Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Cuộc Sống Trong Căn Cứ Mỹ

13/10/202015:15:00(Xem: 8627)

Nguyễn Văn Tới 
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019  Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.  

***                                                       


blank

 Dàn súng C-RAM/Iron Dome, tự động bằng radar, bảo vệ căn cứ chống đạn pháo, mọc chê, và rocket.

Mine-Resistant Ambush-Protected | armoured vehicle | Britannica

 Xe MRAP quân đội Mỹ xử dụng ở chiến trường hiện nay để bảo toàn tính mạng binh lính. Xe Humvee không còn thích hợp nữa. Phía sau là dãy tường T-Wall bảo vệ đúc bằng bê tông cốt sắt.


Rồi cũng tới ngày rời khách sạn ở Dubai, nơi tôi đã trải qua 16 ngày cách ly, giống như bị giam lỏng trong căn phòng nhỏ ở khách sạn, để bay đến Afghanistan. Một ngày trước khi bay, nhân viên của hãng máy bay DFS, Diplomatic Flight Services, dàn xếp để tất cả hành khách lại phải làm thêm 1 cái thử nghiệm Corona Virus nữa trước khi rời Dubai để bay qua một nước khác. Sáng Chủ Nhật, tôi được hướng dẫn xuống lobby đợi làm thủ tục giấy tờ. Họ phát cho tôi 2 giấy chứng nhận không bị nhiễm virus, rồi mới được lên xe bus ra phi trường. Tổng cộng chuyến đi này, tôi phải trải qua 4 lần thử nghiệm Covid.

Chuyến bay đi Afghanistan chật cứng hành khách mang khẩu trang, hầu hết là công dân Mỹ đi công tác ở các nơi trên đất nước này. Từ trên cao nhìn xuống phi trường nhỏ xíu của thành phố Kandahar, căn cứ KAF, bầu trời vẫn mờ mịt bụi như 3 năm trước khi tôi còn làm việc ở đây. Cảnh vật không thay đổi bao nhiêu. Một bên là nhà ga dân sự, còn bên kia thuộc về quân sự. Máy bay ghé để một số hành khách xuống, rồi tiếp tục bay về phía Đông Bắc Afghanistan để đến căn cứ BAF, nơi tôi sẽ làm việc.

Ông xếp đến đón tôi bằng 1 chiếc pick-up truck,Toyota Hilux. Ông nhận ra tôi là người quen, vui vẻ đến đưa “fist pump” chào mừng tôi đến nhiệm sở mới. Tôi biết ông đã một lần ghé qua căn cứ Ft. Huachuca ở Arizona, nơi tôi làm việc ở Mỹ. Ông đưa tôi đến văn phòng, giới thiệu với các đồng nghiệp khác, rồi chở tôi về nhận phòng ở một barrack gần đó. 

Mặt trời chưa tắt hẳn mà ánh sáng đèn trong trại đã sáng rực trên con đường chính trải nhựa. Đàn chim đang bận rộn cãi nhau chí chóe điếc tai, chen lấn nhau tìm chỗ ngủ trong 1 tàng cây lớn ven đường. Bụi bốc lên mờ mịt cộng với cái nóng tháng 8 làm không khí thêm phần ngạt thở mỗi khi có chiếc xe chạy ngang qua những con đường đất kế bên. Cảnh vật bàng bạc một màu sắc chiến tranh: Từng tốp lính, vai mang súng trường chéo ngang ngực, mũi súng chĩa xuống đất, tay cầm những hộp cơm to-go, vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ; nhiều nhân viên dân sự Mỹ mang súng ngắn bên hông. Mọi người ai nấy có vẻ vội vã đi lại tấp nập lo chuyện của mình. 

Một số lính mặc quần áo trận hơi khác với lính Mỹ, họ đi thành từng nhóm và nói chuyện thật to bằng tiếng nói rất lạ tai, không giống như ngôn ngữ Slavic của vùng Bắc Âu. Họ là những người lính Georgia, một thời là quốc gia cộng sản thuộc Nga Sô, quê hương của nhà độc tài cộng sản Stalin, nay quốc gia này là đồng minh của NATO, họ tham gia chiến đấu dưới sự chỉ huy của quân đội Mỹ. Ở đây cũng có sự tham gia của quân đội các nước cộng sản Sô Viết khác, nay đã là thành viên của NATO. Tôi đã có dịp nói chuyện với một số người trong bọn họ, ai cũng cho biết tất cả đều rất thích được điều qua những vùng chiến sự vùng Trung Đông vì được trả lương cao hơn nhiều so với những người lính ở trong nước trong khi GDP của Georgia chỉ khoảng $4,300/ 1 năm.

Những nhân viên an ninh người Uganda, áo khaki vàng, quần đen, chân mang giầy bốt, vai đeo AK 47. Nhiệm vụ của họ là canh gác các tòa nhà trong trại và các vọng gác chung quanh doanh trại, kiêm luôn  tuần tra bên trong các bức tường bao quanh. Khi cần thiết, họ cũng có thể trở thành một lực lượng chiến đấu bảo vệ doanh trại trong trường hợp bị tấn công. Tất cả bọn họ đều từng là lính ở quê hương nơi họ sinh ra, nên họ đã có kinh nghiệm và được huấn luyện quân sự. Có rất nhiều nhân viên phục vụ trong trại được mướn từ các nước cộng sản Đông Âu cũ làm việc trong nhà giặt, nhà ăn, sửa chữa, quét dọn từ Slovenia, Czech v…v…

Một số rất đông người đi theo từng nhóm sắc dân khác nhau. Tất cả bắt buộc phải khẩu trang che miệng, nói chuyện râm ran bằng ngôn ngữ riêng của họ. Những ngày ở đây, tôi quen một người Ấn Độ làm việc trong trại tên Rajish Kumar, 34 tuổi. Anh tâm sự anh đã làm việc nhiều năm ở đây, cứ mỗi 6 tháng anh được hãng mua vé cho bay về thăm nhà ở phía Đông Bắc Ấn Độ, gần dãy Hymalaya. Lương anh $730/tháng, được cho ở và ăn uống theo tiêu chuẩn Mỹ, có bảo hiểm sức khỏe, anh thấy vui lắm rồi vì ở quê anh, một người đi làm chỉ được $300/tháng, 6 tháng mùa đông tuyết phủ, nằm nhà chơi mà không có tiền.

Đây là một căn cứ quân sự lớn với một phi trường có thể đáp những vận tải cơ quân sự khổng lồ của không quân Mỹ. Dân số trong trại thay đổi từ 30,000 đến 80,000 người vào lúc cao điểm nhất. Ngày cũng như đêm, người và xe cơ giới qua lại tấp nập. Những chiếc chiến đấu cơ F-16, A-10 Tank-killers, phi cơ thám thính C-12, trực thăng Apache, Black-Hawks, Chinooks lên xuống đều đặn và liên tục, thực hiện nhiệm vụ ngày đêm. Thành phố quân sự này hầu như không lúc nào ngủ.

Phi công Mỹ đã quen đáp và cất cánh ban đêm không cần đèn. Cảnh 1 chiếc vận tải cơ không lồ C-17, lù lù xuất hiện, đáp xuống đường băng trong đêm đen là chuyện rất thường ở đây. Khi những càng đáp vừa bung ra, đèn phi hành (Navigation light), đèn đáp (Landing light), và đèn chớp (Strobe light) mới được bật lên. Khi cất cánh thì ngược lại: Phi cơ lấy đà chạy nhanh trên phi đạo, tất cả đèn đều sáng, nhưng khi vừa rời mặt đất, khỏi phạm vi phi trường, tất cả đèn đều được tắt vì lý do an ninh.

Con mắt “thiên lý nhãn” của trại là hai chiếc khinh khí cầu (blimps) lơ lửng trên cao ngày đêm quan sát toàn trại và vùng vành đai an ninh bên ngoài. Hai chiếc tàu bay này được làm bằng loại vải dày đặc biệt “canvas”, bên trong bơm khí helium, và được nối liền, thả bay lên một độ cao nhất định bằng dây cáp hợp kim. Trên đó được trang bị máy quan sát để nhìn xuống bên dưới. Vì lơ lửng ở một độ không cao lắm, nên nó có thể nhìn rất rõ người và các phương tiện đi lại bên dưới cả ngày lẫn đêm. Loại khinh khí cầu này cũng đang được xử dụng dọc biên giới Mỹ-Mễ để quan sát người vượt biên bất hợp pháp và những người đem lậu ma túy vào Mỹ. 

Nhiều lần, lính gác bắt được nhiều tên đặc công đang bò đột nhập trại vào ban đêm nhờ hệ thống quan sát khinh khí cầu này. Họ cũng ngăn ngừa được những âm mưu dọ thám từ xa của địch khi chúng giả dạng làm người chăn cừu và đóng trại gần đó để quan sát tình hình bên trong trại. Chúng quan sát địa hình rồi báo lại cho đồng bọn tọa độ để bắn hoặc pháo kích. Địa hình phi trường là một lòng chảo, thung lũng được vây quanh bằng những dãy núi cao. Thay vì bắn cầu vồng, chúng sẽ bắn trực xạ, rất thấp để radar trong trại khó lòng khám phá.

Giấc ngủ của chúng tôi thường không tròn giấc, thỉnh thoảng bị tiếng bom, pháo đánh thức, tiếng nổ có khi gần bên làm rung chuyển căn nhà tiền chế 2 tầng mà chúng tôi đang ở. Chúng tôi phải mặc áo giáp, nón bảo vệ, chạy ra hầm trú ẩn, trong khi trực thăng cất cánh, đèn pha rọi khắp nơi, tiếng đạn pháo binh bắn trả lại nghe đinh tai. Khi nào nghe loa thông báo “All clear”, chúng tôi mới trở lại tiếp tục giấc ngủ bị đứt đoạn. 

Nhớ ngày còn nhỏ, khi cuộc chiến Việt Nam vẫn đang diễn ra hằng ngày, chúng tôi thường nghêu ngao một cách vô tội vạ “Em ơi đừng lấy pháo binh, đêm đêm nó thụt rung rinh cả giường”. Bây giờ ngẫm lại mới thấy thật đúng. Mỗi khi phe ta bắn ra, ngoài cái loa phóng thanh điếc tai thông báo “out-going” 3 lần, tiếng đạn pháo nổ nghe đinh tai nhức óc và rung chuyển cả giường, cả tòa nhà đều rung lên bần bật, không ai có thể ngủ được.

Một người bạn kể, năm ngoái, chúng tấn công vô nhà thương nằm ngay cổng trại bằng 2 xe bom, mỗi xe chở 500 pounds chất nổ. Tòa nhà bị san bằng sau một tiếng nổ khủng khiếp làm tất cả mọi người trong trại thức giấc vì tưởng động đất. Địch chiếm tòa nhà kế bên, dùng nơi đó làm bàn đạp để tiến vào trại. Trực thăng Apache phải bắn 2 hỏa tiễn Hell-Fire vào mới tiêu diệt được chúng. 

Chắc chúng ta vẫn còn nhớ vào ngày 3, tháng 1, năm 2020, máy bay không người lái của Mỹ bắn hạ tên đầu sỏ khủng bố người Iran, tướng Soleimani. Sau đó, quân đội Iran bắn trả thù vào hai căn cứ quân đội Mỹ ở Iraq, nơi lính Mỹ và nhân viên dân sự như chúng tôi đang đồn trú. Chúng bắn 16 trái hỏa tiễn địa đối địa, (ballistic missiles) tầm ngắn, vào 2 trại Al Asad và Erbil. Al Asad lãnh trọn 11 trái và Erbil 1 trái nhưng không nổ, còn 4 trái lạc mục tiêu ra ngoài. Cũng nên biết Iraq và Iran có cùng chung 1 biên giới: Iraq phía Tây, Iran phía Đông, nên chúng xài loại hỏa tiễn tầm ngắn.

Trước khi bắn, Iran có thông báo cho phía Mỹ biết sẽ tấn công bằng hỏa tiễn nhưng không cho biết thời gian và mục tiêu. Họ làm vậy để giữ thể diện với dân nước họ và quốc tế. Họ sợ rằng Mỹ sẽ đáp trả nặng nề hơn nếu đánh lén mà không cho hay. Ngay sau cuộc tấn công, Tổng Thống Trump thông báo nếu Iran còn tiếp tục tấn công làm thiệt hại đến nhân mạng và tài sản, Mỹ sẽ bắn nát 52 địa điểm ở Iran. Khi họ khai hỏa, vệ tinh Mỹ phát giác sớm, báo cho 2 căn cứ biết, nhờ vậy mà mọi người có đủ thời giờ mang áo giáp, nón bảo vệ, chạy ra núp ở trong bunker, nếu không thương vong sẽ rất nặng nề. Họ bắn 3 đợt, lần thứ nhất lúc 01:35, 01:42, và đợt cuối lúc 02:06, chấm dứt lúc 04:00 ngày 8, tháng 1.

Các căn cứ quân đội Mỹ hiện tại không được trang bị loại hệ thống phòng thủ để bắn chặn những hỏa tiễn lớn như hai loại Qiam và Fateh (1) của Iran xài trong cuộc tấn công nên lúc đó ta không thể bắn trả lại được. Sau vụ tấn công này, quân đội Mỹ mới cho chở sang Trung Đông và trang bị cho một vài căn cứ loại hỏa tiễn siêu thanh Patriots là loại có thể bắn chặn các tên lửa lớn trước khi chúng bay đến mục tiêu. Cũng cần nên biết một hỏa tiễn bắn chặn mắc tiền (khoảng $12 triệu 1 cái) hơn nhiều so với một hỏa tiễn bình thường vì tốc độ phải nhanh và chính xác mới đón đường trước và phá hủy được hỏa tiễn đối phương.

Cuộc tấn công này tuy không giết chết ai nhưng làm hư hại một vài tòa nhà lẫn nơi ở của người Mỹ và làm cho gần 60 người vừa lính lẫn dân sự bị TBI, Traumatic Brain Injury, hội chứng sợ hãi quá mức. Tôi có người bạn làm việc ở đó lúc xảy ra cuộc tấn công. Tất cả lính và nhân viên dân sự trong trại được báo động, chạy vào bunkers, Phát nổ đầu tiên cách bunker 80 feet làm anh ta choáng váng đầu óc và lỗ tai lùng bùng. Anh nói chưa bao giờ trong đời anh ta nghe những tiếng nổ lớn khủng khiếp đến vậy.

Quá sợ hãi, ngay sáng hôm sau, anh xin hãng cho về lại Mỹ ngay lập tức với lý do bệnh lý như trên.

Anh cũng kể thêm về những nhân viên dân sự khác, người thì bị té từ trên thang xuống trẹo mắt cá chân, người thì bị ra máu lỗ tai vì hỏa tiễn nổ sát bên ngoài bức tường T-Wall, cách 2 feet, làm nguyên bức tường bê tông cốt sắt, nặng 40 tấn, cao khoảng 18 feet, dầy cỡ 20 inches, rộng 6 feet, đổ sập đè lên bunker, nơi anh ta đang nấp trong khi những người khác thì bị té ngửa ra sau vì sức ép của trái hỏa tiễn. Tôi rất may mắn không làm việc ở đó mà đã trở về nhà sau chuyến công tác từ 1 căn cứ khác ở Philippines.

Một lần, khoảng 2 giờ sáng, theo thông lệ, tôi và một người bạn làm chung đang đi dạo quanh trại để thư giãn và tiêu cơm sau những giờ ngồi lâu ở văn phòng. Chúng tôi vô tình đi vào khuôn viên của tòa nhà CIA. Một chiếc MRAP, Mine Resistance Ambush Protected, xuất hiện và ra lệnh cho chúng tôi dừng lại. Họ coi thẻ và hỏi chúng tôi làm việc ở đâu. Sau khi biết chỗ chúng tôi làm, họ yêu cầu đừng đi vào khu vực này nữa vì hệ thống cameras báo cho biết có người lảng vảng gần khu vực cấm. Bấy giờ chúng tôi mới để ý có nhiều cameras được gắn trên cao nhìn xuống tất cả mọi con đường dẫn đến cổng ra vào của khu vực. 

Trên đường chúng tôi đi bộ trở lại nơi làm việc, hệ thống báo động vang lên inh ỏi và loa thông báo 3 lần “incoming, take cover”, địch bắn vô, kiếm chỗ nấp. Hai đứa vội vàng sải bước thật nhanh kiếm một bunker gần đó để chui vào, nhưng không kịp nữa rồi, một tiếng đạn rít trên cao và dàn pháo C-RAM phòng thủ, Counter-Rocket Artillery Mortar, còn được gọi là Iron Dome, gầm lên, bắn một loạt đạn 20 ly, trúng trái đạn pháo của địch tóe lửa, phá hủy nó trên không, và rơi xuống một nóc nhà cách đó không xa. Tiếng trái pháo địch xé không khí quay tròn, rơi xuống trong không gian nghe đến lạnh người. Ngày hôm sau ra coi, thấy nóc nhà lủng một lỗ đường kính cỡ gần 2 thước nhưng không thiệt hại nhân mạng.

Hệ thống phòng thủ C-Ram là một pháo tháp súng lớn 6 nòng bắn đạn 20 milimeters, được gắn trên một rờ mọc lớn để có thể di động dễ dàng đến nơi mình muốn đặt. Nó có thể bắn rất nhanh đến 4500 viên một phút. Một cái ấn nút bắn ra 300 viên đạn. Nó chỉ được dùng để bắn chặn những loại đạn pháo nhỏ mà thôi. Được chế tạo bởi hãng Raytheon, nó được điều khiển bằng computer, khi hệ thống radar phát giác có đạn pháo binh, súng cối, hay phóng lựu bay đang hướng về mục tiêu, nó báo động rất nhanh và người lính ngồi trực chỉ cần ấn nút khai hỏa, hệ thống sẽ tự động bắn rơi đạn của địch ngay ở trên không, khiến nó rơi xuống mà không bị phát nổ. Nói theo Kim Dung tiên sinh của truyện kiếm hiệp là kẻ địch phóng một loạt ám khí, phe ta chỉ cần cầm đôi đũa tre gạt một cái là chúng rơi lả tả xuống đất, hoặc gắp lấy ám khí khi chúng còn lơ lửng trên không, rồi bỏ vào đĩa làm mồi nhắm rượu.

Khu nhà tôi ở là một trong 5 dãy nhà 2 tầng, chung với lính Mỹ nhưng cách biệt với khu của những người làm công trong trại mà chúng tôi gọi là TCN, third-country-nationals, người đệ tam quốc gia. Chung quanh được bao bọc bởi những bức tường bê tông dày 18 inches và cao khoảng 18-20 feet, có thể ngăn được những trái đạn pháo để bảo vệ an toàn cho chúng tôi.

Các khu khác của người TCN thì không được sạch sẽ cho lắm vì lối sống của họ hơi bầy hầy và ý thức vệ sinh không cao. Còn có những khu cấm không cho bất cứ người nào trong bọn họ được lai vãng gần như chỗ chúng tôi làm việc. Nơi cổng ra vào, chúng tôi phải trình giấy tờ, bằng lái xe đặc biệt, trước khi người lính gác Mỹ bấm nút, hạ tấm bửng dày 20 ly xuống để xe đi qua. Khi lái xe trong khu vực này, phải để đèn emergency light nhấp nháy liên hồi và chỉ được lái với tốc độ tối đa 8 miles/ giờ. 

Mỗi tối, tôi làm việc từ 11 giờ đêm đến 11 giờ sáng hôm sau. Lái xe vào khu vực phi trường để đến chỗ làm, sau khi họp giao ban xong, khoảng 11:30 đêm chúng tôi lái xe đi lấy đồ ăn sáng nơi nhà ăn mà chúng tôi gọi là DFAC hay Chow Hall. Nhà ăn mở cửa gần như 24 giờ để những ai làm việc ca đêm, có thể đến lấy đồ ăn đem về nơi làm việc. Từ ngày có dịch Covid lây lan, tất cả mọi người trong trại đều phải đến lấy đồ ăn to-go, không được ngồi xuống bàn ăn như trước và cũng để tránh tụ tập một chỗ đông người, để lỡ có bị bắn vào thì số tử vong cũng không cao lắm. Bước vào bên trong, mọi người đều mang khẩu trang và bắt buộc phải rửa tay bằng nước thật nóng với xà bông trước khi chọn thức ăn. Nhân viên dân sự và những người TCN, không ai được phép đội mũ, mang ba lô hay túi xách vào bên trong ngoại trừ quân nhân với vũ khí của mình. 

Trước đây, trại có nhà hàng tư nhân, tiệm Pizza, rạp chiếu phim và tất cả các dịch vụ khác như trong một thành phố nhỏ. Khi nạn dịch xảy ra, tất cả đều đóng cửa. Ngay cả hai cửa tiệm PX, họ cũng đóng bớt một tiệm. Đường xá trong trại lúc nào cũng tấp nập xe cộ và người qua lại, đôi khi gây ra kẹt xe. Sau cuộc tấn công hỏa tiễn ở Iraq và nạn dịch lây lan, không còn cảnh kẹt xe nữa vì ngay cả người lao công trong trại cũng không dám đến đây xin việc làm.

Có người bạn hỏi tôi sao lại thích đi làm những nơi nguy hiểm như vậy? Vượt biên không chết mà chết vì bom đạn khi ở Mỹ rồi thì thật là lãng nhách. Xin thưa không phải là tôi không sợ chết hay vì tôi can đảm hơn người khác. Tôi tình nguyện đi đến những nơi chiến tranh như vậy để phần nào trả ơn nước Mỹ đã cưu mang tôi và dân tộc tôi. Nếu ai cũng nghĩ một cách yếm thế như vậy, thì lấy ai đi vào những nơi gian khổ, hiểm nguy để góp phần mang lại cuộc sống an bình cho những người dân Mỹ ở hậu phương. 

Khi đang viết những giòng chữ này, tôi vẫn đang làm việc nơi vùng lửa khói, đọc báo thấy cuộc hòa đàm giữa chính phủ Mỹ và bọn phiến quân khủng bố vẫn đang tiếp diễn mà chưa có kết quả khả quan; thậm chí bọn chúng vẫn đặt bom phá hoại và tấn công vào các tòa nhà chính phủ địa phương, giống như chiến thuật vừa đánh vừa đàm của Việt Cộng ngày xưa. Hy vọng cuộc thương thuyết sẽ mang đến một quả tốt đẹp để người lính Mỹ có thể trở về với gia đình và tôi cũng không phải đi công tác vào chốn nguy hiểm mà tận hưởng thời gian với người thân và gia đình của mình. 

Nguyễn Văn Tới

REFERENCES:

  1. Mời đọc để biết về khả năng của hỏa tiễn do Iran chế tạo

https://missilethreat.csis.org/country/iran/ 



Ý kiến bạn đọc
31/10/202003:29:22
Khách
Đọc bài viết của Tới Em rất cảm động câu nói "Tôi tình nguyện đi đến những nơi chiến tranh như vậy để phần nào trả ơn nước Mỹ đã cưu mang tôi và dân tộc tôi. Nếu ai cũng nghĩ một cách yếm thế như vậy, thì lấy ai đi vào những nơi gian khổ, hiểm nguy để góp phần mang lại cuộc sống an bình cho những người dân Mỹ ở hậu phương. "
Ngày xưa đi lính VNCH , bây giờ gia nhập quân đội Mỹ , tham gia những nơi nguy hiểm nhất . Cầu mong Tới Em luôn gặp mọi điều an lành .
27/10/202002:57:06
Khách
Tháng 9/2018 thiếu tướng Lương xuân Việt được chỉ định làm tư lênh lục quân Mỹ miền Viển Đông (người đầu tiên là Thống tướng Douglas McArthur và thiếu tướng Lương xuân Việt là người thứ 37, sau khi được chuyển về từ chiến trường Trung Đông (chiến trường Trung Đông chuyển qua phòng ngự), và đảm nhiệm tư lệnh quân đòan 8 viển chinh Mỹ ở Đại Hàn), điều này nói lên chính sách của Mỷ từ phòng ngự qua tiến công để bảo vệ lợi ích Mỹ và đồng minh ở Á Châu-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Tổng thống Nga Putin nhắc lại rằng, ban đầu, Nga ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan và đã từng bỏ phiếu cho nghị quyết tương ứng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tổng thống nhấn mạnh: "Tôi vẫn tin rằng sự hiện diện của người Mỹ ở Afghanistan không mâu thuẫn với lợi ích quốc gia của chúng tôi". vì điều đó góp phần vào sự ổn định ở đất nước Nga. Theo ông, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan tiềm ẩn nhiều rủi ro, Nga "sẽ phải vung thêm tiền" để duy trì sự ổn định ở đó.
20/10/202000:28:15
Khách
Cám ơn Tới Em đã viết về những chuyện ít ai được biết . Rất cảm động về cách bày tỏ lòng biết ơn nước Mỹ của em. Cầu xin Tới bình an và sớm về xum họp cùng gia đình.
Thân quí.
18/10/202018:35:53
Khách
Tới Em tường trình nóng hổi, đọc không dừng được.
Cảm ơn bài viết mang chị về thời chiến tranh ở VN, thương những người lính phương xa hy sinh nhiều lắm nhưng khi giải ngũ chưa chắc được xã hội nhớ đến họ.
Chúc em luôn được an lành bên đó và chóng quay về với gia đình.
18/10/202001:02:26
Khách
Cám ơn Anh Tới đã hồi âm còm của tôi. Muốn trao đổi email với anh nhưng không thấy có cách nào tiện. Bỏ email lên còm này thì sợ phiền đến những độc giả khác. Hơn nữa, anh em mình cũng không cần phải "tán láo" thêm về đề tài đó nữa anh ạ - bởi, trong mấy chục năm vác quốc đi cày cho cùng một lò, anh và tôi năm nào mà chả phải nhai đi nhai lại những cua mandatory training về vấn đề này anh nhỉ. Bàn thêm thì cả hai anh em mình lại than "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" phải không anh? Chẳng qua vì thấy vài đoạn khá "nhậy cảm" nên théc méc tí tẹo thôi. Nếu anh thấy có lý thì anh thận trọng kẻo có thể ảnh hưởng tới security clearance của anh hoặc mang đến hậu quả không tốt cho sự an toàn của chiến sĩ trong quân đội; còn nếu anh thấy đó là chuyện nhỏ thì anh bỏ qua dùm nha.

Một lần nữa xin chúc anh và gia đình luôn bình an. Mong anh tiếp tục cống hiến cho độc giả thêm những bài viết mới.
Thân mến,
17/10/202019:46:02
Khách
Hi anh ĐC Bình. Cám ơn lời nhắn nhủ chân thành của anh như là 1 đồng nghiệp và lời khen về lời văn. Xin anh cho email riêng để mình trao đổi thì hay hơn vì có những điều nói ra người ngoài sẽ khó hiểu. Còn về sự khác biệt giữa các căn cứ: Theo tôi nghĩ vì anh làm ở căn cứ trong nước và tôi ngoài nước hoặc vùng đang có chiến sự ; hai cái này khác nhau nhiều lắm. Chúng tôi đi đâu cũng phải mang thẻ để dễ phân biệt với những người TCN trong trại. Chỉ khi travel phải dấu hết. Có những chuyện được tiết lộ ra với 1 chừng mực nào đó cho phép và có những chuyện không được. Thân mến.
16/10/202019:34:55
Khách
>Dính chiêu này khi nghe nổ tứ phía thì phải chui xuống gầm giường, sau khi mín nồ, B40, ... tụi nó sẻ vô thẩy lựu đan, bắn AK. Lúc này phải bắn nó, bắn chậm thì chết.

Trong 36 chiêu của Tôn Tử, chiêu thứ 37 là giả chết. Khi nghe tiếng AK 2 phát một (vixi gọi là điểm
xạ, thì tụi nảy là chuyên nghiệp, bắn rất chính xác. giả chết cho chắc ăn nếu mình bắn súng không khá
lắm. Nghe tiếng AK bắn liên thanh, thì biết lính được huấn luyện từ mấy phim kiểu Rambo --Hollywood, minh có hy vọng sống sót nhiều hơn, dỉ nhiên là bắn trước và có thể bắn trật). Theo binh pháp, 95% thì đặc công sẻ rút trước bình minh, sau khi gài mìn cá nhân vô cửa, trên cánh quạt, trần nhà,, người bị thương, ngay cả xác chết, .... vixi gọi là cú vu hồi hay lại quả. Thành ra sau chiến trận đừng có xớn xác sờ mó lung tung, chạy lọan xa, .... dể chết lắm. 5% tụi nó ở lại giả chết đợi Delta, Navy SEAL ... sau bình minh sẻ đến. Lúc đó không biết nó nghĩ sao có 1 người giả chết nằm dưới gầm giường.
16/10/202016:40:56
Khách
Bài viết của anh Tới bao giờ cũng lôi cuốn độc giả. Bài viết rât tình tiết và linh động!

Xin phép được hỏi nhỏ, chẳng biết nội quy của căn cứ anh làm có khác của tôi không, nhưng với hơn 30 năm làm việc của tôi, chúng tôi không được phép tiết lộ ra ngoài những chi tiết về ưu điểm hoặc khuyết điểm của quốc phòng! Tất cả những bài viết, hay thuyết trình, liên can đến quốc phòng chúng tôi đều phải được văn phòng lo về "public release" kiểm duyệt. Ngay cả khi rời văn phòng đi ăn, chúng tôi cũng phải cất thẻ nhân viên trong túi và không được bàn tán về công việc trong lúc ngồi ăn nơi công cộng. Trong bài viết của anh tôi thấy có vài chi tiết khá "nhậy cảm", chẳng hạn như anh viết "Các căn cứ quân đội Mỹ hiện tại không được trang bị loại hệ thống phòng thủ để bắn chặn những hỏa tiễn lớn như hai loại Qiam và Fateh...," hoặc câu "Hệ thống phòng thủ C-Ram là một pháo tháp súng lớn 6 nòng bắn đạn 20 milimeters, được gắn trên một rờ mọc lớn để có thể di động dễ dàng đến nơi mình muốn đặt. Nó có thể bắn rất nhanh đến 4500 viên một phút. Một cái ấn nút bắn ra 300 viên đạn. Nó chỉ được dùng để bắn chặn những loại đạn pháo nhỏ mà thôi..." Tôi thắc mắc không biết văn phòng đặc trách "public release" sẽ nghĩ sao nếu họ đọc được bài này?

Anyway, vì cùng "trong nghề" nên tôi "ngứa mồm" théc méc thế thôi. Tôi vẫn luôn khoái đọc những bài phóng sự của anh. Chúc anh luôn vạn an.
16/10/202005:33:21
Khách
Hay quá Tới ơi,bài viết công phu và viết trên chiến trường bấm nút,như chuyển điệp viên vậy.Đọc và tượng như đang đồng hành với Tới vậy.Vào PX mua vài Zippo kỷ niệm vùng chiến thuật nghe.Lần này về nhớ đáp đền BU nó nhé,chờ mỏi mòn bao lâu đây chinh phu ơi???Chúc may mắn lành mạnh để về với gia đình....
15/10/202019:57:58
Khách
>Cũng nên biết Iraq và Iran có cùng chung 1 biên giới: Iraq phía Tây, Iran phía Đông

Saddam Hussein có nhiệm vụ trị mấy tên Ayatollah ở Iran, không có em này thì hơi khó khăn với Iran.

> Được chế tạo bởi hãng Raytheon, nó được điều khiển bằng computer, khi hệ thống radar phát giác có đạn pháo binh, súng cối, hay phóng lựu bay đang hướng về mục tiêu.

Nhớ ngày làm cho Thales-Raytheon Systems Company, Radar Systems Group (50% Raytheon Mỹ,
50% Thales Pháp)

>cuộc hòa đàm giữa chính phủ Mỹ và bọn phiến quân khủng bố vẫn đang tiếp diễn mà chưa có kết quả khả quan; thậm chí bọn chúng vẫn đặt bom phá hoại và tấn công vào các tòa nhà chính phủ địa phương, giống như chiến thuật vừa đánh vừa đàm của Việt Cộng ngày xưa. Hy vọng cuộc thương thuyết sẽ mang đến một quả tốt đẹp.

Hy vọng vậy, đưa quân vào thì dể, bây giờ làm sao mà rút. Chiến tranh phải là giải pháp sau cùng sau khi các biện pháp khàc thất bại (vì nó tốn rất nhiều máu và tiền thuế cũa nhân dân). Sao không thấy quân của Liên Minh phương Bắc (mấy bộ tộc phương Băc do Nga Sô yểm trợ ) chuyên đánh với Taliban (bộ tộc phương Nam, do Pakistan yểm trợ, China đúng sau Pakistan). Khi Bush con đánh Taliban, kỵ binh
và các binh đòan thiết giáp Liên Minh phương Bắc tiến như vũ bão bỏ qua thủ đô Kabol đi thẳng về nam tiến vào Kandahar. Taliban khiếp đảm rút về biên giới Pakistan vì sợ chiêu hợp vây.
Sau khi ký hiệp ước cho Mỷ rút quân 1973 (tài liệu đọc lúc còn học đại học ở VN, rãnh quá vô đọc
coi tụi Vixi đánh đấm như thế nào), Vixi tổng động viên tập trung được 5 quân đòan và 1 quân đòan dự bi nằm ở phía bắc (1 quân đòan có 3 sư đòan + tank + pháo binh + đặc công + .... Không kể du kích tại địa phương (vixi gọi là các tiểu đòan chủ lực miền). Năm 1974 , nó đánh thử ở Phước Long, Năm 1975, quân
đòan tây nguyên đánh vào Ban Mê Thuột (3 sư đòan đánh 1 trung đòan (1 sư đòan có 3 hay 4 trung đòan). Quân đòan 2 bị Vixi xử dụng chiêu ngăn chận, chia cắt và bọc hậu trên quốc lộ 7. Chiêu này Vixi xử dụng ít nhất 2 lần trong trận chiến đánh với Pháp, 1 lần trên sông Lô, 1 lần ở Tây Nguyên với quân đòan
thiết kỵ 100, Pháp rút từ chiến tranh Triều Tiên về, chiêu này rất là nguy hiểm, nó tiêu diệt cả một binh đòan. Vixi bị Miên cộng chơi chiêu này rất nhiều (học trò ruột mà, gọi là chiêu chặn đầu, đâm sườn, bọc hậu). Cách trị là tung quân công binh, tanks, bộ binh tòng thiết thành 1 cú đấm thép dọc theo quốc lộ 7 về Phù Cát, hai mủi giáp công với sư đòan 22 từ Phù Cát đánh lên, 3 - 4 liên đòan biệt động quân che
sườn, bọc hậu, cắt rừng nếu cần. Theo binh sử hình như trong trận này trung tá VNCH Long đem 1 liên đòan BĐQ bỏ quốc lộ 7, cắt rừng về miền Duyên Hải còn nguyên vẹn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,761,574
Sau lưng chiếc quan tài, một vách tường đá rêu phong, ánh sáng trắng như ánh sáng thiên nhiên từ trên trần cao dịu dàng tỏa xuống. Tiếng nước chảy róc rách quanh những tảng đá rồi nhẹ nhàng rơi xuống mặt hồ. Xung quanh chỗ Tuyết Minh nằm đầy hoa. Căn phòng đầy hoa. Những vòng hoa huệ tây màu tím chen lẫn những bông hồng, cúc… trắng, tím nhẹ, phớt hồng. Tuyết Minh yêu màu tím. Em nằm gọn gàng trong chiếc áo dài màu hoa cà, mái tóc buông xõa, đôi mắt khép lại bình yên. Dáng em nằm thanh thản, êm đềm như nàng công chúa ngủ trong rừng của những truyện cổ tích thần tiên.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông.
Thằng con lớn tuy là nó nhỏ người nhưng tự ái của nó rất to, có thể nó bị mặc cảm vì hai chân của nó không đều nhau nên nó làm nhiều cái khác với người ta. Khi mới qua Mỹ được một năm, bác Hai là chị ruột của má tôi từ Úc qua Cali dự đám cưới, có ghé Seattle để thăm hai chị em tôi. Khi bác ghé chơi, có mang cho ba anh em nó một món đồ chơi bằng pin là con Pakichu, nó rất thích món quà này nên cầm chơi hoài, hai đứa em không được chơi nên tới méc để tôi phân xử.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Huntsville, AL. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bao Giờ Trời Sáng” một du ký nhiều ý nghĩa khi thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington,. Đây là bài mới nhất của Ông.
Hôm ấy, ngày giữa tuần mà đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe lướt vội trên đường nhựa đen loáng nắng. Tôi rẽ vào khu chung cư im lìm, đeo chiếc mạng che tới ngang mũi, xỏ vào đôi bao tay, quất thêm cặp mắt kính, rồi mới bước xuống xe, dáo dác nhìn quanh. Từ trên ban công của căn nhà trước mặt, một người vóc dáng nhỏ nhắn, cũng che mặt kín mít, vừa vẫy vừa gọi tôi. Cô thòng xuống một sợi dây thừng ở đầu buộc một cái xô, trong xô có một gói lớn. Tôi bước đến, nhấc cái gói ra. Trọng lượng nặng chịch của nó làm tôi bất ngờ. Thì ra hai trăm cái mặt nạ may ba lớp là một khối to và nặng như vậy đó! Tôi ngước lên nhìn người đàn bà đang nắm đầu kia của sợi dây và chợt nảy ra ý xin lên chụp một tấm hình nơi Cô tạo ra những tấm mạng che mặt đang được phân phát đi khắp nơi trên nước Mỹ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Ngày đầu tiên (15 tháng Sáu, 2020) buổi sáng thức dậy đi làm tôi bắt đầu cảm thấy uể oải nhưng chỉ đơn giản nghĩ là do đêm trước bị mất ngủ. Chiều tối về nhà bắt đầu thấy mệt hơn nhưng tôi không ho và không sốt nên cũng đỡ lo. Dù sao để chắc ăn sáng hôm sau tôi gọi vào hãng để báo nghỉ. Suốt ngày thứ hai tình trạng cũng không khá lên nhưng cũng không xấu đi.Đến chiều cảm thấy có đỡ một chút nhưng để chắc ăn tôi đã text cho xếp báo xin nghỉ thêm một ngày nữa.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Đây là bài mới của tác giả.