Hôm nay,  

Mười Chữ, Mười Giai Đoạn Trong Đời

27/08/201900:00:00(Xem: 6036)

MƯời Chữ, Mười Giai Đoạn Trong Đời

Tác giả: Đặng Hà Nội

Bài số: 5773-20-31580-vb3082719

 

Tác giả tên thật  Đặng Thống Nhất,  là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt  Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụtại Brooklyn Park, Minnesota. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và  nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bài viết mới của ông được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.

 

***

ILLS: Đau ốm

Không ai có thể là siêu nhân superman hay siêu nữ super girl mà khỏe mạnh như vâm không bao giờ đau ốm bệnh tật.

 Khi tôi còn ở Việt Nam, vấn đề sức khoẻ rất quan trọng nhưng dịch vụ y tế không có nhiều. Bảo hiểm y tế chắc không có và khám bệnh hay khám răng định kỳ cũng là con số không. Khi có bệnh hay đau răng mới mò đến bác sĩ hay nha sĩ.

Cũng may khi còn đi học lâu lâu có xe nhà thương của Bộ Y Tế đến chủng ngừa cho toàn học sinh. Trong họ hàng cũng có người bác là bác sĩ và về sau hai ông anh của tôi cũng làm nghề này nên có bác sĩ trong gia đình là thiệt may phước!

Cuộc đời chúng ta phải nếm qua đủ mùi chua ngọt đắng cay để biết thế nào ý nghĩa của cuộc đời. Nhưng nếu chúng ta có người thân bị bệnh ung thư trầm trọng chúng ta có nên tiết lộ sự thật cay đắng này cho người bệnh hay giấu giếm không cho họ biết?

 Mới đây chúng tôi mới coi một phim Trung hoa có tên là “The Farewell” hay gọi là “Lời Từ Biệt” có chủ đề này. Phim dựa theo chuyện có thật của người làm phim Lulu Wang. Truyện phim bắt đầu khi cô  Billi đang sống bên Mỹ biết được bà nội mà cô gọi là Nai Nai rất cưng cô tại Trung hoa sắp chết vì bệnh ung thư phổi. Không giống như luật lệ của nhà thương bên Mỹ, tin dữ này báo cho chị của bà nội thay vì cho bà nội.

Thế là gia đình bày mưu dấu bà nội và tổ chức một đám cưới giữa ông anh họ và cô bạn gái người Nhật. Đó cũng như là một cuộc họp mặt gia đình để làm cho bà nội vui và cũng là dịp nói lời từ biệt lần cuối với bà nội. Bố mẹ của Billi dấu không cho cô biết về bệnh trầm trọng của bà nội và cũng như không cho Billi đi theo dự đám cưới nhưng sau Billi biết được tự lấy vé máy bay sang Tầu gặp bà nội.

Billi rất đau lòng vì phải vật lộn với hai văn khóa khác nhau vì Billi lớn lên bên Mỹ ảnh hưởng văn hóa Mỹ và bây giờ phải sống trong văn hóa lâu đời của đất mẹ. Nhưng Billie ráng làm cho bà nội không nghi ngờ về sự dấu diếm này. Lúc đó bà nội Nai Nai hãy còn lạc quan vui sống và còn dậy cho Billi tập khí công vào buổi sáng. Thế là đám cưới thật long trọng linh đình xảy ra với bao nhiêu nước mắt tuôn chảy mà bà nội không hằng biết tại sao...

Tôi không nói hồi kết cuộc để độc giả đi coi sẽ biết. Theo như nhà làm phim Lulu Wang phim này nói về tình yêu thương của con người với nhau và sự kính trọng các văn hóa khác nhau hầu tạo ra sự thông cảm giữa người với người.

Có một điều tôi nhận ra rằng phong tục Việt nam cũng tương tự giống  như vậy khi người thân bị bệnh chúng ta thường hay giấu giếm bệnh tình của người bệnh vì  không muốn người bệnh  buồn phiền và che dấu không cho người ngoài biết.

Một bệnh rất thường hay nói tới của con nít là bệnh tự kỷ (autism), một chứng bệnh rối loạn phát triển trí não làm cho con em không có khả năng giao tiếp với người chung quanh. Đối với gia đình Việt nam tại Mỹ  thường có xu hướng chối bỏ và giấu giếm bệnh này vì có thể bị người ngoài chê trách là nhà vô phúc dù rằng bệnh này có thể chữa trị và khắc phục. Khi giấu giếm bệnh này phụ huynh làm cho con em thiệt thòi rất nhiều trong việc học vấn. Do đó khi phát hiện bệnh này phụ huynh cần kiếm cơ hội để chữa trị cho con em càng sớm càng tốt.

Tuy bệnh này ảnh hưởng đến thần kinh nhưng người mang bệnh có thể có trí óc thông minh xuất chúng. Đây là một vài thí dụ các danh nhân trên thế giới mang bệnh tự kỷ không ít thì nhiều như khoa học gia Albert Entstein, người khai triển thuyết tương đối, Steve Jobs cựu giám đốc hãng Apple, họa sĩ  Ý Michelangelo với tác phẩm trên trần nhà của nhà thờ Sistine tại Vatican, thi sĩ lừng danh Emily Dickinson và Bill Gates  người thành lập hãng Microsoft.

 

PILLS: Thuốc men

Bị bệnh rồi thì phải uống thuốc. Người Mỹ trung bình chi phí 1.000 $ hằng năm cho việc mua thuốc từ thuốc giảm đau cho tới thuốc trụ sinh. Giá thuốc càng ngày càng tăng vì các hãng bào chế tại Mỹ không bị chính quyền kiểm soát. Nhiều dân Mỹ phải chạy sang nước láng giềng như Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ để mua thuốc giá rẻ và nhiều khi không cần toa của bác sĩ.

Khi chúng ta dùng thuốc phải hiểu rằng tại sao dùng thuốc, dùng ra sao, để thuốc ở đâu và các ảnh hưởng phụ sau khi dùng. Nếu thuốc đã quá hạn thì nên thải đi và không bao giờ dùng thuốc có toa của người khác hay chia xẻ thuốc có toa của mình với người khác.

Vấn đề lạm dụng thuốc men có thể xảy ra cho mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra cho người cao niên trong cộng đồng Việt nam tại Mỹ. Các cụ có chương trình y tế tốt, đi khám nhiều bác sĩ và mua thuốc thoải mái, uống nhiều thuốc kê toa khác nhau của nhiều bác sĩ và thêm các thứ  dược thảo “trị bách bệnh” quảng cáo trên Bolsa, thuốc nam, thuốc bắc, đông trùng hạ thảo, nấm Okinawa, sữa ong chúa... và nhiều khi các cụ gặp nhau quảng cáo thuốc mình dùng và chia xẻ thuốc men với nhau. Tình trạng  lạm dụng thuốc men này đã làm cho bệnh nhân bị rối loạn và cũng làm cho bác sĩ điên đầu và nhiều lúc tính mạng của bệnh nhân lung lay vì tình trạng uống thuốc men hổ lốn này.

 Thêm vào đó ngay tại tiểu bang Minnesota xa xôi có báo hằng tuần tiếng Việt quảng cáo thuốc men đầy một trang của một ông siêu bác sĩ người Việt bên Cali. Nào là thuốc Siêu Sinh Lực, thuốc Siêu Bổ Gan, thuốc phối hợp Nhàu và Bạch Quả, thuốc Bổ Tóc, thuốc Bổ Nhiếp Hộ Tuyến... Nghe là muốn đặt hàng ngay! Nhưng ngay góc trang quảng cáo có chữ viết nhỏ li ti phải dùng kính hiển vi mới đọc được:

“Những trình bày trên đây không được đánh giá bởi Cơ quan Quản Lý về Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration). Những sản phẩm này không có dụng ý để chẩn đoán, điều trị, chữa bệnh hoặc ngăn chận bất cứ bệnh nào”. OMG!

Vậy làm sao có thể ngăn chặn sự lạm dụng thuốc men nguy hiểm và các quảng cáo thuốc men dởm đầy rẫy? Tôi nghĩ chắc cơ quan truyền thông như báo chí, mạng internet, truyền thanh và truyền hình của cộng đồng Việt nam đã nêu lên rồi và bài này cũng nhắc nhở thêm mà thôi

Nhưng dù thế nào chúng ta phải nhớ rằng “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Thomas Edison, nhà phát minh và thương gia nổi tiếng của Mỹ đã nói: “Trong tương lai, bác sĩ sẽ không biên toa thuốc mà sẽ làm cho bệnh nhân quan tâm tới sự chăm sóc cơ thể, dinh dưỡng và nguyên nhân gây bệnh tật cũng như sự phòng tránh bệnh tật”

Chúng ta có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc”. Thiệt là đúng! Khi còn nhỏ chúng ta cười nhiều nhưng khi lớn lên tiếng cười càng ít đi. Nhưng nếu chúng ta kiếm những giờ phút khôi hài rộn ràng tiếng cười để làm chúng ta có thể thư giãn giúp cho chúng ta đỡ căng thẳng, trái tim khỏe hơn, quên buồn phiền, giúp sống trẻ  trung và hy vọng sẽ tăng tuổi thọ. Do đó khi rảnh rỗi tôi chọn phim Netflix ở nhà và thường chọn những phim vui tình cảm, còn những phim hồi hộp, kinh sợ hay dã man là không có tôi. Dại gì mua vui mà làm cho tim đập loạn xạ, ngồi không yên, cắn móng tay trong hãi hùng với phim ma quái, giết người như ngoé, máu me tùm lum!

 

OVER THE HILL:Tuổi xế chiều

Ôi bài hát “ Cỏ Hồng” của Phạm Duy do Thái Thanh hát sao mà trữ tình, dễ thương quá:

“Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối

Rước em lên đồi, hẹn với bình minh

Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép

Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm...”

Nhưng sau khi rước em lên đồi trinh tuyệt đỉnh của tình yêu là rước em đi xuống đồi lúc mà tiếng Anh kêu là “Over the hill” nôm na là “Tuổi xế chiều”. Theo như người Mỹ tuổi “over the hill” bắt đầu khoảng 40 và kéo dài cho đến khi đi vào miền miên viễn xa xôi!

Người ta cho rằng tuổi xế chiều như là chiếc xe hơi cũ mèng, rỉ xét, xăng nhớt thiếu thốn, bạc mầu với thời gian. Nhưng cũng có người cho rằng tuổi tác chỉ là con số vô nghĩa. Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi hãy còn là người cao niên về hưu có tinh thần trẻ trung dù cũng có bệnh tật nhưng vẫn tập thể dục và ăn uống điều độ, dìu nhau đi đó đi đây, lâu lâu bế ẵm cháu, tình nguyện giúp cho cộng đồng , không bao giờ ca bài “Niệm khúc cuối” vì chúng tôi tuy không là triệu phú của tiền bạc mà là triệu phú của thời gian nên đời sống không bị gò bó, tranh đua như khi đi làm giúp cho chúng tôi khoẻ khoắn thân xác lẫn tinh thần nhờ các hoạt động này.

Thôi cỏ mềm, cỏ cứng, cỏ hồng, cỏ đỏ gì cũng được miễn là cho tôi một bãi cỏ nằm dưỡng sức ngủ trưa!

 

WILLS: Chúc thư

Khi hai ca sĩ Mỹ nổi tiếng của Mỹ là anh chàng Prince nhạc Rock và Aretha Franklin, nữ hoàng nhạc Soul mất đi đã đưa một vấn đề quan trọng mà nhiều người không muốn nghĩ tới: Chia tài sản.

Chúng ta đã dùng nhiều thì giờ tính toán mình có bao nhiêu tiền khi hưu trí nhưng chúng ta có nghĩ tới việc hoạch định chia tài sản sau khi qua đời chưa? Sự thật đau lòng là 70% người Mỹ lớn tuổi đã lơ là trong việc viết chúc thư. Có thể họ cho là tài sản của họ quá ít hay lệ phí viết chúc thư quá cao.

Ca sĩ Aretha Franklin để lại tài sản khoảng 80 triệu mà không có chúc thư. Trong khi Prince cũng vậy chết bất ngờ khi lạm dụng thuốc giảm đau để lại hơn 300 triệu mà không có một chữ chúc thư!

Chúc thư không chỉ dành riêng cho nhà giầu hay người bệnh hoạn. Nếu bạn có gia đình, một mái nhà và một chương mục tiết kiệm là bạn có thể lập một chúc thư để chỉ định ai là người thụ hưởng gia tài. Đầu tiên là phải tính toán những gia sản bạn có như nhà cửa, quỹ đầu tư, tiền hưu trí và giá trị của bảo hiểm nhân thọ.

Giá cả để lập một chúc thư do luật sư làm khoảng 500$ - 1000$, nhưng nếu bạn muốn có bản chúc thư giản dị có thể tới văn phòng chuyên môn về chúc thư thì phải trả 75$ và rẻ hơn nữa thì làm chúc thư on-line.

Chúng tôi đã được đi dự buổi họp về việc chia tài sản qua một hãng tài chính và hãy còn đang phân vân chọn lựa. Hãng quảng cáo dịch vụ này  gởi thư rác đến nhà như tôi nhắc đến phần đầu và họ có đãi ăn một bữa cơm steak sau buổi họp tại nhà hàng nên chúng tôi khó bỏ qua.

 

STILL: Bất Động

Đây là giai đoạn đau buồn cho một đời người. Cuộc hành trình của con người đã đến đích. Ba mẹ tôi đã qua đời lâu rồi và khi họ hấp hối trên gường bệnh tôi không có dịp đứng bên cạnh để nghe lời trăn trối. Nhưng khoảng hơn hai năm vừa qua tôi có dịp chứng kiến tham dự giờ phút hấp hối rất bất ngờ và đau thương của ông bố bà xã tôi.

Vào tháng 8 năm 2017 hai đứa tụi tôi hớn hở bay sang Cali vì tôi được vào chung kết trong giải Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo. Em trai của bà xã đón chúng tôi tại phi trường John Wayne khoảng 9 giờ tối. Lúc đó ông bố ở nhà chị của bà xã tôi, người rất gầy yếu, hom hem vì đã được 99 tuổi rồi.

Khi vừa đến nhà thì chúng tôi nghe tiếng ú ớ của ông và chúng tôi chạy xập vào thì thấy ông đang ngồi trên sàn cạnh giường ngủ.

Bà xã tôi nói hoảng: “Ba làm gì vậy? Ba muốn gì?”

Ông nói ông muốn đi cầu tiêu. Thế là bà xã tôi và ông em bế thốc ông lên nhưng không làm sao bế lên được vì chân tay ông cứng hẳn ra không duỗi ra được. Tôi phải đi lấy xe lăn của ông và cả ba người dìu ông vào ghế nhưng ông không ngồi được và bắt đầu thở gấp như lấy hơi.

Lúc này tôi biết là thời gian gần đất xa trời là đây. Chúng tôi dìu ông lên gường, thân ốm yếu của ông đè lên người tôi.  Ông em gọi điện thoại 911 số khẩn cấp và làm hô hấp nhân tạo bằng cách ấn hai bàn tay lên ngực ông và đếm theo lời chỉ dẫn của nhân viên cấp cứu. Nhưng vô phương cứu chữa! Ông nằm đấy bất động không có một lời trối trăn!

Xin từ biệt ba lúc này!

 

NIL: Không, chẳng có gì

Thế là hết! Không còn gì nữa viết ở đây! Nil!

Cuộc đời là thế đấy. Tôi nghe văng vẳng tiếng hát của Mai Tiến Dũng trong bài “Sáu mươi năm cuộc đời” do Y Vân sáng tác:

... Ơ là thế! Đời sống không được bao

Ơ là bao! Đời không lâu là thế

Ơ được bao năm sống mà yêu nhau!

Cuộc đời quá ngắn ngủi, sắc sắc không không, giận dữ nhau mà làm chi, hận thù nhau mà làm gì! Hãy ngồi lại  sống hết lòng với nhau! Mong lắm thay!

 

Đặng Hà Nội

Ý kiến bạn đọc
29/08/201905:32:57
Khách
Ai nghèo khổ quá , hay đau đớn vì quá nhiều bệnh tật bức bách, thì thích chết cho khỏe.
Ai khỏe đẹp, giàu có sung suớng quá thì sợ chết, vì chết là mất hết những gì đang có trong tay. Chẳng qua đó là cái tham vi tế của chúng sanh.
Khi nào diệt dduocj cái Tham, XẢ bỏ được cái chấp ngã, quán sát mọi thứ đều là giả hợp, như hư khong, thì nhắm mắt ra đi nhẹ nhàng.
29/08/201903:29:18
Khách
Cám ơn anh Andy giảng thêm về ý nghĩa của sự chết nhưng tôi thấy không cần thiết vì mỗi người có niềm tin khác nhau. Nên tôi chỉ nói chết là hết. NIL. Tôi chưa hề chết nên biết gì mà viết.
28/08/201917:41:23
Khách
>Chúa ban tặng phép màu cho giống loài nào được bất tử
Many God technical books mentioned about this issue such as Corinthians, Saint Paul mentioned about the technique of I die daily.
28/08/201917:04:59
Khách
>really a pain in the neck to leave the rat race (some said it is the taste of challenge and the consequences)
Thú Đau Thương is human nature. Here is an article from 12 grade student.
“ Đừng e sợ cái chết.
Thế gian này đón chào mỗi người rất bình đẳng, là ai cũng sinh ra, và chết đi. Thế nên sau khi người được sinh ra, việc tiếp theo của người, là chết đi.
Ai cũng vậy, không có ngoại trừ. Như người vừa được sinh ra là ở đằng kia đã có một viên đạn được bắn khỏi nòng súng, hướng thẳng vào đầu. Câu hỏi duy nhất ở đây, khi nào thì viên đạn chạm tới người? Có nhanh, có chậm, chứ không có hụt.
Vậy sao phải e sợ cái chết, khi biết đó chắc chắn là điều sẽ xảy ra? Những ai nên sợ, chính là những người thân, bạn bè, gia đình. Bởi khi người chết đi, họ mới là những người hứng chịu cảm giác đó, chứ không phải người.
Điều nên sợ là trong khi sống người làm được những gì. Nếu Chúa ban tặng phép màu cho giống loài nào được bất tử, thì phép màu của Chúa dành cho loài người chính là, sự không bất tử. Phép màu này khiến con người trân trọng quãng thời gian còn tồn tại, dạy người biết trân quý những gì đang có, biết trải nghiệm những gì nên làm, và biết yêu.
Vạn vật đều có tính không. Có sinh, có diệt. Hãy nhìn vào bàn phím máy tính, bắt đầu từ số 1 đến cao nhất là 9, rồi kết thúc ở số 0.
Thử suy tưởng về cái chết, đó chắc chắn là một trải nghiệm không dễ chịu gì. Người mất đi, chìm vào đêm đen dày đặc, vĩnh hằng và bất biến mặc cho thế sự đổi dời. Chết là hết, không có tật bệnh dày vò, không nỗi đau cào xé. Nhưng cũng không còn những hạnh phúc đến rưng rưng, tim bay lên như khi được tỏ tình. Vậy thì nói với người rằng, không phải. Rồi sẽ đến lúc người lại tái sinh, luân hồi chịu những khổ đau ấy thêm nhiều hơn. Và, yêu thêm lần nữa.”
28/08/201900:54:50
Khách
Lâu qua mới đọc bài anh Nhất lại. Một kỉ niệm tôi khó quên là năm 1990 ba hiệu trưởng trường tiểu học Arowwhead (San bernardino,CA)đã interview mướn anh dạy rồi mà giờ chót vọ anh sinh con nên anh bỏ.
Học khu lên Fresno interviewed và mướn tôi về thế anh.Redlands cũng interviewed tôi, tính mở 1 lớp bilingual thí nghiệm, nhưng San Bernardino USD thuyết phục tôi làm cho họ. Tôi cũng xui xẻo nên vất vã mấy năm trời với mấy bà Mỹ đen hống hách và đám tutors Ấ dông nhiều chuyện ở đó ..mãi cho tới khi lên San Jose dạy 1 mạch tới khi vê hưu, thật là thoải mái...
27/08/201919:40:50
Khách
>triệu phú của thời gian nên đời sống không bị gò bó, tranh đua như khi đi làm

Good point, in 2017, i got the message "only few thousands dollars per month, this idiot forgot about God, and he is not poor, tons of money in the banks, stocks,...". Well, it is really a pain in the neck to leave the rat race. I left for paradise for 3 months in 2017 doing nothing but meditation, and 8 months more in 2018, then back to the rat race again (just in time for the gold market).
27/08/201917:47:57
Khách
Lâu ghê không nghe tin Nhất. Liên lạc lại nhé!
27/08/201912:40:31
Khách
Cuộc đời sắc sắc không không...!

“Rồi mai đây khi mình xa nhau nhớ đến nhau hoài
Rồi mai đây khi tình bay xa nhớ đến hôm nào
Còn nhớ mãi những gì mình chất chứa trong lòng
Mình cho nhau chút dư hương đừng tiếc nhau gì vấn vương...”
(Rồi Mai Đây)

Cảm ơn anh Đặng Hà Nội.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,559,427
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.