Hôm nay,  

Một Mảnh Đời

19/05/202115:50:00(Xem: 6461)

Trương Ngọc Anh

Ngọc Anh là tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Sau vụ khủng bố tấn công làm nổ tháp đôi ở New York, cô viết bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể chuyện sở làm, một công ty chủ nhân người Ả Rập Hồi Giáo, nhưng hàng trăm nhân viên đủ gốc Á Âu, Do Thái... sống với nhau hoà thuận. Bài viết được trao tặng giải thưởng danh dự năm 2002. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

***

 

Vậy mà không hiểu tại sao, hồ sơ bảo lãnh của má cũng đi trót lọt, và bây giờ tui đang ở Mỹ. Mấy người kia họ nói “Người ta được đi Mỹ thì cười, còn mầy được đi Mỹ sao mầy lại khóc?"

 

***

Tui thích uống trà vào buổi tối. Loại trà Móc Câu hương thơm tinh khiết tới nỗi phải chờ hơn tiếng đồng hồ sau bữa ăn, khi miệng không còn mùi đồ ăn nữa, mới thưởng thức mùi hương nhẹ nhàng của sen ướp trong trà.


Trà tui pha trong chiếc ly cao, hình dáng thanh mảnh, có vẽ những bông thược dược màu xanh, xòe những cánh cũng mỏng manh. Những cánh bông úp vào nhau như thì thầm trò chuyện, những cánh cong xòe ra ngoài như vẫy tay chào. Cũng có những búp non ửng màu hồng của bình minh rất tươi. Bên trong ly là một cái ly nhỏ, có những lỗ tròn, để đựng trà, với cái nắp cũng vẽ bông hoa rất ngộ.


Tui uống trà khó tánh. Nước phải thật sôi, tráng tách trước cho nóng, chế nửa ly nước sôi, rồi mới bỏ một nhúm trà vô ly nhỏ, đậy nắp để giữ nóng. Trà tui thích pha vừa vừa, không quá đậm, cũng không quá lợt. Vì vậy tui phải canh chừng, không để trà ngâm lâu hơn một phút. Nhiều người nói trà phải uống đậm mới ngon, vị ngon của trà từ vị đắng và vị chát để lại trên đầu lưỡi. Tui không thích vị đắng, đặc biệt với loại trà Móc Câu này, pha đậm quá sẽ mất đi mùi hương rất đỗi dịu dàng của sen ướp trong lá trà.


Tui quen sống cô độc từ thuở nhỏ, có lẽ vì thiếu tình thương của Ba và Má.


Nói thiếu tình thương cũng không thực sự đúng, Tui vẫn có rất nhiều tình thương từ ông bà Ngoại, và bà con họ hàng từ hai bên Nội, Ngoại.


Ông bà Ngoại nuôi tui từ khi mới đẻ. Mới một tháng là Má đã mang tôi về nhà Ngoại, để cho Ngoại nuôi, để Má theo Ba đi tùm lum chỗ nào ai mà biết. Hồi đó Ba làm lính đánh giặc.


Tui chưa thấy ai thương chồng tới nỗi bỏ con cái mình như Má tui.


Mà có phải Má bỏ chỉ một mình tui đâu.  Má bỏ cả bầy sáu đứa con.


Khi Bà Ngoại mất, tui đau lòng lắm. Má với Ba ở Mỹ về thọ tang. Lúc đó tui cũng đã hơn ba mươi tuổi, chớ có còn nhỏ nhít gì đâu. Nhưng từ thuở 5, 6 tuổi, tui đã bị mang tiếng “con khùng” nên lớn lên, rồi già chát, cái đầu có lưa thưa tóc bạc của tui vẫn nhỏ xíu như thuở mới 10 tuổi thôi hà. Tui nhớ hôm đó tui khóc nhiều, thương Ngoại, nghĩ tới nỗi cô độc khi trên đời không còn Ngoại để thương “con khùng”.


Má về, đòi đem tui đi qua Mỹ ở với Má và Ba, vì Ngoại chết rồi, không ai lo cho tui.


Tui đâu cần ai lo, từ nhỏ tui chỉ biết có Ngoại thôi mà.


Tui khóc, kể lể: “Má đâu có nuôi con, má đâu có thương con, chỉ có Ngoại thương con thôi”.


Má nói Má không nuôi nhưng má vẫn gởi tiền về đầy đủ cho Ngoại lo mà.


Má hiểu làm sao khi “con khùng” suy nghĩ, tiền của Má gởi về đâu có mang tình thương của Má về cho con cái. Đẻ đứa nào, má quăng đứa đó cho Ngoại nuôi. Chị tui vừa mới sanh hai tuần, Má đã giao Ngoại, để đi theo Ba.


Ngoại nhận lãnh đứa cháu đỏ hỏn non nớt như cọng cỏ non dưới ánh mặt trời. Rồi Má đẻ tui, Má cũng thảy cho Ngoại, rồi đi mất tiêu.


Hồi 3, 4 tuổi gì đó, Ngoại kể, tui thường xuyên bị nhức đầu. Tối ngày hở ra là tui ôm đầu khóc:


“Ngoại ơi, đầu con đau”. Tui khóc nhiều lắm, ngủ không được, Ngoại nói.


Khi cậu Mười lo lắng, nhắc với Ngoại đem tui đi bác sĩ thì đã hơi muộn. Bác sĩ khám phá tui bị bịnh đau màng óc. Ngoại phải đem tui vô nhà thương để mổ, đầu tui bị cạo trọc lóc.


Nhưng vì tui nhỏ quá, nhà thương không dám mổ. Họ cho thuốc để trị.


May sao, tui bớt lần. Nhưng có cái gì đó không ổn trong bộ óc nhỏ xíu.


Tui không thích đi học.


Vô lớp, tui không thể nào tập trung vào những chữ Thầy Cô dạy. Đám bạn bè độc ác bắt đầu gọi tui là “con khùng”.


Tui trốn học, lang thang cho tới giờ tan trường mới đi về nhà. Tui sợ tụi nó quá.


Khi Ngoại biết thì Ngoại không cho tui đi học nữa vì sợ bạn bè chọc làm tui buồn. Từ đó trở đi tui không biết chữ, mà cũng không cần biết chữ, vì đi học cứ bị kêu “con khùng” hoài làm sao ưa.


Tui thù trường học từ đó.


Ngoại tui cứ phải qua nhà hàng xóm mắng vốn ba má tụi nó:


“Nó khùng mà nó có qua nhà mầy ngồi trên bàn thờ nhà mầy không? Nó khùng mà nó có đốt nhà mầy không?"


Đó là những lời Ngoại kể, chớ tui có nhớ gì đâu.


Càng ngày tui càng sợ những đứa hàng xóm cùng tuổi. Với lại, tụi nó cũng không thèm chơi với “con khùng”. Rồi má sanh thêm em kế, rồi em kế, rồi em kế nữa. Má cũng thảy con cho Ngoại nuôi. Sáu đứa, Ngoại chăn không nổi. Ngoại đâu rượt nổi bầy cháu phá phách, mỗi năm Ngoại mỗi già. Vậy là Ngoại đem ba đứa em tôi sang nhờ bà Nội tiếp nuôi dưỡng mấy cháu. Chị em lại phải chia hai, xa cách nhau.


Nhà Ngoại khá giả, nên ăn uống thoải mái. Ở nhà Ngoại, bữa ăn nào cũng thừa mứa cơm canh, đồ ăn.


Lâu lâu tui cũng được Ngoại đưa qua thăm Nội vài ngày, để chị em gặp nhau. Tui không thích nhà Nội như nhà Ngoại. Mỗi lần tới chơi tui hay bị đói vì nhà Nội cũng giàu mà sao bữa ăn Nội dọn ra mỗi món ăn đều có chút xíu, trong những chén dĩa cũng nhỏ xíu. Tui không dám gắp đồ ăn, cũng không dám bới cơm. Gia đình Nội người Huế. Sau này lớn lên tui mới biết đó là cách sống trưởng giả của người Huế. Tui không thương Nội nhiều như thương Ngoại vì ít gần gũi.


Má tui chắc không bao giờ nghe những lời Ngoại tui nói “Con không có cha có mẹ ở gần, ai cũng chửi mắng, cũng ăn hiếp được”.


Chắc tui thành “con khùng” cũng vì bị tụi con nít hàng xóm chế giễu.


Ngoại thương tui lắm. Cứ nhớ tới Ngoại là tui khóc không ngăn được. Không có tình thương của bà Ngoại với ông Ngoại, chắc tui không phải là “con khùng” mà tui đã chết từ lâu rồi. Má làm sao hiểu, tui thèm khát hai tiếng “Má ơi”.


Hồi đó Má với Ba đã qua Mỹ sống rồi.


Ngoại chết, tui sống bơ vơ với mấy Chú Thím và ông Ngoại. Dù Chú Thím thương yêu đùm bọc, dù còn có ông Ngoại, tui cũng buồn lắm. Chị với mấy đứa em tui lớn lên, lấy vợ lấy chồng. Ở chung với em trai một lúc, tui bị vợ nó ăn hiếp, chắc tại nó thấy tui “khùng”!

Có bữa tui đi chơi vòng vòng về trễ, vợ nó liệng chén đá bát. Thôi thì tui mua cái nồi nhỏ, mỗi ngày tự đi chợ nấu cơm nấu canh ăn một mình để khỏi làm phiền ai. Mười năm sau đó Má về Việt Nam hoàn tất giấy tờ để đem tui qua Mỹ.


Tui không muốn đi chút nào.


Ở Việt Nam, tui còn có ông Ngoại. Ông Ngoại già lắm rồi. Dù mấy đứa cháu tui cũng chăm lo cho Ngoại, nhưng biết có lo đầy đủ không? Tui vẫn nấu cơm nước cho Ngoại mỗi ngày từ khi bà Ngoại mất. Ông Ngoại già yếu lắm rồi, đi phải chống gậy, tai không nghe rõ nữa.


Năm nay tui bốn mươi lăm tuổi, nghe chị tui nhắc chớ tui đâu biết đếm số gì đâu. Trong gia đình, chị em ai cũng thương tui vì biết tui bịnh mà.


Chị tui đã có hai đứa con vô đại học rồi, em kế tui cũng đã có ba đứa con, em trai em gái đều đã có vợ có chồng, chỉ còn có tui vẫn là “con khùng”.


Ngày Má từ Mỹ về, dắt tui đi phỏng vấn, tui mong sao giấy tờ bị xù, để tui được ở lại với ông Ngoại. Tui trả lời rất khùng như họ hỏi thủ đô của nước Việt Nam tên là gì, tui trả lời là Sài Gòn, họ hỏi thủ đô nước Mỹ là gì, tui nói: “Tui hỏng biết, làm sao tui biết khi tui chưa ở Mỹ? Mà thủ đô là cái gì?" Họ tách rời Má với tui khi phỏng vấn nên tui tha hồ quậy hồ sơ. Khi họ hỏi 100 đồng trừ 3 đồng thì còn lại là bao nhiêu, tôi lẩm nhẩm, rồi trả lời “Tui hỏng biết”.


Họ gởi tui qua bịnh viện Chợ Quán để khám, lý do trí thông minh của tui không được bình thường. Đi Chợ Quán thì đi, tui đâu có muốn đi Mỹ. Ở Chợ Quán họ cũng quay tui hầm bà lằng sắn cấu. Họ hỏi tới biên giới nước Thái nước Miên gì gì đó nữa, tui chớ có biết, nhưng khi họ hỏi một đồng tiền đô la Mỹ bằng bao nhiêu đồng tiền Việt Nam thì tui sùng lắm, trả lời bằng một bao bố tiền Việt chớ nhiêu.


Vậy mà không hiểu tại sao, hồ sơ bảo lãnh của má cũng đi trót lọt, và bây giờ tui đang ở Mỹ. Mấy người kia họ nói “Người ta được đi Mỹ thì cười, còn mầy được đi Mỹ sao mầy lại khóc?"


Tui nhớ Ngoại quá, nhớ ông Ngoại còn sống lẫn bà Ngoại đã mất.


Bây giờ tui đang sống với Ba Má, có đầy đủ tình thương tui đã từng thèm thuồng ao ước từ hồi còn nhỏ, mà sao tui cứ khóc hoài.


Ở đây buồn quá hà. Tui muốn trở về Việt Nam, nơi đó tui còn có ông Ngoại để nấu cơm cho Ngoại ăn, tui còn được đốt cây nhang trên mả bà Ngoại, tui còn được chạy lên, chạy xuống chỗ này chỗ kia. Ở đó tui không đi lạc, còn ở đây tui như ở trong nhà tù.


Lâu lâu tui gọi điện thoại về Việt Nam để nói chuyện với ông Ngoại. Ngoại ưa hỏi:


”Con vui không, ở với ba má sướng quá hả con?”


Tui nói “Dạ, con vui lắm, Ngoại.”


Tui nói vậy trong điện thoại, nhưng nước mắt chảy ròng ròng, Ngoại đâu có thấy.


Tui nhớ bà Ngoại quá trời. Nhớ hồi đó Ngoại cứ kể đi kể lại nhiều chuyện hồi nhỏ, để tui đừng có quên, vì Ngoại nói dây thần kinh của tui bị yếu, sợ ngày nào đó tui không nhớ tui là ai….


Ngoại kể lúc tui còn nhỏ ưa bịnh lắm. Sau khi chữa xong bịnh đau màng óc, tui yếu lắm. Cả nửa người bên phải của tui gần như bị liệt, cầm cái gì rớt bể cái đó. Ngoại đã đút cho tui từng muỗng cơm, tắm rửa cho tới khi tui 12 tuổi. Tới giờ hai bàn tay của tui cũng bên nhỏ bên lớn, chân tui đi cũng còn hơi cà lết, nửa bên đít cũng hơi teo. Tui chỉ mới biết cầm đũa ăn một mình khoảng từ mười năm nay thôi. Tại lớn rồi, hỏng lẽ đi đâu chơi, có ăn uống, mà không biết cầm đũa ăn sợ người ta cười.


Tui cũng có vài bạn lúc còn nhỏ, mấy đứa hàng xóm đó. Tụi nó đi đâu có rủ tui đi theo cũng cực lắm vì tui ngồi hay bị té. Chắc cái gì đó trục trặc trong đầu nên tui không ngồi vững được. Tay chân tui có nhiều vết sẹo vì té ngã. Nhiều khi bị té chảy máu, tui chun lên lầu trốn Ngoại. Ngoại thương, không bao giờ đánh đòn. Khi tui lì quá, phá phách quá, hay nhõng nhẽo quá, Ngoại réo ông Ngoại “Nó lì quá, ông oánh nó vài roi cho tui”.


Vậy mà khi nghe tiếng tôi ré lên khóc là Ngoại quính quáng chạy ra la: “Sao ông oánh nó?”


Ông Ngoại lắc đầu: ”Thì bà biểu …”


Lớn lên, từ từ bạn bè tui đều xa lánh.


Cũng phải mà, đứa có chồng, đứa đi học, đi làm ăn xa, đi xuất ngoại. Chỉ có tui là không ai thèm cưới. Bi giờ tui chỉ có mấy bà bạn già năm, sáu chục tuổi. Hồi Ngoại còn sống, Ngoại cũng ưa nói với tui: "Thôi con, lấy chồng làm chi, cực khổ lắm!" Tui nghĩ chắc Ngoại nói đúng, tui không thích lấy chồng đâu, sống như vầy sướng hơn.


Ở đây tui buồn quá!


Má gởi tui theo học chương trình của những người lớn có bịnh chậm phát triển.


Má không dám cho tui về Việt Nam chơi, chắc Má sợ tui “đào ngũ” luôn. Hôm nào tui nói chuyện với ông Ngoại, xong điện thoại, tui ưa nằm khóc vì nhớ Ngoại.


Bà Ngoại chết đã mười năm rồi.

Ngày chôn bà Ngoại, ông Ngoại đòi làm hai bia mộ, một cái cho Bà, một cái cho Ông, đặt kề bên. Phải chừa một lỗ nhỏ, vừa đủ chỗ để chôn cái bình tro của ông Ngoại khi Ông chết; thiêu xác, phải chôn bình tro này sát bên cái hòm của bà Ngoại.


Tui nhớ hồi bà Ngoại còn sống, bà ưa nói với ông “Tui muốn chết trước ông, để ông coi sóc mồ mả của tui”.


Bà chết, Ông cũng như héo hắt chết theo.


Không có tui, ai lo cơm nước cho Ngoại bằng tui! Tui cũng biết đi chợ, biết nấu cơm mà. Mấy đứa cháu nó ham vui, có nhớ gì tới ông Ngoại già không. Tui lại khóc.


Mai mốt rành đường đi nước bước, tui sẽ mua vé máy bay, bay về với ông Ngoại.

Tui nghĩ là tôi sẽ làm, Má chờ coi, Má đừng hòng nhốt tui như nhốt tù.

Sao Má không cứ sống với Ba, như hồi đó, tui còn nhỏ. Có Ngoại mà, tui đâu có thiếu tình thương.


Ly trà đã nguội ngắt, nhưng mùi hương sen vẫn còn thoang thoảng bay trong không khí như dẫn đường tui về với Ngoại.


Trương Ngọc Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 775,597
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nếu bạn dang sống ở một nơi nào đó trên đất Mỹ , thì thật khó mà rời bò nơi đó và thường cho rằng "an cư rồi mới lạc nghiệp"! Tôi thì lại suy nghĩ khác, luôn tính đi tính lại để tìm một nơi đáng sống . Từ bên trời Âu, khi có ý định di dân qua Mỹ, tôi cũng đã đi gần hết những thành phố lớn của nước Mỹ, rồi sau cùng mới quyết định chọn Houston để an cư từ năm 1990 đến nay. Con gái tôi, từ khi ra trường và làm việc cho Google, đã đóng góp rất nhiều cho Google Maps và nhất là Google Search. Cũng vì thích Google Search nên một hôm tôi vào Google Search để tìm kiếm xem một nơi nào đó có đời sống và nhà cửa rẻ nhất nước Mỹ.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Người ta thường nói: “Trâu chậm uống nước đục”, tuy vậy ở đời có những cái chậm lại hóa hay. Có người vì chậm mà không phải lên chuyến tàu định mệnh, hoặc vì chậm mà tránh được chuyến bay tử thần, chuyến bay một đi không trở lại bao giờ, cũng có khi vì chậm mà tránh được chuyến xe đi vào vĩnh viễn… Trong số hàng triệu người ly hương, có nhiều kẻ vì hay bị chậm mà lại hóa hay, lại may mắn hơn, hưởng nhiều lợi lạc hơn những người đi trước. Những kẻ đi sau diện ODP, diện đoàn tụ gia đình, hoặc qua đường hôn nhân… đều là những kẻ an nhàn hơn, may mắn hơn, đi bằng máy bay, không phải vượt biên bằng tàu thuyền hay băng đường bộ. Những lớp người vượt biên trải qua chín chết một sống, lao vào cõi chết để tìm sự sống…
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
Hầu như ai cũng biết Châu Mỹ mới được ông Kha Luân Bố (Columbus) tìm ra vào thế kỷ thứ 16. Trải qua nhiều cuộc di dân từ Âu Châu, mỗi nước chiếm cứ một vùng. Anh – Pháp nhận vùng Bắc Mỹ, Tây Ban Nha- Bồ Đào Nha di dân đến vùng Trung và Nam Mỹ...Sau này mới phân chia ranh giới và thành lập các quốc gia, theo hình thể địạ lý như hôm nay. Bởi vậy Hoa Kỳ và Canada nói tiếng Anh là chính, nhưng vẫn có nhiều khu vực nói, viết và chịu ảnh hưởng văn hoá Pháp. Trong khi từ Mễ Tây Cơ trở xuống phía Nam, nói – viết tiếng Tây Ban Nha. Và dĩ nhiên cũng bị ảnh hưởng của nền văn hóa nước này.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Đây là bài mới nhất của Ông.
Một buổi chiều chớm Thu vùng sa mạc Arizona, khi nắng vàng nhạt dần trong không gian, cái nóng dịu đi dưới những áng mây vừa kéo về đan vào nhau như những tảng bông gòn trắng xám giăng trên bầu trời xanh. Vợ chồng tôi cùng với con chó nhỏ thân yêu Sacha cùng nhau đi bộ dưới những tàng cây Palo Verde tuyệt đẹp, dẵm lên những cánh hoa vàng rực rỡ trải đầy trên lối đi. Vài cơn gió nhẹ thổi những bông hoa rụng dạt qua hai bên đường, tạo thành con đường vàng hoa uốn lượn quanh co qua lối đi, song song với con lộ chính. Hàng cây xanh rực rỡ sắc hoa vàng nghiêng mình bên đường đi, tỏa bóng mát trên con đường nhỏ men theo những dãy nhà xinh xắn ẩn mình trong khu xóm hiền hòa chúng tôi đang sống.
Tác giả định cư tại Seattle từ 1975, đã hồi hưu sau khi phục vụ trong ngành xã hội tiểu bang nhiều năm. Bài viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Đặng Bắc Ninh cho thấy cách viết chừng mực mà sống động. Đây là “chuyện thật trong gia đình về Mẹ Chồng Nàng Dâu trên đất Mỹ,” tác giả cho biết. Mong Bà vẫn tiếp tục viết thêm.
Những ngày đầu thực tập ở trường y khoa, tôi thường được giao một trách nhiệm là đón những bệnh nhân vào làm thủ tục cần thiết trước khi đưa họ lên phòng trình bày bệnh án cho các bác sĩ khác trong chuyên khoa tôi đang thực tập. Cả mấy tuần nay, hằng ngày tôi thường kiên nhẫn đứng trước cổng bệnh viện để chờ đón bệnh nhân. Nhưng sáng nay, tôi không khỏi ngạc nhiên và tò mò khi lật qua tập hồ sơ của người bệnh mà tôi đang chờ đón vì bà đến để chữa bệnh mù ở một khoa viện dành riêng cho những người mang bệnh tâm thần. Những thắc mắc ấy cứ lẩn quẩn mãi trong đầu cho đến khi vào tận phòng khám tôi mới giật mình khi thấy các bác sĩ thực tập khác đều hướng mắt nhìn tôi một cách khẩn khoản vì sự chậm chạp do sự phân tâm của tôi.
Nhạc sĩ Cung Tiến