Hôm nay,  

Đi Chùa

27/05/202100:00:00(Xem: 5264)

Minh Thúy (Thành Nội)
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”,   Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.

****

Chua Pho Tu
Chùa Phổ Từ, Thành Phố Hayward

 

            Tôi đi Chùa theo Mẹ từ lúc chưa vào lớp tiểu học, hình như khoảng ba, bốn tuổi thì phải. Hồi đó Mẹ hay đi tụng kinh mỗi tối là ngôi Chùa Tịnh Bình nằm trên đường Tăng Bạt Hổ (thành phố Huế), sau mẹ có duyên quy y chùa Diệu Đế trên đường Bạch Đằng. Những mùa lễ lớn các chú điệu đạp xe vào đưa giấy mời, mẹ cúng dường tịnh tài, tới ngày lễ ghé chợ mua cá đem ra sông phóng sanh.

           Còn nhớ tuổi thơ rất rõ… mỗi lần lên Chùa tôi thường được các cụ xoa đầu nựng má, cho bánh kẹo hoặc quả quýt và khen “cháu giỏi lắm, mẹ ngồi đọc kinh cả tiếng đồng hồ mà cháu ngồi yên không phá phách”, chưa kể được các chú điệu hay các thầy trẻ cho cả bọc bánh In đủ màu sắc (có lẽ lúc nhỏ vì ham quà bánh nên thích theo mẹ chăng?). Khi tuổi thiếu nữ không còn đi theo mẹ nữa, mà thích đi với bạn vào dịp lễ Phật Đản hoặc Vu Lan, lúc đạp xe tới Chùa gần, khi dùng hai chuyến xe Đò lên chùa Từ Đàm, chùa Tường Vân hoặc xa hơn là chùa Thiền Lâm Tự nằm trên núi. Mỗi lần đi cả nhóm ghé vô chợ Đông Ba mua hoa Sen dâng cúng Phật, hôm đó dặn nhau mặc áo dài trắng đàng hoàng nghiêm chỉnh, dù rằng không còn được quà nhưng ngôi Chùa có sức thu hút theo không khí hiền hoà, cảnh vật đầy hoa thơm đủ sắc thật đẹp, nhất là những cây hoa Sứ trước sân Chùa nở hoa trắng toát ra kỳ hương nhẹ nhàng.

            Những năm từ 1980 đến 1984 tôi vào Sài Gòn tìm đường vượt biên, có lúc ở nhà Dung (bạn hàng xóm Huế) thêu hàng, em trai Dung khoảng 13 tuổi  rất hiền lành thường ăn chay nhưng giấu gia đình, ngồi một góc nhai cơm với xì dầu, chị em hợp mạng, em hé môi cho biết mỗi tối lặng lẽ đi Chùa tụng kinh, từ đó sau giờ cơm chiều em nháy mắt tôi đi đúng giờ nhập lễ.

Vượt biên đến đảo trải qua cuộc hành trình tưởng bỏ mạng nơi biển cả, từ đảo Pulau  Bidong chuyển tiếp qua trại Sungei Besi, hai nơi đều được dựng Chùa, nên mỗi chiều tôi thường lên bám víu lời kinh tiếng kệ cho tâm trí tỉnh lại. Qua Mỹ năm 1985 chân ướt chân ráo đã đi cày sáng mờ sương đến tối trời về đầu tắt mặt tối không còn thời giờ. Một buổi chiều được về sớm, cô em dâu chở tôi tới ngôi Chùa Đức Viên trên San Jose lúc đó Sư Bà Đàm Lựu làm trụ trì, tôi mừng hết lớn vì được ngồi trên xe ngắm màu nắng hai bên đồi của Freeway 680. Được thấy ngôi Chùa lần đầu nơi xứ Mỹ, tiếng trống Bát Nhã, hồi chuông thức tĩnh cho tôi cảm giác bồi hồi về kỷ niệm những ngày theo chân mẹ đi Chùa, tôi cố ngăn không để cảm xúc trào dâng nhưng nước mắt cứ tuôn ra như đứa con trôi sông lạc chợ, lăn lóc bụi thời gian đang trở về bến bình yên tạm thời giây lát.

Sáu năm sau tôi chuyển job, có được ngày cuối tuần nhưng chỉ thuận khi gặp một công mấy việc mới lên San Jose. Một trưa ghé Chùa thỉnh tượng Phật và tìm quyển Hư Hư Lục của sư cô Như Thủy, quý bác đang đổ bánh xèo dùng trưa, sự niềm nở mở rộng tấm lòng làm chúng tôi khó từ chối lời mời, tôi yêu không khí thanh tịnh, hình ảnh quý bác, quý sư cô ăn nói nhẹ nhàng cùng nụ cười nhân từ hiền hậu tăng sự kính mến của tôi vô cùng. Tuy nhiên đường xá xa xôi nên thỉnh thoảng mới viếng Chùa được, tôi hằng mơ ước giá chi dưới vùng mình sinh sống có được ngôi Chùa.

            Trung Tâm Phật Giáo mọc lên nơi thành phố Hayward năm 1986 nhưng tôi không hề hay biết. Nhận job mới nên tôi dời nhà lên vùng Hayward tiện công ăn việc làm, tình cờ dự đám cưới, ngồi chung bàn nói chuyện, cháu B cho biết có ngôi Chùa nhỏ nằm trên đường Calaroga. Từ đó duyên đến với tôi, mỗi chiều thứ sáu sau giờ làm, lòng tôi hớn hở như bao người vì được “xả trại” nghỉ ngơi hai ngày weekends không bị kim đồng hồ báo thức, mà niềm vui trước nhất là được đi Chùa về tối sẽ ngủ dậy trễ sáng sau. Cuối tuần tôi dành thì giờ một ngày đi chợ, nấu ăn đàng hoàng thịnh soạn so với những ngày đi cày, chủ nhật lên Chùa sinh hoạt có khi cả ngày hoặc nửa ngày theo chương trình sắp xếp của Chùa.

 

Thầy Tôi

Tu hành “hữu xạ tự nhiên hương”

Dũa đức mài tâm giữa sắc thường

Giảm thiểu rau cà thông mạch lạc

Đơn sơ y áo ngộ am tường

Trì kinh sáng tụng rèn nhân đức

Điểm hạt chiều thiền quán thiện lương

Chúng dẫn, tăng dìu đường chánh pháp

Danh Thầy Từ Lực sáng vầng dương

MTTN

     

             Thầy Từ Lực trụ trì ngôi Trung Tâm Phật Giáo Hayward là người con của xứ sông Hương núi Ngự, Thầy chuyên cần vừa học vừa tu đã tốt nghiệp cử nhân ngành thư viện, mỹ thuật tại San Francisco State University, sau đó tiếp tục theo ban cao học tại California State University Hayward. Thời gian ấy Thầy cũng rất vất vả vì ban ngày đi làm việc trên trường UC Berkeley, tối về hướng dẫn đại chúng tụng kinh vào thứ hai, tư, sáu. Càng ngày việc phật sự càng nhiều, đám tang cần ma chay tụng niệm cầu siêu người chết, những tiểu bang lạnh mời Thầy đi hoằng pháp lưu động, vì bên đó thiếu vắng Thầy. Các bác họp đạo hữu lại vận động mỗi người một tay cố gắng hỗ trợ tài chánh thêm nữa trang trải hàng tháng, và yêu cầu Thầy nghỉ việc giữ gìn sức khỏe, để còn hướng dẫn đại chúng tu tập. Tưởng yên thân thầy trò lo việc tu học, nhưng vài năm sau County gởi giấy về báo địa điểm Chùa không hợp lệ dùng nơi tụ tập đêm ngày, hàng xóm gởi đơn khiếu nại. Cuối cùng đạo hữu cho Chùa mượn trong vòng 5 năm không lấy tiền lời cộng thêm sự cúng dường của tứ chúng. Thầy tìm được địa điểm trên đường Meekland cũng thuộc thành phố Hayward, xem như Chùa Phổ Từ được thành lập từ năm 2000. Công trình xây cất gặp lắm gian nan vất vả, nói như kiểu người phàm thì thầy “làm dâu trăm họ”, nhưng rồi thiện thần hộ pháp che chở, mọi trở ngại từ nội ma, ngoại ma, nội chướng, ngoại chướng của thế gian cũng được túc đắc tiêu diệt.


CHÙA PHỔ TỪ

(Tung hoành trục khoán)

 

MÁI ấm tâm linh dội trống đồng

CHÙA Từ tĩnh lặng nhẹ ngân chuông

CHE lòng mộ đạo nơi thiền quán

CHỞ dạ mến Thầy chốn tịnh không

HỒN  đậm pháp môn thường tự tại

DÂN đằm giáo lý cũng thong dong

TỘC hành cuộc sống gieo nhân thiện

NẾP SỐNG MUÔN ĐỜI CỦA TỔ TÔNG

MTTN

Ngày tháng tiếp tục đi qua từng mùa xuân, hạ, thu, đông...Tôi vẫn đều đặn sinh hoạt cùng quý bác, quý anh chị và bạn hữu như tìm về nơi chốn bình an cho tâm hồn, bên cạnh cuộc sống chồng chất nhiều lo âu, trách nhiệm đôi khi nhận chịu áp lực nặng nề đè nén tiếng thở dài.

           Đến Chùa gặp những thiện hữu tri thức, tu tập hạn chế lời nói, họ chỉ thực hành bằng công việc cho tôi học hỏi gương tốt rất nhiều. Nhớ những sáng chủ nhật tới Chùa sớm, có lúc quét lá, có khi vào bếp phụ được việc gì trong lúc chờ đợi chương trình đúng 9 giờ hành lễ. Trước tiên Thầy hướng dẫn đại chúng ngồi thiền kêu gọi tâm trở về tĩnh lặng, tập hít sâu thở ra ý thức sự sống phút hiện tại, sau đó thầy trò tụng niệm kinh cầu an, hoặc nếu có cúng hương linh thì tụng thời kinh Di Đà, kinh Địa Tạng và Chú Vãng Sanh, 10 phút thư giãn hoặc thiền hành trong sân, kế tiếp Thầy ban thời pháp hướng dẫn các pháp của Đức Phật dẫn dắt con đường tươi sáng an lạc, buổi trưa dùng cơm thanh tịnh 

      

        Mỗi tháng có ngày tu học từ sáng đến chiều, ngày xưa các cụ gọi là Thọ Bát Quan Trai phải tuân theo các điều lệ nghiêm túc (không đeo nữ trang, không phấn son, không nghe nhạc, chỉ thọ nhận buổi cơm trưa và không được ăn tối). Qua Mỹ cuộc sống bận rộn, thời gian quí báu, Thầy Tự Lực tìm con đường trung dung thích hợp mọi lứa tuổi nên đổi lại “Ngày Tu Học”. Sáng tham thiền, ôn tụng Tam Quy Ngũ Giới và Thập Thiện Giới, hành thiền và nhận thời pháp lời hay ý đẹp của đạo Phật. Thọ chay trước tiên ngồi quán chiếu và hồi hướng công đức tới người trồng ra thực phẩm, người mua về nấu nướng cúng dường cho mình thọ trai. Sau giờ nghỉ ngơi buổi trưa một tiếng, tiếp tục vào chánh điện dưới sự hướng dẫn lạy sám hối 108 lần. Buổi  chiều ra về lái xe nhìn khung cảnh chung quanh thật đẹp, thật bình an, lắng đọng soi lại tâm mình để sửa  đổi, ngẫm trong thời gian qua đã hành được bao nhiêu điều tốt, bao nhiêu việc thiện, bao nhiêu lần nóng giận, và bao nhiêu lần mắc khẩu nghiệp nói điều có thể làm người khác buồn lòng?

          Ban đầu chúng tôi thọ “Tam Quy Ngũ Giới” tại Trung tâm Phật Giáo được Thầy quy y, tháng ăn chay 4 ngày, chỉ từng đó mà khó lắm đấy, gieo lòng sợ hãi của chúng sinh không đạt tới, nhưng nhờ có sự ân cần khéo léo của Thầy rằng :

         - Cố gắng với nội tâm và ý chí nếu đạt được một điều, hai điều cũng là quý, từ đó mỗi ngày rèn luyện, thanh lọc thân tâm  dần thêm.

            Nhờ Thầy dẫn dắt đường đi nước bước nên bà con yên lòng tu tập. Hai năm sau tôi thọ Thập Thiện Giới tại Chùa Quang Nghiêm của Sư Ông Minh Đạt dưới Stockton trong buổi đại lễ, cùng đi cả nhóm đệ tử theo thầy Từ Lực, giới này phải ăn chay tháng 10 ngày. Biết bao nhiêu điều tu tập tôi rớt lên rớt xuống, tập đi tập lại nhưng rất hãnh diện đã thành công điều này. Chiêu dụ người khác theo mình cũng khó, tôi áp dụng tuần hai ngày, tuần ba ngày chay, những ngày còn lại nấu mặn. Nhiều chị bảo “cứ nêm nếm rồi nhổ ra súc miệng sạch hoặc nấu cầm chừng không nếm”, tôi nghĩ phải nấu đàng hoàng mới yên tâm không bị ray rức “bỏ đời theo đạo”, trong khi đang còn bổn phận trách nhiệm, thôi thì đem đạo vào đời, lúc sống cho mình và lúc làm vui lòng người khác.

           Đến Chùa khung cảnh luôn tươi sáng, bông hoa nở rộ, chim hót ríu rít từ đầu cổng ra đến vườn lộ thiên Phật Quan Âm, bên cạnh có hòn non bộ. Ngồi yên, lắng lòng thanh tịnh, nghe tiếng chuông Chùa tĩnh thức đánh tan niềm tục lụy trong giây phút hiện tại. Hình ảnh bức tượng chiếu sáng trong tâm, cảm nhận sự nhiệm mầu của những bậc giác ngộ soi đường nở hoa. Gần gũi thấy lối sống quý sư Cô, quý Thầy suốt ngày lo việc Phật sự, bữa ăn đạm bạc, hình ảnh giản dị với bộ nâu sòng không sắc, cuộc sống thật đáng kính phục hơn nữa khi biết một số ra trường với mảnh bằng PHD hoặc Matter khi còn trẻ tuổi, nếu như ở ngoài đời đã kiếm tiền thật nhiều và dễ dàng,  nhưng họ chẳng luyến tiếc để tìm con đường chân lý, hoằng hóa độ sanh thế giới đầy não trượt, buông bỏ vui thú trong cuộc đời giả tạm.


Ánh Sáng Phật Đạo 


Đồng tu tứ chúng hương dâng nguyện

Thắp dậy niềm tin luyện pháp kinh

Hồi chuông lay động vô minh

Hành Tứ Diệu Đế tâm bình an vui

 

Dòng đời vạn biến vùi đau khổ

Bát Nhã chèo thuyền ngộ vực sâu

Trầm luân lắm cảnh bể dâu

Phật đài đánh lễ cúi đầu lắng tan

 

Thầm xin tuệ đuốc ban mầu nhiệm

Khép cửa tham, sân, nghiệm ...Có, Không

Phật đường ánh đạo khai thông

Hoa bừng, chim hót nắng hồng vươn cao

MTTN

            Đôi khi cũng có những nỗi lo theo sự khốn đốn của các Chùa nói chung, lòng cũng nặng nề khó tả, dẫu biết Chùa chiền mọc lên nhiều thì đất thánh nhiều càng tốt, nhưng chỉ là biết mà không kham hết được đành nhắm mắt tuỳ duyên. Tánh tôi thuộc loại cứng đầu cứng cổ, nhỏ lớn không để những vấn đề dị đoan ảnh hưởng như mua nhà xem phong thủy, coi ngày giờ, cầu xin...Tu hành cũng cần có tinh thần Bi, Trí, Dũng.

Quý Thầy nói điều gì thuận thì nhập vào não và duy trì, điều gì không hợp thì quên nhanh, nhất là sau này nhìn những youtube bên VN người dân quá mê tín theo sự hướng dẫn sai lạc của một số Chùa thật là chán nản. Tôi đọc bài Tản Văn Phật Giáo (Đi Chùa để làm gì) của tác giả Mạnh Kim thấy biết bao nhiêu điều xấu làm mờ đi hình ảnh của ngôi Chùa, có đoạn của Albert Einstein từng nói “Chính những người dung thứ hay khuyến khích việc xấu ác đã làm cho thế giới này trở nên nguy hiểm nhiều hơn là những người nhúng tay vào việc ác”, (nói một cách đơn giản hơn thì sự im lặng trước những điều xấu ác cũng chính là đồng loã)

Một lần em chồng tôi lên Chùa nhờ Thầy cúng giải Sao, thầy Tự Lực nói khéo

- Chị gieo việc thiện nhiều sẽ tiêu trừ hoặc giảm bớt những nghiệp xấu.

Lần nọ trong buổi giảng pháp của Ôn Minh Đạt có người đến xin giúp việc ma chay, coi giờ tốt để chôn cất người mất. Ôn nhẹ nhàng nói:

- Thầy chỉ truyền thừa sứ mạng Đức Phật giao phó là có nhiệm vụ hộ niệm cho người mất, Thầy không biết xem giờ, khi họ ra đi có chọn được giờ tốt không?

            Đó là những vị Thầy đã phát huy tinh thần giáo pháp của Đức Phật, ngày xưa Phật không cần Chùa, nhưng bây giờ số lượng đạo hữu quá đông cũng phải cần ngôi Chùa để sinh hoạt, nhất là nơi nuôi dưỡng tuổi trẻ gia đình Phật Tử mầm mống xây dựng xã hội lành mạnh, nên Chùa phải cần sự hộ trì tam bảo, giúp đại chúng cùng nhau nương tựa tìm con đường chánh pháp tu tập.  
 

           Thầy giao chìa khoá cho tôi giữ tủ sách, những buổi lễ lớn dọn ra phát hành, một số phật tử về VN thăm gia đình, mua áo tràng, xâu chuỗi cũng như các tượng Phật, ly đèn nguyên thùng đem qua cúng dường Chùa gây quỹ, thì tôi phải dọn ra bán, thêm đồng nào cũng để bù vào những buổi cơm Chùa lo liệu, mời phật tử dùng trưa mỗi chủ nhật đến sinh hoạt. Lúc nhỏ tôi thường hay nghe người ta nói đùa “cơm Chùa, của Chùa không ăn cũng uổng”, giờ tôi mới thấy tận mắt cảnh ấy… một bàn dài thức ăn, không kể quen biết hay xa lạ, đã đến Chùa là được Sư Cô, bạn đạo mời dùng. Cà phê trà nóng sẵn bình, các ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại hay cha mẹ dẫn con cháu đi học tiếng Việt, sinh hoạt gia đình Phật Tử, trong lúc chờ đợi, cha ông đi dọn rác làm vườn, mệt nghỉ vào uống cà phê, hoặc lấy thức ăn ngồi dưới gốc cây bóng mát dùng, các bà mẹ vào bếp nấu lo các em nhỏ. Tôi rất thích khung cảnh thanh bình này, đó là điểm tuyệt vời tôi thích đến đây vì được thấy lối sống hiền hoà, tâm phật, ý Phật, tứ chúng cùng tu. Tâm người như ngựa không cương, nếu ở nhà chắc gì tôi được yên thân hay bị phone gọi, bếp réo chưa kể ma nhác nổi lên lười biếng.

Tôi được đi hành hương theo tổ chức của Chùa rất nhiều lần. Khi ghé về Sacramento và Stockton thăm Chùa Phước Thiện, Chùa Phổ Minh, Thiền viện Diệu Nhân, lúc lên San Francisco thăm dự lễ Tam Bộ Nhất Bái, hoặc thăm Chùa Sư Nữ người Mỹ, tràn ngập niềm vui trong tình đạo. Các đạo hữu tự sắp xếp chia ca, chia nhóm, mỗi người hai khay lo thức ăn cho ngày Tu Học hoặc các lễ nhỏ, những lúc khách đến bất ngờ quá đông, đạo hữu của Chùa nhịn miệng đãi khách phương xa, nhưng lúc thức ăn quá dư các sư cô nhắc nhở bới về, chị em lấy hộp nhận thức ăn cười và chọc nhau “tu tâm thì ít mà togo thì nhiều”.

          Càng ngày bàn thờ vong càng đông, có những hôm lễ 49 hoặc 100 ngày cúng thất có tới 7, 8 di ảnh nhìn lạnh người. Sự chết không đợi lão 80, 90 mà vẫn có 60, 20,  thậm chí ngay cả 5 tuổi. Đối diện và hộ niệm mỗi tuần, tôi thường quán chiếu về sự sống, sự chết, về lẽ vô thường, sâu xa triết lý là Không Sanh, Không Diệt để cố tu tập hơn nữa, ra đi chẳng đem theo thứ gì ngoài công đức để lại.

         Có lần tôi gặp thầy (quên tên) nơi Chùa Thiên Trúc, thầy tốt nghiệp bằng tiến sĩ về môn Thần Học, ngồi trà đạo về đề tài Sống Chết, thầy cười chỉ nói một câu “chết là một cuộc chơi”, không hiểu sao câu nói đó truyền trong tâm thức tôi sự bình thản, khiến tôi không cảm thấy sợ hãi trước sự chết. Đời người một lần ra đi, còn hơi thở ngày nào biết ngày đó, tôi tâm niệm quan trọng khi sống là biết chia sẻ, góp công những điều phước thiện làm đẹp cho đời sống. Sinh, Lão, Bệnh, Tử, nhưng con ma vô thường vẫn không đợi tuần tự như vậy, dĩ nhiên khi đối diện cảnh ngộ của sinh ly tử biệt, ai cũng đau lòng, nhưng phải chuyển hoá sự suy nghĩ để bớt khổ đau hơn, và nghiệp báo mỗi người mang theo phải chấp nhận, chỉ nên cố gắng tu tập, can đảm nhận mọi thử thách và rèn luyện kiên nhẫn như kinh Đức phật từng nhắc nhở “Như Lai chỉ là bậc Đạo Sư, học hay không là do chính bản thân mình, có học thì tới, không học sẽ không bao giờ tới “

          Chỉ còn vài ngày nữa Lễ Phật Đản, năm nay tình trạng bệnh dịch đang còn phòng ngừa  dẫu đã được chích thuốc, thôi thì ở nhà dâng hoa quả thắp hương tưởng nhớ đấng Từ Phụ, vị Phật trong tâm nhắc nhở con mỗi khi sai phạm lỗi lầm, nhắc nhở con soi lại tấm gương nội tâm. Mùa của quý Thầy nhập hạ, mùa cho tôi sống nhiều kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu bên mẹ, thời hoa mộng bên bạn bè viếng những ngôi Chùa xa gần “che chở hồn dân tộc” nơi thành phố Huế thân yêu thuở nào....

 Tán Phật 

Bảy bước hoa sen xuất thế trần

Ta bà hoá độ khắp hoàn luân

Rừng cây suối cỏ thiền an trí

Góc gội Bồ Đề quán tịnh thân

Khai ngộ môn tu bừng ánh đuốc

Tri thông Phật pháp tỏa làn vân

Mười phương ánh đạo lan truyền sáng

Bốn biển năm bề độ cõi nhân


Minh Thúy (Thành Nội)

Mùa Phật Đản 2021



Ý kiến bạn đọc
16/07/202102:24:14
Khách
Chào chị
Chị cũng thích đi chùa , làm thơ về Phật Pháp . Những bài thơ của chị hay và thanh thoát , em thích ; ước được làm bạn đạo & bạn văn cùng, nếu có duyên về Cali... Xin cảm ơn chị đă viết
30/05/202120:45:33
Khách
Một bài viết trong mùa lễ Phật Đản thật tươi mát như suối Cam Lồ tưới tẩm tâm hồn hướng về Tam Bảo .Được đi vào " cõi phúc " cảm nhận thân tâm an lạc . Cám ơn tác giả đã chia sẻ trải nghiệm tu tập , sinh hoạt lành mạnh nơi ngôi Chùa Phổ Từ cũng như gặp được vị minh sư hướng dẫn tu tập thật là điều đáng quý . Nhắc đến câu " Mái Chùa che chở hồn dân tộc . Nếp sống muôn đời của tổ tông "cho mình sự rung cảm của bóng mát cuộc đời rất cần thiết , trợ lực trong đời sống . Cám ơn tác giả với tâm thiện hiền hoà cống hiến bài viết hay và giá trị
27/05/202112:22:28
Khách
Mấy bài thơ tác giả làm thật hay. Thày trụ trì cũng đúng là bậc chân tu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 692,702
Ai nấy đã về lều của mình rồi mà âm hưởng bài hát vẫn còn vọng lại trong tôi. Kéo tay bà xã ngồi lại, tôi chăm chăm nhìn vào ánh lửa mà nhớ về ngày xưa. Dạo này không hiểu sao tôi hay để tâm hồn lang thang trở lại với những mảnh vụn kỷ niệm ngày xưa cũ. Nhìn ánh lửa cháy reo vui trước mắt mà tôi như thấy lại khung cảnh tương tự ở một quá khứ cách đây hơn 40 năm, như mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi nhắc chuyện ngày xưa, chuyện buồn nhiều hơn vui. Thời đó trong nước, ai cũng đói nghèo, khổ sở vì chính quyền ngu muội, lấy đâu có chuyện vui mà kể. Vợ tôi cười nhẹ với nụ cười đồng cảm pha chút diễu cợt “chắc tại anh già rồi”. Hai chữ già rồi cứ luẩn quẩn bám theo tôi cả buổi tối hôm đó. Tiếng lửa vẫn reo vui, than củi nổ lách tách mang hơi ấm lan tỏa vào không gian…
Virus không chừa một ai!!! Hàng loạt các nguyên thủ quốc gia, chính khách, vận động viên thể thao, ngôi sao, những nhân vật nổi tiếng … đã bị nhiễm Covid-19. Không thể không kể đến Thủ tướng Anh, phu nhân Thủ tướng Canada, Thái tử Charles, phu nhân Thủ tướng Tây Ban Nha, tài tử Tom Hanks và vợ, vận động viên bóng rổ Rudy Gobert… Vào ngày 2 tháng 10 năm 2020 người dân Hoa Kỳ đã nơm nớp lo sợ khi hay tin Tổng Thống Hoa Kỳ cùng phu nhân và con trai bị dương tính, trong khi chiến dịch tranh cử của ông đang đến hồi khá căng thẳng!!! Nhưng may mắn thay tất cả những người nói trên đều đã phục hồi sau đó
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Bài viết mới và hình ảnh lễ Phật Đản năm nay tại Dayton, Ohio.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài viết mới.
Ngày bé tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ sang một quốc gia khác mưu cầu cuộc sống. Tôi đến trường mặc đồng phục áo dài trắng và tưởng tượng trong tương lai mình sẽ khoác áo dài hồng có gắn hoa kim tuyến bên cạnh chàng trong ngày tân hôn. Những lần quét nhà, nấu cơm, tôi nghĩ sẵn trong đầu sẽ làm món ăn gì dọn lên cho gia đình chồng ngày về làm cô dâu mới (món mướp xào miến, tôi đã chọn sẵn như thế). Ngày nay con số trên dưới triệu người Việt tha hương khắp toàn cầu không khiến ta bâng khuâng tự hỏi: những con chim nhỏ bé phải xa rời tổ ấm này đã đương đầu với phong ba bão tố ra sao trong những năm tháng đầu trên miền đất lạ? Chắc chắn là thấm đẫm mồ hôi nước mắt. Mỗi người sẽ có một câu chuyện đặc biệt không trùng lặp với ai để góp phần vào trang sử ly hương của người Việt trên toàn cầu.
Ngọc Anh là tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Sau vụ khủng bố tấn công làm nổ tháp đôi ở New York, cô viết bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể chuyện sở làm, một công ty chủ nhân người Ả Rập Hồi Giáo, nhưng hàng trăm nhân viên đủ gốc Á Âu, Do Thái... sống với nhau hoà thuận. Bài viết được trao tặng giải thưởng danh dự năm 2002. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả lần đầu tham dự VVNM, ông vượt biên từ 1979 qua Thụy Sĩ, ở 10 năm rồi bay qua Texas sống. Dần dần được vào quốc tịch Mỹ từ 2000, du lịch nhiều tiểu bang Mỹ rồi nảy sinh biến Texas thành nơi định cư. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
RV, viết tắt của chữ Recreational Vehicle, là một xe motor home. Nói một cách khác, RV là một căn nhà di động. Trên xe có phòng ngủ, phòng tắm, bếp, bàn ăn, tủ lạnh. Trong mùa dịch mà đi chơi bằng xe RV thì xem ra đỡ nguy hiểm nhất vì không phải chung đụng với ai. Tuy vậy, xe RV cũng có những vấn đề riêng của nó. Thứ nhất là giá mướn xe RV rất mắc (sẽ viết thêm về điều này). Thứ hai là ngoài mướn xe RV, chúng ta phải mướn bãi đậu xe vì những lý do sau đây. Vì xe RV là căn nhà di động, chúng ta cần có bãi đậu để ngủ qua đêm. Nếu muốn tiết kiệm tiền, chúng ta có thể đậu xe qua đêm tại bãi đậu xe của một số tiệm Walmart.
Mở mắt liếc nhìn đồng hồ báo thức, Matt thấy chưa đến bốn giờ sáng nhưng vẫn phải uể oải ngồi dậy, nó nghĩ có nằm ráng thêm mươi phút nữa cũng chẳng tới đâu, nhiều khi lại ngủ quên, thôi thì dậy quách cho xong, dẫu có vào hãng sớm một tí cũng chả sao. Sau khi vệ sinh chừng mười lăm phút, Matt vớ lấy túi đựng thức ăn trưa và hai lát bánh mì vuông đi ra xe.
Gia đình đông con gái. Ông ngoại tôi làm nghề chẩn bệnh, bốc thuốc, là người giỏi Hán Nôm, ông viết chữ Nho rất đẹp nên lúc xưa nhiều người hay đến nhờ ông viết những câu đối để đi đám Tân gia, chúc mừng này nọ hoặc viết liễn cho đám tang. Bà ngoại sinh cho ông tôi cả đàn con gái, chỉ có một cậu nhưng cũng qua đời khi còn rất nhỏ. Mấy chị em gái của Má ai cũng trắng trẻo, đẹp gái. Má tôi xinh xắn, mặt tròn, môi chẻ giống ông ngoại y tạc, lại là người thông minh lanh lẹ, ham học chữ. Ở cái làng quê Quảng Nam xa xôi gần miền núi, hình như con gái trong làng đồng lứa chỉ có Má là chịu ôm tập đến trường học cho đến...hết lớp, thời đó chắc là xong bậc tiểu học. Đến lúc ông ngoại gả Dì Hai cho con trai một gia đình nhà buôn ở Hội An thì Má theo dì Hai học làm bánh trái, nấu ăn, thêu thùa may vá. Năm tròn mười tám tuổi, ông bà ngoại gả Má cho con trai út một địa chủ trong làng. Chưa biết mặt, chỉ biết mọi người hay gọi người đó là Cậu Mười. Dẫu không muốn, cũng không thể từ chối vì tục lệ ngà