Hôm nay,  

Tuổi Già Té Ngã

27/10/201800:00:00(Xem: 15638)
Người viết: Nguyễn Viết Tân

Bài số 5531-20-31338-vb7102788

 
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
 
Loi co

Ông Tân té loi cổ, nhưng ổng viết: Gặp xui mà cũng có  cái hên. “Từ rày về sau, khi vợ gọi, tôi chỉ cần dạ mà không cần khoanh tay cúi đầu như xưa.”
 
***
 

Người xưa có câu: "Bảy mươi chưa què, chớ khoe rằng lành".

Biết được khi đến tuổi sáu mươi thì sự nhanh nhạy, giữ cân bằng cho cơ thể dần dần kém đi, dễ bị té ngã nên tuy làm nghề xây nhà nhưng tôi không dám trèo leo như trước kia nữa, mà lên xuống thang cũng phải tránh, nếu không cần thiết thì không dùng đến nó.

Rồi tôi nghỉ hưu sớm năm 62 tuổi, chỉ quanh quẩn ở nhà, làm vườn chút chút chơi. Thế mà cách đây 3 hôm, không biết -ma đưa lối quỉ dẫn đường- hay sao mà tôi lại trèo tót lên cái thang dựng sau vườn, trượt chân té lộn đầu xuống đất, tưởng chết luôn mà trong nhà không ai biết, vì lúc đó mới 7g sáng.

Tôi thường ra vườn sau nhà lúc sáng sớm, vận động cho giãn gân cốt chút đỉnh, tưới rau, nhổ cỏ...thấy giàn thanh long chín đỏ nhiều quá nên vô nhà lấy dao và cái giỏ lớn ra cắt được chừng hơn 40 trái. Giỏ nặng quá chắc mình xách không nổi nên tôi đem dao vô cất, tính lát nữa kêu con trai ra mang vào nhà rồi kêu nó đóng thùng gửi cho mấy đứa cháu ở Seattle ăn lấy thảo.

Lúc trở ra vườn, tôi thấy cái thang dựng sẵn ở đó vì hôm trước có người bạn đến chơi đã trèo lên hái mận, bèn leo lên nhìn thì thấy ngọn thanh long nhà mình chồm qua hàng xóm trái chín đỏ rực, mà ông hàng xóm Mễ này lại không biết ăn nên chẳng có năm nào hái cả, cứ để cho chim chuột ăn mà thôi.

Đã dợm bước xuống rồi, nhưng "vì 1 phút bồng bột... của tuổi già" tôi leo lên đứng trên bức tường cao 6 ft. Chưa bước đi được bước nào thì tôi trượt chân té ngửa ra, đầu lộn xuống đất, thân hình nặng gần 1 tạ của tôi rớt xuống cái bịch như 1 bao gạo.

Đầu tôi trúng vô cái chậu kiểng bằng nhựa đen nên nó gập về phía ngực, lưng phía gần cổ chạm đất trước chịu toàn bộ sức nặng của thân thể.

Tôi lịm đi trong mấy phút rồi tỉnh hồn, 2 chân vẫn còn vướng trên thang, đầu chúi xuống đất.

Nhìn ra chung quanh tôi nhận ra lớp lá cây rất dầy vì trước đây mấy ngày, cơn gió giật Santa Ana Wind đã vặt sạch lá cây trong vườn mà dồn vào đây.

Hôm gió lớn thổi về giật đùng đùng làm trái cây trong vườn rơi rụng hết, ai cũng nghĩ rằng sui, nhưng nhờ gió đó làm lá rụng nhiều, tạo nên một tấm thảm, làm bớt đi khá nhiều những chấn thương, những trầy xước cho tấm thân mỹ miều của tôi

Hoặc giả không bị ngã, tôi còn sức khỏe lại hứng sảng đi đâu đó hay làm những điều khác nữa, sẽ có những hậu quả tai hại hơn không chừng.

Đúng là như câu chuyện: "Tái ông thất mã".

Nằm một hồi tôi lại nghĩ nếu mình cứ nằm như vầy chờ chết thì sẽ không biết bao lâu mới đi đứt, bao lâu kiến mới bu vào môi, mắt... Và buổi chiều khi vợ con đi làm về không thấy tôi, xe vẫn đậu trước nhà, ra sân sau tìm thì lúc đó thân xác đã cứng đơ rồi.

Lúc 2 cánh tay nhúc nhích được, tôi rờ xem chân tay có gẫy chỗ nào không, rồi trườn qua chỗ khác ráng sức ngồi dậy. Khi tôi mò vào đến nhà kêu con nói cho biết tôi vừa bị té. Nó tính gọi Ambulance ngay thì tôi cản, thấy chắc không trầm trọng nên kêu nó thay quần áo cho tôi mà chở đến Trung tâm Y tế Bolsa, vì tôi biết chắc nơi đó có máy Xray, mà tôi cũng đã chụp nhiều lần rồi, chứ chở tới bệnh viện nó cho ngồi chờ lâu có mà chết..

Tới Bolsa Medical thì mới 8g sáng, tôi ghi tên rồi nói lý do thì 9g Bác sĩ gọi vào. Ổng sờ soạng một hồi rồi nói máy Xray ở đây chỉ chụp phổi và mấy cái lặt vặt, chứ chấn thương xương cốt như vầy thì phải vào bệnh viện hay là nơi Trung tâm của BS Micheal Đào.


Tôi lấy giấy giới thiệu qua Trung Tâm gần đó chụp thì lại đợi nữa, mà khi chụp phải nằm ngửa, rồi xoay qua nằm nghiêng đau quá.

Chụp xong cô Technician nói cứ về, Bác sĩ sẽ gọi lại cho biết kết quả.

Qua ngày hôm sau chẳng thấy ai bảo gì mà độ đau càng lúc càng tăng, tôi gọi ra phòng khám thì không được gặp BS, còn mấy cô y tá cứ nói mờ ớ là chưa nhận được kết quả, gọi qua bên kia thì họ nói gửi rồi! Lo và bực mình nhưng không biết nói sao.

Hôm sau tôi đành đến gặp Bác sĩ.

Xe chở trên đường bằng phẳng, nhưng chỉ một cú xóc nhỏ cũng làm tôi thốn lên tận óc.

Sau khi xem xét phim chụp, ổng nói không bị gẫy hay rạn nứt nơi đâu cả, chỉ bị thụn khớp xương cổ, xương sống và bong gân.

Tôi kêu đau không ngủ được nên ông cho 2 loại thuốc có chất narcotic nặng đô. Phải cầm toa ra nhà thuốc tây chứ không gửi mua trên net như thuốc bình thường. Người ta còn kiểm tra kỹ lưỡng bằng lái 2 lần do 2 người khác nhau, rồi mới bán, mà về uống cũng không thấy si-nhê gì, vẫn đau như cũ.

Nhớ lại từ rất lâu, có một  Bác sĩnói rằng chắc cơ thể tôi không hấp thụ được thuốc nên dù cho tôi uống thuốc gì cũng cứ trơ trơ ra. Từ đó gần 40 năm qua tôi không thèm uống thuốc nữa vì thấy nó vô ích và tốn thêm tiền.

Mấy năm gần đây, BS và con cái trong nhà hù tôi dữ lắm, nói cao máu, cao mỡ, cao đường... thế mà không uống thuốc thì dễ bị stroke nằm ngay đơ cán cuốc, sống ngắc ngoải mà muốn chết đi cũng không xong... Tôi hơi roót nên đành uống mấy loại thuốc đó cho cả nhà bớt lo.

Khi tôi bị tai nạn rồi thì anh Trần Quốc Sỹ mới nói có người em họ, cũng trèo thang để cắt cành cây palm, mất thăng bằng té xuống đất, ra cả máu mũi lẫn máu tai, chở đi nhà thương nằm mê man tới 16 ngày mới lai tỉnh.

Trong mấy ngày nay, bạn bè anh em khắp nơi cũng quan tâm về sức khoẻ của tôi mà hỏi han nhiều làm tôi cảm động lắm.

Mỗi khi gặp khó khăn hay tai nạn nào đó, người ta hay an ủi nhau bằng những lời tích cực:

-Nhà nghèo mà lại đông con, được khuyến khích: "Một con một của bằng nhau".

- Bị trộm cướp mất của thì: "Của đi thay người".

-Thậm chí đến hình hàì được cha mẹ sinh ra không xinh tươi bằng người khác. Có buồn lòng cũng được dạy là: "Cái nết đánh chết cái đẹp"...

Cô Hường, cô Hoa, cô Huyền, cha Phước còn nói tôi "hiền lành" nên có Thiên Thần đỡ cho chứ té dộng đầu xuống đất, đít nhỏng lên trời vậy mà không gẫy cổ thì là chuyện lạ.

Trước đây Mẹ tôi đã ngã hai lần trong phòng tắm, lần nào cũng nằm bệnh cả năm. Rồi chị Hai tôi té lúc từ nhà trên bước xuống nhà bếp; anh Ba tông thẳng vô cánh cửa lúc đuổi bắt gà đãi khách; chú Chung Mốc sửa mái nhà rớt xuống nứt bàng quang... thế thì cái kinh nghiệm trong gia đình đã làm tôi cẩn thận lắm, nhưng xui rủi không biết xẩy ra lúc nào.

Chỉ một nhấp nháy thôi, bị té ngã, có thể làm cuộc đời chúng ta thay đổi rất lớn, thí dụ hôm vừa rồi mà cái cổ tôi gẫy thì thiệt là một điều thê thảm, sẽ không cử động được chân tay mà đầu óc vẫn tỉnh táo thì còn khổ hơn người bị stroke óc đã chết, sống đời thực vật.

Bởi vậy, những ai qua tuổi 60, phải cẩn thận tối đa vì nếu ở tuổi già bị gẫy xương thì rất lâu lành. Mà khi xương gẫy, trật khớp không thể trở mình thường xuyên được, thì lâu ngày chầy tháng da thịt rất dễ bị hoại tử, ban đầu nhỏ cỡ đồng bạc cắc loang ra mỗi ngày một lớn coi kinh khủng lắm.

Bây giờ cổ thì đau thật nhưng đầu vẫn vui, tôi viết ra đây coi như lời nhắc các bạn già về sự cẩn thận trong khi làm những điều mà sức khỏe của mình không cho phép nữa. Biết đâu qua kinh nghiệm này sẽ có người tránh được rủi ro. Đó là cái may cho mọi người và cái phước cho tôi vậy.

Cái cổ tôi bây giờ cứng đơ, không xoay chuyển được; nằm xuống bò lên nếu không có người giúp sức thì đau kinh hồn luôn.

Thôi, phen này gặp xui mà cũng có cái hên: Từ rày về sau, khi vợ gọi, tôi chỉ cần dạ mà không cần khoanh tay cúi đầu như xưa.

Nguyễn Viết Tân

Ý kiến bạn đọc
08/06/202121:03:37
Khách
bai viet hay
02/11/201801:14:15
Khách
Tác giả kể chuyện thật dí dỏm, có duyên. Chúc anh mau lành bệnh để viết thêm được nhiều nữa nhé. Chờ đọc thêm bài của anh!
30/10/201800:14:33
Khách
BS. Vũ Thanh Vân không có đi Mỹ năm 75 đâu anh Tân ơi. Bác sĩ Mía ở trên đảo Bi Đông thường hay tới chỗ tôi chơi năm 1979. Ở trên đảo ông ta có cô đào rất xinh đẹp, nước da ngâm bánh mật. Trong cuộc đời tôi, chị là một trong những người phụ nữ rất đẹp mà tôi được biết. Chị ít nói, hay mỉm cười, ai ai cũng mến.
Vậy mà chị bị ông chê vì quá…hiền. Tôi còn nhớ đến giờ, chị khóc đến ngất luôn.
PS. "một người đạo đức toát cả lên gương mặt" sao nghe tả giống...tui quá dzậy anh.
29/10/201814:52:57
Khách
Cám ơn tất cả bạn hữu.
Tuy là có rất nhiều người có ý nghĩ vui là tôi trèo tường để nhìn bà hàng xóm Mễ nên bị té lộn lèo, may mà không chết.
Thực là oan ơi ông địa, vì một người đạo đức toát cả lên gương mặt như tôi, mà lại đi nhòm đàn bà tắm hay sao?
Hồi còn thanh niên, cũng có lần bất chợt nhìn thấy mấy bà mấy cô tắm, tôi thường nhắm tịt mắt lại và quay đi chỗ khác, đến nỗi có lần lủi cả vào bụi tre gai đó.

Hôm qua anh chị tôi tới thăm, kể chuyện 1 người bạn là BS Vũ Thanh Vân, ở nhà thường gọi là Bác sĩ Mía. Anh là BS Quân Y của LĐ6/ BĐQ qua Mỹ năm 1975 học lại và hành nghề từ lâu. Ngoài ra anh còn là thầy dậy võ.
Tướng anh cao lớn vạm vỡ, da ngăm đen coi rất khoẻ mạnh.
Nhớ hồi tôi qua Mỹ năm 1981, nghe nói anh đi với tướng Wang Pao trở về Lào chiến đấu tôi rất nể phục.
Thế mà vài hôm trước, anh ra bể bơi tắm một mình, và ra đi một mình khi mới 70 tuổi.
Tang lễ sẽ cử hành vào thứ Bảy cuối tuần này tại Peek Funeral lúc 11AM.
29/10/201813:57:47
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Bác Tân
Hôm rồi tôi cũng trèo lên thang để rửa cái vách bằng vinyl cho sạch mốc xanh. Bà xã tôi nói cái ông này sao không mướn anh chàng chuyên môn rửa vách.
Tôi bèn trả lời năm xưa mướn rồi chứ đâu phải không mướn nhưng khi rửa xong thì anh thấy không hài lòng nên năm nay mới tự rửa đó chứ.
Bà xã tôi sợ tôi bị té nên cứ đứng đằng sau tay để lên lưng tôi để có gì thì đỡ cho tôi khỏi té.
Tôi nói mấy lần nếu anh bị té mà em đứng phía sau anh đè lên em em làm sao kêu 911 mãi bà ta mới nghe ra.
Đọc bài của bác tôi mới hú hồn.Cám ơn bác nhé.Thăm bác khỏe.Trân trọng
29/10/201805:33:03
Khách
Chào anh Tân. Nghe anh bị tai nạn rất buồn. Xin chúc anh mau bình phục .
Kể anh nghe câu chuyện một ông hàng xóm (cũng có một cái thang như anh vậy) , rồi vì leo thang (chẳng biết để làm gì) nên cũng bị té trặc chân. Anh đọc rùi cười cho mau hết bệnh nhé.
Nhà hàng xóm mới dọn đến có cô vợ rất đẹp. Hai vợ chồng trẻ nên tình cảm nồng nàn lắm. Bà vợ bên này chắc cũng nhiều phen chứng kiến...
Một hôm bà chỉ qua nhà hàng xóm mà phân bì với ông chồng " Ông nhìn người ta kìa, sáng nào đi làm anh ta cũng hôn cô ta không sót bữa nào. Sao ông không bắt chước anh ta chứ? "
Ông chồng trả lời vẻ tiếc nuối " Bà không biết, tui cũng muốn lắm chứ nhưng sợ thằng chả không chịu"
Rồi hôm sau ổng trèo thang té trặc chân...
28/10/201804:32:35
Khách
Bác Tân kể thật đi, hàng xóm có gì hấp dẩn đến nỗi Bác phải trèo tường xem trộm? Thụng xương cổ rồi mà vẫn không bỏ cái tật tiếu lâm! May là tay còn nguyên nên còn viết lách để bạn bè và đọc giả thân thương an ủi cho. Nghe chuyên bác kể, tôi cũng ớn quá, xin thề từ nay bỏ tật leo trèo.
Chúc bác Tân chóng lành bịnh và tiếp tục viết lách như xưa.
CCC
27/10/201817:29:34
Khách
Lâu lắm mới được đọc thêm một bài tếu của bác Tân thì lại là lúc bác bị tai nạn, thôi của đi thay người bác ơi, và nhờ bị đau nên bác gái sẽ nương tay với bác.
Cầu mong bác mau lành để còn tiếp tục vui đời nhá.
Hằng
27/10/201816:11:12
Khách
Tuy "văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình" đã lâu, nay mới kiến kỳ hình thì nhằm lúc anh Tân lại bị quẹo cổ chứ không "quẹo cằm" (welcome), thật là "duyên kỳ...cục" gặp gỡ. Đọc văn của anh, em rất khoái cái hài hước nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nhưng hôm nay nhờ cái phước của anh truyền lại để hậu bối biết đường mà tránh , thật là rất ân hận lẫn hân hạnh. Chúc anh mạnh khỏe thật nhanh. Với tinh thần lạc quan hài hước như anh thì get well soon là chuyện đương nhiên.
27/10/201815:50:09
Khách
Trời ơi…!

Sáng nay Phan nghỉ cuối tuần, không phải đi làm nên mới mò vô trang nhà VVNM để thưởng thức văn chương… Thấy bài mới, thấy hình người mặc áo màu cam nên nghĩ đến tội phạm, nhưng gương mặt (lão) đẹp trai rất thân quen, làm hú hồn hú vía một phen vì bác Tân làm mô nên tội mà mặc áo tù, cổ lại quấn băng giữ xương…
Trước khi đọc bài, Phan lâm râm cầu nguyện cho bác Tân được… trắng án!
Nhờ lòng thành nên Ơn trên đã che chở cho phần xác của bác Tân và tha thứ cho phần hồn của Phan không phải sợ hãi nữa…
Chuyện người già té ngã nguy hiểm thật. Nhưng người trẻ té ngã còn nguy hiểm hơn, phải không bác Tân? Từ nay, Phan sẽ cẩn thận tối đa để giữ thân, giữ mạng.
Cầu chúc cho bác mau lại sức, hết đau nhức, để tiếp tục sống vui vẻ, cống hiến như bác đã sống và cống hiến với bạn hữu, tha nhân…
Sang năm về Quận Cam tháng tám, “Phan lại đứng ở cây cột số 5” trong phi trường John Wayne Airport chờ bác Tân đón… Bác nên bỏ trèo thang chứ đừng bỏ lái xe nha bác Tân…
Kính chúc bác mau bình phục.
Phan
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,252,515
Ngày Thứ Hai 5 tháng 12, 2018 là Ngày Quốc Tang của nước Mỹ để tưởng nhớ vị Tổng Thống thứ 41 George H W Bush. Bài sau đây được viết trong tinh thần tưởng nhớ. Người viết, Bà Nguyễn Kim Nên hiện là Hội Trưởng Hội Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trường Trịnh Hoài Đức - Bình Dương, đang làm việc trong ngành thẩm mỹ tại Houston, Texas. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả, kể về người bạn đời của bà là Ông Nguyễn Duy Huynh, một tị nạn Việt, làm việc tại Houston Club và trở thành người đấm bóp tin cậy của Tổng Thống Bush và gia đình ông.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây, thêm một bài bài mới viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của Phan, viết cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên với nhiều bút hiệu: Capvanto, Philato... Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Bài mới ông góp không phải để dự giải mà chỉ để ghi lại một sinh hoạt đặc biệt của buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngôi trường được mang danh Petrus Ký.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một chuyện tình đẹp.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My năm 2018. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển từ Rạch Giá đến Thái Lan trong tháng Giêng/1987. Đến Mỹ tháng 8/1987 và định cư tại Utah, làm việc cho First Security Bank, Accounting Depart-ment. Đã từng giữ chức vụ Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah trongnhiều nhiệm kỳ. Hiện đã về hưu. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến