Hôm nay,  

Như Áng Mây Trôi

04/09/202000:00:00(Xem: 7032)
HINH VIET VE NUOC MY
Hình minh họa.(nguồn: www.pixabay.com)


Đỗ Dung

Tên thật:  Nguyễn Đỗ Dzung, sinh năm 1947, cựu nữ sinh Trưng Vương, tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Sài Gòn năm 1972, Thuyền Nhân, đến Mỹ năm 1980, hiện tại về hưu, vui thú điền viên, cư ngụ tại miền Bắc, California.

***

Sau lưng chiếc quan tài, một vách tường đá rêu phong, ánh sáng trắng như ánh sáng thiên nhiên từ trên trần cao dịu dàng tỏa xuống.  Tiếng nước chảy róc rách quanh những tảng đá rồi nhẹ nhàng rơi xuống mặt hồ. Xung quanh chỗ Tuyết Minh nằm đầy hoa. Căn phòng đầy hoa. Những vòng hoa huệ tây màu tím chen lẫn những bông hồng, cúc… trắng, tím nhẹ, phớt hồng. Tuyết Minh yêu màu tím. Em nằm gọn gàng trong chiếc áo dài màu hoa cà, mái tóc buông xõa, đôi mắt khép lại bình yên. Dáng em nằm thanh thản, êm đềm như nàng công chúa ngủ trong rừng của những truyện cổ tích thần tiên.

Lễ phát tang giản dị. Không Tăng Ni, không ban hộ niệm, không lời tụng kinh, không tiếng chuông mõ. Không Linh Mục, không Mục Sư, không một lời nguyện cầu hướng dẫn vong linh. May mắn còn có bàn thờ hoa tươi thắm, đèn nến lung linh. Khuôn hình em tươi cười, mờ ảo sau chiếc bình hương tỏa khói trầm thơm ngát. Những vòng khăn tang trắng tự quấn cho nhau.

Chín chị em gái mấy chục năm ríu rít chia sẻ ngọt bùi, bây giờ Tuyết Minh nằm đó, sau buổi lễ hỏa táng em tôi thành tro, thành bụi, chúng tôi không bao giờ trông thấy em nữa. Như có vết dao đâm nhói trong tim, đau đớn!

Tôi lặng lẽ chú tâm cầu nguyện cho em và cả tám chị em cùng đem hết tình thương nguyện cầu:

– Ngủ đi Minh, ngủ một giấc thiên thu bình yên. Em hãy giữ tâm an lành về nơi tiên cảnh. Ở đó không còn lo âu, bon chen, tính toán, không có đau đớn, khổ sở, muộn phiền.
– Cầu xin các đấng tối cao, Trời, Phật hay Thiên Chúa, Các Ngài hãy cứu vớt linh hồn em, hướng dẫn em về chốn Vĩnh Hằng, đời đời Hạnh Phúc trong vòng tay che chở của Các Ngài.
– Xin Tổ Tiên, Ông Bà nội ngoại, Bố, Anh Dũng, các Cô, Các Cậu linh thiêng hãy đón em, hướng dẫn, che chở em để em khỏi đi lầm đường, lạc lối.
Gia đình chúng tôi theo Phật Giáo. Bẩy tuần lễ cuối cùng, sau những suy sụp tinh thần và những đau đớn tột cùng của thể xác vì căn bệnh ung thư, em đã gặp một phái đoàn truyền giáo Tin Lành, những người bạn của thời sinh viên Berkeley. Em tin em được cứu rỗi, em đã gặp Thiên Chúa và em xin chuyển đạo. Rất tiếc là thời gian quá ngắn nên em chưa chuẩn bị kỹ càng và gia đình chúng tôi cũng chưa quen với tín ngưỡng mới của em nên có hơi lấn cấn trong phần nghi thức tang lễ.

Mẹ chúng tôi đến, chiếc xe lăn đưa mẹ đến bên chiếc quan tài. Mẹ ôm mặt em, vật vã:

– Con ơi, con có thương mẹ không con? Sao con đành bỏ mẹ mà đi! Sao mẹ lại khổ thế này? Hết chôn anh con bây giờ đến lượt con. Con có biết mẹ khổ như thế nào không hả? Đau đớn cho mẹ quá…con ơi!
Tiếng khóc than, tiếng kể lể của mẹ nghe thật não lòng.
– Mẹ, mẹ bình tĩnh để em ra đi cho thanh thản. Mẹ giữ gìn sức khỏe. Mẹ bình tĩnh đi… mẹ ơi…
Những giọt nước mắt lăn dài. Những tiếng khóc thút thít. Những tiếng nấc nghẹn ngào cố chận lại trong họng không để thoát ra.
Năm mươi năm về trước… Ngày mẹ tôi chuyển dạ, tôi đã đưa mẹ tôi vào nhà bảo sanh của bà Tiến ở xế cửa chợ An Đông. Ngồi ngoài phòng đợi tôi nghe rõ tiếng mẹ rên rỉ, xuýt xoa vì đau. Tiếng bà Tiến vỗ về:

– Cố lên… bà cố lên. Nào bà cố rặn đi nào…
– Sắp ra rồi. Cố nào… Rặn đi… nào… Ráng chút nữa. Ráng, ráng…

Và… Tiếng bà đỡ reo vui:

– Xong rồi! Con gái! Tài hoa lắm đây, con bé này có tràng hoa quấn cổ. Xinh đẹp, tài hoa lắm đây này.

Một lúc sau tiếng con bé khóc oe oe.

Khi bố mẹ tôi mới lập gia đình, một ông thày bói đã đoán là bố tôi sẽ có ba người con trai, không kể con gái. Bố tôi mong ba người con trai của ông sẽ anh dũng, tuấn tú, minh mẫn nên đã đặt sẵn bộ tên Anh Dũng, Anh Tuấn và Anh Minh. Anh Dũng khôn ngoan ra ngay đầu tiên nên bà và bố mẹ tôi yên chí có người nối dõi. Sau ba cô con gái, em Tuấn đã xuất hiện đúng lúc để bà khỏi mòn mỏi chờ mong. Tiếp theo em Tuấn, ba nàng Phương Nam, Quỳnh Mai, Anh Thư lần lượt ra đời. Khi mẹ tôi có mang lần này cả nhà yên chí chờ đón cu Anh Minh, tưởng là sẽ theo thứ tự như lần trước. Bụng mẹ tôi mỗi ngày một to ra nhưng không tròn cao mà xệ xuống. Lại thêm một bé gái nữa. Mẹ tôi thở dài: “Thằng Anh Minh đi lạc”. Bố tôi ngẫm nghĩ hay tại thằng nhỏ không thích tên Anh Minh nên bố tôi lấy tên Minh đặt cho con bé này: Đỗ Thị Tuyết Minh.

Hai năm sau mẹ tôi sinh thêm một bé gái cho bà và bố tôi một dây “Ngũ long công chúa” vì theo các cụ ngày xưa nếu sinh được năm cô con gái liền nhau thì bố mẹ sẽ làm ăn khấm khá. Năm con bé xinh như những con búp bê, từ con búp bê Nhật Bổn Phương Nam, mũm mĩm Quỳnh Mai, dịu dàng Anh Thư, mắt tròn xoe “Miko” Tuyết Minh đến con búp bê mắt nhung “Mi Cun” Thiên Hương. Sau Mi Cun thằng con trai thứ ba của bố mới đủng đỉnh ra đời, bố đặt tên em là Đỗ Anh Minh Duy. Cuối cùng mẹ tôi còn sản xuất cô út Đoan Thùy cho trọn vẹn một tá, mười hai người con.

Căn nhà luôn rộn rã tiếng cười đùa của một bày con nít. Chúng tôi đều mang dòng máu văn nghệ của bố, yêu văn chương, thi phú, múa hát, đàn ca. Nhà con đông, lương sĩ quan của bố tôi chỉ đủ cho những nhu cầu căn bản. Mẹ tôi phải tần tảo bán buôn để các con có cuộc sống no đủ, ăn uống phủ phê và hè được đi nghỉ mát Đà Lạt, Nha Trang hay Vũng Tàu… Bố tôi đặt làm một chiếc bàn vừa rộng, vừa dài bằng đá mài màu xanh ngọc láng bóng, chiếm gần hết phòng ăn làm chỗ cả nhà tụ họp quây quần. Những buổi trưa hè nóng nực, cậu Thắng hoặc em Hạnh đạp xe sang hãng kem ở đường Nguyễn Trãi mua cả kí lô. Để tiết kiệm việc rửa ly mẹ tôi đổ kem vào chiếc thố lớn để giữa bàn, cho mỗi đứa một cái muỗng, ăn chung. Mấy con búp bê bò cả lên bàn, chổng mông lên trần, chúi đầu quanh thố kem. Nghêu, sò, ốc, hến mẹ tôi cũng mua cả bao, luộc đầy một nồi rồi để cả nồi lên giữa chiếc bàn đá, cả lũ rào rào ăn như tầm ăn rỗi. Mỗi lần nhà đổ bánh xèo hay tráng bánh cuốn, mấy đứa nhỏ chia nhau chực, hễ chị đổ xong chiếc bành xèo hay tráng gần đầy đĩa bánh cuốn là bưng ngay lên chiếc bàn đá và chỉ một loáng lại có con nhỏ khác cầm chiếc đĩa không xuống bếp ngồi chờ. Buổi chiều sau khi tắm, ăn cơm tối xong cả lũ được túa ra chơi ở vỉa hè trước nhà, như một bầy cò trắng. Đồng phục nhà trường là quần áo trắng nên mẹ tôi mua cả cây vải trắng về may. Mặc sẵn ở nhà, sáng dậy đi học khỏi phải thay quần áo.

Bầy con của bố mẹ tôi cứ nhởn nhơ chơi và phởn phơ lớn. Cuối năm học nào cũng nghễu nghện vác phần thưởng về nhà. Đến tuổi dậy thì trước cửa đã có những cây si. Cả bầy lại rúc rich, ríu rít trêu chọc nhau. Những hỗn danh cho các chàng được thoải mái đưa ra, anh mũi heo, anh mù dở, anh sếu vườn, anh mập, anh lùn… Anh nào qua được cửa ải ông cụ chống nạnh gườm gườm là đến sự phán xét, chấm điểm của lũ “chào mào mổ khế”.

Ngày 30 Tháng Tư, năm 1975, tất cả đổi thay. Ông bố phải đi cải tạo. Hai cô chị lớn, Dung và Thuận đã lập gia đình, hai cậu con trai lớn và Vân Hạnh đi du học. Còn lại sáu đứa con gái đang tuổi lớn và trai út Minh Duy núp bóng mẹ. Mẹ tôi như gà mẹ xù lông che chở bầy gà con xao xác. Một mình mẹ phải chèo chống, đã vất vả càng vất vả hơn để các con dù không được ăn ngon nhưng không bị đói, dù không được diện đẹp nhưng không đến nỗi rách rưới tang thương. Đồ đạc trong nhà được bán đi dần dần nhưng chiếc đàn dương cầm và mấy cây đàn ghi ta mẹ tôi không đem bán vì các con còn gì sau những giờ lao động và vất vả giúp mẹ trong việc mưu sinh. Chút thì giờ rảnh rỗi mấy chị em vẫn tụ họp nhau, thêm mấy người bạn, nhất là mấy người con của Bác Giáo trong xóm cùng nhau ca hát. Anh Hai TDL làm đầu tầu lập Hội Ca Cầm.

Tưởng cứ yên bình như thế, dù nghèo vẫn tìm được những niềm vui trong hoàn cảnh thanh bần, đạm bạc. Đầu năm 1978 nhà mẹ tôi bị kiểm kê, họ niêm phong hết nhà cửa, đồ đạc và đuổi cả nhà đi kinh tế mới với tội danh gia đình ngụy, tư sản mại bản. Năm ấy Phương Nam đang học Nha từ trước năm 1975 nên được học tiếp, Mai và Thư đã xong trung học nhưng không được vào đại học, Tuyết Minh đang học lớp 11, Thiên Hương lớp 9, Minh Duy lớp 7 và Đoan Thùy mới lớp 4. Nhìn bầy con, mẹ bấm bụng thở dài. Tương lai các con đi về đâu. Muốn yên thân chẳng được yên thân. Chịu lam lũ cũng chẳng được làm người lam lũ! Mẹ tôi tìm đường đưa các con ra biển, từng đứa, từng đứa. Mẹ đành ở lại với bé út để nuôi bố trong tù. Nhờ may mắn và hồng phúc tổ tiên nên các em tôi đến bến bờ bình an và từ từ tụ hội.


Tuyết Minh mỏng manh, yếu đuối nhưng rất thông minh, xinh đẹp, tài hoa. Sang Mỹ em vừa tròn 18, bỏ lớp 12, vào thẳng Đại Học Cộng đồng. Chỉ sau hai năm em được nhận vào trường Đại Học Berkeley, nhẹ nhàng lấy bằng Cử Nhân và Cao Học về ngành Kỹ Sư Cơ Khí với hạng danh dự. Dù là một khoa học gia giỏi, giữ nhiều chức vụ then chốt trong sở làm nhưng em vẫn ham mê đàn hát. Tính nết rất lãng mạn và đam mê, khi hát Minh thường để hết tâm tư nên giọng ca rất truyền cảm. Ray rứt như “Nửa Hồn Thương Đau” (nhạc Phạm Đình Chương) hay tha thiết trong “Nghìn Trùng Xa Cách” (nhạc Phạm Duy), em được mệnh danh là con chim sơn ca của Trường Đại Học UC Berkeley.

Tuổi trẻ, tiền bạc, danh vọng, địa vị, nhan sắc, Tuyết Minh đều có. Bao chàng trai theo đuổi. Thế mà định mệnh trớ trêu em không được duyên may, phận đẹp. Đường thênh thang, mượt mà, hoa gấm em không đi mà bước vào những nơi chông gai, bụi rậm…Hạnh phúc gia đình tan vỡ, một nách hai đứa con thơ, vừa làm cha, vừa làm mẹ, em đã mạnh mẽ, can đảm, dùng nghị lực của người thiếu phụ trẻ nuôi dậy các con.

Vì công việc sở Minh được đi khắp thế giới, từ Âu sang Á, từ Mỹ sang Phi. Con người nhạy cảm và tinh tế nên Minh đã hấp thụ được tinh hoa của nhiều nền văn hóa. Nghiên cứu, tìm hiểu từ các ngành nghệ thuật, những phong tục, tập quán địa phương đến ngay cả văn hóa ẩm thực. Trong những buổi tụ họp đại gia đình Minh luôn là đầu bếp chính. Minh nấu ăn rất ngon, trình bày thật khéo và có tài đánh trống lảng để khỏa lấp chuyện thật giỏi. Khi xót xa về số phận long đong của em, mẹ hoặc các chị vừa đề cập tới là em đã vội vàng:

– Mẹ xem con rút xương con gà hay không này!

Hoặc:

– Cái món Prime Rib này chị nhớ bỏ một chút rượu vang nha.

Hí hoáy ngồi viết công thức cho chị rồi cười:

– Đừng quên cho mấy giọt nước mắm… hí hí.

Dù là “single mom” Minh vẫn có nhiều người tử tế muốn chắp nối nhưng nếu hai thằng con trai tỏ ý không bằng lòng thì em phải chấm dứt ngay sợ các con buồn. Mãi đến khi các con khôn lớn em mới kết bạn với “ Anh hàng xóm”, được vài năm hạnh phúc, sanh thêm thằng con trai thứ ba thì tai ương ập xuống, em tôi mắc bệnh ung thư.

Hai chị em cùng bị bệnh ngặt nghèo nên đồng bệnh tương lân. Các con tôi đã trưởng thành, ba đứa con của Minh còn quá nhỏ nên lòng em trĩu nặng âu lo. Minh muốn khỏi bệnh cho nhanh nên đồng ý với bác sĩ dùng chương trình hóa trị ngắn nhất, thuốc liều mạnh nhất nên bị thuốc hành tả tơi. Các cháu ở gần phải đến trông nom dì và giúp dì những lúc dì bị ói mửa. Mái tóc dài mượt như nhung rụng dần, còn lại cái sọ tròn xoe, nhẵn bóng. Chị em đến thăm xót xa. Mẹ tôi đau đớn. Đầu trọc trông em như một ni cô, vẫn trẻ, vẫn đẹp. Minh bị bệnh tất cả anh chị em lao xao, dù đất nước mênh mông, mỗi người đều có gia đình riêng, có công việc riêng để lo toan nhưng hễ nghe tin chẳng lành là anh chị em lại tụ về thăm hỏi, chia sẻ.

Sau một năm làm “chemo” và “radiation” Minh lành bịnh, đi làm trở lại, vẫn lên sân khấu hát trong những dịp được mời để gây quỹ từ thiện. Mái tóc lại dài mượt mà như xưa.

Thảnh thơi được năm năm thì bệnh cũ tái phát.  Ung thư vào tới xương. Thương làm sao… Nhìn em, nhìn chị… nghẹn ngào…  Bác sĩ nói: Sáu tháng! Biết làm gì hơn là cầu nguyện.

– Tại sao Minh khổ vậy chị?

Nghe Minh hỏi, biết trả lời sao! Mẹ tôi đến thăm em thường và nói em lập bàn thờ Phật, niệm Phật Quan Thế Âm ngài sẽ phù hộ cho tâm hồn thanh thản. Minh tự tay xây lấy một cái am nhỏ sau vườn làm nơi thờ Phật, hàng ngày em cũng thỉnh chuông và thắp nhang nguyện cầu. Như có sự màu nhiệm, sau khi giải phẫu cắt bỏ gần hết mấy cơ quan nội tạng, Minh ra khỏi bệnh viện là đi làm lại ngay, lại lo toan, tính toán, sắp xếp cho tương lai ba thằng con. May mắn Minh gặp ông thày châm cứu giỏi nên cầm cự được hơn ba năm.  Nhưng sức người có hạn, ung thư tàn phá xác thân em, hệ thống miễn nhiễm không còn, gan hư, thận hỏng, xương xốp, tế bào ung thư lên đến óc… Thương quá Minh ơi… những cơn đau hành hạ xác thân em.

– Tại sao Minh khổ, chị ơi tại sao Minh khổ vậy hả chị?

Minh có biết chị buốt ruột như thế nào khi nghĩ đến nỗi đau đớn của Minh không! Đã nhiều lần chị nói với Minh tất cả đều do nghiệp lực, những nghiệp lực từ đời đời kiếp kiếp nào đó mình đã vướng phải nên nó đẩy đưa ra những chuyện xảy ra ngoài ý muốn của mình. Hãy vui vẻ mà trả nghiệp và thảnh thơi mà sống, quẳng gánh lo đi, buông bỏ hết đi, vui vẻ mà sống.

Minh đã gào lên:

– Tại sao lại vô lý như vậy hả chị? Vậy mình phải trả đến bao giờ mới hết nghiệp của mình? Kiếp sau lại khổ như thế này nữa sao?
– Nếu mình không tạo thêm nghiệp xấu, mình không cố tình làm hại ai mà cố gắng làm những việc tốt lành, chăm làm việc thiện thì nghiệp cũ từ từ sẽ trả dứt. Điều cần nhất là mình giữ tâm thanh thản, buông bỏ hết hệ lụy ở đời. Những chuyện không tốt xảy ra mà mình không cố ý là do nghiệp đưa đẩy còn nếu mình cố ý làm việc xấu thì đó chính là mình tạo thêm nghiệp cho mình.

Một hôm mấy chị em đến thăm Minh, em gầy quá chỉ còn da bọc xương nhưng nét mặt rất vui. Một con cá bông lau thật to nướng vàng thơm phức.
– Ốm đau mà còn bầy vẽ thế này!
– Sáng nay Minh thấy khỏe lắm nên ra chợ mua cá về nướng. Cá tươi nguyên còn bơi trong hồ đó chị.
– Chị không có can đảm chỉ con cá, họ vớt lên đập cho chết! Chị mua cá đông lạnh thôi.
– Nó đã ở trong bể cá ở chợ rồi, mình không mua cũng có người khác mua. Số nó tới ngày chết là nó phải chết thôi chị ạ. Này chị ăn thử xem, cá chắc mà ngọt thịt lắm, khác hẳn cá đông lạnh.

Con cá thật to, đĩa rau sống tươi xanh bên đĩa bún trắng nõn, mắm nêm pha rất ngon, Minh làm bếp thật khéo. Không hẹn trước mà cũng có mặt cả Thuận, cô em liền tôi và Thùy, cô em út. Bốn chị em và tài xế của tôi là anh rể cả quây quần gói cá chấm mắm nêm và ăn đậu hủ chiên xả ớt do cô Thùy đem đến. Vừa ăn vừa ôn lại chuyện ngày xưa chị em thân thiết, đùa nghịch. Minh kể chuyện phá đám mấy anh chàng theo chị PN. Có anh chàng viết tình thư một lá dài như sớ táo quân lọt vào tay Minh, em đưa cho bố, bố cho ngay xuống ghế ngồi lên. Cứ thế kể lại cho nhau nghe chuyện này chuyện kia, chuyện của thời trẻ con, chuyện của thời con gái.

Tuyết Minh đã bước lên chiếc thuyền con lênh đênh vượt biển.  Sang đến đây em đã chịu khó học hành, đã thành công trên con đường học vấn cũng như vững vàng trong sự nghiệp trên đất nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ này nhưng số phận long đong, em không được duyên may, phận đẹp, rồi em lại vướng phải căn bịnh hiểm nghèo.  Thật tội cho em! 

Khi chia tay ra về tự nhiên Minh ôm các chị và bật khóc: “Hồi này Minh nghĩ đến các chị em nhiều, Minh mong gặp tất cả mọi người”. Lên xe nhìn dáng gầy còm em đứng nhìn theo mà không cầm được nước mắt.

Ngày 23 Tháng Bẩy, năm 2011, sinh nhật 50 của Minh, các chị em hẹn nhau trở về, chia việc cho nhau. Các cháu gái lớn gần gũi dì hơn, Khanh, con của Hạnh hễ cứ rảnh lại đến thăm và ngủ lại với dì. Bạn bè xa gần kéo về dự ngày sinh nhật cuối cùng của em. Tuyết Minh mặc chiếc áo đầm trắng nằm đó, leo lét như ngọn nến trước gió, cố gắng mỉm cười với mẹ, với chị em, bạn bè. Cậu Thắng từ Oklahoma cũng bay vội sang thăm.

Chỉ hai ngày sau, 25/7 /11 Tuyết Minh đã trút hơi thở cuối cùng trong sự yêu thương của toàn thể gia đình. Chúng tôi ở bên em, bất lực nhìn em, hơi thở yếu dần rồi lịm tắt. Không khóc, không khóc…bảo nhau không được khóc. Nước mắt chảy ngược vào trong. Bảy giờ chiều, giờ định mệnh.
Em mất ngày Thứ Hai, Chủ Nhật là ngày đám tang em.

Các anh chị em, bạn bè lên đọc tiểu sử, đọc điếu văn, nhắc kỷ niệm. Nơi tổ chức nghi lễ kiến trúc như một thánh đường, trần cao vút, những khung cửa sổ kính trang trí đẹp mắt, dài, cao, vuốt nhọn lên tới trần, thanh thoát. Tôi không tin ở mắt tôi. Tôi như người mộng du. Tôi chưa chấp nhận sự thật. Em tôi chết thật rồi sao. Vô lý!

Ngày hôm sau, trước khi đưa em đi, nhóm truyền giáo Tin Lành tới hát thánh ca. Rồi cả nhà đứng quanh chiếc quan tài. Nắp hòm đóng lại. Tim nhói đau. Vĩnh biệt em. Mãi mãi không bao giờ trông thấy em nữa. Đoàn người lặng lẽ đi. Tám chị em gái đi hai bên chiếc quan tài. Trong đầu tôi: Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát…tiếp tục niệm hồng danh Phật. Chiếc hòm đưa vào cửa lò thiêu. Một cái bấm nút. Lửa bùng lên… Nam Mô A Di Đà Phật. Vĩnh biệt em!

Em như một áng mây tới đây và em đã trở về nơi nguyên thủy. 
Đỗ Dung
 

Ý kiến bạn đọc
14/05/202111:27:44
Khách
buy cialis now: <a href=" https://cialisbnb.com/# ">where can i buy cialis without a prescription</a> buy cialis online viagra
http://cialisbnb.com/# order original cialis online
16/09/202021:25:54
Khách
Trước hết xin được chia buồn với chị Đỗ Dung. Đọc truyện kể của chị Đỗ Dung về đời sống của người em, tôi là đàn ông cũng không khỏi ngậm ngùi, rơi lệ.
Xin được cầu nguyện để Linh Hồn Tuyết Minh sớm về nơi Vĩnh Cữu
07/09/202017:28:24
Khách
Thật hân hạnh được góp mặt với quý anh chị trong chương trình VVNM. ĐD mới tham dự nhưng cảm nhận được cảm giác thân thương, ấm áp như chung mái gia đình. Cám ơn các anh chị Phạm thị Kim Dung, Nguyen Bao, Phao Nguyen, Từ Huy, Phương Hoa, Andy, Minh Thuý... đã đọc bài viết của ĐD và viết lời góp ý, chia buồn thân ái. Xin gửi lời cám ơn đến quý vị đã đọc và chia sẻ cảm nghĩ qua hai bài viết Bên Bờ Tử Sinh và Thập Tử Nhất Sinh cuả ĐD. Đó là những khích lệ rất quý báu cho người viết.
Quý mến,
ĐD
06/09/202003:47:56
Khách
Xin chân thành gởi lời chia buồn với chị tác giả Đỗ Dung,
Nguyện cầu hương linh em gái của chị, sớm được về miền cực lạc.
Trân trọng,
Ptkd
06/09/202003:20:45
Khách
Một bài viết mà lời văn thì thật là hay và nội dung thì thắm đậm tình chị em .
06/09/202001:15:19
Khách
Xin chia buon. Phật nói đời là bể khổ . Có và không . Sắc sắc không không . Chúng ta chỉ biết cõi đời này nên tiếc thuơng cái đã có nhưng lại mất . Hy vọng thời gian sẽ là liều thuốc tiên cho tác giả .
05/09/202009:46:22
Khách
Thôi về đi...
Đường Trần đâu có gì tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai rất nhẹ tựa hồn những năm xưa...
(Phôi Pha)

Mang mang ngậm ngùi!...
05/09/202006:33:08
Khách
Chuyện thật của gia đình tác giả, chi Đỗ Dung kể lại bằng cảm xúc đau thương của người chị ruột khi tiển đưa em gái mình. Đọc mà nghẹn ngào nước mắt rưng rưng... Xin chia buồn muộn màng cùng chị.
Văn phong nghe nhẹ nhàng man mác... viết tiếp chị nha
P. Hoa
05/09/202005:49:15
Khách
>Lễ phát tang giản dị. Không Tăng Ni, không ban hộ niệm, không lời tụng kinh, không tiếng chuông mõ. Không Linh Mục, không Mục Sư, không một lời nguyện cầu hướng dẫn vong linh.

Nếu điều này xảy ra (Có Linh Mục, có Mục sư, có ban hộ niệm tụng kinh, có tiếng chuông mõ, cái gì củng có,, ....) thì không biết tốt đẹp như thế nào, coi như là bỏ qua Luật Nhân Quả, điều này tôi không hiểu được. Theo lý thuyết số phận con người được giải quyết bằng 2 cách:
1) Giới Luật : Giải quyết nghiệp tương lai, một phần quá khứ (Thiên Chúa Giáo gọi là tội tổ tông)
2) Đồng nhất thể với Thượng Đế Tòan Năng qua thiền định /hay không qua thiền định. Thì giải quyết được tất cả (lúc này luật Nhân Quả không còn ảnh hưởng). Tôn Giả Mục Kiền Liên là một ví dụ.
05/09/202005:44:24
Khách
>Minh tất cả đều do nghiệp lực, những nghiệp lực từ đời đời kiếp kiếp nào đó mình đã vướng phải nên nó đẩy đưa ra những chuyện xảy ra ngoài ý muốn của mình. Hãy vui vẻ mà trả nghiệp và thảnh thơi mà sống, quẳng gánh lo đi, buông bỏ hết đi, vui vẻ mà sống.

Cái tư tưởng này là nguồn gốc của mọi thống khổ cho cả hàng ngàn năm nay. Phe tôn giáo hình như không muốn nói sự thật (hay là không biết?). Phật giáo coi Phật sống làm sao, Thiên Chúa giáo coi Chúa Jesus sống làm sao, thì mình sống y chang như vậy. Phong thái sống chớ không phải lối sống, lối sống mình trước nay không thay đổi. Mình chỉ học cái cốt lỏi mà thôi. Ví dụ như Phật nói "43 năm Ta không có nói gì, trước khi Ta nhập Đại Niết Bàn Ta khuyên các con lấy Giới làm thầy". Chứng tỏ câu này là cốt lỏi chỉ vì một lý do rất là đơn giản Nhân Quả, trong đó giới Sát đứng đầu. Phật phải ăn chay vì bố thí sinh mạng chúng sinh đứng hàng thứ hai trong các phép bố thí, chỉ sau phép bố thí giải thóat của một vị Phật tại thế (Mười điều răn bên Thiên Chúa giáo củng vậy, sát nghiệp lúc nào củng đứng đầu). Mình phải thay đổi thì cuộc đời mới thay đổi (you can not keep doing the same thing and expect a different result).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,670,826
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông.
Thằng con lớn tuy là nó nhỏ người nhưng tự ái của nó rất to, có thể nó bị mặc cảm vì hai chân của nó không đều nhau nên nó làm nhiều cái khác với người ta. Khi mới qua Mỹ được một năm, bác Hai là chị ruột của má tôi từ Úc qua Cali dự đám cưới, có ghé Seattle để thăm hai chị em tôi. Khi bác ghé chơi, có mang cho ba anh em nó một món đồ chơi bằng pin là con Pakichu, nó rất thích món quà này nên cầm chơi hoài, hai đứa em không được chơi nên tới méc để tôi phân xử.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Huntsville, AL. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bao Giờ Trời Sáng” một du ký nhiều ý nghĩa khi thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington,. Đây là bài mới nhất của Ông.
Hôm ấy, ngày giữa tuần mà đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe lướt vội trên đường nhựa đen loáng nắng. Tôi rẽ vào khu chung cư im lìm, đeo chiếc mạng che tới ngang mũi, xỏ vào đôi bao tay, quất thêm cặp mắt kính, rồi mới bước xuống xe, dáo dác nhìn quanh. Từ trên ban công của căn nhà trước mặt, một người vóc dáng nhỏ nhắn, cũng che mặt kín mít, vừa vẫy vừa gọi tôi. Cô thòng xuống một sợi dây thừng ở đầu buộc một cái xô, trong xô có một gói lớn. Tôi bước đến, nhấc cái gói ra. Trọng lượng nặng chịch của nó làm tôi bất ngờ. Thì ra hai trăm cái mặt nạ may ba lớp là một khối to và nặng như vậy đó! Tôi ngước lên nhìn người đàn bà đang nắm đầu kia của sợi dây và chợt nảy ra ý xin lên chụp một tấm hình nơi Cô tạo ra những tấm mạng che mặt đang được phân phát đi khắp nơi trên nước Mỹ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Ngày đầu tiên (15 tháng Sáu, 2020) buổi sáng thức dậy đi làm tôi bắt đầu cảm thấy uể oải nhưng chỉ đơn giản nghĩ là do đêm trước bị mất ngủ. Chiều tối về nhà bắt đầu thấy mệt hơn nhưng tôi không ho và không sốt nên cũng đỡ lo. Dù sao để chắc ăn sáng hôm sau tôi gọi vào hãng để báo nghỉ. Suốt ngày thứ hai tình trạng cũng không khá lên nhưng cũng không xấu đi.Đến chiều cảm thấy có đỡ một chút nhưng để chắc ăn tôi đã text cho xếp báo xin nghỉ thêm một ngày nữa.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Đây là bài mới của tác giả.