Hôm nay,  

Đoàn Viên

25/06/202100:00:00(Xem: 5969)
HINH VIET VE NUOC MY
Gia đình Mai-Tiến.(Hình tác giả cung cấp)

 

Tác giả lần đầu tham dự VVNM với bài “Mầm Sống Trên Đất Mới,” bài thứ hai “Đôi Bờ Sông Tương” bài thứ ba “Sông Thương Đã Được Bắt Cầu” đã được giúp đỡ  nhiệt tình của quý độc giả cho Mai-Tiến, đây là bài thứ tư, tin vui cho gia đình Mai-Tiến.

 

***

 

Hồi tháng 12 năm rồi, 2020, khi Mai vợ Tiến, gọi tôi bằng giọng nói run run như muốn khóc vì mừng, báo là em mới nhận được thư hẹn phỏng vấn từ sở Di Trú Hoa Kỳ, tôi cũng mừng vô cùng.  Điều đầu tiên tôi nghĩ đến, đây là “Phép Lạ Từ Chiếc Đũa Thần VVNM.”  Nếu không có độc giả của VVNM trợ giúp, thì giờ này có lẽ cặp vợ chồng khiếm thị và con trai vẫn còn đang đau đáu lo âu với chuyện ngóng đợi giấy tờ. Kèm theo là nỗi sợ không thể nào đi Mỹ đoàn tụ, vì tuổi của thằng bé hiện giờ đã vượt qua 21, cái tuổi sẽ bị bỏ ra ngoài hồ sơ đi cùng với mẹ. Việc bảo lãnh vợ con của Tiến mãi trục trặc không biết bao nhiêu lần đã hơn hai chục năm qua.  Là một người khiếm thị, Tiến phải đối mặt lắm khó khăn, mà vẫn cố gắng đi làm để có mức thu nhập theo yêu cầu cho hồ sơ bảo lãnh vợ, thế mà vẫn bị trục trặc.  Hồ sơ bắt đầu từ lúc Mai có bầu, nhưng với nhiều đổi thay lên xuống, cho đến nay con trai họ đã gần 21 tuổi hồ sơ vẫn còn treo lơ lửng.
 
Độc giả chắc cũng đã theo dõi hết diễn biến của câu chuyện tình cảm động Mai+Tiến qua các bài viết trước của Nguyên Ngọc. Trong phạm vi bài này Nguyên Ngọc xin phép được viết phần tiếp theo, bắt đầu từ lúc mẹ con Mai nhận được thư hẹn phỏng vấn cho tới lúc họ đặt chân đến Hoa Kỳ.
 
Cái ngày chờ đợi mỏi mòn cuối cùng cũng đã đến. Từ đầu dây bên kia tôi nghe tiếng Mai như nghèn nghẹn:

- Chị ơi, em có lịch phỏng vấn rồi! Mai nói giọng đứt quãng vì quá xúc động. - Nghe đâu mẹ con em là những người đầu tiên được làm hẹn khi Lãnh Sự Quán mở cửa trở lại đó chị ơi! Bọn em đã nhìn thấy “Ánh sáng ở cuối đường hầm,” Mai nói. - Em biết đây không phải là bước cuối cùng nhưng được lúc nào hay lúc ấy. Có ngày phỏng vấn là em quá hạnh phúc rồi, cái ngày mà hơn hai mươi năm nay em đã từng mơ, giờ đã tới.” Tôi cũng mừng đến nghẹn lời theo Mai, lòng thầm cám ơn Trời, Phật, Chúa... đã nghe thấy tiếng nguyện cầu của Tiến và Mai cũng như nghe những lời cầu nguyện của tôi cùng quý vị ân nhân, và độc giả của VVNM.
 
Còn ba ngày nữa tới ngày phỏng vấn. Tôi bắt đầu tính từng giờ, hồi hộp và lo lắng không kém gì Mai. Tôi sắp xếp công việc trường và xin phép nghỉ vài ngày, mua vé gấp cùng hai mẹ con Mai vào Sài Gòn. Đến ngày đi, tôi thức dậy thật sớm, chuẩn bị một số thức ăn sáng cho Mai và nấu sẵn thức ăn bới theo. Vào đến Sài Gòn có Hùng đợi sẵn sân bay. Hùng là một đứa em của người bạn, rất thân thiện và nhiệt tình, em ấy đón tiếp chúng tôi rất ân cần và chở chúng tôi ra chỗ Lãnh Sự Quán. Vừa đến nơi chúng tôi đã thấy người ta đứng chờ đông đúc. Vì tình hình chống dịch Covid, và cũng có lẽ vì hồi hộp, không ai nói với ai lời nào; tất cả đều đứng thẳng hàng, im lìm như những cây cột điện trước cửa tòa Lãnh Sự, trong khi bầu trời còn mờ trong màn sương.
 
Đúng 8 giờ Lãnh Sự mở cửa, tôi dắt Mai qua bên kia đường. Xe cộ Sài Gòn dạo này tuy thành phố đang chống dịch nhưng vẫn rất đông đúc, người ta mạnh ai nấy chạy thật là kinh khủng. Chúng tôi vừa bước lên lề thì nghe tiếng ầm chát chúa của một tai nạn xe sát ngay phía sau. Mai giật mình quay lại hỏi:  - Chuyện gì vậy chị? Sợ Mai lo lắng sợ hãi sẽ mất tinh thần khi vô phỏng vấn, nên tôi nói không có gì, chỉ là bên kia họ làm ngã đồ thôi. Thực sự trước mắt tôi là câu chuyện khủng khiếp lắm, đó là vụ tông xe máu me tùm lum, tôi quay lại nhưng không dám nhìn. Sau đó xe cộ nghẹt đường ùn tắt giao thông, rồi công an đến để giải quyết vụ tai nạn, dọn dẹp cho lưu thông trở lại.
 
Tôi chọn một nơi cao nhất đứng dõi theo mẹ con Mai. Nhìn Mai đặt hai tay lên vai thằng con, dò từng bước từng bước đi vào trong mà lòng tôi hồi hộp, tim đập lung tùng xèng. Lại lo, người ta xếp hàng dài quá, gần hết cả vệ đường, không biết em ấy có vào đến nơi kịp giờ để phỏng vấn hay không đây.  30 phút đã trôi qua, tôi không rời khỏi mẹ con họ giây phút nào, mắt cứ dán vào đôi bàn tay run run bé nhỏ của cô bạn mà lòng xôn xao lẫn lo âu khó tả.  Tôi nhìn mãi đến khi họ đi khuất vào cổng. Nghe người ta nói thời gian phỏng vấn cỡ chừng một tiếng, nhưng đã hơn một tiếng rồi vẫn chưa thấy Mai ra. Cảm giác như đang ngồi trên đống lửa, tôi chạy sang bên kia đường hỏi thăm chú cảnh sát, chú ấy nói do dịch bệnh giãn cách nên lúc này phỏng vấn lâu hơn mọi khi. Và tôi an tâm đợi tiếp.  
 
Chuyện xin Visa của mẹ con Mai tiếp theo cũng có “phát sinh” thêm nhiều trục trặc, từ chuyện đi khám sức khỏe, rồi chuyện Lãnh Sự Quán bị lỗi hệ thống máy tính, nên Mai lại tốn nhiều nước mắt, lại lo âu, than thở, “Cái số em sao vậy chị, sao ông trời cứ thử thách trêu em hoài vậy, lẽ nào trời không thương em hay sao,” và tôi lại phải dắt Mai đi hết nơi nọ nơi kia, nhờ giúp đỡ cho em.  Mai buồn và khóc đến mấy hôm nằm mẹp dí ở nhà, không lên Hội Người Mù làm việc nổi. Tôi thương Mai lắm nhưng biết nói gì đâu, chỉ an ủi và khuyên em kiên nhẫn chờ đợi.
 
Thế rồi mọi căng thẳng cũng qua, việc trục trặc do hệ thống cũng được Tòa Lãnh Sự giải quyết xong, và hai tấm Visa kỳ diệu cũng đã đến tay mẹ con Mai.  Niềm vui vỡ òa, những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn ra từ đôi mắt mù lòa của Mai long lanh, đẹp như những giọt sương mai còn đọng trên chiếc lá ven đường.
 
Khi Mai nhận được Visa, chúng tôi lập tức báo tin cho các anh chị nhóm ân nhân VVNM, như chị Phương Hoa, Kim Dung, Thanh Mai, anh Quốc... và nhất là vợ chồng TuanNguyen. Các anh chị ai nấy đều mừng rỡ, thở phào. Anh Tân, người giữ dùm tiền quỹ, vội vàng tìm cách gửi về cho mẹ con Mai mua vé bay. Chị Hoa gọi về hỏi lấy địa chỉ ngay trong đêm rồi đưa anh Tân gửi cho Nguyên Ngọc. Đúng hai ngày sau tôi nhận được tiền, mà trong lòng thấy rất ấm áp, xúc động cho nghĩa tình cộng đồng Việt bên đó dành cho một gia đình đồng hương. Khi tôi đem tiền sang nhà Mai, em mừng và cảm động đến không nói nên lời, cứ nắm chặt tay tôi với chiếc phong bì mà rưng rưng nước mắt. “Ơn nghĩa này biết chừng nào em trả hết đây!” Em nói. Sau đó, Mai bàn giao công việc trên Hội Người Mù, rồi hai mẹ con đi Nha Trang thử Covid-19 theo yêu cầu của Tòa Lãnh Sự Sài Gòn.  
 
Lần này biết khó xin phép trường dài ngày để tiễn Mai bởi vì tháng trước mới xin nghỉ đưa em đi phỏng vấn, nên tôi đợi đến tối hôm họ bay tôi mới vào thẳng phi trường để tiễn đưa. Vào 8 giờ tối, tôi có mặt ở sân bay gặp Mai. Chị em tranh thủ nói với nhau vài câu và tôi đưa cho Mai những thứ cần thiết, như khẩu trang y tế, khẩu trang có ống thở tránh nguy hiểm trên đường bay dài. Làm xong thủ tục các thứ giúp cho Mai, tôi vội từ giã mẹ con họ và bay về liền trong đêm để cho kịp sáng ngày mai đi dạy.
 
Về nhà tôi thở phào nhẹ nhõm, và đó lần đầu tiên kể từ ngày lo cho chuyện của Mai tôi cảm thấy trong lòng rất thoải mái, tràn đầy niềm tin và hy vọng, lẫn cảm kích cho tình người. Sau bao khó khăn sóng gió, cuối cùng rồi mẹ con Mai cũng đặt chân được lên miền đất của Nữ Thần Tự Do để đoàn tụ cùng chồng, cùng cha.  Nghĩ lại quả vô cùng thú vị, và kỳ diệu! Như vậy là chỉ trong vòng nửa năm, kể từ bài Nguyên Ngọc viết đầu tiên về chuyện tình Mai và Tiến “Đôi Bờ Sông Tương” để mừng ngày kỷ niệm 21 năm ngày cưới của cô bạn, và được Việt Báo đăng ngày 27 tháng 7 năm 2020, thì ngày 28 tháng 1 năm 2021 mẹ con Mai đã đặt chân trên đất Mỹ!
 
Quá mừng vui, quá hạnh phúc, Mai vội vã gọi về cho tôi líu lo kể chuyện bên Mỹ. Khi Mai và con trai xuống máy bay thì Tiến và những người Việt ở gần nhà Tiến lái xe tới đón.  Vợ chồng và con trai gặp nhau, tay trong tay, vừa mừng vừa tủi, họ hạnh phúc vô ngần, mà không nói được lời nào. Mọi người thay nhau thăm hỏi, họ nói với Mai, nhìn đôi vợ chồng khiếm thị mà thương đến nghẹn lòng. Mãi đến khi thằng con giục ba má về đi kẻo các cô chú đợi. Lúc đó họ mới chịu rời nhau để cùng chụp hình kỷ niệm. 
 
Mai còn kể, em rất cảm động vì những đồng hương người Việt xung quanh khu phố Tiến biết hoàn cảnh của Tiến Mai đã chia nhau, một số người đi đón Mai và một số người ở nhà; người thì đi mua tủ lạnh, tủ quần áo, chị này đi mua bàn ghế sofa, anh kia thì đi mua giường, kẻ thì mua gạo... mang về cho đầy nhà. Tình cảm của mọi người làm cho Mai vô cùng xúc động. Mai kể và thốt lên trong điện thoại: “Trời ơi! Chị biết hôn? Đúng là người ở Mỹ thân thiện yêu thương người mới qua lắm luôn! Chính những tình cảm thương yêu của bà con người Việt sống bên Mỹ này đã giúp em quên đi những bỡ ngỡ bước đầu, và quên đi nỗi buồn nhớ nơi chôn nhau cắt rún mà em vừa rời xa!”
 
Ngồi đây nhớ lại, trong đời tôi từng có biết bao chuyến tiễn đưa, nhưng có lẽ đây là chuyến tiễn đưa nhiều cảm xúc đan xen nhất, vừa lo lắng vừa mừng, lại vừa thương. Lo lắng vì chặng đường bay đi Mỹ xa quá, lại phải quá cảnh đổi chuyến bay nơi những vùng đất vẫn còn dịch hoành hành, không biết điều gì xảy ra khi con Covid-19 cứ ẩn hiện quanh ta, nhất là trên các chuyến bay mà Mai thì mù loà sự rủi ro càng lớn. Nhưng khi nghĩ đến cảnh vợ gặp chồng con gặp cha tay trong tay, đã lấn át đi sự lo lắng kia rất nhiều trong tôi.
 
Sau khi đưa mẹ con Mai đi rồi, tôi bị bịnh phải nhập viện. Đó là lý do bài viết này đến với quý ân nhân và độc giả chậm trễ, xin cho Nguyên Ngọc được có lời xin lỗi. Hóa trị và xạ trị đã cứu sống tôi mười mấy năm nay. Nhưng di chứng phản ứng phụ của chúng cũng đã ăn mòn thân thể tôi yếu ớt.  Nhưng mặc kệ, tôi không thèm để ý đến chúng, hễ ngã xuống thì tôi cố đứng dậy, vẫn cố sống tốt, sống vui, đi dạy mỗi ngày chia sẻ kiến thức cho đám học trò, và về nhà chờ đợi nhận tin từ bé Út của tôi và từ cô bạn Mai nơi Mỹ Quốc là đủ vui rồi.
 
Mới đó mà cũng đã gần bốn tháng trôi qua, nhưng mỗi khi Mai gọi về Việt Nam cái câu đầu tiên đó là, “Em hạnh phúc quá chị ơi! Cái giây phút, cái ngày em đặt chân vào nước Mỹ sao nó cứ còn cảm giác lâng lâng trong em đến tận bây giờ!” Lúc nào Mai cũng nói em nghĩ như mình đang ở trong mơ, nhớ nhất là cái ngày đầu về đến nhà cộng đồng người Việt tới thăm chúc mừng, tất cả đều quây quanh. Trong số những người giúp đỡ Mai có một cô gái hết sức đặc biệt. Cô này cũng đã vươn lên và thành công từ những nỗi đau, nỗi bất hạnh. Đó là Vy cô gái khiếm thị thông minh học giỏi, và cũng như Tiến, cô lo đi làm, đi học, nên hiện giờ cô ấy là một thông dịch viên khuyết tật làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ. Dù khi còn ở bên nhà vốn tiếng Anh của Mai so với nhiều người thì rất khá, nhưng khi đến Mỹ thì lại quá ít ỏi, nên em bị khó khăn trong giao tiếp với người Mỹ. Chính Vy đã dành thời gian từng đêm để dạy Mai học tiếng Anh, và tôi cũng hân hạnh được làm học trò của cô ấy, tôi học chung cùng với Mai qua mạng internet.
 
Những ngày mới qua, giờ giấc không hợp, cộng với thời tiết khác biệt cho nên Mai thường xuyên chảy máu mũi và chóng mặt, có những hôm Mai bị choáng đến ngất xỉu. Cũng có thể trước đây Mai đã bị bịnh, nhưng cái lo âu về chuyện đoàn tụ mạnh hơn, nó đã “lấn lướt” đến nỗi Mai quên cả bịnh, bây giờ mọi việc ổn định thì bịnh nó mới có cơ hội...lò ra. May mắn thay, dù khi trời nắng hay lúc trời mưa, dẫu ngày hay đêm, mỗi lần Mai bệnh thì những người trong Hội Thánh chạy tới ngay và đưa Mai đi bệnh viện. Mai nói họ rất tử tế, rất tuyệt vời, và đặc biệt là hệ thống y tế ở Mỹ vô cùng hoàn hảo và chu đáo. Mới đầu, các bác sĩ Mỹ dự định mổ mũi cho Mai, nhưng rồi họ lại tìm ra đủ cách để có thể hạn chế việc mổ xẻ, cho nên đến hôm nay họ vẫn còn theo dõi và đưa Mai đi các bác sĩ có chuyên môn cao làm xét nghiệm để đưa ra phát đồ điều trị tốt nhất cho Mai.  Tôi nghe Mai kể mà cảm động đến cứ há hốc ra.
 
Còn chuyện này càng tuyệt vời hơn nữa. Ngày Tiến dẫn Mai đến hãng Tiến đang làm, nơi chuyên lắp ráp các bộ phận máy bay mà những thao tác phù hợp cho người khuyết tật. Mọi người rất thân thiện, rất dễ thương. Họ tiếp đón Mai lịch thiệp, ân cần như khách quý; đặc biệt, bà sếp người Mỹ đã vui vẻ dẫn Mai đi giới thiệu với mọi người trong hãng, và bà còn hứa, nếu như sắp tới hãng cần người làm lại sau mùa dịch, thì Mai sẽ là người đầu tiên bà nhận vào làm.  Rồi Tiến đưa vợ đến khâu làm việc của Tiến và cho tập thử vài bước.  Không ngờ Mai thật sáng dạ thông minh, Tiến vừa mới chỉ xong, Mai đã làm được ngay, còn làm thật chính xác nữa. Mai thực hiện những thao tác quá hoàn hảo, quá bất ngờ, đến nỗi anh tổ trưởng người Mỹ gốc Lào cũng tấm tắt khen và bảo tương lai Mai sẽ làm giỏi hơn Tiến.
 
Mai nói cái cảm giác khi được ở Mỹ mọi thứ đều rất tuyệt vời. Những người xung quanh ai cũng đều đối xử tốt với những người tàn tật. Người tàn tật, khuyết tật, ở Mỹ không hề bị kỳ thị, được hưởng rất là nhiều ưu đãi, được dạy học xử dụng các thứ dụng cụ dành riêng cho họ, phù hợp với mức độ tàn tật của họ, kể cả đào tạo tay nghề để họ có thể đi làm nuôi bản thân và gia đình, chứ không phải chỉ ở nhà hưởng trợ cấp của chính phủ, sẽ buồn chán lắm, dù tiêu chuẩn cũng rất đầy đủ.  Mai nói bằng giọng xúc động, “Em thật thật là biết ơn, và tri ân 1000 lần đối với đất nước Hoa Kỳ và những người Mỹ cũng như đồng hương Việt, và em cũng sẽ theo anh Tiến đi làm để lo cho con tụi em ăn học, chứ nhất định không nằm nhà đợi chờ giúp đỡ, sẽ làm gánh nặng cho ân nhân bảo trợ mẹ con em.”
 
Xin kể chút xíu về vợ chồng đại ân nhân TuanNguyen. Đôi vợ chồng đầy lòng nhân ái này không chỉ giúp Mai về việc bảo trợ tài chính, mà họ còn lo cho mẹ con Mai trên đường từ Việt Nam sang Mỹ. Họ lo lắng vì Mai thì không thấy đường, thằng con thì còn nhỏ với nhiều bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đi máy bay, lại phải thay đổi chuyến bay, không biết có điều gì xảy ra cho hai mẹ con cô ấy không, cho nên TuanNguyen luôn luôn hỏi thăm, luôn luôn dõi theo những bước chân của Mai, từ lúc khởi hành cho đến khi máy bay hạ cánh tại Mỹ. Vợ chồng TuanNguyen vui mừng không xiết, và họ đã có nhã ý tặng cho con trai Mai chiếc xe cũ của họ, nhưng vì đợi hơi lâu phần không có chỗ đậu cho nên đã bán đi. Họ hứa một ngày thuận tiện nếu qua được Seattle thì sẽ giúp con trai Mai những gì có thể để thằng bé học hành nên người.  Đôi vợ chồng trẻ này đúng là những con người có tấm lòng vĩ đại, bao la như biển cả. Mai vui mừng kể, họ không chỉ giúp mẹ con Mai đoàn tụ gia đình, mà còn dự tính muốn tìm cách thay đổi số phận để đưa tương lai tươi sáng đến cho Mai. TuanNguyen và phu nhân HoàiPhương nhân hậu hiền thục còn ấp ủ dự định lớn hơn, là sẽ tìm Bác sĩ chuyên khoa mắt giỏi để mong mang ánh sáng về cho Mai. Ôi một tấm lòng cao cả vô bờ làm cho tôi xúc động mãi khôn nguôi.
 
Mới đây Mai mừng vui báo tôi biết, TuanNguyen nói nếu không có gì thay đổi vào giờ chót thì tháng 7 năm nay vợ chồng họ sẽ qua Seattle để thăm gia đình Mai nhân dịp kỷ niệm ngày cưới của Tiến Mai.
 
Còn hạnh phúc nào hơn, khi thấy bạn mình từng đau khổ với bao giọt nước mắt đã rơi, từng mất hết niềm tin, mất hy vọng, đã có lúc Mai muốn tự kết liễu cuộc đời... mà bây giờ được đoàn tụ, được hạnh phúc, và được hưởng một nền văn minh tự do hàng đầu thế giới như thế này.
 
Trong tất cả niềm vui, niềm hạnh phúc ấy có một điều mà tôi nghĩ Mai và Tiến hạnh phúc hơn tất cả, đó là sự trưởng thành của cậu nhóc con trai.  Giờ đây thằng bé là ánh sáng, là chiếc gậy biết đi, dẫn lối cho ba mẹ. Cậu bé không còn nhõng nhẽo, vòi vĩnh mẹ như khi còn ở Việt Nam, mà ra dáng vẻ người quán xuyến trong gia đình từ việc đi chợ, đi siêu thị đến sắp xếp nhà cửa gọn gàng, và tự đăng ký học tiếng Anh online, tập lái xe.... Hiện cháu đã thi đậu bằng lái, nhờ có cô Bác sĩ tốt bụng đã bán lại chiếc xe rất rẻ, và còn cho lại 1000 USD, cô nói “Cho cháu để dành đổ xăng chở mẹ đi chợ, chở ba đi làm.”  Trời ơi! Sao nhìn tới nhìn lui gì, người ở Mỹ ai nấy đều nhân hậu tuyệt vời cả.  Từ đây chắc Tiến không còn lo sợ bị lạc đường mò mẫm trong đêm, không còn một mình khuya khoắt đợi xe tới chở đi làm, có khi mệt bị ngất xỉu ngoài đường mà tỉnh dậy vẫn ráng đi làm chứ không dám nghỉ, vì sợ thiếu thu nhập vợ con sẽ không được đoàn tụ. Nghĩ đến điều hạnh phúc này của gia đình nhỏ cô bạn tôi, mà tôi muốn khóc; khóc vì hạnh phúc khi làm được một điều rất ý nghĩa trong những năm tháng gần cuối cuộc đời. Tôi không biết viết gì để tả nổi cảm xúc lúc này.
 
Mai đã sung sướng kể huyên thuyên với tôi về con trai. Những ngày đầu mới qua, thằng bé không khỏi bỡ ngỡ, choáng ngợp trước xứ sở Cờ Hoa với cái gì cũng sạch đẹp, cũng văn minh hiện đại, từ giỏ đựng rác đến đường phố. Có lần Mai kể: “Nó đang dắt tay ba mẹ đi trên phố bỗng thốt lên, “Ôi cái này đẹp và lạ quá, cái kia hiện đại quá, má ơi...” lúc ấy em vừa mừng vì con thích thú vừa chạnh lòng vì mình có thấy gì đâu. Mai nói: Em ước gì mình nhìn thấy dù chỉ một lần một thoáng thôi để cảm nhận trọn vẹn về nước Mỹ mà em hằng mong đợi ngưỡng mộ bấy lâu. Khi ấy Mai đã quay sang mắng yêu con trai: “Cái thằng quỷ sứ này, ba má có thấy gì đâu mà mày bảo đẹp này hiện đại nọ thằng kia...”  Rồi cả ba phá lên cười ngặt nghẽo làm cho những chú chim bồ câu bên vệ đường giật mình chấp chới vỗ cánh bay lên. Cái ước mơ Nguyên Ngọc ngày nào mong họ được đoàn tụ dắt tay nhau đi trên đường thênh thang lộng gió Hoa Kỳ đã thành hiện thực. Ôi đã thành hiện thực rồi mà tôi cứ như đang nằm mơ vậy.... 
 
Sau cùng, Nguyên Ngọc xin thay mặt vợ chồng Tiến Mai và cháu trai kính cám ơn “Chiếc Đũa Thần” đã hoá phép màu cho gia đình Tiến Mai được đoàn tụ sau 21 năm chia lìa cách trở. Cám ơn tất cả quý độc giả ân nhân đã giúp “hô biến” một hồ sơ bảo lãnh “trường kỳ” nhất lịch sử di trú thành trường hợp “nhanh như hỏa tốc” thế này.  Tôi tin chắc rằng, cặp vợ chồng rất sùng đạo và tin Chúa này sẽ sống xứng đáng để khỏi phụ lòng những người đã giúp đỡ họ. Câu chuyện nghe ra tưởng chừng là hy hữu, là mơ, lại xảy ra giữa đời thực, trong thời điểm dịch bệnh gây tang tóc cho cả nhân loại, khi mà đời sống của con người phải đối mặt với quá nhiều thách thức, quá nhiều những bất trắc, âu lo. Có thể nói, bất cứ nơi đâu, nếu có tình người cao đẹp thì nơi đó sẽ xoa dịu bớt nỗi đau cho nhân loại. Viết đến đây tôi chợt nhớ lại và thán phục lời bình luận của một độc giả trong bài viết trước của Nguyên Ngọc, là quá đúng, “Ai bảo văn chương chỉ để mua vui... văn chương đã thay đổi số phận con người.” Mảnh đất VVNM này đúng là chiếc cầu nối, là bức thông điệp màu xanh, để bao nhà thơ nhà văn truyền tải văn hóa yêu thương của người Việt mình nơi hải ngoại…
 
Xin nguyện cầu Ơn Trên ban phước lành, bình an, và may mắn, cho tờ Việt Báo, cho chương trình VVNM được mãi mãi phát triển, và cho tất cả quý vị độc giả thân thương. Cầu cho nước Mỹ nhân từ được an lành và trở lại bình thường sau trận đại dịch vô tiền khoáng hậu kinh khủng vừa qua.
 
Xin kính hồi hướng những công đức vô lượng này đến tất cả những ai cần sự giúp đỡ thảy đều gặp may mắn và có kết quả tốt như trường hợp của gia đình Tiến Mai.
 
Nguyên Ngọc – Cuối Tháng Năm, 2021 
 

Ý kiến bạn đọc
27/06/202121:25:34
Khách
Đúng là phép lạ. Chúc mừng Tiền Mai và con trai. Cám ơn Nguyễn Ngoc và VVNM cùng công đồng người Việt ở Seattle và nhiều người khác đã tận tình giúp đỡ gia đình Tiến Mai
27/06/202117:50:06
Khách
Chúc mừng gia đình Mai Tiến và cháu đã đến bến bờ tự do thiên đường Mỹ quốc sau bao ngày tháng ước mơ.

Cám ơn tác giả Nguyên Ngọc bài viết rất tuyệt vời!

Cám ơn độc giả tốt bụng đã trợ giúp lần đầu nay còn rộng lòng giúp người mới đến.
Nhất là cám ơn vợ chồng án nhân TuanNguyen quá tốt bụng còn từ tâm dự định giúp Mai chữa mắt. Đây là những tấm lòng vô cùng nhân hậu.
Bề Trên sẽ hộ trì hậu tạ cho các bạn có lòng từ.
Khen cháu Thi Thiên thật giỏi thông minh, nói đây mà biết lái xe để làm đô mắt và đôi chân cho cha mẹ.
Chúc gia đình Mai Tiến luôn hạnh phúc và cháu Thi Thiẻn phải thật cố gắng học hành để không phụ lòng bà con Việt đã giúp đỡ gia đình cháu nhé!

Thành Trương
27/06/202106:03:27
Khách
Chúc mừng gia đình Tiến Mai và cháu đã đoàn tụ. Mong từ nay, mọi sự may mắn sẽ đến với Tiến Mai và cháu Thi Thiên.
26/06/202116:45:21
Khách
Vài tháng nay cứ lóng ngóng không biết Tiến & Mai đã đoàn tụ chưa? Cám ơn chị Nguyên Ngọc đã thông báo tin vui bằng bài viết lôi cuốn! Chúc mừng gia đình Tiến & Mai và cầu chúc những điều tốt đẹp và hạnh phúc sẽ luôn ở với gia đình em. Chúc chị Nguyên Ngọc sức khỏe & bình an.
25/06/202120:32:53
Khách
Xin chân thành cám ơn vị độc giả ân nhân Linh Huỳnh đã liên lạc với KimDung, và đã có nhã ý tặng mừng gia đình Tiến-Mai $200 (đợt đầu đã tặng quà Tiến-Mai $100).
KD đã cho địa chỉ của Tiến-Mai, để cô ân nhân Linh Huỳnh sẽ gởi thơ quà đến tận tay của hai em.
Xin gởi lời chúc sức khoẻ cô Linh Huỳnh và quý quyến luôn được mọi sự may mắn và bình yên. Một lần nữa xin cảm ơn lòng từ tâm và nhân ái của cô Linh Huỳnh🌷
25/06/202120:14:59
Khách
CHÚC MỪNG GIA ĐÌNH HAI EM TIẾN-MAI và CHÁU THI THIÊN ĐÃ ĐOÀN TỤ, VUI QUÁ CHỪNG!!🌸❤️
25/06/202118:45:19
Khách
CHÚC MỪNG GIA ĐÌNH TIẾN MAI VÀ CHÁU ĐOÀN TỤ!
ƠN TRÊN ĐÃ NGHE THẤY LỜI CÀU NGUYỆN VÀ GIÚP CHO HỌ CÓ KẾT QUẢ NÀY!
🙏🙏🙏🙏

Chúc Tiến Mai và cháu may mắn trong nước đầu hội nhập 🎈🎈🎈🎈🎈

P. Hoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 692,759
Tôi biết chú Xuân từ lúc anh em còn học tập chung ở Học viện Võ Thuật Thần Phong trong căn cứ Không Quân VNCH Tân Sơn Nhất khoảng năm 1971. Cho dù không chung thầy, chung lớp nhưng chung một trường. Khi ấy chú trong nhóm thiếu niên Thần Phong còn tôi ở lớp quân nhân. Chú là một trong số Thiếu niên Thần Phong giỏi mà tôi biết. Biết thì biết vậy nhưng không thân cho tới mãi sau nầy, khi tất tả chạy qua đến Mỹ. Sau khi tôi bắt đầu gầy dựng lại võ phái Thần Phong ở vùng Bay Area miền bắc California vào cuối năm 1977. Nhân chuyến xuôi nam, vùng Hawthorn – gần Orange County – tìm thăm Võ sư Thần Phong Nguyễn Văn Lợi – huynh đệ đồng môn với thầy tôi là Võ sư Phan Văn Đức. Từ đó mối giao tình càng ngày càng sâu đậm, thân thiết; nhất là khi hai anh em đồng chí hướng, cùng tìm cách liên lạc với anh em Thần Phong cũ hiện ở Saigon để tiến tới việc phục hồi võ phái Thần Phong ở Việt Nam sau một thời gian dài bị chính quyền Việt cộng cấm đoán tối đa.
Năm 2021 đang đi qua, chúng ta hãy vui vẻ welcome 2022. Riêng tôi cũng như nhiều fans của FIFA, ngoài mong ước thế giới trở lại bình thường, là ước mong được xem giải World Cup tại Qatar trong không khí tưng bừng chớ không phải lặng lẽ như Euro và Olympic vừa qua.
Dân xứ lạnh Minnesota đang mùa đông lạnh lẽo băng giá mà được tới bãi biển đầy nắng và sóng nhỏ thì không tận dụng hưởng thụ sao được. Nhiệt độ ở bãi biển cỡ 75 độ tới 90 độ F rất mát mẻ. Trừ giờ ăn và ngủ thì cả 3 nhà chúng tôi người lớn và con nít suốt ngày bơi lội và hóng gió ở bãi biển này. Các du khách khác cũng ra biển rất đông.
Vào khoảng giữa tháng mười khi trời trở lạnh, báo hiệu thu tàn đông tới là cuộc sống của người dân ở Hoa Kỳ bắt đầu nhộn nhịp, chuẩn bị mua sắm cho các kỳ lễ lớn sắp đến. Đặc biệt năm nay, 2021, thì không khí tưng bừng náo nức lại càng rõ ràng hơn. Vì sao?
Tôi ngồi ở băng ghế có bàn và lò nướng dành để pic-nic và nhìn ra phía bờ hồ cách đó khoảng bốn năm chục thước. Cọp nhỏ Khánh-An đang vọc nước, chơi với cát sỏi. Bác Hai thì đang đứng trên các ghềnh đá gần đó dạy cho Huy Khang cách cột lưỡi câu, gắn mồi, tung cần câu cá. Ông bà nội và ba mẹ Khánh An ngồi trên bờ gần đó phơi nắng… Khung cảnh như những đoạn phim quay chậm. Thỉnh thoảng có những chuyển động nhanh khi Cọp nhỏ Khánh-An chạy lên và kêu “Má Hai xuống nước chơi với An.” Tôi không mang theo đồ ngắn nên chỉ muốn ngồi trên bờ ngắm cảnh, thư giãn và đọc sách chứ không xuống nước. Khánh-An liên tục kèo nài nên tôi gấp lại cuốn sách đang đọc và đi xuống phía bờ nước. Nước hồ rất trong. Có thể thấy cá bơi lượn. Hai má con tôi lội trong nước tìm những miếng đá đẹp như thói quen mỗi khi chơi trong nước. Thỉnh thoảng má tôi kêu mọi người tụ lại chụp hình. Nếu có ai đang quay phim sẽ thấy cảnh hai má con Cọp nhà tôi nhảy tung lên, chân không chạm nước. Tíc-tắc đó sẽ đứng lại, hiện trên
Nụ hôn vội vàng mà da diết trước cổng nhà đã khiến tôi tràn nước mắt “… Anh đi rồi, đường xưa có nắng không anh. Lá hoa còn đây, hay tàn theo tháng ngày ...?” Phố phường vẫn đông vui mà lòng tôi vắng chàng. Đêm Thánh Lễ những năm sau đó tôi không đến nhà thờ bởi không còn bàn tay chàng đón đưa, sưởi ấm. Tiếng nhạc đêm Giáng Sinh và tiếng chuông giáo đường như chạm vào trái tim nhỏ bé của tôi thành những vết thương đau buốt.
Mùa Giáng Sinh đang đến, ngoài đường phố, chợ búa, và các cửa hàng đã tấp nập những màu sắc xanh đỏ, tươi vui. Trong cái Nursing home nhỏ bé này người ta cũng góp phần với niềm vui chung của mọi người, mọi chốn. Tại phòng khách lớn người ta vừa dựng xong một cây Giáng Sinh, trang trí những chiếc đèn đủ màu và những cây kẹo cong cong xinh xắn. Các ông bà già hàng ngày thường tụ tập nơi đây để cùng coi ti vi hay nói chuyện với nhau, còn hơn là nằm bẹp trong phòng riêng, coi ti vi một mình thì buồn chán quá!
Giáng Sinh năm 1990 là mùa Giáng Sinh đầu tiên tôi đón trên đất Mỹ này. Tất cả đều vừa lạ lùng mà cũng vừa quen thuộc. Dĩ nhiên lạ lẫm vì đây là lần đầu tiên được chứng kiến sự tấp nập của các khu thương mại sầm uất. Những khu nhà giăng đèn nhấp nháy từ trên nóc xuống đến sân vườn.
Mùa lễ cuối năm, đèn màu và những biểu tượng của giáng sinh, năm mới giăng mắc khắp nơi. Ánh sáng nhấp nháy từ các loại đèn làm cho không khí trở nên ấm cúng hơn và khiến lòng người nao nao. Hãng MITF cũng không ngoại lệ, một cây thông bằng nhựa làm bên Tàu được dựng lên giữa sảnh tiếp tân. Nhân viên văn phòng treo máng lên đủ thứ linh tinh những món đồ biểu tượng cho vui vẻ, may mắn và hạnh phúc.
Tôi bắt đầu biết đến chương trình VVNM vào năm 2017 khi đang đi công tác xa nhà, xa hằng vạn dăm ra khỏi nước Mỹ. Tôi đã đọc kỹ mục đích và tôn chỉ cao đẹp của Việt Báo. Tôi theo dõi và tìm đọc tất cả các bài viết của các cộng tác viên và nhận thấy đây là một ý tưởng tiên phong và duy nhất trên văn đàn Việt Nam hải ngoại do hai vị sáng lập Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và thi sĩ Trần Dạ Từ với mong muốn tất cả người Việt Nam trên đất Mỹ luôn giữ gìn hồn Việt, văn hóa Việt, đồng thời vẫn thăng tiến trong xã hội, quốc gia mình đang sống.