Hôm nay,  

Chuyện Hội Nhập & Tâm Tình Người “Một Cảnh Hai Quê”

21/05/202100:00:00(Xem: 5568)

HINH NUOC VE NUOC MY

Little Saigon. (hình minh họa)

 

Tác giả  là một cựu nữ sinh Gia Long. Thúy Messegee vượt biên khỏi Việt Nam năm 1982, sang Mỹ năm 1983, đi học lại bằng kế toán, và làm việc cho đến nay.  Từng sống ở Cali nhiều năm, hiện tại sống và làm việc ở miền Đông, thuộc vùng DC, Thủ Đô Hoa Kỳ.

 

***

 

Giờ ngồi đây nhớ lại, mới đấy mà đã gần 40 năm…
 
Ngày bé tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ sang một quốc gia khác mưu cầu cuộc sống. Tôi đến trường mặc đồng phục áo dài trắng và tưởng tượng trong tương lai mình sẽ khoác áo dài hồng có gắn hoa kim tuyến bên cạnh chàng trong ngày tân hôn. Những lần quét nhà, nấu cơm, tôi nghĩ sẵn trong đầu sẽ làm món ăn gì dọn lên cho gia đình chồng ngày về làm cô dâu mới (món mướp xào miến, tôi đã chọn sẵn như thế).
 
Ngày nay con số trên dưới triệu người Việt tha hương khắp toàn cầu không khiến ta bâng khuâng tự hỏi: những con chim nhỏ bé phải xa rời tổ ấm này đã đương đầu với phong ba bão tố ra sao trong những năm tháng đầu trên miền đất lạ? Chắc chắn là thấm đẫm mồ hôi nước mắt. Mỗi người sẽ có một câu chuyện đặc biệt không trùng lặp với ai để góp phần vào trang sử ly hương của người Việt trên toàn cầu. 
 
Cuộc đổi đời long trời lở đất năm 75 khiến tôi hụt hẫng, rơi vào tâm trạng “lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”. Sau 7 năm học làm “công dân mới,” tập ăn gạo mốc, khoai sùng, bo bo, đường chảy, v.v. và sau khi đã cạn kiệt niềm tin thì tôi liều mình “bước chân xuống thuyền”. Một thân một mình, không người trong gia đình đồng hành, không ruột thịt đón chờ ở bến bờ bên kia.
 
Sau khi may mắn thoát khỏi những hiểm nguy, một phần sống chín phần chết cận kề trên đường vượt biển, tôi đã đến được Hong Kong. Từ trại tỵ nạn Hong Kong tôi được nhận vào nước Mỹ theo diện tỵ nạn. Sau khi đặt chân đến Mỹ, tôi đến văn phòng USCC (US Catholic Charities – một cơ quan thiện nguyện Công giáo chuyên giúp người tỵ nạn) “trình diện đăng ký” và xem có được giúp đỡ gì về trường học hay việc làm không. Tôi được một bác Social Worker người Việt, ngày xưa là đại tá trong quân đội VNCH, tiếp chuyện và vẽ ra cho tôi một viễn cảnh tối tăm ảm đạm. “Giờ này cháu còn sang đây làm gì nữa? Đã lỡ làng hết rồi, cơ hội còn gì đâu. Ráng mà tìm được việc gì thì làm đi, đừng chê khen kén chọn, cuộc sống bây giờ khó khăn lắm”. Ông còn nói nhiều lắm, rồi sau cùng bắt tay từ biệt, chúc tôi may mắn. Nghe ông nói chuyện xong, nếu yếm thế thì chắc tự tử cho rồi, còn nếu thực tế thì nên tìm cách quay trở về Việt nam, còn người không biết xử thế như tôi thì… khóc cho thân phận mình!
 
Sau vài tháng tạm trú nơi gia đình bảo trợ với nhiều động chạm vì khác biệt văn hóa và sự tủi thân của kẻ đang bơ vơ không nơi nương tựa, lại không tìm được việc gì làm để sống tự lập, tôi dứt áo ra đi đến làm công cho một nhà hàng người Việt.
 
Tôi được cho ăn ở ngay trong nhà ông bà chủ, hằng ngày ra nhà hàng làm bus girl. Phận sự của tôi là chuyên đi nhặt bát chén thực khách đã dùng rồi mang đi, lãnh $2.65/giờ, độ $500 một tháng. Nhà hàng bán kiểu buffet nên bát chén dùng nhiều lắm, dọn không bao giờ hết.  Gia đình chủ ăn uống trong nhà hàng, không nấu nướng ở nhà, nên họ đặt một giường cót trong nhà bếp cho tôi nằm, treo một bức màn che chỗ cửa đi vào, mỗi tháng trừ lương 100 đồng.
 
Mỗi sáng ông bà chủ lên xe ra nhà hàng thì tôi nhảy lên ngồi băng sau, đến nơi cắm cúi làm việc, đến giờ đóng cửa thì lại quá giang xe chủ về. Lúc nhà hàng chưa mở cửa thì tôi đẩy xe đi từng bàn châm muối, tiêu, tương ớt, xì dầu, lau dọn bàn ghế, v.v. Thỉnh thoảng ông chủ ngồi ngó qua ngó lại tư lự rồi vẫy tay kêu tôi đến dạy dỗ: “Cô Thúy này, tôi nói cho cô biết nhé. Cô làm nhanh lên nhé. Cô làm ăn chậm lụt thế này thì có mà ra đường cạp đất mà ăn!” Đêm về tôi khóc thầm cả đêm, sáng ra mắt sưng vù không giấu được, nhưng vẫn phải lên xe ra nhà hàng làm việc chẳng trốn đi đâu được.
 
Đến giờ mở cửa đón khách vào thì nhà hàng ồn ào náo nhiệt như vỡ chợ. Nhà hàng đăng báo cho coupon giá rẻ, $4.99 ăn bao bụng. Thực khách xếp hàng dài đợi trước cửa, vừa mở ra là tíu tít xông vào. Thế là chén bay đĩa bay, nửa ăn nửa bỏ, chen lấn trước quầy buffet, đơm đơm bới bới. Từng tảng thịt bò nướng bỗng chốc hết vèo, từng nồi súp nóng bỗng chốc cạn queo vì những vị khách ăn như rồng cuốn này. Nhân viên tất tả châm thức ăn, bus boy bus girls tất bật thu bê đĩa bát, quần quật từ trưa đến tối mịt. Hằng đêm đôi khi đang ngủ tôi chợt thức giấc, thấy tay mình đang thoa bóp bàn chân đau nhức vì chạy suốt ngày. Tuy nhiên những đau nhức thể xác cũng không sánh bằng những nỗi nhói buốc trong tim, những lời “răn đe” dọa đuổi, những la mắng trên đầu trên cổ.
 
Gia đình chủ cũng khá phức tạp. Ông chủ làm thầu cung cấp cho quân đội Mỹ ở Sài gòn, thu được sản nghiệp kha khá thì đưa gia đình sang Mỹ mở nhà hàng lập nghiệp từ trước 1975. Đến tháng tư 75 ông bà đón các em vợ di tản sang và giúp đỡ bước đầu. Thế rồi ông lấy cô em vợ. Cô chị uất ức bỏ nhà đi, bỏ lại các con cho chồng và cô em nuôi dưỡng. Cô có kinh nghiệm làm nhà hàng lâu năm nên đến các nhà hàng khác làm hầu bàn tự mưu sinh. Được cái cô em cũng rất thương yêu các cháu, và chúng cũng rất quí mến dì. Khi tôi vào làm việc trong nhà hàng thì cô chị đã trở về, nhưng cô ở riêng một bên của nhà đôi (duplex) nơi tôi đang ngụ trong nhà bếp, và mỗi tối sau khi nhà hàng đóng cửa, dọn cơm cho tất cả mọi người ăn tối thì cô không chịu ngồi chung với gia đình. Cô ngồi ăn ở bàn nhỏ riêng một góc với tôi. Tôi cũng thích như thế, vì tôi cũng chẳng muốn ngồi cùng với ông chủ.
 
Ông chủ cưng chiều và sợ cô em một nước, thường bị cô quở trước mặt mọi người. Mỗi lần như thế thì ông quay lại trút xuống đầu nhân viên. Tôi lãnh chịu nhiều hơn mọi người vì tôi cô thân yếu đuối, và chỉ hay khóc chứ không biết đanh đá quật lại. Những nhân viên kia kỳ cựu hơn, có gia đình 3, 4 cha con đều làm trong nhà hàng, nên họ có “thần thế” và thâm niên hơn. Tôi nhập vào mới biết thì đã muộn rồi mà không biết tìm lối ra. Sau này tôi cứ khuyên những người mới đến Mỹ: Nếu đói thì vào McDonald hay những nhà hàng fast food của Mỹ mà làm. Họ trả lương tối thiểu nhưng đối xử với mình không tối thiểu, họ vẫn tôn trọng mình như một con người. Thấy sợ cho cái tình đồng hương! Những nhân viên người Việt cùng làm trong nhà hàng với tôi cũng chẳng ưa gì gia đình chủ, lúc nào bất mãn thì chúng trả thù bằng cách đập vỡ bát đĩa hay vứt bỏ thức ăn vào thùng rác. Thế mà sau ngày làm việc chúng lại xâu vào canh bạc đỏ đen, khuya vật ra ngủ, sáng dậy muộn là vừa đến giờ vào lại nhà hàng làm việc. Tôi nhìn chúng mà ái ngại không biết bao giờ những thanh niên ấy mới thoát ra được cảnh sống cùng đường này.
 
Mà phần tôi cũng có lối thoát nào đâu. Sau lần ông chủ dọa cho tôi “ra đường cạp đất mà ăn”, tôi nhìn quanh quất tìm kế thoát thân. Ngay đầu ngõ nhà chủ nơi tôi ở có một tiệm 7-Eleven đang đăng bảng tuyển người. Ngày nghỉ trong tuần tôi bước vào xin một lá đơn. Về nhà hý hoáy điền tên họ, đến đoạn bằng lái xe số… cấp ngày… thì tôi khựng lại. Tôi đã có dịp nào học lái xe đâu. Người ta thuê mình thì phải tin tưởng là mình có phương tiện đi lại đàng hoàng để bảo đảm đến tiệm đúng giờ chứ nhỉ. Rồi tôi nghĩ tiếp, nếu mình xin việc được thì tiền đâu ra thuê apartment ở. Ở trong nhà bếp của chủ như hiện tại nhất định là không được rồi, tiền đâu đi học lái xe, mua xe đi làm, v.v. Thế là tôi chán nản xé bỏ tờ đơn.
 
Ngày vượt biên ra đi tôi chẳng mang được bằng cấp giấy tờ gì theo. Thế nên tôi đến nước Mỹ không một mảnh bằng cấp trong tay. Thời ấy người ở Việt Nam ra đi chính thức rất hiếm hoi, phần đông là người có quốc tịch Pháp hay ngoại quốc mới được cấp giấy, và người nào người ấy giấu kỹ tin mật không dám khoe ai, sợ giờ chót có gì cản trở chăng. Họ lại càng không dám nhận giấy tờ của người khác gửi cầm theo, sợ ra đến phi trường bị xét là rắc rối. Vì thế mẹ tôi chẳng nhờ ai cầm bằng cấp của tôi sang cho tôi được. Tôi cảm thấy tuyệt vọng không lối thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại. Không biết bao giờ có phép lạ mang tôi ra khỏi nơi này?
 
Dù vậy, ngày ngày tôi vẫn dậy sớm tập đánh máy tiếng Pháp trên chiếc máy đánh chữ tiếng Pháp hiệu IBM do cô tôi là em họ của bố gửi xuống từ Washington D.C. cho mượn. Cô tôi làm việc tại World Bank. Ngày tôi mới sang cô khuyến khích cố gắng tập đánh tiếng Pháp cho giỏi rồi cô sẽ giúp tìm việc nơi cô đang làm, vì World Bank cần người biết tiếng Pháp và đánh máy tiếng Pháp. Khổ nỗi ngày tôi rời nhà bảo trợ ra đi thì cô lại đến kỳ về Pháp nghỉ hè thường niên. Cô hứa tháng sau trở lại Mỹ sẽ đón tôi lên W.D.C. ở với cô tìm việc. Ngày đêm tôi cắn răng ở lại nhà hàng, đếm từng ngày từng giờ cho đến ngày cô về lại Mỹ. Một tháng trôi qua, rồi hai tháng trôi qua. Tôi chẳng nhận được tin tức gì của cô. Số điện thoại của cô tôi có trong sổ tay, nhưng tôi nhất quyết không gọi. Nếu cô không giữ lời hứa đón cháu thì cháu sẽ không nhắc nhở xin xỏ gì nữa đâu. Sau này tôi đã sang ngã rẽ khác, gọi báo tin cho cô thì mới biết trong lúc đang ở bên Pháp thì cô phải vào nhà thương mổ ruột dư nên hoãn ngày về cả tháng. Cuộc đời thật trớ trêu!
 
 Thỉnh thoảng tôi có nghĩ đến người ấy ngày xưa, chỉ thoáng qua rồi nhất quyết gạt ra khỏi tâm tưởng. Ngày tôi đến Mỹ anh còn đang lái tàu lênh đênh trên đại dương. Sau này anh về phép và muốn gặp tôi. Mối tình lãng mạn oan trái ngày xưa tại Việt Nam tôi không bao giờ quên, nhưng từ ngày sang Mỹ cuộc đời đã dạy tôi nhiều bài học cay đắng. Thân mình sống không ra hồn, còn tơ tưởng gì đến chuyện tình ái lãng mạn bí lối, dù mình biết rằng người ta yêu thương thật lòng? Lúc mình cùng đường tuyệt ngõ anh có giúp được gì không? Where were you when I needed you? Tôi viết một bức thư dài cho anh trước ngày tàu anh cập bến lại trên đất Mỹ. Tôi cho biết cuộc sống của tôi hiện giờ rất khó khăn, tôi chỉ mong được yên thân để mưu sinh. Xin cho tôi được sống yên trong thế giới hiện tại của tôi, và xin cho tôi được dứt bỏ quá khứ ngày xưa. Ngày về phép anh gọi vào nhà hàng nơi tôi đang làm việc xin nói chuyện. Khi nhận ra ai đang ở đầu dây bên kia, tôi một mực lặng thinh trong khi bên ấy tiếp tục: “Hello! Hello! Are you there?” Rồi tôi cúp máy.
 
Có những lần thực khách trong nhà hàng ái ngại cầm tay tôi ân cần hỏi: “Are you ok? You look so sad!” Tôi mới giật mình chỉnh lại khuôn mặt mình, không ngờ đã để lộ ra cả như vậy. Tôi chợt nhớ ngày xưa đã có những lần mình ngửa cổ tít mắt cười khanh khách với chúng bạn trong trường. Tôi đấy sao? Tiếng cười hồn nhiên thời con gái biến đâu mất rồi?
 
Ngày ngày tôi vẫn thức dậy sớm tập đánh máy. Ngày nghỉ trong tuần (tôi được một ngày nghỉ nhưng không được nghỉ thứ bảy hay chủ nhật là ngày đông khách) tôi xin theo cô con gái của chủ nhà đến đại học cộng đồng nơi cô bé học để vào thư viện đọc sách. Mỗi người có một cuộc đời mà mình phải tự sống lấy, tôi viết thư về triết lý vụn với bạn bè ở Việt Nam.  Trong những lúc cùng cực nản lòng nhất, tôi vẫn can trường biết rằng mình đã làm đúng khi dứt áo ra đi khỏi Việt Nam, và nếu phải làm lại từ đầu thì tôi cũng sẽ làm y như vậy. Đó là niềm an ủi lớn để tôi cố chịu đựng thời gian thử thách.
 
Thời gian trôi qua…
 
Từ từ rồi bằng cấp giấy tờ của tôi cũng được gửi sang. Tôi được dì ở Cali là em họ của mẹ tôi giúp xin việc làm tại học khu nơi dì đang dạy học. Ở Cali có nhiều dân Việt Nam nên họ cần giáo viên nói tiếng Việt. Ngày tôi từ giã gia đình chủ ra đi, tôi nghe ông bà bàn nhau hôm sau sẽ xuống thành phố lớn đến văn phòng USCC xem có người Việt nào mới sang cần tìm việc làm không. Tôi thầm chúc phúc cho kẻ kế tiếp.  Khi cơ hội thuận tiện, tôi đã trở lại trường học, lấy bằng B.S. về business và rồi kiếm được cái job tốt mà tôi theo đuổi đến tận giờ này.
 
Chuyện không định trước, mười bảy năm sau kể từ ngày đầu tiên gặp người ấy tại Sài gòn, bảy năm sau ngày tôi cầm điện thoại mà không nói một lời khi người ấy gọi cho tôi trên đất Mỹ, chúng tôi kết hôn. Mối tình vô vọng tưởng đã chôn vùi lại được kết nối. Cuộc đời có những ngã rẽ không ngờ!
 
Bây giờ nhìn lại những ngày cơ cực khi xưa, tôi thấy mình có nhiều cái dở, nhưng bù lại cũng được cuộc đời ưu đãi nhiều mặt. Cái dở thứ nhất của ngày ấy là tôi còn giữ quá nhiều “hành trang sĩ diện”, cứ bị cái quá khứ trí thức làm cô làm thầy ở Việt Nam đeo đẳng nên không sẵn lòng quẳng đi hết để chấp nhận bước khởi nghiệp thấp kém ban đầu trên xứ lạ. Tôi ôm quá nhiều tự ái, hay tủi thân tủi phận, hay dằng dặc tổn thương mà không biết tập muối mặt tỉnh bơ để sống. Tôi bị thiệt thòi hơn người là tứ cố vô thân, không có gia đình ruột thịt, không có bè bạn nâng đỡ tinh thần. Và tôi có cái dở nữa là cứ đành chịu cô đơn, không biết kết bạn, không biết tìm hỗ trợ nơi tha nhân. Trong những ngày tháng tôi sống đau khổ tại nhà hàng nọ, tôi đã rơi vào một cơn trầm cảm nặng nề mà không biết định bệnh hay tìm cách chữa trị. Cuối cùng thì những cái dở hơi, những thiệt thòi vì bị chèn ép của tôi đã bị đánh bại bởi sự quyết tâm và nhẫn nhục mà nhiều lúc tôi nghĩ là không thể chịu đựng nổi. Nhờ đó, tôi đã được đền bù bằng rất nhiều may mắn và nhiều cơ hội tốt để vươn lên.  Những gì tôi đạt được hôm nay  giúp tôi nghĩ rằng tôi đã không  phụ lòng những người từng hết lòng giúp đỡ tôi. 
 
Người ta bảo nước Mỹ là xứ cơ hội. Tôi thấy điều đó hoàn toàn đúng. Gia đình, bạn bè,
 đồng hương quen biết của tôi đều đến vùng đất hứa này với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ vào sự cố gắng tuyệt vời và sự nhẫn nại vô song, ngày nay tất cả chúng tôi và con cái đều có được một cuộc sống ổn định trên quê hương thứ hai này.  Vì thế, tôi luôn cố gắng đóng góp, chia sẻ lại phần mình để giúp đỡ những kẻ khác đang bị khó khăn và giữ cho cái vòng ân nghĩa của nhân loại trên đời luôn nối tiếp.
 
Nhớ lại thời gian đầu, sau khi làm quen và chấp nhận được sự đày đọa đến tận cùng địa ngục của cuộc sống, (tất nhiên là không thể so sánh với cái địa ngục trần gian nơi chôn nhau cắt rốn của tôi,) dần dà tôi trở thành dân Cali.
 
Tôi thật yêu nơi này, xứ sở của mùa xuân vĩnh cửu. Trời xanh trong, nắng sáng ấm áp luôn đón chào mọi người. Chim chóc ríu rít trên cành đánh thức ta dậy mỗi buổi sáng không bao giờ vắng mặt. Bạn cắt cỏ và chăm sóc vườn hồng quanh năm. Những trái chanh chín mọng trên cành cung cấp nước chanh giải khát vào mùa hè, thêm hương vị cho món gà hầm adobo vào lễ Tạ Ơn, và làm cho những miếng bánh tẩm chanh vuông vắn trở nên tuyệt vời trong những bữa tiệc Giáng sinh hay Tân Niên.
           
Nhiệt độ Cali ít khi xuống thấp hơn 30 độ F trong mùa đông và ít khi lên cao hơn 80 độ vào mùa hè. Người ta không cần gắn máy lạnh trong nhà, vì khung cảnh địa lý tự nhiên của vùng vịnh San Francisco biến nó thành một hệ thống điều hòa thiên nhiên: sau vài ngày nóng khó chịu là những cuộn sương mù lại tiến vào bao phủ mọi nơi, và nhiệt độ lập tức hạ xuống khoảng 10 độ ngay. Khi bạn dự định một chương trình gì đó, bạn không cần phải chêm vào câu lưu ý quen thuộc ở vùng lạnh: “Nếu thời tiết cho phép”, vì thời tiết lúc nào cũng “cho phép” cả. Học khu trong vùng cho học sinh nghỉ mùa đông hai tuần rộng rãi thoải mái, họ không phải giữ lại một tuần dự trù cho những ngày phải đóng cửa trường vì tuyết giá.
 
Cali cũng là một nồi thập cẩm (melting pot) có rất nhiều sắc dân từ mọi nơi trên thế giới đến nhận nơi này làm quê hương. Cách đây ít lâu dân da trắng vùng Vịnh (Bay Area) đã trở thành nhóm thiểu số mới, trong khi những sắc dân Á Châu thiểu số từ Trung Quốc, Việt Nam, Nhật, Đại Hàn, Pakistan, Afghanistan, Samoa, Phi Luật Tân, v.v. cộng chung lại chiếm đa số, khoảng 70% dân số.
 
Khi tôi đến Cali với tư cách tỵ nạn, tôi ngại rằng tôi sẽ rất cô đơn lạc lõng trên đất mới này. Tôi sợ rằng tôi sẽ nổi bật trong đám đông, giữa một xã hội đã ổn định lâu dài. Trái với nỗi lo sợ của tôi, tôi thấy chung quanh mình hằng trăm, hằng nghìn người khác cũng như mình, bị bật ra khỏi quê nhà cách đây hằng nghìn dặm vì đủ mọi lý do, rồi nhập chung vào nhau trong xứ sở mới mẻ này, nơi mọi người ai cũng “mới” như ai. Ngay cả những người Mỹ truyền thống được gọi là WASP (1) đã rời bỏ lịch sử giòng họ hằng trăm năm từ đâu đó ở miền Đông hay Trung tây cũng vây. Họ đến Cali tìm kiếm phiêu lưu mạo hiểm, tìm một điều gì mới mẻ, hay để lập lại cuộc đời.
 
Và rồi tất cả chúng tôi sống cùng nhau tại Cali. Chúng tôi là những cư dân mới bay bổng với những giấc mơ mới lên đến tận trời xanh. Sau khi hội nhập, tự nhiên nỗi nhớ nhà và sợ cô đơn của tôi vụt tan biến. Nhiều ngôn ngữ mới lạ vang lên chung quanh và hòa lẫn với tiếng Việt của tôi khiến cho nó không còn lạ lẫm và kỳ cục giữa xứ người nữa. Ở đây mọi thứ đều được chấp nhận. Không có truyền thống lâu đời nào bó buộc bạn. Chẳng gì cản trở bạn. Thật là một cản giác thần tiên, mạnh mẽ, và phóng khóang, phải không bạn?
 
Thế rồi, một cách bất thần, cuộc đời tôi lại rẽ sang đường khác. Công ty tôi dời cơ sở và nhân viên sang Maryland. Maryland, nơi có bốn mùa xuân hạ thu đông, có những ngôi nhà kiểu thuộc địa (colonial) xây bằng gạch đỏ, những con đường nhỏ quanh co vòng quanh các con suối nhỏ, nối liền những chiếc cầu cổ có mái phủ che, những nhà thờ và những nghĩa địa nhỏ lâu đời, những địa danh ghi dấu chiến tranh giành độc lập bởi tổ tiên lập quốc và sự ra đời của một quốc gia mới. Lúc tôi mới sang, thành phố Frederick nơi tôi dọn đến có thành phần dân chúng 97% da trắng, 1% da đen, 1% Á châu, và 1% những chủng tộc khác. Thật là một tương phản trái ngược với California!
 
Một lần nữa, tôi lại ngập ngừng rón rén hòa nhập vào cuộc sống mới. Thế rồi tôi bị “hớp hồn”. Những hoa tuyết trắng như bột mịn biến cả thiên nhiên thành một xứ thần tiên mùa đông. Những cây hoa anh đào châu đầu vào nhau làm thành một vồng rực hồng hết dãy này đến dãy khác biến xóm tôi thành một tiên cảnh dưới thế vào mùa xuân. Những cây cao khoác lên trăm màu sắc lộng lẫy mùa thu khiến lòng tôi chùng lại bởi vẻ đẹp huy hoàng của chúng.
 
Sự kém đa dạng của vùng này tạo cho tôi nhiều cơ hội giới thiệu quê hương và văn hóa xưa của mình vì mọi người ưa thích được biết đến. Mặc dù tôi quý những chương trình xã hội hào phóng giúp đỡ người tỵ nạn ở Cali, tôi cũng ngưỡng mộ sự quan tâm và nền giáo dục hoàn hảo cho con tôi ở Maryland. Đúng là chỉ ở Cali người ta mới có được những ưu đãi tuyệt vời ở vùng Little Saigon. Tại đó nếu bạn muốn, bạn có thể quay lưng với cuộc sống Mỹ bên ngoài để chỉ ăn thức ăn Việt, chỉ nói tiếng Việt, đi chợ Việt, đi bác sĩ, nha sĩ, tiệm giặt ủi, làm tóc tại các dịch vụ của người Việt.
 
 Ngược lại, tôi sẽ mất cơ hội làm được những điều sau đây từ khi dọn sang Maryland: Tiếp xúc với một người vận động chính trị (lobbyist) bằng xương bằng thịt, mua vé dài hạn xem kịch Shakespeare, ở học khu có riêng văn phòng lo giấy tờ cho học sinh ngọai quốc để đón cháu gái tôi sang học chương trình trung học ở đây (2), tìm được cô giáo tiếng Slovak để kèm cho con tôi ít tháng trước khi cháu đi chương trình trao đổi học sinh quốc tế tại Slovakia.
 
Tôi đã sốt sắng hứng khởi nắm bắt những cơ hội hãn hữu này tại miền Đông để cho đời sống ngày một phong phú đáng yêu hơn.
 
Từ ngày sang Mỹ, tôi được “hưởng đúp” nhiều khía cạnh quan trọng trong đời sống. Tôi nhận Mỹ làm quê hương thứ hai nhưng vẫn giữ Việt Nam, đất mẹ thân yêu trong tim. Tôi nói hai thứ tiếng, sống trong hai nền văn hóa, nấu ăn nhiều món quốc tế, ăn hai cái Tết hằng năm, và sinh hoạt hai bộ lễ lạc: Lễ Tạ Ơn Mỹ, lễ Trung Thu Việt Nam, v.v…
 
Và bây giờ tôi lại trở thành “một cảnh hai quê” giữa miền Tây và miền Đông nước Mỹ.
 
Tôi yêu quí miền Tây phóng khóang nhưng cũng ấp yêu miền Đông cổ kính.
 
Hầu như mỗi năm chúng tôi đều “về quê” tại Cali để thăm viếng bạn bè và láng giềng cũ, những người thân thiết chưa bao giờ chịu “từ” chúng tôi. Mỗi lần từ biệt để quay lại Maryland, con gái tôi thường hơi “mít ướt”. Nó bảo:
 
“Mẹ ơi! Sao con vẫn thấy Cali như là nhà của mình. Con thấy vui trở về miền Đông, nhưng con thấy buồn buồn phải rời xa miền Tây.”
 
Tôi nhìn con trìu mến:
 
“Đúng vậy con ạ, ta có được hai quê nhà là một điều thật tuyệt vời!”
 
Ngày nay, trên chính quê hương thứ hai mà tôi yêu quí và gắn bó, tôi hơi buồn cười khi thấy mình lại núng níu dằng co với cả hai quê, miền Đông và miền Tây Hoa Kỳ.
 
Thêm vào đó, giờ đây tôi có cơ duyên may mắn được tham gia vào chương trình Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo cũng ở Cali, nơi có phố Sài Gòn Nhỏ thân thương, tôi lại càng thấy vui, thấy rất gần gũi, rất thân thiết với “quê cũ” của tôi vô cùng. Tôi biết bây giờ thời tiết đã bắt đầu sang Xuân bên đó, và đang rất đẹp.
 
Xin chào quê hương California mến yêu của tôi, và hẹn ngày gặp lại…

Ý kiến bạn đọc
23/05/202114:05:37
Khách
" Còn trời, còn đất, còn non nước / Có lẽ ta đâu mãi thế này?" ( Nguyễn Công Trứ )
Cùng tắc biến, biến tắc thông . :)

Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên với những trở ngại về Anh ngữ khi mới tới được nước Mỹ: Sau 1975, cha bị đi tù "cải tạo", mẹ phải dẫn dắt đàn con đến các vùng " kinh tế mới" sinh sống.Lúc 5-6 tuổi, cô bé Quyên phải phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, kiếm củi nấu cơm, đào khoai, câu cá, gánh nước...
Tháng 7/1991, gia đình bà được đến Mỹ định cư. Bà đã quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách ghi tên ở ba trường trung học."Có giáo viên chế nhạo tôi trước mặt cả lớp vì khả năng nói tiếng Anh kém. Một ông còn nói thẳng với tôi hãy về nước của cô đi".
Bà xin học ở Đại học Santa Monica nhưng không được nhận vì tiếng Anh kém. Bà đã năn nỉ nhà trường cho học thử một kỳ và hứa nếu không học được sẽ trở về trường trung học để học thêm tiếng Anh. Ban ngày đi học, ban đêm bà tìm lớp học thêm ở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng bà cũng được nhận vào học.
Để có tiền học, bà xin làm thêm trong thư viện trường 5 tiếng mỗi ngày, ngoài tiền nợ chính phủ.
Tháng 9/1995, bà xin chuyển lên Đại học Califonia, Los Angeles, và làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Bà xin làm nghiên cứu nhưng không có phòng thí nghiệm nào nhận.
Sau khi tốt nghiệp bằng đại học về hóa học năm 1997, bà nộp đơn học cao học. Chỉ trong một năm bà đã có bằng Cao học ngành Lý - Hóa , và quyết định học tiếp tiến sĩ. Tháng 6/2001, bà được nhận bằng tiến sĩ và ra trường trước cả những sinh viên mà bà từng rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ trước đây.
Ba năm sau, bà bắt đầu làm việc ở Đại học California, Santa Barbara, và sau hơn hai năm, bà xây dựng được hai phòng thí nghiệm riêng. Sau 11 năm, bà đã có 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu. Bà còn xin hơn 10 triệu USD cho những dự án nghiên cứu; được mời tới hơn 200 địa điểm trên thế giới để thuyết trình cũng như nhận nhiều giải thưởng lớn về các công trình nghiên cứu.
Hơn 11 năm làm việc ở Đại học California, Santa Barbara, bà làm việc 15 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh việc giảng dạy, bà còn làm nhiều công việc khác như biên tập báo khoa học, tổ chức hội nghị khoa học quốc tế, hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu,..
Bà vẫn còn nhớ như in thời điểm bắt đầu vào học trong trường. Lúc đó, bà xin vào phòng thí nghiệm nhưng không được vì nhiều người nghĩ bà không thể làm được điều gì và khuyên rằng “nghiên cứu không dễ dàng và không phải ai cũng làm được. Bạn nên tập trung để học tiếng Anh đi”. Mãi sau này, có vị giáo sư thấy bà có những câu hỏi hay trong lớp nên khuyến khích bà theo đường nghiên cứu. Bà rất vui vì từ bé đã thích tìm tòi những điều mới.
22/05/202115:54:36
Khách
Một bài viết hay. Tâm tư của một người phụ nữ Việt tỵ nạn về cuộc sống ở Mỹ từ lúc khởi đầu tay trắng cho đến nay. Và đọc lời văn của người cựu nữ sinh Gia Long này, người đọc có thể cảm thấy nhiều những cảm xúc buồn, vui của tác giả đã đặt vào trong bài viết này .
22/05/202107:16:46
Khách
Bài viết rất cảm động, tác giả đã vượt bao khổ nhọc mới thành công. Đây là tấm gương tốt cho cộng đồng. Dân Cali đầy tình nghĩa mà! Tác giả không quên là phải. Chỉ trừ những người... chủ cả hắc ám khinh người mới đến. Ngoài ra cộng đồng đều tốt và giúp đỡ lẫn nhau
Cám ơn tác giả đã viết câu chuyện thực của mình chia sẻ.
Mong tiếp tục viết nghe.

Huyền
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 698,698
Tôi biết chú Xuân từ lúc anh em còn học tập chung ở Học viện Võ Thuật Thần Phong trong căn cứ Không Quân VNCH Tân Sơn Nhất khoảng năm 1971. Cho dù không chung thầy, chung lớp nhưng chung một trường. Khi ấy chú trong nhóm thiếu niên Thần Phong còn tôi ở lớp quân nhân. Chú là một trong số Thiếu niên Thần Phong giỏi mà tôi biết. Biết thì biết vậy nhưng không thân cho tới mãi sau nầy, khi tất tả chạy qua đến Mỹ. Sau khi tôi bắt đầu gầy dựng lại võ phái Thần Phong ở vùng Bay Area miền bắc California vào cuối năm 1977. Nhân chuyến xuôi nam, vùng Hawthorn – gần Orange County – tìm thăm Võ sư Thần Phong Nguyễn Văn Lợi – huynh đệ đồng môn với thầy tôi là Võ sư Phan Văn Đức. Từ đó mối giao tình càng ngày càng sâu đậm, thân thiết; nhất là khi hai anh em đồng chí hướng, cùng tìm cách liên lạc với anh em Thần Phong cũ hiện ở Saigon để tiến tới việc phục hồi võ phái Thần Phong ở Việt Nam sau một thời gian dài bị chính quyền Việt cộng cấm đoán tối đa.
Năm 2021 đang đi qua, chúng ta hãy vui vẻ welcome 2022. Riêng tôi cũng như nhiều fans của FIFA, ngoài mong ước thế giới trở lại bình thường, là ước mong được xem giải World Cup tại Qatar trong không khí tưng bừng chớ không phải lặng lẽ như Euro và Olympic vừa qua.
Dân xứ lạnh Minnesota đang mùa đông lạnh lẽo băng giá mà được tới bãi biển đầy nắng và sóng nhỏ thì không tận dụng hưởng thụ sao được. Nhiệt độ ở bãi biển cỡ 75 độ tới 90 độ F rất mát mẻ. Trừ giờ ăn và ngủ thì cả 3 nhà chúng tôi người lớn và con nít suốt ngày bơi lội và hóng gió ở bãi biển này. Các du khách khác cũng ra biển rất đông.
Vào khoảng giữa tháng mười khi trời trở lạnh, báo hiệu thu tàn đông tới là cuộc sống của người dân ở Hoa Kỳ bắt đầu nhộn nhịp, chuẩn bị mua sắm cho các kỳ lễ lớn sắp đến. Đặc biệt năm nay, 2021, thì không khí tưng bừng náo nức lại càng rõ ràng hơn. Vì sao?
Tôi ngồi ở băng ghế có bàn và lò nướng dành để pic-nic và nhìn ra phía bờ hồ cách đó khoảng bốn năm chục thước. Cọp nhỏ Khánh-An đang vọc nước, chơi với cát sỏi. Bác Hai thì đang đứng trên các ghềnh đá gần đó dạy cho Huy Khang cách cột lưỡi câu, gắn mồi, tung cần câu cá. Ông bà nội và ba mẹ Khánh An ngồi trên bờ gần đó phơi nắng… Khung cảnh như những đoạn phim quay chậm. Thỉnh thoảng có những chuyển động nhanh khi Cọp nhỏ Khánh-An chạy lên và kêu “Má Hai xuống nước chơi với An.” Tôi không mang theo đồ ngắn nên chỉ muốn ngồi trên bờ ngắm cảnh, thư giãn và đọc sách chứ không xuống nước. Khánh-An liên tục kèo nài nên tôi gấp lại cuốn sách đang đọc và đi xuống phía bờ nước. Nước hồ rất trong. Có thể thấy cá bơi lượn. Hai má con tôi lội trong nước tìm những miếng đá đẹp như thói quen mỗi khi chơi trong nước. Thỉnh thoảng má tôi kêu mọi người tụ lại chụp hình. Nếu có ai đang quay phim sẽ thấy cảnh hai má con Cọp nhà tôi nhảy tung lên, chân không chạm nước. Tíc-tắc đó sẽ đứng lại, hiện trên
Nụ hôn vội vàng mà da diết trước cổng nhà đã khiến tôi tràn nước mắt “… Anh đi rồi, đường xưa có nắng không anh. Lá hoa còn đây, hay tàn theo tháng ngày ...?” Phố phường vẫn đông vui mà lòng tôi vắng chàng. Đêm Thánh Lễ những năm sau đó tôi không đến nhà thờ bởi không còn bàn tay chàng đón đưa, sưởi ấm. Tiếng nhạc đêm Giáng Sinh và tiếng chuông giáo đường như chạm vào trái tim nhỏ bé của tôi thành những vết thương đau buốt.
Mùa Giáng Sinh đang đến, ngoài đường phố, chợ búa, và các cửa hàng đã tấp nập những màu sắc xanh đỏ, tươi vui. Trong cái Nursing home nhỏ bé này người ta cũng góp phần với niềm vui chung của mọi người, mọi chốn. Tại phòng khách lớn người ta vừa dựng xong một cây Giáng Sinh, trang trí những chiếc đèn đủ màu và những cây kẹo cong cong xinh xắn. Các ông bà già hàng ngày thường tụ tập nơi đây để cùng coi ti vi hay nói chuyện với nhau, còn hơn là nằm bẹp trong phòng riêng, coi ti vi một mình thì buồn chán quá!
Giáng Sinh năm 1990 là mùa Giáng Sinh đầu tiên tôi đón trên đất Mỹ này. Tất cả đều vừa lạ lùng mà cũng vừa quen thuộc. Dĩ nhiên lạ lẫm vì đây là lần đầu tiên được chứng kiến sự tấp nập của các khu thương mại sầm uất. Những khu nhà giăng đèn nhấp nháy từ trên nóc xuống đến sân vườn.
Mùa lễ cuối năm, đèn màu và những biểu tượng của giáng sinh, năm mới giăng mắc khắp nơi. Ánh sáng nhấp nháy từ các loại đèn làm cho không khí trở nên ấm cúng hơn và khiến lòng người nao nao. Hãng MITF cũng không ngoại lệ, một cây thông bằng nhựa làm bên Tàu được dựng lên giữa sảnh tiếp tân. Nhân viên văn phòng treo máng lên đủ thứ linh tinh những món đồ biểu tượng cho vui vẻ, may mắn và hạnh phúc.
Tôi bắt đầu biết đến chương trình VVNM vào năm 2017 khi đang đi công tác xa nhà, xa hằng vạn dăm ra khỏi nước Mỹ. Tôi đã đọc kỹ mục đích và tôn chỉ cao đẹp của Việt Báo. Tôi theo dõi và tìm đọc tất cả các bài viết của các cộng tác viên và nhận thấy đây là một ý tưởng tiên phong và duy nhất trên văn đàn Việt Nam hải ngoại do hai vị sáng lập Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và thi sĩ Trần Dạ Từ với mong muốn tất cả người Việt Nam trên đất Mỹ luôn giữ gìn hồn Việt, văn hóa Việt, đồng thời vẫn thăng tiến trong xã hội, quốc gia mình đang sống.