Hôm nay,  

Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật - Duyên Trời Định!

31/07/202000:00:00(Xem: 12900)
HINH-VIET-VE-NUOC-MY

Lương duyên trời định.(hình tác giả cung cấp)

 

Thanh Mai

 

Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài mới nhất của cô. 

 

***

 

Năm nay có những chuyện xảy ra không ai có thể tưởng tượng được mà hệ lụy rất lớn lan rộng khắp hành tinh như dịch cúm Covid-19. Rồi biểu tình bạo loạn vì cái chết của Goerge Floyd từ tiểu bang Minnesota đã gây nên sự bất ổn đến phải giới nghiêm khắp nước Mỹ. Riêng gia đình tôi cũng xảy ra một chuyện bất ngờ khó tin nhưng có thật mà đến nay chúng tôi cứ bàng hoàng ngỡ như chuyện nằm mơ!
 
Chuyện bắt đầu từ một cú phone của anh chàng Thành Lễ trong chương trình Ngọc Trong Tim dành cho các tài năng bị khuyết tật. Thành Lễ muốn nhờ con út của chúng tôi là Lộc chỉ dẫn cho một cô ca sĩ khiếm thị tên Quỳnh Trâm về những kinh nghiệm mổ xẻ và thuốc thang chữa trị mắt của mình. Quỳnh Trâm từ Việt Nam qua Mỹ hát cho chương trình Ngọc Trong Tim bị kẹt lại vì dịch cúm Tàu, cũng bị yếu thị lực và cao nhãn áp như Lộc.
 
Còn Lộc đã mổ mắt đến 14 lần và đang dùng thuốc cũng như những thiết bị giúp thêm cho thị lực nên hướng dẫn cho Quỳnh Trâm rất nhiều. Hai người mỗi ngày liên lạc qua phone nên cùng mến nhau vì đồng bệnh tương lân và có chung nhiều sở thích về âm nhạc, thể thao. Thấy thế Thành Lễ bàn với tôi:
 
Chị Thanh ơi! Em nói chuyện với Lộc không ngờ anh chàng giờ người lớn ăn nói khôn khéo ghê. Em thấy Lộc và Trâm hai đứa này hợp với nhau lắm luôn đó chị. Quỳnh Trâm rất dễ thương, ca hát rất hay. Trong mấy nghệ sĩ khuyết tật em đưa từ Việt Nam qua Mỹ diễn cho Ngọc Trong Tim, cô bé này tính tình được nhất ai cũng mến. Có gì mình làm mai cho hai cháu nha chị. Quỳnh Trâm qua Mỹ diễn lần này là lần thứ ba nhưng lần này bị dịch Covid-19 nên kẹt lại đến nay. Còn 1 tháng nữa là visa hết hạn em nó đã đặt mua vé máy bay về Việt Nam rồi. Để em dẫn Trâm qua Minnesota cho hai em gặp nhau trước khi chia tay. Sau này tụi nó có muốn tiến tới không thì tuỳ.
 
Vì dịch COVID-19 nên Thành Lễ không dám đi máy bay mà tính lái xe chở Trâm qua Minnesota. Nói thiệt chứ tài lái xe của ông thần này tôi đã nếm mùi trước đây. Vừa lái vừa nói chuyện điện thoại còn không thì quay đầu ra sau nói chuyện với hành khách, rồi quẹo xe qua quẹo xe lại lung tung ớn ổng lắm. Làm sao mà lái nổi từ California đến Minnesota chặng đường dài 27 tiếng đồng hồ? Đã vậy gần ngày đi còn xảy ra bạo loạn ngay tại Minneapolis, Minnesota tình hình vô cùng bất ổn nữa chứ. Vậy mà Thành Lễ đã được 3 người bạn là chị Hảo, vợ chồng anh chị Ánh, Hồng giúp đỡ bất chấp đường đi nguy hiểm, con cái cản ngăn cùng nhau lái xe hộ tống cô bé Quỳnh Trâm vào hang hùm hổ huyệt để gặp người yêu.
 
Mọi người đã phải ngồi chen chúc bó gối trên cái xe nhỏ chứa đầy hành lý, thức ăn và quà cáp (trong đó có 4 trái mít to tướng) đến hai ngày hai đêm. Mỗi lần ghé đổ xăng để tiếp nhiên liệu và xả “sú bắp” đều phải vô cùng cẩn thận bịt mặt và đeo găng tay sợ bị dính cúm Tàu. Ăn uống thức ăn tự mang theo và canh chạy xe ban đêm để vào thành phố Minneapolis lúc trời sáng hết giới nghiêm. Phải nói là cuộc hành trình vô cùng gian khổ và nguy hiểm vì bạo loạn bắt đầu lan ra khắp nơi trên nước Mỹ nhưng họ vẫn tình nguyện lao vào vì tình thương dành cho một cô gái khiếm thị không liên hệ máu mủ gì với họ cả!
 
Lái xuyên đêm nên 9 giờ sáng nhóm Thành Lễ cũng tới nhà tôi an toàn. Nghe khoe là ông mai chỉ “được” có 1 cái ticket trên đoạn đường của Iowa. Chạy tốc độ có quá 30 miles thôi nên ông cảnh sát cũng thương tình chỉ phạt 175$. Cũng hên vì trước kia tiểu bang này phạt xe chạy quá tốc độ đến cả ngàn đồng lận.
 
Sau khi chủ khách chào hỏi xong chị Hảo tỉnh rụi nói:
 
- Tụi em đã mang rượu trà bánh trái qua đây để chiều nay làm đám hỏi rồi mai làm hôn thú cho hai cháu luôn!
 
Hoàng, ông xã tôi ngạc nhiên hỏi:
 
- Ủa! Sao nhanh vậy? Tụi nhỏ chưa có thời gian tìm hiểu nhau thêm mà!
 
- Sao nghe nói chị Thanh ok rồi?
 
Chắc Thành Lễ và tôi nói chuyện cà giỡn ghép đôi hai trẻ sao đó mà chuyện tạo cơ hội cho chúng tìm hiểu nhau đã từ tai người này qua tai người khác biến thành chuyện cưới hỏi nên đẻ ra hai bà mai đạo diễn nghĩ ra chuyện vào hang hùm hỏi cưới.... rể. Trong khi đó thì 2 đương sự cũng là diễn viên chính thì chẳng biết gì cả.

Nữ diễn viên Quỳnh Trâm lên tiếng:
 
- Con không muốn vì cái visa Mỹ mà cưới hỏi gấp đâu.
 
Cô diễn viên này lâu nay lên sân khấu đạo diễn bày vẽ gì cũng nghe theo vậy mà bữa nay bỗng dưng trở chứng làm mọi người xìu hết trơn. Thôi thì đổ bánh căn và đem trái mít làm tin xẻ ra ăn đỡ buồn chứ biết làm sao. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên. Đúng là nhiệt tình quá quên mất bốn cái ngu của thiên hạ là Làm mai, mượn nợ, gác cu, cầm chầu. Với lại vấn đề quan trọng nhất dù là làm chuyện tốt cũng nên hỏi qua ý kiến của đương sự trước mà lại lơ đẹp!!!
 
“Thời nay đâu phải thời xưa
 
Người lớn đặt để chưa ưa sao ngồi!”
 
Trong khi người lớn tiu nghỉu thì hai trẻ dung dăng kéo nhau ra sân sau cùng chơi bóng rổ rồi kéo lên phòng chơi game  Super Mario với nhau trông xứng đôi lắm. Bắt đầu tìm hiểu mà! Cầu mong cho vào hang cọp ít nhất cũng nắm được đuôi cọp phải không bà con?
 
Không biết chàng nàng tâm sự con dế mèn với nhau thế nào mà nàng đổi ý thưa chuyện cùng người lớn:
 
- Thôi thì chúng con quyết định đám hỏi hôm nay. Khi hết hạn visa con sẽ về Việt Nam. Nếu tình cảm phát triển thêm thì tiến tới sau.
 
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng!
 
Chúng tôi gọi điện thoại thưa chuyện với ba mẹ Trâm ở Việt Nam rồi vội vàng tất bật lo bày biện làm buổi tiệc nhỏ để tổ chức lễ hỏi. Người bày bàn thờ cho hai trẻ lạy ông bà, kẻ lo nấu ăn, còn tôi chạy ra Sams club mua hoa và nhẫn.
 
Vì bạo loạn cướp phá nên Sams Club cất hết nữ trang ngưng bán. Các tiệm nữ trang của Minnesota cũng đóng cửa. Đành phải lấy tạm cái nhẫn kim cương giả để Lộc đeo cho cô dâu.
 
Khách mời chỉ có vài người bà con vì dịch cúm Tàu không dám tụ tập đông người. Gởi tin nhắn mời khẩn cấp đến dự lễ đám hỏi cho Lộc ai cũng ngạc nhiên như từ trên trời rơi xuống vì Lộc chơi một cú bất ngờ quá.  
 
Tuy vậy buổi lễ hỏi diễn ra ấm cúng và vui vẻ. Lộc cũng quỳ xuống cầu hôn và đeo nhẫn cho cô dâu sến ơi là sến. Cuối chương trình dĩ nhiên có màn anh đàn em hát rất hay. Anh chàng vui lắm vì rất thích Quỳnh Trâm.
 
Theo dự kiến nhóm California chỉ ở lại thêm 1 ngày nghỉ mệt rồi về lại CA vì Thành Lễ có nhiều công chuyện không thể đi lâu. Thấy hai đứa nhỏ quyến luyến nhau ai cũng thương vì visa Quỳnh Trâm đến cuối tháng 6 là hết hạn phải về lại Việt Nam. Vợ chồng tôi muốn đưa Lộc theo về California để có cơ hội gần gũi nàng hơn nhưng ngại cúm Tàu không dám ở khách sạn hoặc nhà người quen nên không tính đi.
 
Bỗng buồn ngủ mà gặp chiếu manh, anh chị Ánh, Hồng ngỏ lời:
 
- Hai ông bà chở Lộc đi Cali ở nhà tụi mình đi! Quỳnh Trâm qua ở luôn để tụi nhỏ được gần nhau thêm chứ thấy 2 đứa mà thương quá! Nhà tụi này có dư mấy phòng mà chỉ có hai đứa mình ở thôi. Gần biển lắm cứ coi như đi vacation. Ở luôn cho đến ngày Trâm về Việt Nam cũng được.
 
Tôi mừng quá nhận lời ngay:
 
- Hay quá! Mình đang lo chuyện ăn ở Cali vì ngại dính cúm Tàu. Nhà của anh chị thì khỏi lo vì có bị covid thì cả đám cùng bị rồi.
 
Vậy là tôi chuẩn bị hành lý gấp để đưa Lộc đi California có thể cả tháng. Vì hạnh phúc của đôi trẻ bỏ công bỏ thời gian là chuyện nhỏ. Cũng may là cả hai đã về hưu nên muốn đi là đi chẳng cần phải xin phép xin tắc gì cả!
 
Sáng sớm ngày thứ ba 8 người chúng tôi trực chỉ lái hai xe qua California. Đoạn đường từ Minnesota tới California phải qua 6 tiểu bang là Iowa, Nebraska, Colorado, Utah, Arizona, Nevada. Không tính giờ nghỉ ngơi tổng cộng là 28 tiếng lái xe. Sẽ ngủ lại nghỉ ngơi một đêm nhà anh chị Ánh -Hồng ở Colorado rồi sáng sớm lái đi quận Cam California. Dọc đường đi qua Iowa thấy nai bị tung chết rất nhiều tội ghê.
 
Xe bên kia 4 người là Thành Lễ, chị Hảo, và vợ chồng Ánh -Hồng. Quỳnh Trâm qua ngồi xe của vợ chồng tôi và Lộc. Ngồi chung xe có dịp nói chuyện với con bé mới thấy nó có chiều sâu, biết nghĩ đến người khác, hồn nhiên dễ thương và tính tình có nhiều thứ giống mẹ chồng lắm lận. Còn biết làm thơ nữa chứ nhưng thiên về thơ lãng mạn ướt át chứ không trần tục như của tôi. Khi nghe tôi  nói thế Trâm cười hỏi:
 
- Thơ con hơi sến phải không má?
 
- Thì tuổi trẻ mà. Ngày xưa má cũng làm thơ hoa lá cành như con vậy thôi.
 
Con nhỏ chọc ngay:
 
- Giờ hoa lá rụng hết chỉ còn cành thôi hở Má?
 
Quỳnh Trâm đối đáp rất nhanh miệng và cũng có máu khôi hài. Chúng tôi nói chuyện rất vui và hợp, cứ như bạn bè chọc ghẹo nhau không kiêng nể gì cả. (Nói không kiêng nể cho vui chứ con bé lễ phép lắm đừng hiểu lầm nha).
 
Tới Colorado lúc 6:00 chiều.
 
Nhà anh chị Ánh, Hồng rộng quá xá cỡ mà bỏ không năm bảy tháng mới về ở vài bữa. Có trạm dừng chân này trong thời buổi covid này đỡ vô cùng chứ ở khách sạn rất sợ bị nhiễm bệnh.
 
Sáng sớm hôm sau tiếp tục lên đường để về California cho kịp. Đoạn đường dài đến 15 giờ đồng hồ mà gặp mấy ông bà già trên xe cứ ghé xả nước liên tục nên mới chạy tới Las Vegas thì bên California đã giới nghiêm không cho xe cộ vào tiểu bang nữa. Ông thần nước mặn Thành Lễ còn được cảnh sát chận lại tặng thêm một cái ticket vì chạy quá chậm kéo theo một cái đuôi dài thòng trên free way lane trái. Ông Trời xui khiến cho dừng lại Las Vegas mà!
 
Mọi người quyết định nghỉ một đêm ở Las Vegas nên nhờ một người quen là anh Tuấn kiếm thuê giùm khách sạn trước cho phái đoàn bát nháo tào lao này. Anh Tuấn làm phòng luật ở đây nên quen biết nhiều. Anh nghe chị Hảo kể bla bla này nọ mới bày:
 
- Nếu hai đứa nhỏ đồng ý cưới nhau có thể làm hôn thú ở ngay Las Vegas. Nhanh lắm chỉ 15 phút thôi. Lên online điền giấy tờ trước rồi đem tới văn phòng làm hôn thú cho họ chứng nhận.
 
Mấy bữa nay trên xe nói chuyện tìm hiểu nhau chàng nàng đã mết nhau lắm rồi. Lộc muốn giữ Trâm ở lại bên mình chứ không muốn để Trâm về Việt Nam chịu chia cách cả nửa quả địa cầu. Trước đại dịch toàn cầu, bao nhiêu sinh mạng đã đột ngột biến mất, cuộc sống quá mong manh, nếu có thể được tại sao không cố gắng giữ người yêu dấu cạnh bên mình? Trâm thì cảm động và thương Lộc hơn vì Lộc hiền và rất chân tình. Hơn nữa còn thêm một yếu tố không phải nói khoe chứ vợ chồng tôi rất dễ tính và dễ thương khó kiếm được ba má chồng như vậy nên chắc con bé cũng thích!
 
Phần chúng tôi cũng thích cô bé này. Lâu nay săn sóc một đứa con khiếm thị giờ lo thêm một đứa nữa đâu có sao. Hai đứa nhỏ đồng ý thì hai đứa lớn cũng gật đầu ngay. Cũng có nghĩ đến chuyện kết hôn như thế này nhanh quá có khi nào bạo phát bạo tàn không? Nếu sau này tan vỡ chắc Lộc sẽ xốc lắm. Nhưng đời mà làm sao biết chắc được. Nhiều người tìm hiểu nhau cả chục năm mà vẫn chia tay đó sao? Hên xui thôi. Không thể cứ e dè, lo sợ, bảo bọc cho Lộc mãi được. Nếu Lộc bị xốc thì từ từ cũng hết chứ lo gì. Dù sao cũng cứu được một người rời khỏi “thiên đàng cộng sản” định cư ở xứ “tư bản giãy chết” này!
 
Dì ruột của Trâm ở Las Vegas nghe Trâm và chúng tôi ở lại bèn hẹn đến thăm ngay và  tặng Trâm một ít áo quần vô tình trong đó có một áo đầm trắng hơi giống soiree mặc vừa y rất đẹp. Lộc có đem theo áo sơ mi và ghi-lê để lỡ biểu diễn đàn hát với Trâm nên cùng lên bộ để tới văn phòng làm giấy kết hôn. Trông hai đứa cao ráo xứng đôi hết sức!
 
Quả đúng y lời anh Tuấn nói, làm hôn thú ở Las Vegas nhanh gọn quá sức tưởng tượng. Chỉ mất cỡ 15 phút thôi. Hoàng đại diện cho Lộc theo vào giúp vì Lộc bị khiếm thị. Họ kêu Thành Lễ vào sau để giúp Trâm. Vì đã điền trước đơn online nên thủ tục rất đơn giản. Xong xuôi họ cấp cho hai đứa một giấy hôn thú tạm thời rồi bảo sẽ gửi giấy chính thức sau. Vậy là Lộc và Trâm thành vợ chồng cái rẹt, phẻ re, nhanh hơn bò kéo xe. Ai nghe cũng mắc cười nhưng mọi người đều vui mừng cho hai trẻ.
 
Số Lộc đúng là số sướng khi không có được cô vợ dễ thương từ trên trời rơi xuống. Chắc Trời đã sắp đặt sẵn mọi chuyện nên đặt nhiều thiên thần ở mọi nơi để giúp đỡ cho cặp này!
 
Về tới California, chị Hảo và Thành Lễ về nhà của họ để gặp người nhà, còn vợ chồng tôi và Lộc Trâm về nhà anh chị Ánh Hồng ở Huntington Beach. Nhà anh chị rộng rãi và đẹp lắm. Vợ chồng tôi ở tầng 3 có balcony ra ngồi ngắm cảnh và cà phê cà pháo. Vợ chồng Lộc Trâm được dành cho một phòng ngủ riêng có cái giường King size ra nệm xịn rất đẹp. Anh chị nói đã giúp thì giúp cho trót, kết đôi rồi thì phải tới luôn cho động phòng hoa chúc chứ.
 
3 ngày ở California quá thích! Từ nhà anh chị Ánh, Hồng chỉ đi bộ cỡ 5 phút là tới biển nên mỗi buổi sáng cùng nhau dậy sớm đi dạo biển thật là sảng khoái, khỏe khoắn. Trâm là vận động viên chạy đua nên cô bé set đồng hồ chạy một lèo 3 miles không nghỉ chút nào. Lộc chạy được cỡ nửa miles là đuối theo không nổi, rớt lại đi bộ với chúng tôi.
 
Đi dọc bãi biển xong tản bộ lên cầu để xem thiên hạ câu cá, thích gì đâu! Một cần câu có thể móc đến 5 hay 6 lưỡi câu và kéo lên tất cả lưỡi câu đều dính những con cá trích hoặc cá nục tươi xanh. Về hưu cứ ra đây câu cá, vừa có cá tươi ăn vừa hít thở được không khí trong lành thì còn gì bằng. Muốn dọn qua CA ở quá mà nhà ở đây rất mắc thôi để chờ trúng số.
 
Kỳ này vì dịch cô Vy nên chúng tôi chỉ mua đồ về nhà nấu. Chị Hảo là sư phụ nấu ăn, vừa nhanh vừa ngon nên tha hồ ăn thức ăn ngon, sạch. Vậy mà hỏi Lộc ở đây Lộc thích gì nhất thì anh chàng trả lời là thích nhất ...cái phòng ngủ làm mọi người cười quá trời!
 
Vợ chồng Lộc Trâm rất may mắn được nhiều người thương yêu giúp đỡ, trong đó có một thư ký văn phòng luật sư tốt bụng tình nguyện giúp làm giấy tờ cho Trâm được ở lại nước Mỹ. Khi xem lại những giấy tờ của Trâm mới khám phá ra là trong giấy hôn thú tên của Trâm không giống với tên trong visa và những chứng từ khác.
 
Nguyên tên họ đầy đủ của Trâm là Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm. Trong visa họ là Nguyễn, tên 3 chữ là Ngọc Quỳnh Trâm. Khi làm hôn thú Thành Lễ cãi với Hoàng ghi last name (họ) là Nguyễn và first name (tên) chỉ một chữ Trâm nên bây giờ mới trật rơ hết, cần phải trở lại chỗ văn phòng làm giấy hôn thú chỉnh lại tên cho đúng với tên trong visa trước khi họ gởi ra tờ hôn thú chính thức.
 
Tội nghiệp Thành Lễ, rất hối hận và áy náy vì gây ra chuyện rắc rối này. Anh chàng cứ tự trách rồi cầu trời khấn Phật nguyện ăn chay cho tòa chịu sửa lại dễ dàng kịp in ra tờ hôn thú tên đúng theo visa.
 
Sẵn cần phải có thêm một số giấy tờ của người bảo trợ để gởi cho luật sư kịp nộp đơn nên chúng tôi quyết định về lại Minnesota sớm, tiện đường ghé ngang Las Vegas chỗ làm giấy hôn thú để sửa lại tên họ Trâm trước khi họ gởi ra bản chính.
 
Tới văn phòng ở Las Vegas họ sửa lại tên của Trâm dễ dàng nhưng mới lòi ra một chuyện là trong vòng 10 ngày sau khi ghi danh kết hôn, cô dâu chú rể cần phải làm thủ tục kết hôn pháp lý trước mặt toà ahoặc luật sư có thẩm quyền, hoặc cha xứ và hai nhân chứng để ký xác nhận vào tờ hôn thú tạm thời, đem lại cho họ thì mới hợp pháp và có tờ hôn thú chính thức.
 
May quá vậy mà trước đây cứ tưởng là xong rồi chỉ còn ngồi rung đùi chờ 10 ngày sau họ gởi bản hôn thú chính thức cho mình chứ. Nếu không có Thành Lễ làm sai tên để chúng tôi phải trở lại để chỉnh sửa thì cái hôn thú sẽ vô giá trị sau 10 ngày. Ở đó mà rung đùi! Dài cổ run đùi thì có. Hoá ra cũng do Trời cao sắp đặt cho Thành Lễ điền sai tên để chúng tôi phải quay lại sửa sai và kịp thời làm thêm vụ hôn thú pháp lý cho đúng quy định. Hoan hô Thành Lễ!
 
Lại phải nhờ đến anh Tuấn ở Las Vegas kiếm giùm người có thẩm quyền để Lộc Trâm và 2 người chứng cùng tuyên thệ trước mặt họ trong ngày để ký nộp lại cho ngay.
 
Công nhận là anh Tuấn quá giỏi ngoại giao, chỉ nửa tiếng sau ảnh tìm được một bà luật sư có giấy phép hành nghề lấy giá rẻ chỉ 100$. (Tòa không làm việc ngày này, các cha cũng không làm lễ, các luật sư khác lấy giá rất mắc đến mấy trăm mà phải làm hẹn ngày khác. Chỉ có bà luật sư này chuyên làm cho các du khách nhưng vì covid bà ấy bị ế mới hạ giá câu khách). Bà ấy đã làm đúng thủ tục ký xác nhận vào tờ hôn thú tạm thời và tận tay đem đến toà. Chúng tôi có thể lấy tờ hôn thú chính thức ngay sau đó. May ghê! Chuyện rắc rối đã được giải quyết dễ dàng và còn có luôn giấy kết hôn chính thức. Đúng là có sự sắp đặt của ông Trời để se duyên cho cặp này.
 
Chúng tôi ăn cơm chiều sớm ở nhà Bác Phi chị ruột của mẹ Trâm nhà cũng ở gần đó. Gia đình Bác Phi rất nhiệt tình tiếp đón chúng tôi. Mấy hôm ở California chúng tôi cũng có ghé qua thăm em gái của Trâm lấy chồng định cư ở đây được 2 năm. Gia đình chồng cũng rất hiếu khách nên Hoàng nói với tôi:
 
- Thấy gia đình bà con của Trâm quý con nhỏ thì biết nó là người tốt rồi. Và gia đình họ phải thế nào mới được họ hàng quý mến.
 
Hoàng lý trí lắm, có nhận xét riêng của mình chứ không tin theo những nhận xét cảm tính của người khác nhất là của con vợ bồng bột. Hoàng còn chấm nhỏ Trâm này vì trong lúc nói chuyện, Trâm có nhiều ý tưởng rất hay mà Hoàng cho là nhiều người không thể có. Trâm rất chín chắn và biết người biết ta. Có thể yên tâm gởi gắm Lộc cho con vợ này! Nói chứ mọi sự cũng hên xui may rủi thôi ai mà biết được ngày sau. Que sera sera? Chỉ cần mình yêu thương và sống hết lòng với nhau thì sẽ gặt được điều tốt lành phải không!
 
Ăn chiều nhà bác của Trâm thật sớm chúng tôi vội từ giã lên đường để đến Bryce Canyon, công viên quốc gia của Utah nhận khách sạn đã đặt trước. Chúng tôi muốn đưa Lộc Trâm tới đây ngắm cảnh vì Trâm bảo rất thích chụp hình quang cảnh. Mà cảnh của Bryce Canyon thì rất hùng vĩ, tuyệt vời! Cứ nhìn hình ảnh là biết nó đẹp cỡ nào.
 
Trâm có thể nhìn thấy xa cỡ vài mét và biết cách zoom lại trong phone để Lộc có thể thấy. Hoặc Trâm biết cách tả lại cho Lộc hình dung. Cùng bị khiếm thị nên Trâm hiểu được những khó khăn và cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày. Thị lực Lộc chỉ còn 10% còn Trâm chắc cỡ 50% nên Trâm giúp đỡ được cho Lộc rất nhiều. Chuyến đi chơi này Lộc Trâm rất thích. Hai đứa quấn quít ríu rít bên nhau suốt.
 
Cũng may không có du khách Tàu như mấy năm trước nên khách sạn vắng và rẻ. Có điều chúng tôi cũng lo vì lỡ có người ở phòng gần đó bị dương tính với ưa COVID-19, virus có thể thông qua hệ thống sưởi hoặc máy lạnh chui vô phòng mình thì nguy. Bất đắc dĩ lắm phải thuê khách sạn mà ở qua đêm. Hồi hộp quá trời!
 
Chúng tôi rời Bryce Canyon buổi trưa rồi chạy thẳng về nhà của anh chị Ánh-Hồng ở Colorado. Anh chị vẫn còn ở California nhưng cho tụi tôi code mở cửa để cần thì ghé lại nghỉ ngơi. Chỉ là mới quen biết nhau mà anh chị đã không ngần ngại trao cả căn nhà bạc triệu cho chúng tôi vào trú thật là cảm động! May mà anh chị chôn vàng ngoài vườn kỹ quá, tụi tôi đi đường xa mệt mỏi không đủ sức đào sâu nên của quý vẫn còn nguyên. 
 
Trong hôn nhân của Lộc Trâm, anh chị Ánh-Hồng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu không có anh chị chắc không có kết quả ngày nay. Bởi vì nếu để chỉ chị Hảo với Thành Lễ lái xe đi từ California tới Minnesota thì chắc chắn sẽ không tới nổi với tài lái xe của họ. Thành Lễ phải ôm cả xấp ticket police phạt và xe bị câu lưu nếu không nói là bị lọt hố! Còn nếu họ tới được Minnesota thì chúng tôi cũng không đưa Lộc đi California để làm đám cưới vì không muốn thuê khách sạn hoặc ở nhà bà con bạn bè trong giai đoạn dịch cúm Tàu này.
 
Ngoài anh chị Ánh-Hồng, còn có thiên sứ Thành Lễ là người lo lắng, quan tâm, và bỏ công bỏ của vun đắp cho hai trẻ rất nhiều. Là một người có trái tim vàng không từ nan bất cứ chuyện gì, lo cho từng người khuyết tật và đặc biệt xem Quỳnh Trâm như con gái gả lấy chồng xa, đã dõi theo con đến tận nhà chồng. Thấy mà thương!
 
Rồi chị Hảo, anh Tuấn...những thiên sứ góp phần cho hai kẻ có duyên được đến với nhau, như một câu chuyện khó tin mà có thật trong thời kỳ hỗn loạn này khiến cuộc đời bỗng chốc trở nên có chút màu nhiệm, thú vị!
 
Nhớ ngày xưa khi chúng tôi mua cái nhà đang ở nhằm mùa đông, tuyết phủ hết driveway và sân trước sân sau. Vì nhà giá rẻ (được bán theo kiểu foreclosed), có hồ trước nhà, thiết kế bên trong vừa ý nên ông anh rể họ là Thịnh giúp chúng tôi kỳ kèo trả giá mua được. Vợ ảnh chị Lệ giúp kêu thợ giỏi sơn sửa tân trang cho mới. Trong lúc đó chúng tôi làm một chuyến du lịch về Việt Nam sẵn dẫn mấy đứa em của Hoàng được cho định cư qua Mỹ luôn.
 
Về tới Mỹ nhận nhà mới thì vào đầu Xuân, tuyết tan lòi ra cái driveway được đúc bằng xi măng, sân sau có một khoảng nhỏ cỡ 16 mét vuông cũng đúc bằng xi măng chắc để làm sân chơi cho con nít. Trong nhà thì được sơn sửa đẹp ơi là đẹp! Thích quá xá cỡ!
 
Giờ nghĩ lại sao giông giống chuyện cưới dâu, duyên trời đã định khi không có cô dâu Út dễ thương đưa về nhà. Cũng một chuyến du lịch xa, cũng lấy rồi mới khám phá thì ra là Ngọc trong đá! (Tên là Trâm nhưng làm hôn thú giờ thành tên Ngọc trùng hợp ghê)
 
Hai ngày trước tôi tình cờ xem một video clip mà người ta  post trong bài viết của tôi mới biết Quỳnh Trâm là một vận động viên điền kinh tầm cỡ của người khuyết tật đã từng đạt huy chương trình độ thế giới mới ghê. Và cũng là một ca sĩ được nhiều người mến mộ nữa chứ! Phục cái là con bé chưa bao giờ tự khoe mình như nhiều người khác mới hay!
 
Chúng tôi yêu thương con dâu mới vì tính nó xuề xòa, đơn giản không màu mè, biết suy nghĩ chín chắn và có tâm. Lại biết tiết kiệm không phung phí. Ai cho gì mặc nấy (mà mặc đẹp lắm lận). Tôi tính bữa nào hết dịch sẽ tổ chức tiệc cưới lơn lớn cho vợ chồng nó nhưng Trâm nói chỉ muốn làm đơn giản thân tình là đủ. Con dâu còn không ngại khó khăn, cực nhọc và quan trọng nhất là rất đồng cảm với Lộc. Có lẽ vì Trâm có cô em gái sinh đôi cũng bị yếu mắt và tự kỷ nhẹ như Lộc nên thông cảm và hiểu Lộc hơn những người khác chăng.
 
Thật ra chúng tôi chỉ cần có cô con dâu hiền và tốt tính là đủ. Chỉ mong cho vợ chồng cậu út vui vẻ, an lành, hạnh phúc bên nhau. Nhưng người có tài rất hiếm không nên để tài năng mai một. Nhất là nếu có thể đem vinh quang lại cho người Việt chúng ta thì còn gì bằng! Ráng chờ giấy tờ xin định cư của Trâm được chấp thuận, chúng tôi sẽ tạo điều kiện giúp đỡ để Trâm có thể phát triển tài năng của mình.
 
Số chúng tôi thật là may. Có con dâu trưởng xinh đẹp, biết lo toan trong ngoài, quan tâm mọi người. Giờ có thêm dâu út dễ thương hợp tính thì còn gì bằng. Thời buổi này "Nam sinh ngoại tộc", đẻ con trai có phước hay không là tùy con dâu vì đàn ông giờ chỉ nghe lời vợ. Cũng giống ...chồng mình vậy thôi!
 
Giai đoạn rảnh rỗi này, tôi đang tập cho vợ chồng Lộc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Chợ búa thì chưa dám cho tụi nó đi vì dịch cúm Tàu tránh tiếp xúc với thiên hạ...Thấy hai đứa cần cù, chịu khó học hỏi lắm. Hy vọng vài tháng nữa vợ chồng nó sẽ tự lập cánh sinh thầu lo bếp núc cho cả nhà thì mẹ chồng tôi tha hồ mà vi vu Facebook!
 
Nói chứ từ ngày đón Trâm về, nhà mình toàn tiếng...hổng phải chửi thề mà là tiếng cười vì đủ trò vui lắm. Chàng nàng giờ mỗi ngày mặc áo cặp cùng màu, mặt mày tươi rói, đi đâu cũng “xà nẹo” ôm nhau tay trong tay, thủ thỉ thù thì tâm sự suốt ngày. Lộc hoạt bát hẳn ra và lâu lâu phát biểu làm ai cũng giật mình cười ngất.
 
Nghĩ cũng vui vì hai đứa đi ngược với mọi người. Bắt đầu từ hôn nhân rồi mới đi ngược dòng tìm hiểu nhau. Và phải nói là ai cũng mừng cho hạnh phúc cặp vợ chồng trời se duyên này vì hợp với nhau quá!
 
Trong thời buổi lộn xộn đủ chuyện bịnh hoạn và chính trị đấu đá nhau này, vẫn còn có một câu chuyện huyền thoại đẹp như mơ để chúng ta có thể tin rằng vẫn còn có nhiều điều tốt đẹp trên thế gian này!

Ý kiến bạn đọc
22/08/202003:38:50
Khách
Chúc mừng chị Thanh Mai có được dâu tốt .Câu chuyện gặp thuận duyên cho cặp Lộc &Trâm thật là vui mừng . Đúng là " Ngọc trong tim " như chương trình của Thành Lễ , một người có tài năng chuyên đem cúng dường các Chùa , các nơi thiện nguyện và luôn quan tâm đến những hoàn cảnh khuyết tật
19/08/202005:10:53
Khách
Tôi rất thích bài này của tác giả Thanh Mai. Tôi thích lối hành văn dí dỏm.
09/08/202011:03:12
Khách
Chị KimDung,
Em xin chị một... “đặc ân” được không?!🤓
Nếu có bài nào đó chị viết, em đọc thấy thích rồi em có đôi lời khen, cám ơn về bài viết của chị thì bản thân em thấy đó là chuyện nên làm. Chị không cần phải nồng nhiệt cám ơn lại em. Ừ, bài viết vừa rồi của chị em đọc em thấy thích 🤓👍...
Chị cứ là chị đối với những độc giả kia. Nhưng không cần phải vậy với em! Em cám ơn chị trước!
...
Tấm lòng nhân ái của các anh chị muốn giúp đỡ gia đình Tiến Mai... Mấy hôm trước cứ tưởng là đã có được người bảo trợ nhưng rồi lại không. Em nghĩ mọi người cũng đừng nên buồn quá. Hãy nhìn vào điểm tích cực của sự việc. Trước mắt đã có thể đem nhiều người lại gần nhau hơn! Còn chuyện tương lai đâu ai biết trước được đâu.
Em mới đọc được câu này và em thấy thích. Xin được tặng quý anh chị.

Niềm tin là ân sủng của Thượng Đế
La foi est la grâce de Dieu.
Cứ cầu nguyện sẽ được, cứ gõ cửa sẽ mở.
06/08/202020:02:18
Khách
Cám ơn bạn Vang Nguyên đã đọc thêm nhiều bài về Lộc. Vâng, Lộc là món quà trời ban cho chúng tôi vì Lộc là một đứa con rất ngoan và có hiếu, có tâm. Nay ông Trời lại tặng thêm cho cô con dâu dễ thương Quỳnh Trâm ngoan, hiểu chuyện và rất yêu thương Lộc nên cả nhà nay rộn ràng hạnh phúc lắm. Hy vọng Lộc Trâm sẽ được hạnh phúc đến thiên thu như lời bạn nói.

Xin mời nghe bài dân ca chế
https://youtu.be/21XttYH9zAQ
06/08/202019:58:56
Khách
Vang Nguyen,
Cám ơn chữ Tạo Vật!
Thì ra xưa nay tui hiểu sai. Ừ, chữ đó cũng ít ai xài mà sao Vang Nguyen cũng biết thiên hạ... sai🤓👍
Tự nhiên tui tò mò muốn biết Vang Nguyen là nam hay nữ... “Xuân xanh(!) vừa độ bao nhiêu tuổi” (Nguyễn Trãi).
...
Tui hy vọng tui sẽ gặp thêm một người thuộc Kiều, xem có phải cũng có những ý tưởng giống giống tui hay không...🤓

“Để xem con tạo xoay vần ra sao”
(Kiều)
06/08/202014:28:46
Khách
"Đứa con này của chúng tôi bị kém thị lực đã 13 lần mổ mắt. Con còn bị bịnh tự kỷ và bị rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder). Nuôi con từ ngày còn trứng nước cho đến nay biết bao gian truân và công khó nhưng cũng tạ ơn trời là con qua được nước Mỹ để được một nền y học gần như tiên tiến nhất thế giới chữa trị để không bị mù hẳn, cũng như được những tấm lòng thương người nhiệt tình giúp đỡ từ bác sĩ, thầy cô, gia đình và bạn bè nên con được thành đạt như ngày hôm nay. Nhưng phần chính là nhờ sự cố gắng, chăm chỉ muốn vươn lên của chính con – Trần Lộc." (Trích bài "Sau cơn mưa Trời lại sáng" của cùng tác giả)
Đọc những hàng trên không ai là không cầm được nước mắt.
Sau khi đọc bài "Duyên Trời Định" tôi tìm đọc thêm các bài khác của chị Thanh Mai để hiểu thêm về Lộc.
Trong khi văn hoá VN thường ác độc cho rằng một đứa con khuyết tật, đồng tính ... là một "quả báo", văn hoá Mỹ không những bao dung hơn mà còn mang tính tích cực vươn lên.
Nhiều bậc cha mẹ Mỹ còn coi có con khuyết tật, đồng tính, là một niềm tự hào chính đáng vì chính họ đã tạo ra chúng. Họ hãnh diện tự gọi mình rất thành thật là "proud parent of an autistic child, a blind child, a gay son, a disabled child".
Có vợ hoặc chồng, có cha có mẹ, có anh chị em khuyết tật cũng là một niềm tự hào chân chính như proud wife of a blind person, proud son of a disabled person...
Thậm chí nhiều người còn rất thật lòng coi một người thân khuyết tật là điều quý giá nhất trên đời khi nói "I wouldn't trade you for the world".
Tôi thường gặp nhiều người Mỹ rất hãnh diện và tự nói ra về những người thân khuyết tật.
Dĩ nhiên không ai muốn lâm vào tình trạng không may này.
Nhưng trong hoàn cảnh không ai muốn này nếu nhìn ra và thi hành một cách bằng lòng Ý Trời, coi đó là thiên mệnh của đời mình, thì người đó cũng trở thành một ngọn nến, một ngọn hải đăng của Đèn Trời soi chiếu cho thế gian.
Những cuộc đời làm theo Ý Trời bao giờ cũng nghiệm ra "sau cơn mưa Trời lại sáng" và nhất là "sau cuộc đời tạm này, Trời sẽ ban cho hạnh phúc đến thiên thu."
05/08/202005:30:23
Khách
Nguyên Ngọc đọc rất nhiều bài đăng trên VB. Câu chuyện nào NN cũng yêu thích và có ý nghĩa vô cùng như: câu chuyện "Họp mặt gia đình mùa đại dịch"tác giả Đinh Công Bình, "Nắng hạ chưa lên" của tác giả Minh Thuý... nhưng khi đọc đến câu chuyện tình đẹp ngỡ như mơ Lộc-Trâm của tác giả Thanh Mai đã làm cho NN xúc động nước mắt cứ rơi vì quá hạnh phúc trước cái kết đẹp của đôi vợ chồng khiếm thị trẻ này. Cảm ơn Ơn trên đã ban phước cho gia đình chị Thanh Mai có được cô dâu hiền, tài năng và NN rất cảm động trước những tấm lòng cao cả của anh Thành Lễ, chị Hào vợ chồng Ánh, Hồng... không chỉ se duyên mà đã kéo "sợi duyên" xuyên qua tận 6 Tiểu bang vo thành một cuộn tròn cho đôi trẻ bên nhau. Tình cảm cao đẹp đặc biệt giữa mùa đại dịch của họ thật đáng trân quý biết bao! NN xin chúc phúc cho hai cháu Lộc Trâm mãi hạnh phúc bên nhau. NN cũng ước gì có ai đó kết nối được cho đôi vợ con cái trong câu chuyện "Đôi bờ sông Tương" có cái kết viên mãn như thế này.
04/08/202023:43:53
Khách
Thưa quý anh chị, sẵn yêu thương đang giăng giăng tui xin được... đôi lời.
Ai viết bài trên đây thì cũng mong có lời bình hầu dò được nông sâu...
Ví dụ có ai đó viết bài kể về người cô hay người mẹ tám mươi mấy gần 90 tuổi của mình nhưng vẫn mê văn chương, viết lách... Tui tin chắc mọi người sẽ trầm trồ xuýt xoa, hết lời tán thưởng.
Bởi vậy, sao tui thấy... thương cho cô Ngọc Hạnh...
Người già thì giống trẻ thơ, dễ tủi thân.

“...
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”
(Vũ Đình Liên)
04/08/202022:39:52
Khách
Bị cấm túc ở nhà nên kiếm chuyện cho đỡ... buồn, xin tác giả lượng thứ.
04/08/202003:58:53
Khách
Chị Kim Ho bảo cháu check trên google tìm "Marriage License Bureau" ở Las Vegas và tới làm thủ tục nhanh lắm. Sau đó nhờ cha xứ hay luật sư làm chứng kết hôn thôi. TM không có số điện thoại anh Tuấn và cũng ngại nữa. Sorry chị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,803,650
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Đây là bài mới của tác giả.
Cuối tháng 7, năm 2020, nạn dịch Tàu vẫn đang hoành hành khắp nơi trên đất Mỹ; tất cả các nước trên thế giới đều lo sợ cuống cuồng, vội đóng cửa biên giới đường bộ, đường thủy, và đường hàng không. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Không cho ai ra khỏi nước mà cũng không cho phép bất cứ ai vào nước mình. Kinh tế lao đao, người dân khổ sở, tù túng, quanh quẩn trong nhà mơ đến ngày được trở lại cuộc sống bình thường trước đây. Sau 5 lần trì hoãn chuyến bay, tôi cũng phải lên đường đi công tác để thay thế cho những đồng nghiệp đang mắc kẹt ở nước ngoài đã quá thời hạn làm việc mà chưa về được với gia đình. Họ gởi emails van xin hãng cố gắng tìm cách giúp đỡ về nhà càng sớm càng tốt.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Hai chị em mãi tán chuyện, đến cổng ngoài nhà Mai lúc nào mà tôi không hay. Mai khép cổng và bước vào nhà. Nhìn dáng em liu xiu men theo tường nhà bà Sáu mà lòng tôi nặng trĩu. Tôi thương em và có cả sự ngưỡng mộ; ngưỡng mộ bởi số phận oan nghiệt vẫn không làm em gục ngã, buông xuôi. Em đã cố gắng vùng vẫy ngoi lên từ đêm đen để trở thành cô gái mù nổi tiếng cả tỉnh thành. Thật từ đáy lòng, tôi rất khâm phục trước ý chí và tài năng của Mai với những tấm bằng khen chất đầy bên góc tủ. Trong tất cả những giải thưởng tôi nể phục nhất là giải về Tin học 6 tỉnh miền Trung mà Mai đạt được năm 2009. Và từ khi quen biết Mai tôi thấy mình cần phải học hỏi nhiều thứ ở cô ấy lắm. Nhưng đăc biệt, tôi cảm động nhất là mối tình thật đẹp của Mai và Tiến
Tác giả là cư dân Huntsville, AL. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bao Giờ Trời Sáng” một du ký nhiều ý nghĩa khi thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, bài viết thứ hai là “ Thằng Ngốc “ Đây là bài viết thứ ba . Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Cả tuần nay mưa rả rích không ngớt, mưa nhiều nên cây cối cũng xanh tươi hơn, chẳng thế mà những bãi cỏ khô cằn trước nhà bỗng dưng xanh rì. Mỗi buổi trưa khi có chút nắng yếu ớt chiếu xuống, đám hoa bồ công anh dại nằm khép mình dưới cỏ cũng vươn mình nở vàng rực rỡ. Tôi ngồi trong nhà ngắm nhìn màn mưa qua khung cửa sổ thấy dạ bồi hồi. Nếu không có trận đại dịch Covid-19 này, giờ chắc tôi đang trong hãng vật lộn với công việc, sau lại tất bật về nhà xoay sở với ngàn công việc không tên khác, để rồi vừa đặt lưng xuống giường là chìm ngay vào giấc ngủ. Sáng hôm sau tiếp tục tất bật cho một ngày mới. Làm gì có thời gian nhàn rỗi ngồi ngắm mưa suy nghĩ mông lung.
Ấn tượng của chị Dung lần đầu gặp ông Đại là một khuôn mặt vô hồn nhìn vào khoảng không vô định. Không chào hỏi, không có bất kỳ biểu hiện vui buồn gì trên khuôn mặt trơ như tượng đá. Tuy vóc dáng ông còn khỏe mạnh đối với một người ngoài bảy mươi nhưng những bước đi có vẻ nặng nề không phải do đau yếu mà dường như trong lòng không muốn bước.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.
Mỗi ngày nghe tin tức tìm hiểu về bệnh Covid_19, cho đến hôm nay tổng số bị bệnh là 2,132,321 người và tổng số qua đời là 116,862 người, (theo cdc.gov). Con số thật khủng khiếp cho nước Mỹ. Sau mấy tháng ban lịnh quarantine (cách ly), đầu tháng 6, thống đốc tiểu bang Cali cho mở cửa các hãng xưởng, bussinesss, tuy nhiên vẫn còn dè dặt một số như tiệm tóc, Nail, cá nhân cũng như doanh nghiệp còn vẫn theo cách chỉ dẫn của cán bộ Y Tế và thống đốc vẫn phải đề phòng cẩn thận là giữ khoảng cách khi giao tiếp, mang khẩu trang, đeo bao tay cũng như luôn rửa tay.
Nhạc sĩ Cung Tiến