Hôm nay,  

Món Quà Vô Giá Trong Ngày Lễ Halloween

30/10/202000:00:00(Xem: 5393)
HINH VIET VE NUOC MY

Hình minh họa Halloween.


Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ... ăn tiền già. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
 
***
 
Trong phòng hồi sinh của một bệnh viện nổi tiếng tại Chicago, bà Anderson vẫn ngồi im lìm bất động. Bà đã ngồi như thế mỗi ngày gần 10 tiếng, trong suốt hơn một tuần lễ. Ở nơi bà, có lẽ sự sống chỉ còn biểu hiện qua đôi mắt luôn dán chặt trên chiếc máy đo tim với những nhịp tim đập thật yếu ớt được đặt sát cạnh chiếc giường của bệnh nhân, và trên giường là một cô bé chỉ khoảng 7 tuổi.Đôi mắt nhắm nghiền trên khuôn mặt xanh xao nhưng rất thanh tú với những lọn tóc vàng óng ả, cô bé đẹp như một thiên thần,  đó  cũng chính là  Lenna,  cô con gái yêu dấu bé bỏng duy nhất của bà. Bà Anderson khẽ đưa tay mân mê những ngón tay mảnh mai xinh xắn của con gái, chung quanh cô bé chằng chịt những dây nhợ nối với máy trợ tim, bọc nước biển, bình oxygen.Đây là một trong những căn phòng của nhà thương được trang bị đầy đủ tất cả mọi dụng cụ cùng máy móc y khoa hiện đại nhất.Chi phí của  một ngày cho căn phòng này rất cao, chưa kể tiền thuốc men hay những phụ phí khác, nhưng đối với bà Anderson bây giờ chỉ có sự sống của bé Lenna là trên hết, bà  sẵn sàng đổi cả tài sản, sự nghiệp, và thậm chí cả sinh mạng của bà nếu có thể, để cứu lấy mạng sống của Lenna.Bà đã khóc và quỳ hàng giờ trong những ngôi nhà nguyện khấn xin thượng đế hãy chấp nhận lời khẩn cầu cho cô con gái bé bỏng đáng yêu của bà được sống lại, và nếu điều này xảy ra, thì đó chắc chắn phải là một phép lạ nhiệm mầu vì bé Lenna đang chờ được ghép tim.
 
 Ông bà Anderson là hai luật sư rất thành đạt trong tổ hợp luật sư nổi tiếng của thành phố Chicago. Ra trường với bằng tiến sĩ luật khoa từ đại học Harvard, ông Anderson nhanh chóng thành công với những vụ kiện tụng lớn của  thành phố. Trong một buổi họp tại  New York, ông đã gặp bà Anderson lúc đó chỉ là một luật sư mới ra trường. Một năm sau đó ông bà kết hôn. Cuộc đời luôn đãi ngộ  ông bà, tiền tài danh vọng sự  nghiệp là những thứ ông bà luôn nắm trong tay. Khi bé Lenna ra đời, gia đình ông bà thật viên mãn, tràn trề hạnh phúc.Nhưng cuộc đời có bao giờ đẹp như mơ mãi đâu,khi Lenna được 5 tuổi, một buổi sáng, mãi mãi suốt đời bà Anderson không thể nào quên được buổi sáng định mệnh đó,khi cô bé đang sửa soạn đi  học, bỗng cô nói với bà cô cảm thấy tức ngực, khó thở, trước khi bà có thể bước tới, Lenna đã ngã khụy xuống đất. Trong nhà thương hiện đại nhất của Chicago, sau hàng loạt những công việc cứu cấp và hồi sinh, bé Lenna  đã được cứu tỉnh, nhưng Doctor Thomas, vị bác sĩ trưởng khoa của bịnh viện đã thông báo cho ông bà một tin buồn, với một giọng nói từ tốn  nhưng không dấu nét lo âu, ông nói:
 
- Một van tim của cháu không đóng mở bình thường. Đó là lý do tại sao cháu ngất xỉu sáng nay, và chuyện đó bây giờ có thể xảy ra thường xuyên hơn, với sự tiến bộ vượt bực trong ngành y khoa ngày nay, chúng ta có thể cài đặt một van tim  nhân tạo thay thế van tim của cháu.
 
 Bỗng bác sĩ Thomas ngập ngừng, ông khó khăn nói tiếp:
 
- Nhưng cuộc giải phẫu đó chỉ có thể thực hiện được nếu cháu lớn hơn một chút, ít nhất cũng phải trên 10 tuổi.
 
Bà Anderson bật khóc thành tiếng khi nghe điều đó. Khá bình tĩnh hơn vợ, ông Anderson cố gắng hỏi:
 
- Như vậy, bây giờ chúng tôi phải làm sao?
 
- có lẽ tất cả những sinh hoat hằng ngày của Lenna phải được giới hạn tuyệt đối, nhất là PE trong trường của bé. Nói chung, cháu phải tránh những hoạt động mạnh, và nhất là những cảm xúc mạnh, hy vọng chúng ta sẽ có đủ thời gian để thực hiện cuộc giải phẫu này cho bé.
 
Bác sĩ Thomas trả lời với một nụ cười đầy  chia xẻ và thương yêu.
 
- Nhưng chúng ta còn một giải pháp nào khác hơn không, thưa bác sĩ, bà Anderson nghẹn ngào  hỏi.
 
- Có chứ, một giải pháp mà Lenna không cần phải đợi lớn hơn, đó là ghép tim, Tuy nhiên để thực hiện được cuộc giải phẫu này, chúng ta cần phải có một trái tim.
 
Bác sĩ Thomas vụt ngừng ngang, ông cảm thấy tim ông chợt như thắt lại, vì chính ông cũng hiểu rất có thể cuộc giải phẫu này sẽ chẳng bao giờ có thể xảy ra.
 
Nhìn khuôn mặt nhạt nhòa nước mắt của bà Anderson và nét đau khổ tuyệt vọng  trên khuôn mặt ông Anderson, bác sĩ Thomas nắm tay ông bà, ông cất tiếng an ủi: 
 
- Với kinh nghiệm hơn 40 năm trong công việc này, tôi đã gặp nhiều tình trạng thật bế tắc và nhiều tình huống còn tuyệt vọng hơn nhiều, nhưng rồi có những sự việc xảy ra mà khoa học vẫn không cắt nghĩa được, tôi cho đó là những phép lạ nhiệm mầu. Điều cần thiết mà chúng ta cần làm hôm nay là CẦU NGUYỆN.
 
 Rồi thời gian trôi qua, Lenna đã  hơn 7 tuổi. Trong suốt 2 năm đó  cô bé được bảo bọc và chăm sóc một cách thật đặc biệt. Sợ những rủi ro có thể xảy ra cho cô con gái bé bỏng, bà Anderson mướn giáo sư đến tận nhà dạy dỗ cho cô bé. Dự án thay tim vẫn đang  được xúc tiến. Với khả năng tài chánh của ông bà, cùng với sự tiến bộ vượt bực trong lãnh vực  thông tin điện toán, tên tuổi và tình trạng sức khỏe của Lenna đã được gởi đi hầu hết các nhà thương trên toàn thế giới, nhưng suốt 2 năm qua vẫn chỉ là sự chờ đợi. 
 
Tuần trước Lenna đã ngất xỉu, và tại nhà thương này sau những cuộc thử nghiệm, bác sĩ Thomas đã xót xa thông báo cho bà biết van tim của Lenna không còn hoạt động nữa, ông khẽ nói:
 
-Hiện tại lúc này, cháu đang thở và sống bằng máy trợ tim, có lẽ bây giờ chúng ta chỉ còn hy vọng và chờ đợi mà thôi.
 
 Và như thế, bà Anderson đã đến đây mỗi ngày, ngồi hàng giờ đau khổ và bất lực nhìn con gái yêu dấu mỗi ngày một xa dần xa dần khỏi vòng tay thương yêu của bà.
 
 Tiếng người nói lao xao khiến bà Anderson bừng tỉnh, vậy là bà đã chợp mắt ngủ gật bên giường Lenna. Ngồi thẳng lên, bà  giật mình vì căn phòng có quá nhiều người, chồng bà, bác sĩ Thomas, và vài cô y tá. Bà bỗng chợt hiểu ra, bà thảnh thốt nói, giọng bà ngập sũng nước mắt:
 
-Xin đừng , xin đừng rút máy, hãy cho tôi và nhất là cháu Lenna thêm thời gian nữa.
 Ông Anderson bước đến bên bà, ôm chặt vợ trong tay, ông dịu dàng nói:
 
- Không có chuyện rút máy, em đừng lo lắng, bác sĩ Thomas có chuyện muốn nói với em. 
 
Đứng giữa phòng, tiếng nói của bác sĩ Thomas vang lên thật trầm ấm: 
 
- " Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
",  Chúng tôi vừa nhận được tin từ Việt nam, có một cô bé vừa từ trần. Cô bé cũng trạc tuổi  Lenna, điều kỳ diệu là điều kiện sức khỏe, loại máu của cô bé đó hoàn toàn phù hợp với Lenna. Ngay ngày mai, có lẽ phái đoàn y tế VN sẽ chuyển trái tim đến đây, và nếu không có gì trở ngại, cuộc giải phẫu thay tim cho Lenna sẽ được tiến hành ngay tối mai.
 Bà Anderson trân trối nhìn chồng, rồi bỗng bà bật lên khóc nức nở.Ôm bà trong tay, mắt ông hình như cũng loang loáng nước.
 
 - Có một điều này mong ông bà giúp  đỡ chúng tôi, giọng nói của bác sĩ Thomas khá đắn đo, phái đoàn y tế VN có một thỉnh cầu là mẹ của cô bé bất hạnh đó muốn được có mặt tại đây trong suốt cuộc giải phẫu thay tim.Chúng tôi chưa trả lời vì còn đợi sự chấp thuận của ông bà.
 
 Bà Anderson xúc động nói:
 
- Đó thật là một ý tưởng tuyệt vời, vả lại, chúng tôi cũng muốn được gặp vị đại  ân nhân đó.
 
 Tiếp lời vợ, ông Anderson vui vẻ nói:
 
- Và những chi phí xin bác sĩ đừng lo lắng, chúng tôi xin lãnh nhận hết.
 
Trưa hôm sau, khi phái đoàn y tế VN bước vào cổng chính của nhà thương, bác sĩ Thomas, ông bà Anderson,và một số y tá đã đứng chờ sẵn trong phòng khách của bệnh viện. Bà Anderson cũng vừa nhận ra trong số những người  bước vào có một phụ nữ Á Đông, bà ta còn khá trẻ, dáng dấp thật nhỏ bé và mảnh mai trong chiếc sơ mi trắng cũ cùng chiếc quần đen bạc mầu, khuôn mặt thật mệt mỏi, có lẽ vì chuyến bay quá dài và vì sự mất mát đau thương mà bà vừa trải qua . Không cần sự giới thiệu, bà Anderson cũng biết người phụ nữ nhỏ bé đó chính là vị ân nhân vĩ đại của bà.
 
Bước tới cùng người thông dịch, bà Anderson ngỏ ý chào mừng và cám ơn bà Linh Hương, tên người phụ nữ VN. Vừa nghe xong những câu nói đó của bà Anderson, bà Linh Hương đã bật khóc nho nhỏ , và trên khuôn mặt bà Anderson cũng ràn rụa nước mắt. Đang  bước vội vã về phía phòng giải phẫu, bác sĩ Thomas chợt bắt gặp hình ảnh hai người mẹ đáng thương đang thổn thức khóc, tim ông chợt se sắt. Ông khấn nguyện thầm cầu xin thượng đế cho ông thêm minh mẫn và sáng suốt trong ca phẫu thuật sắp tới này.
 
 Khi ánh bình minh vừa ló dạng   trên những cửa sổ cuối hành lang bệnh viện, bà Anderson mệt mỏi bước tới bước lui trong căn phòng đợi của nhà thương. Cuộc giải phẫu đã hơn 14 tiếng, ông Anderson đã phải về nhà vì ông có cuộc họp quan trọng sáng mai. Người thông dịch viên cũng đã đi khỏi cách đây vài tiếng. Bây giờ chỉ còn hai người phụ nữ trong căn phòng vắng lặng, dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng bà Linh Hương vẫn cảm thông được nỗi khắc khoải lo âu của bà Anderson. Ngược lại, nhìn khuôn mặt xanh xao của bà Linh Hương, bà Anderson cũng xót xa thương cảm cho sự đau khổ, mất mát mà bà Linh Hương vừa  trải qua. Đâu cần phải diễn tả bằng lời nói, chỉ cần một ánh mắt chia sẻ, chỉ cần một hơi ấm từ hai bàn tay xiết chặt, là hai người phụ nữ, một Âu, một Á cũng đã thấu hiểu lòng nhau. Sợi dây thiêng liêng nối kết họ chính là Trái Tim Người Mẹ.
 
 Cánh cửa phòng mổ bật mở cũng là lúc chiếc đồng hồ trên tường bệnh viện gõ 6 tiếng. Cuộc giải phẫu kéo dài hơn 16 tiếng.Phòng đợi bây giờ khá đông người. Ông Anderson đã hủy bỏ buổi họp và quay lại, vài người bạn rất thân thiết của ông bà cũng có mặt. Bác sĩ Thomas bước ra, khuôn mặt ông thật mệt mỏi, nhưng ngược lại ánh mắt ông rất hân hoan, ông từ tốn nói:
 
- Cuộc giải phẫu có thể nói hoàn thành mỹ mãn, suốt hơn 16 tiếng không có một phản ứng hay một biến chứng nào khi chúng tôi nối mạch máu của Lenna với trái tim mới này, dĩ nhiên chúng ta cũng phải chờ ít nhất từ 48 cho tới 72 tiếng mới xác định được, cho nên,  chúng ta vẫn cần tiếp tục cầu nguyện.
 
 Ngừng vài giây, rồi với nụ cười "Lương y như từ mẫu", bác sĩ Thomas nói tiếp, giọng ông pha chút hóm hỉnh:
 
-Có lẽ chúng ta nên đặt tên cho ca giải phẫu này là "The Greatest Trick or Treat Ever"!
 Khi ông dứt lời, mọi người trong phòng đều bật cười vui vẻ. Bà Anderson rưng rưng xúc động. Đúng như bác sĩ Thomas đã nói,đây không phải chỉ là gói bánh, cái kẹo bình thường của ngày lễ Halloween, mà là một món quà thật vĩ đại, đó là một TRÁI TIM. Chính trái tim này đã nối lại mạch sống, tưởng như vĩnh viễn không còn nữa, cho cô con gái bé bỏng yêu dấu của bà, đã mang lại hạnh phúc tưởng như không bao giờ có cho gia đình bà, và hơn thế nữa, nó chính là nguồn an ủi vô tận cho bà Linh Hương, vì dù ở nơi đâu, bà vẫn có thể cảm nhận được trái tim bé nhỏ của cô con gái bất hạnh vẫn "sống " và đang đập nhịp nhàng trong lồng ngực Lenna. 
 
Rồi 3 tuần lễ lo lắng, khắc khoải cũng qua đi, hôm nay là ngày cô bé Lenna xuất viện.Trong căn phòng tiếp tân của bệnh viện, bác sĩ Thomas nói những lời cảm tạ., và cầu chúc cho Lenna  nhanh chóng phục hồi sức khỏe, ông không quên nhắn nhủ mọi người luôn nhớ cầu nguyện. Đứng sát cạnh bà Anderson, bà Linh Hương chăm chú nhìn  Lenna với ánh mắt tràn ngập yêu thương, chợt người thông dịch viên bước tới cạnh bác sĩ Thomas, bà nói với ông vài phút, khuôn mặt bác sĩ Thomas thoáng chút ngỡ ngàng,cố lấy giọng điềm tĩnh,ông cất tiếng nói:
 
- Như chúng ta đã biết, bà Linh Hương là mẹ của cô bé bất hạnh, bà đã có mặt ở đây với chúng ta ngay những giây phút đầu tiên của cuộc giải phẫu , ngày mai bà sẽ trở về VN, nguyện ước của bà hôm nay là được ôm bé Lenna để bà có thể nghe được nhịp tim đập của cô bé. Tôi nghĩ đó không phải là một đòi hỏi khó khăn.
 
 Bác sĩ Thomas dứt lời, bà Anderson bật khóc, bà khẽ nắm tay bà Linh Hương bước về phía Lenna đang ngồi, nhưng bà cũng vừa kịp nhìn thấy đôi môi mím chặt của chồng  tỏ ý không bằng lòng. Đứng trước mặt Lenna, bà Linh Hương đưa hai tay ôm lấy cô bé, bà nghe rõ nhịp đập  trái tim của cô thật nhịp nhàng, êm ái. Nước mắt bà tuôn rơi ướt đẫm một khoảng váy xanh của Lenna, rồi thật bất ngờ cô bé cũng bật khóc theo, một điều không một ai có thể dự đoán và hiểu được vì bé Lenna chi mới gặp thoáng bà Linh Hương một lần, và cô bé vẫn chưa biết rõ bà là ai. Hình ảnh cô bé Lenna ngồi giừa hai ngưới mẹ, cùng những tiếng khóc nức nở khiến không gian trong phòng như lắng đọng lại. Mọi người gần như bất động vì cảm xúc, riêng bác sĩ Thomas là hiểu rõ hơn cả. Trong suốt cuộc giải phẫu, và trong hơn 3 tuần qua, ông đã cảm nghiệm phải có một ơn nhiệm mầu, hay nói rõ hơn, một phép lạ hoăc một sức  mạnh vô hình nào đó, đã giúp ông tiến hành cuộc phẫu thuật một cách êm xuôi và thành công mỹ mãn.Khẽ cúi mặt nén tiếng thở dài, Bác sĩ Thomas biết rằng đây là điều ông không thể nào chia xẻ cùng ai.
 
Thời gian lặng lẽ trôi, Lenna có thể coi như hoàn toàn bình phục. Cô bé bắt đầu trở lại với những sinh hoạt hằng ngày của cô. Ông Anderson cũng quay trở lại với công việc bận rộn trong công ty của ông. Riêng bà Anderson quyết định từ bỏ mọi công việc và ở nhà với Lenna.
 
 Bây giờ bà Anderson và cô bé Lenna đang ngồi trong căn phòng khách sang trọng và ấm cúng.Ông Anderson đang bận rộn với những dự án tranh cử của ông,điều mà đối với bà bây giờ chẳng còn quan trọng và nghĩa lý gì. 
 
 Cầm ly rượu vang trên tay, bà Anderson hớp từng ngụm nhỏ, bà nhớ tới hình ảnh bà Linh Hương, bên trong nhân dáng nhỏ bé yếu đuối là cả một nghị lực phi thường.Suốt hơn 3 tuần gần gũi và tiếp xúc với bà Linh Hương, bà Anderson đã có một cái nhìn mới, một nhân sinh quan mới về cuộc đời. Cuộc sống nơi thế gian này chỉ là cõi tạm, tiền bạc , danh vọng, sự nghiệp chỉ là phù du...Đây là điều mà có lẽ người Tây Phương không bao giờ thấu  hiểu và chấp nhận.Bà nhớ một buổi tối trong bệnh viện, bà Linh Hương đã kể về cái chết của Linh Trang, cô con gái bé bỏng của bà.Không muốn khơi lại nỗi đau,bà Linh Hương chỉ kể thoáng bé Linh Trang chết do bị phỏng quá nặng vì nhóm bếp sắc thuốc cho bà ngoại. Khi chở được cô lên nhà thương tỉnh thì quá trể, Linh Trang đã từ trần ngay đêm đó.
 
 Tiếng Lenna hỏi khiến bà Anderson giật mình;
 
- Mẹ ơi, một con búp bê của con đâu rồi!
 
- Chắc lẫn ở trong phòng con với những đồ chơi khác, con vào phòng tìm lại đi.
 
Nói xong, bà lại đắm chìm vào những suy tư đang dày vò tâm trí bà. Tiếng Lenna lại vang lên:
 
- Con không thấy con búp bê đó mẹ ơi.
 
  Bây giờ bà Anderson phải miễn cưỡng đứng lên, Lenna vừa bước ra vừa nói: 
 
- Con búp bê mắt một mí, con người Asian đó mẹ. 
 
Đột nhiên bà cảm thấy có một làn điện lạnh buốt lướt nhẹ qua người bà. Một cảm giác chới với, bất an chợt xâm chiếm hồn bà. Bế Lenna vào lòng, bà ngồi xuống chiếc ghế sát cạnh cửa sổ. Ngước nhìn lên bầu trời đen thẫm,bà chợt thảnh thốt khi nhìn thấy một vì sao băng vừa vụt rơi nhanh và tắt lịm nơi cuối chân trời. Bà nhớ ngày xưa mẹ bà vẫn nói:
 
- Mỗi khi nhìn thấy một vì sao băng, là ở một nơi nào đó, một linh hồn vừa lìa khỏi xác và đã đi vào miền an lạc, vào cõi vĩnh hằng.
 
Rồi bà sửng sốt khi nghĩ đến con búp bê, vì sao băng. Có lẽ linh hồn cô bé VN  đáng thương kia muốn nhắn nhủ bà điều gì chăng ?Bây giờ bà không còn cảm giác bồn chồn bất an, trái lại bà chợt cảm thấy lòng bà dâng lên một nỗi ngậm ngùi, xót xa.
 
Khẽ ôm xiết cô con gái bé bỏng yêu dấu vào lòng, và hơn lúc nào hết, bà Anderson chợt cảm nhận và thấm thía câu nhắn nhủ của bà Linh Hương hôm chia tay:
 
                                DÙ XÂY CHÍN BẬC PHÙ ĐỒ 
                                KHÔNG BẰNG LÀM PHÚC CỨU CHO MỘT NGƯỜI.....

Ý kiến bạn đọc
10/11/202018:31:32
Khách
Cám ơn tác giả! Với tôi, trái tim là thứ quý và đẹp nhất ở mỗi con người - đặc biệt là trái tim chứa đựng tình yêu tha nhân.
05/11/202022:37:15
Khách
Bai viet hay va tuyet voi den tung cau tung chu. Cam on tac gia
03/11/202022:28:12
Khách
Bài viết hay, HY VỌNG SẼ ĐOẠT GIẢI CAO VVNM 2020.
02/11/202010:23:34
Khách
Đọc bài viết mà thích và tiếc vì hết mau quá. Có những mối tương quan vô hình giữa người chết và người còn sống là thân thích của nhau đấy. Khi người mẹ Việt Nam ôm cô bé Mỹ có trái tim của con gái mình thì "con gái" bật khóc. Thanh Mai tin là có thật!
TM đã chứng kiến một cô gái bị chết vì lũ sau 4 ngày. Khi gặp người thân bỗng dưng mũi, mắt, và miệng tự dưng ứa máu. Ngộ thật đấy.
Cảm ơn tác giả Pha Lê. Xin hỏi dây là truyện hư cấu hay có thật vậy?
01/11/202021:23:31
Khách
Chị Kìm Dung và chị Mình Thủy rất thân mến,

Em xin cảm ơn Hai chị đã bỏ thời giờ ghé mắt đọc qua đoạn văn có vẻ hơi... lạc điệu này của em !( Suốt mấy tháng qua em đã được đọc nhiều bài viết về kính nghiêm rất thật trong cuộc sống hằng ngày từ con cô vít 19 của nhiều tác giả ,cho nên em mạo muội gửi bài văn này chỉ mong mọi người đọc giải trí trong vài giây phút )
Em cũng xin cảm ơn lời ... khen ngợi mà Hai Chị đã gửi cho em , một cây bút mới , cùng lời chúc tốt lành cho em .
Đúng như chị KD viết , chỉ còn Cầu Nguyện để có một Niềm tin giúp chúng ta vượt qua được những nỗi đau thương kinh hoàng trong cơn Đại Nạn này .

Em xin kính chúc Chị KD và chị MT cũng tất cả mọi người thân thương yêu luôn được an lành, bình an trong sự che chở , bảo bọc của Đấng Tối Cao.

Hy vọng mọi việc sẽ nhanh chóng trở về nhịp sống bình thường, an hòa bình yên
Em rất trân quý tình cảm của chị em chúng mình.🙏♥️
Pha Lê
31/10/202006:13:52
Khách
Bài viết thật xúc động và hồi hộp . Bé mất nhưng cha mẹ đã làm phước dùm con và cũng tin vào phép lạ nhiệm mầu . Cám ơn Pha Lê bài viết hay
30/10/202023:57:39
Khách
Cảm ơn tác giả Pha Lê đã viết một bài rất hay. Lòng yêu thuong của hai bà mẹ, một Âu và một Á, thật là tuyệt vời và xúc động, đến rơi lệ. Đúng là một món quà vô giá trong ngày Lễ Halloween.
Xin gởi lời chúc sức khoẻ Pha Lê nhé! Cầu mong mọi sự bình yên.
Ptkd
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,670,907
Cuối tháng 7, năm 2020, nạn dịch Tàu vẫn đang hoành hành khắp nơi trên đất Mỹ; tất cả các nước trên thế giới đều lo sợ cuống cuồng, vội đóng cửa biên giới đường bộ, đường thủy, và đường hàng không. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Không cho ai ra khỏi nước mà cũng không cho phép bất cứ ai vào nước mình. Kinh tế lao đao, người dân khổ sở, tù túng, quanh quẩn trong nhà mơ đến ngày được trở lại cuộc sống bình thường trước đây. Sau 5 lần trì hoãn chuyến bay, tôi cũng phải lên đường đi công tác để thay thế cho những đồng nghiệp đang mắc kẹt ở nước ngoài đã quá thời hạn làm việc mà chưa về được với gia đình. Họ gởi emails van xin hãng cố gắng tìm cách giúp đỡ về nhà càng sớm càng tốt.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Năm nay có những chuyện xảy ra không ai có thể tưởng tượng được mà hệ lụy rất lớn lan rộng khắp hành tinh như dịch cúm Covid-19. Rồi biểu tình bạo loạn vì cái chết của Goerge Floyd từ tiểu bang Minnesota đã gây nên sự bất ổn đến phải giới nghiêm khắp nước Mỹ. Riêng gia đình tôi cũng xảy ra một chuyện bất ngờ khó tin nhưng có thật mà đến nay chúng tôi cứ bàng hoàng ngỡ như chuyện nằm mơ!
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Hai chị em mãi tán chuyện, đến cổng ngoài nhà Mai lúc nào mà tôi không hay. Mai khép cổng và bước vào nhà. Nhìn dáng em liu xiu men theo tường nhà bà Sáu mà lòng tôi nặng trĩu. Tôi thương em và có cả sự ngưỡng mộ; ngưỡng mộ bởi số phận oan nghiệt vẫn không làm em gục ngã, buông xuôi. Em đã cố gắng vùng vẫy ngoi lên từ đêm đen để trở thành cô gái mù nổi tiếng cả tỉnh thành. Thật từ đáy lòng, tôi rất khâm phục trước ý chí và tài năng của Mai với những tấm bằng khen chất đầy bên góc tủ. Trong tất cả những giải thưởng tôi nể phục nhất là giải về Tin học 6 tỉnh miền Trung mà Mai đạt được năm 2009. Và từ khi quen biết Mai tôi thấy mình cần phải học hỏi nhiều thứ ở cô ấy lắm. Nhưng đăc biệt, tôi cảm động nhất là mối tình thật đẹp của Mai và Tiến
Tác giả là cư dân Huntsville, AL. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bao Giờ Trời Sáng” một du ký nhiều ý nghĩa khi thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, bài viết thứ hai là “ Thằng Ngốc “ Đây là bài viết thứ ba . Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Cả tuần nay mưa rả rích không ngớt, mưa nhiều nên cây cối cũng xanh tươi hơn, chẳng thế mà những bãi cỏ khô cằn trước nhà bỗng dưng xanh rì. Mỗi buổi trưa khi có chút nắng yếu ớt chiếu xuống, đám hoa bồ công anh dại nằm khép mình dưới cỏ cũng vươn mình nở vàng rực rỡ. Tôi ngồi trong nhà ngắm nhìn màn mưa qua khung cửa sổ thấy dạ bồi hồi. Nếu không có trận đại dịch Covid-19 này, giờ chắc tôi đang trong hãng vật lộn với công việc, sau lại tất bật về nhà xoay sở với ngàn công việc không tên khác, để rồi vừa đặt lưng xuống giường là chìm ngay vào giấc ngủ. Sáng hôm sau tiếp tục tất bật cho một ngày mới. Làm gì có thời gian nhàn rỗi ngồi ngắm mưa suy nghĩ mông lung.
Ấn tượng của chị Dung lần đầu gặp ông Đại là một khuôn mặt vô hồn nhìn vào khoảng không vô định. Không chào hỏi, không có bất kỳ biểu hiện vui buồn gì trên khuôn mặt trơ như tượng đá. Tuy vóc dáng ông còn khỏe mạnh đối với một người ngoài bảy mươi nhưng những bước đi có vẻ nặng nề không phải do đau yếu mà dường như trong lòng không muốn bước.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.
Mỗi ngày nghe tin tức tìm hiểu về bệnh Covid_19, cho đến hôm nay tổng số bị bệnh là 2,132,321 người và tổng số qua đời là 116,862 người, (theo cdc.gov). Con số thật khủng khiếp cho nước Mỹ. Sau mấy tháng ban lịnh quarantine (cách ly), đầu tháng 6, thống đốc tiểu bang Cali cho mở cửa các hãng xưởng, bussinesss, tuy nhiên vẫn còn dè dặt một số như tiệm tóc, Nail, cá nhân cũng như doanh nghiệp còn vẫn theo cách chỉ dẫn của cán bộ Y Tế và thống đốc vẫn phải đề phòng cẩn thận là giữ khoảng cách khi giao tiếp, mang khẩu trang, đeo bao tay cũng như luôn rửa tay.