xăng không cần đổ thêm. Lạnh mình hơn nữa, anh dẫn ba đứa con vào trong tiệm 7-Eleven và kêu các con muốn món gì thì chọn ba sẽ mua tặng.  Bé út Đài 11 tuổi của anh đã chọn thanh kẹo “Life Saver” là thanh kẹo “Cứu Mạng.” Lên xe, bé chỉ mở ra ăn vài viên và đứa bạn ngồi bên xin kẹo bé nhất quyết không cho mà bỏ vào giỏ cất. Đứa con này đã được anh cứu mạng trên biển chỉ vài giờ sau đó.
 
Chưa hết, người mẹ có đứa con bị đuối và trôi đi khi anh Diên ra cứu 4 bé, chúng bám vào anh, đuối sức anh chìm và bé bị nước cuốn đi, là người lái xe theo sau một người chạy trước dẫn đường đến điểm hẹn mà cả nhóm định tới tắm biển câu cua. Chưa tới nơi, tự nhiên người mẹ đó vượt trước chiếc xe dẫn đầu, tấp vào bãi biển khác, và kêu mọi người picnic ở đó. Định mạng đã khiến xui cho bà ấy đem đứa con mình và người hùng Phạm Diên đến nơi phần số đã định.
 
Nơi mà họ dừng chân không dự tính lại là vùng biển nước xoáy ngầm, có tấm bảng cho biết sóng ngầm nguy hiểm nhưng tối hôm trước có gió lớn nên tấm bảng đã bị gió cuốn mất.  Trong khi các bà mẹ còn lo đem đồ trên xe xuống thì 13 đứa trẻ của 5 gia đình đã ào xuống biển đùa giỡn trong mé bờ nước cạn. Đột nhiên dòng nước xoáy dâng lên và kéo cả 13 đứa lôi tuột ra xa. Trong khi các ông bố khác bơi ra cứu đám trẻ, anh Diên cũng bơi ra nhóm 4 đứa đang kêu cứu. Anh cứu được út Đài của anh, còn ba đứa trẻ kia anh không nỡ bỏ nên cố gắng kéo luôn chúng vào. Nhưng sức người có hạn, dù người đó từng là một hạm trưởng Hải Quân bơi giỏi, anh bị bốn đứa trẻ níu nên bơi gần tới bờ thì đuối sức chìm dần và bé gái con chị kia cũng bị tuột tay trôi ra biển. Cũng còn may mắn, một bà Mỹ đi tắm sớm chạy ngang qua thấy được ra kéo bé Đài vào, khi hai người bố khác ra kéo hai bé kia. Bé Đài đã kêu khóc không chịu bỏ bố lại mà van xin bà Mỹ hãy cứu bố, nhưng bà không thể bỏ bé ra để cứu người lớn nên đưa bé vào bờ rồi mới ra kéo anh Diên vào, thì đã trễ. Anh bị chìm xuống nước hơn 10 phút nên não bộ hết hoạt động không cứu được. Tuy anh được đưa vào bệnh viện quân đội tận tình cứu chữa, anh không bao giờ tỉnh lại, và một tháng sau anh Diên lìa bỏ cõi đời.  Cú sốc nhìn thấy người cha thương yêu trong tai nạn cứu mình nằm lịm trên giường bệnh, bé Đài đau đớn khôn tả. Phan Lang kể, mỗi lần tới bệnh viện bé đều lấy giấy napkin lau mặt và nhổ tóc sâu cho bố. Bé nói chuyện với bố thường xuyên, rằng bố còn nợ con tiền nhổ tóc sâu cho bố lúc trước, giờ con cho bố chứ không đòi đâu, bố hãy thức dậy để con nhổ tóc sâu “free” cho bố, không tính tiền. Tôi nghe mà rơi nước mắt.
 
Về sau bé Đài lớn lên, trong một lần Phan Lang tình cờ mở hộc bàn riêng của bé thì thấy bé vẫn còn giữ thỏi kẹo “Life Saver” ăn dở dang ngày ấy, tờ giấy gói những sợi tóc sâu của bố con bé nhổ khi bố nằm bệnh viện, những mảnh khăn giấy bé lau nước mắt trong đám tang bố, và một nắm đất nơi người ta đào mộ để bố nằm yên giấc ngàn thu. Thiệt là thương đứt ruột. Đài rất cố gắng học hành, cháu đậu bằng Cử nhân Kinh Tế ở Standford, sau đó cháu nhận được học bỗng Fulbright Scholarship, làm một nghiên cứu (Research) rất xuất sắc ở nước ngoài.  Về lại Hoa Kỳ, cháu lấy bằng Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA) từ UC Berkeley. “Bé Đài” giờ là một trong những “sếp lớn” tại bộ chỉ huy Google Mountain View, là Senior Product Marketing Manager.
 
Anh Diên mất năm 1985, lúc ấy Phan Lang mang cấp bậc Đại Uý và đang chuẩn bị thi lấy bằng
 Thạc Sĩ.  Dù đau đớn nhưng nàng vẫn cố gắng để hoàn thành mục tiêu. Ngày Phan Lang được thăng Thiếu Tá, 1989, ̣9 năm sau khi vào quân đội, và đồng thời cũng được thăng chức mới, làm Trưởng Phân Khoa Dinh Dưỡng, (Director, Nutrition Care Division). Bé Đài yêu cầu được lên
đọc diễn văn chúc mừng mẹ. Bài diễn văn của bé đã làm mọi người cảm động đến rơi lệ.
 
Năm 1996-1999, Phan Lang được thuyên chuyển sang Đức làm Trưởng Phân Khoa Dinh Dưỡng tại bệnh viện Landstuhl Regional Medical Command, đồng thời làm Cố Vấn và Giám Sát cho các phần hành dinh dưỡng của các đơn vị Lục Quân ở Châu Âu.  Trong thời gian ở đây Phan Lang được “lên lon” Trung Tá. Nhiệm sở cuối cùng của P.Lang là Tripler Army Medical Center ở Hawaii với chức vụ Trưởng Phân Khoa Dinh Dưỡng, điều hành hơn 100 nhân viên vừa sĩ quan, hạ sĩ quan, và dân sự.  Ngoài ra cũng như ở Đức, Phan Lang còn kiêm thêm nhiệm vụ Cố Vấn và Giám Sát phần hành dinh dưỡng của các đơn vị Lục Quân trú đóng ở Thái Bình Dương (Nutrition Consultant, Pacific Region), như Nhật Bản và Nam Hàn.
 
Tôi nghe chuyện mà mắt cứ tròn lên, bụng thì kêu thầm “Nữ anh hùng! Nữ anh hùng!”  Năm 2002, người nữ Việt này nhận được quyết định vinh thăng Đại Tá, phải chuyển về phục vụ trong đất liền. Vì không muốn rời hải đảo Hawaii, nên Phan Lang đành ngậm ngùi xin giải ngũ…
*
Sáng ngày thứ Bảy, chúng tôi phụ Phan Lang chuẩn bị các thứ để đãi cơm trưa cho hai vị khách đặc biệt, đó là nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên và nhà truyền thông Như Hảo, giám đốc đài phát thanh Mẹ Việt Nam. Tôi vui vì “có đồng minh” là chị Kiều Mỹ Duyên cũng ăn toàn rau trái. Trong bữa tiệc kiểu “nghìn năm một thuở” nơi hải ngoại gặp lại cố nhân này, các chị Đỗ Dung, Lê Diễm, Kiều Mỹ Duyên, Như Hảo, vui vẻ chuyện trò cùng nhau, nhắc lại kỷ niệm xưa từ thời học Trưng Vương tươi trẻ đến thời kỳ mất miền Nam đi buôn gánh bán bưng… Người viết, Minh Thuý, và Phan Lang, đều thuộc lứa tuổi đàn em, lại là dân miền Trung nên chỉ biết ngồi nghe và...cười ké. Chị Kiều Mỹ Duyên còn mang theo nhiều sách báo làm quà tặng cho mọi người.  Hình bóng thì chụp no máy luôn. Tiệc tàn tiễn các chị mà lòng lưu luyến bâng khuâng. Trước khi ra về, hai chị mời phái đoàn chúng tôi thăm viếng văn phòng của hai chị vào ngày kế.
 
Khách đi rồi, tôi lại “lôi” Phan Lang ra hỏi vài câu cho bài viết, kẻo lại quên:
 
“Bồ có kỷ niệm buồn vui hay cảm động nào đáng nhớ trong thời kỳ quân ngũ để chia sẻ không?”
 
“Một trong những chuyện vui đời quân ngũ là chuyện tập bắn ở quân trường.” Phan Lang kể. “Tại trường bắn, huấn luyện viên trao cho mỗi người sĩ quan trẻ ba gắp đạn mỗi gắp ba viên, để tập nhắm bắn vào tấm bia.  Mọi người được dạy, khi nhắm bắn phải nheo mắt trái lại để mắt phải nhắm vào lỗ châu mai, nhưng chẳng hiểu sao mình không thể nào nheo mắt trái được, nên đành nheo mắt phải. Mình nhắm bắn rõ ràng, đúng chính xác vào tấm bia, và sau khi bắn ba phát đạn đầu tiên, họ kêu nhóm tập bắn tới chỗ tấm bia để kiểm tra thành tích.  Mình bước tới coi thì không thấy một lỗ đạn nào cả, thật là... mắc cỡ (cười). Huấn luyện viên cho mọi người bắn tiếp gắp đạn thứ nhì và bắn xong lại chạy tới coi lần thứ hai. Quái lạ, mình kêu lên, vẫn không thấy một lỗ đạn nào trên tấm bia của mình!  Tức quá lần thứ ba được lệnh bắn, mình nhắm thật cẩn thận, và chú ý thật kỹ. Thật mừng thấy ba viên đạn đều trúng cả vào tấm bia. Huấn luyện viên kêu mọi người tới coi lại lần cuối.  Vẫn không thấy một lỗ đạn nào!  Trong lúc mình bàng hoàng không tin đôi mắt mình thì anh bạn thiếu úy bên cạnh hỏi, ‘Này, họ đưa cho mình mấy viên đạn vậy hả?’ Mình trả lời mỗi gắp là ba viên, mỗi người bắn tổng cộng 9 viên.  Anh ta trợn mắt:
 
“Kỳ thật! Sao tôi cũng bắn đủ hết ba gắp đạn, mà trên tấm bia của tôi lại có đến 18 lỗ đạn!”
Và những người xung quanh nhìn nhau… hoảng vía. Huấn luyện viên từ đó phải dùng mặt nạ
che mắt trái của mình lại, và mỗi lần đến lượt mình bắn thì mọi người... né ra xa hết!  Từ đó mình bị mang cái biệt danh là “Thiếu Uý một mắt!”
 
“Ha ha ha...” Mọi người chúng tôi phá ra cười.
 
“Còn kỷ niệm buồn thì sao?” Tôi hỏi tiếp.
 
“Chuyện buồn hay stress trong quân đội thì nhiều lắm, là phận nữ lại là người nhập cư, mình phải đơn thương độc mã chiến đấu để vươn lên, chẳng phải chỉ đối với cấp trên, hay bạn đồng nghiệp, mà với thuộc cấp nữa.” Phan Lang nhớ lại: “Một nữ Đại Tá trưởng phân khoa dinh dưỡng tỏ vẻ xem thường vì mình là Đại Úy mới chuyển đến, phân bổ cho mình không đúng vị trí đáng lẽ mình phải có và tìm mọi cách để “đì” mình. Đến khi mình viết được 2 quyển sách bỏ túi, hướng dẫn thực đơn rất hữu ích để các bác sĩ mang theo dùng mỗi lần đi khám cho bệnh nhân, và mình được tuyên dương trước hội đồng, bà Đại Tá mới nể mặt, từ đó trở nên vô cùng thân thiện.”
 
“Mình hỏi câu nữa nè, bồ là nữ Trung Tá gốc Việt đầu tiên trong quân đội Hoa Kỳ, kể như là… đàn chị đi. Với kinh nghiệm hơn 22 năm trong quân ngũ, bồ có những lời khuyên gì, chia sẻ gì cho giới trẻ nữ gốc Việt nếu họ muốn tham gia quân đội Hoa Kỳ? Họ nên theo ngành nào có lợi và phù hợp hơn? Học lực cỡ nào thì vào được trường sĩ quan?” Tôi sẵn dịp hỏi tới một hơi luôn.
 
“Học bất cứ ngành nào mình thích, vì quân đội có “job” thích hợp cho tất cả các ngành.” Phan Lang nói. “Tuy nhiên cho phái nữ thì ngành y (Pharmacy, Dentistry, Nursing, Optometry, Physical Therapy, Occupational Therapy…) có lẽ thực dụng và công việc nhẹ nhàng hơn. Ít nhất là tốt nghiệp Cử Nhân thì mới vào trường sĩ quan và từ đó có thể học tiếp để tiến lên. Đối với mình, luôn cố gắng và không được thối chí. Ngã xuống thì đứng lên và tiến tới, nếu thất bại thì nhìn lại để học hỏi, không phải để nuối tiếc. Quan trọng là, luôn lạc quan và đặt ra mục tiêu cho cuộc đời mình. Mình ngày trước đã từng đặt ra mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn, rồi mình nhìn theo đó để buộc mình bước tới và thực hiện cho đúng.”
 
“Quả là những lời khuyên chí lý và hữu ích. Cám ơn bồ.” Tôi nói và chấm dứt “hỏi han” từ đó.
 
Ngày kế, trước khi về lại Bắc Cali, buổi sáng chúng tôi ra biển Huntington Beach lội nước. Đến khu vực này mọi người hơi e dè, vì nhìn xung quanh, phố xá rộn ràng bán buôn, người đi bộ tấp nập dọc hai bên đường, nhưng không thấy người nào đeo mask cả. Cô bạn Minh Thúy nói, tới nơi đây tụi mình nhìn giống như...Mán xuống đồng, vì chỉ có mình đeo khẩu trang thôi. Nhưng tôi nói mặc kệ đi, an toàn là trên hết, mình cứ đeo khẩu trang cho nó... lành.
 
Bước chân xuống làn nước mát lạnh, tôi thích thú lội ra xa, chọn chỗ vắng người tôi kéo lơi chiếc khẩu trang ra rồi hít một hơi dài đầy buồng phổi. Gió mát lồng lộng, bầu trời trong veo, từng chòm mây trắng la đà vơ vẩn, biển xanh mượt dịu hiền chỉ gợn li ti chút ít sóng thừa, lao xao như vuốt ve mặt nước. Không khí thật thanh bình. Ước gì con Covid-19 đừng hoành hành giết hại thế gian, thì cuộc sống người dân khắp nơi trên trái đất đẹp biết bao, hạnh phúc biết bao!
 
Buổi trưa chúng tôi kéo nhau đi thăm đài phát thanh Mẹ Việt Nam của chị Như Hảo và nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên theo lời mời của hai vị. Tại Đài Mẹ Việt Nam, mọi người tranh nhau chụp hình cùng người phụ nữ nổi danh từ thời VNCH ra đến hải ngoại trong lĩnh vực truyền thông, “có tên” nhưng... “không có tuổi” Như Hảo.  Chị thuộc hàng tiền bối của chúng tôi, nhưng trải qua mấy chục năm rồi, tôi cảm giác mình đã già đi, mà thấy chị vẫn còn xinh xắn duyên dáng như xưa không thay đổi. Chị giới thiệu cho mọi người những hình ảnh, bằng khen, posters... trên tường, là những giây phút huy hoàng, những thành tích chị đoạt được trong suốt cuộc đời làm truyền thông. Thật hãnh diện cho cộng đồng Việt nơi hải ngoại khi có được người phụ nữ tài hoa này.
 
Đến văn phòng địa ốc của nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên, tôi như choáng ngợp trước sự quy mô, đồ sộ, của cơ sở “Ana Real Estate.”  Trong thời buổi dịch Covid -19 vẫn còn lan tỏa, mà công ty địa ốc của chị Kiều Mỹ Duyên vẫn rộn ràng hoạt động như không có gì xảy ra. Nhân viên rất đông, nhiều bàn làm việc đang hoạt động nhìn tất bật rộn ràng, họ làm việc chăm chú đến độ không ai “thèm” để ý người khách phương xa như tôi bước vào. Điều này cho thấy việc làm ăn vẫn đang rất phát triển. Và tôi càng “phục sát đất” chị Kiều Mỹ Duyên, người nữ ký giả kỳ cựu tuổi cũng đã cao mà sức làm việc vẫn không hề giảm sút. Dù chị bận rộn với cơ sở địa ốc này, mà chị vẫn viết và gửi bài cho Văn Thơ Lạc Việt chúng tôi thường xuyên, nên tôi gọi chị là “cây viết lướt nhanh như gió cuốn.”  Nhìn chị miệng nói, chân bước, tay làm... rất bận rộn, nhưng chị vẫn vui vẻ chào đón chúng tôi. Trước lúc đến đây, tôi có dự định sẽ phỏng vấn người ký giả kỳ cựu này để viết chút gì đó về chị. Nhưng khi thấy chị tất bật như thế, tôi không dám, không nỡ thì đúng hơn, làm phiền, nên đành chờ dịp khác vậy.  Tôi chào từ giã, chị tặng cho một số khẩu trang “xịn” tôi đem ra chia cho các bạn mỗi người mấy cái để mang làm kỷ niệm, và chị còn cho tôi chậu hoa cúc đại đóa đẹp mê hồn mà trên miền Bắc chúng tôi khó tìm ra loại cúc nào có hoa lớn như vậy. Cảm động làm sao, khi tôi ra xe, chị Kiều Mỹ Duyên còn chạy theo dúi cho một lô nước ngọt và nước uống để chúng tôi đem theo trên đường về.
 
Tóm lại, chúng tôi đã có một chuyến “xuôi Nam” đầy ắp niềm vui, sau thời gian dài hơn một năm rưỡi nằm nhà trốn dịch. Nếu viết hết chi tiết thì chắc cũng phải dài gấp mấy lần. Những kỷ niệm về chuyến đi, những bữa tiệc họp mặt bạn bè thân hữu Nam Bắc Cali đầy tiếng cười, và đặc biệt nhất, là câu chuyện tấm gương anh hùng hy sinh thân mình cứu mấy đứa trẻ của cố Thiếu Tá Hải Quân VNCH Phạm Văn Diên... cùng những bài học về sự cố gắng vượt bực để hội nhập, để sinh tồn, và vươn lên như huyền thoại của người bạn nữ, cựu Trung Tá Lục Quân Hoa Kỳ Phạm Phan Lang, chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ quên...
 
Cám ơn bạn hiền Phạm Phan Lang. Bồ đã làm rạng danh con cháu Hai Bà Trưng Triệu.
 
Phương Hoa - Miền Bắc California, tháng 7, 2021

Ý kiến bạn đọc
09/08/202101:52:27
Khách
Hồn văn dồi dào điêu luyện, nội dung hấp dẫn đáng tự hào về phụ nữ Việt tài năng. Chúc tác giả, độc giả, nhân vật sức khoẻ , hạnh phúc và bình an.
HPhuc
07/08/202111:48:29
Khách
Cám ơn tác giả đã viết một bài rất Mỹ và rất Việt! Cảm ơn sự nhân ái, bao dung, nâng đỡ của Mỹ. Cảm ơn chí khí cầu tiến và sự đùm bọc của Việt.
07/08/202101:49:46
Khách
Chị Phạm Phan Lang là một sư tỷ nổi tiếng của trường Nữ Trung Học Nhà Trang mà Thanh đã từng ngưỡng mộ tiểu sử về tài năng, sự nghiệp và chuyện tình của chị ấy. Cám ơn tác giả Phương Hoa đã đưa chị ấy lên Việt Báo để nhiều người biết thêm về nữ anh thư của Việt Nam.
06/08/202115:05:30
Khách
Cô làm thơ hay quá cô ơi.
Chuyện cô viết hay quá, con nghĩ duyên phận là điều có thật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 692,555
Tôi có nhân duyên được trang chủ Minh Châu Trời Đông gồm chị Ngọc Hà và chị Đỗ Dung làm moderator và Cô Gái Việt là bà bầu Phương Thuý mời gia nhập hội. Đặt biệt hai hội này dành riêng giới phụ nữ, chị em sinh hoạt tâm tình, làm thơ nối đuôi chung đề tài nào đó hoặc vốn liếng thơ văn, nhạc rất dồi dào, gởi cho nhau đọc và nghe giải trí. Tiếp theo tôi được chủ tịch hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc là chị Hồng Thuỷ mời nhập hội viên, từ đó tôi quen chị Phan Lang, một phụ nữ Việt Nam đầu tiên gia nhập quân đội Mỹ với chức vụ Trung Tá, người đàn bà tài sắc vẹn toàn.
Những ngày tháng hạ, cây lá ở đây vẫn xanh biếc. Mây trắng lững lờ bay qua soi bóng xuống mặt hồ. Những mạch nước ngầm vẫn ngày đêm phun lên từ lòng đất mẹ, không biết những mạch nước ấy đã phun tự bao giờ, trước khi điền trang được lập thì nó đã có ở đó, sau khi điền trang mai một nó vẫn còn đây. Những vòi nước nho nhỏ nhưng trong vắt phun chưa ngừng nghỉ dù chỉ một giây, nước từ đây chảy thành một con lạch nhỏ và rồi tích tụ ở những cái hồ gần đấy. Nước từ đất mẹ phun lên, rồi chảy đi khắp nơi, lại bốc hơi bay lên với gió mây, cuối cùng lại mưa xuống và thấm vào lòng đất mẹ, cái vòng quay miên viễn bất tận này!
Hơn năm nay dịch cúm Covid 19 hoành hành khắp nơi, ở Hoa kỳ và các quốc gia khác trên thế giới, nơi nhiều nơi ít. Vùng Hoa Thịnh Đốn lúc đầu chính quyền khuyên dân không nên tụ họp đông người, ra đường phải mang khẩu trang và cách xa nhau 6 feet. Nhà thờ, chùa, tiệc cưới hay ma chay cũng giới hạn số người tham dự. Tiệm ăn vắng khách. Phần lớn họ mua thức ăn và mang về nhà, tiệm ăn không cho thực khách ăn trong tiệm. Có nhà hàng đóng cửa vĩnh viễn vì không chịu nổi các phí tổn, lương nhân công, tiền thuê cửa hàng...
Tuần trước, Tina bạn tôi ở Washington, Mỹ, gọi về thăm. Bạn ấy báo tin mừng là cô con gái rượu T. vừa tốt nghiệp cấp III mùa Hè năm nay đã được một trường đại học danh tiếng ở Mỹ nhận và cho học bỗng toàn phần bốn năm đại học. Tôi nghe mà thật hảnh diện và mừng giùm cho cháu. Học bỗng toàn phần là điều mà rất nhiều sinh viên kể cả Út của tôi, mơ ước được có, nên tôi rất hào hứng chúc mừng cho bạn và cháu T. Nhưng tôi không ngạc nhiên chút nào, vì vốn dĩ bé T. rất ngoan hiền và học thì rất giỏi.
Hội chứng mặc cảm này chỉ cách đây khoảng chừng một năm, khi còn trong thời gian phải giữ khoảng cách vì dịch covid. Hôm đó tôi nghe tin người bạn bị một bà da trắng ngồi xe bên kia, cũng đang chờ đèn đỏ, ra dấu hạ kính xuống, cô ta không hiểu mô tê gì nên hạ kính xuống thì được nghe là “Mày cút về Tàu đi!” Rồi không lâu sau, tôi đọc facebook thấy em trai của người bạn của Bố tôi bị tấn công khi ông đi bộ trong khu gần nhà ở Bắc Cali, Ông bị thương tích nặng phải vào bệnh viện.
Tính đến nay, ông Hiền đã định cư ở Mỹ trên hai mươi lăm năm, theo diện HO. Chúng tôi quen nhau từ khi gia đình ông đến ở cùng một khu chung cư. Ông hiền như cái tên cha mẹ ông đặt để. Trước năm 1975, vợ ông làm cô giáo - tốt nghiệp trường Sư phạm Qui nhơn. Ông bà có bốn đứa con trai. Có lẽ đã quen với lối sống chừng mực và lễ giáo nên bà đã dạy dỗ mấy đứa con đi vào nền nếp, học hành chăm chỉ và rất lễ phép làm cho mọi người trong chung cư đều quí mến. Riêng gia đình tôi và gia đình ông Hiền kết thân từ dạo mới quen biết nhau.
Lễ phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm 2020-2021 - gồm những bài viết được phổ biến từ 1 tháng Bẩy 2019 tới 30 tháng Sáu 2021 - được quyết định tổ chức vào Chủ Nhật 5 Tháng Mười Hai 2021, và 16 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Tú được giữ lại trường học thêm một năm bổ túc để dạy lại đại học năm thứ nhất. Chuyện này cũng chỉ xảy ra tại chế độ XHCN. Ngày xưa các giáo sư dạy đại học đều có bằng cao học hay tiến sĩ, và nếu dạy bộ môn ngoại ngữ thì tất cả đều tốt nghiệp tại những trường danh tiếng tại nước ngoài. Đến thời xuyên tâm liên chữa bá bệnh và rau muống bổ hơn thịt bò thì sinh viên tốt nghiệp “quốc nội” như bọn Tú cũng được đưa lên dạy lớp đại học, có sao đâu!
Mười năm là một quãng thời gian dài so với đời sống ngắn ngủi của con người. Mười năm là một trong những cột mốc của đời người thế gian để ghi nhớ: Mười năm không gặp, mười năm lưu lạc, mười năm tình cũ, mười năm nhớ nhung… Cái biểu cảm như thế nào thì nó tùy thuộc vào cảm xúc của chính đương sự, hoàn cảnh bên ngoài chỉ là trợ duyên.
Sáng nay đang suy tư, chìm đắm trong tiếng nhạc tình ca thì vợ tôi bước ra phòng khách và bật TV xem tin tức. Thấy trên màn hình chiếu các hình ảnh tối hôm qua; Ngày 02 Tháng 06 Năm 2021, dân chúng vui mừng tháo khẩu trang quăng vào những thùng sắt đang ngùn ngụt lửa đỏ trước các nhà hàng, thấy lạ! Vâng, đó là ngày Ohio “mở cửa,” quyết định gỡ bỏ lệnh đeo khẩu trang bắt buộc tại các nơi công cộng khi tình hình dịch bệnh đang giảm dần nhờ chính quyền của tân Tổng Thống Biden gia tăng thúc đẩy các biện pháp chích ngừa trong dân chúng. Nhìn mọi người reo hò sung sướng, những ánh mắt hân hoan rực sáng, những nụ cười rạng rỡ trên môi vì được tự do trở lại sau hơn cả năm dài u ám vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành tôi mới thấy thấm thía làm sao lời ca trong bài “Đời đá vàng” của Nhạc Sĩ Vũ Thành An.