Hôm nay,  

Người Tù Và Ánh Sáng Phục Sinh

15/04/202200:00:00(Xem: 3628)

04152022_IMG_2588
Tác giả Vĩnh Chánh nhận Giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm VVNM năm 2019.


Vĩnh Chánh  - Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.

 

*

            

Lần đầu tiên gặp anh, tôi tự nhiên cảm mến anh. Không những vì cách ăn nói giản dị và chân thật, giọng nói của anh chậm rãi mà thỉnh thoảng tôi nghe như anh tự nói cho mình hơn là cho người đối diện, ở anh toát ra một vẻ u uẩn với đôi mắt hằn lên sự chịu đựng, và cặp vai gầy như chĩu nặng nhiều đắng cay.
           
Nhập ngũ vào Thủ Đức sau biến cố Mậu Thân 1968 khi đang theo học năm thứ hai Cao Học Sử Địa tại Văn Khoa Saigon, anh được chọn vào Không Quân, và có lẽ do bản chất yêu thích văn nghệ với sở trường ca hát và đờn địch, anh vào làm việc trong ban Tâm Lý Chiến của Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa, đi từ cấp bậc Chuẩn Úy cho đến Đại Úy. Đầu năm 1975, anh lấy vợ, một nữ quân nhân phục vụ trong phòng Xã Hội cũng tại sư đoàn 3 Không Quân. Vợ chồng anh ở trong trại sĩ quan của đơn vị cho đến ngày mất nước. Khi anh vào tù, chị trở về quê sống với cha mẹ chị gần Cần Thơ.
           
Đầu năm 1976, anh bị phân loại và chuyển từ trại Long Giao ở Miền Nam ra Miền Bắc. Trong những năm ngoài Bắc, anh khá hơn các bạn tù mồ côi, vì được anh thứ nhì ra thăm anh một lần. Anh biết thân phận mình nên cũng chẳng lấy làm buồn tủi. Vài lần về thăm nhà vợ trước và sau khi cưới, nhìn thấy căn nhà xiêu vẹo mái tranh vách lá, nhỏ như cái chòi, không có số địa chỉ, nằm bên cạnh một nhánh sông là nơi cha mẹ vợ anh cùng em gái vợ đang sống nghề chài lưới, anh biết vợ anh không thể có đủ khả năng tài chánh đi thăm nuôi anh ở nơi xa. Mặt khác, gia đình phía bên anh, thuộc loại gia thế có tiếng từ Huế vào đến Nha Trang, ngoại đạo, trước đây đã chống đối chuyện anh lấy vợ vì cho rằng hai gia đình không tương xứng với nhau  - nay hoàn toàn cắt đứt liên lạc với vợ anh sau khi anh đi tù cải tạo. Trong những năm tháng sống cùng cực tại các trại tù ngoài Miền Bắc, Hoàng Liên Sơn (Yên Báy), Nam Hà (Hà Nam Ninh)… anh đã nhiều lần nghĩ đến buông xuôi và ngay cả chuyện tìm cái chết. Nhưng suy nghĩ lại, đành rằng chết là can đảm tuyệt vời nhưng sống, chấp nhận khổ nhục để chờ một ngày tốt đẹp hơn cũng rất can đảm. Anh tâm sự “Chịu khổ nhục mà không rên rỉ cũng đẹp như một cái chết bất khuất”. Anh chấp nhận thời thế xoay vần mà bản thân như một chiếc lá xanh trong hàng triệu chiếc lá xanh khác bị cuốn lốc trong cơn bão dữ.  Tự chấn chỉnh mình, anh chú trọng tìm hiểu các con đường tâm linh khác nhau để từ đó xác định cho mình một hướng đi lạc quan hơn. Một cái nhìn hướng thiện hơn. Một sự cứu vớt cho bản thân trong xác tín niềm tin và hy vọng.
           
Và trong sự chập chờn của đau đớn thể xác và dày vò tinh thần, anh đã tìm thấy Chúa. Thấy hình ảnh Chúa trong sự hy sinh thân thể Ngài cho loài người. Nhìn thấy ánh sáng hy vọng sẽ cứu độ linh hồn anh. Nhất là anh nhận thấy niềm tin yêu phải phát xuất từ ăn năn sám hối và tha thứ. Sám hối cho những lỗi lầm của mình trong quá khứ. Tha Thứ!? Đúng vậy, Chúa dạy mọi người phải yêu thương nhau. Ngay cả với kẻ thù. Nhưng phải chăng trước khi yêu thương nhau, chúng ta hẳn phải nghĩ đến, học tha thứ. Anh phải thử tập tha thứ trước. Tha thứ cho mình để mình lại được tha thứ. Tha thứ cho chính mình trong những va chạm nhỏ lớn khó tránh với các bạn tù bằng cách cầu nguyện, xin Chúa mở lòng anh ra. Tha thứ và cảm thông những kẻ đang giam cầm anh, vì thật ra họ cũng đáng tội nghiệp như các tù nhân của họ, cho dù hai bên cách nhau một hàng rào kẽm gai, anh trong nhà tù nhỏ thì họ trong nhà tù lớn. Có khác gì nhau bao nhiêu!?

Trong sự thanh hóa bản thân, anh thường xuyên cầu nguyện, xin dâng lên Chúa những cực nhọc thể xác, những ngày dài tăm tối vô vọng, những bất hạnh cuộc sống. Xin Chúa cảm hóa anh cho lòng hận thù nơi anh mất dần. Và từ khi anh bắt đầu ngộ được chân lý của tha thứ và tình yêu thương của Chúa, từ con người ngoại đạo, anh mang lòng thành của một người công giáo, dù chưa được rửa tội. Cũng từ đó, anh cảm nhận thánh giá nhẹ dần trên vai mình, những bước chân băng rừng chặt cây, đốn gỗ của anh trở nên dễ dàng hơn, những cơn đói từng dày vò cơ thể yếu đuối của anh giờ chỉ là những thử thách chợt đến chợt đi. Anh đã tìm thấy đức tin.
           
Trong những trại tù anh bước qua, anh nhìn thấy các linh mục tuyên úy, nhưng không có cơ hội tiến đến gần để được dìu dắt trong linh hướng. Tuy nhiên, ở trại tù Nam Hà, anh có cơ duyên thân cận với một bạn tù công giáo, là anh Nguyễn Tất Tiến, lớn hơn anh chừng vài tuổi. Qua một thời gian gắn bó, tin tưởng nhau, anh mới tâm sự và nhờ anh Tiến dạy cho mình giáo lý công giáo căn bản  cùng những kinh đọc hàng ngày. May mắn thay, vào giữa năm 1982, cả anh Tiến lẫn anh được chuyển vào Nam cùng một lúc, và ở sát cạnh nhau tại trại tù Hàm Tân, Phan Thiết. Anh Nguyễn Tất Tiến vẫn tiếp tục chỉ dẫn anh về giáo lý nhưng  rất kín đáo vì trại Hàm Tân có quá nhiều antennes chuyển từ nhiều trại tù về đây. Để chuẩn bị cho việc anh sẽ trở thành tân tòng, anh Tiến chọn sẵn cho anh một tên thánh, là ông thánh Martin De Porres, người thánh đầu tiên da màu của Giáo Hội Công Giáo (thuộc xứ Peru, có cha gốc người Tây Ban Nha và Mẹ có dòng máu lai của nô lệ da đen và dân Inca bản xứ).


Cũng tại trại Hàm Tân này, anh may mắn gặp và làm quen với cha Nguyễn Văn Thanh, một linh mục tuyên úy cũng mới di chuyển từ trại tù ngoài Bắc vào. Sau một thời gian ngắn, anh ngỏ lời xin cha Thanh rửa tội cho anh. Khi được cha Thanh hỏi nguyên nhân anh xin làm phép thanh tẩy, anh trả lời vì anh cảm kích lời rao giảng của Chúa với 10 điều răn, tóm lại chỉ còn 2 điều quan trọng: Kính Chúa trên hết mọi sự, và Yêu Người như yêu mình ta. Và anh tin mình sẽ sống đạo bằng cách cố gắng thực hiện 2 điều răn được tóm tắt như trên – nghe thì đơn giản nhưng khó thực hiện  – nếu không có ơn kêu gọi và qua cầu nguyện. 3 ngày sau khi được cha Thanh chấp nhận, lễ rửa tội cho anh được tổ chức trá hình dưới hình thức một buổi ăn chè trong một đêm giữa tháng 4, 1983, tại trại tù Hàm Tân. Tuy chỉ có 3 người là cha Nguyễn Văn Thanh, anh Nguyễn Tất Tiến bọ đỡ đầu của anh và anh, lễ rửa tội kín đáo này không kém phần long trọng và đầy xúc cảm. Sau khi cha Thanh đọc ngầm các kinh, đến phiên anh trả lời rất nhẹ các câu hỏi của cha, và cuối cùng cha cầm một miếng bông gòn thấm ướt nước xoa lên trán anh, theo thể thức của phép bí tích. Anh đã chính thức trở thành một người Công Giáo. Ngay trong mùa lễ Phục Sinh năm 1983.

Vài tháng sau lần thăm nuôi của mạ anh, tháng 8, 1983, anh được thả khỏi trại tù, về nhà của vợ chồng người anh thứ nhì ở Nha Trang, cũng là nơi thầy mạ anh đang được săn sóc chu đáo trong tuổi già. Không được anh chị chấp thuận cho vợ mình về sống chung với anh tại đây, anh lặn lội nhảy tàu nhiều lần từ Nha Trang đến Cần Thơ để thăm vợ, mang theo chút quà, kể cả chiếc nhẫn cưới mới mua từ tiền trợ cấp của các người anh đã định cư tại Mỹ - như một biểu tượng nối lại tình vợ chồng sau bao năm trắc trở xa nhau. Lần đầu gặp lại vợ, anh quá đau xót nhìn thấy vợ mình tàn tạ dù tuổi đời xấp xỉ 30, với ánh mắt chín mùi thua thiệt, khuôn mặt băn khoăn với nhiều nếp nhăn, lưng còng trĩu nặng với khổ đau, thân thể gầy ốm do thiếu dinh dưỡng. Thỉnh thoảng, anh nghe chị ho, một đôi khi với những cơn ho rũ rượi rang cả ngực – mà chị cho là do ảnh hưởng của các chất hóa học nơi chị làm việc. 

Anh thầm nghĩ so với những gì anh từng trải nghiệm trong trại tù, bao đọa đày thân xác, bao nhẫn tâm chà đạp lên nhân phẩm, bao triền miên đói ăn đói mặc …cũng chẳng thể so được với những sa sút tâm thần và điều kiện vật chất tồi tệ mà vợ anh đã gánh chịu kể từ ngày xa chồng. Mỗi lần gặp được nhau đôi ba ngày – vì vấn đề hộ khẩu chưa được giải quyết - vợ chồng anh khó có một nơi  riêng tư để thầm kín tâm sự, vì trong căn nhà chỉ có độc một cái giường tre nhỏ cho 2 mẹ con chị ngủ chung sau khi đứa em gái rời nhà lấy chồng. Anh có cho chị biết lý do và chi tiết anh trở lại đạo công giáo, ngỏ ý rồi đây anh sẽ hướng dẫn chị vào đạo để cả hai cùng tìm lại niềm tin, hạnh phúc và hy vọng.  

Trở về lại Nha Trang, song song với việc tìm đến nhà thờ Phước Hải gần nhà anh ở, tiện cho chuyện đi lễ và cầu nguyện, anh vừa lo tìm việc làm, vừa quyết chí lo chuyện chạy giấy tờ xin chuyển hộ khẩu về sống chung với vợ. Chuyện tưởng là dễ nhưng quá khó vì thiếu thủ tục đầu tiên. Một buổi chiều mùa Thu đầu tháng 12, 1983, anh nhận điện tín từ em gái của chị báo tin chị vừa mất ngày hôm qua, và ngày mai sẽ đem chôn chị. Bàng hoàng trong đau đớn, khóc thương số kiếp vợ quá ngắn, xót xa cho tình cảnh vợ chồng vừa sum họp nay một người ra đi để lại một người bơ vơ bên cuộc đời.  Anh nhảy tàu đi suốt đêm. Xế chiều hôm sau, anh đến nơi, xác chị đã được liệm trong hòm đóng kín. Nghe kể lại, chị đột ngột ra đi sau một cơn ho kéo dài kèm theo thổ huyết. Anh chỉ còn thẫn thờ bước những bước chân tê dại sau quan tài đưa vợ mình đến nghĩa trang. Cầm cái nhẫn vàng do em gái vợ đưa lại, anh nhảy xe về Saigon, tìm mua một tấm bia khắc tên chị, và tên anh là chồng. Trở về quê vợ, anh dựng tấm bia ở ngôi mộ vợ anh, ngồi bên cạnh mộ vợ, cầu nguyện và tâm sự. Chúa ơi! Còn thử thách nào đau đớn hơn!? Anh không biết làm gì hơn ngoài dâng tất cả sự khốn cùng của mình cho Chúa.

Trong những năm tháng kế tiếp, anh sinh hoạt nhiều hơn tại giáo xứ Phước Hải, tham gia ca hát với 2 ca đoàn trong nhà thờ, và dấn thân làm công tác xã hội với giáo xứ. Anh nhận được sự thương mến trong giáo xứ. Một số bạn trong ca đoàn bí mật tổ chức vượt biên, biếu không anh một chỗ đi. Chuyến vượt biên tháng 8, 1988 thành công, thuyền được tàu Đan Mạch vớt ngoài biển và đưa về Nhật ở trại Omura (phía nam đảo Củu Châu). Từ Nhật anh được chuyển qua trại tỵ nạn Bataan ở Phi Luật Tân và sau đó định cư tại Mỹ vào tháng 9, 1989. Chỉ vài tháng sau, vào tháng Giêng 1990, anh may mắn thi đậu làm nhân viên xã hội cho quận hạt Orange County. Một công việc rất thích hợp với tính yêu thương giúp đỡ người của anh. Do sống an phận, bình dị và không đua đòi, anh thư thả về hưu tháng 2, 2014.

Hàng năm, đặc biệt vào mùa Phục Sinh, mùa mà anh được đón nhận Chúa vào lòng lần đầu tiên, anh chân thành cảm nhận ơn Chúa cứu độ anh qua hiện tượng Ngài chết đi và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Anh cảm nhận Chúa đã cảm hóa anh và đưa anh vượt qua nhiều đoạn đời đen tối. “Ngài từng nâng con dậy – cho con đứng lại trên đỉnh núi. Ngài đưa con ra đại dương - giúp con vượt giông bão trùng khơi”.

Con xin cảm tạ Chúa cho con sống một cuộc đời mới, theo đúng nghĩa tinh thần công giáo.
 
**Viết theo tâm tình của cựu tù cải tạo HTN. Mỹ, cư dân Garden Grove, CA.
Mùa Phục Sinh, 2022
Vĩnh Chánh   

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)