Hôm nay,  

Cái Tên Để Đời

09/05/201800:00:00(Xem: 13390)
Tác giả: Đặng Hà Nội

Bài số 5382-19-31223-vb3050818

 
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt  Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và  nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
 

***
 

Tên mà cậu tôi đặt cho tôi nghe rất là kêu, hiếm có và đầy ý nghĩa.

Đọc lại lịch sử thì mới biết  rằng tôi sinh vào cuối thập niên 1940 khi chính phủ thuộc địa Pháp và vua Bảo Đại vừa ký xong Hiệp Định Elysée công nhận chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Ôi! Vui mừng thay cho dân Việt Nam vào lúc đó. Ba miền Bắc Trung Nam (Tonkin, Annam, Cochinchina) nay hợp lại thành một chung sống với nhau sau khi vua Bảo Đại ở bên Pháp về nước. Tôi ra đời tại nhà thương Saint Paul tại Hà Nội bốn tháng sau hiệp định và  cậu tôi đặt cho cái tên là Thống Nhất. Tôi cũng có người em út tên Độc Lập.

Nhưng sau đó số phận nước Việt Nam nhỏ bé này như bọt bèo trôi trên giòng sông đầy sóng bão gây ra từ phương xa và trong nước! Thống Nhất, Độc  Lập gì đâu mà năm 1954 lại có một cái hiệp định ký tại cái thành phố Genève xa xôi chia đôi đất nước. Thế là gia đình tôi đành bỏ lại sau lưng thành phố thanh lịch Hà Nội thân yêu lang thang lếch thếch di cư theo ánh sáng miền Nam gây dựng lại cuộc sống.

Rồi chúng tôi sống những ngày an bình tại thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông dù là không phải là quê của mình nhưng đất miền Nam ấm áp và phì nhiêu, bạn miền Nam thành thật và nhiệt tình nên chúng tôi quen dần thích nghi với đời sống mới. Ngày ngày tôi cắp sách tung tăng đến trường, Ba tôi làm trong Bưu Điện Trung Ương Saigon có nhà của sở trên đường Hai Bà Trưng ngay đằng sau chỗ cậu tôi làm việc. Chỉ băng qua đường là đến đại lộ rộng rãi thênh thang với những hàng cây me, cây điệp đầy bóng mát. Tôi hãnh diện đi trên con đường quen thuộc này vì nó đã mang tên tôi: Thống Nhất.

Rẽ tay trái là Nhà Thờ Đức Bà có hai đỉnh tháp cao vút mà chúng tôi thỉnh thoảng hiếu kỳ ghé thăm dù là người ngoại đạo. Sau khi đi ngang qua hai miếng đất có trồng cây cao mọc thứ tự như rừng cao su là tới Dinh Độc Lập uy nghiêm, chỗ làm việc của vị lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Đường Thống Nhất, Dinh Độc Lập từng khiến anh em tôi hãnh diện với cái tên  mà cậu tôi đặt cho là Thống Nhất - Độc Lập.

Nếu  còn rẽ tay phải là  Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ mầu trắng như hộp diêm kiêu sa được xây vào năm 1967 rồi đến khu Đại Học Saigon gồm có các phân khoa Văn Khoa, Dược Khoa và Nông Lâm Súc. Khi chúng tôi mới dọn đến ở trước cách Mạng 1/11/1963 thì  khu Đại Học này là chỗ Lữ Đoàn Phòng Vệ trú đóng để bảo vệ cho TT Ngô Đình Diệm. Đi lên nữa là Sở Thú mà chúng tôi thường hay đến trêu chọc những lũ khỉ trong chuồng và tham dự những ngày cắm trại Hướng Đạo tại đây.

Đại Lộ này cũng là nơi diễn hành hằng năm của thời Đệ Nhất Cộng Hòa vào dịp Quốc Khánh 26/10 mà anh em chúng tôi thường đi coị. Cậu tôi có xe sở tới rước tham dự lễ lớn này dù rằng nhà chỉ cách một khu phố. Có năm TT Diệm và quan khách đều mặc quốc phục trông rất là đẹp mắt và ý nghĩa.

Nhưng rồi đời sống chúng tôi chả được an bình là bao nhiêu với vô số biến cố dồn dập sau khi lực miền Bắc có ý đồ xâm lăng muốn nuốt luôn miền Nam qua ngả Lào và Căm Bốt và chúng thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam làm bàn đạp chiếm phần còn lại vào cuối năm 1960. Cuộc chiến tranh tương tàn. bắt đầu trên mảnh đất nhỏ bé này. Việt Nam như  là một bàn cờ cho nước ngoại bang giao đấu mà người thua cuộc lãnh đủ chính là cả hai dân miền Nam và miền Bắc với khoảng bốn triệu binh lính và thường dân bỏ mạng trong chiến tranh.

Tình hình chính tṛi miền Nam trong tình trạng rối ren bắt đầu khi phong trào Phật Giáo bùng lên khởi xướng từ Huế và hậu qủa là chính phủ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa tan rã vào ngày 1/11/1963 và sau đó là những biến cố chính trị xáo trộn cho dân Nam Việt Nam. Bao nhiêu là các vụ xuống đường,̣ bãi khóa mà tôi có lần cũng tham gia tại trường Trung Học Nguyễn Trãi tại đường Phan Đình Phùng.

Ngày đó chúng tôi đang học yên lành sau giờ ra chơi thì tự nhiên các học sinh lớp lớn chạy ra ngoài sân và đến từng lớp kêu: "Bãi khóa, bãi khóa!". Ông thầy dạy toán nghiêm khắc nhìn chúng tôi với cặp mắt lo âu như van nàị nhưng rồi chúng tôi rầm rộ ùa ra sân. Tụi học sinh kháo nhau đi xuống đường trên phố chống lại chính sách Trung Lập của TT. Pháp De Gaule. Chúng hùa nhau dứt cái bảng tên trường bằng sắt to lớn dựng ngay trước cửa trường dự tính mang theo nhưng không làm sao dứt ra được nên đành bỏ cái bảng xiêu vẹo này.

Tôi thấy được nghỉ học nên vui quá cũng đi theo tụi bạn nhập vào đoàn xuống đường đi tới trung tâm thành phố Saigon. Trí óc non nớt biết gì về chính trị chính em nhưng sau đó mới biết rằng tụi tôi đã bị giựt dây. Mấy ông xách động chúng tôi trông lạ hoắc đưa những câu chống đối cho chúng tôi lập lại hô lớn như con két vừa thả lồng.

Thời gian sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm chấm dứt mà được gọi là Cách Mạng 1/11/1963 ảnh hưởng tới mọi phương diện tại Nam Việt Nam.  Chính trị rối beng, đảo chánh liên tục, chính phủ thay bao nhiêu lần. Về mặt xã hội thì có bao nhiêu lần xuống đường của hai khối Phật Giáo và Công Giáo. Có lần tôi lái xe Honda chở mợ tôi đi chợ Bến Thành. Trong khi dừng xe tại đường Lê Thánh Tôn chờ mợ tôi thì đoàn xuống đường rầm rộ kéọ đến. Tôi chưa biết làm sao thì bị ngay hai trái lựu đạn cay do cảnh sát ném ra làm tôi đau đớn ràn rụa nước mắt. Có phải là đó là giọt nước mắt đoái thương cho nước Việt Nam?

Về còn mặt giáo dục hình như cũng bị biến hóa. Học sinh sinh viên lại hay thích làm cách mạng hay chủ trương bãi trường bãi khóa. Dù rằng họ cho rằng họ có chính nghĩa làm cho Nam Việt Nam trở nên sáng sủa hơn nhưng nhiều khi họ là những người bị phe tả  xúi dục và lợi dụng.

Ngay trong trường tôi tình thầy trò cũng bị lung lay phần nào. Học trò hình như không còn kính trọng thầy cô như xưa nữa. Hồi đó chúng tôi có một cô giáo trẻ dạy môn vạn vật người miền Nam rất nghiêm khắc, hay cho học sinh quả trứng và  giấy phạt làm đứa nào cũng phải sợ. Có lần cô nói học sinh ai cũng phải bỏ áo trong quần và đeo thắt lưng. Rồi một hôm cô bắt tất cả học sinh đứng lên xem xét đứa nào có ai không tuân lệnh. Vậy là mấy đứa bị lãnh phạt. Sau cách mạng có lần cô bị học sinh  ném đá vào cô vì thù hằn gì đó làm cho cô phải lấy nón che. Cách mạng là vậy sao? Nay cô đã già và nghe nói học sinh ném đá đã đến nhà xin lỗi cô..

Quân đội Mỹ bắt đầu sang Việt Nam gia nhập cuộc chiến và cũng ảnh hưởng đến văn hóa phần nào của Việt Nam. Nhạc Mỹ, sách báo Mỹ, sở Mỹ, quán rượu Mỹ, thức ăn quân đội Mỹ...xâm chiếm thành phố Saigon. Tiếng Anh thông dụng hơn nên tôi cũng theo trào lưu đi học Anh văn tại trường Khải Minh  sau khi học xong trường Nguyễn Trãi và học thêm thính thị tại Thư Viện Abraham Lincoln lúc đó trên đường Lê Lợi gần rạp ciné Rex.

Có lần mấy đứa bạn và tôi lăm le xin làm thông dịch viên cho lính Mỹ. Được vào phỏng vấn nhưng thấy tụi tôi còn trẻ nên được cho về.

 Khi tôi đang học lớp đệ Nhị thì xảy ra một biến cố lớn cho Saigon. Tối mồng một Tết Mậu Thân năm 1968 chị tôi vội vã về nhà sau khi ăn Tết tại nhà người bạn. Chị hớt ha hớt hãi nói rằng Việt Cộng và lính Cộng Hòa đang đánh nhau dữ dội ở vòng đai Saigon vì ba của bạn chị là tướng tá của Việt Nam Cộng Hòa cho biết. Việt Cộng cả gan làm một vụ tấn công hơn 100 thị trấn và đồn trú toàn cõi Nam Việt Nam ngay cả Huế và Saigon. Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ cũng không tha.

Vùng tôi ở Tân Định gần Cầu Kiệu hãy còn yên. Trường Nguyễn Trãi đã dời về Khánh Hội đóng cửa và trở thành trung tâm tị nạn.  Họ hàng bên ho nộị tôi dọn tới ở nhà  lánh nạn. Giới nghiêm bao trùm thành phố. Ban đêm chúng tôi chỉ nghe tiếng súng đùng đùng rất gần. Hóa ra lính nhân dân tự vệ̣ bắn vào những nhánh lục bình trôi trên kinh không biết là bắn chơi hay thiệt. Chiến tranh đã tới Saigon. Trong khi bị nghỉ học bất đắc dĩ tôi tình nguyện đi cứu trợ cho nạn nhân Cộng Sản tại các trường học.

Cuộc tổng tấn công sát máu này làm rúng động Washington và coi như là một ngã rẽ của cuộc chiến và lực lượng Hoa Kỳ dự định dần dần rút lui ra khỏi Việt Nam.. Chính phủ Mỹ ra lệnh ngừng bỏ bom phía bắc của vỹ tuyến 20.

Sau mấy tháng đóng cửa trường được mở cửa lại. Cuộc sống dân Saigon trở lại bình thường và lo tái thiết sau biến cố này. Nhưng nhạc đệm " Ai Nghe Chăng Tiếng Nói Động Viên" trong chương trình truyền hình của tướng Đạm làm cho tôi hơi lo. Làm sao phải đậu tú tài 1 không thì:

 
"Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con"
 

Các bạn tôi dần dần vào quân trường. Tôi may mắn được miễn dịch vì lý do gia cảnh. Hai anh tôi đều là bác sĩ Quân Y và tôi là con trai độc nhất trong nhà. Tôi về ở với cậu tôi khi ông về hưu ở sở Bưu Điện. Ông mua căn nhà trong ngõ cụt ngay gần Cầu Kiệu. Đầu ngõ là tiệm Thuốc Cam hàng Bạc mà dân Hà Nội ai cũng biết. Sang bên đường là tiệm phở Số Một có bánh phở mềm và to.

Tôi thường ở những nhà biệt lập trên đường lớn nên khi dọn về đây thấy không được thích lắm. Tôi phải đi bộ trong ngõ nhỏ mấy trăm thước rồi mới tới nhà. Dân xóm hay nhòm ngó rất là khó chịu nhất là mấy thằng trẻ thấy tôi hiền nên hay chọc ghẹo. Lâu lâu ngõ bị lut lầy lội vì trời mưa và trẻ con ra tắm mưa om xòm.

Nhà bên cạnh là gia đình của ca sĩ Thế Sơn ở. Má của Sơn là giáo viên và ba làm chức tá trong ngành Quân Pháp. Khi tôi dọn đến thì Sơn hãy còn bé mấy tháng mũm mĩm xinh xắn được cưng chiều vì là con trai độc nhất trong nhà, trên Sơn có hai bà chị nhí nhảnh suốt ngày.  Sơn hay được bế sang nhà cho cậu tôi bế. Ông ngoại của Sơn cũng là bạn của cậu tôi. Trong xóm còn có ông Từ Khánh Phụng chuyên dịch các truyện kiếm hiệp Trung Hoa rất có tiếng nhưng tôi không bao giờ đụng tới loại sách này!

 Lâu lâu tôi được kêu đi làm nhiệm vụ nhân dân tự vệ canh gác cầu Kiệu ban đêm. Nghe thì oai lắm nhưng phường đâu có chương trình huấn luyện gì đâu mà canh với gác. Tôi miễn cưỡng đi nghĩa vụ sau bao nhiêu lần trì hoãn. Trạm gác ở ngay ngõ bên cạnh bên kinh nước đen. Lúc đầu trạm gác vui lắm vì bao nhiêu trai tráng trong xóm ra nói chuyện và nhậu nhẹt ăn uống. Nhưng đến giờ giới nghiêm ai cũng rút về nhà ngủ còn trơ mấy thằng oắt con như tụi tôi.. Có đứa rủ tôi hút thuốc lá và tôi hút chơi một điếu và thề sẽ không bao giờ đụng tới điếu thứ hai! Có đứa lấy súng ra kéo xành xạch làm tôi sợ hết vía. Đến hai giờ đêm tôi lủi mất chạy một mạch về nhà. Chuyện dài nhân dân tự vệ thường xuyên đăng lên báo chí ai mà không biết!

Khi sang bên Mỹ lớp của tôi trường Nguyễn Trãi hay có ngày họp mặt tại Little Saigon. Lúc đầu có phần chào quốc kỳ và tưởng niệm các bạn đồng môn đã ra đi. Sau đó ai cũng phải lên nói vài câu. Các bạn tôi phần đông là cựu quân nhân. Nào là Thiên Thần Mũ Đỏ, Biệt Động Quân "Sát", Hải Quân Song Ngư... với bao nhiêu chiến tích nên ai cũng vỗ tay vang dội. Quê quá, tôi  cũng lên nói từng là lính Nhân Dân Tự Vệ khu Cầu Kiệu làm khán giả cười nghiêng ngả!

Hồi đó ai được miễn dịch không phải đi lính là một cái may mắn nhất đời . Biết bao nhiêu chàng trai đi tòng quân mà không biết bao giờ trở lại làm cho các em gái hậu phương hùi hụi thương tiếc:

 
"Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie
Anh! Anh! Hỡi anh giã từ vũ khí
Vâng, chính anh là ngôi sao mới
Một lần này chợt sáng trưng
Là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng"


Giọng ca Thanh Lan nức nở nghe não lòng và chiến tranh vẫn tràn lan. Miền Bắc cũng không hạnh phúc gì cho lắm. Bao nhiêu liệt sĩ Bắc Việt vượt Trường Sơn sinh bắc tử nam thiêu thân trong trận chiến. Thật là buồn cho vận nước khi thấy chiến tranh Việt Nam huynh đệ tương tàn anh em giết nhau mà dùng toàn vũ khí của các nước ngoại bang.

Tướng Bùi Đình Đạm, giám đốc Nha Động Viên, sau đó ra chính sách mới gọi là Động Viên Tại Chỗ dành cho các lý do gia cảnh như là trường hợp của tôi, lý do tôn giáo dành cho các cha bên Công Giáo hay sư sãi bên Phật Giáo... và ngay cả các dân tộc thiểu số cũng cùng bị động viên tại chỗ. Ý hẳn các cha hay các sư đang giảng đạo cũng phải kè kè cây súng vì bị... động viên tại chỗ!

Chiến tranh vẫn tiếp diễn. Saigon vẫn là nơi an toàn nhất vào ban ngày nhưng ban đêm thành phố trở nên dễ sợ với đường phố vắng tanh sau giờ giới nghiêm với các cuộc lục soát, thanh tra của cảnh sát hòng tìm kẻ khả nghi hay thanh niên trốn quân dịch, Thêm vào đó các tiếng súng nghe thật gần hay ṭiếng xe tăng nghiến xích chạy rầm rầm phá giấc ngủ an lành.  Saigon lâu lâu lại  bị pháo kích của bọn Việt Cộng nằm vùng làm tan hoang nhà cửa của dân chúng vô tội hay bị đặt mìn claymore tại các căn cứ quan trọng.  Dân Saigon lắc đầu ngao ngán nhưng biết chạy đi đâu và đành thốt nên câu an ủi cho chính mình: "Đời có số cả!"

Ngoài việc lục soát ban đêm ban ngày cảnh sát hay có những nút chặn huýt còi  bắt các thanh niên dừng xe trên đường hỏi căn cước giấy tờ. Một hôm gần tới giờ giới nghiêm tôi đang chở bà chị về nha bằng xe Hondà thì bị hỏi giấy tờ. Tôi trình mọi giấy tờ như căn cước, giấy hoãn dịch nhưng thiếu giấy lược giải cá nhân nên phải vô bót cảnh sát Quận Ba ngủ một đêm. Âu đó cũng là một bài học nhớ hoài.

Căn gác nhà tôi làm bằng gỗ nên nhiều khi ban đêm nhà rung lên vì máy bay oanh tạc B52 thả bom dữ dội gần Saigon. Có khi nhìn ra ngoài thấy hỏa châu rực sáng một góc trời giống như tranh đầy nhựa sống có tựa đề " Đêm Đầy Sao" hay "Starry Night" của Vincent Van Gogh, họa sĩ phái ấn tượng và là thần tượng của tôi. Đẹp biết bao nhưng đau lòng biết mấy!

Mỗi ngày tin tức chiến tranḥ dồn dập từ báo chí, truyền thanh, truyền hình của Việt Nam. Tôi còn nhớ nhạc đệm bài "Exodus" buồn ra riết dài lê thê của tin tức chiến sự đài Truyền Hình Việt Nam. Tôi cũng hay đọc các tạp chí của Mỹ tại thư viện Abraham Lincoln cảm thấy biết nhiều hơn. Hình như tin tức của Hoa Kỳ thường loan báo tin không có lợi cho chiến tranh Việt Nam vì họ không ủng hộ chính sách của Toà Bạch Ốc hay tin tức quá thật giúp cho phía Cộng Sản.

Dân Hoa Kỳ phần đông cũng vậy không còn ủng hộ chính sách về chiến tranh Việt Nam nữa. Cuộc xuống đường đáng ghi nhớ nhất là của sinh viên Trường Đại Học Kent State vào ngày 4/5/1970 làm bốn sinh viên chết và chín sinh viên bị thương do Lính Phòng Vệ Quốc Gia thuộc tiểu bang Ohio (Ohio National Guard) bắn. Sự kiện này làm cho dân chúng càng thêm phẫn nộ.

Dù chiến tranh vẫn kéo dài với các tin chiến sự gay cấn hay tin chính trị gay go tôi vẫn phải đương đầu với các vấn đề khó khăn của chính mình. Đã là con trai hai mươi mấy phải tự lo cho tương lai của mình. May mắn tôi đậu vào học tại Đại Học Sư Phạm ban Anh Văn ở Saigon sau khi có bằng dự bị Anh Văn bên Văn Khoa. Cũng nhờ các lớp Anh văn tại  Nguyễn Trãi và tại lớp đêm tại trường Khải Minh nên có vốn liếng Anh văn khá vững. Mộng làm thầy giáo bắt đầu từ đây.

 Sinh viên phải ký cam kết làm cho Bộ Giáo Dục mười năm sau khi ra trường. Số sinh viên lớp tôi ít nhưng học cùng với nhau ba năm liền nên chúng tôi thân với nhau nhiều. Thành phần giáo sư có uy tín và hùng hậu. Vui nhất là ngày nào được lãnh lương. Tuy không nhiều ba ngàn một tháng nhưng đó là một phần thưởng lớn cho sinh viên chúng tôi.

Hai năm sau cùng chúng tôi phải ăn mặc đàng hoàng đi dạy thực tập tại các trường công lập lớn tại Saigon. Tôi nhớ là đã đứng trên bục gỗ dạy Anh Văn cho học sinh trường trung học Petrus Ký và Gia Long. Hồi đó chúng tôi dạy theo Phương Pháp Nghe Nói (Aural/Oral Approach) tức là giáo sư nói một câu mẫu và học sinh lập lại. Phương pháp làm cho học sinh quen nói nhưng sau bài học thầy trò hết nước miếng!

Năm chót chúng tôi sửa soạn thi cuối khoá ra trường và sắp sửa phải đi khám sức khoẻ trước khi nhận nhiệm sở. Nhưng rồí mộng làm thầy cô của tôi tan tành như bọt xà bông khi chiến tranh trở nên ác liệt như vết dầu loang dần đến Saigon vào khoảng tháng 3  bắt đầu tại Ban Mê Thuật.

 Sáng ngày 8/4/1975 trong khi chúng tôi đang học tại Sư Phạm thì nghe tiếng bom xa xa và thấy khói bốc lên. Thì ra phi công VNCH Nguyễn Thành Trung (đáng lẽ ba ông này phải đặt tên là Nguyễn Bội Phản thì hợp lý hơn!) lái máy bay ném bom Dinh Độc Lập. Trường đóng cửa và chúng tôi ra về trong hoang mang và lo sợ.

Rồi từ đó chúng tôi vẫn đi học đều nhưng thầy trò nhiều khi không còn chú tâm trong công việc của mình và nói chuyện thời sự nhiều hơn. Giáo sư ngoại quốc chào giã từ chúng tôi. Tôi nói với cô Marion Casey dậy môn Sử Mỹ: " Please, let me go with you", " Xin cô cho em đi theo". Cô nhìn tôi đẫm lệ và nắm chặt tay tôi.

Đã đến lúc gia đình  tôi phải ra đi. Vì đây không phải lần đầu tiên di cư nên ai cũng đồng lòng tránh nạn Cộng Sản. Gia đình tôi đông đúc nhưng chỉ có mợ tôi, ba bà chi độc thâṇ và tôi sống một nhà, cậu tôị mất trước đó một năm. Chúng tôi còn có anh chị có gia đình sống ngay tại Saigon và anh chị khác ở bên Pháp cùng với bà chị có chồng Mỹ bên Hawaii. Ai cũng lớn cả nên bàn với nhau là ai có dịp đi thì cứ đi đừng chờ nhau.

Thế rồi việc gì đến phải đến..Mấy ngày trước khi xe tăng của quân lính Bắc Việt tràn qua cửa sắt của Dinh Độc Lập gia đình chúng tôi có hai nhóm tât cả 33 người trốn thoát khỏi Việt Nam bằng  hai chuyến máy bay của Pan Am và Không Lực Hoa Kỳ. Chuyến đi như là một phép lạ và phi thường này được hướng dẫn và điều động bởi anh rể người Mỹ.

Ngày 30/4/1975 Chúng tôi đáp máy bay xuống đảo Wake và nghe tin Saigon không còn nữa và có chủ mới tên mới.

Oái ăm thay! Tôi ra đi bốn ngày trước khi Việt Nam Thống Nhất! Sau đó con đường Thống Nhất mang tên tôi cũng có cái tên khác cụt lủn chẳng có ý nghĩa gì với tôi.

Tại đảo Wake chúng tôi làm giấy tờ sửa soạn vào đất nước tự do Hoa Kỳ. Khi còn ở Việt Nam tôi không bao giờ có giấc mơ bỏ xứ ra đi. Có chăng là đi tu nghiệp bên Mỹ dành cho giáo sư rồi trở về quê nhà. Cuộc̣ sống mới bắt đầu từ đây. Nước Mỹ mở rộng cửa chào đón chúng tôi. Đời tôi được mở sang một chương sách mới

Cái tên cao quí cậu tôi đặt cho bây giờ không có dấu đọc lên rất là buồn cười ngô nghê. Mất nước mất luôn dấu cũng như mất một phần nào tinh chất Việt Nam của tôi. Thêm là cách viết thứ tự tên cũng khác. Tên họ đứng đầu theo kiểu Việt Nam bị đặt xuống chót và ngược lại.

Họ Đặng của tôi thì được viết thành Dang. Với người Mỹ khi họ bất bình cái gì họ hay buông câu:" Dang it!".  Còn tên Nhất thì làm sao mà các người Mỹ nói cho được nên tên  tôi được kêu là : "Nét" hay:"Nót". Thành ra tên tôi được kêu là Nét Đen nghe tḥiệt là "hấp dẫn"!

 Khi tôi đi vắng và mợ tôi ra trả lời điện thoại mà khả năng tiếng Anh của bà rất là giới hạn nên xẩy ra chuyện buồn cười như sau:

"Hello, is Nót home?" bạn người Mỹ tôi nói

Mợ tôi trả lời: "Not home" và bà cúp máy cái cạch.

Sau gặp lại, bạn tôi than phiền: " Sao mẹ mày nói mày có nhà sao mà tao bị bà ấy cúp máy?"

Cũng có đứa gọi tôi là "gnat", tiếng Anh có nghĩa là một loại ruồi nhỏ bay ở ao hồ. Hay anh bạn tôi đang học tiếng Nga nói tên mày nghe như từ "nyet" có nghĩa là "không". Còn tên đệm của tôi là Thống mà họ gọi là "thong" và chữ này có nghĩa là xì líp bikini nhỏ xíu!

Nhiều khi khi tôi đi  tiệm cà phê hay tiệm ăn nhanh (fast food), người thâu ngân viên sẽ hỏi tên vì ̉ họ sẽ réo tên sau khi thức ăn uống được làm xong. Tên cúng cơm Nhất thì làm sao chúng gọi được nên phải nói: " My name is Andy". Andy là âm của chữ ND {Nhất Đặng) viêt tắt.

Bao nhiêu người Việt Nam đã có tên Mỹ mới chắc vì thấy nghe kêu hơn và thích nghi với đời sống bên Mỹ. Nào là Janet, William, Beverly... Có những tên Việt Nam mà phát âm bằng tiếng Mỹ có nghĩa rất ư là tiếu lâm thí dụ như Dung hay Dũng ̣(phân trâu bò), Bích (chó cái), Phúc, Phác (khỏi cần nói ai cũng biết), Vân (thành van nghĩa là xe lớn) và Loan (khó nói không dám viết ở đây) ...

Có một anh chàng có tên Bob Vu trên Facebook và tôi khuyên anh ta nên có tên khác nhưng anh ta khăng khăng giữ.

Đối với người Á Đông đặt tên là chuyện quan trong và nhất là những người xa quê hương như chúng tội cố gắng giữ được tên Việt, giữ được truyền thống của cha ông  Cho nên sau khi kết hôn và có con chúng tôi phải nghĩ nát óc kiếm tên Việt Nam nào mà cho người Mỹ dễ đọ̣c, dễ kêu và ý nghĩa cho cả hai văn hóa.

Ngoảnh lại nhìn lại cuộc đời tôi. Hai lần bỏ quê ra đi như hai lần cây bị bứng gốc đem trồng trêṇ mảnh đất mới. Năm 1954 đất miền Nam hiền hòa đã đón nhận chúng tôi rồi hai mươi năm sau chúng tôi lại vội vàng cuốn gói ra đi lánh nạn Cộng Sản lần nữa.

Nữ Thần Tự Do đã giang tay mở rộng chào đón chúng tôi vào mùa xuân năm 1975.  Thiên đường là đây ai cũng nghĩ như thế. Nhưng với người Việt đã từng sống trên đất Mỹ thì tình cảm còn phức tạp hơn nhiều rất khó kể hết.

Nếu ai coi phim rất xưa nhưng có ý nghĩa vô cùng đó là phim "The Wizard of Oz"  hay   " Phù thủy xứ Oz" sản xuất năm 1939 do Judy Garland đóng phỏng theo tiểu thuyết "The Wonderful Wizard of Oz" của tác giả L.Frank Baum sẽ nhớ đến cảnh cô Dorothy lạc vào rừng và lũ người lùn Munchkin chỉ cô ta đi Con Đường Bằng Gạch Mầu Vàng (The Yellow Brick Road) rồi sẽ gặp phù thủy xứ Oz giúp Dorothy về nhà tại Kansas.

Trong truyện tả hai bên đường gạch là khu rừng đầy thú hoang như sư tử, cọp và gấu.  Dorothy gặp ba nhân vật là Scarecrow (Người Nộm Rơm), Tin Man (Người Thiếc) và Lion (Sư Tử) và chúng đòi đi theo Dorothy hòng kiếm Phù Thủy Oz giúp Scarecrow có óc thông minh, Tin Man có trái tim và Lion có lòng can đảm.

Đường đi càng ngày xấu và chúng gặp vô số trở ngại vì Bad Witch (Phù Thủy Ác) theo quấy rối và lũ khỉ phá đám. Tuy vậy sau cùng chúng đều vượt qua trở ngại nhờ sự thông minh của Scarecrow, tình cảm của Tin Man và lòng gan dạ của Lion. Tuy nhiên khi họ̣ gặp Phù Thủy Oz thì chúng bị thất vọng tràn trề vì khám phá ông này là Fake Wizard (Phù Thủy Giả) không giúp chúng được gì. Cuối cùng Dorothy được về nhà lại nhờ Ruby Slippers (Đôi Giầy Đỏ) nhiệm mầu.

Theo tôi truyện này cũng giống như đời của tôi khi mới sang Mỹ thấy cái gì cũng đẹp cả từ con đường xa lộ êm ái rộng rãi, nhà cửa ngăn nắp tiện nghi cho đến siêu tḥi sáng sủa ê hề thức ăn cũng giống như Con Đường Bằng Gạch Mầu Vàng sáng chói của Dorothy.

Nhưng khi lao đầu vào xã hội Hoa Kỳ thì cũng như bước vào khu rừng mà Dorothy và ba bạn đồng hành với đầy chông gai và cạm bẫy.  Tôi phải dùng óc thông minh như Scarerow bằng cách nâng cao học vấn bằng cách tiếp tục đi học lại và có một nghề nghiệp vững chãi. Tôi cũng cần phải có một lòng thương người, tình nguyện giúp đỡ người khác như Tin Man và can đảm tranh đấu không trùn chân trước trở ngại trong cuộc sống giống như Lion. Không ai giúp mình cả tự mình cứu lấy mình!

Tôi mãn nguyện với những thành quả gặt hái được trên đất Mỹ vì đã cố gắng hết mình cùng với người bạn đời. Bây giờ con cái đã trưởng thành rời mái ấm từ lâu và chúng tôi chỉ mong có sức khoẻ cùng vui sống bên nhau.

Nhìn lại lịch thì mới biết ngày 30-4 sắp đến. Thời gian trôi qua quá nhanh. Nước nhà đã Thống Nhất được gần 43 năm nhưng người bên kia có thật lòng bắt tay với người thua cuộc và hiệp lực cùng nhau gây dựng nước Việt Nam hùng mạnh và thịnh vượng chưa?

Chỉ mong sao nước Việt Nam  sẽ có thật sự Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc không bị xâm chiếm bởi anh em phương Bắc và cậu tôi sẽ mỉm cười nơi chín suối khi tên Thống Nhất - Độc Lập ông đặt cho anh em chúng tôi có đầy đủ ý nghĩa và giá trị.

Đặng Hà Nội

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,263,246
Là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo tạp chí ở Dallas. Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ từng nhận giải và có nhiều bài trên dưới một triệu lượt gõ để đọc bài. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Nhận được tin buồn từ gia đình của tác giả Mimosa Phương Vinh, tên thật là Nguyễn Phương Vinh, cho biết tác giả đã từ giã chúng ta vào ngày cuối năm 31 tháng 12, năm 2017 tại Memphis, Tennessee, hưởng thọ 69 tuổi.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2019. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Đây là bài viết cho năm mới của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến