Hôm nay,  

May Mà Có Em...

15/05/202000:00:00(Xem: 12851)

 

VVNM_MAY MA CO EM

Trung Úy Lữ Quốc Hùng (đứng bên phải). Đây là tấm hình kỷ niệm chụp ở Quảng Trị, Việt Nam. Đã chụp chung với hai vị Cố Vấn Mỹ, và Ông xếp Thiếu Tá QLVNCH (đứng cạnh ông Cố Vấn Mỹ). Hình chụp lúc mới ra trường, đeo lon Chuẩn Uý QLVNCH.

  

May Mà Có Em...

 

Phạm Thị Kim Dung
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
 
****
 
Tôi vào quân ngũ Việt Nam Cộng Hoà năm 1966, theo học trường Sĩ Quan Thủ Đức, khoá 24.  Khi ra trường, tôi đã được bổ nhiệm theo ngành Công Binh Kiến Tạo, vì bên kiến tạo cần thêm một Tiểu Đoàn để làm hàng rào điện tử McNamara bên đây bờ sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị, để ngăn chận nẻo đường mà cộng sản Bắc Việt xâm nhập vào Miền Nam Việt Nam. 
 
Thân chinh ông Bộ Trưởng, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ là ông Robert McNamara đã đến Miền Nam Việt Nam, để trực tiếp chỉ huy xây dựng công trường.  Ông làm Bộ Trưởng dưới thời hai vị Tổng Thống Hoa Kỳ:  John F. Kennedy 35th U.S. President, from January 1961 until his assassination in November 1963 and Lyndon B. Johnson 36th U.S. President, from 1963 to 1969 (John F. Kennedy là Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ, từ tháng 01 năm 1961 cho đến khi ông bị ám sát vào tháng 11 năm 1963, và Lyndon B. Johnson là Tổng Thống thứ 36 của Hoa Kỳ, từ năm 1963 cho đến năm 1969).
 
Ban đêm cộng quân thường xuyên pháo kích vào doanh trại, nên tính mạng của tôi và những đồng đội tựa như chỉ mành treo chuông.  Nhưng may mắn thay, sau những năm đóng quân ở đây, tôi vẫn còn sống sót.  Sau đó tôi được thăng chức Trung Uý, và được chuyển nhiệm về Sài Gòn, làm việc tại Đại Đội Địa Hình, Quận Gò Vấp (Đại Đội Địa Hình trực thuộc Cục Công Binh, toạ lạc ở trên đường Nguyễn Tri Phương/Trần Quốc Toản, Chợ Lớn. Đối diện với Trường Quân Y của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà).
 
Với những bệnh của tôi như:   Cao đường, cao mỡ và cao máu, lại còn thêm bệnh hen suyễn và thận hư phải lọc thận mỗi đêm nữa!  Nếu không được phái đoàn Mỹ cứu xét lại hồ sơ, và cho gia đình tôi định cư ở Mỹ, được hưởng phúc lợi y tế văn minh bậc nhất thế giới, thì tôi đã không còn có cơ hội sống sót cho tới ngày hôm nay.  Chúng tôi xin chân thành tri ân lòng nhân ái và sự quảng đại của nước Mỹ đã cho gia đình chúng tôi được sống trong một đất nước Tự Do, giàu mạnh và đầy tình người.
 
Đã mấy năm nay, từ ngày tôi bị bệnh đau thận, nên người hay mệt và yếu hơn, lại thêm đi đứng khó khăn, phải dùng xe lăn hay xe đẩy, thì vợ tôi phải cơm bưng nước rót, lo lắng và ân cần chăm sóc tôi từng ly, từng tý, với tràn đầy tình nghĩa yêu thương.  Nhiều khi tôi thấy em vất vả với tôi sớm tối, đổ bô tiểu tiện cho tôi mỗi ngày, mà không hề than thở buồn phiền gì cả.  Tôi thấy thương em quá đi thôi!  Tôi thường cầm tay em và nói “MAY MÀ CÓ EM....thương yêu, chia sẻ, chăm sóc cho anh, trong những ngày tháng yếu đau cuối đời.  Cám ơn em, người bạn đời đã đi bên cạnh anh, chia sẻ những năm tháng nhọc nhằn vui buồn, trong suốt bốn mươi tám năm trọn vẹn nghĩa thuỷ chung.  Nếu có kiếp sau, tôi ước muốn được gặp lại em, để đền đáp ân tình sâu nặng của em đã cho tôi trong đời này.
 
Hôm thứ ba vừa qua, vợ tôi chở tôi đi Bác Sĩ, vì tôi có cái hẹn với Bác Sĩ Phillip Tse chuyên khoa về thận vào lúc 10:30 sáng, ngày 28 tháng 1, nhằm ngày mùng 4 Tết năm Canh Tý.  Cách đây bốn năm, khi thận của tôi còn hoạt động 26%, thì cứ ba tháng một lần, tôi phải đến phòng mạch Bác Sĩ để theo dõi căn bệnh.  Nhưng khoảng hai năm gần đây, thận của tôi chỉ còn hoạt động 15%, thì đây là giai đoạn phải lọc thận để duy trì sự sống còn.
 
Đã sáu năm trôi qua, chưa có ngày nào phòng mạch vắng người như mùng bốn Tết hôm nay.  Có thể vì là ngày Tết đầu năm, nên bệnh nhân kiêng cữ, không dám xin hẹn. Tôi ngồi ngoài phòng khách, chờ khoảng 5 phút, thì cô Y Tá gọi tôi vào cân, đứng lên bàn cân thì tôi nặng 80 ký, có lẽ sáu năm nay làm bạn với cái giường, không có vận động được, nên tôi lên ký.  Khi đo áp huyết của tôi thì 112/90, đó là con số quá lý tưởng cho người bị bệnh áp huyết cao.  Chắc hẳn là sáng hôm nay tôi mới uống thuốc hạ máu, nên mới được con số tốt như vậy.
 
Rồi cô Y Tá bảo tôi chờ thêm khoảng 5 phút nữa, thì Bác Sĩ vừa bước vào phòng khám. Ông có gương mặt phúc hậu luôn nở nụ cười rất thân thiện.  Ông học biết vài câu tiếng Việt thông thường, để hỏi thăm bệnh nhân người Việt Nam, vì phu nhân xinh đẹp của ông là người Việt Nam, quê quán của bà ở Cần thơ. 
 
Ông lên tiếng Chúc Mừng Năm Mới tôi bằng tiếng Việt thật rõ ràng.
 
-Anh Hùng có khoẻ không?  Hôm qua tôi nghĩ đến anh.
 
Vì lúc này tôi phản ứng hơi chậm hơn mọi khi, nghe thì không được rõ lắm, nên đi đâu tôi cũng để vợ tôi trả lời dùm.
 
-Thưa, như vậy là Bác Sĩ nhớ tất cả những tên bệnh nhân?
 
-Ông bảo “Tôi nhớ tên, cả hình dáng và từng nét mặt bệnh nhân của mình!”
 
Ông chia sẻ với tôi là ông rất vui, khi đã quyết định chọn ngành Bác Sĩ chuyên khoa về thận, bởi hầu hết bệnh nhân của ông không thể chết vì thận hư, dù không có thận để thay thế.  Rồi ông bắt đầu nghe phổi cho tôi, khi liếc nhìn thấy tay tôi bị sưng đỏ vì bệnh thống phong (gout), ông dặn dò tôi phải uống thuốc thống phong (Mitigare 0.6mg) 8 giờ đồng hồ một viên, thay vì tôi đang uống mỗi ngày một viên.  Ông còn căn dặn, không nên ăn nhiều cơm và bún, vì nó rất nhiều đường, và cũng không nên uống các loại nước ngọt.  Nhân cơ hội này, vợ tôi cũng muốn nêu ra để “kể tội” là tôi bị bệnh tiểu đường, một ngày phải chích tới bốn lần, mà lại thích ăn ngọt.  Có ý hỏi Bác Sĩ xem có thể dùng đường hoá học để thay thế cho đường, được không?  Ông khuyên tôi là không nên dùng loại đường hoá học, nó không có lợi cho sức khoẻ;  Loại đường này, nó ngọt hơn đường bình thường tới 300 lần.
 
Vào tháng 10 năm 2017, tôi đi khám bệnh, khi được biết kết quả thử nghiệm thận của tôi chỉ còn hoạt động 15%, thì Bác Sĩ đã cho biết tình trạng của tôi phải bắt đầu lọc thận. Để duy trì sự sống, bệnh nhân phải lựa chọn giữa lọc máu (Home Hemodialysis HHD) và lọc nước Dextrose (Peritoneal Dialysis PD).  Suy nghĩ xem muốn làm ở nhà hay đến Center.  Tôi xin Bác Sĩ cho lời khuyên, nên chọn phương pháp nào cho dễ dàng, mà sự lọc thận có kết quả hữu hiệu hơn nhất. 
 
Bác Sĩ khuyên tôi nên lọc nước (Peritoneal Dialysis) và lọc ở nhà, thì cần phải có người chăm sóc.  Bởi vì, lọc thận ở nhà sẽ lọc được 7 ngày 1 tuần, thì chất độc được thải ra hằng ngày.  Muốn đi đến nơi trung tâm lọc thận thì 1 tuần, chỉ có 4 lần hay 3 lần tùy theo, nhưng phải tuỳ thuộc vào giờ giấc của trung tâm ấn định.  Khi tôi đã quyết định xin lọc nước, thì Bác Sĩ gởi tôi đi đến Advanced Surgical Asociates, để mổ ngay lỗ rốn, để đặt một cái ống mềm vào, và có ống đưa ra ngoài bụng;  Nó được gọi là Catheter.
 
Nếu muốn chọn lọc thận ở tại nhà, thì phải có người nhà đến trung tâm, học cách lọc thận.  Thời gian học và thực tập khoảng một tháng rưỡi, sau khi đã biết làm đúng phương pháp để tránh nhiễm trùng cho người bệnh, trung tâm đó sẽ cấp cho người đến học một giấy chứng nhận.  Sau đó, nơi trung tâm sẽ gởi một người Y Tá đến coi phòng ở tại nhà của người lọc thận, để kiểm xét xem phòng của người bệnh có đủ tiêu chuẩn vệ sinh không.  Và họ chờ để xem lần lọc thận đầu tiên, khi ấy thì chưa có máy Cycler, nên phải lọc thận bằng tay (Manual), mỗi ngày phải lọc bốn lần.  Cứ cho nước lọc thận vào Catheter lòng bụng (Exchange), rồi chờ bốn giờ sau cho thải ra (Drain). Giai đoạn này rất khó khăn cho người bệnh, và người chăm bệnh, vì cứ lo tháo ra (Disconnect) rồi lại nối vào (Connect).  Phải rất cẩn thận và làm đúng phương pháp đã được chỉ dẫn.
 
Hai tháng sau đó thì được lọc bằng máy, cả hai chúng tôi đều phải đến trung tâm để học cách thức sử dụng máy.  Sau khi thực tập làm vài lần, thấy đã vững chắc, trung tâm đã cho đem máy về để lọc thận ở tại nhà (Peritoneal Dialysis PD).  Hiện nay, mỗi đêm khoảng 7:30 tối, vợ tôi bắt đầu lọc thận cho tôi bằng máy suốt đêm, cho đến 6:00 giờ sáng hôm sau, mới tháo máy ra, nên rất thuận tiện, nhưng phải tuân thủ theo quy tắc:

*Đo  huyết áp.

*Rửa tay là vấn đề rất quan trọng để tránh nhiễm trùng, phải rửa kỹ xoa hai bàn tay vào nhau 1 phút.

*Mở máy lọc thận lên.

*Xem xét bịch dung dịch:  Ngày, tháng và coi lại nước có trong không?

*Gắn bộ dây vào máy.

*Sát trùng 1 phút đầu dây ở ổ bụng bệnh nhân rồi gắn vào dây ở máy.
 
Mỗi ngày đều làm những động tác như nhau, nên làm từ từ, không phải lo sợ như những lần đầu.  Điều cần thiết là phải rửa tay, đeo mặt nạ y tế che miệng lại (mask), và bao tay là những điều cần thiết phải làm để tránh nhiễm trùng.  Khi nhà có người lọc thận, không được nuôi thú cưng như chó mèo ở trong phòng và cũng không cho trẻ nhỏ vào phòng. Phải nhớ tắt quạt máy, máy lạnh, và lò sưởi, vì sức gió đẩy ra sẽ thổi cho vi trùng bay. Khi bắt đầu lọc thận cho người bệnh, cần phải đóng cửa sổ và cửa phòng lại, để tránh người ra vào mà không đeo mặt nạ y tế che miệng, và phòng ngừa khi người nhà đang mở dây ở ổ bụng của bệnh nhân ra (Catheter) để gắn vào máy lọc.  
 
Tất cả những phương pháp để giữ gìn cho người bệnh lọc thận không bị nhiễm trùng, ở nơi trung tâm Davita đều chỉ dậy rõ ràng, và còn thường xuyên nhắc nhở.  Bệnh nhân lọc thận, mỗi hai tuần phải đến trung tâm một lần để theo dõi thử máu và chích thêm những chất thuốc cần thiết.  Bởi vì, khi lọc thận bệnh nhân đã bị thải ra ngoài nhiều protein.  Thông thường tôi hay bị chích thêm chất sắt (Iron), và mỗi tháng tôi đều phải đến gặp Bác Sĩ chuyên môn điều trị về thận.  Tôi hiểu rằng, nếu một ngày nào đó, người tôi mệt, mà muốn ngưng lọc thận, thì tôi sẽ phải từ giả những người tôi quý yêu nhất trên trần gian này, để thanh thản ra đi nhẹ nhàng.
 
Sau hơn hai năm lọc thận để duy trì sự sống còn, tôi luôn biết ơn những vị Bác Sĩ và Y Tá như những thiên thần áo trắng đã chăm sóc sức khoẻ cho tôi thường xuyên theo định kỳ.  Những vị ân nhân y tế này đã cho tôi niềm hy vọng rất lớn lao vào những năm tháng cuối đời.

Tưởng rằng đã tạm yên thân!  Nhưng cuối tháng 2 năm 2020 vừa qua, đại dịch Coronavirus xuất phát từ Wuhan, ngày càng nhiều ca nhiễm bệnh lây lan từ người qua người, cho nên Bác Sĩ của tôi đã cho biết là phải cẩn thận, không nên đi đến những nơi đông người.  Bởi vì, người đang có nhiều thứ bệnh như tôi, nếu bị Covid-19 xâm nhập vào cơ thể, nguy cơ tử vong rất cao, chắc chắn sẽ khó qua khỏi.  Trong lúc này, không ai đeo mặt nạ y tế che miệng (mask), kể cả Bác Sĩ và Y Tá.  Ở Mỹ từ trước cho tới bây giờ, chỉ có người nào bị bệnh ho cảm tự động đeo mask, để tránh sự lây lan cho người khác.
 
Hôm nay ngày 28 tháng 3/2020, tôi trở lại phòng mạch tái khám định kỳ, thấy trong phòng ngồi đợi chỉ có một người bệnh nữa và tôi, trong lúc này đã có sắc lệnh của chính phủ ban hành, là mọi người phải giữ khoảng cách an toàn Social Distancing, có lẽ vì vậy mà Y Tá của phòng mạch đã lấy hẹn cho các bệnh nhân đến khám bệnh cách xa giờ nhau, không như lúc trước, bệnh nhân ngồi đầy trong phòng đợi.  Từ bệnh nhân và Y Tá, ai cũng đeo mask, vì dịch bệnh Covid-19 đã đến từ Vũ Hán đang lây lan rất nhanh, gây chết chóc thê thảm cho nước Mỹ, Ý Đại Lợi, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, và những quốc gia trên khắp thế giới.  
 
Mọi người chân thành khẩn cầu, xin ơn trên phù hộ và gìn giữ những vị Bác Sĩ, Y Tá và những nhân viên làm việc nơi tuyến đầu đang khổ công chăm sóc và giúp đỡ cho những người bệnh nhân đã bị nhiễm Covid-19, nó đã đến từ Vũ Hán, gây nguy hiểm lây lan khắp mọi nơi.
 
Trước khi vào phòng trong, vợ tôi và tôi đều được hỏi xem có bị ho và nóng sốt không?  Rồi cô Y Tá đo nhiệt độ cho cả hai người chúng tôi.  Tôi không bị nóng sốt, nhiệt độ của tôi chỉ có 95 độ F.  Đến khi chúng tôi được vào phòng khám bệnh, thì Bác Sĩ đã bảo Y Tá phải đo lại nhiệt độ cho tôi, vì nếu nhiệt độ mà thấp quá, là tôi bị bệnh thiếu máu Anemia, nhưng khi đo lại thì nhiệt độ là 97.2 độ F.
 
Sau một tháng gặp lại Bác Sĩ, tôi thấy ông có vẻ hơi ốm hơn một chút, sắc diện ông không được vui vẻ và phấn khởi như mọi lần gặp trước.  Hôm ấy, Bác Sĩ đã phải đeo mặt nạ y tế che miệng mask N95.  Trong lúc ông khám bệnh cho tôi, thì ông đã chia sẻ với tôi là, có một bệnh nhân lọc thận của ông đã bị nhiễm Covid-19 thử nghiệm có kết quả dương tính!!  Người bệnh ấy đang nằm trong phòng hồi sức Intensive Care Unit (ICU) ở bệnh viện.  Hy vọng bệnh nhân này sẽ được qua khỏi, hiện nay ở miền Bắc California, San Jose, bệnh viện còn đủ Bác Sĩ, Y Tá và giường bệnh để chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh Covid-19.
 
Bác Sĩ đã ân cần dặn dò tôi thật kỹ lưỡng, là tôi phải tuyệt đối cách ly với mọi người, và cả gia đình con cháu nữa.  Tôi thật xúc động vô ngần, vì Bác Sĩ luôn lo lắng săn sóc đến sự an nguy cho sức khoẻ của tôi.  Tôi cho ông biết là tôi đang ở nhà riêng có hai người, và tôi đã hết mực tuân thủ lệnh cách ly Shelter-in-Place đã được ban hành từ ngày 16 tháng 3 cho đến nay, để ngăn ngừa dịch bệnh Convid-19 bớt lây lan.  Tôi không hề tiếp xúc với ai.  Tôi chỉ cần đến phòng mạch để gặp Bác Sĩ khám bệnh cho tôi, mỗi tháng một lần.  Tôi cũng phải đến trung tâm lọc thận Davita mỗi tháng hai lần, để khám bệnh và chích thuốc cần thiết cho sự lọc thận có kết quả tốt thôi.
 
Tôi cũng kể cho Bác Sĩ biết, là thường ngày tôi vẫn theo dõi tin tức xem đài Việt Today, CNN và Fox News.  Kể từ khi có bệnh dịch lan tràn cho đến nay, ngày nào tôi cũng canh chờ đến khoảng 2:30 pm chiều mỗi ngày, để nghe Tổng Thống Donald J. Trump họp báo tại White House, trực tiếp trên đài truyền hình Fox News, về đại dịch Coronavirus.  Với sự hiện diện của Phó Tổng Thống Mike Pence, Bác Sĩ Giám Đốc viện dịch Hoa Kỳ Anthony Fauci, Bác Sĩ Deborah Birx chuyên giảng giải về bệnh dịch Covid-19, và những phóng viên các đài truyền hình Hoa Kỳ.  
 
Tôi cũng coi Youtube của những vị Bác Sĩ người Mỹ gốc Việt chia sẻ, giảng giải về những loại bệnh thông thường và đặc biệt là Sars Cov-2.  Bác Sĩ khuyên không nên lo lắng thái quá, sẽ làm giảm đi hệ miễn dịch.  Như thế, cơ thể sẽ không có đủ kháng thể để chống lại dịch bệnh.  Phải giữ khoảng cách an toàn, và đừng lấy tay rờ lên mặt, mũi, miệng và mắt.  Hãy rửa tay, rửa tay thật kỹ ở những đầu ngón tay, và ở giữa cái khớp những ngón tay, trong khoảng 20 giây.
 
Hôm nay là ngày 16 tháng 4 năm 2020, như vậy là đã được 31 ngày, từ lệnh của Thống Đốc tiểu bang California ban ra đã có hiệu lực vào ngày 17 tháng 3, năm 2020. Mọi người phải ở nhà không được đi đâu, chỉ được ra khỏi nhà vì các nhu cầu thiết yếu như:  Đi Bác Sĩ, bệnh viện, mua thuốc men và đi chợ...v.v..
 
Hôm qua là ngày 8 tháng 4/2020, Baxter Healthcare Corp vẫn đưa thuốc lọc thận đến nhà cho tôi cũng như mọi tháng.  Nơi này họ cung cấp cho tôi 30 thùng nước Dextrose, mỗi thùng có 2 bọc và mỗi bọc chứa đựng 5,000 ML, 2 hộp găng tay, 1 hộp có 50 cái masks, và 2 chai sát trùng tay Hand Sanitizer.  Nói tóm lại, tất cả dụng cụ để lọc thận, họ đều cung cấp miễn phí và đem giao đến tận nhà tôi, mỗi tháng một lần.
 
Hầu Hết những tiệm bán thuốc tây đều mở cửa, từ thuốc chích chữa bệnh tiểu đường, cho đến những loại thuốc chữa bệnh khác đều có đầy đủ.  Vợ tôi luôn đeo mặt nạ y tế che miệng lại, và mang bao tay để đi chợ Lucky gần nhà.  Nhìn thấy tất cả nhân viên bán hàng và khách hàng vào tiệm mua đều có đeo mask và bao tay để phòng ngừa bệnh dịch.  Siêu thị mở cửa một giờ đồng hồ sớm hơn giờ bình thường, từ 6:00 giờ sáng cho đến 8:00 giờ sáng, để giúp những người cao niên hay người bị bệnh đi đến chợ sớm hơn, có ít người để đỡ bị lây lan bệnh.  
 
Thành phố San Jose nơi tôi đang cư ngụ, ngoài Foods Bank ra thì có tám địa điểm Nhà Thờ Công Giáo có phát thực phẩm cho những gia đình nào cần, đến lãnh về để ăn.  Khi người dân đến những nơi ngân hàng phát thực phẩm, chỉ cần lái xe đến nơi, mở cốp xe ra là những nhân viên tình nguyện sẽ bỏ những bao thực phẩm vào trong xe như:  Trứng gà, sữa, rau, trái cây và nhiều loại thực phẩm khô để có đủ ăn trong một tuần. 
 
Nhiều khi tôi thấy vợ tôi băn khoăn lo lắng, sợ thiếu thực phẩm, như những năm tháng còn sống dưới chế độ XHCN cộng sản, thì tôi thường hay nhắc nhở là mình đang sống ở nước Mỹ mà em!? Đừng quên rằng, mình đang sống ở Mỹ, một đất nước giàu mạnh bậc nhất, mùa màng nông sản phong phú, xuất cảng ngũ cốc nhiều nhất trên thế giới.  Và nhất là sinh mạng con người rất cao quý, và luôn được tôn trọng.  
  
***
 
Tôi xin kể lại câu chuyện tình của tôi đã gần nửa thế kỷ...
Ngày xưa vào năm 1970, khi được chuyển nhiệm về làm việc ở vùng đất Gò Vấp khoảng hơn một năm, thì tôi tình cờ quen em vào một dịp gần Tết Nguyên Đán, khi tôi phải ở lại nhiệm sở ứng chiến tại Đại Đội Công Binh Địa Hình, nơi tôi đang phục vụ.  Vì kể từ sau khi thảm cảnh Tết Mậu Thân xảy ra, nên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ban hành sắc lệnh cho toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, phải phòng bị ứng chiến 24/24 (tức là ăn ngủ toàn thời gian tại nơi làm việc).  Chiều hôm ấy, tôi đang chờ mua bánh mì ở cổng trại cư xá gia binh Nguyễn Phi Khanh, tại Quận Gò Vấp, thì bất ngờ có một cô khả ái xinh đẹp đi chiếc PC Honda trên đường đi làm về, cũng ghé vào xe bánh mì!  Cô vui cười nói chuyện với cô hàng bán bánh mì, nên tôi được biết cô nàng này tên Kim, và là bạn học với cô Ngọc Muội, chủ xe bánh mì, và hai người ở cạnh nhà nhau, là gia đình của các quân nhân đang cư ngụ trong cư xá Nguyễn Phi Khanh của Đại Đội, nơi tôi làm việc.  Lúc ấy lòng tôi dấy lên một niềm vui khó tả, và tôi cũng đã được góp vài lời thăm hỏi cô, để làm quen.
 
Người ơi!  Gặp gỡ mà làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không?  Lỡ gặp rồi, làm tâm hồn tôi xao xuyến bâng khuâng, chập chờn không làm sao ngủ được, bởi hình bóng của em đã len vào tim tôi!!  Hình như tôi đã kết em ngay từ giây phút đầu tiên gặp mặt. Sáng hôm sau vào nơi làm việc, tôi đã dọ hỏi, được biết anh Trung Sĩ Tiên là người làm cùng sở, lại quen thân với gia đình em, nên tôi đã nhờ cậy anh và vợ, là chị Hằng làm mai mối giúp cho tôi đến nhà thăm cha mẹ của em.  Tôi cũng biết được ba của Kim là người quen cùng làm trong đơn vị với tôi, thường hay gặp nhau mỗi ngày, chứ đâu có xa lạ gì.  Tôi xin phép được tới thăm viếng gia đình em thường xuyên cho thân hơn.
 
Mỗi khi tôi đến nhà Kim chơi, tôi luôn được ba của em tiếp chuyện rất niềm nở, thì lòng tôi hân hoan và vui sướng vô cùng.  Rồi một ngày kia, tôi tự tin là mình đã được lòng thương mến của bác trai, và cả gia đình em, nên tôi đã xin phép dẫn cha mẹ tới để xin cầu hôn.  Ba của Kim đã chấp thuận lời cầu hôn của tôi, vì cùng làm chung sở, nên bác đã phần nào biết tánh tình tôi, và cảm thấy tôi có thể tin cậy được để gởi gấm cô con gái quý yêu thứ nhì của ông cho tôi.  Lễ cưới của chúng tôi được cử hành tại nhà thờ Mân Côi Đa Minh, Gò Vấp, vào tháng 10 năm 1972.
 
Một thời gian sau đó, tôi được đơn vị trưởng gởi đi học khoá Đại Đội Trưởng ở Tỉnh Bình Dương.  Khi tốt nghiệp thì được chuyển đến Long Thành Quán Chim, để coi công trường khẩn hoang lập ấp, cho đến ngày ông Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, thì những anh em binh lính, mạnh ai nấy tản mác mỗi người một nẻo, còn tôi và những Sĩ Quan cùng Đại Đội đã chạy vào rừng sâu ẩn trốn được vài ngày thì đã bị việt cộng bắt trọn hết toán chúng tôi.  Lúc ấy, mọi người hoảng sợ vô cùng, sợ rằng có thể sẽ bị họ thủ tiêu ngay trong rừng.  Nhưng nhờ ơn trên thương ban, một điều thật may mắn cho chúng tôi, bởi những cán binh việt cộng đã bao vây bắt chúng tôi, toàn là những người miền Nam Việt Nam đã tập kết ra Bắc, nên nhóm Sĩ Quan chúng tôi chỉ bị họ giam giữ mười ngày, rồi họ thả cả nhóm ra và phát cho mỗi người một bộ quần áo bà ba đen để mặc vào, thay cho bộ quân phục đang mặc ở trong người, để tự đi ra quốc lộ đón xe mà về nhà.
 
Sau ngày 30 tháng tư, năm 1975, số phận tôi cũng như tất cả các vị quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà.  Theo lệnh của những người đã xâm chiếm miền Nam Tự Do, tôi đã phải đến trình diện ở trường học Gò Vấp, và đã bị lùa đẩy vào trại tù tập trung cải tạo.  Tôi vào tù mà chẳng hề có bản án, là bao lâu mới được thả ra?  Tôi đi tù để lại vợ và hai đứa con thơ (cháu gái 2 tuổi và cháu trai mới được 8 tháng).  Cũng may là vợ tôi còn việc đi làm tại bệnh viện Triều Châu ở Chợ Lớn, còn có đồng lương căn bản mà thay tôi nuôi con và bà nội của các cháu đang ở chung một nhà.
 
Tất cả những Sĩ Quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đều chịu chung một số phận trong những trại giam như tù khổ sai đói khổ.  Chúng tôi tự trồng trọt rau, sắn (khoai mì) ăn để sống cho qua ngày;  Nó được bón bằng phân và nước tiểu của chính những người tù.  Mọi người phải lên rừng đốn cây dựng nhà để ở, và sau đó lại còn phải đốn cả cây để cho bộ đội họ bán lấy tiền bỏ túi nữa!   
 
Cũng hên là tôi không bị đưa ra miền Bắc lạnh lẽo.  Tôi đã bị đầy ải đến Bù Đăng, Bù Đốp thuộc Sông Bé Phước Long, hộp thơ L4 T4.  Vì ăn uống thiếu thốn, lại bị bắt ép làm việc lao động quá sức, nên tôi bị bệnh phù thủng, vì suy dinh dưỡng.  Trong thời gian bị tù đày nơi rừng sâu nước độc, nên tôi đã bị bệnh sốt rét rừng cấp tính.  Cũng may nhờ có anh Trung Uý Đặng Văn Tâm, là người bạn tù cải tạo, đã viết thư nhờ người dân đang ở vùng kinh tế mới gần đó giúp đỡ.  Vì họ thương tù cải tạo lắm, nên đã làm ơn giúp chuyển tin ngay cho gia đình tôi biết, vợ tôi đã đem lương thực và thuốc Fansidar chuyên trị sốt rét rừng đến kịp thời.  Nhờ vậy mà tôi đã thoát chết, trong đường tơ kẽ tóc.
 
Ở trong trại tù tập trung được hai năm và mười một tháng, thì tôi có lệnh được thả về, và phải hồi hương ở Chợ Gạo Mỹ Tho, nơi đó có chú thứ Mười của tôi, người đã làm đơn bảo lãnh, nhưng hằng tuần tôi vẫn phải đến trình diện ở xã.  Có nhiều đêm, tôi đang ngủ giựt mình vì nghe tiếng chó sủa, trong lòng hồi hộp, lo lắng không biết có phải cán bộ họ đến bắt mình đi không?  Sự thật thì tôi luôn bị ám ảnh, vì trước năm 1975, người cô thứ chín của tôi đã bị chúng gõ cửa mời đi lúc nửa đêm và đã thủ tiêu mất biệt luôn, không có trở về nhà nữa.  Đã có một lần tôi tìm đường đi vượt biên và đã bị bắt, nên tôi không dám quay trở lại Chợ Gạo (Vì vùng chợ gạo này đầy những cán bộ việt cộng ít học, xưa kia họ đã nằm vùng, nay thì họ lên nắm chính quyền) mà phải len lỏi để trở lại Sài Gòn, ở lén tạm trú với gia đình, để gần gũi mẹ già, vợ và hai con. 
 
Thật phúc đức cho tôi, vì tôi có được người vợ thuỷ chung và đảm đang. Em đã cho tôi niềm hy vọng tin yêu, để tôi có thể vượt qua những chông gai nghẽn lối, mà mong đợi ngày trở về đoàn tụ với gia đình.  Và xúc động nhất là khi được trả tự do ra về, tôi vẫn còn có mái ấm để nương thân.
 
Những năm sau đó, nhờ có tôi ở nhà phụ giúp, nên ngoài công việc làm Y Tá, vợ tôi còn có thời giờ rảnh để chạy mối buôn bán ngoài chợ trời kiếm thêm chút đỉnh tiền để lo cho gia đình.  Phần thì cũng nhờ có em gái và chị của vợ tôi ở bên Mỹ gửi tiền về giúp đỡ, nên chúng tôi đã có thêm hai cháu nữa.  Chúng tôi đã mất một cháu trai sanh năm 1974, trong lần vượt biển với cậu của cháu.  Đó là sự mất mát, đau khổ suốt cuộc đời chúng tôi vô cùng hối tiếc, vì đã cho con đi để gặp phải sự chẳng lành.
  
Vào khoảng năm 1980, chúng tôi nghe đài BBC, rồi truyền tai nhau là Chính Phủ Hoa Kỳ sẽ cho tất cả những người tù cải tạo và gia đình được đi định cư ở Mỹ.  Tôi đã phải nhờ bạn bè giới thiệu tôi đến công an thành phố để chạy chọt cho có tên trong sổ thường trú ở tại nhà của tôi, để tôi có chứng từ nộp giấy tờ đi Mỹ theo diện Humanitarian Operation (HO).  Gia đình tôi được xếp vào danh sách HO 5.  Đã phải chờ đợi mấy năm trời, nhưng khi đến lượt mình, thì lại nhận được cái thư bị phái đoàn Hoa Kỳ từ chối, với lý do là tôi đi tù cải tạo, còn thiếu một tháng, mới đủ ba năm.
 
“Còn nước, còn tát”.   May mắn thay!!  Vì tôi trân quý lắm, nên tiếc rẻ vẫn còn dám giữ lại có một tấm hình kỷ niệm duy nhất tôi chụp chung với hai vị cố vấn Mỹ và ông xếp Thiếu Tá, khi làm chung ở Quảng Trị, và cái bằng Y Tá, Certificate of Training Institute (CTI) USA Army, Mỹ đã cấp phát cho vợ tôi.  Tôi đã đến sở ngoại vụ ở trên đường Nguyễn Du, để cậy nhờ cô Thư Ký trao dùm cho phái đoàn Mỹ phỏng vấn, “Buồn ngủ, gặp chiếu manh” tôi đã gặp được quý nhân giúp đỡ, cô ấy nói sẽ giúp đưa cho người Mỹ phong bì hồ sơ của chúng tôi xin được cứu xét lại.  Thế rồi một năm sau đó, chắc hẳn nhờ tấm hình tôi chụp chung với hai vị cố vấn Mỹ, mà gia đình tôi đã được gọi đi phỏng vấn, và được đi định cư theo chung với HO 10.  Chúng tôi rất vui mừng đã được định cư ở Mỹ vào tháng 2 năm 1992.
 
Tôi chưa về lại Việt Nam, dù chỉ một lần.  Chúng tôi xin nhận đất nước Hoa Kỳ Tự Do là Quê Hương thứ hai để sinh sống cho đến cuối đời, và chỉ muốn sống ở đây để quên đi những năm tháng tù đày còn in đậm nét đớn đau kinh hoàng, trên chính nơi quê cha đất tổ của tôi. 
 
***

Tháng Tư lại về, gợi nhớ ngày mất nước, nhớ chuyện tù đày khốn khổ năm xưa chợt ùa về trong ký ức của tôi!!
 
Kể từ cuối tháng 2 năm 2020 cho đến nay, bệnh dịch Covid-19 từ Vũ Hán đang gieo rắc tang thương khắp toàn cầu.  Thật buồn thay!  Có lẽ đến ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư năm nay, hẳn những đoàn thể Quốc Gia chống cộng, sẽ không được cùng nhau hội họp tề tựu để vinh danh những chiến sĩ anh hùng bất khuất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh trọn vẹn cho Tổ Quốc dưới màu cờ vàng, và tưởng nhớ những người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã vì đất nước Việt Nam mà hy sinh bao xương máu để bảo vệ tự do cho chúng tôi.
 
Nhân đây tôi muốn xin trân trọng gởi lời cảm tạ ơn sâu, nghĩa nặng của những thân nhân, những bậc cha mẹ, và quý hiền thê của những người tù cải tạo Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.  Vì tình quý yêu chúng tôi vô vàn, mà không quản ngại đường xa xôi, đã đi mất mấy ngày đường đi và đường về, mới đến nơi ngục tù giam giữ chúng tôi.  Từ những trại tù tập trung ở miền Nam, ra tới miền Bắc, đã vất vả lặn lội qua những con suối, đồng sâu, đã đi bộ trong đêm khuya qua những nơi thanh vắng, đầy sự hiểm nguy bất trắc.  Chịu khó đi hằng mấy chục cây số, băng qua những con đường chông gai gập ghềnh trong rừng sâu núi thẳm, mà chỉ được nhìn nhau, thăm gặp mặt con, anh em, và người chồng thương yêu của mình, được một hay hai giờ đồng hồ ngắn ngủi thôi.
 
Chúng tôi thương và xót xa lắm, khi thoáng nhìn thấy trên đầu thì đội, trên vai những người thân yêu đã gồng gánh những đồng quà tấm bánh, và thuốc men để tiếp tế cho chúng tôi được tiếp tục sống kiếp người lây lất.  Qua khỏi những cơn đau ốm, bị đói ăn khát uống dằn vặt trong thể xác kiệt lực hao mòn từng ngày một.  Trong thời gian tù đày bị áp chế hành hạ dã man, tưởng chừng như đã bị bỏ thây nơi trại tù tập trung muôn đời.  Tuy ở trong tù thiếu thốn đủ mọi thứ, nhưng chúng tôi sống bằng tình thương nhau như anh em một nhà.  Mỗi khi người nào có gia đình đến thăm nuôi tiếp tế thuốc men, thực phẩm, thì chúng tôi luôn chia phần ra để mời nhau cùng ăn.  Dẫu rằng, mỗi người chỉ được một miếng nhỏ xíu thôi, cũng cảm thấy ấm lòng khi được quây quần bên nhau.
 
Nhìn những chùm bông hoa đua nở khoe sắc thắm rực rỡ, như báo hiệu một điều tốt đẹp đang xảy ra.  Loài người sẽ có thuốc đặc trị để đẩy lùi cơn dịch bệnh, như lời Tổng Thống Donald J. Trump đã nói “We’re starting to see the light at the end of the tunnel“.  Chúng ta đang bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm!!
 
Xin ơn trên phù hộ cho nước Mỹ.  Rồi nước Mỹ vẫn mãi mãi là một cường quốc giàu sang, nhân ái và tân tiến bậc nhất thế giới.  Mọi người dân Mỹ sẽ được sống hạnh phúc và an bình như những ngày trước...
 
Viết theo lời kể, và sự cho phép của người tù cải tạo Hát Ô 5.
Phạm Thị Kim Dung

Ý kiến bạn đọc
20/05/202005:56:25
Khách
Chào độc giả Nhi Dương,
Xin chân thành cám ơn Nhi Dương đã đọc bài, chia sẻ và góp ý cho bài viết này. Nhờ vậy mà mục: Ý Kiến Bạn Đọc
thêm phần phong phú và sống động hơn.
Trích: Nỗi thống khổ của người tù cải tạo
và sự nhọc nhằn của người ở ngoài tần tảo nuôi con chờ chồng, không sao kể hết.

Thật tình mà nói, khi tôi vừa nghe hiền thê của người cựu tù cải tạo HO5 thuật lại là: Tôi thấy thương em quá đi thôi! Tôi thường cầm tay em và nói “MAY MÀ CÓ EM....thương yêu, chia sẻ, chăm sóc cho anh, trong những ngày tháng yếu đau cuối đời. Tự nhiên tôi thích câu này quá! Nên ngay lập tức, tôi đã xin phép để dùng câu này làm tựa đề cho bài viết của mình. Coi như là hên đi, có vai chính đặt cho mình tựa đề bài viết rồi, còn đòi hỏi chi nữa?
Chúc độc giả Nhi Dương và gia đình được nhiều sức khoẻ và bình yên, qua khỏi mùa đại dịch này.
Ptkd
20/05/202001:11:43
Khách
Những người lính VNCH sinh không đúng thời. Lúc trẻ từ giã mái trường thân yêu đem sức trai bảo vệ đất nước. Chẳng may vận nước nổi trôi làm thân chiến bại, kẻ thù đoạ đày. Nếu không vì niềm tin tôn giáo và hy vọng gặp lại những người thân yêu, có lẽ vào thời điểm ấy " chết dễ hơn sống"
Người lính trong câu chuyện này dù sao cuối đời vẫn còn may mắn. Được định cư tại Mỹ cùng người vợ hiền đảm đang chung thuỷ.
Nỗi thống khổ của người tù cải tạo
và sự nhọc nhằn của người ở ngoài tần tảo nuôi con chờ chồng, không sao kể hết.
Mỗi câu chuyện là mỗi cảm súc riêng. Đọc lên như đọc một phần của lịch sử. Tôi thật sự ngạc nhiên cho đến hôm nay vẫn chưa có được chương trình xã hội nào " vinh danh những người vợ hiền" ngoài những bài viết có tính cá nhân. Thời gian không còn nhiều nếu họ mất đi thì tiếc cho thế hệ sau không biết được sự hy sinh cao quý của họ.
Trong bài này, người kể chia làm hai phần. Một phần nói về nước Mỹ và một phần nói về tình cảnh của mình, đồng thời vinh danh và cám ơn người vợ hiền.
Sự cám ơn ấy đã thể hiện trong tựa đề " May mà có em".
Tựa đề tuy không sai, nhưng chưa chuyên chở đầy đủ thông điệp mà tác giả thể hiện trong bài viết. Theo tôi tựa đề "Nước Mỹ và em "chắc hay hơn.
Dù sao, cũng chân thành cám ơn tác giả đã bỏ thời gian ,Cùng cám ơn Việt Báo đã tạo cơ hội cho những người viết trải bày. Một ngày nào đó nếu không còn người viết thuộc về thế chế VNCH thì buồn lắm nhỉ! may cho tôi lúc ấy cũng chết rồi.
Chân thành cám ơn.
Nhi Dương
19/05/202022:47:17
Khách
Cám ơn cô Phạm Thị Kim Dung đã đọc các còm của Văn Trần.

Kính chúc cô và gia quyến một tuần lễ vui vẻ.
18/05/202002:23:55
Khách
Kính chào anh độc giả Văn Trần,
Cảm ơn anh Văn Trần đã đọc bài, và thường chia sẻ nhiều chi tiết hữu ích về lịch sử cận đại của Miền Nam Việt Nam. Nhất là nói về bộ phim: The Vietnam War.
Trích: Tháng 9 năm 2017, hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novic ra mắt bộ phim The Vietnam War, và được cho là “đã phản ảnh được những tiếng nói từ nhiều phía, bên thắng cuộc cũng như bên thua cuộc".
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng- cựu tổng trưởng bộ Kế Hoạch- phê bình : “Bộ phim muốn kể câu chuyện từ nhiều phía , nhiều trải nghiệm của người Việt Nam trong cuộc chiến , thế nhưng đã phỏng vấn rất ít người từ phía Việt Nam Cộng Hòa, mà cuộc chiến đã xảy ra căn bản là ở Miền Nam Việt Nam. Và thời giờ dành cho những người phía Việt Nam Cộng Hòa cũng rất là vắn vỏi, coi như chỉ qua loa để gọi là có phỏng vấn. Đâu là những hình ảnh và câu chuyện của những người quân nhân anh dũng của Việt Nam Cộng Hòa? Đâu là những hình ảnh vợ con của họ sống trong cảnh khó khăn, cô đơn ở miền Nam, chờ mãi không thấy chồng về ?!”
Kính chúc anh Văn Trần và gia quyến được nhiều sức khoẻ và mọi điều an lành trong mùa dịch bệnh này.
Ptkd
18/05/202002:01:16
Khách
Chào em Jessica,
Cám ơn em Jessica đã đọc bài và chia sẻ thật tỷ mỷ những kỷ niệm ngày xưa khó phai mờ trong ký ức, khi chúng ta còn ở trong cư xá gia binh Nguyễn Phi Khanh, thật là cảm động.
Trích: Em cũng rất khâm phục cho những bà ấy đã có một tình yêu chung thủy rất là tuyệt vời đối với chồng đã nhịn ăn, chắt chiu từng đồng hàng ngày để gom góp đủ tiền mua đủ loại thực phẩm và nghĩ cách chế biến thực phẩm giữ được lâu cho các ông. Chắc là hồi còn ở chung mấy người lính cũng thương quí vợ con và thủy chung với vợ lắm nên mới được mấy bà đáp trả lại như thế. Rồi người thì mất trong trại cải tạo và lần lần cũng có người được thả với thân hình tuyền tụy mang nhiều căn bệnh của những nhà tù tàn nhẫn và vô nhân đạo của cộng sản VN.
Thương chúc em Jessica và quý quyến được khoẻ mạnh, hạnh phúc và bình an trong mùa bệnh dịch Covid-19 này.
Chị Ptkd
17/05/202006:55:32
Khách
Châu Hà thân mến,
Cảm ơn Châu Hà đã đọc bài, chia sẻ cảm xúc thật chân tình của mình đã một thời từng đi nuôi người tù cải tạo. Chúc mừng CH vẫn diễm phúc được nâng khăn sửa túi cho chàng Châu! Liked: May mà các Anh còn sống sót trở về....(để ngày hôm nay KD còn được hân hạnh viết về người đã trở về từ ngục tù vc). Hai người mình cùng hên?
Xin chúc Châu Hà và phu quân được dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và bình an.
Ptkd
17/05/202001:39:54
Khách
Tháng 9 năm 2017,hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novic ra mắt bộ phim The Vietnam War , và được cho là “đã phản ảnh được những tiếng nói từ nhiều phía, bên thắng cuộc cũng như bên thua cuộc".

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng- cựu tổng trưởng bộ Kế Hoạch- phê bình : “Bộ phim muốn kể câu chuyện từ nhiều phía , nhiều trải nghiệm của người Việt Nam trong cuộc chiến , thế nhưng đã phỏng vấn rất ít người từ phía Việt Nam Cộng Hòa, mà cuộc chiến đã xảy ra căn bản là ở Miền Nam Việt Nam. Và thời giờ dành cho những người phía Việt Nam Cộng Hòa cũng rất là vắn vỏi, coi như chỉ qua loa để gọi là có phỏng vấn. Đâu là những hình ảnh và câu chuyện của những người quân nhân anh dũng của Việt Nam Cộng Hòa? Đâu là những hình ảnh vợ con của họ sống trong cảnh khó khăn, cô đơn ở miền Nam, chờ mãi không thấy chồng về ?!”
17/05/202001:35:11
Khách
Theo kết quả ngày 24/5/16 của cuộc thăm dò dư luận do Viện Gallup tổ chức thì phần trăm những người tự nhận mình là phe "diều hâu"- muốn gia tăng cuộc chiến ở Việt nam- là 47 phần trăm, còn phe ngược lại "bồ câu" là 26 phần trăm, và thành phần không có ý kiến rõ rệt 27 phần trăm.
Trả lời câu hỏi sẽ bỏ phiếu tiếp tục cuộc chiến tranh hay rút quân về nước, 48 phần trăm muốn bỏ phiếu tiếp tục, 35 phần trăm muốn rút quân, 17 phần trăm không có câu trả lời rõ rệt.
Ngày 15/1/73, khi Viện Gallup đưa ra câu hỏi bạn có nghĩ rằng nước Mỹ đã sai lầm đưa quân sang Việt nam không, thì có tới 60 phần trăm trả lời Có, 29 phần trăm Không, và 11 phần trăm Không Ý Kiến.
Trước đó , vào ngày 24/4/67, cũng cùng câu hỏi như vào ngày 15/1/73, phần trăm trả lời Có là 37 phần trăm, Không là 50 phần trăm, và 13 phần trăm Không Ý Kiến.
17/05/202000:19:49
Khách
Chào anh độc giả Nguyễn Bảo,
Xin chân thành cảm ơn anh NB đã đọc bài và chia sẻ tin quý giá, xin được trân trọng vinh danh vị cựu Tham Mưu Trưởng trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt VNCH, và phu nhân Bích Huyền của ông.
Trích: Chồng cô Bích Huyền, cựu tham mưu trưởng trường đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt bị bắt đi tù cải tạo, rồi sau đó bị đưa ra Bắc. Người mẹ trẻ đơn độc, một tay chăm sóc con thơ đầu lòng, một tay nuôi chồng tù tội. Bốn năm sau, nỗi đau đã giáng xuống cô khi được tin người chồng đã qua đời trong trại cải tạo Vĩnh Phú.
Xin cho KD gởi lời thăm hỏi và chúc sức khoẻ chị Bích Huyền.
Chúc anh Nguyễn Bảo cùng gia đình được nhiều sức khoẻ và bình yên.
Ptkd
16/05/202020:49:32
Khách
Bài viết rất hay đó chị KimDung. Rất cảm động và hay với những tình tiết sống động làm cho người đọc không ngăn được cơn xúc động và nước mắt chảy ra. Tuy em sinh sau đẻ muộn nhưng cũng cảm nhận được sử mất mát quá nhiều cho những gia đình của người lính VNCH và trong gd của chị em mình. 1975 với 7 tuổi đời em chưa biết gì nhiều về chiến tranh nhưng không bao giờ em quên những hình ảnh máy bay 52 bị địch bắn cháy và những chiếc trực thăng chở đầy người băng bó bay ngang qua nhà trong trại để chở họ tới bệnh viện Cộng Hoà sau lưng nhà mình. Em còn nhớ là cuối tháng 4 cả nhà lên nhà ba mẹ chồng của chị để lánh pháo kích rồi con gái của người hàng xóm nhà ba mẹ chồng của chị bị chết vì bị lạc đạn khi đi lấy sữa cho em nhỏ. Những tiếng la khóc đau xót của gd hàng xóm em vẫn còn nhớ. Sau vài ngày trên đường ba chở về nhà thấy xác người nằm chết trên đường rất là thương tâm. May mà mọi người trong khu nhà trại Nguyễn Phi Khanh được bình an khi núp trong hang hố họ đào.
Em cũng nghe biết qua chuyện thật hay qua sách báo là những người mẹ và vợ của lính rất là khổ cực trên đường đi thăm họ. Có những người đã bỏ mạng vì đường xa cực khổ, thú dữ và sự hạch sánh của mấy ông cai quản tù. Ở nhà những người vợ lính đã khó khăn trăm bề để nuôi con một mình thay chồng mà còn nuôi mẹ chồng nữa. Em cũng rất khâm phục cho những bà ấy đã có một tình yêu chung thủy rất là tuyệt vời đối với chồng đã nhịn ăn, chắt chiu từng đồng hàng ngày để gom góp đủ tiền mua đủ loại thực phẩm và nghĩ cách chế biến thực phẩm giữ được lâu cho các ông. Chắc là hồi còn ở chung mấy người lính cũng thương quí vợ con và thủy chung với vợ lắm nên mới được mấy bà đáp trả lại như thế. Rồi người thì mất trong trại cải tạo và lần lần cũng có người được thả với thân hình tuyền tụy mang nhiều căn bệnh của những nhà tù tàn nhẫn và vô nhân đạo của cộng sản VN.
Em rất thương chị Kim vì đã trải qua bao khó khăn đó mà còn lại mất đi con trai yêu quí vào cái tuổi 11 khi cháu bị mất tích vượt biên với em PĐ. Em cũng rất kính phục chị vì không hề nghe chị than vãn khi chăm lo cho anh H. Em rất tự hào có được 1 người chị như chị Kim. Tuyên dương chị và những người mẹ, những người vợ của lính dã chung thủy và lo cho chồng.
Em cũng biết ơn nước Mỹ đã cho chúng ta một đặc ơn là được sống tự do trong nước họ với nền văn minh tân tiến và nhân đạo.
Bây giờ tuy bị dịch nhưng cũng được tiền hổ trợ của ngài tổng thống Trump và quốc hội Hoa Kỳ. Em cũng thương tiếc chia buồn với những gd đã bị thiệt mạng vì virus Wuhan. Mong sao cho mọi người được bình an và virus biến khỏi toàn cầu. Hi vọng là các nhà khoa học nghiên cứu ra được thuốc chủng và thuốc chữa hiệu nghiệm để cứu nhân loại mau sớm trở lại đời sống vui vẻ, hạnh phúc và bình an như xưa.
Em cũng chúc chị KD được có sức khỏe dồi dào để có nhiều bài viết hay về người thật và việc thật cho mọi người được đọc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,670,675
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Sau lưng chiếc quan tài, một vách tường đá rêu phong, ánh sáng trắng như ánh sáng thiên nhiên từ trên trần cao dịu dàng tỏa xuống. Tiếng nước chảy róc rách quanh những tảng đá rồi nhẹ nhàng rơi xuống mặt hồ. Xung quanh chỗ Tuyết Minh nằm đầy hoa. Căn phòng đầy hoa. Những vòng hoa huệ tây màu tím chen lẫn những bông hồng, cúc… trắng, tím nhẹ, phớt hồng. Tuyết Minh yêu màu tím. Em nằm gọn gàng trong chiếc áo dài màu hoa cà, mái tóc buông xõa, đôi mắt khép lại bình yên. Dáng em nằm thanh thản, êm đềm như nàng công chúa ngủ trong rừng của những truyện cổ tích thần tiên.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông.
Thằng con lớn tuy là nó nhỏ người nhưng tự ái của nó rất to, có thể nó bị mặc cảm vì hai chân của nó không đều nhau nên nó làm nhiều cái khác với người ta. Khi mới qua Mỹ được một năm, bác Hai là chị ruột của má tôi từ Úc qua Cali dự đám cưới, có ghé Seattle để thăm hai chị em tôi. Khi bác ghé chơi, có mang cho ba anh em nó một món đồ chơi bằng pin là con Pakichu, nó rất thích món quà này nên cầm chơi hoài, hai đứa em không được chơi nên tới méc để tôi phân xử.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Huntsville, AL. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bao Giờ Trời Sáng” một du ký nhiều ý nghĩa khi thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington,. Đây là bài mới nhất của Ông.
Hôm ấy, ngày giữa tuần mà đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe lướt vội trên đường nhựa đen loáng nắng. Tôi rẽ vào khu chung cư im lìm, đeo chiếc mạng che tới ngang mũi, xỏ vào đôi bao tay, quất thêm cặp mắt kính, rồi mới bước xuống xe, dáo dác nhìn quanh. Từ trên ban công của căn nhà trước mặt, một người vóc dáng nhỏ nhắn, cũng che mặt kín mít, vừa vẫy vừa gọi tôi. Cô thòng xuống một sợi dây thừng ở đầu buộc một cái xô, trong xô có một gói lớn. Tôi bước đến, nhấc cái gói ra. Trọng lượng nặng chịch của nó làm tôi bất ngờ. Thì ra hai trăm cái mặt nạ may ba lớp là một khối to và nặng như vậy đó! Tôi ngước lên nhìn người đàn bà đang nắm đầu kia của sợi dây và chợt nảy ra ý xin lên chụp một tấm hình nơi Cô tạo ra những tấm mạng che mặt đang được phân phát đi khắp nơi trên nước Mỹ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Ngày đầu tiên (15 tháng Sáu, 2020) buổi sáng thức dậy đi làm tôi bắt đầu cảm thấy uể oải nhưng chỉ đơn giản nghĩ là do đêm trước bị mất ngủ. Chiều tối về nhà bắt đầu thấy mệt hơn nhưng tôi không ho và không sốt nên cũng đỡ lo. Dù sao để chắc ăn sáng hôm sau tôi gọi vào hãng để báo nghỉ. Suốt ngày thứ hai tình trạng cũng không khá lên nhưng cũng không xấu đi.Đến chiều cảm thấy có đỡ một chút nhưng để chắc ăn tôi đã text cho xếp báo xin nghỉ thêm một ngày nữa.