Hôm nay,  

Có Một Ngày Để Nhắc

04/12/201800:00:00(Xem: 8767)
Tác giả: Trần Ngọc Ánh

Bài số 5563-20-31369-vb3120418

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.

 
***

 
Có người cả đời không nhớ về ngày sinh của mình, không nhớ một chút gì về quá khứ, họ cứ lầm lũi đi tới tương lai và không bằng lòng cái hiện tại mà mình đang có..Cuộc sống như vậy thật là bất hạnh, bởi vì cuộc sống vốn ngắn ngủi, mà mỗi người chúng ta có bao nhiêu năm tháng để hưởng thụ, để cống hiến cho đời, mỗi phút giây tồn tại cần phải trân trọng , cho dù là hạnh phúc hay khổ đau, sự tồn tại đó cũng có nghĩa là chúng ta còn thở , còn sống

Tôi cứ tâm đắc hoài 2 câu thơ của Kahlil  Gibram

“Cám ơn đời một sớm mai thức dậy

 Cho ta còn ngày nữa để yêu thương”

Cũng như tôi cám ơn ngày hôm nay của tôi, ngày mà tôi đã sinh ra đời cách đây lâu lắm, cái ngày tôi không có quyền lựa chọn sự rủi may của định mệnh, cũng như ao ước được trọn vẹn an lành. “Trời có con mắt”, “Thượng đế luôn công bình”, Má tôi thường nói câu này và tôi tin như vậy,  nên trong suốt nửa đời người thăng trầm trôi nổi, tôi vẫn không phàn nàn về thân phận lêu bêu của mình. Sau cơn mưa trời ít khi vần vũ. Tôi chắc mình sẽ thấy cầu vồng!

Chính sự suy nghĩ có vẽ như mơ màng này lại khiến tôi vững tin trong cuộc sống, có thể đường đi chông chênh nhưng không chùn bước là tốt rồi..

Như buổi sáng hôm nay khi tôi thức dậy, mở mail ra nhận được những lời chúc mừng sinh nhật của  bạn bè, của người thân yêu.. đại loại như là vui vẻ, mạnh khỏe, may mắn , hạnh phúc..Chỉ cần thế là thấy lời chúc hiệu nghiệm ngay rồi, tôi thật sự vui khi thấy mình may mắn có nhiều bạn bè còn nhớ đến ngày riêng của mình giữa bao bận rộn trong cuộc sống của chính họ, vẫn còn dành một phút giây nào đó nhắc đến tên tôi.

Ở Mỹ, người ta có một ngày Thanksgiving để tạ ơn đất nước, con người, tạ ơn cuộc sống, tạ ơn nhau dù chỉ là những vặt vảnh đời thường. Riêng tôi thì tôi chọn ngày sinh của mình để tạ ơn... đủ thứ.

Tạ ơn Ba Má Năm đã sinh ra tôi một hình hài không khuyết tật, tạ ơn Ba Má Sáu đã chăm sóc nuôi dạy tôi bằng cả một tấm lòng phụ mẫu trong suốt hai mươi năm no cơm ấm áo, mà không bao giờ đòi hỏi thù lao, để tôi cứ nặng lòng chưa có một ngày “ơn đền nghĩa trả” cho phải  đạo thánh hiền thì người đã qua đời trong cô đơn nghèo khổ..

Tạ ơn thành phố nhỏ, ngôi trường xưa đã cho tôi một tuổi thơ êm ả hồn nhiên, là nơi chốn bình yên nhất để tôi  ươm mầm cho những ước mơ tươi đẹp của cả đời người, quê hương là nơi để nhớ để thương , để tôi tạ ơn nắm đất chôn nhao của mình trong một góc khuất ở đâu đó SócTrăng.

Tạ ơn Thầy Cô, người lái đò thầm lặng, quanh năm miệt mài chuyên chở kiến thức tặng lũ học trò mà không ngại sớm nắng chiều mưa, để chắp cánh cho niềm tin và hy vọng tương lai, dù sự thật đôi khi nghiệt ngã.. đời không như là mơ nên trò chẳng ra trò..

Tạ ơn người đã cho tôi một khoảng đời thắm nồng hạnh phúc, tạ ơn chồng con đã chia xẻ nổi buồn , nhân đôi niềm vui , để ngôi nhà lúc nào cũng ấm áp …Tạ ơn cuộc sống bình yên, áo cơm thong thả. Tạ ơn tíếng nói cười hôm qua hôm kia của bạn bè còn có nhau .

 Tạ ơn cái vẫy tay chào của người hàng xóm thân thiện, tạ ơn một khoảnh khắc dịu êm của buổi sáng đầu ngày, tạ ơn một mảnh trăng non  xuyên qua cửa sổ cho tôi giấc ngũ thanh thản đêm hè..

Tạ ơn con cá vàng quẩy đuôi trong hồ sen để nhắc tôi một thời trẻ nhỏ trong câu chuyện cổ tích có nàng tiên cá,có

ông Bụt và cô Tấm với “bống bống bang bang..”

Tạ ơn lũ chim sâu ríu rít trong bụi trúc đào cho một ngày mới đầy sôi động, tạ ơn vạt nắng bên thềm mang sinh khí đất trời rộn rả… “tạ ơn ai đã cho tôi cuộc sống này”Hình như một bản nhạc nào đó đã có lời như vậy!Tôi nghêu ngao để tưởng niệm ngày hôm qua của tôi, để thấy sự hồi sinh trên vùng đất mới là một quà tặng  tuyệt vời mà tôi có nằm mơ cũng không nghĩ tới.


Có rất nhiều bài viết về “ sự tích” của ngày Thanksgiving trên đất Mỹ mà tôi không thể nhớ hết, nhưng có điều dễ thấy nhất là ngày này ai cũng muốn mở tấm lòng ra để đối xử tử tế với nhau, bà con hàng xóm, gia đình bè bạn họp mặt để ăn uống vui chơi, các cửa hàng thì đồng loạt treo bảng giảm giá 50% kéo theo làn sóng người đi mua sắm náo nhiệt. Các công ty ngày này tăng doanh thu thấy rõ.

 Đây là nét văn hóa hào phóng của nước Mỹ, nó khác hẳn với Việt Nam của tôi, chỉ chờ thời cơ Lễ Tết để tăng giá vùn vụt, chưa kể hàng giả hàng dõm nhân dịp này tuồn vào thị trường để làm khổ người tiêu dùng. Không biết bao giờ mình mới có ngày Lễ Tạ Ơn đúng ý nghĩa như bên Mỹ,  bắt chước cái hay của người cũng tốt chứ sao .

Tạ ơn ai đó đâu hẳn phải mang ơn họ lớn lao rồi mới nhớ, nhiều khi chỉ là những điều rất nhỏ nhặt, rất bình thường.

Hồi mới qua đây, vô siêu thị lớ ngớ không biết chọn mua những món hàng cần dùng vì ghi toàn tiếng Mỹ, có cô bạn đi cùng chỉ dẫn tận tình, rành rọt làm nhớ hoài, Đôi khi phải cám ơn thằng nhóc mới quen trong thư viện khi nó dạy mình cách xử dụng một chương trình trên computer, nhờ vậy mà biết tới bây giờ..Cám ơn cả những “góp ý sửa lưng” của ai đó đã giúp mình tiến bộ hơn dù đó là lời nói không khéo, khó nghe. Thường thì người ta cám ơn kẻ dữ chớ ít ai nhận ra sự tích cực của lời khuyên răn nhỏ nhẹ.  Trên đường đời còn biết bao nhiêu điều phải mang ơn kẻ khác. Sự cho đi và nhận lại thì cứ xoay vòng  theo nhơn nghĩa. Lời cám ơn mãi mãi vẫn không đủ vào đâu.

Tôi biết có bà cụ tuổi ngoài 80, năm nào bà cũng chọn ngày sinh nhật là ngày cả nhà bà đặt chân đến nước Mỹ sống sót bình yên. Đó cũng là một cách nghĩ, cách làm để tạ ơn quê hương thứ hai đã cưu mang gia đình bà. Bà dặn dò các con cháu hãy ghi nhớ ngày ấy như một Thanksgiving đặc biệt của gia đình, để nhắc nhở cả nhà hãy sống sao cho đàng hoàng tử tế trên đất nước nhân ái này .

Mấy ai có được tấm lòng sâu sắc như  bà cụ ấy.

Một ngày của tôi để nhớ về hôm qua không nuối tiếc, lần sinh nhật đầu tiên trong đời với một bầy học trò quỷ sứ xôn xao, để nhận bài thơ tình (cũng đầu tiên) của chàng lãng tử “sinh nhật năm 16, với mây trắng trời xanh, xin đốt từng ngọn nến, thắp sáng lòng em anh” bài thơ ngây ngô , nhưng rất chân tình mà tác giả cứ miệt mài gởi tặng suốt mấy mươi năm (thật lòng cũng có những năm bị mất dấu nhau,) cũng chừng đó câu và mỗi năm lại cộng thêm tuổi vào, dù biết chắc tôi không còn là em của anh như năm xưa nữa, nhưng chàng thơ cứ chăm chỉ gởi card, chăm chỉ nhắn vào phone… “sinh nhật ba mươi chín , với mây trắng trời xanh…, sinh nhật bốn mươi sáu , với mây trắng trời xanh…”

Khi con sáo xổ lồng bay xa qua Mỹ thì anh chàng thơ chắc cũng ..mệt, nên mấy năm rồi vắng bặt tin, để tôi giật mình ngơ ngẩn khi biết mình đã ..già và lật đật tạ ơn tạ lỗi người tình cũ đang ở bên kia nửa vòng trái đất.

Nhà tôi thường chọc: “khi em 32, trông em trẻ chừng 23, khi em 54 , trông giống như còn độ 45..” Nhưng đến hôm nay thì anh ấy không dám chọc nữa, chắc anh ấy sợ tôi buồn! Mà đã sao nào! Già thì phải xấu, thỉnh thoảng mới có người “đẹp lão”, nếu không may mắn “trổ mã” ở tuổi lục tuần thì cũng tự hào là ta sống dai hơn khối lão bà bà khác..Bởi vậy tôi bằng lòng cái mình đang có, hạnh phúc, sức khỏe , sướng quá rồi còn đòi hỏi gì hơn thế nữa?

Và cũng xin cám ơn ngày hôm nay của tôi,  cám ơn chính mình đã sống một cuộc đời ..cũng đáng! Nghĩa là mấy mươi năm qua chưa làm gì hổ thẹn với lòng, con người không ai hoàn hảo, tôi chắc cũng có sai lầm, biết đâu được, phải không? Nhưng mà ... đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì hòn sỏi lọt vô đôi giầy, tại hòn sỏi chắc gì tại tôi? Một chút ngụy biện cuối ngày cho đời thêm màu mè, như miếng bánh kem tô lục chuốt hồng để tôi nuốt chửng niềm vui ngọt lịm của ngày hôm nay.

 
Trần Ngọc Ánh

Ý kiến bạn đọc
05/12/201814:00:30
Khách
Theo tôi nhận xét chữ "thằng nhóc" là chữ nói hàm chứa thân mến chứ không có nghĩa không trân trọng, nó nghĩa dí dỏm. Bài viết rất nhẹ nhàng và đơn giản
05/12/201813:22:16
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào tác giả
Khi tác giả sửa lại thì bài văn này sẽ là một áng văn càng hay hơn nữa nhờ sự trau chuốt sẵn có và người đọc không bị hụt hẫng khi gặp chữ “thằng nhóc.”
Một lần nữa xin cám ơn sự chân thành của tác giả.
Trân trọng
05/12/201806:05:51
Khách
Cám ơn đã nhắc,thằng nhóc là cách gọi thương theo thói quen khi thấy nó chỉ đáng tuổi con cháu mình..nhưng sẽ sửa lại trong bài viết này
cám ơn anh Bình lần nữa
NA
04/12/201821:37:51
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào tác giả
Hình như chữ “thằng nhóc” dùng không đúng lắm vì em bé này chỉ cho tác giả dùng PC mà.
Khi nhắc tới người ơn của mình thì nên trân trọng mới đúng chứ hay đây là lối nói của người Việt ta?
Thăm Cô khỏe.Trân trọng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,685,873
Ngày Thứ Hai 5 tháng 12, 2018 là Ngày Quốc Tang của nước Mỹ để tưởng nhớ vị Tổng Thống thứ 41 George H W Bush. Bài sau đây được viết trong tinh thần tưởng nhớ. Người viết, Bà Nguyễn Kim Nên hiện là Hội Trưởng Hội Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trường Trịnh Hoài Đức - Bình Dương, đang làm việc trong ngành thẩm mỹ tại Houston, Texas. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả, kể về người bạn đời của bà là Ông Nguyễn Duy Huynh, một tị nạn Việt, làm việc tại Houston Club và trở thành người đấm bóp tin cậy của Tổng Thống Bush và gia đình ông.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây, thêm một bài bài mới viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của Phan, viết cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên với nhiều bút hiệu: Capvanto, Philato... Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Bài mới ông góp không phải để dự giải mà chỉ để ghi lại một sinh hoạt đặc biệt của buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngôi trường được mang danh Petrus Ký.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một chuyện tình đẹp.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My năm 2018. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển từ Rạch Giá đến Thái Lan trong tháng Giêng/1987. Đến Mỹ tháng 8/1987 và định cư tại Utah, làm việc cho First Security Bank, Accounting Depart-ment. Đã từng giữ chức vụ Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah trongnhiều nhiệm kỳ. Hiện đã về hưu. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.