Thế Hệ Gạch Nối
Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung
Bài số 2930-28230-vb6062510
Tác giả sinh năm 1972. Rời Việt Nam năm 10 tuổi, tốt nghiệp Management Infor-mation System. Hiện là cư dân Florida nhưng đảm trách điều hành chương trình "Quản Trị Thành Tích" cho Cisco System Inc., công ty có bản doanh tại San Jose. Với nhiều bài viết đặc biệt, Nguyễn Trần Phương Dung đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008. Đây là bài viết mới nhất của cô cho năm thứ 11.
***
"Surf the internet" FB account" LOL cool!"
Tôi ngẩn ngơ đọc dòng nhắn trên "bức tường" của trang "mạng lưới xã hội". Người gửi là thằng cháu 22 tuổi con bà chị mà tôi đã vô tình tìm thấy trên mạng và sau đó gửi yêu cầu được "làm bạn" với nó. Liếc qua ô Friends Online, thấy có cái chấm xanh bên cạnh tên nó, tôi gửi lại dòng chat:
"Laugh-out-loud cái gì, thằng khỉ""
"Haha. Hi dì Tí."
"Hello Khoa. Rồi, nói đi, tại sao lại cười khi thấy dì trên Facebook""
"Ummm... I know you re tech savvy and everything, but social networking, your generation" "
"Thế hệ của dì là sao""
"You know... older, conservative..."
"Vietnamese""
"Oh yeah, that s too!"
Thằng nhỏ kèm theo câu đấm với một icon hình mặt cười ha hả. Tôi phì cười theo mặc dù câu nói nửa đùa, nửa thật, của nó làm tôi suy nghĩ không ít sau đó. Từ trước đến giờ tôi vẫn tự hào là dì út trẻ trung và cởi mở của lũ cháu. Tuy không chủ quan tin mình "cool" như chúng nó, tôi cũng hơi bất ngờ khi bị gọi là già, bảo thủ, và nhất là "Việt Nam". Tôi tự hỏi, Việt Nam là gì trong mắt nó, bao nhiêu phần giống Việt Nam trong mắt tôi và bao nhiêu phần khác Việt Nam trong mắt ba mẹ tôi" Giữa các thế hệ vốn đã có sẵn khoảng cách về cách nhìn, lối suy nghĩ, do sự khác biệt về tuổi tác vai vế, và kinh nghiệm sống. Với các thế hệ di dân, khoảng cách đó còn tạo bởi bối cảnh lịch sử, văn hóa, và xã hội.
35 năm đã trôi qua kể từ biến cố 30/4. Dù nhìn từ khía cạnh nào, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng chính cái biến cố định mệnh này đã đẩy bao người Việt xa xứ. Những người thuộc lớp tuổi ông bà, ba mẹ tôi, như những cây già với rễ ăn sâu trong lòng đất, bỗng một ngày bị cắt rễ, bứng gốc, dời đi nơi khác. Sang đất mới, được tưới nước bón phân, có cây thích ứng, sống mạnh, vươn cành khoe bóng. Cũng có cây không hợp hoàn cảnh lạ, rễ cũ cố bám vào lòng đất mới nhưng thân không tích tụ đủ tinh hoa, sống èo uột âu sầu rồi theo thời gian héo úa, tàn phai. Tôi đã được chứng kiến và nghe kể nhiều về thế hệ di dân 1 này. Đọc thêm những bài Viết Về Nước Mỹ, là thấy bao vinh, nhục họ đã trải qua kể từ cuộc đổi đời. Mỗi người một câu chuyện, góp lại thành những trang sử bi hùng gửi lại cho con cháu về sau.
35 năm, thời gian đủ dài để hơn một thế hệ được sinh ra và lớn lên. Thằng cháu tôi thuộc thế hệ di dân 2, là cây xanh được ươm trồng từ hạt, mọc mầm, đâm chồi nẩy lộc trên mảnh đất màu mỡ. Như những đứa trẻ sinh trưởng ở Mỹ cùng lứa tuổi, đối với nó, Việt Nam là một nước xa lạ bên kia trái địa cầu, và 30/4 chỉ là một ngày trong mốc thời gian. Nó xem mình là Generation Y, thế hệ tinh thông kỹ thuật, dính liền với những "gadgets" đồ chơi điện tử và quen đối thoại qua email, texting hay instant messaging.
Thế hệ này phổ biến và chia sẻ thông tin rộng rãi qua những "mạng lưới xã hội" như Facebook hay YouTube. Họ tìm hiểu mọi vấn đề qua những trang mạng như Google hay Wikipedia. Đặc điểm của họ là sự hòa đồng cởi mở, dễ hợp tác, dễ chấp nhận sự khác biệt của người khác. Họ có nhiều hoài bão, tin người, tin mình. Câu chuyện của thế hệ họ vừa mới bắt đầu, tôi chờ đợi và hy vọng những cây xanh này sẽ kết trái đơm bông, và viết lên những trang sử mới làm rạng danh người Mỹ gốc Việt.
Riêng thế hệ tôi, thế hệ của những cây non chưa kịp bén rễ bị bứng khỏi vườn xưa năm nào thì sao" Chúng tôi sinh ra ở Việt Nam, trưởng thành ở Mỹ, được hấp thụ cả hai nền văn hóa. Như một thứ "ba rọi", chúng tôi không hẳn Mỹ như thế hệ thằng cháu, cũng chẳng Việt như thế hệ ba mẹ của mình. Quả thật có khác, nhưng cũng giống. Biến cố 30/4 đã xẩy đến với thế hệ 1, nhưng hệ lụy của nó cũng đã ảnh hưởng đến thế hệ tôi. Thế hệ tôi cũng có những cơ hội và điều kiện như thế hệ 2, mặc dù hoàn cảnh có khác nhau.
Trong tinh thần chia sẻ để cảm thông, mời bạn đọc cùng tôi ngược dòng thời gian, bằng những mẩu chuyện từ một hồi ức của thế hệ "ba rọi" 1.5.
* Tuổi thơ thời Xã Hội Chủ Nghĩa
Tuổi thơ tôi gắn liền với cái xóm nhỏ gần đài liệt sĩ ngăn đôi đường đi Bình Triệu, Thanh Đa. "Xóm năm căn" nằm trong con hẻm cụt gồm năm căn nhà chung vách. Nhà nằm quay ngang, phía trước là hãng cưa, phía sau là khu vườn của căn nhà xóm bên cạnh. Từ đường cái đi vào, qua khúc hẻm ngắn có bụi hoa trắng nhỏ li ti, người ở căn trong phải đi qua khoảng sân nhỏ của những căn ngoài mới vào đến sân nhà mình.
Năm căn nhà mái tôn na ná như nhau, có ba gian dưới đất và cái gác nhỏ bên trên. Khí hậu Sài gòn oi bức, nhà nhỏ thấp lè tè lúc nào cũng nóng hầm. Không có vườn sau, khoảng sân trước trở thành chỗ sinh hoạt thường xuyên của cả xóm. Ban ngày sau giờ học đám con nít thường ngồi bệt dưới đất chơi banh đũa hoặc ô quan, trong khi mấy anh chị lớn ngồi học bài nơi thành xi măng sát hàng rào ngăn xóm với hãng cưa. Cơm nước xong, người lớn thường ngồi trước cửa nói chuyện trong khi đám con nít chơi 5, 10 trong con hẻm tối. Hôm nào có cải lương, mọi người kéo ghế qua sân nhà bác Tư, ngó vào phòng khách nơi đặt cái tivi trắng đen duy nhất trong xóm.
Năm căn nhà chung vách, mà vách mỏng tanh, cửa sổ cửa chính lại mở toang cho thoáng, nên hình như chẳng có gì xẩy ra trong nhà này mà nhà kia không biết. Bốn gia đình sống cạnh nhau tương đối hòa nhã theo kiểu "đèn nhà ai nấy tỏ", vậy mà thỉnh thoảng cũng có "chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay", tạo nên cảnh dở khóc dở cười.
Chồng chị Tâm chủ căn nhà ngoài cùng là người Tàu chợ lớn. Anh chị lấy nhau không bao lâu thì anh vượt thoát một mình, để lại chị với đứa con gái nhỏ. Bà nội góa bụa của chị dọn về ở chung. Căn nhà gồm ba thế hệ đàn bà ở nhưng lúc nào cũng tấp nập đàn ông ra vào. Tình cảnh "gái một con trông mòn con mắt" của chị làm nhiều ông chạnh lòng, muốn săn sóc bảo bọc. Đám đàn ông làm bên hãng cưa, đến giờ nghỉ trưa, cũng tới sát hàng rào gọi đứa con gái của chị ra hỏi thăm. Bù Tọt 3 tuổi, vừa ngậm kẹo vừa kể vanh vách: "Chú Hai dẫn má đi chơi, tặng má quà. Chú Ba với má giận nhau, vật lộn ở trên gác..." Các ông nghe chuyện chị Tâm bị vật cứ chắc lưỡi suýt xoa đòi qua thăm. Mỗi lần có khách, thấy bà Út bế con bé Bù Tọt ra ngồi trước hiên, ru hỡi ru hời nghe buồn đứt ruột.
Một buổi tối cả xóm đang ở ngoài sân hóng gió, bỗng có một bà sồn sồn và một thanh niên lạ mặt hùng hổ đi vào nhà chị Tâm, rồi tiếng chửi nhau chí chóe vọng ra. Người lớn vội nháy nhau đi vào nhà, trong khi đám con nít hiếu kỳ bu quanh cửa sổ nhìn vào. Một lát sau thấy hai người đi đánh ghen ôm đầu lạng quạng đi ra, chân người đàn bà không còn chiếc dép. Lạ thay, trên chiếc ghế ngoài sân, bà Út vẫn ôm con Bù Tọt khóc tức tưởi.
Gia đình bác Tư chiếm hai căn kế. Thời trước bác Tư trai làm thầu cho Mỹ, giải phóng vào bác vẫn phây phây làm chủ một hãng sửa xe buýt. Bác Tư gái nghe đâu một thời là hoa khôi của trường, trên tường phòng khách, đối diện với "bác Hồ", treo đầy những tấm ảnh thời con gái của bác.
Ban ngày bác trai đi làm, bác gái diện đồ rồi bắc ghế ngồi trước cửa chờ những gánh hàng rong đi ngang và tán dóc với chị Tâm hay những người rảnh rỗi ghé thăm. Chuyện nhà ai, từ đời nào, bác đều thông suốt. Có lần con bé há hốc miệng nghe bác kể "thiên tình sử" của ba mình như kể chuyện cổ tích. Kể xong bác còn quay qua đe: "Nghe thôi chứ về không được học lại nghe mậy!"
Không biết bác có dặn vậy với những người khác không, chỉ biết ngay sau lần cả nhà vượt biên hụt trở về, bác Mười vợ ông tổ trưởng hớt hải chạy đến: "Gặp bà Tư ngoài chợ, nghe nói gia đình ông bà đi không được, về không còn chiếc dép. Có mất nhiều không, có ai bị bắt không"" Ba mẹ cười gượng nhưng chuyến vượt biển sau, con bé thấy có thêm anh Lu-uy con trai lớn của bác Tư, anh Tuấn chị Dung con bác Mười, ba mẹ con cô Diệp nhà ông bà Năm, chú thím Bẩy trọ ở căn nhà có cái vườn rộng phía sau, và vài khuôn mặt quen trong mấy xóm lân cận.
Căn nhà của gia đình tôi thứ tư. Từ lúc biết chuyện, tôi chỉ thấy chín mẹ con chật vật sống với nhau trong căn nhà nhỏ. Gian ngoài dùng làm phòng khách dù chẳng mấy khi có ai đến. Đến bữa ăn, đẩy bộ ghế gỗ qua một bên, cả nhà ngồi quây quần trên nền lát gạch bông. Cũng nơi này buổi tối, các anh trai giăng mùng nằm ngủ. Gian giữa bên phải kê tủ đựng quần áo, bên trái kê cái divan và chiếc giường của hai mẹ con, góc còn lại có chiếc cầu thang bắc lên căn gác. Giang sơn của mấy bà chị lớn vỏn vẹn có cái bàn học và mấy cái ghế dựng sát cửa sổ, khoảng trống còn lại dùng để trải chiếu ngủ. Gian cuối nhà chia đôi, bên làm chái bếp, bên làm phòng tắm. Căn nhà bé như cái mũi nhưng lúc đó tôi chẳng thấy chật, ngay cả khi ba đi "cải tạo" về, có thêm ông bà nội và gia đình chú Năm đến ở tạm. Sắp xếp lại, ai cũng có chỗ nằm. "Ăn nhiều chứ ở có bao nhiêu," tôi nhớ mẹ bảo vậy.
Mẹ tôi hiền lành chất phác, được nhiều người thương, và cũng vì vậy mà mẹ buôn bán chẳng ra đâu vào đâu. Nhớ thời mẹ làm nón lá, có những buổi tối cúp điện, mẹ và các chị lớn chong đèn dầu lui cui cắt, dán. Tôi ngồi bên cạnh, giơ nghiêng cái nón đã làm xong, đánh vần những câu thơ ép ở phía trong. Con bé đến với thơ lần đầu như vậy đó.
Gia đình ông bà Năm dọn về căn nhà cuối xóm sau "giải phóng". Ông bà người Cam Ranh nhưng nói với nhau bằng tiếng Tàu. Ở chung với ông bà có cô con gái lớn, cậu con trai út và hai đứa cháu ngoại, những người con khác thì đi đi về về. Cô Diệp dạy tiểu học, chồng cô thời trước làm lớn, hào hoa phong nhã, cô ghen bị chồng đánh đập nên ôm con về sống với cha mẹ. Hết thời, ông chồng vô tù, cô chẳng thèm đi thăm. Anh con út tên Tí, có đôi mắt nhỏ nên bị chọc là "Tí hí". Anh mặc cảm, khóc đòi ông bà cho đi giải phẫu thẩm mỹ. Cắt mắt về, không thấy mắt to hơn, chỉ thấy mí cắt quá cỡ kéo ngược đôi mắt lên. Tên anh thành "Tí trợn".
Khoảng năm 80, cả xóm ngạc nhiên thấy chiếc xe hơi đỗ xịch trước hẻm. Thì ra ông bà Năm có người con trai tên Tuấn Kiệt du học bên Đông Đức, nay "đất nước thống nhất" về thăm nhà. Xóm năm căn sau đó tấp nập người ra vào, mong được nhìn mặt "Việt Kiều yêu nước". Anh Tuấn Kiệt phút chốc thành mục tiêu ngưỡng mộ của nhiều người. Bác Tư gái lấy tên anh đặt cho thằng con trai út mới sinh. Nhiều gia đình muốn gả con gái cho anh. Có một bà chuyên dạy nấu ăn trên đài truyền hình đem con gái đến, gặp phải lúc Việt kiều đi vắng, phải chầu chực cả buổi. Lắm mối khó nghĩ, cuối cùng ông bà chọn chị Phượng, cháu gọi anh bằng cậu, xa hai đời. Đám cưới xong Việt kiều về nước, xóm có thêm một thiếu phụ chờ chồng.
* Hành Trình Vượt Biển
Ba tôi đi tù về, đóng cửa, giở cục gạch dưới chân cầu thang, lôi lon gui-gô đựng mười mấy cây vàng lên, đem hùn với ba người nữa mua cái vỏ thuyền về sửa sang ngoài cầu chữ Y. Ba lo khâu tài công thủy thủ, họ lo máy móc, bãi bến, xăng dầu. Thời gian này các cô chú em ba và hai người anh lớn của tôi đã qua Mỹ và thỉnh thoảng tiếp tế về. Nhưng có được bao nhiêu là đổ vào chuyện vượt biển, lại sợ người khác chú ý, nên nhà vẫn ăn uống kham khổ. Gần ngày đi, thím Ba đem con mèo đến, bảo không đem theo được thì thịt. Nhiều người can, bảo mèo là vật xui xẻo, ba không tin, vẫn nấu cà ri đánh chén.
Mấy hôm sau có tin chú Thới lo bãi bị đụng xe chết. Chuyến đi hoãn loại, em rể người chết nhẩy vào thế anh. Đến ngày đi thì hỡi ôi, khách ngồi xếp lớp trên thuyền. Ông nội khóc: "Mình đem con cháu đi tìm đường sống chứ không tìm cái chết." Đại gia đình và khách quen leo xuống ghe trở vào bờ rồi chia thành từng nhóm tìm đường về thành phố. Những người ở lại cố chạy thuyền ra tới hải phận, nhưng không có tài công, đành phải quay đầu về. Chuyến đi bể, thuyền bị dìm coi như mất trắng, vậy mà ngày ngày vẫn có người đến nhà đòi lại vàng.
Làm lại từ đầu, ba tôi tìm người đầu tư rồi trở lại cầu chữ Y đóng thuyền, mua máy tàu, bãi bến... Kỳ này ba nhất định phải đích thân lo tất cả. Đi, lại bể, 8 người vào tù, tính luôn chị L của tôi. Những ngày kế ba đôn đáo chạy chọt. Mẹ đem bán tất cả những thứ có thể bán được, luôn cả cái áo đầm và con búp bê tóc vàng biết chớp mắt mà hai anh gởi về, dặn để dành cho con bé.
Tạm yên, ba tôi dồn hết sức lực và tiền bạc vào canh bạc cuối cùng. Ngoài đại gia đình và hàng xóm mỗi nhà một vài người, ba chỉ đem theo một số khách ruột. Mọi thứ chuẩn bị xong, ba mẹ lên nhà thờ Bình Triệu khấn rồi chọn ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm ngày khởi hành. Hôm đó đi lễ Chúa Nhật về, tôi thấy thím Năm đã chờ sẵn với cái túi nhỏ: "Thím dẫn con với em Vũ đi chơi." Mẹ rơm rớm nước mắt, dúi vào tay tôi 100 đồng. Đi hụt mấy lần, con bé 10 tuổi đã hiểu chuyện, lẳng lặng bước theo thím.
Ra tới Bà Rịa xế trưa, vào một ngôi nhà đâu lưng lại nhánh sông. Ngồi một lúc cuồng chân, hai chị em ra chợ ăn quà. Bà con Bà Rịa nhận ra người lạ, hỏi thăm, hai đứa vội dắt nhau về. Buổi chiều cơm nước xong, thím dục đi ngủ sớm, lúc lên giường còn bảo: "Tụi con đọc một kinh phó thác, Chúa hay nghe lời trẻ nhỏ..." Nửa đêm, thím lay dậy: "Đến giờ rồi, con." Dụi mắt ngồi dậy, xỏ đôi dép đi ra cửa sau. Taxi -ghe nhỏ chở người ra thuyền lớn- đợi sẵn, không ai nói tiếng nào, leo xuống, ghe tách bến.
Đoạn sông từ căn nhà ra thuyền lớn không biết bao xa mà đi thật lâu. Trong màn đêm tĩnh mịch, tiếng xình xịch phát ra từ máy ghe nghe rõ mồn một. Xa xa có tiếng chó sủa và tiếng những ghe khác di chuyển. Càng đi tiếng máy ghe vọng đến càng rõ hơn, tôi nghe tay mình run rẩy trong tay thím.
Đến thuyền lớn, thấy nhiều chiếc taxi khác đã ra tới. Tôi được kéo lên và đẩy ngay xuống hầm thuyền. Mọi người bó gối ngồi sát nhau, nín thở chờ đợi. Một lúc lâu sau, cây đèn bão cùng mặt ba thò xuống: "Ra đến thuyền an toàn coi như đã đi được 1/3 đường. Bà con ai còn tiền, xin cho những người lái taxi đã đưa mình ra đây." Nhiều cánh tay vói lên, tôi còn hơn 70 đồng trong túi, cũng bắt chước móc ra đưa.
Ít phút sau lại nghe tiếng ba: "Anh em taxi nào muốn, tôi cho đi." Sau đó là tiếng máy nổ mỗi lúc một xa. Bên trên, ba ra lệnh chuẩn bị nhổ neo khởi hành. Bỗng giọng chú Năm: "Chết mẹ rồi anh Hai ơi, hình như thằng Bổn trở lại." Quả thật không lâu sau có tiếng xình xịch, khi tiếng máy ghe nghe gần sát một bên, có giọng đàn ông: "Còn sót lại can dầu. Một giọt dầu là một giọt máu mà anh Hai." Tội nghiệp, tất cả những người lái taxi đều xin đi theo, trừ chú Bổn. Chú cột tất cả các ghe vào ghe chú rồi kéo về, được nửa đường, chú chợt thấy trên ghe còn sót lại thùng dầu và vội vã quay trở lại.
Chiếc thuyền chòng chành chạy đi, càng lúc càng lắc lư. Tôi mệt lả ngủ gục trên vai thím. Không biết bao lâu sau, cánh cửa hầm bật mở, ánh sáng lùa vào. Ba ló đầu xuống: "Đã ra ngoài hải phận quốc tế, thoát rồi. Phần còn lại là ý Trời. Đang bão, bà con chịu khó ngồi dưới hầm thêm một lúc." Nhiều tiếng thở ra nhẹ nhõm. Ba đảo mắt nhìn quanh: "Con Tí, mẹ con thím Năm có ở dưới này không"" Thím cháu chồm dậy lết về phía cửa hầm. Mắt ba long lanh khi trông thấy tôi. Vừa ra khỏi hầm, con sóng ập tới đổ xuống hai cha con ướt nhẹp, ba kéo vội tôi vào cabin rồi trở lại giúp mẹ con thím Năm. Mẹ nhào tới ôm tôi khóc. Thì ra ba đã dặn đoàn thủy thủ lúc kéo người từ taxi lên, đưa gia đình vào cabin. Tội nghiệp mẹ cả đêm lo đứa con gái út bị rớt lại.
Tôi nhìn quanh, thấy ngoài mẹ, có bà nội, các anh chị, thím Ba và hai đứa em họ. Phía trên, nghe giọng ông nội điều khiển thuyền. Ba, chú thím Năm, em Vũ thì từ đêm qua tôi đã biết có mặt trên thuyền. Vậy là gia đình đầy đủ. Mừng. Thò đầu ra ngoài khung cửa sổ nhỏ, thấy trời xám xịt. Nhìn bốn hướng, chỉ thấy nước. Chiếc thuyền mong manh cố lướt về phía trước, bồng bềnh giữa những con sóng dâng cao như muốn nhận chìm thuyền vào lòng đại dương đen ngòm. Nước bắn tung tóe vào mặt, con bé rùng mình thụt đầu vào. Sợ.
Rồi cũng quen. Những ngày kế, trừ những lúc say sóng ói mật xanh mật vàng, tôi thường leo lên boong ngồi ngó trời biển. Con bé chỉ hoảng khi đọc thấy sự bất an nơi người lớn, như lúc ông nội ngước nhìn đám mây trên trời rồi thở dài, hay lúc thuyền bị hư máy, trôi dạt theo con sóng, và nhất là lúc ba hét chú Năm chuẩn bị lựu đạn và gọi tất cả đàn ông thanh niên lên trên, khi nhìn thấy một chiếc tàu đánh cá ngoài xa.
Lo, nhưng cũng có lúc còn cười được, như khi một anh đu nơi thành thuyền, trợt tay rớt xuống nước, phải dừng lại thẩy phao kéo anh lên, hay lúc đã nhìn thấy bờ, chạy lạc vào một đảo hoang, gặp lúc thủy triều xuống thuyền bị mắc cạn, mọi người leo xuống tắm biển, bắt cá nấu ăn, chờ nước lên đi tiếp.
Chiếc thuyền chở 60 người bắt đầu từ Bà Rịa, sau 5 đêm 6 ngày, cập vào bãi biển du lịch Mã Lai không thiếu một ai. Tạ ơn Trời Phật. Du khách bu lại chụp hình, cho mấy thùng bánh bích quy, một buồng chuối sứ, và chỉ hướng vào một trại lính gần đó.
Lên bờ, nhìn lại chiếc thuyền nằm chơ vơ ngoài khơi, nhiều người ứa nước mắt. Khi biết đến nơi vẫn còn nhiều gạo và hai thùng phi nước, tôi phụng phịu: "Vậy mà mấy ngày nay con bị khát khô cổ." Ba xoa đầu: "Đâu biết được chuyện gì sẽ xẩy ra trên biển, phải dè chừng chứ con."
* Trại Tị Nạn
Chúng tôi được chuyển vào đảo Pulau Bidong với số tàu PB-672. Ở đảo chẳng có gì làm, hằng ngày tôi và con Gái con cô Diệp lang thang dọc bờ biển nơi có chiếc tàu sắt hoen rỉ nằm chơ vơ trên bãi cát. Có hôm chúng tôi leo lên đồi Công Giáo, tìm đọc những tấm bia tạ ơn nơi chân tượng đài Đức Mẹ. Hôm nào có ghe mới đến, hai đứa chạy băng xuống cây cầu nơi ghe thuyền cập bến, bắt chước mọi người kiễng chân, chen lấn tìm người quen.
Có một lần tàu tuần Mã Lai tấp vào, kéo theo một chiếc ghe nhỏ xíu, rách bươm. Chờ hoài không thấy ai ra, ngoài mấy cái băng ca được khiêng vội về hướng bịnh viện Sick Bay. Tối hôm đó trong câu chuyện của người lớn, hai từ "cướp" và "giết" được lập đi lập lại. Mấy ngày sau, chúng tôi lẻn vào bịnh viện, lần mò tìm ra giường của một trong những người này. Cô gái trông không lớn hơn chúng tôi bao nhiêu, nằm thiêm thiếp với tấm ra đấp ngang ngực, lòi ra cái cổ trơ xương và hai cánh tay đen đủi, gầy gò. Trên khuỷu tay phải ghim cây kim và sợi giây nối vào bịch nước biển treo lủng lẳng ở đầu giường. Khuôn mặt cô gái hốc hác, môi khô nứt và quanh mắt có những quầng thâm. Hai đứa lấm lét nhìn cô rồi lại nhìn nhau. Bỗng cô gái giật mình ngồi bật dậy, hai tay quơ quào ôm lấy ngực, đôi mắt mở to đầy kinh hoàng. Hai đứa lùi dần ra cửa, đã đến lúc để cô yên.
Nơi cái hàng rào bọc quanh trại Sungei Besi ngày nào cũng có người đứng hai bên mua bán, đổi chác. Không như ở Bidong mỗi nhà phải tự nấu ăn lấy, ở đây ngày ba bữa cầm sô sắp hàng lãnh đồ ăn nấu sẵn. Tiện, nhưng không hợp khẩu vị, nhiều gia đình lãnh về rồi chế biến lại bằng những thứ trồng hay mua được. Dân Mã Lai hơn một nửa theo đạo Hồi, ông trưởng trại lại là người sùng đạo, nên cấm tiệt chuyện ăn thịt heo. Tuy vậy vẫn có người lén mua. Một lần ông bắt quả tang một người với miếng thịt sống, ông cho lính cởi áo, trói hai tay đánh một trận rồi dẫn đi khắp trại làm gương. Con bé thấy vậy dù thèm thịt heo đến mấy cũng không bao giờ dám hé môi nói với mẹ.
Sungei Besi có cái clinic nhỏ dùng để trị bịnh xoàng cho người tị nạn. Những trường hợp nặng hay nguy hiểm, bịnh nhân được chuyển ra bịnh viện ngoài thành phố Kular Lumpur. Sau khi hay tin thím Năm sinh em Bi, tôi ba chân bốn cẳng chạy vào thăm. Đến cửa, tôi bắt gặp một người đàn ông ngồi trên bậc thềm khóc lóc thảm thiết. Vào hỏi mới biết vợ ông sinh con so, bị ra máu không cầm được, chết trên đường đi bịnh viện. Bà con trong trại xúm lại giúp ông chôn cất người vợ xấu số. Những bà đẻ khác thay phiên chăm sóc cho đứa con. Những ngày tháng sau đó, tôi thường nhìn thấy ông ngồi như người mất hồn, trên tay ông, đứa nhỏ không ngớt gào khóc.
Sau khi Mỹ nhận cho đi định cư, gia đình tôi được chuyển qua Bataan 6 tháng để chuẩn bị cho đời sống mới. Trại tị nạn ở Phi rộng rãi và thoải mái hơn bên Mã Lai. Gia đình tôi được cấp riêng một căn nhà nhỏ ở vùng 8. Cả nhà được đi học. Người lớn học Anh văn đàm thoại và đời sống căn bản. Con nít thì được dạy ca hát. Có một bài âm điệu vui tươi, phấn chấn mà tôi thích thú học thuộc lòng mặc dù lúc đó chẳng hiểu gì về lời ca:
This land is your land, this land is my land
From California, to the New York Island
From the redwood forest, to the gulf stream waters
This land was made for you and me.
Vâng, thưa tác giả Woody Guthrie. Vùng đất này là của anh, vùng đất này là của tôi. Vùng đất này được dựng nên cho anh và tôi.
* Vườn Cây Ăn Quả
Andy’s Orchards nằm ở Morgan Hill, cách San Jose 30 phút lái xe về hướng nam. Vườn rộng 40 mẫu, trồng đủ mơ, mận, đào, lê, cherry. Đến mùa trái chín, ông chủ Andy thuê nhân công Mễ khỏe mạnh hái trái và khuân vác. Cắt đôi trái thật đều, bỏ hột, sắp ngay ngắn lên vỉ để phơi làm trái cây khô thì ông dùng bàn tay tỉ mỉ của người Việt.
Được người đến trước dẫn lối, mùa hè đầu ở Mỹ, gia đình tôi đến xin vào làm. Sáng, dậy vào lúc 5 giờ, chuẩn bị, sửa soạn thức ăn trưa, xuống đến nơi thì bình minh vừa ló dạng. Không có giờ bắt đầu nhất định, mọi người thường đến sớm, đứng trong sân parking nói chuyện hay ngồi gà gật trong xe chờ ông chủ từ ngôi nhà sát mé vườn ra gọi vào làm.
Khu làm việc là một khoảng đất trống, với nền xi măng và mái che, nằm giữa nhà ông Andy và vườn cây. Khi nhân công đi vào, từng dãy vỉ gỗ to bằng bàn ăn 14 người đã được kê sẵn trên hai đầu chống, bên cạnh một thùng trái. Bốn phiá xung quanh chồng chất số lượng trái cho ngày hôm đó. Thường thì mỗi gia đình chọn chỗ đứng gần nhau, hai người cắt chung một vỉ. Khi đã vào vị trí, tiếng "fruit" vang lên tứ phía, tức thì những nhân công Mễ khiêng thùng trái đổ lên vỉ. Cầm trái lên, rứt lá cành, rọc một vòng thật ngọt bằng con dao nhỏ, tách đôi, bỏ hột, xếp hai miếng ngay ngắn xuống vỉ, từ trái qua phải, dưới lên trên. Khi cắt hết trái mà vỉ vẫn trống nhiều, gọi "fruit" để được đổ lên thêm. Nếu trống ít, thì tự lấy một mớ từ cái thùng trái bên cạnh. Vỉ đầy, gọi "punch" để người quản lý hay ông chủ đến ngó qua rồi bấm thẻ. Kế đến gọi "tray" để nhân công Mễ chồng lên vỉ mới, rồi lại "fruit", cắt, "punch"... Khi bắt đầu, cái vỉ cao ngang hông người lớn, vừa tầm để sắp trái từ trong ra ngoài. Càng lên cao càng phải với, lên đến tầng thứ sáu, ai cao lắm cũng phải đi kiếm cái thùng để đứng lên. Khi đã làm được mười tầng thì tìm chỗ có vỉ trống ở tầng đầu. Đến lúc này thì các gia đình đã dạt ra vì ai thấy chỗ trống thì đến làm.
Tiền công cắt trái cây không trả bằng giờ mà bằng năng xuất, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Một vỉ được trả $2.25. Hai người trung bình cắt nửa tiếng mới xong một vỉ, vị chi là $2.25 một giờ cho mỗi người, trong khi mức lương tối thiểu là $3.35. Được cái ông chủ dễ dãi, không thắc mắc khi cả gia đình cùng dùng chung một tên, bấm chung một thẻ. Ông ngó lơ khi bắt gặp nhân công dưới tuổi đứng làm. Nhiều cặp vợ chồng dắt theo con nhỏ, để khóc la hay chạy lông bông đùa giỡn ông cũng không nói gì.
Bà chủ thì không dễ như vậy. Hôm nào có bà, đám con nít ngồi im re một chỗ hay ra chờ ngoài xe. Bà đi qua đi lại nhìn mọi người làm việc, chỉ chỏ những miếng cắt không tròn, sắp thưa hoặc không ngay hàng thẳng lối bắt làm lại. Đến giờ về, bà đứng ở lối đi, ngó chừng xem có ai lấy trái cây mang về không. Một lần thấy chú Năm cầm ra cái bịch giấy nâu, bà ngáng đường, một tay chống nạnh, một tay xòe ra phía trước. Mặt ông cựu đại úy đanh lại, từ từ mở bịch giấy. Bên trong, hai con dao dùng để cắt trái, bịch sandwich bầy hầy và chai nước lọc.
Hết mùa cắt trái ở vườn ông Andy, mọi người kéo nhau qua hái quả ở những vườn bên cạnh. Hái một thùng dâu hay ớt to 5 gallons được trả công $5. Những bụi dâu, bụi ớt thấp lè tè, người hái phải ngồi xổm hay khom lưng. Hái hết bụi này lết qua bụi bên cạnh, tay kéo theo cái thùng. Khi thùng đầy ngập thì xách ra xe truck giao cho người quản lý để được bấm thẻ. Tôi không nhớ phải hái bao lâu mới đầy một thùng, nhưng lâu lắm. Trời nắng chang chang, người nào người nấy trùm khăn, trùm nón, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Lúc này chưa biết dùng kem chống nắng nên mặt mũi tay chân ai nấy đỏ au, căng phồng. Ngày nào cũng có người té xỉu vì bị say nắng và thiếu nước. Làm chưa được một tuần, tôi chịu không nổi nên nghỉ ở nhà luôn.
Cho đến bây giờ, mỗi lần cắn trái ớt, ăn miếng trái cây khô, tôi không khỏi nghĩ đến những giọt mồ hồi, nước mắt của mùa hè năm cũ.
* Trường Học, Thầy Cô,
Bạn Bè
Khi mới qua Mỹ, tôi được xếp vào lớp 6 trường Leyva, ngôi trường Tiểu Trung Học có bảng hiệu màu tím hoa cà và biểu tượng con chó Bulldog đầu to, trán nhăn xấu xí.
Thời đó, Leyva chưa đông học trò Việt Nam. Đám con gái có chị em song sinh Phượng, Hoàng sắc sảo, ngày ngày chơi nation-ball, giành giựt banh, xí xô chửi nhau ỏm tỏi với học trò bản xứ. Mỹ Tú gốc Tàu tướng người bé xíu, tiếng Việt ngọng nghịu nhưng tiếng Anh hót như chim, 12 tuổi đã có khát vọng lớn lên đi vào ngành truyền thông và trở thành Connie Chung thứ hai của dòng chính. Duyên hay cười chào thân thiện nhưng tuyệt nhiên không bao giờ chơi với nhóm Việt Nam. Chị em Thanh, Phương dịu dàng từ tốn, mặc ai tranh nói, tranh chơi, chỉ lo chăm chú học. Loan với làn da bánh mật mặn mà, lúc nào cũng cười mím chi trong khi mắt xa xăm buồn. Vi thông minh chăm chỉ, được các thầy cô khen là học sinh gương mẫu của trường. Như Ý khôn ngoan lanh lẹ. Kim Hà ít nói âm thầm... Đám con trai có Tú với hoa tay vẽ đẹp. Thục, anh của Tú, cao, gầy. Thuận nhỏ nhẹ như con gái. Thọ to con hay ba hoa chích chòe. Phúc cao ráo bảnh trai. Đại chín chắn sâu sắc...
Tên Việt Nam phát âm không đúng làm lũ học trò đứa khóc, đứa cười. Thầy cô trẹo miệng phát âm để tránh tạo trò cười cho đám học trò tinh nghịch, ác ý. Còn nhớ giờ ra chơi, nhiều đứa vừa bịt mũi vừa nheo mắt nhìn tôi, vừa cười "ha ha ha" vừa nhìn Hà diễu cợt, hay làm bộ chửi thề để trêu Phúc... Học trò Việt ban đầu ngơ ngác, sau hiểu ra thì đứa khóc, đứa suýt đánh nhau. Thầy cô can ngăn, gợi ý dùng tên lót hay lấy quách một tên Mỹ cho yên chuyện. Vậy là thêm những trường hợp "tên họ đổi thay" như lời trách trong bài ca của ông nhạc sĩ nổi tiếng.
Thầy cô giáo ban đầu, nhớ nhất là Mrs. Hernandez dạy ESL và Mr. Garcia dạy toán. Cô Hernandez cao lêu nghêu và ốm như cây sào, mái tóc dài quá mông lúc nào cũng sổ tung, rối bời. Đã vậy, cô ăn mặc như thời hippie đã qua, với áo quần luộm thuộm màu mè và nữ trang đầy cổ, đầy tai. Ngày ngày, sau khi điểm danh, cô bắt học trò sao đi, chép lại 10 từ ghi trên bảng từ đầu tuần, trong khi cô ngồi ở bàn giấy xăm soi khuôn mặt và hai bàn tay sơn móng đỏ, móng xanh. Rồi cô kể về nước Mỹ. Có lần cô kể chuyện xuống đường phản đối chiến tranh Việt Nam vào thập niên 60, giọng cô vô tư: "Nhờ tụi tao chống đối, tổng thống rút quân về chứ không Mỹ còn chết nhiều nữa. Nhờ vậy tụi bây được qua Mỹ ở, sướng quá trời."
Mr. Garcia dạy lớp đại số Algebra cùng dẫy với Mrs. Hernandez. Mỗi lần nói về cô, thầy đưa ngón tay ngang đầu ngoáy ngoáy. Thầy thương học trò Việt ngoan ngoãn chăm chỉ. Judy và Vi lúc nào điểm thi cũng cao nhất lớp, được thầy mang ra làm gương, nói mong học trò nào cũng như vậy.
Đám học trò Việt phần đông tiếng Anh không rành, trò chơi Mỹ mù tịt, lại hay bị ăn hiếp nên tụ lại với nhau. Giờ ra chơi, chúng tôi bầy ra nào là 1-2-3, nhảy dây, nhảy cừu... Hào hứng nhất là nhảy dây, cứ sắn quần lên cao, rồi giăng giây thun, bắt đầu từ đầu gối, leo dần lên eo, vai, đầu, rồi thằng tay, thẳng tay nhón gót.. Đám học trò bản xứ thấy ồn ào náo nhiệt, bu lại xem rồi xin chơi ké. Các thầy cô cũng ra nhìn, cười, và luôn miệng: "Coi chừng té."
Lên Trung Học, vào Silver Creek, bắt đầu có nhiều đổi thay. Học trò Việt cũ mới đã hơn một trăm. Thời gian này, có phong trào "new wave", áo mặc rộng thùng thình, quần túm lại gấp trên mắt cá, đầu tóc xịt keo dựng đứng như sóng. Sáng sớm trước giờ học, thấy tụ ba tụ bẩy trước cổng trường, nhưng khi vào lớp thì không thấy đâu. Cuối tuần nghe rầm rì rủ nhau party trong garage nhạc new wave xập xình đinh tai hàng xóm, hoặc dùng căn cước giả lẻn vào các vũ trường ở downtown.
Bắt đầu có những tin đau lòng. Hiếu bỏ học gia nhập băng đảng. Nghĩa nghiện bạch phiến. Thúc vào tù... Nhưng có lẽ xôn xao nhất là chuyện Vi thưa cha mẹ ra tòa về tội ngược đãi. Có gì đâu, chỉ là chuyện thường tình "thương con cho roi cho vọt" ở Việt Nam, nhưng ở Mỹ, cha mẹ ngồi tù, con giao cho người khác nuôi. Vi ở với cha mẹ nuôi một thời gian rồi bỏ học, đi đâu mất biệt. Vài năm sau, vô tình tôi gặp lại Vi tàn tạ ở một vũ trường. Tội nghiệp, với tài trí và tính tình của Vi, ai cũng nghĩ nó thừa sức vô trường y và trở thành một bác sĩ giỏi.
Rồi cũng qua, đám còn lại phần đông ra trường với hạng danh dự, riêng Duyên đậu thủ khoa. Lúc thay mặt lớp phát biểu, Duyên đã làm nhiều người xúc động khi nói mấy câu bằng tiếng Việt ngọng nghịu: "Con nói tiếng Việt không rành, nhưng muốn cảm ơn ba mẹ. Nhờ ba mẹ, con mới có ngày hôm nay..."
Tôi vào Đại Học SJSU gần nhà dù lòng muốn đi UC Davis cách San Jose hai tiếng. Cha mẹ Việt Nam bảo thủ, không muốn con đi học xa, sợ hư. Con nhà nghèo, học trường công, được chính phủ đài thọ tiền học, nhưng tiền xài phải tự lo. Đầu mùa học, lãnh chi phiếu về, đóng tiền học, mua sách vở là gần hết. Trong mùa, nhiều hôm đi học không có một đồng trong túi. Cha mẹ cho ăn, cho ở, đã quá sức, không đành để cha mẹ lo thêm. Nhớ mãi một lần tôi và ba đứa bạn thân ngồi học bài trong thư viện, đến trưa đói mà không đứa nào mang theo gì từ nhà, moi móc hết các túi, tiền chẳn tiền lẻ, gom lại được hơn bốn đồng, giao cho thằng bạn đi mua hai ổ bánh mì và một đĩa xôi về ăn chung. Châu ra tiệm bánh mì Cali, gặp một cô bạn học, bấm bụng đề nghị trả tiền dùm, cũng may cô nhỏ lắc đầu cảm ơn. Thằng con về kể lại, bị ba đứa con gái xúm vào chửi:
"Sao mày ngu vậy, lỡ nó gật đầu thì mầy lấy tiền đâu ra trả" Không có tiền mà bầy đặt làm sang. Đúng là đồ dại gái!"
"Không đủ tiền thì tao mua chịu. Bà chủ quen, sợ gì. Đầu mùa có tiền trường tao trả."
Đói hoài không kham, qua mùa thứ hai, đứa nào cũng lo tìm việc bán thời gian để có đồng ra đồng vào. Vừa học vừa làm, lại khác ngành, nên bắt đầu ít thấy mặt nhau. Student Union Center trở thành điểm không hẹn mà gặp, đứa nào không có lớp, không phải đi làm, chưa muốn về nhà, thì vô đó ngồi học bài, hy vọng gặp được đứa khác. Có hôm gặp được cả đám ồn ào náo nhiệt, có hôm ngồi cả nửa ngày không thấy mống nào.
Qua năm thứ ba, vào chuyên môn, chạy theo chương trình bá thở, bạn bè ít gặp nhau hơn, cơ hội tỉ tê tâm sự càng hiếm. Đùng một cái, vào một buổi tối, điện thoại reo vang:
"Bật TV. Channel 5, Eyewitness News. Lẹ lên!"
"Có chuyện gì vậy""
"Con Loan, nó tự tử."
Tôi lặng người, không tin ở tai mình. Loan, tự tử à" Không thể nào! Mới tuần trước gặp, nó còn dặn thi xong rủ cả bọn đi Dạ Vũ Tình Nhân mừng qua thêm được một mùa học. Run rẩy với cái remote control mãi rồi tôi cũng đổi qua được đài tin tức. Cô xướng ngôn viên trẻ đứng bên bờ xa lộ 101, phía sau cô là cây cầu bắc qua xa lộ 280, giọng cô không dấu được xúc động:
"Nạn nhân người Việt, mới ngoài 20, đang theo học chương trình Y Tá tại SJSU. Lúc chập tối, nhân chứng gọi 911 bảo thấy có cô gái đi đi lại lại chỗ cao nhất trên cầu xa lộ 280. Khi cảnh sát đến, cô đang ngồi trên thành cầu. Cô mấp máy môi, hình như là "Help me". Vừa lúc trực thăng bay tới, cô ngước nhìn ngọn đèn pha rồi bỗng rơi xuống xa lộ 101 phía dưới...."
Tiếng thét thoảng thốt vang lên trong đầu tôi cùng với tiếng remote control rớt xuống nền gạch... Loan ơi!
Những ngày sau đó, bên cạnh sự đau đớn tiếc thương là những dấu hỏi và giả thuyết về sự ra đi quá đột ngột của Loan. Có hiểu được nguyên nhân cũng đã muộn, còn chăng là sự ân hận đã không nhìn thấy dấu hiệu và tâm sự uẩn khúc ở nó kịp thời. Hôm ra nhà quàn Oakhill, đứng trước linh cữu của Loan, lũ bạn còn lại đã ôm nhau khóc và hứa: Không ai phải chiến đấu trong cô đơn. Khi gặp thất vọng, lúc buồn đau, sẽ tìm sự nâng đỡ. Cho dù gặp phải hoàn cảnh nào, sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
* Công Việc Làm
Một lần đọc mục tử vi online, thấy nói: "Phụ nữ tuổi Tý dễ thành công trong sự nghiệp, sự thành công bắt đầu từ lúc còn bé tí, thường thì họ sẽ từ bỏ sự nghiệp vì lí do gì đó chứ hiếm khi sự nghiệp bỏ họ." Chẳng hiểu người viết định nghĩa chữ "thành công" ra sao, nhưng đúng là tôi bắt đầu đi làm từ lúc bé.
Không kể mấy năm đi cắt trái cây lậu, tôi đóng thuế thu nhập từ năm lên 14, tuổi tối thiểu của Sở Lao Động Mỹ. Tôi bắt đầu "sự nghiệp" ở quầy hàng fastfood trong chợ trời Berryessa vào cuối tuần. Công việc với mức lương tối thiểu không có gì khó khăn trừ lúc gặp khách hàng khó chịu hay lúc chiên gà, chiên khoai tây vô ý bị phỏng.
Công việc thứ hai là làm phụ tá cho ông thanh tra sở thuế IRS, duyệt xét những hồ sơ có nghi vấn đưa qua quá trình kiểm tra. Ba tháng làm summer work study năm lớp 10 đủ để tôi hiểu không bao giờ nên gian lận thuế má.
Lên lớp 11, đã có bằng lái xe, cuối tuần tôi lái 20 miles mỗi chiều lên làm tại tiệm bánh Pháp ở Saratoga, thành phố nhà giầu đông du khách và dân ngoại quốc ở. Ông thầy Pierre sáng Chủ Nhật nào cũng đến ngồi cả buổi nhâm nhi cappucino và croissants, bắt chuyện tạo cơ hội cho cô học trò nhỏ thực tập tiếng Pháp.
Làm ở tiệm bánh ngửi mùi bơ riết đâm sợ, năm lớp 12, tôi xin vô làm ở cửa tiệm Emporium. Bán hàng trong thương xá nhàn và vui, nhất là khi gặp khách Việt, chỉ ghét Security thấy Việt giúp Việt, sợ cho giá hạ hay không tính tiền, thỉnh thoảng tới xét hóa đơn. Làm được gần một năm, thấy làm được bao nhiêu đổ bấy nhiêu vào quần áo giầy dép, tiền của chủ lại hoàn chủ, tôi bèn nghỉ quách.
Những năm Đại Học, tôi vừa học full-time vừa cầy hai jobs part-time. Ngày lẻ tôi làm Teller/Customer Rep ở Wells Fargo Bank, lo về tiếp thị và tài chính. Ngày chẵn tôi làm phòng Continuing Education của trường để được giảm lệ phí cho những lớp tiếp diễn. Khoá mùa Hè và mùa Đông, thay vì $135 một unit, tôi chỉ phải trả $31. Cẩn thận thu vén, hai đầu lương vừa đủ để tôi trả góp nợ chiếc xe Toyota Celica $6000 mua lại từ bà chị, tiền bảo hiểm, đổ xăng, và mua sắm lặt vặt.
Nhờ kinh nghiệm làm việc với khách hàng lâu năm, lúc ra trường vào thời điểm kinh tế khó khăn, tôi được mướn vào công ty điện ga PG&E khi họ mở trung tâm dịch vụ khách hàng. Một năm sau tôi đổi lên văn phòng của trung ương, làm về hệ thống hóa đơn, đúng với ngành đã học. PG&E là công ty lâu đời, chậm chạp về mặt kỹ thuật và phương pháp, nhưng benefits tốt và lương không tệ. Tôi cầm cự sáu năm, dù mỗi ngày mất gần bốn tiếng San Jose San Francisco đi về.
Năm 2000, tôi được chuyên viên "săn đầu người" tuyển mộ về làm cho công ty Cisco. Lúc đầu tôi hơi ngần ngại vì đang mang thai đứa con thứ ba gần bảy tháng, Cisco lại nổi tiếng "xiết cổ", nhưng thấy chứng khoán của Cisco lên quá, offer lại hậu hĩnh, tôi nhắm mắt đưa chân. Tốc độ làm việc ở Cisco quả thật như xe hơi so với xe đạp ở PG&E, tôi làm tối tăm mặt mũi cho đến ngày sinh con. Con bé được đúng sáu tuần, tôi trở lại làm như lời hứa với xếp, lo cho dự án kỹ thuật sắp trình làng.
Vừa rồi tôi nhận được tấm plague chúc mừng mười năm làm việc với công ty. Mười năm tôi chuyển đổi cơ quan mấy lần, làm qua nhiều công việc, khi quản trị nhân viên, khi trông nom dự án. Tôi cộng tác với người từ nhiều nơi, với đủ cấp bậc từ VP trở xuống . Có thời tôi làm việc cực lực, cũng có những lúc nhàn. Có khi được tưởng thưởng xứng đáng với công sức, có khi không. Một người xếp khuyên tôi:
"You muốn thành công, muốn lên cao, phải biết chơi chính trị. Thông minh, chăm chỉ không đủ đâu."
Tôi cười cảm ơn, tự nghĩ mỗi người có cái nhìn khác nhau về hai chữ thành công. Sự nghiệp quan trọng đối với tôi, nhưng chắc chắn không phải là ưu tiên số một. Tôi không muốn vì nó mà đánh mất những thứ khác theo luật bù trừ. Hiện tại tôi yêu thích công việc làm và hài lòng với thành quả mình tạo ra, thế là quá đủ. Vả lại, thuyền to sóng lớn, càng gần mặt trời càng nóng. Anh chàng xếp chơi chính trị và lên như diều gặp gió, nhưng nửa chừng bị tia nắng gắt đốt cháy và anh rớt ịch xuống đất, phải đi tìm hãng khác làm.
Trở lại với lá số tử vi, nếu tôi đi làm đủ tiền nuôi dạy đàn con và lo cho chúng học hành nên người, theo định nghĩa của tôi, đã là "thành công trong sự nghiệp".
* Chuyện Cộng Đồng
Có lẽ vì tính tình hoạt bát cởi mở nên tôi rất thích những sinh hoạt cộng đồng. Khi còn ở Việt Nam và các Trại Tị Nạn, tôi ở trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể của nhà thờ. Qua Mỹ được một tuần, tôi theo mấy đứa em họ tham gia những sinh hoạt thiếu nhi tại Trung Tâm Công Giáo đường Singleton. Ngoài học Giáo Lý, tiếng Việt, và sinh hoạt vui vào cuối tuần, chúng tôi được đi picnic, cấm trại vào những ngày lễ nghỉ hoặc mùa hè. Những dịp lễ lớn như Noel và Tết thì được các thầy cô, huynh trưởng tập cho múa hát, đóng kịch rất xôm tụ.
Người lớn cũng có những hội đoàn của họ. Ba ở trong Hội Cựu Nhân Chính Trị. Mẹ trong hội Các Bà Mẹ Công Giáo. Chú Năm vào hội Cựu Hải Quân. Ông bà nội vô hội Trưởng Lão. Ngoài ra còn có nhiều nhóm chuyên tổ chức những buổi họp mặt lớn cho cả cộng đồng tham dự như Hội Chợ Tết, Diễn Hành Mừng Xuân, Kỷ Niệm 30/4...
Hội con nít sinh hoạt với mục đích vui là chính. Hội người lớn sinh hoạt với những mục đích nghiêm trọng hơn. Thỉnh thoảng hội người lớn nhờ hội con nít đến giúp vui ở những chương trình của họ. Tôi có tấm hình chụp trên sân khấu, tay cầm cờ vàng ba sọc đỏ phất phơ nhân dịp 30/4, và vài tấm đang múa hát ở Hội Chợ Xuân. Nhờ những sinh hoạt văn hoá và tôn giáo mà cộng đồng Việt ngày càng lớn mạnh, tương thân tương trợ lẫn nhau.
Nhưng, cũng có những lúc cộng đồng chia rẽ, phe đảng, chống chọi nhau trầm trọng. Tôi từng chứng kiến cảnh người la ó, nhẩy tưng tưng trong một nhà thờ tôn nghiêm để chống đối một ông cha. Tôi từng thấy một người biểu tình tụt quần trước cổng chùa sỉ nhục ni, sư. Có vài cuộc biểu tình huyên náo đến độ ngày nào cũng thấy nói trên đài local news. Tôi than với ba:
"Tại sao người Việt của mình không thể đoàn kết""
"Không phải, tại con chưa hiểu vấn đề."
"Thưa ba. Con hiểu quan điểm của cả hai bên. Con cũng đồng ý mình phải lên tiếng về quan điểm của mình. Con chỉ không thể chấp nhận cách họ làm."
"Thời nào, ở đâu, cũng có những người quá khích, con."
Câu chuyện dừng ở đó. Hôm sau, vào lớp học, vài người mang vụ biểu tình ra bàn tán. Cô giáo quay qua đám học trò Việt:
"Cộng đồng tụi bây làm sao vậy""
Con bé vị thành niên nhìn thẳng lên bảng, mím môi nuốt những điều tự hứa.
Bẵng đi mấy năm, tôi đi lễ nhà thờ Mỹ. Ngoài giờ học giờ làm, tôi đóng cửa phòng đọc sách hoặc rủ lũ bạn đi giúp các hội từ thiện bản xứ. Thời gian này tôi dùng toàn tiếng Anh và chỉ nói tiếng Việt với những người lớn tuổi. Không tham gia, nhưng lòng vẫn nhớ, vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì. Tâm sự với ông bố linh mục, bố cười nói, "lá rụng về cội", và rủ tôi đi dự buổi tĩnh tâm dành riêng cho giới trẻ.
Chính cái cuối tuần với nhóm Đường Hy Vọng đã làm cho tôi suy tư về những gì giới trẻ có thể làm để giúp nhau thăng tiến và góp tay xây dựng cộng đồng. Nó cũng cho tôi niềm cảm kích sâu xa đối với những người làm việc âm thầm đằng sau các đoàn thể. Từ trưa thứ sáu tới chiều Chủ Nhật, chúng tôi được học hỏi và thảo luận về nhiều đề tài liên quan đến tôn giáo, gia đình và cộng đồng. Nhưng khi ra về, đậm nét nhất trong lòng tôi là hình ảnh các cô chú lớn tuổi quần quật nấu ăn, dọn dẹp để lo cho cả trăm thanh thiếu niên ngày ba bữa, không kể những thức ăn vặt trong giờ giải lao.
Với lòng thanh thản hơn, tôi đi dự buổi họp của Hội Học Sinh Việt lần đầu sau ba năm vào học ở trường và bất ngờ được các bạn bầu làm Trưởng Ban Văn Nghệ. Năm đó chúng tôi quy tụ được nhiều bạn chưa từng hay đã lâu không tham gia đoàn thể Việt Nam, và có nhiều sinh hoạt vui tươi và ý nghĩa.
Sau này tôi sinh hoạt thêm với nhiều đoàn thể khác trong cộng đồng. Ngoài việc góp sức làm những việc chung, chúng tôi nâng đỡ tinh thần nhau, cùng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Như bất cứ ở nơi nào có hai người trở lên, bất đồng ý kiến về cách làm việc là chuyện không thể tránh được. Những lúc đó, chúng tôi nhắc nhau nêu quan điểm cá nhân cho việc chung trong tình thần tôn trọng, xây dựng và hòa đồng.
Riêng tôi, ngày ngày vẫn đọc kinh Serenity Prayer bố linh mục dạy, cầu xin sự thanh thản chấp nhận những gì không thể thay đổi, lòng can đảm thay đổi những gì có thể, và khôn ngoan để biết sự khác biệt.
God, grant me the Serenity to accept the things I cannot change,
Courage to change the things I can,
and Wisdom to know the difference.
* Dòng Đời Không Ngừng Trôi
Tháng Tư đánh dấu 35 năm đổi đời cũng là giỗ 10 năm của ông nội tôi. Bà nội và mẹ cũng đã từ lâu nằm sâu trong lòng đất. Ba và các cô chú đang đi vào tuổi xế chiều, mái tóc lưa thưa trên đầu muối nhiều hơn tiêu. Anh em tôi ngày nào nằm xếp lớp ngủ bên nhau trên căn gác nhỏ, nay ai cũng con cái đầy đàn. Lũ cháu được sinh ra ở Mỹ, thoáng một cái đã lớn khôn và chuẩn bị vào đời.
Tháng Tư cũng là lúc tôi đóng hồ sơ bán căn nhà gia đình đã ở từ khi đặt chân qua Mỹ. Phòng ngủ dưới nhà ông bà nội từng đến ở. Hai phòng ngủ lớn trên lầu thời độc thân tám anh em chia nhau. Phòng khách với những bữa tiệc cưới hỏi. Chiếc cầu thang đứa con nít nào tới cũng trèo lên, tụt xuống. Góc nhà nơi lũ cháu bị phạt úp mặt vào tường mỗi khi nghịch ngợm. Sàn nhà lót gạch đứa con gái chập chững tập đi trợt té bao lần. Mảnh vườn sau nơi mẹ trồng giàn bí... Mấy chục năm, biết bao kỷ niệm, dù bây giờ chỉ còn mình ba trong căn nhà rộng, vẫn không đành buông. Ba bảo tôi:
"Hay là gọi thằng Khoa về ở với ông ngoại" Nó ở apartment vừa tốn kém, vừa không ai trông chừng."
"Con nghĩ cứ hỏi, nhưng đừng ép nó. Lũ trẻ sinh trưởng bên này thường có chí tự lập. Nó sống ở ngoài đã lâu, quen đi về tùy thích, con chỉ sợ ở chung nó làm phiền ba."
"Thằng Khang thì sao" Nó mới 18 tuổi, còn nhỏ mà. Bắt nó về đây, ông nội lo cho nó học Đại Học."
"Mùa thu nó vào trường UC Merced cách đây bốn tiếng, làm sao mà ở với ba."
"Vậy mà ba cứ tưởng nó sẽ học trường gần nhà như tụi con hồi đó."
Thở ra. Tính tới bàn lui, vẫn thấy bán nhà là ổn nhất. Trước hôm giao nhà, cả nhà xúm lại giúp ba dọn. Khi gỡ những bức tranh trên tường xuống, tôi tần ngần trước bức sơn dầu có hình chiếc thuyền và những căn nhà sàn ở đằng sau.
"Nền của bức tranh là sông Thị Nghè phải không ba" Con nhớ thời gian thuyền mình đậu ở đó ba hay chở mấy chị em ra chơi. Ba còn tấm ảnh chính cho con mượn. Con muốn scan lại giữ làm kỷ niệm."
Thằng cháu ngạc nhiên:
"This was the boat that you used to escape" All these times I thought it was just a painting."
Ba tôi cười hãnh diện:
"Bức tranh do họa sĩ vẽ lại từ tấm ảnh màu. Thuyền này ông ngoại đích thân thuê thợ đóng, rồi ông cố và ông Năm, em ông ngoại, lái thuyền đưa mẹ con và các dì, các cậu đi vượt biển đó con."
"How cool! Hey, dì Tí, after you scan it, can you send me a copy with a short narration on the story" I want to share it with my friends on Facebook."
Bà chị xen vào:
"Facebook là gì vậy""
"Mom, you are so outdated. You need to keep up with 21st century trends and technologies."
Tôi liếc xéo thằng cháu:
"Thế kỷ 21 cái con khỉ. Lo học cho xong đi. Dì mà chỉ cho mẹ lên Facebook xem hình tụi mầy quậy, mẹ lên cơn thì có chứ ở đó mà lỗi thời với không lỗi lời."
"Oops! Nevermind. Why are you calling me "con khỉ" anyway" I thought I was "thằng khỉ"" I am no girl."
Lũ cháu đứng xung quanh cũng tưởng Khoa bị gọi là con gái nên lăn ra cười. Tôi lắc đầu:
"Tiếng Việt của tụi con tệ quá rồi, không được nói tiếng Anh ở nhà nữa. Wikipedia có viết về giai đoạn vượt biển, thuyền nhân. Để dì chỉ thêm cho mấy cái websites về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Rảnh thì lên mà đọc. Lần sau dì hỏi mà không biết là úp mặt vào tường. Nghe chưa""
Lũ cháu làm bộ rụt đầu le lưỡi nhìn nhau rồi đồng thanh "dạ" một tiếng thật lớn làm tôi phì cười. Ba và chị thấy mấy dì cháu vui vẻ cũng cười xòa theo. Thêm một kỷ niệm chót ở căn nhà để giữ mãi trong lòng.
* Thế hệ gạch nối
Vâng, sau 35 năm, rễ của những cây non bị bứng khỏi Việt Nam năm xưa đã thấm sâu vào lòng đất mới, nước Mỹ đã trở thành quê hương của chúng tôi. Nhưng, ở một góc độ nào đó, rễ vẫn nhớ mùi đất cũ, cây vẫn nhớ cội nguồn. Như tôi, thời gian sống ở Mỹ dài gấp ba lần ở Việt Nam, tôi có cách suy nghĩ, làm việc, và ứng xử gần như người Mỹ. Nhưng, sâu thẳm trong tim, tôi biết mình mãi là người Việt Nam. Ký ức tuổi thơ tuy rời rạc, nhưng ám ảnh mãi không rời. Ảnh hưởng của văn hóa mới tuy mạnh, nhưng không làm nhạt phai văn hóa cũ. Lúc đang lớn, nhùng nhằng giữa hai nền văn hóa, tôi sợ mình sẽ nghiêng về phía cận đại và quên mất nguồn gốc. Nhưng, "tiếng Mẹ ru từ thuở nằm nôi" đã ăn sâu tận xương tủy, bên cạnh những câu chuyện cổ tích về công chúa và hoàng tử, tôi thấy mình ru con bằng ca dao của mẹ, bằng câu chuyện con cháu Lạc Hồng...
Nhờ những gian khổ hy sinh của thế hệ 1 mà thế hệ 1.5 chúng tôi đã có cơ hội và điều kiện để mở mang kiến thức và gầy dựng sự nghiệp nơi miền đất mới. Lũ học trò nhẩy dây trong sân trường Leyva năm nào, nay nhiều đứa đã thành công đỗ đạt. Chị em song sinh Phượng, Hoàng: chị là cán sự xã hội, lo về chương trình Heads Start cho trẻ em thuộc gia đình lợi tức thấp, em kinh doanh ngành Nails. Judy và Phương thành dược sĩ, làm việc cho những Pharmacy lớn ở vùng Silicon Valley. Kim Hà làm Physical Therapist cho một trung tâm vật lý trị liệu. Như Ý làm kế toán một thời gian xin nghỉ, tình nguyện làm phụ giáo không lương ở trường Tiểu Học của con trai. Đại, hai chị và hai em gái kế đều trở thành bác sĩ, hợp tác mở phòng mạch ở Sacramento...
Vâng, chúng tôi là thế hệ 1.5 may mắn, được hấp thụ cả hai nền văn hóa và được chọn lựa những gì tốt nhất cho mình. Chúng tôi biết tại sao, bằng cách nào, mình có mặt nơi này và không quên những cơ cực, tủi nhục của thuở ban đầu. Chúng tôi tự hào với di sản của cha ông để lại và nguyện giữ gìn và chuyển đến thế hệ sau, để những người trẻ như lũ cháu tôi có thể hiểu và ngẩng đầu khi nhắc đến hai chữ "Việt Nam".
Thế hệ 1.5 xin được làm gạch nối giữa thế hệ 1-2, để những trang sử bi hùng của thế hệ 1 không bị lãng quên. Với cái nền mà thế hệ 1 đã đổ máu và nước mắt xây, chúng tôi xin được làm bậc thang kế cho thế hệ 2 bước lên, với hy vọng tạo cơ hội và điều kiện cho họ viết lên những trang sử mới cho người dân gốc Việt.
Viết với lòng tri ân thế hệ 1 và kỳ vọng ở thế hệ 2.
Nguyễn Trần Phương Dung
https://governy.shortcm.li/governor#2g
Я делаю крутые сайты профессионально и дешево!!! Телефон +79169295582 или 89169295582 по россии. Звоните! Скидка только сейчас!
Слыш, мудак, сайт закажи или зассал терпила? Маму твою ебал.
Скидка только сейчас, консультация бесплатно. Примеры работ по запросу.
Александр
https://rebrand.ly/governy#S39
https://rebrand.ly/governy#G52
http://gov.shortcm.li/kings1#I24
http://gov.shortcm.li/kings1#Q68