Hôm nay,  

Chuyện 37 Năm Mới Kể: Trăng Tự Do

30/04/202100:00:00(Xem: 6068)

HINH CHO BAI VIET VE NUOC MY
Hình tác giả cung cấp



Tác giả lần đầu viết tham dự VVNM. Định cư tại Canada đã 37 năm, hiện đang sống cùng chồng và con gái, đã nghỉ hưu được vài năm nay. Hiện tại, tuổi cũng đã lớn, thất thập cổ lai hy, chỉ muốn chia xẻ câu chuyện vượt biển tìm tự do của tác giả năm 1984, trước khi những sự việc nầy có thể sẽ dần phai nhạt, vào quên lãng qua tuổi tác, sức khỏe và thời gian.  

Bài này không dự thi Viết Về Nước Mỹ.


                                                         ***                                                                   

             

Chũm!
Một tiếng động ngắn, gọn, của một vật gì nặng vừa rơi xuống nước, vang giữa không gian biển trời lúc ấy.

Thời khắc ấy, tất cả đều im lặng trên chiếc ghe đầy người, đang trôi lênh đênh giữa biển Đông, chỉ còn tiếng sóng biển gờn gợn đập nhẹ vào mạn ghe. Một buổi sáng mai trên biển, biển rất êm, biển rất thanh bình, thế mà đã xảy ra một cuộc thủy táng trên biển.

“Nam Mô A Di Đà Phật! Thương cho chị, cầu xin cho chị sớm được về nơi cỏi Phật!”

Tiếng ai đó phá tan bầu không khí đang đặt sệt mùi chết chóc, lẩn ai oán, vừa đưa tiển một người xuống lòng biển. Hiền nằm đó trong phòng lái, nghe hết, nhưng không dám mở mắt ra, phải một lúc lâu sau, nàng mới dám hé mắt nhìn ra mặt biển, thế mà nàng vẩn nhìn thấy thân xác của một cô gái đang trôi dập dềnh cạnh chiếc ghe.

Sau nhiều ngày mắc bệnh, dáng người mảnh mai của cô đã teo nhỏ lại hơn, cô đã không còn gượng được nữa, xuôi tay im lặng nhắm mắt trong đêm, không chờ được ngày tàu tới bến bờ. Cô một thân một mình bỏ nước ra đi tìm tự do.

Chiếc ghe đã nhiều ngày trôi dạt, thức ăn, nước uống khô cạn, ai nấy đều mệt lả, một số ít thanh niên còn sức thì còn đi tới đi lui, còn lại hầu hết đều nằm hoặc ngồi bó gối, chờ ...

Chiếc ghe gổ nhỏ bé, đã lênh đênh trôi theo sóng nước chừng đâu cũng đã lâu, Hiền không còn nhớ và đếm ngày nổi nữa, phỏng chừng đã vài tuần, mang trên người nó rất nhiều người vượt biển tìm tự do.

Hiền, và chồng cùng hai con nhỏ cùng nằm trong số đó, sau nầy khi đến trại Sungai Besi, Mã Lai, được kiểm tra, mới biết con số tổng cộng lên đến một trăm người đúng, gồm cả cô gái và hai em bé xấp xỉ một năm tuổi cũng đã chết giữa biển khơi. Đến nơi, mới biết hành trình trên biển của chiếc ghe đã kéo dài ba tuần rưởi, kể từ ngày ra đi rời Việt Nam.

(Sau đó có thêm một cậu thanh niên, khi nhập trại được vài ngày, vào Sick Bay và cũng đã mất trên đất Mã Lai. Cậu đó, vì có bệnh tâm thần, không ý thức được bình thường như mọi người, nên đã uống nước máy hầm tàu khi ghe lênh đênh, không còn gì để uống.)

Số mạng của chín mươi bảy người lênh đênh trên biển đã được Ơn Trên/Thượng Đế/Trời Phật che chở, giử gìn, cứu độ, cho đến một ngày gặp được các vị ân nhân cứu mạng.

Trước ngày đi, chủ ghe đến nhà cho biết phỏng chừng một, hai ngày nữa là đi.

Vì đã ra đi nhiều lần bị thất bại, ở tù, nên lần nầy Hiền làm tất cả mọi thứ về tâm linh, mong được sự che chở. Nghe theo lời dạy của Bố Mẹ Bửu, ông bà bố nuôi, Hiền làm một buổi cúng Chư Phật Mười Phương, một mâm cơm cúng bàn thờ tổ tiên nhà chồng để tạ ơn. Ngay đêm trước ngày đi, sau khi đã đồng quỳ sụp lạy Ba Má chồng từ biệt,trong khói hương nghi ngút bàn thờ Phật,  vợ chồng gạt lệ ra đi, chở hai con qua nhà bên ngoại ngủ qua đêm, tránh sự để ý của hàng xóm nơi nhà chồng.

Trong đêm vắng, đạp chiếc xe đạp, chầm chậm ngang qua những con đường quen thuộc: Hồng Thập Tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thống Nhứt, nhà thờ Đức Bà, Công Lý, Lê Lợi … Hiền ghi nhớ từng góc phố, âm thầm nhắn nhủ lời từ biệt quê hương, (không hiểu sao, lần ra đi nầy nàng có linh cảm sẽ khó có được giây phút đạp xe êm đềm như thế nầy).

Sáng sớm hôm đi, chỉ được một người em trai thứ năm đưa tiển, gia đình Hiền ngồi xe xích lô máy từ đường Nguyễn Thái Học, âm thầm từ biệt ba má Hiền và các em khác đang còn ngủ, đi ra xa cảng Miền Tây. Gặp người dẩn đường ở bến xe Phú Lâm, vì đã được dặn dò trước đó, thấy anh ta đi đâu thì cứ bám theo mà thôi, không được nói năng gì cả, làm vợ chồng Hiền mắt cứ phải láo liên theo dỏi bóng dáng anh.

Trưa, xe đò đến Cần Thơ, anh ta dẩn đến một chợ nhỏ và dặn chờ ở chợ, sẽ có người đến liên lạc sau, rồi anh ta mất dạng.

Sau nhiều giờ quanh quẩn, vòng vòng quanh chợ, với tâm trạng lo âu bất an, vì nhìn đâu cũng thấy nhiều người giống mình, kẻ ngồi quán nước, người đứng góc đường, ngổn ngang, nhìn là biết “dân ta” Saigon xuống, tìm đường ra đi. Chợ thì thưa dần, người mua bán thật sự cũng biến mất từ từ, mà vợ chồng Hiền vẩn cứ rảo bước quanh chợ.

Gia đình Hiền, hai vợ chồng dẩn hai đứa con nhỏ, với một bó rau muống lủng lẳng trên tay, cứ xách tới xách lui quanh chợ vắng, rau bắt đầu héo úa vì nắng trưa, họ không dám ghé vào quán, đi riết cũng mệt, cũng không biết phải làm gì, đi đâu. Trong ruột rối bời, sợ công an bắt, vợ chồng Hiền đã từng ra đi nhiều lần, hụt có, bể có, từng vào tù Bến Tre … nên rất là căng thẳng, dù ngoài mặt cố giử vẻ điềm tỉnh.

Trời xế chiều dần, chợt thấy bóng dáng anh ta trở lại chợ, hai vợ chồng mừng quá, và được anh ta dẩn đường đến một bến đò kế bên chợ, chỉ cho lên một ghe tam bản nhỏ có mui, như bạn hàng tan chợ về. Đang lần dò đi tới để lên ghe, bổng nhiên có tiếng gọi tên con gái Hiền:

-          “Ê, Quỳnh Như, mầy đi đâu đó?”   

Con gái nghe kêu tên, nhìn lại, nhận ra một người bạn tiểu học cùng lớp thời bấy giờ ở Saigon. Hiền đẩy con đi nhanh lên ghe, cho khuất tầm mắt. Đúng là trái đất tròn và trời bất dung gian! Cuối cùng rồi cũng lên được chiếc “tắc”. Hiền nghĩ: “Giờ phút nầy, tới đâu thì tính tới đó, ra khỏi chợ là mừng rồi”. Ghe chèo một đổi cũng khá xa, vào một con lạch nhỏ, và tiếng người chèo ghe nói vọng vào khoang:

-          “Bà con lên ghe từ từ, cẩn thận, êm thắm.”

Nơi ghe cặp vào là một chiếc ghe bầu lớn. Vào trong khoang đã thấy lố nhố người ngồi sẳn. Sau đó, từng ghe, từng ghe một đưa người đến nén đầy khoang ghe bầu. Trời tối dần, đến đêm thì ghe bầu nhổ sào, chạy ra khỏi nơi đó, Hiền cảm thấy có gió mát lùa vào trong khoang, đoán là ghe bầu đã ra sông cái. Chạy một khoãng nữa, rồi tiếng máy giảm bớt tốc độ, dường như cặp vào bên bờ sông, nghe tiếng nói vọng vào ghe bầu, tìm hai người tài công để lên “cá lớn” trước, rồi sau đó lần lượt chuyển tất cả người lên, trong một cách vội vàng, nhanh chóng. Tất cả đều cho xuống hầm qua một lổ vuông vức, đó cũng là diện tích duy nhất để không khí lọt vào trong hầm. Hầm chứa cá mà.

Hiền và hai đứa con cũng không ngoại lệ, vì sợ lạc chúng nên luôn nắm chặt tay hai đứa nhỏ và miệng luôn thì thầm kêu tên chúng, nói với chúng để trấn an. Trong hầm tối đen, người thả xuống sau thì phải dẩm lên người ngồi trước, đạp phải nhau, la hét lung tung, làm phải có tiếng nói từ trên boong vọng xuống mới im đôi chút.

-          “Bà con có im lặng không? Tàu tuần nó đến gần thì lộ hết bây giờ, tàu chưa ra đến biển.”

Tiếng máy tàu vẩn chạy đều, nhưng trong hầm thì không khí bắt đầu quá ngột ngạt, con nít la khóc, mẹ thì vì con mà cấu véo người kế bên để dành thêm diện tích cho con mình, mà chổ trống đâu mà xích bây giờ? Hiền bị đạp lấn đủ bề, nàng cho hai con ngồi trên hai cái đầu gối của nàng, để cho tụi nhỏ được cơi cao hơn, hít thở được phần nào không khí từ miệng hầm. Ba mẹ con mà chỉ có một chổ ngồi.

Những chuyện xảy ra trên boong như thế nào, dưới hầm đều nghe, tàu tuần duyên phòng đi ngang qua ghe vượt biên, bên nầy họ phải nhá đèn làm hiệu, đội nón bộ đội lên, như mình là ghe đánh cá quốc doanh thực sự. Đúng là nín thở qua sông.

Cho đến một lúc, con trai nhỏ ốm yếu của Hiền không chịu đựng được nữa, dù đã được nàng dùng hai cánh tay thay phiên nhau đưa nó lên cao hơn, gần với miệng hầm để nó thở, nó trở nên dẹo nhẻo trên cánh tay nàng. Hiền hoãng sợ quá, nhân một lúc có người trên đó đứng gần miệng hầm, nàng la lớn lên, xin nhắn với ba nó dùm, cho nó lên trên để thở, không thôi nó chết. Một lúc sau, thằng nhỏ được người đến đem lên khỏi hầm.

Cuối cùng thì mấy người đề-lô trong sông phải từ giả trở về, bàn giao cho tài công lèo lái. Dưới hầm lắng nghe, Hiền đoán biết đã tạm ổn, nhìn đứa con gái nhỏ của nàng, cũng dần dần mệt nhiều vì thiếu không khí thở, nhưng vì thương mẹ nên chịu đựng, không rên la, nàng lấy sức chồm lên miệng hầm, nhắn xin cho con gái được lên trên boong với em nó.

Gần ra đến cửa biển, sóng bắt đầu dập vồn, mọi người dưới hầm đều được thong dong, ai không sợ biển thì lên trên boong cho thoáng mát hơn.

Chiếc ghe rời Việt Nam ban đầu cũng gặp nhiều nổi gian nan trong sông, mấy phen hú vía nhưng đều qua khỏi. Âm thầm chạy trong đêm tối, qua nhiều lần né tránh các hàng đáy, lúc gần ra cửa biển, chiếc ghe bị mắc cạn khi trời hừng sáng, rướng lên cồn cát, ai nấy đều hoãng kinh, chẵng khác gì cá nằm trên thớt. Tất cả thanh niên trên ghe nhảy xuống, dồn hết sức lực, đẩy chiếc ghe ra khỏi cạn, và ghe đã tiếp tục ra đi. Cuối cùng cũng ra được đến cửa biển khi trời đã sáng dần.

Ghe đang chạy thì nhác thấy dạng ghe đánh cá quốc doanh xa xa, kỳ nầy thứ giả gặp thứ thiệt, nên chiếc ghe nầy phải chạy hết tốc lực, để tránh bị nó ví bắt. Rồi cũng thoát. Hú hồn!

Tránh né được người, nhưng không tránh né được ông trời. Quả là như vậy, chạy được một lúc thì giông gió nổi lên ầm ầm. Sóng nào sóng nấy cao ngất ngưỡng, chiếc ghe cắt sóng mà đi, chao đảo, nhưng ý chí của hai người tài công nầy không thay đổi và suy suyển. Có lúc ngọn sóng cao làm cho chiếc ghế tài công ngồi trong phòng lái, trượt từ bên nầy qua bên kia, họ phải tìm cách đứng vững trên đôi chân để cầm lái. Họ quyết tâm ra đi để tìm một cuộc sống tự do cho chính mình và cho những người đồng hành.

Trời dần sập tối, nhưng biển vẩn động mạnh, sóng vẩn cao, ghe vẩn cắt sóng mà đi. Được một lúc, có một số người trên tàu, chứng kiến trước mắt những ngọn sóng cao, gối đầu nhau, liên tiếp phủ ập vào ghe, họ đâm hoãng, lớp bị dập sóng, say sóng nên họ yêu cầu tài công cho ghe quay trở lại đất liền, dù có bị bắt cầm tù họ cũng cam chịu. Hai người tài công phải ậm ừ với họ cho qua chuyện, không làm mích lòng ai lúc nầy. Hiền cũng vô cùng lo sợ, nhìn thấy sóng quá cao, không biết sẽ nuốt chững chiếc ghe lúc nào không hay, nhưng nghĩ rằng:

 “Ra đi là phải chấp nhận, tìm cái sống qua cái chết!” Nên nàng tiếp tục niệm kinh và giử vững đức tin qua những gì nàng đã cố gắng làm về tâm linh, xét thấy mình đã làm tất cả những gì có thể. Hai tài công cũng đã cố gắng rất nhiều, giờ thì phó mặc cho số mạng mà thôi.

Nhìn thấy ánh đèn sáng xa xa phía trước, mừng rở, chiếc ghe chạy đến gần, thì ra đó là một dàn khoan trên biển, có đông người đứng trên nhìn xuống nhưng nhìn lá cờ và dòng chử viết thì biết đó là Liên Sô, chiếc ghe lại quay đầu sang hướng khác, rời càng xa, càng nhanh càng tốt.

Trong lúc giông bảo, ghe bị sóng dập, Hiền nhìn thấy những thùng can nhựa lớn, chứa nước hay dầu máy, được cột chặt vào nhau chung quanh thành ghe, thay phiên nhau rớt xuống biển, có cả một cần xé chanh tươi cũng theo sóng nước mà ra đi. Chứng tỏ chiếc ghe nầy cũng được chuẩn bị nước uống đầy đủ, tạm cho chuyến đi biển ngắn ngày.

Đêm tối đen thăm thẳm, cơn giông dịu dần, nhưng biển vẩn là biển, vẩn sóng gió, ghe vẩn phăng phăng đi, ra hướng hải phận quốc tế, không dám men theo cận duyên, sợ gặp phải ghe hải tặc Thái Lan. Mọi người đều yên nghỉ, hết đòi hỏi quay về. Hiền nhìn hình ảnh hai tài công trong phòng lái, âm thầm chụm đầu vào nhau tính toán, giúp nhau lèo lái chiếc ghe trong bóng đêm, mà thấy thương cảm cho cả một chế độ, một thế hệ … phải đành lòng bỏ lại quê nhà hai bên cha mẹ già như vợ chồng nàng đây, bỏ quê hương đất nước mà ra đi. Dù biết bài toán nan giải, chưa biết đáp số sẽ ra sao, nhưng phải đi, tìm đường sống qua cái chết thôi, không còn sự chọn lựa nào khác.

Sang sáng thứ ba (?), (Ngồi viết hôm nay, Hiền không còn nhớ rỏ chính xác ngày, thế mới biết trí nhớ mai một với thời gian, không còn sắc bén như ngày nào, nên nay nàng phải viết ra ở cuối đời nầy, kẻo bị con Alzheimer đến kiếm) chiếc ghe cạn dầu, cần châm dầu thêm, kiếm ông cơ khí thì ông đã nằm mẹp từ bao giờ, nên phải nhờ các thanh niên khỏe mạnh giúp, các anh sốt sắng, nhưng đã không phân biệt được, can nào là can dầu, can nào là can nước. Ghe đang chạy êm, dưới hầm máy các anh châm dầu (?) vào, thì tiếng máy kêu “phụp” một cái, rồi tắt ngúm. Tài công biết ngay là châm lộn nước thay vì châm dầu. Biết sao bây giờ? Âu là định mệnh.

Hầu hết đàn ông cùng xuống hầm máy, phụ nhau tìm cách sửa chiếc ghe cho chạy trở lại. Nhưng cuối cùng thì vô vọng: nước đã vô lốc máy.

Ghe lênh đênh trên biển.

Có một điều Không-Tưởng là suốt khoãng thời gian trôi dạt, hầu hết mọi ngày, mặt biển rất thanh bình, êm như mặt hồ. Biển thương chiếc ghe mong manh, biển thương phận người vượt biển, nên biển rất ít nổi cơn thịnh nộ, không nở nhận chìm chiếc ghe nhỏ.

Hiền nghĩ nàng nói điều nầy không ngoa, nếu ai đã từng cùng đi trên chuyến ghe nầy (SP… , trại Sungai Besi, 1984) và đọc được bài, thì đã là chứng nhân cho điều kỳ diệu nầy. Chỉ có hai lần giông to, mưa lớn, giúp người trên ghe tìm cách hứng nước mưa mà uống, khi không còn nguồn nước ngọt nào. Chồng Hiền lấy poncho, làm áo mưa mang theo, ngồi ngoài trời hứng từng giọt nước mưa trên poncho, chiết vào chai nhỏ, cho cả bốn người uống từng ngụm cầm chừng.

Ngày qua ngày, thanh niên còn khỏe chia phiên nhau tát nước dưới hầm ghe, để chiếc ghe vẩn được nổi trôi …. Hầu hết người trên ghe đều lên boong, hướng mắt bốn phương trời, tìm kiếm tàu thương thuyền ngang qua mà quơ vẩy cầu cứu. Biển rất êm, cá đi từng đàn thấy rỏ dưới mặt nước, có lần nàng thấy từng đàn cá thu; từng đàn cá nhỏ, mà thịt trong suốt thấy cả xương bên trong, tên gọi cá sơn, và có cả đàn cá heo bơi lượn diểu chung quanh ghe. Các em trẻ, biết bơi, nhảy xuống biển bơi như ở piscine. Hiền thì chỉ dám ngồi trên be ghe, thòng chân xuống nước cho mát mà thôi, mắt nhìn trời cao xanh thẵm, hướng theo những vệt khói trắng nhỏ phun ra từ chiếc máy bay phản lực nào đó, mà mơ ước được đến bến bờ tự do ...


Ngày nầy qua ngày nọ, rất nhiều tàu đi ngang qua, gần có, xa có, có khi nhìn thấy rất rỏ, họ dàn hàng ngang trên tàu, đứng nhìn qua chiếc ghe, rồi đi mất hút. Họ quá đổi vô tình hay họ có lệnh của chính phủ nước họ không được nhận người tị nạn nữa. Đêm đến, cả ghe cũng không yên ngủ, gom sẳn quần áo làm giẻ vụn, sẳn sàng để đốt làm hiệu khi thấy tàu hàng nào đi ngang qua. Đã nhiều lần đốt giẻ làm hiệu, quơ vẩy đủ cách, nhưng vẩn lênh đênh. Vô vọng! Và bắt đầu cảm nhận nổi tuyệt vọng đang thành hình và lớn dần theo từng ngày trôi qua.

Có vài lần, vì quá tuyệt vọng mong tàu đến vớt, mà đã có những thanh niên trai tráng, cảm thấy còn sức lực, khi thấy những con tàu lớn đi ngang qua gần ghe, họ xin ai trên ghe còn chút thức ăn như đường … cho họ xin để ăn lấy sức. Rồi họ nhảy ùm xuống biển, bơi lấy bơi để, về hướng con tàu, với hy vọng người trên tàu thấy họ, vớt lên, để xin được cứu vớt chiếc ghe. Nhìn theo dáng họ bơi xa xa, đầu lặn hụp trên mặt biển khơi mà Hiền thót ruột, không biết họ có quay về ghe được không? Thế mới biết khi con người đã quá mức tuyệt vọng, lý trí nhường chổ cho ngông cuồng. Cuối cùng họ cũng bơi trở lại, về được với chiếc ghe lênh đênh. Hiền thở phào nhẹ nhỏm.

Thức ăn không có, nhưng nước uống phải có, nên mấy ngày đầu trôi dạt, các ông, khi ấy còn khỏe, xuống hầm máy, tìm các phụ tùng nào của ghe có thể chế biến tạm thành bình thông hơi để cất nước biển ra thành nước ngọt mà uống. Dù cất ra được rất ít ỏi nước ngọt, cả một ngày trời chỉ được chừng nữa chai xá xị, nhưng cũng giúp sống sót trên biển, chờ tàu đến vớt. Ban ngày chồng Hiền cất nước, ban đêm thì cho một gia đình, gồm ba cô cháu, mượn mà cất nước uống, tạm sống sót qua ngày. Tưỡng đâu như thế tạm yên, cho đến một đêm, đang thiêu ngủ, nghe một tiếng vang “chũm!”, một vật gì vừa rớt xuống nước, và tiếng nói của một cô vang lên, nghe như là tiếng của cô gái mà gia đình Hiền cho mượn đồ cất nước, rầy la cậu trai trẻ vì đã làm rớt dụng cụ đó xuống biển rồi! Vợ chồng Hiền nằm đó im thinh thít, không dám lên tiếng, chỉ biết thấm thía, nghĩ đến những ngày sau sẽ không còn nước ngọt để uống … Định mệnh!

Sáng hôm sau, cô ấy xin lổi, báo cho biết tin, vợ chồng Hiền nói lời thông cảm với cô, vì từ đây cả hai gia đình đều cùng chịu chung số phận “chết khát”.
Một ngày, nghe tiếng trẻ con nói, mà xót xa:

 “Bé Tài khát nước quá cô Sinh ơi. Cho bé Tài uống nước đi.”

 “Nè, uống đi.”

  “Sao cô Sinh cho bé Tài uống nước đái? Hồi nảy, cô Sinh biểu Bé Tài đái vô chai nầy, Bé Tài nhớ mà. Bé Tài hổng uống đâu.”

  “Không uống thì thôi. Cô Sinh không có nước gì khác. Bé Tài khát thì ráng chịu.”

Hiền nằm đó, nhìn hướng cô cháu họ, thấy cậu bé Tài dể thương kia, đang cầm cái chai có chút nước màu vàng mà hớp một cái. Nó nhăn mặt, nhưng cũng nuốt vô để thỏa mản cơn khát lúc bấy giờ. Bé Tài lúc đó vào khoãng ba, bốn tuổi gì đó. Cô Sinh quay qua Hiền nói:

 “Không còn gì cả, em phải để dành lại nước đái của nó, ngừa khi nó khát, đòi uống thì em có mà đưa”.

Thế mà sau đó vài ngày, trời đổ xuống hai lần, cho hai trận mưa lớn, nên khỏi chết vì khát: Số mạng.

Hiền nhìn thấy mây đen vùn vụt đến từ xa, cuối chân trời, thói thường thì phải lo sợ vì chiếc ghe chết máy, lênh đênh, có thể bị nhận chìm, nhưng Hiền lại vui vì sắp có nước uống rồi. Mưa lớn mịt mù, trắng cả không gian biển, chiếc ghe chòng chành, chao qua chao lại, ông xả Hiền lại ra giữa boong, đội poncho, ngồi chịu khó hứng được một ít nước mưa, nhờ vậy mà uống cầm chừng từng ngụm nhỏ, cho đến những ngày cuối cùng, khi đã kiệt sức vì khát, thì cũng là lúc các vị ân nhân đến cứu mạng.

Ngày qua, ngày lại, không biết đến ngày thứ mấy, ghe vẩn lênh đênh, không biết trôi dạt đến đâu, nhưng chắc chắn là chiếc ghe nằm ở vị trí tuyến đường thương thuyền quốc tế qua lại, vì vẩn có rất nhiều tàu đi ngang qua, chỉ là họ không muốn vớt chiếc ghe nầy mà thôi. Có lần thấy một chiến hạm ngang qua, trên boong, cả một nhóm, mặc toàn quân phục trắng như Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, dàn hàng ngang nhìn sang chiếc ghe, xa xa họ chỉ đứng nhìn mà thôi, và rồi cũng đi mất hút.

Có các anh còn khỏe, đói quá chịu không nổi, tìm cách làm cây mác đâm cá, gốc gác họ ở vùng biển nên họ rất thành thuộc, họ chỉ cách cho ai muốn bắt cá. Hiền khuyên ông xả không nên làm theo, vì trước lúc ra đi, ngày nào nàng cũng phóng sanh, thì không vì cớ gì mà bây giờ đang gặp nạn giữa biển, mình vướng vô sát sanh. Chết thì chịu thôi. Chồng nàng nghe theo lời khuyên.

Thế nhưng, một miếng khi đói bằng một gói khi no, khi anh bạn tài công ngồi trên mui ghe, kêu ông xả, đưa cho một con cá nhỏ vừa mới xiên được, cho gia đình Hiền có hai con nhỏ, đang đói lả, được nhấm chút ít chất protein đở dạ. Cám ơn anh đã có lòng chia xẻ.

Anh là người bạn duy nhất của ông xả trên ghe, đồng cảnh ngộ, đồng chí hướng ra đi và cũng đồng tâm ý phóng sanh, cầu mong cho chuyến đi được đến bến bờ. Vì thấu hiểu được sự cộng nghiệp khi đi cùng một chuyến ghe đông người, nên Hiền đã giải thích rỏ cùng anh, trọng trách nặng nề của tài công khi lèo lái ra đi, nắm trong tay bao nhiêu là sanh mạng; đi chung với một nhóm đông như thế thì cộng nghiệp là một điều khó mà tránh khỏi … Nên phóng sanh để giải bớt nghiệp chướng là điều cần làm, anh đồng ý và đã góp phần, giao phó việc phóng sanh cho Hiền, với toàn tâm, toàn ý và tự nguyện.

Nhiều ngày lênh đênh giữa biển khơi như vậy, lòng thành, niềm tin vào Đạo Pháp của Hiền cũng bị suy suyễn, dù vẩn âm thầm niệm kinh hằng ngày, nhưng mỗi khi thấy tàu lớn ngang qua mà họ lơ đi, nàng bị hụt hẩng, và dần cảm thấy tuyệt vọng.

Cho đến một buổi chiều, cả ghe đồng reo lên, kinh ngạc, pha lẩn chút gì vui mừng, vì sự hiện diện của một con chim sẻ nhỏ bé, đậu trên chóp mủi ghe.
Một điều kỳ lạ Không-Tưởng, giữa biển khơi.

Con chim sẻ chỉ ở với chiếc ghe vài giờ rồi bay đi, nhưng đã đem đến một nguồn sinh khí mới, một niềm hy vọng cho cả ghe. Một điềm lành.

Không ai có thể biết được tâm trạng Hiền hân hoan, vui như thế nào. Cuối cùng, lòng thành của nàng, pháp phóng sanh vi diệu, đã được thực chứng nơi con chim nhỏ bé nầy. Hiền thầm cảm tạ chư Phật Mười Phương. Nhớ những ngày đạp xe qua Lăng Ông Bà Chiểu mua chim phóng sanh; những buổi sáng đi chợ, Hiền dành tiền mua tép còn sống, những con ốc, lên cầu gần chợ, thả xuống phóng sanh, tất cả với niềm tin vô biên cho một đời sống tự do. Nhưng giờ đây, còn bao lâu nữa ghe mới được cứu vớt?

Một buổi sáng, Hiền nhìn ông xả mắt nhắm, nằm dài trên chổ để hải bàn trong phòng lái, không còn đứng dậy đi đứng nữa, nàng rất lo sợ, biết là anh đã kiệt sức rồi, không ăn uống nhiều ngày như vậy, sức lực nào mà còn? Nàng đứng cạnh bên, lo lắng, hỏi chồng một cách tuyệt vọng, hỏi chỉ để mà hỏi thôi, và cũng để muốn nghe anh trả lời, biết anh vẩn còn đó với Hiền:

 “Sao chưa thấy tàu nào vớt ghe mình hết vậy anh? Bố nói mình đi được mà.”

 “Ráng giử vững đức tin đi!” Ông xả Hiền trả lời, mà mắt vẩn nhắm.

Đột nhiên, ngoài boong có tiếng la lên:

 “Máy bay, bà con ơi. Mau lạy, vẩy tay đi. Càng đông càng tốt. Đàn bà con nít đâu ra đây.”

Hiền vội chạy ra phía ngoài, nhìn lên, thấy một chiếc máy bay nhỏ, loại Cessna, bay trong tầm mắt nhìn, không cao lắm, đang lượn vòng vòng quanh chiếc ghe.

Mừng quá, nàng chạy vào cho ông xả hay tin.

Rồi lại chạy ra, nhìn lên máy bay, lần nầy thấy rỏ được có người trên đó đang xem ống dòm nhìn xuống chiếc ghe. Lòng mừng khấp khởi, Hiền hiểu rằng, chiếc ghe nàng sẽ được cứu vớt. Sau khi lượn thêm vài vòng, chiếc máy bay Cessna mất hút về chân trời.

Nàng nhìn thấy tất cả người trên ghe lúc đó, quỳ xuống trên boong chấp tay lạy lia lịa, vẩy tay với lên hướng máy bay, với hy vọng viên phi công trên đó phần nào cũng hiểu được chiếc ghe nầy đang gặp nạn trên biển.

Hiền chạy vào phòng lái, nói với chồng:

 “Nó bay đi rồi, nó cũng thấy mình, chắc mình sẽ được cứu, phải không anh?”

 “Như vậy là được rồi, nó sẽ tìm cách cứu vớt mình, chờ thôi!” Ông xả vẩn nằm dài mà trả lời nàng.

Kể từ phút đó, ai cũng ngóng nhìn, trên trời, trên mặt biển.

Rồi, Hiền nhìn thấy một chấm đen rất nhỏ xuất hiện ở cuối chân trời. Nàng tiếp tục theo dỏi, từng lúc từng lúc, thấy chấm đen đó càng lớn dần, hiện rỏ hình dáng một chiếc tàu và đang hướng về chiếc ghe nàng. Nàng lại chạy vào, báo tin cho ông xả:

 “Dường như có tàu tới cứu mình, anh ơi. Anh ráng ngồi dậy đi anh.”

Và Hiền lại chạy ra ngoài, nàng tiếp tục quan sát, lần nầy lại thấy chiếc Cessna ban nảy xuất hiện trên bầu trời đàng xa, bay trên đầu chiếc tàu lớn, cả hai đều hướng về chiếc ghe. Cả ghe reo hò, mừng rở. Tiếng ù ù của chiếc Cessna đến gần hơn, lúc nầy Hiền mới bình tỉnh nhìn và thấy được hàng chử trên thân máy bay: US Navy, khi nó lượn vòng vòng quanh chiếc ghe. Khi đó nàng cũng đoán hiểu được, chiếc Cessna bay đi tìm tàu thương thuyền nào gần đó, hướng dẩn đến cứu giúp chiếc ghe trôi dạt nầy.

Chiếc tàu đến gần hơn, hiện ra là một chiếc tàu thương thuyền lớn. Còn cách chiếc ghe một đổi thì tàu ngừng lại, thả xuống một chiếc xuồng cao su nhỏ, có người cầm loa ngồi trên. Xuồng máy đến gần chiếc ghe lúc nhúc người, dùng tiếng Anh hỏi xem có cần thức ăn hay dầu, họ sẽ cung cấp cho.

Trên ghe nghe vậy, liền cử cô Ngọc đại diện trả lời, yêu cầu được cứu vớt vì máy ghe đã hư hỏng, đã trôi dạt nhiều ngày qua. Họ đồng ý cho cô lên xuồng máy, trở lại tàu gặp Thuyền Trưởng trình bày. Chiếc máy bay vẩn tiếp tục bay vòng quanh khu vực ghe và tàu.

Khi cô Ngọc trở lại ghe báo tin: “Sau khi biết rỏ tình trạng chiếc ghe, đồng thời Thuyền Trưởng cũng liên lạc với viên phi công, họ chấp thuận sẽ vớt chiếc ghe vượt biển nầy”.

Người trên ghe, nghe tin xong, như chết đi sống lại, người chảy nước mắt ràn rụa, người sụp lạy trời đất … Ông xả Hiền lúc đó gượng ngồi dậy và ôm vợ con mà ngả nghiêng, đứng không vững:

 “Mình sống rồi!”

Nhanh chóng, chiếc tàu di chuyển đến gần ghe. Họ điều người của họ qua ghe, giúp đở từng người một leo lên thang dây để lên tàu. Tay chân Hiền bủn rủn, không còn sức lực, phải có người dìu vịn mới lên được tàu. Trời chiều đã sẩm màu, chiếc ghe chìm dần dần, từ từ xuống khuất khỏi mặt nước biển, khi mọi người đã lên được tàu.

Đêm đó, được nằm duổi tay chân trên boong tàu thương thuyền, nhìn lên bầu trời trong, dưới ánh trăng rằm, tròn, vành vạnh sáng, mà chưa bao giờ trong đời Hiền được nhìn thấy một trăng tròn lớn như thế, sáng như thế.                                                                   

Nằm giữa biển trời bao la, cảm nhận được sự bảo bọc an toàn của chiếc tàu thương thuyền, hoàn toàn khác với đêm trước, nằm trên ghe lênh đênh trôi dạt, nàng thầm niệm kinh cảm ơn Chư Phật độ trì, tự nhủ:

 “Chúng tôi đươc sống rồi!” Và kìa:

 “Ánh trăng Tự Do!” Sau chín năm, mới có được sự Tự Do trở lại.

Thật là như vậy, làm sao có được diễm phúc ngắm trăng sáng, tròn, giữa đại dương mênh mông bao la, không có gì áng ngữ che tầm mắt, mà chỉ thuần một con trăng tròn mà thôi.

Đức tin của Hiền càng mạnh mẽ hơn, khi ngay đêm sau, thủy thủ đoàn ra boong di chuyển tất cả thuyền nhân vào bên trong những hốc nghách nào có thể, sát cạnh vách tàu; họ cho biết là một cơn bảo lớn sắp đến. Hiền nghe xong mà rùng mình, cảm nhận được số mạng, đất trời thay đổi chỉ tích tắc mà thôi, nếu không có chiếc tàu ân nhân nầy, cứu vớt chiếc ghe, đem lên tàu đêm trước, thì tất cả chín mươi bảy thuyền nhân nầy có lẽ đêm nay phải nhận đại dương là mồ chôn thân.

Sau nầy đến trại Sungai Besi, khi vào phỏng vấn, được Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Mã Lai cho biết, chiếc ghe của nhóm mang tên: SP--- , chỉ ở tạm cư tại trại trong khoãng ba tháng mà thôi, tất cả đều phải định cư, bằng mọi cách: thân nhân bảo lảnh hay diện nhân đạo …   Bà ấy cũng cho biết thêm rằng, viên phi công chiếc máy bay Cessna đã đồng ý với chiếc tàu thương thuyền rằng, con tàu cứ đến vớt thuyền nhân lúc đó, mà không phải chịu trách nhiệm về vấn đề định cư, mọi lo liệu về sau sẽ do viên phi công của chiếc máy bay Cessna - US Navy chịu trách nhiệm, và liên lạc với Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Tế Về Người Tỵ Nạn (UNHCR).

***
Nhân đây, tôi cũng muốn xin nói thêm rằng:

 “Rất tri ân hai viên phi công người Mỹ trên chiếc Cessna, dù các ông hiện giờ còn hay đã mất, chúng tôi vẩn không quên hai ông, lúc đó đã có lòng nhân từ, thương xót đến chiếc ghe nhỏ bé hoạn nạn trên biển, thương xót cho một dân tộc phải ra đi vượt biển tìm tự do, đánh đổi bằng cả mạng sống. Đã có những người Mỹ như hai ông đây, dù cuộc chiến đã tàn, nhưng vẩn không quên con dân của một nước Việt Nam Cộng Hòa, và hơn hết các ông đã cho chúng tôi mạng sống vô giá trên biển.”

 “Cũng không quên tri ân vị thuyền trưỡng giàu lòng nhân đạo và thủy thủ đoàn, người Đại Hàn, của chiếc tàu thương thuyền (Pearl Ocean (?) đăng ký Panama) đã mở lòng đón cả trăm người chúng tôi lên tàu, quan tâm chăm sóc chúng tôi từng miếng ăn, cho đến ngày rời tàu tại cảng Penang, Mã Lai. Thử nghĩ, khi không mà trên tàu có thêm một trăm người bất ngờ đến sinh hoạt, thay đổi nếp sống hằng ngày của một chiếc tàu bình thường, thì lại cũng là một sự Không-Tưởng, nhưng họ đã làm rất tốt với đầy ắp tình người. Khi đưa tiển, ai cũng rơi nước mắt, dù chỉ có vài ngày gặp gở.”

Tôi xin tán thán công đức của các vị ân nhân, dù có muộn màng, tôi không có cách nào đền ơn các vị trong đời nầy, nhưng các vị đã cho tôi niềm tin mãnh liệt vào Đạo Pháp của tôi. Tôi không trả ơn trực tiếp đến các vị được, nhưng xin trả ơn gián tiếp qua các việc thiện mà tôi làm, tiếp nối tinh thần nhân ái bất-vụ-lợi. Các vị luôn là những tấm gương quý giá về Tình Người, Lòng Nhân Từ, áp dụng trong tất cả mọi hoàn cảnh sống./.
 
BẠCH ĐẰNG.
Tháng Tư, năm 2021.
 

Ý kiến bạn đọc
02/05/202114:45:30
Khách
(Trích ) Một trong những người đứng đầu phe phản chiến là ca sĩ người Mỹ Joan Baez. Bà đã đến tận các trại thuyền nhân tỵ nạn để tìm hiểu tại sao VN “hòa bình” rồi mà hàng hàng lớp lớp người vẫn vạch đường máu để ra đi? Bà đích thân đi “điều tra”, tìm hiểu sự thật từ các trại tị nạn tại Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai, và Indonesia …Joan Baez đến Air Raya, mời họp các người tị nạn. Họ viết đơn nói rõ lý do ra đi. Joan đã nghe tận tai những sự thật tàn bạo trong xã hội và nhà tù CSVN sau 75.
Sau khi thu thập được những chứng cứ từ thuyền nhân qua các trại tỵ nạn, Ca sĩ Joan Baez ôm hết chồng hồ sơ từ các trại tị nạn về Hoa Thịnh Đốn, bắt tay vào những việc làm thiết thực, cụ thể là bà kêu gọi những người trong hàng ngũ phản chiến cũ cùng ký tên vào một thư ngỏ “Open Letter to the Socialist Republic of Vietnam” gởi nhà cầm quyền CSVN. Thư ngỏ đó có được 78 chữ ký của những nhân vật phản chiến nổi danh, và đã đăng trên tờ The New York Times số ra ngày 1/5/1979. Trong thư có những đoạn như sau:

“ ...Nhiều tin tức được xác nhận đang xuất hiện trên báo chí thế giới, từ báo Le Monde và The Observer đến Washington Post và Newsweek. Chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện của những người đến từ Việt Nam – công nhân và nông dân, các nữ tu Công giáo và tu sĩ Phật giáo, các thuyền nhân, văn nghệ sĩ và các nhà chuyên môn cũng như những người đã từng chiến đấu bên cạnh Mặt trân giải phóng.
– Các nhà tù đang tràn ngập với hàng ngàn đến hàng chục ngàn “tù nhân”.
– Nhiều người bị mất tích và không tìm được tông tích.
– Nhiều người bị đưa đến các trại cải tạo, cho ăn bằng những khẩu phần gạo chết đói, buộc phải ngồi với cổ tay và cổ chân bị trói chặt, đến ngạt thở trong các thùng connex.
– Nhiều người bị dùng như những vật dò tìm bom mìn, dọn các bãi mìn bằng tay chân trần trụi.
….chúng tôi phải lên tiếng phản đối sự bất chấp đến tàn bạo về nhân quyền của quý vị.
Chúng tôi kêu gọi quý vị hãy chấm dứt ngay việc bỏ tù và tra tấn – cho phép một nhóm quốc tế gồm các nhà quan sát trung lập được đến để thanh tra các nhà tù và trung tâm cải tạo của quý vị.
Chúng tôi khuyến cáo quý vị nên tuân theo các nguyên tắc của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà đất nước quý vị là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, đã cam kết phải thi hành.
Chúng tôi khuyến cáo quý vị nên xác định lại cam kết mà quý vị đã tuyên bố về các nguyên tắc về tự do và phẩm cách con người… để thiết lập một nền hoà bình thật sự tại Việt Nam...
02/05/202114:36:08
Khách
Nhà văn đến từ miền Bắc Dương Thu Hương đã viết : Chiến tranh Việt-Mỹ đã qua, nhưng sau đó không lâu cái tên Việt Nam lại dội lên trên các kênh thông tin quốc tế. Lần này, là một thứ ồn ào dơ dáy. Chẳng còn là người anh hùng bé nhỏ dám đương đầu với đế quốc Mỹ mà là tác giả của Những Khổ nạn Thuyền Nhân. Ở châu Âu, phái đoàn Việt Nam không còn được chào đón bằng cờ và hoa mà bằng cà chua và trứng thối. Tôi nhớ rằng lần đi châu Âu, ông Võ Văn Kiệt đã hứng trọn một quả trứng thối vào giữa mặt , còn đến lượt ông Phan Văn Khải thì thoát nạn nhờ sự bố trí, dàn cảnh công phu của cảnh sát Pháp....
01/05/202114:30:32
Khách
Trái đất nhỏ hơn là bạn nghĩ "The World is Smaller Than You Think " .

Nhạc sĩ Tuấn Khanh kể lại câu chuyện của nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn :

Vài năm sau tháng Tư năm 1975, khi nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn tốt nghiệp thủ khoa ngành sư phạm ở Nha Trang, bạn bè rủ nhau vui mừng lên bục nhận bằng, thì hiệu trưởng đến bên, ghé tai buồn rầu nói với anh Tuấn "Con đừng lên nhận bằng. Công an đã đến tịch thu bằng vì nói gia đình con có vấn đề về lý lịch và có người đi vượt biên".

Nhiều năm sau, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn lang thang khắp các bờ biển miền Nam để tìm đường ra khỏi nước. Rồi anh bị bắt trong một chuyến âm mưu vượt biển.

Ở trại tù nhốt người vượt biển tại Phú Yên, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn bị một cai tù tàn ác luôn tìm cách đẩy anh vào lao khổ, thậm chí dù biết anh là giáo viên, vẫn bắt anh làm công việc mỗi ngày phải hốt phân, gánh đi đổ cho cả trại.

Đó là thời gian như địa ngục. Thân thể của anh có tắm bao nhiêu lần cũng không hết mùi hôi, và những vết thương nhỏ nhất cứ lở loét chứ không thể lành.

Chuyến đi vượt biển thứ 27, cuối cùng, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn đến được Úc. Anh xin nhận thêm công việc tiếp nhận và giúp đỡ những người tỵ nạn mới đến, như trả ơn cho những ngày tháng tự do của mình.

Một đêm nọ, nghe tin có một chuyến tàu vượt biên vừa đến. Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ra nơi tiếp nhận. Khi đang đi lướt qua những người vừa cập bến, anh bất chợt nhìn thấy một gương mặt quen thuộc mà anh khó có thể quên trong đời: đó chính là viên công an cai tù đã hành hạ anh. Sững người nhìn viên cai tù ấy, ngược lại, nhân vật đó cũng bối rối quay mặt đi, né cái nhìn của anh Tuấn.

Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ôm đầu suy nghĩ suốt nhiều giờ, rồi chọn cách gặp riêng nhân vật cán bộ cai tù đó để hỏi thẳng rằng hắn muốn gì khi đến đây. Chỉ cần một lời tố cáo của anh, cán bộ đó có thể bị trục xuất về Việt Nam, hoặc sẽ bị chính quyền sở tại bắt giữ và đưa ra toà vì tội từng tra tấn và hành hạ tù nhân.

Sợ hãi và tuyệt vọng, viên cán bộ thú thật là hắn đã lỡ yêu một người phụ nữ đã có gia đình là "Mỹ Nguỵ" nên không còn cách nào khác là từ bỏ tất cả, cùng người yêu vượt biển, mà không ngờ có kết cục như hôm nay.

Khi kể cho tôi nghe chuyện này, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ngừng giây lát, rồi nói rằng "không biết bây giờ tay đó sống ở đâu đó, trên nước Úc này".

Anh đã im lặng và điền hồ sơ cho viên cán bộ cộng sản đó cùng người yêu của hắn tỵ nạn ở Úc. Vết thương chưa bao giờ lành của anh, một người bị hành hạ trong trại giam cũng như bị xô đẩy ra khỏi đất nước mình, cũng đã thanh thản chữa lành với lòng tha thứ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 692,872
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nếu bạn dang sống ở một nơi nào đó trên đất Mỹ , thì thật khó mà rời bò nơi đó và thường cho rằng "an cư rồi mới lạc nghiệp"! Tôi thì lại suy nghĩ khác, luôn tính đi tính lại để tìm một nơi đáng sống . Từ bên trời Âu, khi có ý định di dân qua Mỹ, tôi cũng đã đi gần hết những thành phố lớn của nước Mỹ, rồi sau cùng mới quyết định chọn Houston để an cư từ năm 1990 đến nay. Con gái tôi, từ khi ra trường và làm việc cho Google, đã đóng góp rất nhiều cho Google Maps và nhất là Google Search. Cũng vì thích Google Search nên một hôm tôi vào Google Search để tìm kiếm xem một nơi nào đó có đời sống và nhà cửa rẻ nhất nước Mỹ.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Người ta thường nói: “Trâu chậm uống nước đục”, tuy vậy ở đời có những cái chậm lại hóa hay. Có người vì chậm mà không phải lên chuyến tàu định mệnh, hoặc vì chậm mà tránh được chuyến bay tử thần, chuyến bay một đi không trở lại bao giờ, cũng có khi vì chậm mà tránh được chuyến xe đi vào vĩnh viễn… Trong số hàng triệu người ly hương, có nhiều kẻ vì hay bị chậm mà lại hóa hay, lại may mắn hơn, hưởng nhiều lợi lạc hơn những người đi trước. Những kẻ đi sau diện ODP, diện đoàn tụ gia đình, hoặc qua đường hôn nhân… đều là những kẻ an nhàn hơn, may mắn hơn, đi bằng máy bay, không phải vượt biên bằng tàu thuyền hay băng đường bộ. Những lớp người vượt biên trải qua chín chết một sống, lao vào cõi chết để tìm sự sống…
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
Hầu như ai cũng biết Châu Mỹ mới được ông Kha Luân Bố (Columbus) tìm ra vào thế kỷ thứ 16. Trải qua nhiều cuộc di dân từ Âu Châu, mỗi nước chiếm cứ một vùng. Anh – Pháp nhận vùng Bắc Mỹ, Tây Ban Nha- Bồ Đào Nha di dân đến vùng Trung và Nam Mỹ...Sau này mới phân chia ranh giới và thành lập các quốc gia, theo hình thể địạ lý như hôm nay. Bởi vậy Hoa Kỳ và Canada nói tiếng Anh là chính, nhưng vẫn có nhiều khu vực nói, viết và chịu ảnh hưởng văn hoá Pháp. Trong khi từ Mễ Tây Cơ trở xuống phía Nam, nói – viết tiếng Tây Ban Nha. Và dĩ nhiên cũng bị ảnh hưởng của nền văn hóa nước này.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Đây là bài mới nhất của Ông.
Một buổi chiều chớm Thu vùng sa mạc Arizona, khi nắng vàng nhạt dần trong không gian, cái nóng dịu đi dưới những áng mây vừa kéo về đan vào nhau như những tảng bông gòn trắng xám giăng trên bầu trời xanh. Vợ chồng tôi cùng với con chó nhỏ thân yêu Sacha cùng nhau đi bộ dưới những tàng cây Palo Verde tuyệt đẹp, dẵm lên những cánh hoa vàng rực rỡ trải đầy trên lối đi. Vài cơn gió nhẹ thổi những bông hoa rụng dạt qua hai bên đường, tạo thành con đường vàng hoa uốn lượn quanh co qua lối đi, song song với con lộ chính. Hàng cây xanh rực rỡ sắc hoa vàng nghiêng mình bên đường đi, tỏa bóng mát trên con đường nhỏ men theo những dãy nhà xinh xắn ẩn mình trong khu xóm hiền hòa chúng tôi đang sống.
Tác giả định cư tại Seattle từ 1975, đã hồi hưu sau khi phục vụ trong ngành xã hội tiểu bang nhiều năm. Bài viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Đặng Bắc Ninh cho thấy cách viết chừng mực mà sống động. Đây là “chuyện thật trong gia đình về Mẹ Chồng Nàng Dâu trên đất Mỹ,” tác giả cho biết. Mong Bà vẫn tiếp tục viết thêm.
Những ngày đầu thực tập ở trường y khoa, tôi thường được giao một trách nhiệm là đón những bệnh nhân vào làm thủ tục cần thiết trước khi đưa họ lên phòng trình bày bệnh án cho các bác sĩ khác trong chuyên khoa tôi đang thực tập. Cả mấy tuần nay, hằng ngày tôi thường kiên nhẫn đứng trước cổng bệnh viện để chờ đón bệnh nhân. Nhưng sáng nay, tôi không khỏi ngạc nhiên và tò mò khi lật qua tập hồ sơ của người bệnh mà tôi đang chờ đón vì bà đến để chữa bệnh mù ở một khoa viện dành riêng cho những người mang bệnh tâm thần. Những thắc mắc ấy cứ lẩn quẩn mãi trong đầu cho đến khi vào tận phòng khám tôi mới giật mình khi thấy các bác sĩ thực tập khác đều hướng mắt nhìn tôi một cách khẩn khoản vì sự chậm chạp do sự phân tâm của tôi.