Hôm nay,  

Halloween: Nỗi Sợ Hãi Ma Quỷ

28/10/201800:00:00(Xem: 8761)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves

Bài số 5532-20-31339-vb8102818

 
Tuần lễ Halloween bắt đầu, mời đọc chuyện sợ ma. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.

 
***
 

Halloween năm 2001 là lần đầu tiên tôi biết tới lễ hội này.

Từ đầu tháng 10, tôi thấy người ta bắt đầu trang hoàng trước nhà những trái bí ngô đỏ, to có, nhỏ có. Họ khắc hình khuôn mặt cười lên trái bí, để buổi tối thắp đèn trông vui mắt. Cũng có nhà để những bong bóng lớn có hình trái bí, ban đêm bơm khí vào cho nó phồng lên, với đèn sáng ngó rất ngộ nghĩnh. Thế nhưng, Halloween không chỉ có bí ngô, trái lại, người ta còn trang hoàng trước nhà, trên xe, nơi làm việc nhiều thứ kỳ quái khác, như bộ xương người bằng nhựa, hay bằng giấy, và cả bằng vải nữa trông thật ghê rợn, mà đối với người “chân ướt chân ráo”, mới từ Việt Nam qua chưa đầy 2 tháng như tui, thì thấy rất sợ, nếu không nói là “kinh hãi”, thật sự là những “kỷ niệm khó quên!”

Một buổi chiều chạng vạng tối, cảnh vật chung quanh nhìn rất lờ mờ, đèn đường thì chưa đỏ, mà ánh sáng ban ngày thì tắt mất rồi, trời mưa lâm thâm, tôi với hai đứa con gái nhỏ, đang bước dọc lề đường, đến ngã tư chuẩn bị sang đường thì nhìn trật lên cây thấy treo tòng teng bộ xương người, cái đầu lâu trắng hếu, hai hốc mắt đen ngòm nhìn chằm hăm vào người đối diện, hai gò má cao như càng tăng vẻ độc ác của cái đầu lâu! Còn hàm răng nhe ra lởm chởm, mấy cái răng giống như răng "bị cời”, nhe hẳn ra ngoài như muốn “ngoặm” lấy người ta, thấy rợn cả người! Hai đứa nhỏ la lên, “Mẹ ơi, ma ma!” Tôi sợ quá, lôi tay hai đứa chạy một mạch, không dám nhìn lui.

Biết chắc chắn không phải là Ma, bởi vì mô chừ tôi nghe Ma chỉ xuất hiện khi trời tối, chơ có hề nghe ai nói ma khi trời chạng vạng mô nà?

Biết đó là mấy thứ người ta trang hoàng, nhưng mà vẫn thấy sợ! Tôi bực bội nghĩ “Ai mà kỳ cục, trang trí nhà cửa răng không chọn mấy cái chậu hoa, cây cảnh đẹp đẽ, lại chọn bộ xương người ghê quá!”

Sáng mai, tới lớp học làm Nails, kể cho chị Lê, một bạn học cùng lớp nghe, chị cười, “À, chắc em mới qua Mỹ, nên không biết lễ Halloween, thành ra thấy sợ là phải rồi. Ở lâu, nhìn hoài thành quen, không còn sợ nữa!” Rồi chị giải thích cho tôi hiểu về ngày lễ này.

"Halloween là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 31 tháng 10 hàng năm, vào buổi tối trước lễ các thánh trong Kitô giáo Latinh. Đây là ngày bắt đầu "Tuần Tam nhật Các Thánh." Khoảng thời gian trong năm dành để tưởng nhớ những người đã chết gồm các vị thánh, các vị tử đạo và tất cả các tín hữu trung kiên đã qua đời. Trọng tâm theo truyền thống của Hallowween xoay quanh chủ đề sử dụng sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết.

Các hoạt động phổ biến trong lễ hội Halloween là "Trick-or-Treat" (Trẻ con hoá trang đến gõ cửa nhà hàng xóm để xin bánh kẹo,) dự tiệc hoá trang, đốt lửa, khắc bí ngô thành "Jack-o’-lantern,” (giống hình lồng đèn), các trò đùa cợt, xem phim hoặc kể chuyện kinh dị.

Trẻ em trong trang phục Halloween và xách theo một túi đựng kẹo đi từ nhà này sang nhà khác đòi kẹo, với câu hỏi, “Trick-or-Treat?” (Dịch là “Cho kẹo hay bị chọc ghẹo?" hoặc “Muốn bị lừa hay được lộc?”

Một số nhà để kẹo trong rổ ở ngoài cổng hoặc trực tiếp đưa cho những đứa trẻ.”

Nghe chị Lê giải thích, tôi thấy bớt bực mình, và cũng bắt đầu thấy tò mò, muốn biết người ta làm gì, bởi vì hồi còn ở bên Việt nam, tôi chưa hề nghe tới lễ hội này.

Một buổi chiều khác, trên đường về nhà, thấy có chiếc xe tải nhỏ vượt qua, phía sau ô cửa sổ là hai ống chân máu me bê bết nhuộm đỏ! Tôi gần như đứng tim vì sợ! "Tai nạn ở đâu mà người ta không gọi cứu thương, lại chở nạn nhân, nằm nửa trong xe, nửa ngoài xe thấy ghê vậy Trời?” Tới đèn đỏ, chiếc xe đó dừng bên cạnh, thì tôi hạ kính xuống, định nói với tài xế đưa nạn nhân vào hẳn trong xe, thì ổng nhìn tôi cười nhe răng, “Bà đừng lo, hình nôm thôi! Halloween mà!”

Gần cuối tháng 10, khi tiết trời thay đổi, hơi lạnh và có mưa, cỡ 7 giờ là trời tối rồi, lái xe freeway thì không thấy chi lạ, nhưng vào các khu dân cư khi người ta trang hoàng cho Halloween thì cảnh vật khác hẳn. Và nói chi thì nói, tôi vẫn thấy sợ nhất là hình trang trí làm bằng vải mùng màu trắng, cái đầu lâu và mấy bàn tay bàn chân xương xẩu phe phẩy!!!

Buổi chiều hôm lễ Halloween năm đó, chúng tôi ra khỏi lớp sớm hơn lệ thường, chị Lê dặn, “Nhớ dẫn cho hai đứa nhỏ đi xin kẹo cả tội.”

Sáng hôm sau đi học lại, chị Lê hỏi, “Hồi hôm, hai đứa nhỏ xin có được nhiều kẹo không?”

-“Dạ không! Em không có dẫn tụi nó đi xin kẹo. Với lại tụi nó cũng không có đồ hoá trang.” Tôi nói. “Chị nghĩ mà coi, em mới qua Mỹ có 3 tháng, tiền bạc không có, tiếng Mỹ không rành, lại không hề đi ra ngoài ban đêm, sợ lạc đường, đó là chưa kể, “Tự nhiên tới gõ cửa nhà người lạ, kỳ chết, lỡ họ la thì sao?” Cho nên ba mẹ con chỉ ở nhà thôi."

Đến năm sau, 2002 khi tôi lấy chồng lại, thì hai đứa nhỏ mới thực sự biết về lễ Halloween.

Tôi hỏi, “Hai đứa con muốn hoá trang thành nhân vật chi?”

“Sa muốn làm mụ phù thuỷ trong chuyện Công chúa Bạch Tuyết.”

“Mụ Phù thuỷ xấu òm, Vy chỉ muốn làm cô công chúa Bạch Tuyết thôi.”

"Dễ òm! Tưởng mô muốn hoá trang thành người ngoài hành tinh mới khó, chơ phù thuỷ với công chúa là “chuyện nhỏ!” Tôi nghĩ thầm.

"Bộ đồ hoá trang, mặc đúng một lần rồi thôi, chứ chắc chi sang năm còn mặc vừa? Bỏ ra 15, 20 đồng bạc mua cứ thấy “xót xa” tiếc tiền quá!!! Phải nghĩ ra cách chi ít tốn tiền mới được! Mình đúng là mụ Hom!”

Để coi, Mụ phù thuỷ phải có cái mũ nhọn hoắt, cái áo khoác màu đen, và cái chổi để…bay!

Nghĩ là làm, hôm sau trong lúc rảnh rỗi, tôi hỏi chị bạn là thợ tóc, làm chung tiệm. “Chị cho em mượn cái áo choàng màu đen (áo phủ ngoài khi cắt tóc cho khách, để khỏi bị dính tóc vào áo quần) cho con bé lớn mặc Halloween được không?”

“Được chơ, để chị lấy cái áo mới cho cháu mượn cả tội.” Chị vui vẻ giúp.

Cái "chổi Rành” quét ngoài vườn đã cùn, tôi dặn ông chồng ghé chợ mua cái mới, lễ xong mình dùng, không có lãng phí đi đâu mà sợ. Còn cái mũ nhọn hoắc thì tới Goodwill, cửa hàng chuyên bán đồ cũ. Vậy là xong phần hoá trang cho một đứa.

Cô công chúa Bạch Tuyết thì phải có áo đầm dài xoè, đầu đội vương miện, và tay cầm chiếc đũa thần. Lấy đâu ra đây?

May sao khi tới Goodwill, tôi tìm thấy cái áo đầm đang còn trong bao mới toanh, vừa bé Vy. Người ta cũng có bán riêng vương miện và chiếc đũa “thần” có ngôi sao trên đầu! Coi như xong đứa thứ hai.

Giờ chỉ còn đợi tới ngày Halloween để đi xin kẹo!

À quên, tôi còn phải mua mấy bao kẹo để cho bọn trẻ con tới nhà mình xin nữa chứ!

 

 . . .

Ở tiệm tôi làm, thứ Tư hôm trước lễ Halloween, chị chủ tiệm người Hoa tổ chức thi hoá trang, coi bộ đồ ai mặc đẹp nhất, thông qua sự bình chọn của khách hàng. Trong tiệm lúc đó có một cô người Mễ, một cô châu Phi, một cô Mỹ trắng, một cô Ấn độ, một cô người Hoa, và tôi người Việt nam, và mỗi người đem theo một món ăn để góp lại ăn chung, gọi là “Potluck”.

Cô người Mễ mặc bộ váy truyền thống, gồm có áo ngắn hở rún, cổ rộng ra tới hai bờ vai, có bèo và dây thun. Váy rất rộng, xếp nhiều ly, hoa văn sặc sỡ, vàng đỏ, trắng xanh, tay đeo nhiều vòng, mỗi lần cô ấy đi, ngúng nguẩy hai mông là cái váy bay qua bay về, vòng kêu lẻng xẻng, rất sống động. Cô đem theo món đậu nấu với Cheese, ăn kèm với Chips.

Cô người châu Phi cũng không kém, cô mặc bộ váy của thổ dân, mà theo lời cô, thì cô là một công chúa. Bộ váy màu xanh lục đậm, bên trong là cái áo đầm dài tới gót chân, bên ngoài có áo khoác ngắn tay phồng, trên đầu quấn tấm khăn cao lên, cũng giống như áo đầm. Cổ đeo nhiều vòng rất lạ mắt. Cô này lo đồ uống, nên không thấy nấu nướng gì cả.

Cô người Mỹ trắng hoá trang giống tượng nữ thần tự do, trên đầu đội vương miện, tay cầm ngọn đuốc bằng giấy. Món ăn cô đóng góp là pizza.

Cô người Ấn độ thì mặc bộ váy màu xanh trời đậm, lóng la lóng lánh đủ hột bé xíu gắn trên áo. Khoác bên vai là cái khăn choàng bằng voan cùng màu. Mà tôi để ý, cả 3 cô Mễ, Phi và Ấn cả ba bộ trang phục của họ đều có áo ngắn hở rún! Khác với áo dài Việt nam là hở eo! Cô Ấn độ đeo nhiều nữ trang bằng vàng, tôi đoán là vàng thật vì cô ấy kể, người Ấn độ rất mê vàng. Cô ấy nấu món cà ri gà, trông rất hấp dẫn, thơm lừng cả tiệm.

Cô người Hoa mặc áo sườn sám. Xẻ khá cao một bên đùi trái. Cô vấn tóc lên, gài một cái trâm, rất sang. Tôi hỏi, “Chị nấu món gì vậy?” Thì cô ấy cười, “Không có giờ nấu, mình chỉ mua con Vịt quay, ai ăn được thì ăn.”

Còn tôi, không nói, chắc ai cũng biết tôi mặc cái gì rồi! Tôi mặc bộ áo dài màu đen đem qua đây từ Việt nam, chứ ở đây may mắc lắm, nghe đâu cũng 200, 300 đồng một bộ vì tiền công khá đắt. Tóc dài, nên tôi chỉ vấn lên cao, rồi đội khăn vành lên (cũng đem từ Việt nam qua luôn). Tôi làm món cơm chiên thập cẩm vì tôi biết ai cũng thích món này.

Cứ mỗi lần khách vào, chúng tôi yêu cầu họ chọn ai là được mặc đẹp nhất, bằng cách viết tên và bỏ vào cái bình hoa.

Đến 4 giờ thì tôi chịu không nỗi nữa, phải thay áo dài vì vướng víu, khó làm việc, lại thêm cái cổ áo hơi cao, cứ “xiết” cái cổ lại, khó thở quá! Chị chủ tiệm la quá trời, “Sao thay vậy? Bầu chưa xong mà?”

Khoảng 5 giờ thì chúng tôi kiểm phiếu, cô người Mễ đoạt giải, tôi đoán là vì phần lớn khách của tiệm là người Mễ, nên họ ủng hộ cho cô ấy chăng? Chứ theo tôi, thì cô người châu Phi là đẹp và lạ hơn cả.

Thứ Năm là ngày lễ Halloween, 31 tháng 10 năm 2002. Mới 4 giờ chiều mà hai đứa nhỏ, lúc đó đang học lớp 6 và lớp 4, đã về nhà, cứ gọi phone nhắc “Mẹ nhớ về sớm để đi xin kẹo!” Ông chồng tôi lúc đó đang bị thất nghiệp, nên ở nhà, “Thì nếu mẹ có khách trễ, daddy dẫn tụi con đi cũng được mà!” Tôi dặn hờ, lỡ khách vô trễ. Nhưng hình như chiều lễ Halloween ế hơn thường ngày, vì ai cũng lo về dẫn con đi xin kẹo, hoặc người ta sợ ma quỷ ngoài đường cũng nên! Lúc tôi về nhà, trời vẫn còn sáng, nhưng đã thấy nhiều trẻ con mặc đồ hoá trang rất vui mắt ở ngoài đường! Khác hẳn với ngày thường, đường xóm thường vắng hoe, thì hôm nay, đông đúc.

“Tụi Sa thay đồ rồi, đi chừ thôi, cả hết kẹo răng?” Sa nói.

“Nhưng tụi con đựng kẹo chỗ mô?” Chồng tôi hỏi.

“Ơ! Quên mua cái xách đựng kẹo rồi, bắt đền mẹ đó.” Vy bắt đầu mếu máo, sợ không có bao đựng kẹo thì không được đi.

“Đừng lo, lấy mấy bao gối cũng được. Mấy bao gối còn chắc hơn mấy cái giỏ mua ngoài chợ đó chơ!” Tôi nói.

Ông chồng tôi bảo, “Giờ tôi dẫn cho hai đứa đi xin kẹo nội trong xóm gần nhà mình thôi, đi một vòng thì quay lại. Bà ở nhà, nhớ vặn ngọn đèn trước cửa lên, vì đó là tín hiệu cho bọn nhỏ biết để vào xin kẹo. Nhà nào không vặn đèn lên, nghĩa là không có cho kẹo, khỏi vào mất công. Sau đó thì về nhà cất bớt kẹo, rồi bà cùng đi luôn cho vui, và trước khi đi nhớ tắt đèn. Tụi nó bắt đầu đi xin rồi đó.”

  Quả thật như lời ông chồng tôi đoán, chuông trước nhà reng liên tục. Hồi đó, nhà có con chó nhỏ lông xù, tên Charlie, thấy người lạ, nó sủa vang! Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy nhiều bộ đồ hoá trang như vậy. Có em bé đang nằm trong xe cũng được cha mẹ hoá trang thành sâu róm, cũng có cậu bé hoá trang thành Albert Einstein, rất ít người hoá trang thành ma quỷ! Hầu hết các bé gái hoá trang thành công chúa, thú vật như bươm bướm, chuồn chuồn, bé trai thì theo các nhân vật trong phim hoạt hình như SpongeBop, hay phim Harry potter, Star Wars, siêu nhân, người dơi…

  Các em nhỏ xin kẹo, thì tôi để cho chúng muốn lấy mấy tuỳ thích, vì bàn tay tụi nó nhỏ, với lại tôi nghĩ bọn nó muốn được tự lấy kẹo. Riêng các em cỡ 12, 13 trở lên, thì tôi lấy vài cái rồi đưa cho chúng, bởi lẽ, có một lần, một nhóm 3 thằng bé, cao hơn tôi, đưa cả 3 bàn tay vào chậu đựng kẹo, khi tụi nó rút tay ra, cái chậu gần như trống không!!!

  Trời bắt đầu mưa và lạnh, tôi nói, “Sa Vy mặc áo mưa vô, với áo ấm nữa, cả đau chừ!”

“Mặc áo mưa thì ai mà thấy đồ hoá trang để cho kẹo?” Sa nói.

“Chạy xin kẹo, nóng lắm, mà mẹ cứ lo lạnh.” Vy cãi.

Khi ba cha con trở về để đón tôi đi xin kẹo vòng 2, thì hai bao gối kẹo đã được chừng 1/4 bao, khá là nặng. “Đổ kẹo trên bàn, hồi về rồi đếm, chơ tha chi cho nặng, mỏi tay lắm.” Chồng tôi bày.

Ổng còn nói, “Muốn xin được nhiều kẹo, phải có kế hoạch trước. Cha mẹ dẫn bọn nhỏ tới trước nhà, để tụi nhỏ vào xin, trong lúc đó, cha mẹ cứ đi tiếp qua nhà thứ hai. Có như vậy, bọn nhỏ mới lo chạy theo để xin nhà thứ hai, thứ ba, thứ tư… Không mất thì giờ.”

Đến khoảng 8 giờ thì chúng tôi về lại nhà. Kẹo đổ ra đầy bàn, đủ loại, đủ màu, có cả đồ chơi bằng nhựa nữa.

“Chưa khi mô Sa thấy nhà mình có nhiều kẹo như ri mẹ hí?” Sa nói.

Hai đứa nhỏ rất vui, hãnh diện vì đã xin được nhiều kẹo, giống như một kỳ tích! Trông chúng hỷ hả lắm! Tôi cũng vậy!

Halloween vui được mấy năm, thì hai đứa con gái không muốn đi xin kẹo nữa vì “Lớn rồi, ai lại đi xin kẹo!” Tôi nhớ đó là lúc tụi nó lên trung học.

Thấm thoát cũng đã 17 năm rồi! Cứ mỗi lần tháng 10 về, nhìn nhà hàng xóm trang hoàng thì tôi lại nhớ như in cảm giác sợ Ma của những ngày mới tới. Và nhớ hai đứa con gái, cứ ước chi tụi nó cứ nhỏ hoài, để mình lại dẫn đi xin kẹo.

Happy Halloween!

Austin, Texas 10/2018

Minh Nguyệt Graves.

Ý kiến bạn đọc
28/10/201822:03:54
Khách
Lần đầu tiên đi đến haunted house ở Disneyland Như Ý sợ đến điến người! Cái bệnh sợ mà bắt nguồn từ Việt Nam do đầu óc nhiều trí tưởng tượng. Thế nên NY không có celebrate Halloween. Có đi chăng là dẫn các cháu đi xin kẹo hồi nhỏ. Với các con, như tác giả, mình chỉ Ẹnjoy với các cháu lúc còn nhỏ . Đến tuổi trưởng thành rồi các cháu không còn muốn đi đâu với mẹ nữa. Cũng may NY có nói từ lâu dẫu bận rộn cách mấy cũng ráng dành một buổi chiều thứ Sáu dùng cơm chiều chung với gia đình.

Cám ơn tác giả cho NY gợi lại những kỷ niệm đẹp của những mùa Halloween năm xưa. Viết đến đây mình mới nghĩ đến thời gian qua đi thật nhanh quá.! Happy Halloween 👻🙂
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,656,482
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng 12.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của tác giả viết về mùa giáng sinh.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết mới của bà được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ hai của bà
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm mợt bài viết mới cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Lần trước, là cửa hàng bi da. Bài mới, làm Shop May Công Nghiệp, thêm phần mở trung tâm giải trí.