Hôm nay,  

Gạo, Nước, H.O., và Ăn Ở Tại Mỹ

09/08/201700:00:00(Xem: 15084)
Tác giả: Lại Thị Mơ
Bài số 5188-19-31032-vb4080917

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.

* * *

Hồi bị đứt phim, tan hàng, dân mình khổ quá chừng. Trong miền Nam hồi đó lúa gạo đầy đồng. Người mình thường dùng lon sữa ông Thọ để đong gạo. Mặc dù hồi đó đa số nhà nào cũng dùng nồi cơm điện để nấu cơm. Nồi có vạch chia nước theo từng cup gạo. Nhưng không ai dùng cái cup đó để đong gạo. Tất cả đều dùng lon sữa bò. Khi người lớn dặn nấu cơm: lon sét là múc bằng, lon vun là múc có ngọn. Gần tết có gạo mới, ít nở nên phải nấu nhiều hơn bình thường, và phải đổ ít nước cho cơm khỏi nhão. Qua tết vài tháng gạo bắt đầu khô, nở nhiều nên bớt gạo lại, cho nhiều nước hơn.

Tôi phải đi chợ nấu cơm từ năm 13 tuổi, vì mẹ đi làm từ sáng sớm và trở về nhà khi thành phố đã lên đèn.

Nói thế có nghĩa là khi lên đại học tôi đã nấu biết bao nồi cơm. Vậy mà tôi không hề biết một lon gạo khi nấu sẽ được ba bát (chén) cơm lưng. Hễ mẹ bảo nấu mấy lon thì nấu, mỗi người ăn mấy chén đâu ai để ý. Còn dư thì cất đi.

Gạo để trong lu, hết thì ra tiệm tạp hóa đầu ngõ kêu mang cho bao gạo chỉ xanh100kg. Than, dầu, nước mắm muốn mua lúc nào cũng có. Trữ làm chi?

Tới khi mất nước tan hàng, chỉ ít lâu sau mọi người trong miền Nam mới biết thế nào là gạo hẩm, khoai lang sùng. Không còn dầu hôi đốt lò, không còn than đước mà thay bằng than đá vụn. Mỗi nhà được mua số lượng giới hạn, mang về nắm lại như quả trứng, phơi khô mới cháy được.

Bọn sinh viên chúng tôi bị gom đi lao động đào kênh. Tôi vô chân nấu cơm. Một người lính bộ đội phát gạo để nấu cơm. Anh ta tính đầu người, bảo mỗi người được ăn hai chén cơm, và phát đúng số gạo để nấu. Lúc đó tôi mới biết một lon sét (lon sữa bò) nấu được ba chén cơm lưng. Điều mà tôi tình cờ biết được, tôi kể lại cho các bạn nghe, ai cũng chưng hửng, cứ như là nhà bác học Archimedes tìm ra lực đẩy của nước, cũng do tình cờ đi bơi.

Cái đám học trò tiểu tư sản đó sau này còn học được thêm nhiều thứ, từ những anh chàng bỏ trốn vào bưng, nay trở về thành các đoàn viên tiên tiến. Toàn cậu ấm cô chiêu bây giờ ăn cơm nắm chấm muối ớt rang với bột ngọt. Sang hơn thì có nước mắm mỡ.

Cơm thì chỉ được ăn lưng lửng, bởi vậy mấy miếng cháy coi như món tráng miệng tuyệt vời.

“Dưới sức người sỏi đá cũng thành cơm.” Câu thơ “thi đua” của Tố Hữu chỉ nghe khi cộng sản vào chiếm miền Nam, đã làm bao người tù bị ám ảnh mỗi khi nhớ tới.

*

Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời. Bằng đủ mọi cách người Việt cuối cùng cũng định cư ở nước ngoài khá nhiều. Lúc đầu chỉ một số ít ra đi trong khoảng thời gian nhốn nháo trước ngày 30 tháng Tư. Tất cả đều ở Mỹ, đa số chọn Cali, như một sự tình cờ. Cũng có thể là do thời tiết tiểu bang này nắng ấm.

Sau đó tới phong trào vượt biên. Khi nghe người thân được tàu vớt, coi như thoát chết, ai cũng mừng. Ai cũng nghĩ những người này đã tới thiên đường, sẽ được ăn sung mặc sướng, và sẽ kiếm được nhiều tiền. Ai cũng tưởng vượt biên là sẽ được sống ở Mỹ. Thì mấy người thoát trong giây phút cuối cùng đều sống ở Mỹ mà. Đứa con phải viết thư giải thích cho bà mẹ già, con được tàu Nauy vớt, nên con phải định cư ở Nauy. Về luật hàng hải quốc tế, con tàu của quốc gia nào đại điện cho quốc gia đó.

Gia đình gom góp tất cả mới đủ tiền cho đứa con trai vượt biên. Mấy tháng sau nhận được thư con đang sống ở Nhật. Các đứa em mừng quá, bây giờ tha hồ xài đồ của Nhật. Cái gì made in Japan TV, đồng hồ, mỹ phẩm đều là số một. Chờ hoài chờ hoài. Hỡi ơi có ai biết người được tàu Nhật vớt đang điên cái đầu vì ngôn ngữ, vì những gì phải học để bắt đầu cuộc sống mới. Người ta bảo sống ở Nhật rất khó được vô quốc tịch, kiếm tiền cũng khó khăn lắm. Bởi vậy không có dư để gởi quà về cho gia đình. Mẹ già an ủi những đứa em, thôi ráng đi mai mốt thế nào cũng có quà.

Sau vài năm định cư, mọi người trong nước bắt đầu có hy vọng vì có đơn bảo lãnh của thân nhân gửi về. Không phải từ những nước hàng đầu như Mỹ,Canada, Anh, Pháp, Hòa Lan, Úc… mà từ những nước xa xôi chả bao giờ nghe tới, tận châu Phi, ngay cả Ấn Độ cũng có người đi định cư. Người ở trong nước hễ được đi nước ngoài là mừng rồi.

Cột đèn có chân còn muốn đi, huống chi mình.

Ngày xưa còn ở trong nước, nghe bạn bè hay người quen nói có thân nhân bên Mỹ, cứ đoán đại ở Cali là trúng phóc. Trong 10 người thì hết 9 người ở tiểu bang này.

Cái gì cũng xuất phát từ Cali, từ các bản nhạc ở hải ngoại tới mọi tin tức rỉ tai về giấy tờ xuất cảnh.

Bắt đầu từ năm 1982 Sĩ quan bị tù trong các trại cải tạo bắt đầu được trả tự do khá nhiều. Thời gian đó, giấy bảo lãnh thân nhân đoàn tụ từ các nước được định cư cũng gởi về ồ ạt.

Đường Nguyễn Du nơi cấp xuất cảnh từ sáng đến tối lúc nào cũng có nhiều người tụ tập phía trước. Họ chỉ tụ tập để bàn tán những tin nghe được từ các đài VOA và BBC.

Rất nhiều người lạc quan, nhưng cũng có nhiều người thực tế hơn, lo làm ăn kiếm sống. Đối với họ tới đâu hay tới đó. Nhiều tin đồn quá chẳng biết nghe ai.

Việt kiều cũng bắt đầu về thăm quê nhà. Những cục xà bông thơm phức, những cái áo pull quần jean sao mà sang trọng quá. Còn hình ảnh nhà cửa gởi về thì chao ôi là sang trọng.

Sau 13 năm bị cầm tù. Năm 1988 có lệnh phóng thích tất cả tù nhân trong các trại cải tạo.

Cuối năm 1989 có tin tất cả người từng ở tù trân ba năm sẽ được định cư ở Mỹ.

Mọi đơn từ phải nộp ở quận nơi cư ngụ. Vì ông chồng làm ăn buôn bán dưới tỉnh, tự tay tôi phải lo nộp đơn, ký tất cả mọi giấy tờ. Sau khi xem xong hồ sơ, anh công an bảo còn thiếu giấy cam kết không phản bội lại tổ quốc khi qua bên ấy. Dạ dạ vâng vâng, ngày mai mang ra giấy hứa không bao giờ tôi phản lại tổ quốc.

Lần thứ nhì, xem tới xem lui mới biết tôi vẫn còn đi dạy học. Chị thiếu giấy hứa nghỉ việc khi được xuất cảnh. Lúc đầu tôi nghĩ chắc họ khùng. Sau này tôi mới biết là mình xin nghỉ, chứ họ không có sa thải. Khỏi mất công trả tiền hưu bổng.

Mấy tháng sau khi nộp đơn chúng tôi được phát số thứ tự bắt đầu bằng hai mẫu tự HO viết chữ in.

Lúc này mấy ông cựu tù bàn tán dữ lắm.

Tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa. Người ta đồn ở Cali thay vợ đổi chồng xoành xoạch, làm cho mấy ông như con chim bị trúng đạn rất sợ cành cong. Không thể chịu cảnh xẻ nghé tan đàn lần thứ hai.

Khi phỏng vấn, hễ có thân nhân ở tiểu bang nào sẽ được ưu tiên đi tới đó. Những người không có ai bảo lãnh, gọi là HO đầu trọc, họ không được tới Cali mà phải đi tới tiểu bang chỉ định. Đa số tới tiểu bang Washington state. Còn Virginia quy tụ nhiều tướng lãnh đi trước ngày tan hàng.

Ngày xưa khi còn trong nước chỉ mong được sống ở nước ngoài. Bây giờ sau khi định cư, mọi người bắt đầu dòm ngó chung quanh.

Người ở Mỹ thấy bên Canada, Úc và các nước Âu Châu có bảo hiểm y tế free sao sướng quá. Người ở tiểu bang mùa Đông ngập tuyết, nhìn những người ở nơi ấm áp thấy phát thèm.

Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Phật bảo rằng cái gì cũng phải có duyên. Mình không có duyên ở những nơi đó, thì thôi cứ liệu cơm gắp mắm.

Tiểu bang nào cũng có đầy đủ mọi thứ, trường học cho trẻ con,cho người lớn.Muốn học gì cũng có, trợ cấp thì nơi nào cũng như nhau. Dù sao chăng nữa mỗi tháng cũng có một ít trợ cấp, chẳng đi tới đâu.Nhưng có còn hơn không. Chứ ở VN ai cho đồng nào.

Tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ.

Thế là người nào người nấy cắm đầu cắm cổ lao vào cuộc sống mới.

Qua Mỹ tưởng lầm câu “ xài tiền như Mỹ”. Hổng có đâu, share phòng mà babysit thêm 4 đứa trẻ (vì tiền trợ cấp chỉ có 400 cho 4 người/ tháng). Chủ nhà bắt trả thêm tiền nước. Vì mỗi lần flush bồn cầu mất 4 gallons nước.

VC vô biết một lon gạo được ba chén cơm.

Qua Mỹ biết mỗi lần xả nước bồn cầu mất 4 gallons nước.

Hèn chi người ta “ đồn” ở Paris nếu đi nhẹ, nói theo kiểu VN, không có xả nước. Chỉ xả nếu đi nặng. Tui ở Mỹ nên không biết vụ đó.

Ôi hơi đâu mà nghe chuyện ngoài đường. Lâu lâu được qua Cali thấy hàng quán sao quá chừng. Tiệm nào cũng ngon, nơi quy tụ toàn người nổi tiếng, nấu dở thì tưng bừng khai trương rồi âm thầm đóng cửa.

Miền Đông Bắc lạnh lẽo người Việt lác đác, xa xa mới có một tiệm bán thức ăn VN. Nấu dở cũng vẫn bán được như thường. Đâu có ai cạnh tranh đâu mà sợ. Có người bán là mừng rồi, ăn đỡ chứ lâu lâu mới ghé Cali.

Cali là nơi phồn hoa đô hội, mọi thứ đều nở rộ ở Cali. Nào đài phát thanh, truyền hình, ca nhạc, báo chí. Người ở những nơi khác chỉ biết Cali qua báo chí.

Các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ nhan nhản khắp nơi. Nhu cầu sửa sắc đẹp hình như rất thịnh hành ở đây. Nhà báo Bùi bảo Trúc nói ở Cali nhiều bà có cái mũi giống nhau, theo kiểu “one size fit all”.

Mới đây có bài báo gây ồn ào dữ quá. Do người ở Bolsa viết à nghen. Người ta than phiền người Việt lái xe ở Mỹ mà giống y bên VN, không nhường gì hết. Rồi người ta còn nói dân Việt đi tới đâu, dân Mỹ (trắng) chạy đi chỗ khác. Tại nấu nướng hôi mùi mắm, tại nhậu rồi gây gổ ồn ào.

Rồi người khác viết về cảnh chồng Mỹ vợ Việt. Muốn ghé nhà ai cứ việc ghé nhà bấm chuông, không có hẹn gì ráo. Gọi điện thoại vào nửa đêm, vì lúc đó họ mới rảnh. Lịch sự kiểu người Mỹ người ta bảo là khách sáo. Bà già vợ ỷ mình là má, không coi con rể Mỹ có ký lô nào. Tự tiện và tùy tiện làm mấy bà vợ có chồng Mỹ cũng rầu mà đâu dám nói.

Vậy chứ mà mấy ông Mỹ thích lấy vợ Việt, tại cái “tam tòng” được nghe từ hồi nhỏ, nó ăn vô đầu nên cũng lo cho chồng cho con dữ lắm.

Chỗ nào cũng có người xấu kẻ tốt.

Tui là trâu chậm uống nước đục, mấy chục năm trước không tới, bây giờ về hưu làm sao về được Cali. Nội tiền thuê nhà cũng thấy chóng mặt. Còn mua nhà thì quên đi.

Thôi bây giờ tui nghe lời Phật dạy là đúng nhất. Trên rừng xuống biển gì cũng chẳng quan trọng. Tâm mình vui là vui. Thuyền to thì sóng to. Tui không kham nổi các chi phí ở nơi đắt đỏ đó.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Thấm thoát mà từ khi HO đầu tiên cho tới HO cuối cùng đặt chân tới Mỹ cũng gần một phần tư thế kỷ.

Không phải chỉ ở Mỹ người ta mới ca tụng Cali. Bên Úc, bên Canada, bên Pháp, nơi nào có nhiều người Việt, cũng có chuyện mơ ước: Sydney, Toronto, Paris cũng đều là nơi nhà cửa đắt đỏ. Chỗ phồn hoa đô hội mà. Ở mới nơi này mới có lễ tết hội hè. Mới thấy quán ăn Việt Nam.

Thôi thì ở đâu cũng phải sống. Nơi nào cũng có những cái hay của nó. Mỗi một tiểu bang cũng như một quốc gia nhỏ.

Đất lành chim đậu. Mỗi tiểu bang đều có cái đặc biệt của nó. Ở riết rồi cũng quen, cũng mọc rễ đâm chồi.

Người già than phiền, nhưng khi hỏi con hỏi cháu dọn đi nơi khác, không đứa nào chịu đi. Chúng sinh ra và lớn lên ở đây. Chúng có bạn bè và công ăn việc làm ở đây. Chẳng đứa nào đi, không lẽ thân già bỏ đi một mình.

Đó là lý do người già ở xứ lạnh đành chịu thui thủi trong nhà.

Người Mỹ họ không thích ồn ào. Nhà trên núi những nơi vắng vẻ mới mắc tiền.

Bạn cứ hỏi người bản xứ đi để nghe họ trả lời ra sao? Xứ của họ mà.

Nơi nào mình ở là nơi đó đẹp nhất./.

Lại Thị Mơ

Ý kiến bạn đọc
05/09/201702:36:25
Khách
Been there done that... Thanks Ms Mơ for sharing!
12/08/201718:41:45
Khách
Tác giả này coi bộ chỉ biết Cali là nắng ấm. Đâu cần phải có hàng quán mới vui, mới có ăn. Đồ ăn ở Mỹ rẻ rề, muốn nấu là dễ ẹt. Thiếu gì thú vui, ở đâu lại không có. Trời ơi qua xứ này còn tam tòng kiểu Tàu nữa. Đâu phải ai cũng thích tụ tập rồi sinh ra nhiều chuyện. Gia đình tui sợ lắm.
11/08/201702:25:23
Khách
Trích Hoang "Only one gallon (3.8 liters) per flush, not 4 gallons."
Đó là kiểu mới bây giờ. Loại toilet ngày xưa tốn nước lắm, có cái tới 7 gallons per flush
http://www.conserveh2o.org/toilet-water-use
10/08/201702:35:31
Khách
Cảm ơn bà Lại Thị Mơ về phiếm luận tỉ mỉ này. Theo nhận xét cá nhân, bài viết công phu nhưng chung chung, tản mạn, có phần chủ quan, không đặc sắc vì giống như tán chuyện ‘trong nhà ngoải phố’ hay chế món ‘xà bần’.
1. “Mặc dù hồi đó đa số nhà nào cũng dùng nồi cơm điện để nấu cơm”, bà Lại Thị Mơ.
Không rõ ‘hồi đó’ trong bài là khi nào. Tôi nhớ lại là đầu thập niên 75, nồi cơm điện không có nhiều lắm. Một số gia đình dùng bếp dầu, hay than, còn phần đông nấu ăn bằng củi. Sau 1975, đi ‘kinh tế mới’ nhiều người nấu bằng lá bằng rơm.
2. “Lúc đầu chỉ một số ít ra đi trong khoảng thời gian nhốn nháo trước ngày 30 tháng Tư”, bà Lại Thị Mơ.
‘khoảng thời gian nhốn nháo’: Ra đi trong biến cố 1975, mà tác giả đánh giá ‘nhốn nháo’, có phải là theo cách nói dè bỉu của chính quyền VC không?
3. “Sau đó tới phong trào vượt biên...”, bà Lại Thị Mơ.
Đi tị nạn, rời bỏ chế độ CS của hàng triệu người Việt sống lưu vong vì tự do, sao tác giả lại cho là ‘phong trào vượt biên’. Có phải là theo cách nói dè bỉu của chính quyền VC dùng cho ‘lũ phản động ngụy quyển’?
4. “Các đứa em mừng quá, bây giờ tha hồ xài đồ của Nhật. Cái gì made in Japan TV, đồng hồ, mỹ phẩm đều là số một”, bà Lại Thị Mơ.
Không biết đây là chuyện nhà tác giả hay chỉ là nghe lại.
Kinh nghiệm cá nhân, trong thời gian các anh và chị tôi vượt biển nhà buồn như đám tang. Khi được thơ báo yên lành tới đảo, gia đình vui mừng khôn xiết vì biết chín mạng sống an toàn. Tức thì gia đình tôi, đôn đáo tìm cách liên lạc những người quen đi trước đã định cư hầu sắp xếp chút ít tiền quà gữi qua đảo cho anh chị tôi đỡ cực khổ. Sau khi anh chị rời rời đảo sang lập nghiệp xứ tự do, lo dành dụm và tìm cách bảo lảnh những người còn lại. Phần gia đình tôi chưa hề mong muốn được hưỡng quà cáp xa xĩ như trong bài. Tôi nghĩ đại đa số các gia đình khác cũng vậy. Cuối năm 70 đầu năm 80, được thùng quà thuốc men là rất quý.
5. “Người ta than phiền người Việt lái xe ở Mỹ ..... Rồi người ta còn nói dân Việt đi tới đâu, dân Mỹ (trắng) chạy đi chỗ khác. Tại nấu nướng hôi mùi mắm, tại nhậu rồi gây gổ ồn ào”, bà Lại Thị Mơ.
Theo tôi, nên ‘nói có sách mách có chứng’, đừng nên ‘che cái ô dù’ cho người Việt hải ngoại. Việc xấu lẻ tẻ xảy ra, báo chí tường thật là vì nghề của họ. Nên cân nhắc khi mình dùng một hai trường hợp xấu cho danh tiếng cả cộng đồng. Nếu muốn, chia sẻ cuộc sống viễn xứ, ‘người thật việc thật’ của mình sẽ không đụng chạm vào ai.
6. “Rồi người khác viết về cảnh chồng Mỹ vợ Việt...”, bà Lại Thị Mơ.
Giống mục số 5 phía trên. Một vài tác giả kể về cuộc sống ‘chồng Mỹ, vợ Việt’ rất có duyên. Họ viết ra kinh nghiệm thật của họ, thỉnh thoảng có thể hư cấu chút ít gây tiếng cười thoải mái cho độc giả. Tôi không hiểu tại sao tác giả muốn phiếm tình tiết này không dựa vào câu chuyện thực nào, không có duyên.
7. “Vậy chứ mà mấy ông Mỹ thích lấy vợ Việt, tại cái “tam tòng” được nghe từ hồi nhỏ, nó ăn vô đầu nên cũng lo cho chồng cho con dữ lắm”, bà Lại Thị Mơ.
Theo tôi, nên ‘nói có sách mách có chứng’. Bao nhiêu người đàn ông Mỹ biết cái ‘tam tòng’? Sao tác giả biết người Mỹ thích lấy vợ Việt, có khi phụ nữ Việt thích cưới chồng Mỹ sao?
Lần nữa cám ơn tác giả đã bỏ công viết bài phiếm luận này.
10/08/201700:59:03
Khách
Only one gallon (3.8 liters) per flush, not 4 gallons.
09/08/201716:46:28
Khách
"Mới đây có bài báo gây ồn ào dữ quá... Người ta than phiền người Việt..."- Tác giả.

Sau khi miền Nam bị rơi vào tay cộng sản tháng Tư năm 75, làn sóng đầu tiên tới Mỹ chỉ có khoảng 125,000 người, nhiều người là nhân viên quân sự, chuyên viên ở vùng đô thị, những người đã làm việc với quân đội Mỹ hay chính phủ Việt Nam Cộng hòa . Làn sóng tỵ nạn thứ hai tới Mỹ, đa số là dân ở vùng nông thôn và người gốc Việt gốc Hoa. Tính đến cuối năm 1980 tức 5 năm sau tháng Tư năm 75, tổng cộng có khoảng 231.000 người tỵ nạn.

Cuộc kiểm tra dân số năm 2010 cho thấy có 1,548,450 người Việt ở Mỹ- con số hiện tại chắc chắn còn cao hơn. Như vậy tính ra đã có hơn 1,300,000 người đã sống với bọn khỉ Trường Sơn hang Pắc Bó cộng sản ít nhất là 5 năm. Ông bà ta đã nói "gần mực ( cộng sản) thì đen", nên không lấy gì làm lạ khi thấy cách cư xử của người Việt về sau này- so sánh với hồi thập niên 70- suy đồi đến độ ngán ngẩm .
09/08/201716:41:40
Khách
Đọc nghị định dưới đây của đám khỉ Trường Sơn hang Pắc Bó mà phát cười lăn cười bò về sự xuẩn động ngu ngốc của bọn chúng :

Nghị định số 78/2009/NĐ ngày 22/09/2009 quy định rằng bao giờ người mang quốc tịch Việt nam chưa được chính phủ Việt nam cho phép từ bỏ quốc tịch thì người ấy vẫn còn quốc tịch Việt nam dù rằng người ấy đã có quốc tịch Mỹ, Canada, Úc…

Theo đó thì con cháu của người Việt tỵ nạn, cho dù sinh ra và lớn lên ở các nước ngoài, cộng sản cũng xem những người nầy vẫn có quốc tịch Việt Nam nếu chưa làm đơn xin bỏ quốc tịch và chưa được cộng sản chấp thuận.
09/08/201715:25:26
Khách
"Việt kiều cũng bắt đầu về thăm quê nhà". Bà Lại Thị Mơ .

Xin góp ý rằng «kiều» chữ Hán có nghĩa là ở nhờ, ở nhờ làng khác hay ở nhờ nước khác. Người Việt bỏ xứ ra đi tỵ nạn không phải là Việt kiều vì những người nầy đã không chấp nhận chế độ Cộng Sản, đã sinh cơ lập nghiệp vĩnh viễn trên một quốc gia khác, đã có quốc tịch của một quốc gia khác.
09/08/201714:22:22
Khách
"Hồi bị đứt phim, tan hàng, dân mình khổ quá chừng. Trong miền Nam hồi đó lúa gạo đầy đồng...."- Bà Lại Thị Mơ.

Để cho thế hệ trẻ đọc bài này khỏi hiểu lầm, có lẽ nên viết rằng "...Trong miền Nam, hồi trước tháng tư năm 75, lúa gạo đầy đồng...". Hoặc "...Trong miền Nam, trước đó, lúa gạo đầy đồng...." .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,396,100
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Nhạc sĩ Cung Tiến