Hôm nay,  

Lạc Mất Mùa Xuân

15/03/201800:00:00(Xem: 19706)
Tác giả: Mai Hồng Thu

Bài số 5271-19-31116-vb5031418

 
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

 
***
 

Năm cuối tiểu học, nó là một trong những học sinh giỏi đại diện bạn học đi đám ma thầy hiệu trưởng. Thấy nhiều người thương tiếc khóc lóc thảm thiết, nó thắc mắc người chết có nghe, thấy và cảm nhận được nỗi buồn của người ở lại không? Mỗi lần trong xóm có đám ma, nó hay chăm chú lắng nghe người thân kể lể than khóc với người chết. Cảnh người mẹ, người vợ trẻ, người yêu gục xuống bên quan tài người lính trẻ của cả hai chuyến tuyến, cho nó biết nỗi đau tử biệt. Cảnh những người thân lặng người nuốt nước mắt vào lòng khi hạ quan tài lấp đất, lặng lẽ u ám quá.

Nó không tưởng tượng được nó sẽ làm gì trong hoàn cảnh của họ. Vì đi Mỹ và thời gian bó buộc, nó không có dịp đưa tiễn linh cữu của những người nó yêu thương nhất. Nỗi đau tử biệt cũng đã hòa vào nỗi đau sinh ly tự lâu rồi. Tình thương của họ vẫn sống mãi bên nó, giúp nó đi tiếp đoạn đường đời buồn vui lẫn lộn bấy lâu nay. Thỉnh thoảng, nó vẫn thắc mắc, người chết có đầu thai không, có linh hồn không, có thế giới vô hình không ? Và nó, đôi lúc ước gì, mình sẽ được đoàn tụ với những người thương yêu đã khuất, một ngày không xa.

Sống vui hay buồn, nó vẫn phải sống. Nhưng chết vui hay buồn, thỉnh thoảng nó vẫn còn lo. Nó cố gắng sống tốt để mong được chết tốt. Sức khỏe yếu, tinh thần của nó cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Càng học hỏi nghiên cứu, nó càng khẳng định yếu tố di truyền, môi trường sinh trưởng và nhân sinh quan là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá trị sống chết của một người.

Nó sợ là người vô dụng, là gánh nặng của xã hội và người thân. Nó sợ vì nó đã từng gặp rất nhiều trở ngại, vất vã đấu tranh để cố sống cho đúng nghĩa một người tử tế, dù chỉ làm một tia nắng nhỏ góp mặt với đời. Khi gặp trắc trở, nó càng suy tư và nghiệm thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người mắc bệnh nan y, những người vô gia cư, những người bán linh hồn cho quỷ dữ, và nhất là những người đánh mất chính mình giữa cõi đời gian truân đầy thử thách này. Nó cố vơ vét chút niềm tin, hy vọng và tự vực mình lên từ  đáy sâu tận cùng của tuyệt vọng rất nhiều lần, để sống vui và hữu ích hơn.

Mười bảy tuổi, lần đầu tiên nó thấy hai người con gái xóm bên tự tử để chống đối người cha tập kết trở về chưa lâu đã theo vợ bé. Người đàn bà mất chồng, sau mất con, vật vã khóc than và trở thành ngơ ngáo. Bà đổi nghề lên đồng bám víu linh hồn các con và sống lang thang nhờ lòng tốt của những người biết quá khứ của bà. Nó tự hỏi: không biết con bà có linh thiêng phù hộ mẹ? Người cha nghĩ gì, sống ra sao, sau cái chết đó? Ai nghĩ sao cũng mặc, một gia đình đã tan nát.

Về Bình Long, nó chứng kiến cảnh hai người bạn hàng ngoài chợ, tự tử vì họ là một cặp tình nhân đồng tính bị cha mẹ phản đối và từ bỏ. Bàn tán xì xầm rồi lại lắng dịu. Mặc trời vẫn mọc. Sự thiếu hiểu biết về gốc rễ của giới tính, thường đã, đang và sẽ còn tạo ra những thảm kịch khắp nơi trên thế giới.

Qua Mỹ, lạc lõng giữa những người Bắc đồng hương của chồng, nó thường nghe anh Thế, hàng xóm người Nam tâm sự. Anh buồn khi bị mẹ mắng nhiếc đay nghiến vì không giỏi kiếm tiền bằng em trai. Từng chung hoàn cảnh nên nó thông cảm và thân với anh. Anh nói: đã lớn tuổi, tiếng Anh kém học không nổi, làm công nhân thì không thể một bước lên trời, đành phải cố nhẫn nhịn. Một ngày kia, hàng xóm hô hoán anh treo cổ tự tử. Mọi người xì xầm, mẹ anh khóc lóc than trách rồi mọi sự cũng trôi vào quên lãng. Ánh mắt trầm buồn của anh vẫn thỉnh thoảng ám ảnh nó. Nó không hiểu linh hồn anh có bình an nơi cõi vĩnh hằng không.

Ở Cali, nó từng giúp một người quen thoát khỏi ý nghĩ tự tử vì tình. Linh, bồ bạn nó, quen lúc học tóc. Cô nói, quen anh để nhờ vã chứ không yêu. Anh có con riêng và không chăm nom đàng hoàng, nên cô không quen lâu dài. Cô còn qua lại với một cây si khác. Biết vậy nhưng Linh cam lòng chấp nhận. Một hôm, cô bay qua Florida gặp cây si thứ ba có điều kiện tốt hơn, kệ Linh năn nỉ. Nó, cùng một người bạn khác, được Linh mời đi ăn tối, nghe nhạc và về nhà anh tán dóc. Anh kể chuyện tìm cách mua súng tự tử. Họ không bán ngay, bắt học luật trước, anh muốn chết thôi, không học. Hơn nửa đêm, tiệc tàn mọi người chuẩn bị ra về. Nó không an tâm khi thấy anh bắt đầu hít thuốc phiện. Nó đem phần bột trắng còn lại bỏ vào bồn cầu dội đi. Ngủ tạm ở phòng bên dù đã khóa chặt cửa, nó cũng sợ nhưng không nỡ bỏ về. Thỉnh thoảng nó chạy ra dòm chừng anh đang nằm lờ đờ nghe nhạc ầm ĩ ở phòng khách. Chợt nó nhớ tới Tân, bạn anh. Trời cũng đã sáng, nó gọi anh Tân nhờ anh đến lo giùm. Biết chuyện, anh Tân lật đật chạy đến. Sau đó, anh Tân liên lạc gia đình Linh để họ khuyên giải anh. Hai tháng sau, Linh vui lại và tỉnh táo hơn nhiều. Anh gọi nó ra ăn trưa và ngỏ lời cám ơn nó đã giúp anh lần đó. Nó lại thắc mắc, không biết nếu nó bỏ về, thì anh có vì mớ bột trắng mà đi “bán muối” hay sa vào nghiện ngập không. Nhưng nó thấy anh Linh biến thành cay cú hằn học, nó thắc mắc anh ta từng lạc lòng vì yêu người hay chỉ yêu mình. Nó tránh liên lạc với anh từ đó.

Rồi nó ngỡ ngàng khi nghe tin một anh nha sĩ tài ba trẻ, hiền, có nhiều cống hiến cho cộng đồng Việt, tự tử ở nhà riêng. Tin danh hài Robin Williams của phim Good Morning,Việt Nam tự tử càng khiến nó có thêm nhiều suy tư thắc mắc. Nó tìm tòi học hỏi, lấy nhiều lớp tâm lý học và các khóa trị liệu giúp đỡ người bị trầm cảm. Nó có dịp gần gũi và an ủi nhiều người chán đời nặng, nhẹ đủ kiểu. Nó cố học cách đồng cảm và thấu hiểu họ nhiều hơn. Muốn gần những tâm hồn thiếu nắng, gỏ cửa trái tim họ, không dễ. Muốn sưởi ấm và giúp họ mở lòng chữa trị vết thương lại càng khó khăn tột bực. Chỉ cố gắng thôi.

Nó thêm bàng hoàng khi một người bạn thânq đột ngột qua đời vì tai nạn, người gây tai nạn là một kẻ chán đời. Cơn đau chưa nguôi, nó nhận được tin em cũng kết liễu cuộc đời ở một nơi xa xôi lắm. Cô gái khả ái, kín đáo, tế nhị đã không thể xóa bỏ được những ám ảnh dĩ vãng tang thương trong lần vượt biển năm xưa. Em cô đơn sống sót và sinh tồn nơi xứ người. Nhưng em luôn dành thời gian tìm kiếm tông tích của những người thân đã mất tích trên biển Đông. Khi em đặt chân tới hòn đảo cuối cùng thì hy vọng cũng tắt lịm theo hoàng hôn. Em chọn gieo mình vào lòng nước lạnh giá để đoàn tụ với họ.

Em, cánh én bơ vơ lạc lõng, yếu lòng lạc mất mùa xuân. Em để lại trong lòng những người thương em, nỗi buồn vời vợi, nuối tiếc khôn nguôi.

Nghĩ về em, nó thấy ghét mùa xuân vô hạn. Mùa xuân của sum vầy, của lễ hội, của những  bắt đầu. Nhưng em tìm ai để sum vầy, em không tìm thấy sự bắt đầu. Em tài hoa, sâu sắc, hiểu biết rộng và luôn luôn nhẹ nhàng như tia nắng ấm. Những nổ lực khó khăn khi xây dựng một cuộc đời mới nơi xứ người đã cho em cuộc sống tự do, thành đạt, nhưng không đủ hạnh phúc để em xóa bỏ những đau thương mất mát cũ. Nơi đây, em không tìm được tình thân, không tìm thấy quê hương. Vì thế, em cô đơn vùng vẫy tuyệt vọng trong nỗi đau quá khứ, cùng những kỷ niệm ngọc ngà bên mẹ và em. Họ đã không được may mắn như em được bình an đến miền đất hứa. Nhiều năm trôi qua, em sống dằn vặt, đau xót nhớ thương, tìm kiếm trong tuyệt vọng, và cố gắng buông bỏ tìm quên. Rồi em đã bỏ cuộc. Em chọn con đường phi khoa học, phi hiện thực để tìm đến bên người thân, chìm theo dòng nước lạnh.

Em tự biến mất khỏi cuộc đời như một vì sao băng.

Nó hiểu được vì sao em thích sống khép kín khi cố giữ mình đứng bên lề cái thế giới duy vật hời hợt đầy bon chen ngoài kia. Em gói tâm hồn mình với vùng trời kỷ niệm xưa, bên những người thân yêu đã mất. Quê hương và đất nước đã đổi chủ thay lòng. Những con đường xưa chỉ còn trong ký ức xót xa. Đời sống tất bật khiến vài tình bạn tốt, những sinh hoạt cộng đồng đây đó, không đủ xoa dịu nỗi đau của em. Người người bận rộn chạy đua với thời gian và sự tiến bộ của hệ thống điện não. Em vẫn muốn đi lùi về quá khứ để chờ mong một phép mầu. Thảm cảnh biển Đông, vẫn chưa thể nhòa vào dĩ vãng.

Cái giá của tự do, khi phải mất đi những người thân yêu nhất, một mình lạc lõng sinh tồn nơi xứ người, đắt quá. Nó hiểu vì sao em chọn ra đi dứt khoát và âm thầm. Nó nghĩ hoài về sự bỏ cuộc của em, để chấm hết những khoảnh khắc đau đớn yếu lòng. Những kẻ tài hoa như em, thường dằn dặt, dấu kín tâm tư, dù vẫn gượng mang niềm vui cho đời. Họ không thể thảnh thơi với cuộc sống thực dụng và những đam mê danh vọng tầm thường. Chính nó cũng có những đêm trằn trọc, quằn quại, vùng vẫy cố quên đi quá khứ, níu kéo niềm tin vào tương lai. Đêm vẫn dài đằng đẳng như ngày mai mù mịt.

Và hy vọng cứ dần hao mòn khiến người ta mệt mõi vô biên.

Không phải ai cũng dễ hòa mình vào thế giới đầy bon chen, xa hoa, trót lưỡi đầu môi, khoe khoang chức vị và danh vọng. Đôi khi nó cũng thấy mình bế tắc và bất lực với những hoài bão khó thành hiện thực. Nó vẫn cô độc giữa những nụ cười và những cuộc họp mặt quấn quýt tạm thời. Nó không thích những lời tâng bốc, ngọt ngào sáo rỗng đầy phần lịch sự, lễ nghi. Nó không thể nào dung hòa nổi vào ánh hào quang bề nổi chớp nhoáng che đậy bao nhiêu toan tính trá hình. Bốn bức tường mà nhiều người cô độc sợ phải đối diện, với nó lại là cái vỏ ốc an toàn ẩn úp những lúc lạc lòng, bất an. Nó không sợ cô đơn nhưng nó buồn vì thế giới rộng lớn ngoài kia, chân tình sao mong manh và không biết đang chơi trốn tìm nơi nào. Nó không muốn thoát tục nhưng nó không thể dung tục vô tội vạ. Nó từng lăn lộn kiếm ăn, chung đụng với nhiều tầng lớp xã hội; nhưng nó chưa bao giờ cảm thấy hãnh diện vì mình đã có nhiều cơ hội sống vô tâm để đạt thêm thành công. Giá trị đích thực làm người tử tế khó định nghĩa ở thời đại văn minh này. Và những người con xa xứ, vẫn luôn hướng về quê hương dân tộc, thêm mệt nhoài khi không thể ngoảnh mặt quay lưng.

Nó cố gắng không chạy đua theo nhịp sống của một xã hội tiến triễn không ngừng. Sự thay đổi đến chóng mặt giúp mọi người tiết kiệm nhiều sức lao động chân tay và trí óc, nhưng lại cướp đi rất nhiều thời gian, tâm tư và trí tuệ người tiêu dùng. Vô hình chung, người ta say mê những kỷ thuật mới hơn yêu thương nhau. Nó tránh lại bên lề, chạy lùi về dĩ vãng của một thời thiên nhiên là sức sống của muôn loài. Nó chọn giết thời gian vào công việc và những dự định tương lai. Nó tạm thời thà bị “đô” vật, để tham “dzọng”, mong lấp kín khoảng trống trong tâm hồn. Những ngày cuối tuần và những ngày lễ, là những lúc nó tham công tiếc việc, bận rộn, tránh bớt những mối giao du vô bổ. Nó không muốn có thời gian để những ý nghĩ tiêu cực ám ảnh. Nó trở thành con người lập dị, khác thường. Thỉnh thoảng, quá mệt mõi, nó muốn buông xuôi nhưng vẫn không chịu cam lòng.

Nó vẫn gàn bướng, khư khư lạc loài đi tìm mùa xuân của riêng mình. Mùa xuân tuổi thơ, ấp ám dưới mái gia đình bình an, nơi chôn nhau cắt rốn, dẫu khốn khổ một thời. Thứ ấm áp không thể tìm lại và cũng khó cầu mong ở tương lai. Phải sống thờ ơ để hòa mình vào những trào lưu mới ngày càng duy vật, giả tạo, với nó, là một cực hình khó chịu đựng được. Khi người ta lấy tự do làm cái cớ xuyên tạc đạo đức và lương tâm, mọi tranh biện trở thành vô nghĩa. Khi người ta hăng say xây dựng tương lai mới bỏ quên cội nguồn, họ vẫn không thể thay đổi màu da, màu mắt. Bơi ngược dòng, lạc lõng giữa hai dòng văn hóa Việt Mỹ, cố gắng dung hòa, níu kéo, ngày tháng mâu thuẫn thật là khó trôi. Có ai thích “sống qua ngày, chờ qua đời”? Trong khi đó, bọn tư bản đỏ “nằm vùng” ngày ngày càng tràn lan như bệnh dịch, chuyện góp sức cho cộng đồng Việt, cho quê hương gặp biết bao nhiêu là khó khăn trở ngại.

Nó hiểu vì sao nhiều người âm thầm bỏ cuộc, tự tử khi tuổi còn quá trẻ, bỏ cơ hội và hy vọng trở mình.

Hai chữ tự do, hạnh phúc bao la quá, mà nhiều lúc ta lại nhỏ bé khôn cùng.

Một cánh én có làm nên mùa xuân? Bao cánh én lẻ loi, vẫn còn đang nhọc nhằn giang cánh. “Làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu”, bạn nó thường nhắc nhở. Mặc dầu, cô đã thành đạt vượt trội trong cuộc sống mới, nhưng lòng cô vẫn còn khắc khoải băn khoăn, trăn trở nhìn về quê hương và quá khứ.

Những lúc nghe mưa, nhớ đến Sài Gòn và kỷ niệm tuổi thơ bình an, nó nhớ đến sự ra đi của em.  Hằng năm, nó cũng lấy phép như em, bay đến phi trường Suvarnabhumi, đến những nơi em đã đến, cầm những tấm hình em đã cầm, gỏ cửa từng nhà hỏi thăm, với vốn tiếng Thái ít ỏi học vội, để nhận lấy những cái lắc đầu ái ngại đó đây. Nó đã ngắm nhiều hoàng hôn xứ tháp chùa, nghe bao giọt mưa tích tách, lắng nghe lòng mình và để cảm nhận nỗi đau của em, người bạn chưa một lần biết mặt. Nó hối hận vì có chuyện buồn riêng, đã bỏ lỡ dịp tìm gặp em năm nào.

Vài năm sau, trong lúc cầm ảnh mẹ em đi hỏi thăm, có người dẫn nó đến làng kế bên. Nó gặp được cô gái giống y như người trong ảnh. Người ta kể, họ cứu được cô trong một lần đi đánh cá. Cô nóng sốt mê man bất tỉnh mấy tuần. Sau đó, cô bình phục nhưng không nhớ gì về quá khứ. Cô giỏi tiếng Việt, Anh, và Thái. Hiện cô dạy trẻ trong làng học tiếng Anh. Cô trò chuyện với nó bằng tiếng Việt thân thiện vui vẻ, dù không còn nhớ nó là ai. Cô nói, lâu rồi không có dịp nói tiếng Việt. Nó nhận là chị họ của cô, sống ở Mỹ. Ở đó, hệ thống Internet rất mắc, ít ai có nhu cầu sử dụng. Mọi người sống gần gũi với thiên nhiên, hiền lành chất phát, hạnh phúc bình phàm. Nó và cô tâm sự rất nhiều, nói gì cô cũng tin và không hề hỏi về quá khứ, và nó thấy không cần phải khơi lại dĩ vãng buồn đau.

Cô sống bình an và hài lòng với hiện tại, bên cha mẹ nuôi và em gái người Thái. Nó gởi họ chút tiền giúp tu bổ trường. Chia tay trong lưu luyến, nó hứa sẽ trở lại thăm cô hàng năm vào mùa này.

 Xin cầu nguyện cho những linh hồn lạc lõng ở biển Đông, những tâm hồn  tha hương luôn vọng quốc, và cầu nguyện cho mùa xuân tự do an lành mau về trên quê hương Việt Nam thân yêu.

Mai Hồng Thu

 

Ý kiến bạn đọc
11/05/201804:25:39
Khách
Cô bé này muốn chiếm giải nhất VVNM năm nay hay sao mà 3 bốn bài viết, bài nào cũng bấm số độc giả nhảy lên vù vù quá lộ liễu rõ rệt (mới có mấy tiếng đồng hồ đã bấm nhảy lên cả trăm độc giả) làm nguời vốn trước đây có thiện cảm với cô nay cũng bắt đầu có cái nhìn khác.
06/05/201806:44:01
Khách
Tác giả có sức viết tốt và Các bài viết theo tôi chỉ ở mức trung bình .Tình cờ tôi thấy 3 bài viết của tác giả có con số người đọc tăng nhiều nên tìm đọc lại Tôi thấy rằng so với các bài hay và số lượng người đọc của của các tác giả khác thì các bài của tác giả này khò có thể có con số người đọc nhiều như vầy.
Tôi mong có sự trung thực vì những con số được thổi lên đến con số choáng ngợp không phải do bài viết hay mà do thủ thuật computer là không nên.
Chúc tác giả viết hay hơn trong những bài viết mới.
17/03/201816:58:06
Khách
Xin cảm ơn bạn Tran Vam đã quá khen và cung cấp thông tin hữu ích. Mến chúc bạn và người thân luôn vui khỏe bình an, cuối tuần nhiều điều như ý.
16/03/201817:40:25
Khách
Một bài viết xúc cảm, hay cả về nội dung lẫn lời văn về bi kịch của một người tỵ nạn Cộng sản đã mất thân nhân ở Biển Đông trên hành trình đi tìm tự do.

Nghe nói năm 2013, ở Westminster- CA, hai ông Tăng Bảo Can và Ngô Văn Việt có thành lập tổ chức “Tìm Trẻ Vượt Biên Mất Tích Ở Ðông Nam Á” (South East Asia Missing Children Foundation – SEAMCF) để giúp tìm kiếm những thân nhân mất tích .
15/03/201817:37:10
Khách
Cảm ơn K. A.
D biết mình không khéo ăn nói, nên ít hồi âm ý kiến bạn đọc, dù vẫn luôn trân trọng mọi góp ý...hy vọng mọi người thông cảm. D sẽ cố gắng làm tốt hơn từng ngày. Chúc K. A và gia đình luôn bình an vui khỏe, và thành công với mọi dự định tương lai.
15/03/201807:50:16
Khách
" Lạc lõng giữa hai dòng văn hóa Việt Mỹ, cố gắng dung hòa, níu kéo, ngày tháng mâu thuẫn thật là khó trôi...
Trong khi đó, bọn tư bản đỏ “nằm vùng” ngày ngày càng tràn lan như bệnh dịch, chuyện góp sức cho cộng đồng Việt, cho quê hương gặp biết bao nhiêu là khó khăn trở ngại. "
Kh A rất hiểu cảm giác này, MHThu.
Nhưng, cứ cố gắng, bạn nhé. Niềm an ủi là ý nghĩ ở ngoài kia cũng còn nhiều người đang cố bơi giống mình, khi có đủ duyên thì sẽ gặp.
Với lại, khi chán nản hãy tự hỏi mình: nếu không cố gắng làm việc có ý nghĩa mà hòa với số đông coi hưởng thụ và hào quang cá nhân là trên hết, lúc đó liệu mình có vui ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,641,340
Mừng năm mới 2019, mời gặp lại một tác giả thân quen. Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.