Hôm nay,  

Một Năm Nhìn Lại

28/05/202100:00:00(Xem: 5835)
VIET VE NUOC MY 01
Mua vải may khẩu trang thời Covid vào tháng 4 năm 2020.
 
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.  

*

Vào ngày 11 tháng 3 năm 2020 sau nhiều lần cân nhắc, tổ chức Y Tế Thế Giới - World Health Organization (WHO), tuyên bố Sars-CoV-2 đã trở thành đại dịch toàn cầu. WHO cũng đã nhanh chóng đặt tên là Covid-19, thay cho cụm từ “Chinese Virus” mà thế giới đang gán cho nó. Nhiều người Việt hay gọi đó là “cúm Tàu”!

*

Cũng kể từ sau cảnh báo này, cả thế giới chính thức bước vào một bước ngoặt quá đỗi kinh hoàng. Hình ảnh những bệnh viện bị quá tải với các Bác sĩ, Y tá đã kiệt sức bên bệnh nhân của họ tại Vũ Hán đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về một viễn ảnh đen tối đang sắp xảy đến cho nhân loại! Rồi thì việc gì sẽ đến… phải đến! Covid đã theo chân con người lan ra toàn thế giới vào mọi ngóc ngách của từng gia đình không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, giới tính, giai cấp.

Virus không chừa một ai!!! Hàng loạt các nguyên thủ quốc gia, chính khách, vận động viên thể thao, ngôi sao, những nhân vật nổi tiếng … đã bị nhiễm Covid-19. Không thể không kể đến Thủ tướng Anh, phu nhân Thủ tướng Canada, Thái tử Charles, phu nhân Thủ tướng Tây Ban Nha, tài tử Tom Hanks và vợ, vận động viên bóng rổ Rudy Gobert… Vào ngày 2 tháng 10 năm 2020 người dân Hoa Kỳ đã nơm nớp lo sợ khi hay tin Tổng Thống Hoa Kỳ cùng phu nhân và con trai bị dương tính, trong khi chiến dịch tranh cử của ông đang đến hồi khá căng thẳng!!! Nhưng may mắn thay tất cả những người nói trên đều đã phục hồi sau đó!

Những thống kê cho biết số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu cho đến hôm nay đã hơn 3.000.000 người, riêng tại Hoa kỳ vào khoảng hơn 570.000. Cũng vì sự nguy hiểm của Coronavirus nên có rất nhiều nạn nhân đã phải lặng lẽ ra đi một mình, không một người thân nào ở cạnh cho đến những giây phút sau cùng! Đau lòng nhất phải kể đến trường hợp của cậu bé Ismail Mohamed Abdulwahab, 13 tuổi, mất vào ngày 30/3/2020. Đây được xem là ca thiệt mạng vì nhiễm Covid-19 trẻ tuổi nhất tại Anh!!!

Cũng vào thời điểm tháng 3 năm 2020 cả thế giới loan đi một thông điệp #Stayhome #Donotmove!  Các Bác sĩ thì bảo rằng #We stay here for you, you stay home for us! Cả thế giới bỗng trở nên vắng lặng đến rợn người. Từ các sân bay, các nhà ga, những khu du lịch nổi tiếng, những thành phố xa hoa tráng lệ mà ngày nào du khách chen chân tấp nập không ngừng nghỉ, giờ như “ngừng thở”. Vạn vật như bất động, trái đất như ngừng quay, cả hành tinh nhuộm một màu tang tóc bao trùm! Kèm theo đó là những chuyến bay đã bị hủy, những dự định đã phải dời lại. Biết bao người Việt vì Covid đã bị kẹt lại tại Việt Nam, Mỹ, Canada, Đức... mãi đến bây giờ! Rồi thì những chuyến bay “giải cứu nhân đạo” của chính phủ Việt Nam từng bước được thực hiện nhưng giá-ở-trên-trời, mà vẫn khó với tới được nếu không biết cách lót tay!!!

Tôi cũng đã quyết định hủy chuyến bay về Việt Nam để chúc thọ mẹ mình 85 tuổi, sau khi hay tin dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán vào tháng hai năm ngoái! Ngày về thăm mẹ già của tôi chắc còn xa khi Covid-19 vẫn còn đang làm mưa, làm gió trên khắp hành tinh. Hiện nay, nhiều quốc gia lại tiếp tục ban hành lệnh lockdown vì biến thể nguy hiểm khôn lường của virus!!!
 
Khẩu trang

VIET VE NUOC MY 02

Khẩu trang tặng người thân tại Đức mùa Giáng Sinh năm 2020


Cũng vào thời điểm tháng ba năm rồi tôi đã đi lùng sục khắp các cửa hàng CVS, Walgreens, Walmart, Target… để tìm mua khẩu trang y tế nhưng không một nơi nào còn cả!?! Lợi dụng tình trạng khan hiếm nhiều cá nhân đã nâng giá khẩu trang, nước sát trùng lên cao… chưa từng thấy. Khẩu trang cũng đã trở thành mục tiêu chính trị, yêu sách trao đổi giữa nhiều quốc gia trên thế giới. Tại các bệnh viện: Bác sĩ, Y tá và những nhân viên y tế gần như sắp cạn kiệt khẩu trang! Hình ảnh các quân nhân Hoa Kỳ tự làm khẩu trang “cấp tốc” được cắt từ vải áo thun của mình đã gây xúc công chúng! Trước tình cảnh này cựu Tổng Thống Donald Trump đã không ngại chi ra hàng triệu Mỹ kim, để mua cho bằng được khẩu trang y tế các loại và những bộ quần áo bảo vệ cho Bác sĩ, Y tá tại bệnh viện.

Sau nhiều lần suy nghĩ tôi đã tự hỏi:” Tại sao mình không biết tự may một cái khẩu trang để mang chứ?!?” Thế là tôi đến Walmart gần nhà, nhưng nơi đây đã gần sạch nhẵn vải cotton và các nguyên vật liệu may vá khác; kể cả bàn máy may cũng không còn cái nào! Hobby Lobby và nhiều cửa hàng của Michaels đã có lệnh ngừng hoạt động từ lâu! Sẽ không thể nào quên được lần hai mẹ con tôi đứng chờ gần cả giờ đồng hồ trước tiệm Jo-Ann, cách nhà tôi 15 phút lái xe; đây là cửa hàng duy nhất cho mở bán trong phạm vi vài chục mile. Số người vào mua  rất giới hạn, những người chờ bên ngoài phải giữ khoảng cách an toàn 6 feet. Vải cotton ở đây vô cùng phong phú, mẫu mã đa dạng tha hồ chọn lựa! Nhưng các loại thun (elastic) lớn nhỏ thì đã … sạch sành sanh?!? Cô bán hàng đã nhìn tôi với ánh mắt đầy ái ngại, bảo rằng:

-Thun đã “biến mất” trên thị trường, trên Amazon cũng hết nhẵn; người ta đã vét sạch chúng từ khi bắt đầu đại dịch rồi!?

Tôi buồn hiu mang những xấp vải cotton về nhà mà suy nghĩ nát óc suốt mấy ngày liền! Việc cắt may một cái khẩu trang với tôi không khó lắm! Tuy nhiên, làm thế nào để may một cái khẩu trang không có dây thun mà vẫn cảm thấy thoải mái khi đeo, thì thật sự là một việc không hề dễ dàng cho tôi. Cuối cùng sau gần một ngày “trầy trật” tôi cũng tìm được giải pháp tương đối ổn là tận dụng vải xéo 45 độ để thay thế thun đeo vào tai.

Sau cái khẩu trang đầu tiên được ra đời, tôi thật vui mừng vô kể. Tôi bắt đầu “sản xuất” hàng loạt cho chồng con mang; tiếp theo đó là may tặng cho: đồng nghiệp, bạn bè, bạn của con mình và con của bạn mình…. Vào khoảng thời gian này khẩu trang vẫn còn khan hiếm, nên ai cũng mừng khi được người nào đó cho một cái khẩu trang giặt sạch - xài hoài: tiết kiệm được biết bao nhiêu tiền! Tôi cũng đã tiến thêm một bước nữa là may loại khẩu trang không cần đeo, chỉ cần buộc phía sau để đỡ bị đau vành tai. Bạn bè tôi và nhiều đồng nghiệp đã vô cùng hoan nghênh về sáng kiến này, nó giúp cho những người phải mang làm việc nhiều giờ thấy thoải mái hơn!

Vào giữa tháng tám tôi được một con nhỏ bạn tốt bụng, biết tôi đang may khẩu trang cho “bá tánh” nó đã gửi tôi một bịch thun rất lớn, bảo rằng:

-Tao đã may làm từ thiện hơn 3.000 cái khẩu trang rồi. Còn dư mớ thun này, giao cho mày nè!

Tôi mừng như trúng số và cám ơn nó không biết bao nhiêu lời mới đủ!!! Có thun rồi tôi may được nhanh hơn để tặng thêm được nhiều người. Cũng vào thời điểm đó đám học sinh đang chuẩn bị tựu trường sau gần nửa năm trời bị nhốt ở nhà. Tôi thật cảm động khi chứng kiến cảnh con trai mình đã nôn nao, trằn trọc suốt đêm trước ngày nhập học như thế nào. Buổi sáng đưa con đến trường, tôi thật ngạc nhiên xen lẫn vui mừng khi thấy bạn bè nó đang mang cái khẩu trang mà tôi đã tặng chúng! 

Phải nói thêm rằng khẩu trang may với chất liệu 100%  vải cotton được bán tại các cửa hàng của Mỹ là rất tuyệt vời! Nó đẹp vì màu sắc, hoa văn rất bắt mắt, chất lượng in ấn không chê vào đâu nhưng đặc biệt nhất là độ hút mồ hôi, thông thoáng tốt nên mang cả ngày cũng không bị khó chịu. Điều đáng trân trọng hơn tất cả là các tiệm: Jo-Ann, Michaels hay Hobby Lobby… hầu như lúc nào cũng có “on sale” quanh năm. Họ cũng không hề lợi dụng thời điểm dịch bệnh mà nâng giá, mặc dù họ dư biết rằng có nhiều mặt hàng tại đây đang rất… “hot” trên thị trường!

Có một dạo tôi đã bị “vải nhập”!!! Thật đúng vậy! Vì hầu như mỗi ngày hay cách ngày là tôi lại len lỏi trong các quầy bán vải tại Hobby Lobby ở gần nhà (đã được mở lại vào tháng Năm). Tôi cứ đi tới đi lui, ngắm nghía, lựa chọn … để cuối cùng đem về nhà những mẫu vải thật ưng ý!!! Mỗi cái khẩu trang sau khi đã hoàn thành đều được tôi giặt bằng tay, ủi cẩn thận trước khi cho vào bọc Ziplock giao đến tay từng người. May khẩu trang đối với tôi là một niềm hạnh phúc rất lớn, nó giúp tôi “giải stress” trong mùa dịch khá tốt. Mỗi ngày khi bước vào hãng, nhìn những đồng nghiệp (cả nam lẫn nữ) đang mang các khẩu trang của mình may tặng , tôi thấy ấm áp lạ thường. Họ vẫn thường cám ơn tôi về những món quà tặng bất ngờ, nhưng họ nào biết đâu rằng chính tôi phải cám ơn họ ngàn lần mới đúng! Chính họ đã đem đến cho tôi niềm vui, tiếp cho tôi thêm sức mạnh để đi qua đại dịch này một cách khá nhẹ nhàng!

Vào giữa tháng 12 tôi chính thức chia tay với cái bàn máy may đã gắn bó với mình gần chín tháng ròng rã; sau khi đã may hàng loạt khẩu trang chủ đề vải về Christmas để làm quà tặng cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trong mùa lễ Giáng Sinh vừa qua. Tôi đã không nhớ chính xác là mình đã “tung” ra-thị-trường bao nhiêu cái khẩu trang; chỉ biết rằng mặc dù trọn năm qua tôi không hề bước chân ra khỏi nước Mỹ nhưng khẩu trang của tôi đã có mặt tại: Đức, Anh, Canada, Úc và nhiều tiểu bang như Cali, Oklahoma, Washington… tại Hoa Kỳ. Bên cạnh việc may tặng mọi người tôi có thêm một niềm vui khác là hướng dẫn cho hai bà đồng nghiệp người Mễ cách may khẩu trang vải. Tôi đã cho họ “cái rập” và mớ thun đang có của mình để dễ dàng cho họ tha hồ tự … mày mò! Hai bà đã vô cùng thích thú khi cho ra đời những cái khẩu trang đầu tiên và sau đó họ cũng đã may hàng loạt để tặng cho gia đình và người thân ở các tiểu bang xa! Tôi cảm nhận niềm vui của họ rất rõ vì tôi đã từng trải qua cái cảm giác đó! Nó khó có gì sánh bằng!

Giờ đây khi viết những dòng này tôi thật sự mong ước rằng một ngày không xa cả thế giới không còn ai phải mang khẩu trang khi ra đường nữa. Đã hơn một năm rồi tôi đã không còn thấy nụ cười của biết bao người chung quanh mình. Tôi đã phải học cách thấu hiểu những biểu cảm của họ từ đôi mắt, khuôn mặt... sau cái khẩu trang vô cảm kia! Hằng đêm tôi vẫn luôn cầu nguyện cho thế giới được sớm qua cơn đại dịch kinh hoàng này!!!

Vaccine

VIET VE NUOC MY 03.jpeg
I am vaccinated!

Vào tháng 5 năm 2020, trong khi các chuyên gia y tế cho rằng có thể mất từ một năm tới 18 tháng mới bào chế thành công vaccine và đưa vào sử dụng. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, cựu Tổng Thống Donald Trump nói rằng ông tự tin nước Mỹ sẽ có Coronavirus vaccine vào cuối năm! Đây là một mốc thời gian ngắn hơn nhiều lần so với các dự đoán, ông đã tuyên bố khá chắc chắn:

-"Chúng tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ có vaccine vào cuối năm nay và chúng tôi đang thúc đẩy rất mạnh".

Quả thật là như vậy! Đến giữa tháng 12 năm 2020 cả nước Mỹ vỡ òa sung sướng khi những người thuộc diện ưu tiên hàng đầu được tiêm chủng vaccine. Có thể nói đây là một tín hiệu vui, một ánh sáng cuối đường hầm sau hàng loạt những u ám bao trùm nước Mỹ gần trọn năm qua! Tân Tổng Thống Joe Biden cũng đưa ra mục tiêu 200.000.000 liều vaccine cho dân chúng Hoa Kỳ trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức của mình; nhưng việc này đã hoàn tất sớm hơn thời hạn!

Ngoài vaccine, chính phủ còn lo cứu trợ khó khăn cho người dân qua ba tấm chi phiếu, tổng cộng là 3.200 usd (1.200+600+1400). Đó là chưa kể đến những món tiền chi hàng tuần cho những ai mất việc làm vì Covid-19. Có lẽ không riêng gì tôi mà tất cả những ai đã đến định cư tại Mỹ, đã chọn đất nước này làm quê hương thứ hai cũng cảm thấy như mình đang mang một món nợ ân tình với nơi đây! Ai cũng mong muốn cho Hoa Kỳ sẽ sớm vượt qua những ngày đen tối, trở mình mạnh mẽ đứng dậy để cùng thế giới chung tay cứu nguy cho toàn nhân loại. Đó cũng là sứ mạng cao cả mà người Mỹ đã gánh trên vai suốt bao thập kỷ qua!

Thống kê hôm nay cho biết có 216.000.000 người Mỹ được chích liều vaccine đầu tiên và 87.600.000 người đã tiêm liều thứ hai. Trong đó có tôi!!! Suốt bao phen tìm kiếm rà soát trên mạng, suốt bao ngày chờ đợi cho mũi tiêm thứ nhất, hồi hộp cho mũi thứ hai; cuối cùng tôi cũng đã thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn tất hai liều vaccine của mình. Điều đáng nói là hầu như tôi không gặp một phản ứng phụ đáng kể nào cả. Thật ra, có rất nhiều người mà tôi được biết cũng đã thấy “rất Ok”, họ vẫn đi làm và sinh hoạt bình thường trở lại sau mũi tiêm hai.

Và cũng thật tình cờ, cô Y tá tiêm cho tôi lần sau cũng chính là người đã chích cho tôi lần đầu. Khi gặp lại chúng tôi nói chuyện khá cởi mở; cô hỏi tôi:

-Lần trước you có “bị-gì-không”?

Tôi thiệt tình nói:

-Hôm đó sau khi đi làm ra tôi lái xe thẳng đến đây. Tiêm xong, tôi liền chạy ngay đến phòng gym rồi về nhà lo nấu nướng và sáng hôm sau thì đi làm bình thường. Cô cười, có vẻ như nhẹ lòng và bảo:

- Lần này chắc you cũng vậy!

Và đúng thật là như vậy!!! Dẫu biết rằng mỗi người một cơ địa khác nhau, mỗi loại vaccine có những tính chất khác nhau nên có người thì bị “hành liệt giường” suốt mấy ngày, có người thì vẫn “tỉnh bơ”. Tôi còn được biết có nhiều bậc lão niên cũng chẳng “hề hấn”gì sau mũi tiêm thứ hai?!? Nhưng qua tin tức, truyền thông cho biết có một số người bị chứng máu đông ở xoang tĩnh mạch não và bị thiệt mạng do trường hợp cực kỳ hiếm gặp. Tôi thật sự quá đau lòng và vô cùng thương tiếc cho họ!!!

Tôi rất hiểu tâm trạng của những ai đi tiêm chủng. Họ cũng như tôi, chúng tôi đang sống tại một đất nước mà con số tử vong vì Coronavirus vào Top#1 của thế giới. Mỗi ngày chúng tôi theo dõi rất nhiều tin tức của các ca nhiễm, ca tử vong đan xen cùng những tin tích cực lẫn tiêu cực của các loại vaccine đang có mặt trên thị trường! Ai cũng biết vaccine đang là chính trị! Vaccine cũng đang là vũ khí để các thế lực và đảng phái đè bẹp nhau trong việc duy trì quyền lợi và thế lực! Nhưng chích hay không,  cuối cùng cũng vẫn là quyền quyết định của mỗi cá nhân. Không ai bắt buộc ai cả! Mỗi ngày tại xứ sở Hoa Kỳ này có trung bình từ hai đến bốn triệu người xếp hàng, chờ đợi tại các địa điểm tiêm phòng. Đó là sự chọn lựa - đi kèm sự chấp nhận! Chúng tôi chấp nhận tất cả rủi ro nếu không may xảy ra chỉ vì muốn tự bảo vệ mình, muốn góp phần tạo miễn dịch cộng đồng; sớm đưa đất nước này trở lại bình thường như xưa! Đối với tôi, những người đã bị thiệt mạng vì vaccine rất xứng đáng là những anh hùng!!! Và tôi cũng không thể nào quên được mấy chục ngàn tình nguyện viên đã xung phong chích thử nghiệm những mẫu vaccine đầu tiên của nước Mỹ vào năm ngoái, một trong số họ có David, một cựu Sĩ quan trong Không Lực Hoa Kỳ đang sống tại thành phố Choctaw - Oklahoma, mà tôi quen biết. Mãi mãi tôi sẽ không bao giờ quên ơn những tấm lòng vàng đầy dũng cảm của họ!!!

Hai lần đi đến Waxahachie Senior Center tiêm chủng, tôi đều chứng kiến cảnh những vị cao niên và những tình nguyện viên đã đến đây phụ giúp cho cộng đồng. Họ hướng dẫn mọi người rất ân cần chu đáo và luôn nói lời cảm ơn trước khi chúng tôi ra về. Họ làm việc với một tâm vô cùng hoan hỉ, vì muốn góp một bàn tay để giúp đỡ cho cộng đồng. Trải đều khắp các tiểu bang của nước Mỹ cho đến các thành phố lớn nhỏ, không thiếu những con người đang lăn xả vì con người từ đầu mùa đại dịch đến hôm nay. Thật đáng trân trọng và tự hào về họ biết bao nhiêu!!!

Sau hàng loạt các tin tức xấu liên quan đến những phụ nữ trẻ bị chứng đông máu vì tiêm vaccine một vài hôm; ngày 15 tháng 4 cô con gái rượu của cựu Tổng Thống Donald Trump đã đăng hình ảnh chích ngừa của mình lên mạng xã hội! Cô đã viết trên Instagram như sau:

-Tôi đã tiêm vaccine hôm nay! Tôi hy vọng các bạn cũng sẽ làm như vậy! Cám ơn y tá Torres!

Hơn ai hết, cô hiểu rõ khả năng sẽ thu về rất nhiều lời chỉ trích từ các thành viên thuộc Đảng của cha mình. Nhưng bên cạnh đó, cũng có khá nhiều người đã ủng hộ cô. Hành động của cô góp phần nào xoa dịu những bất an, ngờ vực trong lòng công chúng Mỹ: đặc biệt là phái đẹp!

Cho đến hôm nay sau hơn một năm vật lộn với Coronavirus, chắc không ai trong chúng ta quên được những ngày mà thành phố New York đã chìm trong tang thương và mất mát! Từng đoàn xe đông lạnh đã chở các xác người ra đi trong tuyệt vọng và cô độc trên các đường phố như xoáy vào nỗi đau tận cùng của các gia đình nạn nhân xấu số và của toàn nước Mỹ. Chắc chắn không ai muốn thấy những hình ảnh tang tóc này lặp lại một lần nào nữa trên bất kỳ nơi nào trên thế giới này. Mỗi người là một mắc xích quan trọng trong công cuộc chống Covid toàn cầu nên rất cần sự chung tay, hiệp sức của cả hành tinh thì mới mong tiêu diệt được con virus Vũ Hán!!!

*

Niềm ao ước chung của nhân loại hiện nay là mong cuộc sống của mọi người sớm được bình thường hóa trở lại như xưa. Không ai thích mang khẩu trang. Không ai muốn xa cách cộng đồng của mình với cự ly 6 feet. Ai cũng muốn được bắt tay nhau, trao cho những những nụ cười và những cái ôm chân tình. Hơn cả năm rồi, đại dịch đã biến chúng ta thành những gã robot di động lầm lũi trên đường phố, trong các siêu thị, cửa hàng. Nhiều đại gia đình cha mẹ, con cái và ông bà đã không còn gặp gỡ như xưa vì sợ bất trắc lây bệnh cho nhau. Nụ cười đã mất, tiếng cười đã tắt trong suốt hơn một năm qua…
Tại Hoa Kỳ, nhờ có vaccine mà người già đã gặp lại con cháu của mình sau một thời gian dài chia cắt. Nhờ có vaccine mà người ta đã có thể “bay” đi thăm nhau! Điều này giúp cho các hãng hàng không và các sân bay bắt đầu đi vào hoạt động trở lại. Cũng nhờ có vaccine mà số ca nhiễm đã có chiều hướng đi xuống rõ rệt, các ca tử vong cũng chậm lại. Và cũng nhờ những chính sách cứu nguy kinh tế của hai vị Tổng Thống mà kinh tế Mỹ đã từng bước được phục hồi với chỉ số thất nghiệp giảm đáng kể, sức mua tăng, thị trường chứng khoán cũng đầy khởi sắc sau một năm trời chao đảo, đầy biến động.

*

Mùa hoa Bluebonnet một lần nữa đã trở lại Texas như báo hiệu mùa Xuân đang hiện hữu giữa đất trời. Nếu ai thích làm vườn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy một không khí rất nhộn nhịp, sôi động tại: Lowes, Home Depot, Calloway… hay tại bất kỳ một cửa hàng bán cây cảnh khác. Tại Waxahachie - Texas nơi tôi đang sống thời tiết đã ấm lên rất nhiều từ cuối tháng ba. Đó cũng là lúc mà những người mê trồng trọt có dịp đến các nơi này “tha” về nhà từng cái chậu, bịch đất, giỏ hoa… để chăm chút cho mảnh vườn của mình sau một mùa Đông dài tàn phai hương sắc.

Đến đây cũng khá thường nên tôi có thể so sánh được cái không khí mua sắm hồi năm ngoái và bây giờ! Mùa Xuân 2020, người ta đã đến đây với ánh mắt buồn bã, nhẫn nại đứng xếp hàng lê thê hàng giờ trước các cửa hàng một cách vô cùng thiểu não. Bởi họ hầu như không còn biết làm cách nào khác để tự cứu mình ra khỏi cơn khủng hoảng, mà đại dịch từ đâu đã giáng xuống cho đất nước này?!! Thành phố đã bị phong tỏa, công việc bị mất, họ không thể ngồi chôn chân một chỗ để nỗi tuyệt vọng nhấn chìm mình xuống vực sâu! Và cuối cùng họ đã cắm xuống mảnh vườn của mình những bông hoa, cây trái để mỗi ngày có dịp ra đây chăm sóc, ngắm nghía … như một liệu pháp xoa dịu vết thương lòng!!! (đó cũng là lý do mà tôi đã có được một vườn Hồng “mini” sau nhà mình vào năm rồi). Hiện nay, mặc dù họ cũng còn mang khẩu trang nhưng tôi vẫn thấy được những ánh mắt đã biết cười, những đôi chân đã bước đi nhanh nhẹn, khoan thai và có sức sống hơn hẳn năm qua! Cô bạn của tôi, đang sống ở Cali, cũng đồng tình về điểm này và nói đùa rằng:

-Họ vui chắc vì mới nhận tiền cứu trợ nên đem ra xài!?

Còn tôi thì bảo:

-Hay họ mừng vì vừa được tiêm vaccine xong!?

Chắc là cả hai!?! Một viễn ảnh tương lai đầy hứa hẹn đang bày ra phía trước, nhưng mọi thứ vẫn chưa thể nói sớm được! Nó vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào mỗi cá nhân trong một tập thể lớn vậy!!!

Nguyễn Bích Thủy

Texas tháng 4 năm 2021

Ý kiến bạn đọc
28/05/202115:20:35
Khách
Cám ơn bài viết rất hay; cũng như cám ơn về việc may và tặng khẩu trang của tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 775,240
Ai nấy đã về lều của mình rồi mà âm hưởng bài hát vẫn còn vọng lại trong tôi. Kéo tay bà xã ngồi lại, tôi chăm chăm nhìn vào ánh lửa mà nhớ về ngày xưa. Dạo này không hiểu sao tôi hay để tâm hồn lang thang trở lại với những mảnh vụn kỷ niệm ngày xưa cũ. Nhìn ánh lửa cháy reo vui trước mắt mà tôi như thấy lại khung cảnh tương tự ở một quá khứ cách đây hơn 40 năm, như mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi nhắc chuyện ngày xưa, chuyện buồn nhiều hơn vui. Thời đó trong nước, ai cũng đói nghèo, khổ sở vì chính quyền ngu muội, lấy đâu có chuyện vui mà kể. Vợ tôi cười nhẹ với nụ cười đồng cảm pha chút diễu cợt “chắc tại anh già rồi”. Hai chữ già rồi cứ luẩn quẩn bám theo tôi cả buổi tối hôm đó. Tiếng lửa vẫn reo vui, than củi nổ lách tách mang hơi ấm lan tỏa vào không gian…
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Bài viết mới và hình ảnh lễ Phật Đản năm nay tại Dayton, Ohio.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài viết mới.
Ngày bé tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ sang một quốc gia khác mưu cầu cuộc sống. Tôi đến trường mặc đồng phục áo dài trắng và tưởng tượng trong tương lai mình sẽ khoác áo dài hồng có gắn hoa kim tuyến bên cạnh chàng trong ngày tân hôn. Những lần quét nhà, nấu cơm, tôi nghĩ sẵn trong đầu sẽ làm món ăn gì dọn lên cho gia đình chồng ngày về làm cô dâu mới (món mướp xào miến, tôi đã chọn sẵn như thế). Ngày nay con số trên dưới triệu người Việt tha hương khắp toàn cầu không khiến ta bâng khuâng tự hỏi: những con chim nhỏ bé phải xa rời tổ ấm này đã đương đầu với phong ba bão tố ra sao trong những năm tháng đầu trên miền đất lạ? Chắc chắn là thấm đẫm mồ hôi nước mắt. Mỗi người sẽ có một câu chuyện đặc biệt không trùng lặp với ai để góp phần vào trang sử ly hương của người Việt trên toàn cầu.
Ngọc Anh là tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Sau vụ khủng bố tấn công làm nổ tháp đôi ở New York, cô viết bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể chuyện sở làm, một công ty chủ nhân người Ả Rập Hồi Giáo, nhưng hàng trăm nhân viên đủ gốc Á Âu, Do Thái... sống với nhau hoà thuận. Bài viết được trao tặng giải thưởng danh dự năm 2002. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả lần đầu tham dự VVNM, ông vượt biên từ 1979 qua Thụy Sĩ, ở 10 năm rồi bay qua Texas sống. Dần dần được vào quốc tịch Mỹ từ 2000, du lịch nhiều tiểu bang Mỹ rồi nảy sinh biến Texas thành nơi định cư. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
RV, viết tắt của chữ Recreational Vehicle, là một xe motor home. Nói một cách khác, RV là một căn nhà di động. Trên xe có phòng ngủ, phòng tắm, bếp, bàn ăn, tủ lạnh. Trong mùa dịch mà đi chơi bằng xe RV thì xem ra đỡ nguy hiểm nhất vì không phải chung đụng với ai. Tuy vậy, xe RV cũng có những vấn đề riêng của nó. Thứ nhất là giá mướn xe RV rất mắc (sẽ viết thêm về điều này). Thứ hai là ngoài mướn xe RV, chúng ta phải mướn bãi đậu xe vì những lý do sau đây. Vì xe RV là căn nhà di động, chúng ta cần có bãi đậu để ngủ qua đêm. Nếu muốn tiết kiệm tiền, chúng ta có thể đậu xe qua đêm tại bãi đậu xe của một số tiệm Walmart.
Mở mắt liếc nhìn đồng hồ báo thức, Matt thấy chưa đến bốn giờ sáng nhưng vẫn phải uể oải ngồi dậy, nó nghĩ có nằm ráng thêm mươi phút nữa cũng chẳng tới đâu, nhiều khi lại ngủ quên, thôi thì dậy quách cho xong, dẫu có vào hãng sớm một tí cũng chả sao. Sau khi vệ sinh chừng mười lăm phút, Matt vớ lấy túi đựng thức ăn trưa và hai lát bánh mì vuông đi ra xe.
Gia đình đông con gái. Ông ngoại tôi làm nghề chẩn bệnh, bốc thuốc, là người giỏi Hán Nôm, ông viết chữ Nho rất đẹp nên lúc xưa nhiều người hay đến nhờ ông viết những câu đối để đi đám Tân gia, chúc mừng này nọ hoặc viết liễn cho đám tang. Bà ngoại sinh cho ông tôi cả đàn con gái, chỉ có một cậu nhưng cũng qua đời khi còn rất nhỏ. Mấy chị em gái của Má ai cũng trắng trẻo, đẹp gái. Má tôi xinh xắn, mặt tròn, môi chẻ giống ông ngoại y tạc, lại là người thông minh lanh lẹ, ham học chữ. Ở cái làng quê Quảng Nam xa xôi gần miền núi, hình như con gái trong làng đồng lứa chỉ có Má là chịu ôm tập đến trường học cho đến...hết lớp, thời đó chắc là xong bậc tiểu học. Đến lúc ông ngoại gả Dì Hai cho con trai một gia đình nhà buôn ở Hội An thì Má theo dì Hai học làm bánh trái, nấu ăn, thêu thùa may vá. Năm tròn mười tám tuổi, ông bà ngoại gả Má cho con trai út một địa chủ trong làng. Chưa biết mặt, chỉ biết mọi người hay gọi người đó là Cậu Mười. Dẫu không muốn, cũng không thể từ chối vì tục lệ ngà
Nhạc sĩ Cung Tiến