Một Chữ, Mười Giai Đoạn Trong Đời
Tác giả: Đặng Hà Nội
Bài số: 5773-20-31580-vb2082619
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụtại Brooklyn Park, Minnesota. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sau đây, thêm một bài viết mới.
***
Nhìn lại thấy cuộc đời quá ngắn theo như bài thơ của thi sĩ Cao Bá Quát:
“Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày
Như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay”
Tuy ngắn ngủi như vậy nhưng cũng chia ra nhiều giai đoạn. Nếu chúng ta để ý đọc các thư quảng cáo gửi đến nhà hay trong máy vi tính của mình và nhận ra rằng các loại thư này mà chúng ta gọi là junk mail hay thư rác thường đến tay tùy theo giai đoạn trong đời của bạn.
Khi bạn còn trẻ và sắp ra trường thì các ngân hàng như Wells Fargo hay City Bank gửi thư tới tấp mời mở chương mục, các tiệm bán hàng lớn như Macy’s hay Nordstrom’s mời mở thẻ tín dụng. Hay các hãng bán xe hơi dụ mua xe xịn nhất mới ra lò. Cũng có thể là bạn được chọn đi du lịch Hawaii miễn phí sau khi dự buổi bán phòng khách sạn time share. Hay nếu bạn “may mắn” hơn được thư báo tin bạn trúng giải độc đắc của cuộc xổ số bên Phi Châu dù rằng không mua vé số!
Cho đến khi bạn nhận được thư mời gia nhập Hội Người Hưu Trí Hoa Kỳ (American Association of Retired Person) hay viết tắt là AARP thì nhìn trong gương bạn đã thấy tóc đã có tí điểm sương và mắt thì đeo kính lão hai tròng. Dần dà lại có thêm thư của hãng bán máy trị lãng tai, bán bồn tắm đặc biệt dành cho người già, bán dịch vụ cho người hưu trí, bán thuốc cường dương và cái mà tôi ghét nhất là thư của nhà đòn bán đất nghĩa trang và dịch vụ đám ma!
Vừa rồi tôi có cô bạn học cùng trường Đại Học Sư Phạm Saigon ở bên Đức gửi cho vài chữ bằng tiếng Anh vần với nhau nói về các giai đoạn của đời người và tôi mạo muội viết ra đây câu chuyện phiếm thêm thắt thành 10 chữ (hoặc từ ngữ, rút ngắn thành: từ) tiêu biểu cho 10 giai đoạn ngắn ngủi của cuộc đời chúng ta để giúp vui cũng được một trống canh.
Sau đây là 10 chữ (hoặc 10 từ vần với nhau, là: spills, drills, skills, thrills, bills, ills, pills. hills, wills và cuối cùng là nils.
SPILLS: Sự làm tràn, đổ vãi
Khi còn nhỏ các trẻ con thường hay đổ vãi thức uống đồ ăn là chuyện thường tình. Thứ nhất là bên Mỹ các bà mẹ Việt được Mỹ hoá nhiều nên khi con trẻ ăn được một mình là bế con lên ngồi ghế cao của trẻ con, để thức ăn trên khay và tự nó ăn một mình dù rằng đồ ăn văng tung toé đầy sàn nhà. Ông nhô nhà này còn phá đội bát mì spaghetti lên đầu. Không sao! Bà má lại cho bát khác. Không ăn đói ráng chịu. Đó là cách nuôi dạy con tự lập ngay khi còn nhỏ rất hay của người Mỹ.
Không giống thằng cháu con bà chị bên Việt Nam bà mẹ phải đút cơm cho con mà nó đâu có chịu ngồi ăn đàng hoàng, chạy phá lung tung, Cho đến khi cả nhà ăn xong rồi bà mẹ mới đút xong bát cơm cho thằng bé.
DRILLS: Thực tập
Không ai tránh khỏi giai đoạn này. Học ăn, học nói, học gói, học mở. Tùy theo thời gian con người phải luyện tập học hỏi suốt đời.
Các bà mẹ vui nhất là thấy con mình sau mấy năm luyện tập có thể đi vệ sinh một mình, không cần mặc tã. Rồi con lớn lên tập tễnh đi học lớp mẫu giáo cho đến khi tốt nghiệp đại học, kiếm việc làm, lập gia đình, có con và cứ thế lập lại cho thế hệ sau.
Khi học tiếng Anh tôi phải học theo phương pháp nghe-nói hay gọi là aural-oral: “This is the book”. Thầy nói học sinh nhắc lại vang rền trong lớp được gọi là drills, cách này làm cho thầy cô và học sinh mỏi miệng hết nước miếng và khi tôi đi dạy thực tập tại Đại học Sư phạm cũng phải áp dụng phương pháp này. Bây giờ phương pháp này lỗi thời rồi. Người chứ đâu phải là con két!
Tại trường Mỹ lại có thêm các drills như hỏa hoạn (fire), lốc xoáy (tornado), động đất (earthquake) tùy theo tiểu bang khu mình ở.
Rồi bắt đầu có thêm các drills khác phải thực tập vài lần trong niên học sau vụ tàn sát đẫm máu bằng súng tại các trường đại học, trung học và ngay cả trường tiểu học cũng không tha.
Thực tập “lockdown drill”: khi nghe báo động đỏ giáo sư phải đóng và khoá cửa lớp, học sinh phải kiếm nơi an toàn tránh xa cửa sổ và cửa ra vào, nằm cụm xuống. Đèn trong phòng phải tắt đi.
Thực tập di tản “evacuation drill”: thực tập này giúp cho học sinh, giáo sư, ban giám hiệu và các người khác di tản nhanh chóng và qui củ đến một nơi an toàn đã được chỉ định trước, thí dụ như trường bị đe dọa đặt bom.
Sau đây là các vụ khủng bố bằng súng tại trường học Hoa Kỳ tính theo thời gian không kể các nơi khác như sở làm, khu vực tôn giáo, trung tâm thương mại, phòng trà, nơi hòa nhạc...
- Năm 1966 tại Đại Học Texas. Austin có 18 có tử vong
- Năm 1999 tại Trung Học Columbine, Littleton, Colorado có 13 tử vong
- Năm 2005 tại Trung Học Red Lake, Red Lake, Minnesota có 9 tử vong
- Năm 2007 tại Trường Đại Học Virginia, Blacksburg có 32 tử vong
- Năm 2012 tại Tiểu Học Sandy Hook, Newtown, Connecticcut có 27 tử vong
- Năm 2015 tại Umpqua Community College, Roseburg, Oregon có 9 tử vong
- Năm 2018 tại Trung Học Marjory Stoneman Douglas, Parkland, Florida có 17 tử vong
- Năm 2018 tại Trung Học Santa Fe, Santa Fe, Texas có 10 tử vong
Ai cũng tưởng trường học là nơi an toàn nhất khi gởi gấm con đi học nhưng bây giờ thì khác hẳn. Chỉ vì mấy thằng ngông cuồng với luật mua súng và mang súng quá lỏng lẻo và tự do của nước Mỹ khi mua súng AK-47 còn dễ hơn làm đơn xin thẻ tín dụng VISA làm cho sự an ninh của quốc gia càng ngày bị sa xút trầm trọng. Cũng giống như Saigon trong chiến tranh vừa qua dân cư không biết tương lai là gì khi bị Việt Cộng tấn công đặt mìn hay pháo kích dân lành bất cứ lúc nào hay ở đâu!
Thầy cô vừa dậy học vừa là nhân viên bảo vệ “security guard” tình nguyện có súng trong lớp giữ gìn an ninh trong trường và bố mẹ theo trào lưu mua ba lô chống đạn “bullet proof backpack” cho con em vào niên khóa sắp tới! Tôi mới coi TV biết rằng tại Minnesota một trường còn nuôi chó được huấn luyện để tấn công lại các người dùng súng khủng bố học sinh.
Mới đây lại có hai vụ bắn súng tập thể trong vòng 24 tiếng đồng hồ tại El Paso, Texsas và tại Dayton, Ohio tổng cộng có 27 người chết và 53 người bị thương. Cho đến bao giờ luật dùng súng mới thay đổi hầu ngăn chặn hành động dã man này?
SKILLS: kỹ năng, tài khéo
Ai cũng có kỹ năng giỏi giang nào đó không ít thì nhiều. Kỹ năng cộng thêm với kiến thức học tại trường có thể giúp cho chúng ta kiếm được làm tốt. Rồi trong lúc hành nghề chúng ta trau dồi thêm kỹ năng của mình vì nghề dạy nghề. Càng có nhiều tài khéo thì càng có nhiều thành công.
Nhưng khi đi làm dù có kinh nghiệm và bằng cấp chúng ta phải có thêm kỹ năng giao tiếp với mọi người . Có thể chúng ta nên lắng tai nghe các người chung quanh làm việc với chúng ta, có thái độ tích cực, không phải có nghĩa là gọi dạ bảo vâng nhưng luôn sẵn sàng ứng phó thi hành nhiệm vụ mà không có thái độ xấu với công việc đã giao. Thêm vào đó là có kỹ năng giao tiếp hữu hiệu rõ ràng. Nhiều khi sự giao tiếp liên lạc lỏng lẻo làm hư hỏng các dự án đề ra. Vì ít khi chúng ta làm việc một mình nên chúng ta cần có tinh thần đồng đội, giúp đỡ nhau và cuối cùng là nhận lãnh trách nhiệm dù rằng dự án thành công hay có lỗi lầm. Nếu dự án thất bại thì chúng ta nên ráng nhận lỗi và biết đó là lỗi nào và hứa sẽ làm tốt hơn trong dự án tới.
Chúng ta thấy một số người đổi công việc làm như thay áo có thể các người đó không có đủ kỹ năng giao tiếp với người khác, không uyển chuyển trong công việc đi đến việc từ chức hay bị sa thải.
Như nhà tôi xuất thân trường Đaị Học Kỹ Thuật Georgia Tech học đến bậc toán Calculus 6, nội trợ đảm đang, văn võ song toàn với đai đen đệ nhị đẳng môn Aikido, mà tôi thì các kỹ năng này bê bết lắm, học chỉ đến Pre-algebra, judo đai trắng và vặn con ốc cũng không xong nhưng có nghề bán nước miếng, tiếng anh tiếng u vi vút, có trăm có ngàn đệ tử và có tài mọn cầm bút viết lăng nhăng, cầm cọ vẽ gái vẽ hoa tranh bầy đầy nhà. Tuy chúng tôi có các kỹ năng khác nhau nhưng chúng tôi ăn đời ở kiếp với nhau, bổ xung cho nhau cho đến tóc bạc răng long như bây giờ!
Và vì thế: “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn” mà cũng có khi “Không thuận vợ thuận chồng thì tét bể mông lúc nào không hay”
THRILLS: hồi hộp
Ôi cái giai đoạn này sao mà sướng thế! Khi còn trẻ thời gian này là lúc hồi hộp đợi mẹ đi chợ mang quà về. Có thể là chiếc bánh rán nhân đậu xanh ròn rụm hay chè ba mầu nằm trong túi nylon nhỏ . Chỉ có vậy thôi nhưng cũng đủ cho một ngày vui bên mẹ.
Khi lớn lên mon men tới trường ngẩn ngơ ngắm các nữ sinh mặc áo dài trinh trắng chưa vướng bụi trần tíu tít đi bên nhau khi tan trường đẹp như một nhóm thiên thần vừa hạ giới. Còn mình thì hồi hộp xem có người đẹp nào để ý tới chàng thư sinh gầy còm này không!
Rồi có những ngày chờ đợi kết quả các kỳ thi vượt vũ môn xem có tên mình trong bảng vàng ... ý quên bảng ronéo không. Mèo mù gặp cá rán tôi may mắn có tên trong kỳ thi tuyển vào trường Đại Học Sư Phạm và mài lũng quần ba năm dài tại đây.
Thế rồi thời cuộc thế gian thay đổi trước khi ra trường tôi và gia đình lại khăn gói quả mướp biệt xứ trước ngày Saigon đổi chủ. Tại trại tị nạn tại Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas tôi hồi hộp chờ ông sponsor chấp nhận cho tôi bay sang Utah đi học ở Đại Học Brigham Young.
Rồi vác ba lô đến trường, làm nghề gõ đầu trẻ, lấy vợ, có con, nuôi chó, về hưu... bao nhiêu là hồi hộp, lo âu kể bao nhiêu cho hết!
Mới đây có một chuyện hồi hộp nhưng vui sướng là biết được có cháu nội đầu tiên. Đây là con trai đầu lòng của con trai chúng tôi trong truyện “Chàng Cóp Nhà Tôi” đã đăng trên Việt Báo. Khi mang thai hai vợ chồng nó làm buổi tiệc báo tin trai hay gái cho gia đình và bạn bè. Tụi nó lúc đó cũng không biết sẽ có thằng cu hay cái hĩm mà chỉ định một người được bác sĩ báo tin.
Ngày đó chúng tôi lại đang ngao du bên Nhật nên không tham dự được. Đêm hôm đó tôi hồi hộp trăn trở ngủ không được đợi tin. Năm giờ sáng nghe tiếng tích của máy Ipad báo tin “It’s a boy”. Còn gì vui bằng!
Nghe nói người chỉ định báo tin buộc bong bóng có chữ “Đó là thằng Cu” vào dây buộc cổ con chó Kiba và nó chạy ra báo tin mừng! Hiện giờ con của chàng cóp đã được một tháng rồi nên chúng tôi làm một tiệc ăn mừng đầy tháng có trứng đỏ tặng bà con. Còn bên nhà vợ chàng cóp cũng mừng không kém vì vợ nó chỉ có hai bà chị sinh năm cái hĩm mà bây giờ lại thêm thằng cu thì nhất rồi!
BILLS: Trả tiền hóa đơn
Không ai tránh khỏi cái nạn trả tiền hóa đơn. Hồi xưa Việt Nam đâu có chuyện trả tiền hóa đơn hàng tháng. Tiền giao cháo múc không có màn mua chịu trả sau. Khi tôi sang Mỹ học lớp tiếp thị marketing mới biết được thẻ tín dụng credit card là gì. Lúc đầu nghe quảng cáo của hãng Visa lại tưởng đó là dịch vụ làm visa đi ngoại quốc.
Chỉ có cái thẻ plastic nhỏ gọn lỏn trong ví và có thể tha hồ đi cà thẻ mua sắm hằm bà lằn nơi nào cũng được. Vậy Mỹ đúng là thiên đường rồi nhé! Nhưng đến cuối tháng thư tình thì không đến mà toàn là thư bills. Vậy lại è đầu ra trả, nếu trả muộn thì bị phạt mà khăng khăng không trả thì sẽ bị hãng đòi nợ kêu điện thoại nhắc nhở suốt ngày và điểm credit sẽ bị giảm không được vay nợ mua nhà, mua xe trong tương lai.
Mới đây Equifax, hãng tường trình về credit bị phạt vì tiết lộ chi tiết cá nhân và ai có credit sẽ được trả 250 đô la. Nghe mừng húm tôi làm đơn đòi nhưng chắc đợi đến Tết Congo mới được vì hãng có tiền đâu mà trả cho bao nhiêu triệu khách hàng!
Chúng tôi cũng mang trong ví mấy thẻ mua chịu nhưng hàng tháng trả đầy đủ nên không phải trả tiền lời. Thôi thì cứ “foot the bill” hay trả tiền nợ sòng phẳng thế là xong.
(còn tiếp một kỳ)
Đặng Hà Nội