Hôm nay,  

Maui-Hawaii và “Ba Bà Ca Li”

20/04/201800:00:00(Xem: 10940)
Tác giả: Thịnh Hương, Iris Đinh và Thụy Nhã

Bài số 5365-19-31206-vb5041918
 

Maui là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hawaii. Du ký vui được cùng viết bởi “Ba Bà Ca Li”, ba tác giả thân quen với bạn đọc Viết Về Nước Mỹ.

 
hqdefaultroad-to-hana-maui

Moui, biển trời và con đường huyền thoại Hana.

 
***


Họ quyết định đem nhau sang Maui để tạm quên chuyên cơm áo gạo tiền.  

Người sắp bảy bó là ký điệu Thịnh Hương.  Người vừa sáu bó là Iris họ Đinh mới rinh chức hoa hậu VVNM năm 2017 với bài "Chuyện Góc Bếp".  Người trẻ nhất là dế mèn Thụy Nhã, mới ngoài ba bó rưỡi, hoa hậu VVNM năm 2008.   Khi nghe tin Iris được chọn vào chung kết VVNM, cả nhóm Việt Bút Bắc Cali nhao nhao đòi Iris bao đi Hawaii nếu đoạt giải nhất, thường gọi đùa là giải Hoa Hậu.  Ai dè nhận giải xong cô nàng tung hết tiền tặng hôi nọ hội kia, không chừa lại một xu.  Nhưng vì ham vui, lại do mệt mỏi công việc nên hai già một trẻ rủ nhau đi đảo trốn chuyện trần gian.  

Thụy Nhã nhận nhiệm vụ "book" máy bay, mướn nhà ở và xe cộ qua mạng Expedia.   Nàng sẽ đi từ Los Angeles, và sẽ tới Kahului, phi trường của Maui, lúc 7 giờ 30 chiều.  Hai bà cô sẽ đi từ San Jose lúc gà gáy và có mặt tại hải đảo lúc 10 giờ sáng.  Năm tiếng rưỡi ngồi trên máy bay, ê mông mỏi cổ!

 
KAHULUI, HAIKU, KULIKE VÀ NGÀY ĐẦU TRẮC TRỞ
 

Xuống phi trường trời lất phất mưa.  Phi trường nhỏ xíu nên chả có hàng quán bán mua gì.  Hai bà kéo hai chiếc valise to tổ bố qua mấy văn phòng cho mướn xe.  Lúc xem laị email để tìm hợp đồng mướn xe thì hai bà tá hoả, vì chẳng có email nào của Thụy Nhã về chuyện xe cộ.  Bèn gọi cho dế mèn.  Hên quá, cô nàng vẫn còn đang ở LAX, chưa bay!  Nàng chu chéo, "Cô coi laị trong Yahoo Messenger đi, vì cháu gửi confirmation vào đó mà."

Giời ạ, liên lạc qua lại bằng email mà sao laị cho confirmation vào Messenger.  Vậy mới là dế mèn!

Tới Avis lấy xe thì cửa đóng then cài!  Chả hiểu vì sao, nhưng kệ nó, mình qua Dollar, thiếu gì xe!  Dollar chịu bao giá cuả Avis, laị còn ưu đãi, giao cho một xe SUV Tiguan năm 2017 của VW.  

Nhưng mà cái xe này lại gây ra vô số tội. Chuyện như thế này... hai bà ngồi vào xe mà loay hoay mãi không biết làm sao "sì tạc" cho xe nổ máy.  Có chìa khóa mà sao không có ổ cắm?  Thịnh Hương tự nhỉên thông minh ra, phát giác là xe đề bằng power!  Nhưng nhấn nút power hoài mà xe cứ êm ru bà rù.  Chán thiệt!  Kìa, có một anh chàng da trắng đẹp trai như tài tử Kevin Costner vừa đến mở cửa chiếc xe màu đỏ bên cạnh.  Thịnh Hương kêu toáng lên:

-  Anh giai ơi, làm ơn giúp tuị tôi với!

Anh ta bảo Iris xuống xe nhường tay lái cho chàng thử thời vận. Iris hóm hỉnh:

- Này, đừng có thừa cơ hội mà vọt đi luôn với bạn tôi đó nhé!

Anh ta lắc đầu:

-  Chúa ơi!  Thỉnh thoảng người ta cũng phải tin vào một ai đó chứ!

Chàng đẹp trai loay hoay mãi mà chả nước mẫu gì.  Xe cứ ỳ thân cụ nằm nguyên một chỗ.  Thịnh Hương bèn đuổi khéo:

-   A, kia có một nhân viên, không chừng ông ta biết xử dụng chiếc xe này.  Cám ơn anh giai nhá!  Chúc anh đi chơi vui vẻ.

-  OK.  Tiếc là tôi không giúp gì được.  Xe mới quá!

Người nhân viên coi bãi đậu xe nói mình phải đạp thắng xe trong lúc nhấn nút power thì máy mới nổ.  Y chang!  Hai bà hân hoan ra khỏi phi trường, nhờ Googlemap dẫn đến căn nhà mà Thụy Nhã mướn qua AirB&B.

Nhà cách phi trường Kahului 17 dặm về mạn bắc của Maui, trong vùng ngoại ô Haiku dọc theo xa lộ Hana.  Theo hợp đồng, nhà sẽ được giao cho khách vào lúc 4 giờ chiều.  Bây giờ mới giữa trưa, nhưng vì "huởn" và nóng lòng muốn biết điạ điểm trong lúc trờì còn sáng nên Iris và Thịnh Hương quyết định đi khám điền thổ trước.

Sau khoảng nửa tiếng, Google bảo tụi tôi rẽ trái vào đường Haumana Road, rồi quẹo phải, đi khoảng 3 miles nữa mới tới căn nhà trên đường Kulike Road.  Đường vào gập ghềnh, nhỏ hẹp.  Nhiều lúc hai xe ngược chiều phải nép sát lề nhường cho nhau đi.  Hai bên đường toàn dừa ăn trái và dừa kiểng, chen lẫn những bụi hoa dâm bụt, hoa sứ, thiên điểu (birds of paradise), chuối và những cây cỏ nhiệt đới khác.

Thấp thoáng bên trong là những căn nhà vách gỗ lợp tôn.  Lâu lâu cũng có vài căn khang trang, có vẻ nhà giầu.  Khách du đang đi trên đường Haumana thơ thới, ngắm cây cảnh xinh tươi và hít đầy buồng phổi không khí trong lành của hải đảo, thì hết cell service.  Bà Siri im thin thít, không chịu chỉ đường nữa.  Rắc rối thiệt!  Hai bà Việt Nam bèn nghểnh cổ tìm con đường Kulike.  Tìm hoài, đi tới đi lui ba vòng trên Haumana mà Kulike vẫn bặt vô âm tín!  Iris thở dài:

-  Chắc phải ra phố kiếm khách sạn ngủ đêm nay thôi chị ơi!  Không có GPS mà cũng chẳng có bản đồ.  Bây giờ mình đi kiếm gì ăn, chờ chiều nay Thụy Nhã tới rồi tính tiếp.       

Đến một ngã ba, trong lúc tài xế Iris vòng xe quay trở ra xa lộ Hana thì Thịnh Hương tình cờ nhìn vào bảng stop sign ai đó đã dùng sơn trắng vẽ chữ Kulike mờ nhạt.  Thịnh Hương kêu lên:

- Mình thử vào hẻm này coi có phải nó chính là Kulike không ID ơi!

Đi sâu vào khoảng nửa mile thì thấy một nhà "giầu" mang biển số "90 Kulike."  Đúng là "con đường mang tên ai". Đi thêm một mile nữa thì thấy căn nhà B&B bên tay trái, có cổng đóng then cài đàng hoàng, lại treo bảng "5 MPH, Aloha Speed.  Watch for Keiki.’’ Mãi sau này mới biết keiki là trẻ em.  Iris và Thịnh Hương ra khỏi xe, ngắm nghía nơi ở của mình trong những ngày sắp tới.  Căn nhà cất theo kiểu nhà sàn, có lầu, sơn hai màu xanh lá cây và táo đo rất xinh xắn.  Xung quanh có hàng rào, có những cây dừa đầy trái, những bụi chuối trái vẫn còn xanh, những cây chanh trĩu quả, những cây bơ cao khều đang ra bông, và những bụi thiên điểu vàng rực.  Phía trong cũng còn vài căn nhà khác, có lẽ cũng là những B&B cùng một chủ nhân.  Không gian vắng lặng, êm ả trong bầu không khí mát mẻ của những ngày giao mùa giữa đông và xuân.  Hai bà Việt Nam thay nhau chụp hình chỗ nọ chỗ kia, cứ như sẽ không được phép chụp hình trong những ngày kế tiếp!  Hình như có người đang dọn dẹp, lau chùi trong nhà, vì nghe dế mèn nói hôm nay có khách trả nhà. Chủ nhà đã thông báo là nhà không có máy lạnh hay máy sưởi, chỉ có quạt máy, vì khí hậu ở đảo khá ôn hòa, không cần mấy thứ hiện đại hại điện này.

Chup hết chỗ để chụp, hai người rủ nhau trở lại quán ăn mang tên JAW ngoài xa lộ Hana mà lúc nãy đã đi qua trên đường tìm nhà.  Bụng đói vì hãng Hawaiian Airlines chỉ cho ăn điểm tâm qua loa với một chiếc bánh ngọt nhỏ xíu, một hũ yogurt tí teo và mấy trái nho lèo tèo, dù chuyến bay dài năm giờ rưỡi, cất cánh lúc trời chưa muốn sáng.  May mà sáng hôm đó Thịnh Hương và Iris dậy sớm làm một bụng cơm cá thu kho và canh rau đay cho chắc dạ!  Lại còn gói theo vài củ khoai tím luộc và một bịch xôi đậu đen.  Thằng con nghe kể thì bảo rằng các bà đi du lịch mà sao giống người ta đi tản cư.

Và màn  hài kịch thứ hai bắt đầu!

Đến tiệm ăn mà không khóa được xe!  ID và tôi thay nhau loay hoay với chiếc chìa khóa mà cửa nào cửa nấy cứ như bị liệt, nhất định không chịu "click" dùm cho một tiếng!  Không khóa được xe thì làm sao mà vào ăn trưa trong khi hai chiếc valise còn nằm chình ình trong "trunk"!  Khi mướn xe, tụi tôi chỉ mua bảo hiểm cho xe cho người chứ có mua bảo hiểm cho đồ đạc đâu.  Iris đành vô mua một cái sandwich 12 đô (cắt cổ) rồi ra xe ngồi ăn chung với Thịnh Hương.

Ăn xong hai bà tha nhau trở lại chỗ thuê xe, đổi chiếc xe khác rồì ghé vào Walmart mua ít thức ăn tươi để nấu mỗi ngày vì đồ ăn ở đây mắc mỏ lắm.  Một trái dừa sáu đô.  Một miếng bánh chuối đặc sản của Maui, chỉ bằng ba đầu ngón tay, cũng sáu đô.  Một khúc mía dài chừng ba gang tay bên lề đường giá cũng 7 đô.  Họ chỉ róc vỏ rồi chặt ra từng khúc cho mình, chứ không xay ra nước.

Thụy Nhã báo trước sẽ mang theo thịt kho, cá kho, thịt chà bông, chả lụa chả chiên, thêm một bịch gạo 5 pounds phòng hờ gạo ở đó không ngon.  Dế mèn tha việc nặng cho hai bà cô già.

Trở laị phi trường làm giấy tờ lăng xăng một hồi, đổi được chiếc Crossover của Huyndai.  Iris nói cô ấy thấy thoải mái hơn với chiếc xe này vì nó xài chìa khóa!

Vẫn còn sớm nên hai bà lái 17 miles trở lại hẻm Kulike nhận nhà.  Căn nhà bài trí nội thất tuy đơn sơ nhưng lịch lãm mỹ thuật.  Nhà có nhiều cửa sổ và cửa patio bằng kính nên rất thoáng khoát, sáng sủa, có thể nhìn ra vườn tược chung quanh nhà.  Rèm che cửa toàn bằng voan trắng.  Thương thay cho những ai ngủ trễ!  Tầng dưới là phòng ngủ chính, có phòng tắm và bồn.  Trên lầu là cái gác xép rất rộng, có hai giường với ra nệm chăn gối tươm tất, nhưng không phòng tắm.  Ông chủ nhà nói nhà cho 6 khách trọ theo đúng tiêu chuẩn, nhưng nếu mình ở quá qui định thì ổng phải tính thêm tiền điện nước.  Kỳ này ổng lãi to, vì chúng tôi chỉ có ba người.  Lúc vừa vào nhận nhà Thịnh Hương và Iris nhìn nhau bối rối vì có một nhà tắm đằng sau nhà làm bằng tre nứa.  Thịnh Hương dè dặt đẩy cửa nhìn vào, thấy có vòi tắm và một bàn cầu.  Nàng ta le lưỡi, bảo mỗi lần làm vệ sinh thì ba đứa phải ra cùng một lúc canh cửa cho nhau!  Sau này hiểu ra, nhà tắm này dành cho khách đi biển về tắm cho sạch cát trước khi vào nhà.  Cũng dành cho thợ làm vườn hay bảo trì chi chi đó.  Ông chủ nhà còn yêu cầu khách không mang giầy trong nhà, sợ hư sàn nhà ổng.  Ổng dặn muốn ăn gì trong vườn thì cứ tự nhiên. Nhà ổng nằm trên đường Kulike,nhưng ổng không "ke."

Trong góc vườn sau nhà là một bồn chứa nước mưa to đùng, vì theo chủ nhà, họ hứng nước mưa xài quanh năm, chứ không xài hệ thống nước máy của đảo.  Tuy nhiên, ông cũng gắn máy làm nước nóng cho việc giặt giũ, tắm rửa của khách.  Trong nhà có đủ tiện nghi kể cả máy giặt máy sấy, ngoại trừ chiếc microwave.  Hâm đồ ăn hay những món lặt vặt thì quả là bất tiện và mất thì giờ vì phải mở lò nấu nồi nước sôi rồi cho vào hấp. Còn ấm nước sôi thì không có còi báo, nước cạn lúc nào không hay.  Thụy Nhã email cho ổng, muốn mượn một lò microwave và một ấm nước có còi, thì ổng trả lời:  Tôi không đặt microwave vì tôi không tin vào sự an toàn của nó, dù tôi chỉ cần mua nó ở Costco với 50 dollars. Tôi cũng không có ấm hú còi, mà nếu quí vị không bảo đảm an toàn cho căn nhà của tôi, thì quí vị có thể hủy giao kèo thuê mướn.  Ổng không "ke", chẳng cần giữ khách, có lẽ vì ổng cho là giá cả của ổng quá rẻ so với các nơi khác?

Thôi thì đành chịu thua cái ông chủ nhà ngang bướng bất cần.  Mình chỉ ở đây ít bữa, dọn đi dọn lại oải lắm.  Lần tới các bà sẽ mướn chỗ khác cho mà biết tay!   Bọn tôi chọn nơi này vì muốn được yên tĩnh, được sống lại khung cảnh thôn quê từ lâu không được sống.

Buổi chiều ra phi trường đón dế mèn.  Trời vẫn mưa.  Ba chúng tôi quyết định không đi đâu mà về "nhà" nấu cơm rồi nghỉ ngơi sau một ngày... đầy biến cố.  Mới 9 giờ mà đã như khuya lắm, bọn tôi rủ nhau ngủ trên gác.  Đêm đầu tiên lạ nhà lạ cảnh, nhìn ra màn đêm mưa gió sấm chớp qua mấy cửa kính Thịnh Hương thấy lo lắng, không biết nơi đây có an toàn cho ba người đàn bà "gan cùng mình" hay không.  Thịnh Hương hay xem các shows điều tra tội phạm cuả đài Investigation Discovery nên bị ám ảnh.   Rất lâu Hương mới đi vào giấc ngủ chập chờn.

Sáng hôm sau trời vẫn mưa.  Ăn sáng xong, bọn tôi bày ra màn làm móng tay chân cho nhau.  Iris bảo mưa rơi thì mặc mưa rơi, ra đây trốn tránh chuyện đời xá chi.

 

TWIN FALLS VÀ CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI HANA

 

Ăn trưa xong thì mưa tạnh, nhưng trời vẫn âm u, hứa hẹn những trận mưa kế tiếp.  Chị em cô cháu bèn rủ nhau ra xem thác đôi, Twin Falls, cách nhà khoảng 5 hay 6 miles về hướng đông của đảo.  Đời thuở nào, đi chơi mà trùm áo mưa, mang dù và lội bùn lõm bõm!  Vậy mà cũng có vài chục du khách lỡ đem con cái đi nghỉ springbreak không nhằm ngày.  Họ cũng như tụi tôi, lội nửa đường rồi rút lui sau khi chụp mấy tấm hình làm của.

Ra xe, Thụy Nhã đề nghị thử lái xe đi Hana xem thị xã có gì hay ho?  Hương nhìn Googlemap, ba chớp ba nhoáng, thấy từ đây tới đó đi một vòng quả trứng phần dưới của hải đảo có hình thể giống cái thân con rùa, dài khoảng 46 miles.  Dù mới tới, chưa nghiên cứu, chưa làm "homework", nhưng bọn tôi ngẫu hứng đi bừa.  Mưa ri rả, nằm nhà mãi cũng chán, cũng hết chuyện nói.

Bọn tôi khởi hành lúc một giờ rưỡi.  Sơn lộ Hana, khoảng nối dài cuả Route 36 nối vào Route 360, giao lộ nối Kahului mạn bắc và thị xã Hana, bên mạn đông gần cái đuôi rùa của Maui, nằm quanh co giữa vùng núi rừng rậm rạp, thỉnh thoảng mới có vài khu dân cư thưa thớt.  Theo Wikipedia, conđườngnày nổi tiếng không những vì vẻ đẹp hùng vĩ, lạ lẫm và bí hiểm, giữa núi cao rừng rậm bên cạnh biển khơi mênh mông, mà còn là di tích lịch sử của một thời an bình và thịnh vượng của Hana nói riêng và Maui nói chung. Từ giữa thế kỷ 16 (1550), Thủ Lãnh Pi’ilani đã cai trị toàn mạn tây và bắc của Maui,và rồi ông cưới người con gái của Ho’olae, thủ lãnh thứ 6 của Hana bên mạn đông. Pi’ilani khởi xướng mở mang, xây dựng con đường với mục đích thống nhất toàn hải đảo Maui.

Con đường thời xa xưa là đường đất đá rất hẹp, bề ngang chỉ từ 4 tới 6 bộ Anh và ngườita đã phải đu dây khi di chuyển qua những con suối chảy mạnh. Sau này, đường được mở rộng ra, cóthêm các cây cầu vào thập niên 30,và hoàn tất việc đổ xi măng tráng nhựa trong thập niên 60. Tuy vậy đường vẫn dốc hẹp và hiểm trở, nhất là trên các đèo cao.  Càng lên cao càng dốc đứng và các khúc quanh mỗi lúc mỗi gắt hơn.  Về nhà an toàn rồi, chúng tôi mới biết là có tất cả 59 chiếc cầu một lằnxe, hai xe đi ngược chiều phải nhường nhau, và 620 khúc cua trên sơn lộ Hana.  Phần đông du khách đổ xô vào các gift shops tìm mua cho được những chiếc T-shirts nói về Hana và con đường nổi tiếng nguy hiểm này, sau khi đã bạo gan đi một chuyến cho biết đá biết vàng.  Iris đã mua tặng Thịnh Hương một chiếc có bản đồ sơn lộ phía sau lưng.  Đằng trước là giòng chữ: I SURVIVED THE ROAD TO HANA!

Những tưởng đi thử ít dặm rồi quay về vì thời tiết xấu.  Ai dè càng đi càng bị mê mẩn vì phong cảnh hùng vỹ của núi rừng nên chị em cô cháu bàn nhau tiếp tục.  Lúc này là cuối đông nên nhiều loại hoa đã bắt đầu trổ bông.  Xen kẽ giữa mầu xanh của lá và mầu đỏ, vàng, trắng, tím của hoa là những ngọn thác trắng xóa như từ trên trời cao đổ xuống.

Những ngọn thác gặp cơn mưa bão được tăng thêm cường lực, mạnh mẽ xuyên thủng nhiều tầng thực vật ngút ngàn, và ầm ầm dọa nạt nhũng người yếu bóng vía như ký điệu nhà ta.  Có những thác ẩn mình thật xa trong núi nhưng cũng có nhiều thác ngay bên lề đường, chảy tràn cả ra lối đi. Bụi nước như những giọt sương bay lơ lửng trong gió.

Mưa bắt đầu nặng hạt hơn trong khi gió hú rào rào bên ngoài xe.  Gió từ biển gió lên.  Gió từ trong núi gió đến.  Khi xe đi qua những vũng nước từ  trên núi đổ xuống, nước tạt lên cao hai bên sườn nhìn giống như canôđang đi trên sông biển. Ngó Iris vất vả vật lộn với gió mưa trên những đoạn đường ngập nước thấy thương quá.  Dế mèn xin thay tay lái cho Iris nghỉ ngơi nhưng bà cô gan góc không chịu nhường.  Lỡ có gì bảo hiểm nó không chịu đền, vì hôm qua chưa kịp điền thêm tên dế mèn vào hợp đồng mướn xe.

Sau hơn ba giờ vật lộn với gió mưa và con đường chênh vênh quanh co, ba người cuối cùng cũng đến nơi.  Nhưng có gì để ngắm?  Thị xã chỉ có hai ba nhà hàng ăn, một ba rượu, một tiệm tạp hóa, một cây xăng và... một nhà bảo tàng tí hon.  Xa xa, nhà cửa ẩn hiện thưa thớt sau làn mưa trắng xóa và những lùm cây xanh rì.  Những ngày trời đẹp có lẽ thị xã cũng... thơ mộng, nhưng hôm nay thì không.  

Chợt thấy một xe cảnh sát ngừng giữa đường ngay ngã tư cạnh cây xăng. Tưởng có tai nạn lưu thông, ai dè anh cảnh sát vác một tấm bảng to đùng ra chặn. ROAD CLOSED!  Cũng vừa lúc đó cell phone của Hương báo có tin nhắn. Ô la la, có signal trở lại!!! Message nói có FLASH FLOOD trong khu vực và mọi con đường sẽ bị đóng cho đến 6 giờ chiều!  Bây giờ là 5 giờ.  Ba bà đi bán xăng chẳng được mà chạy về cũng ớn nhợn con đường vừa đi qua, đành ghé vào quán ăn bên đường mua hai cái burgers giá 40 đô để đi nhờ nhà vệ sinh!

Ăn xong, Iris lái xe trở lại hỏi anh cảnh sát khi nào mở đường.  Anh ta bảo đường sẽ bị đóng tới sáng mai!  Ba chúng tôi ngao ngán thở dài.  Hỏi cô phục vụ cây xăng, cô nói có vài nhà trọ trong vùng nhưng giờ này chắc đã hết phòng vì ai mà dám tiếp tục hành trình gian khổ trong mưa bão.  Bọn tôi bàn nhau trở lại parking lot cuả nhà hàng, ngả ghế xe ngủ qua đêm.

Năm giờ rưỡi xe cảnh sát bỏ đi, nhưng bảng cấm vẫn...nằm ỳ.  Mưa có vẻ bớt nặng hạt.  Iris de xe lại cây xăng cho Thụy Nhã hỏi chuyện cô bán xăng:

-  Ông cảnh sát đi rồi mà không dời bảng cấm.  Bà nghĩ tụi tôi xuống núi có an toàn không?

-  Ổng đi nhưng đường vẫn bị cấm vì lý do an toàn.  Nếu xe của "you" tốt và nếu "you" cần về trong đêm nay thì "you" phải dzọt ngay lúc này trước khi anh ta quay trở lại.  Nhưng "you" phải rất cẩn thận, lái xe giữa lòng đường, đừng đi ven đường kẻo đụng vũng nước sâu là xe bay luôn xuống vực!  Thấy xe ngược chiều thì bấm còi và nhường nhau mà đi.  Nhớ kỹ nè:  Đi giữa lộ để tránh những vũng nước hai ven đường.

Được chỉ dẫn tận tình, Iris vội lách xe vô lề tránh bảng cấm đường rồi từ từ xuống núi.  Chiếc xe màu xanh của chúng tôi bám đuôi một chiếc pickup mầu đỏ.  Iris bảo, mình đi sau nó có lợi.  Có gì nó lãnh trước, mình đi sau mình né!  Ai dè chỉ sau một đoạn đường ngắn nó rẽ phải quẹo vô nhà. Ba bà xuống núi "mình ên", không có ai dám làm bạn đồng hành!  Đi được khoảng dăm bảy miles nữa về hướng nam thì dế mèn la lên:

-  Hai cô ơi, có cell signal rồi nè!  Ủa, mà sao Googlemap nó bảo mình phải đi thêm 50 miles nữa mới về đến Hai Cu (Haiku)!  Hay là mình bấm sai địa chỉ?

Iris và Thụy Nhã châu đầu xem bản đồ.  Vài phút sau, Iris quay lại bảo Thịnh Hương:

-  Nếu mình tiếp tục con đường này thì cũng về được, nhưng coi bộ đường này xấu hơn và dài hơn đường mình mới lên, mà chả biết nó lành dữ ra sao.

Đành bò lên núi lần nữa để quay về đường xưa lối cũ.  Lúc lên đây, cả ba người - không hiểu ai che mắt - mà cứ đinh ninh đi một vòng khứ hồi chỉ có 46 miles.  Ai dè thực tế là 95 miles!  Đúng là...bị cái gì, hay bà này ỷ có bà kia chỉ đường, chứ ba bà này đâu phải chỉ biết nói "Chuyện góc bếp" hay "Chuyện cây vông" mà thôi đâu!

Iris lại tiếp tục một mình lái xe trèo qua núi... Mưa có lúc tăng lúc giảm, gió bớt hú, nhưng bóng tối đã bao trùm vạn vật và sương mù càng thêm dầy đặc.  Trời tối thui, dù có để đèn pha nhưng cũng không thể nhìn xa, và con đường khúc mưa, khúc sương mù, lên lên xuống xuống, quẹo qua quẹo lại, cứ... dài bất tận.

 

Bò mãi rồi cũng xuống khỏi núi.  Hẻm Kulike đã trở nên quen thuộc nên dù mất signal, mất service cũng không còn làm cho chúng tôi hoảng sợ và đi... đậu phộng trong đêm tối.  Đến nhà, đèn điện sáng choang.  Sáng nay ba người quên tắt đèn.  Ngày mai thế nào cũng nhận được email hay message của chủ nhà nhắc nhở tiết kiệm điện nước hộ ông ta vì ở đảo cái gì cũng đắt đỏ.  Ông ta không ở trong mấy ngôi nhà này, nhưng chắc có nhân viên coi chừng nhà cửa.  Chiều hôm qua, Thụy Nhã ra vườn cắt hoa chuối làm gỏi.  Sáng nay ổng nhắn tin, bảo đừng dùng dao bếp chặt cây kẻo nó mẻ. Ủa, không dùng dao thì lấy cái chi để cắt chuối của ông đây, ông chủ nhà?

Tôí hôm nay chị em cô cháu hâm lại nồi cháo gà ăn cho lại sức.  Ngày mai sẽ ra văn phòng điền thêm tên Thụy Nhã để Iris nghỉ phép vài ngày.  Ai mà ngờ người đẹp mình hạc xương mai này lại có thừa bản lãnh để lái tám tiếng đường đèo trong mưa bão mà không hề hấn gì.  Đêm nay trời mưa sấm sét ầm ầm mà Hương ngủ yên, không thắc thỏm như đêm đầu.

 

TẮM BIỂN BẮC PAIA, PHỐ NÚI WAILUKU, VÀ NÔNG TRẠI OẢI HƯƠNG

 

Sáng hôm sau, trời xanh mây trắng.  Nắng nhảy múa trên cây, sương lung linh trên lá và chim hót tưng bừng trên cành.  Nằm trong chăn, Thịnh Hương nhìn qua cửa sổ, thấy một đàn gà quanh quẩn trong sân cỏ, kế bên là một con thỏ nằm gậm nhấm một trái ổi.  Quay sang hỏi Thụy Nhã:

-  Hôm nay nắng, có lên Hana thăm lại mấy thác nước và chụp hình cây cỏ trên đó không?

-  Dạ thôi cô ơi!  Con sợ rồi!

-  Dân chơi sao sợ mưa rơi?

- Hôm qua lên núi tả tơi, hôm nay mình tới cát vàng biển xanh!

Nghe nói đến biển ba người kéo nhau xuống nhà chuẩn bị ăn sáng.  Trước khi lên đường Thịnh Hương mua hai bịch café Philz, một thương hiệu xuất xứ từ San Francisco, và đem theo hai phin pha café.  Ai dè Iris và Thụy Nhã chỉ uống trà và nước lọc.  Ngồi chờ cà phê nhỏ từng giọt từ "cái nồi ngồi trên cái cốc", nghe chim hót rộn ràng và nhìn gà dẫn con kiếm ăn ngoài vườn, Thịnh Hương tưởng đang còn ở bên Kênh 5 Cái Sắn, quê nhà của Iris.

Mười giờ chị em cô cháu đem nhau ra mấy bãi biển vùng Paia (northshore) cách nhà chừng 8 miles.  Tại bãi tắm đầu tiên ba người ghé một sạp trái cây bên lề.  Ôi chu choa, một dollar một trái chôm chôm. Thôi thôi, về Cali mà ăn, thiếu gì, mà lại còn rẻ hơn nhiều.  Thụy Nhã thấy mấy trái mãng cầu xiêm thì sáng mắt lên như mới lượm được dzàng.  Nhất định xòe 12 dollars mua một trái chừng hai pounds, chưa tới một kí lô.  Iris mua trái khế duy nhất còn lại, chia nhau ăn tại chỗ, và mua thêm hai trái đu đủ Hawaii đỏ hườm ngọt lịm.  Hỏi ngày mai ông bà có khế hay không.  Ông nói không biết vì ông không trồng khế, phải mua của người từ xa.

Dế mèn mê biển dù không biết bơi!  Hôm nay trời đẹp nhưng sóng lớn, cô nàng chỉ dám dầm mình trong mấy vũng nước cạn người ta đào trên bãi!  Dầm nước chán nàng tung tăng dạo chơi đầu trên xóm dưới!  Thịnh Hương và Iris thay nhau xuống nước vì phải có người ngồi coi áo quần, giầy dép và túi xách!  Hôm nay không hiểu vì nắng ấm hay vì thấy có nhiều mỹ nhân mặc bikini đi lại mà mấy anh chị rùa biển đưa nhau lên bờ phơi nắng, làm bà con thi nhau bu lại nhìn, chụp hình quay phim.  Mấy anh bảo vệ trực bãi phải chạy tới chạy lui, dùng loa kêu gọi mọi người đừng đến quá gần mấy khách quí của họ.  

Maui ngoài cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng, dân tình hiền hòa và thân thiện, tới nơi nào cũng sạch sẽ lịch sự. Từ quê ra phố, trên rừng xuống biển, không thấy chỗ nào có cảnh lộn xộn dơ bẩn.

Qua những trao đổi với chủ nhà, và kinh nghiệm mấy ngày vừa rồi trên đảo, chúng tôi thấy rằng, người dân ở đây rất yêu quý xứ sở của họ, không phung phí tài nguyên như điện nước và thực phẩm. Họ cùng nhau bảo vệ môi trường như không dùng bịch ni lông và không ai xả rác bừa bãi. Với khách vãng lai, dân bản xứ đối xử  thân thiện. Khi cần hỏi han điều gì, chúng tôi đều được giúp đỡ chỉ dẫn tận tình nên không hề ngại khám phá địa danh mới khi có dịp.

Để đổi phong cảnh, chị em cô cháu dọn hàng đến bãi biển kế tiếp, đằng sau Paia Youth Center.  Bãi này có mấy căn lều bằng xi măng mái ngói, dành cho du khách ngồi nghỉ ngơi, ăn uống.

Cạnh một dãy lều là một bụi dừa ba, bốn cây.  Iris lại trổ tài phó nháy, đạo diễn cho Thụy Nhã làm người mẫu áo tắm.  Mấy đấng mày râu đi ngang quay lại trầm trồ và kín đáo huýt sáo.  Bây giờ đang có phong trào phụ nữ thưa kiện ì xèo, nên quí ông không dám xàm sỡ lộ liễu, sợ bị các bà lôi ra tòa vì tội xách nhiễu.  Ngay cả ông xếp tôi còn nói, bà ơi bây giờ bà có mặc áo đẹp, rất đẹp, tôi cũng không dám khen!

Hổng sao, khen thì được.  Đừng khen bằng tay chân!

Hôm nay nắng và nóng, dù hôm qua mưa tầm tã!  Cả ba đã đói bụng bèn về nhà ăn trưa

Thụy Nhã nói, mình phải ăn hết thức ăn cho đến ngày về nha hai cô!  Đừng để chồng con ảnh hát bài "Ba bà đi bán lợn xề, bán đi chẳng được chạy vể lon ton.  Ba bà đi bán lợn con, bán đi chẳng được lon ton chạy về!"

Ăn xong, lại đưa nhau xuống phố Paia làm một màn mua sắm, vì đây là nơi du khách tụ tập.  Iris mua thêm đồ tắm vì mẫu mã rất đẹp.  Thịnh Hương mua cho cháu gái áo T-shirt, đôi bông tai và sợi giây chuyền chạm hình con rùa.  Điều tình cờ là cô bé thích rùa, đã từng có rùa "cưng" nhỏ xíu, trong khi rùa lại là biểu tượng của Maui. Cháu nội trai thì được bà mua cho con cá nhồi bông vì nó thích cá.  Thịnh Hương tự mua cho mình một sợi dây chuyền cuả một anh thợ bạc.  Anh chàng hét 180 dollars mà rốt cuộc bán có chín chục.

Anh cười duyên, cầu tài:

-  Tôi bán cho bà vì tôi biết bà thích nó ngay từ lúc mới ghé vào.  Sợi này tôi tự tạo mẫu nên chỉ muốn bán cho người biết thưởng thức nó.

-  Khéo nói vừa vừa nhé!

Thịnh Hương nói nhỏ với Iris, "Hồi nãy tám chục y cũng muốn bán rồi!"  Iris tặc lưỡi:

- Thôi chị ơi, cho người ta sống với!  Hôm nay hắn bán ế.  Chị không mua sợi này thì uổng lắm!  One of a kind, có một không hai, chị à. Thụy Nhã cũng mua của anh ta một sợi dây chuyền xinh lắm.

Xong màn mua sắm ba người đến văn phòng thuê xe để thêm tên Thụy Nhã vào hợp đồng.  Giao tay lái cho dế mèn, Iris ngồi làm...lơ!  Sẵn dịp, bọn tôi trực chỉ hướng núi bên sườn phải gần cái cổ rùa của hải đảo, xem thành phố Kahului và Wailuku kế bên có gì lạ.  Đây chỉ là một thành phố nhỏ với dân số khoảng trên 26,000 người, kỹ nghệ nhẹ và là trung tâm mua sắm của Maui.  Khi Thụy Nhã đưa xe lên núi theo đường 32 rồi bắt 320 ngang qua Wailuku, ba người xuýt xoa, trầm trồ, vì khu này quá đẹp.  Đứng trên đây ta có thể nhìn bao quát bãi biển và nhà cửa của các khu Paia và Haiku.  Nhà nào ở đây cũng lớn và đẹp, cũng nhìn thấy những cảnh quan hùng vĩ của núi đồi, cây cối xanh tươi và biển trời bao la bát ngát.  Ngắm bình minh, nhìn hoàng hôn hay những đêm trăng từ trên này thì tưởng mình đang ở thiên thai.  Iris laị lăng xăng làm phó nhòm, làm đạo diễn.

Tối về, chị em cô cháu bày ra làm mặt nạ dưỡng da sau một ngày dãi dầu nắng gió vì chẳng ai thích đi quán bar uống rượu.  Maui không rộn ràng náo nhiệt như Honolulu bên Waikiki.  Đêm nay trời không mưa, gió không hú nên không gian trầm lắng.  Chỉ có tiếng sóng mơ hồ vọng lại.  Thiên thai là đây.

Hôm sau, ba người đồng ý nghỉ biển một hôm để đi thăm Lavender Farm ở khu Kula theo gợi ý của Thụy Nhã.  Google bảo từ nhà chúng tôi đến nông trại dài chừng bốn chục miles.  Bạn ơi, 40 miles ở Haiwaii phải lái xe hơn một tiếng vì đường ở đây phần nhiều leo núi và quanh co như rắn lượn mà vận tốc chỉ chừng 35 miles một giờ, có đoạn chỉ đi được 10 hay 15 miles mà thôi!

Rời Haiku, chúng tôi lên đường, từ Xa Lộ 36, quẹo trái qua Xa Lộ 37 rồi thẳng đường tới Kula.  Trên đoạn dường có tên Cu-La-Má-Hù (Kulamahu), Iris phát hiện một cây lô quất có nhiều trái chín trĩu cành.  Vốn thích ăn lô quất, nàng bảo dế mèn vòng xe lại.  Xuống xe Iris và Thụy Nhã đi vào gõ cửa vì cửa ngõ không đóng.  Thịnh Hương thấy một con chó nên không dám chạy theo.  Lát sau hai cô cháu trở ra nói chủ không có nhà, nhưng quyết định cứ ra hái lô quất rồi để lại một số tiền trước cửa.  Thụy Nhã thuyết giải là họ không "ke" mình hái trái cây này đâu vì trái chín đầy cây mà có ai thèm hái!  Hái xong vài chùm đẹp nhất, to nhất, Iris không quên việc làm phó nháy.  Hình một người, hình hai người, hình selfie cả ba.

Sau nhiều đèo nhiều dốc thì thấy bảng báo đã tới khu vực của Ali'i Lavender Farm tại một ngã tư, và cell phone của Thịnh Hương cũng lên tiếng, "Bạn đã đến nơi, bên tay phải".  Báo xong nó cũng đi nghỉ trưa, không làm việc nữa!  Sáu con mắt nhìn phải nhìn trái mà không thấy dấu vết gì của một trang trại, bèn đi thẳng.  Càng đi càng thấy con đường nhỏ lại và gập ghềnh sỏi đá.  Chị em cô cháu bâo nhau, quái, bảng chỉ dẫn gì mà mù mờ, càng đi càng lên cao.  Không lẽ trại nằm trên đỉnh núi?  Thịnh Hương bảo Thụy Nhã, thôi mình quay lại đi dế mèn ơi!  Đừng dại dột làm một màn "Hana Banana" một lần nữa!  Thụy Nhã và Iris đồng ý vì nghe có lý.  Vừa quay lại lại một lát thì thấy xe pickup trắng mang bảng hiệu của Park Rangers đang bò lên.  Thụy Nhã vội vàng làm hiệu cho anh tài xế trẻ ngừng lại rồi hỏi:

-  Anh ơi, tụi tôi đang tìm đường tới trại Lavender!  Nó nằm chỗ nào vậy anh?

-  Ồ, nó nằm dưới kia, cách đây chừng 5 miles.  Lúc xuống thì nó bên tay trái, có một chòi thu tiền gần lề đường.  Chòi nằm khuất phía trong, dưới con dốc nên khó thấy.

À, thì ra thế, cho nên ba bà mới đi qua tuốt luốt.  Kỳ này về chắc phải vào website của họ để góp ý kiến cái vụ chỉ đường không rõ ràng.  Khi nhìn thấy khu trại mênh mông chị em cô cháu chắc bụng, không sợ lạc nữa, bèn dừng xe xuống... chụp hình, dù lúc đó sương mù đã dầy đặc hơn.  Iris bảo, nắng có vẻ đẹp của nắng, sương mù có vẻ đẹp của sương mù.  Sương mù cho mình cảm tưởng đang ở tiên cảnh.  Rồi bà cô lại làm đạo diễn, sửa vai sửa tóc cho từng người.  Vì đang đứng trên sườn dốc nên Thịnh Hương có cảm tưởng như mình đi nghiêng và thỉnh thoảng muốn chúi người về phía trước.

Sau khi chụp hình đủ kiểu, ba ngườì mới chịu nhổ sào xuống trại.  Trả mỗi người ba dollars vô cổng, bọn tôi không trông đợi gì nhiều.  Nhưng khi mở cửa xe bước xuống chúng tôi ai nấy đều thấy sảng khoái, quên bẵng những muộn phiền trần gian, vì mùi thơm của hoa lá vương vất trong không gian.  Vì trên độ cao nên mây bay lãng đãng làđà ngang tầm nhìn,càng làm cho cảnh trí thêm thơ mộng.  Vào mùa này, hoa oải hương chưa trổ bông nhiều nhưng cũng có nhiều loại hoa nhiệt đới khác đang rộn ràng khoe mầu.  Hoa tú cầu và hoa lay ơn là hai loài hoa phụ được trồng nhiều nhất, nhưng nổi bật nhất vẫn là những bông protea oai phong rực rỡ. Nghe nói tại đây có khoảng 55,000 bụi oải hương với 45 loại khác nhau nằm trong 13.5 mẫu (acres) đất trên sườn núi Haleakala tại độ cao 4000 feet.  Oải Hương (Lavender) không phải là loại hoa bản địa của Maui.  Trang trại này do ông Ali'i Chang sáng lập.  Ông là một nghệ nhân nông nghiệp và cây cảnh.  Vào năm 2001, một ngưới bạn đã tặng ông mấy bụi hoa tím nhạt thơ mộng này.  Với tài năng và lòng yêu cây cỏ, ông đã ươm trồng được một vườn hoa mênh mông với phong thái Nhật Bản.

Lại chụp hình!  Hôm nay Thụy Nhã mặc áo đầm mầu cam nên cô nàng nôi bật giữa hoa lá và sương mù. Hình nào của nàng cũng đẹp, vừa "manger photo" vừa có đạo diễn tận tâm!

Thịnh Hương than, ước gì hôm nay trời nắng thì hình của bọn mình sẽ đẹp hơn nhièu.  Thụy Nhã an ủi, "Sương mù sẽ làm tăng vẻ huỵền ảo, thơ mộng hơn cô ơi!"   Ngắm hoa chụp hình khá lâu, ba người vào gift shop uống trà.  Trà nóng pha mùi oải hương làm ấm lòng du khách trong buổi sáng sưong mù se sắt lạnh.  Thật là đáng công leo núi của hai lão bà và dế mèn phiêu lưu.  Iris mua tặng Thịnh Hương một chiếc dù có thương hiêu ALF (Ali'i Lavender Farm) và hai con chuồn chuồn để giữ làm kỷ niệm chuyến đi đặc biệt này.  Vé vào cửa chỉ có 3 dollars một người, tha hồ cho du khách rong chơi lên cao xuống thấp.  Nhưng có lẽ trang trại cũng thu nhập khá trong viêc bán những sản phẩm họ tự sản xuất như trà, mật ong, xà bông, dầu tắm và kem dưỡng da.  Tất cả đều mang hương vị oải hương dịu dàng.

Sau ba tiếng đồng hồ chị em cô cháu bảo nhau ra về!  Hôm nay đi vậy đủ rồi, về nghỉ ngơi vì hôm nay sinh nhật Thụy Nhã.  Hai bà cô đề nghị đãi cô nàng đi ăn tại một nhà hàng nổi tiếng dưới phố Paia nhưng dế mèn không muốn đi!  Có lẽ nàng sợ cháy túi hai bà cô, nhưng nói là mình chỉ còn vài ngày nữa thôi thì phải ăn cho hết thức ăn mang theo, kẻo mắc công cõng củi về rừng.  Không thuyết phục được dế mèn, bèn làm tiệc sinh nhật nhà nghèo với hoa lá cắt ngoài sân thay cho bánh ngọt và hoa ngoài tiệm!  Lại chụp hình!  Lại selfie ba người!

 

CHỢ TRỜI KAHULUI VÀ KHU NHÀ GIÀU LAHAINA

 

Sáng thứ bảy...Trới hồng hồng nắng trong trong…

Sau bữa ăn sáng ba người lại dẫn nhau đi.  Hôm nay dế mèn thích đi biển nhưng Iris và Thịnh Hương muốn đi chợ trời.  Dế mèn xin hai bà thả nàng xuống bãi biển.  "Khi nào hai cô chán chợ trời thì quay lại đón cháu.  Chàu đã làm ba chiếc bánh sandwiches kẹp chả lụa và trứng chiên để mình đỡ tốn tiền".   Thương dế mèn làm sao!  Sinh nhật của nàng, nàng không chịu đi ăn tiệm.  Hôm nay "hậu sinh nhật" lại còn gói ghém chu đáo.  Phe ta chất ghế và swim board lên xe.  Mấy thứ này chủ nhà cung cấp sẵn nên phải tận dụng!

Thịnh Hương và Iris nhờ Googlemap dẫn ra chợ trời ngoài khu University of Maui gần phi trường Kahului. Đi đâu nàng Iris cũng tha thêm hai ba cái mũ nên Thịnh Hương được nhờ, chứ không hôm nay sẽ bị mặt trời đốt chày dung nhan đang bắt đầu trổ đồi mồi.  Hai bà cô lang thang mỗi người mỗi ngả.  Thịnh Hương lại bị một ông bán nữ trang dụ khị, móc ví lôi visa ra chà, mua cho bằng được hai sợi giây chuyền xuất xứ từ Bali.  Ổng không có máy in hóa đơn nên đưa cho Thịnh Hương một cái business card rồi viết giá tiền vào mặt sau!  Ông bảo, " Bà an tâm.  Tôi bán ở đây đã lâu năm, không ăn gian của ai bao giờ".  Thịnh Hương tự trấn an, thẻ của mình có fraud protection, không lo!  Thời buổi a còng đót com này, sợ cũng không tránh được kẻ có lòng gian. Thôi thì nhắm mắt đưa chân, để cho con tạo xoay vần cho ta!

Sau vài giờ lang thang che dù lội nắng, Thịnh Hương và Iris quay lại biển đón dế mèn.  Vẫn còn mê biển nên Thụy Nhã đề nghị đến khu resort ở Lahaina.  Hai bà cô lắc đầu quầy quậy, "Mi có tắm thì tắm, hai bà già ngồi chơi hóng gió được rồi".

Lahaina nằm gần mỏm đấtphía tây, nhìn giống đầu con rùa, của Maui. Nơi đây từng là thủ phủ của Hawaiin Kingdom vào đầu thế kỷ 19.  Khoảng giữa những năm 1880, Lahaina là một làng chài săn bắt cá heo, nơi tụ tập mấy trăm tầu bè và hàng ngàn thủy thủ.  Nhà văn Herman Melville có viết một cuốn tiểu thuyết về Lahaina, nhan đề Moby Dick.  Thịnh Hương nói sẽ kiếm mua cuốn sách này để đọc cho biết thêm lịch sử Hawaii.

 

Hiện nay Lahaina là một khu thượng lưu, nhà cửa to lớn đẹp đẽ, có một khu resort gồm nhiều khách sạn sang trọng, như Hyat Regency of Maui và Marriott... Thụy Nhã đã có lần đến khu resort này dự đám cưới một người bạn nên nàng chạy một lèo tới Hyat Regency rồi bảo hai bà cô ngồi chờ.  Một lát sau nàng quay ra, mặt mũi hớn hở, cho hai bà biết là họ cho mình đi ngang khách sạn của họ để ra bãi tắm, nhưng mình chỉ được ở ngoài bãi công cộng.  Nếu muốn xử dụng hồ tắm và lều nghỉ của họ, thì mình phải mua day pass.  Thịnh Hương đề nghị mua pass để nghỉ ngơi cho thoải mái, nhưng Thụy Nhã và Iris gạt đi, nói là mình đã mang theo ghế ngồi thì mua pass làm gì.  Lại trùm sò!  Ha ha.  Thịnh Hương và Iris ngả ghế ngồi trên bãi cỏ của khách sạn cho khỏi lấm cát mà không ai tới... mời ra ngoài.  Chắc nhìn tướng hai bà... nhà giầu (hột thị) nên không nghĩ hai bà là khách ngồi ké!

Sau hai giờ ôm ván bơi trong mấy... vũng cạn trên bãi biển, dế mèn trở vào rủ hai bà cô xuống phố Lahaina.  Lại mua sắm, lại chụp hình... Thấy một nhà hàng lớn nằm sát bãi biến, trên đường Front Street, phong cảnh lãng mạn, Thịnh Hương và Iris lại đề nghị đãi sinh nhật dế mèn, nhưng nó cứ một mực từ chối.  Thôi thì thôi nhé, cô nàng khó khăn... Nơi đây, Iris đã mua được cho Thịnh Hương chiếc áo có hàng chữ I SURVIVED THE ROAD TO HANA!  Thịnh Hương cũng mua cho con trai hai chiếc sơ mi hoa lá cành và cho con dâu hai T-shirts có hình hoa sứ, hoa dâm bụt, biểu tượng của Hawaii.  Hai vợ chộng tính rồi.  Sang năm sẽ nhờ bà nội và bà ngoại coi hai đứa cháu để vợ chồng đến đây hưởng tuần trăng mật lần nữa.

 

Tối hôm nay cơm chiều xong chị em cô cháu chuẩn bị hành lý cho ngày mai về Cali.

Chưa về mà chúng tôi đã nhớ Mauii rồi!  Maui, hải đảo thơ mộng với dân tình hiền hòa dễ mến, với rừng núi quanh co, với biển xanh mầu ngọc bích, vẫn còn nhiều thắng cảnh chưa thăm hết.  Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng thiên nhiên và khám phá núi rừng, muốn thưởng thức scuba diving hay snorkeling, thì đây là chỗ bạn nên tới.  Nơi đây không đông người hay huyên náo như Honolulu.  Nơi đây có những nơi sang trọng cho bạn ở, nhưng cũng có những căn nhà B&B trong khu Haiku chờ đón du khách thuộc loại "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ.”

-  Tạm biệt những cây sứ thơm ngát và những bông thiên điểu rực rỡ.

-  Tạm biệt những con dốc, những khúc quanh và những thác nước hùng vỹ trên đỉnh Hana.

-  Tạm biệt căn nhà gió hú trong hẻm Kulike khó kiếm!

-  Tạm biệt Haiku và năm ngày thần tiên của ba người đàn bà đến từ California.

Aloha and Mahalo!

Thịnh Hương, Iris Đinh và Thụy Nha

 

Ý kiến bạn đọc
22/04/201815:43:31
Khách
Cảm ơn chị Phương Hoa, chị Hằng, Mão Bà Bà, Lê Như Đức, Tran Van và TM đã đọc và góp ý! Những lời khích lệ sẽ giúp Ba Bà Ca Li hăng hái đi chơi nữa và viết thêm.
Công chị TH lớn nhất cho bài viết này. Maui và nhất là con đường Hana đẹp lắm. Vô đó giống như lạc vô mê hồn trận, say đắm không muốn ra chứ không phải ra không được. Cơn mưa bão càng làm cho sức quyến rũ mãnh liệt hơn. Khi viết ra đọc thấy dài, nhưng khi ở đó gần giống như một Imax movie, mọi hình ảnh tuyệt vời đập vào mắt, cảnh quan âm thanh đến từ tứ phía cộng thêm cảm giác
tai hơi bị ù vì sức ép khi lên cao. Thiệt là phê :)
ID đã không sợ hãi, chỉ tập trung vào tay lái cho vững, và thưởng thức, cảm nghiệm với tất cả 6 giác quan vì con mắt phải chú ý vào con đường trước mặt mất rồi. Nếu biết chắc thiên đàng cũng đẹp như thế, ID sẽ cố gắng sống tử tế hơn, đùa thôi. Mến!
22/04/201813:08:08
Khách
Đúng là gần cùng mình đó 3 nàng ơi. Đọc đoạn lái xe của Iris mà sợ quá xá dù biết là đi về bình an mới viết kể lại được. Nhỏ TN quá dễ thương luôn, chịu khó đi chơi với “người lớn” làm TM nhớ lại nhiều năm trước đã được cơ hội đi với cô bé ở Minnesota và Florida.
Cám ơn Iris đã kể lại chuyến đi Hawaii rất chi tiết và hấp dẫn này.
21/04/201816:52:25
Khách
Bài viết "ba chàng ngự lâm pháo thủ" thuật lại chuyến đi " đại náo Maui" này đọc dzui wá ! Lời văn dí dỏm, ví von trào lộng lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối bài. Từng địa điểm đã đi qua và cảm giác của ba bà Cali ở mỗi nơi được thuật lại một cách sống động.

Đoán chừng ba bà Cali và độc giả hâm mộ sẽ lại có dịp tái ngộ vì bài viết này xem ra có xác suất cao sẽ được trúng giải của VVNM, và nếu vậy, chúng ta sẽ lại có dịp được đọc về một chuyến tiếu ngạo khác nữa của ba bà.
21/04/201814:58:46
Khách
Gia đình tôi có truyền thống Hướng Đạo. Trong các buổi cắm trại, một đôi khi đoàn Hướng Đạo Yên Thế của tôi thường hay kết hợp với Gia Đình Phật Tử (GDPT) vì chúng tôi sinh hoạt ngay trong sân chùa. GDPT thường mở đầu bằng bài hát nổi tiếng của người anh cả của họ, nhạc sĩ Lê Cao Phan, với bài “Phật Giáo Việt Nam”. Có lẽ không người Phật tử nào không một lần hát ca khúc: “Phật Giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay. Một lòng chúng ta tiến lên vì đạo thiêng”.
Nhạc sĩ Lê Cao Phan chuyên viết về những ca từ cho thiếu nhi như: “Hai chú gà con đi chơi với nhau. Chú che cái dù, chú đội mũ trên đầu”, hay “Tập tầm vông, tay không tay có. Tập tầm vó, tay có tay không”. Hai ca khúc khác đề của ông lại là hai bài nổi tiếng nhất: bài “Phật Giáo Việt Nam” và bài “Ba bà đi bán lợn con”.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, chúng ta chắc không lạ gì người nhạc sĩ trải nỗi lòng thật xúc cảm qua bài Phật ca. Tuy nhiên, bài “Ba bà đi bán lợn xề” làm tôi thắc mắc ít nhiều. Từ “lợn xề” biểu tượng cho…già và …mập. Rồi có lẽ không biết làm ăn nên “lon ton chạy về” bị “Ba thằng cu Tí học lười chúng đi cùng mẹ chọc hoài đàn heo”. “Học lười” là học cá tính của mẹ chúng hay chăng?
Bài viết dí dỏm, thật tươi vui trong nghịch cảnh khó khăn của thời tiết. Chỉ có sự so sánh “ba bà đi bán” là thật…xí xọn.
20/04/201820:29:30
Khách
Đọc một mạch xong, cảm thấy mình cũng đi Maui-Hawaii ké rồi, chuyến đi thành công trong hồi hộp, nhưng mà dzui. Mừng 2 bạn và dể mèn về Cali bằng an.
Mão bà bà
20/04/201816:07:03
Khách
Vui thì vui thật nhưng nghe cũng kinh quá! Iris thật là gan cùng mình.
Cám ơn Chúa thương, Phật độ đã cho Ba Bà Cali, những người bạn quý của tôi về đến nhà an toàn.
20/04/201815:36:23
Khách
Ui! Chuyến đi của ba nàng nghe vui nhưng cũng...run quá! Nghe kể lái xe chạy trên triển núi mà phải chạy giữa đường vừa sợ lọt xuống hố sao nghe ớn đã gà! Thiệt là “hú hồn” cho ba bạn tui!
Mừng về lại Càli bình an!
PH
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,641,006
Mừng năm mới 2019, mời gặp lại một tác giả thân quen. Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.