Hôm nay,  

Một Vòng Hoa Kính Tặng Mẹ Việt Nam

15/05/201700:00:00(Xem: 10222)

Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 5118-18-30798-vb2051517

Bước qua thêm một mùa Lễ Mẹ, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago. Sau nhiều năm phục vụ tại vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu, nhiệm sở truyền giáo mới của Linh mục là Tagaytay, Philippinnes.

* * *

blank
Mẹ Việt Nam. (ảnh NTT)

Lời dẫn: Trận đại hồng thủy 75 đã đẩy nhiều bà mẹ Việt Nam ra đường phố bán buôn từng củ khoai, mớ rau, mang tiền về nuôi con và nuôi chồng trong trại cải tạo. Cũng trận hồng thủy 75 đã mang nhiều bà mẹ Việt Nam lạc sang những vùng đất mới. Ở đó mẹ Việt Nam lại tiếp tục khổ một đời vì chồng vì con. “Một Vòng Hoa Kính Tặng Mẹ Việt Nam,” đoản văn trích trong truyện ngắn “Quán Rượu Nửa Đêm,” xin được gửi tặng những bà mẹ Việt Nam nhân ngày Mothers Day 2017.

*

...Thật là bất ngờ, sau câu nói của ông Ricô, thằng Đình nghiêm nét mặt nhìn thẳng vào mắt người bartender nói rõ từng chữ,

— Tôi không có bố.

Người bartender khựng lại,

— Xin lỗi! Tao nghe không rõ. Mày nói…mày không có bố hay là bố mày…chết rồi?

Thằng Đình nói chậm, rõ từng tiếng,

— Bố tôi còn sống, nhưng người đó không phải là bố tôi.

Người bartender giơ hai tay lên trời, điệu bộ phân bua,

— Tao không hiểu mày muốn nói chi.

Không để ý đến ông Ricô, thằng Đình lơ đãng nhìn vào ly rượu,

— Bố tôi còn sống, nhưng tôi… tôi không nhận người đó là bố.

Ông Ricô nhìn chung quanh, đèn mầu xanh đỏ chiếu hắt hiu lên một vài khuôn mặt còn sót lại trong quán rượu. Nhạc Jazz xa vắng tô đậm thêm nét vắng vẻ của quán vào lúc gần nửa đêm. Kéo ghế tới trước mặt thằng Đình, người pha rượu ngồi xuống. Trong chậm rãi ông hỏi, giọng thân tình,

— Ông bạn nhỏ, chuyện gì xảy ra vậy?

Thằng Đình cầm ly rượu lắc lắc những cục đá, đưa lên miệng. Người bartender khoác tay,

— Để tao pha cho mày một ly mới. Ly này của tao... Tao trả tiền ly này.

Thằng Đình nhìn người bartender đổ rượu ra ly. Một tay gõ nhè nhẹ lên mặt bàn gỗ, một tay nó chống cằm. Người pha rượu nhẹ nhàng đặt ly Brandy Manhattan trước mặt thằng Đình. Cầm ly rượu mới, nó không uống, nhưng lại xoay nhè nhẹ. Cuối cùng nó cầm ly đưa lên miệng uống một hơi,

— Người mà ông gọi là bố tôi vượt biển, bỏ lại mẹ tôi và tôi khi đó đang còn là một bào thai. Ông ta tới trại tỵ nạn, sau đó định cư ở Hoa Kỳ. Trong gần mười năm trời ông không viết thư về cho gia đình ngoại trừ lá thư báo tin đã tới đảo Pulao Bidong. Sau khi sinh ra tôi, mẹ tôi xoay sở làm đủ nghề. Nhưng bà ấy hiền quá, bị hết người này tới người kia gạt gẫm. Cuối cùng gia tài và sản nghiệp nhỏ nhoi của một cặp vợ chồng mới cưới tan theo mây khói. Túng quẫn, mẹ tôi đi ở đợ, làm mướn, sau cùng bế tôi đi…đi…đi ăn xin. Một thời gian đủ dài tôi được nuôi sống bởi những hạt cơm bố thí của thiên hạ. Bà ngoại tôi, một góa phụ từ hồi còn trẻ, một tay nuôi hai cô con gái nên người, không đồng ý cho mẹ tôi lấy người đó. Nhưng mẹ tôi cãi lại lời bà ngoại. Ngày hai người làm đám cưới, bà ngoại nằm ở trong nhà, quyết định không nhận mặt con rể. Sau khi cưới, bố mẹ tôi dọn nhà lên thành phố. Nghe bà con lối xóm kể chuyện gặp con gái bế thằng cháu ngoại đi ăn xin, bà ngoại đón xe lên thành phố ngồi đợi ở chợ nơi mẹ tôi ngày ngày ngửa tay xin tiền của thiên hạ. Mẹ tôi không chịu về làng nhưng chấp nhận để bà ngoại mang thằng cháu đi. Theo lời Dì Hoa, em gái duy nhất của mẹ tôi kể lại, khi đó tôi được hai tuổi, sài đụi, ghẻ lở, xanh lét như những lá trầu không bà tôi hằng ngày mang ra chợ bán. Bồng tôi về, bà ngoại nấu nước tắm với sả và phèn chua chữa bệnh ghẻ cho tôi. Bà nấu cháo pha đường, mua sữa hộp nuôi thằng cháu. Dì Hoa ngày ngày chạy qua cho tôi bú tiếp. Tôi lớn lên bên vườn trầu xanh tươi sau nhà. Nhưng, hai năm sau khi tôi được bốn tuổi, bà ngoại qua đời. Dì Hoa mang tôi về nhà nuôi với ba đứa con. Ở với dì được khoảng hai năm, cả nhà dì tôi được đi sang Mỹ theo diện H.O. của chú tôi, dượng Ba. Một người bạn thân của mẹ tôi, bà ta có hai người con đang ở ngoại quốc, mang tôi về nhà. Một năm sau, bà ta bay sang Pháp đoàn tụ với con gái của mình. Cuối cùng người ta bỏ tôi vào Viện Cô Nhi Tình Thương do mấy Sơ Áo Trắng Dòng Thánh Phaolô phụ trách.

Ngày mẹ tôi nhận được giấy bảo lãnh, bà đến Viện Cô Nhi xin lại con mình. Khi đó tôi đã được mười hai tuổi. Nhìn người đàn bà xa lạ, tôi không chịu đi theo. Tôi khóc, tay bám chặt tà áo dòng trắng của Sơ Anna, người nuôi và dạy tôi học trong suốt năm năm trời. Mẹ mang tôi về ở tạm căn nhà bỏ hoang của bà ngoại. Tôi không ngừng tiếng khóc, bỏ ăn mấy ngày, rồi sốt nặng. Khi Sơ Anna đến thăm, tôi ngừng khóc, chạy ra nắm áo Sơ, đòi theo Sơ về lại Viện Cô Nhi. Trước tình cảnh đó, mẹ tôi chịu thua.

Tôi về ở lại với Sơ Anna áo trắng, không chịu đi Mỹ. Cuối cùng Sơ ôm tôi vào lòng, thủ thỉ nói, “Con đi sang đó, học giỏi, đi làm, gửi tiền về cho Sơ nuôi các em như Sơ đã từng nuôi và dạy con học. Con không đi, trong tương lai, Sơ không có tiền, Viện Cô Nhi sẽ phải đóng cửa”.

Nghe lời Sơ, tôi, mười ba tuổi bước chân lên phi cơ đi sang Mỹ. Còn hai ngày nữa, trước khi rời Việt Nam, vào một buổi chiều mẹ tôi tới Cô Nhi Viện, xin phép Sơ Anna dẫn tôi ra thăm mộ ông bà ngoại. Mẹ tôi đốt nhang cho hai ngôi mộ nằm cạnh nhau, rồi ngồi khá lâu trước mộ của bà ngoại. Cuối cùng bà quay sang tôi, gọi, “Đình...” Tôi nhìn mẹ, chờ đợi. “Mẹ…mẹ xin lỗi con”. Tôi ngơ ngác nhìn xuống tấm hình của bà ngoại trên bia mộ. Tôi nhớ lại tôi đã yên lặng, không biết nói gì. Tôi liếc nhìn thấy mắt mẹ đỏ hoe. “Mẹ vừa xin lỗi bà. Bây giờ mẹ xin lỗi con”.

Qua tới Mỹ vào năm lớp Mười Một có một lần tôi đi theo mấy thằng bạn đánh nhau với đám… đám Mễ và Mỹ đen—thằng Đình ngập ngừng, ngước nhìn ông Ricô. Tôi bị một thằng Mễ chém trúng một nhát khá sâu trên bắp tay phải. Ôm chặt lấy vết thương, tôi chạy về nhà. Bữa đó mẹ tôi về nhà sớm. Tôi thoáng thấy bà loay hoay nấu cơm trong bếp. Nhìn thấy tôi bỏ chạy lên phòng với bàn tay phải đẫm máu, bà đi theo tôi lên lầu. Tôi chạy vô phòng, đóng mạnh cánh cửa lại. Bất chợt tôi thấy cả một bầu trời rực sáng với những tia nắng lung linh nhảy múa. Quay cuồng với những đốm sáng, tôi ngã gục xuống sàn nhà, không kịp vặn chốt khóa cửa. Tôi thấy Sơ Anna mặc áo dòng trắng toát bước nhẹ vào phòng, đắp lên trán tôi miếng khăn ướt. Tôi thấy những dòng máu đỏ từ tay phải phun thẳng vào mặt và áo trắng của Sơ. Tôi hét lên, tỉnh cơn ác mộng! Mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm trên giường, tay băng kín. Mẹ tôi đang ngồi bên cạnh. Bà không nói gì, nhưng khẽ mỉm cười, nụ cười bao dung của Sơ Anna vào những lúc gặp tôi bị Mẹ Bề Trên phạt quỳ; nụ cười thánh thiện của Sơ Anna vào những lúc nhìn thấy tôi ngủ gật giật mình tỉnh giấc trong giờ kinh tối với các Sơ; nụ cười thiên đàng của Sơ Anna vào những lúc mang tô cháo nóng bốc mùi hành và tiêu sọ để trên đầu giường khi tôi bị bệnh. Tôi nhìn mẹ, nhìn thật lâu.

Cuối cùng lần đầu tiên trong đời, vào năm mười bẩy tuổi, tôi giơ tay ra nắm bàn tay của người đàn bà đã sinh ra tôi, bế tôi đi ăn xin hai năm trời, và tôi mở miệng gọi “Mẹ ơi”...

Vết chém khá sâu khiến tôi bị sốt nặng. Ngày hôm sau mẹ tôi cáo ốm không đi làm. Bà lái xe đến trường xin phép cho tôi nghỉ học một tuần. Về lại nhà, bà mang tôi đi bác sĩ. Ông bác sĩ khâu lại vết chém, cho thuốc trụ sinh uống. Bà muốn nghỉ nguyên một tuần ở nhà với tôi; nhưng tôi nói, “Mẹ đi làm đi. Con thấy khỏe trong người rồi”. Mẹ nheo mắt cười với tôi, lại cái nụ cười bao dung của Sơ Anna!

Sáng hôm sau bà đi làm, nhưng cứ khoảng hai tiếng lại gọi điện thoại về nhà. Chiều chiều bà nấu cháo với thịt heo bầm, rắc tiêu sọ và hành thơm cho tôi ăn. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy hạt mầm của tình mẫu tử nẩy lộc, đâm chồi trong lòng. Lần đầu tiên trong đời, những hờn giận với người đàn bà sinh ra tôi bắt đầu chịu bốc hơi, từ từ tan biến vào trong thinh không. Lần đầu tiên trong đời, tôi chấp nhận là mình có một người mẹ…

Thằng Đình dừng lại, trầm ngâm với dòng tư tưởng.

— Còn trước đó?

Người pha rượu lên tiếng phá vỡ bầu không khí yên lặng. Cầm tờ giấy napkin lau khóe miệng, thằng Đình nói,

— Tôi nghĩ mình là con mồ côi, không cha không mẹ…

Vo tròn tờ giấy napkin lại, thằng Đình tiếp tục,

— Vào một buổi tối trước khi rời nhà vô đại học, lấy hết can đảm tôi nhắc lại câu chuyện trước nấm mộ của ông bà ngoại. Tôi hỏi tại sao mẹ lại nói với tôi những lời nói đó trước mộ của bà ngoại. Mẹ nhìn tôi, mặt đăm chiêu xa vắng, “Hôm đó mẹ ra mộ chia tay với ông bà ngoại. Mẹ sợ không còn cơ hội về lại quê nhà thăm mồ mả ông bà. Lúc đứng trước mộ của bà ngoại, mẹ…mẹ xin lỗi bà…” Mẹ tôi dừng lại, do dự. Tôi bật miệng hỏi, “Có phải…tại mẹ…mẹ cãi lời bà không”? Mẹ lắc đầu, điệu bộ cương quyết, “Không! Mẹ không xin lỗi bà về chuyện hôn nhân của riêng mình. Cho đến ngày hôm nay, mẹ chưa có một lần hối hận đã lấy bố con. Có thể bố không yêu mẹ như mẹ yêu bố. Nhưng trong tình yêu, mẹ không hối tiếc đã yêu bố con, đã lấy bố con”.

Tôi nhìn ánh mắt long lanh của mẹ, yên lặng chờ đợi. “Mẹ xin lỗi bà vì mẹ vắng mặt trong những ngày cuối đời của bà. Mẹ cũng xin lỗi bà vì đã thiếu bổn phận với con…” Mẹ tôi nuốt nước miếng, nói tiếp, “Mẹ nói cho bà ngoại biết tại sao mẹ đã quyết định… đi ăn xin. Mẹ kể cho bà ngoại nghe lại câu chuyện hồi xưa. Mẹ nói cho bà ngoại biết…

Có một thời gian con bế thằng Đình đi làm mướn, làm con sen ở đợ cho người ta. Rồi con gái của mẹ bị người ta làm nhục... Sợi dây thừng đã được treo lên đà ngang của căn nhà, đã buộc vào cổ. Đang chuẩn bị đạp cái ghế dưới chân, thằng con hai tháng nằm trên nôi tỉnh giấc, bật tiếng khóc, khóc liên tục, khóc không ngừng. Tại sao nó khóc? Con không hiểu. Mới khoảng 15 phút trước đó, con đã cho nó những dòng sữa nóng. Con đã nghĩ rằng đây là lần cuối cùng nó được áp chặt khuôn mặt vào ngực của mẹ nó, được cười tung tóe, được đạp chân no nê, được ngây thơ u ơ. Tiếng khóc của nó đã đánh thức cơn mê sảng của con. Và con quyết định bước xuống...

Sau khi mẹ mang cháu ngoại của mẹ về làng, con gặp một người đàn bà. Bà ta mang con về nhà giúp việc. Con tưởng gặp được người tốt, nhưng không phải. Người đàn bà này buôn bán, không phải hàng hóa nhưng thân xác phụ nữ. Lại thêm một lần nữa, con bị ép, bị làm nhục. Lần này con hoàn toàn quỵ ngã. Con không đứng dậy nổi nữa. Con buông trôi cuộc đời... Sống trong một hoàn cảnh như vậy, làm sao con dám về làng gặp lại mẹ, gặp em mình và gặp đứa con?...”

Yên lặng chen kẽ những thánh thót lăn dài trên hai gò má của mẹ tôi. Tôi nắm lấy tay mẹ bóp nhè nhẹ...

Tối hôm đó tôi ngủ ngon, một giấc ngủ thanh bình. Trong giấc ngủ tôi nghe được những tiếng hò từ thuở xa xăm khi mẹ bế trên tay, ví dầu, à ơi ru thằng bé cọc còi thiếu sữa, thằng bé gầy gò xanh mướt. Từ đó mẹ thỉnh thoảng hiện ra trong giấc mơ. Mẹ mặc áo trắng như Sơ Anna. Tóc mẹ đen, dài thướt tha. Tay cầm đũa thần, mẹ vẩy lên không trung những ngôi sao bạc lóng lánh. Tôi chạy theo mẹ hét to, “Mẹ ơi”! Tôi cúi xuống nhặt đầy trên hai lòng bàn tay những ngôi sao mẹ ban phát từ trời cao. Những ngôi sao tràn đầy trên hai bàn tay rớt xuống, vướng vào người biến tôi thành một ngôi sao sáng chói trên bầu trời…

Ông Ricô chớp chớp mắt. Hai con mắt của người bartender long lanh phản chiếu ánh đèn mầu của quán rượu. Ông bật miệng,

— Sao mày khổ vậy!

Thằng Đình không phản ứng. Nó im lìm, lơ đãng, trầm ngâm,

— Có những lúc tôi thắc mắc ngày hôm đó nếu không té xỉu, có lẽ bây giờ mình vẫn còn mồ côi mẹ. Bởi bất tỉnh, tôi không kịp khóa lại cánh cửa. Cửa phòng của tôi rộng mở, người đàn bà đó bước vào được trong căn phòng tâm hồn. Bà dìu từng bước dẫn đưa thằng bé mồ côi lên giường. Bà thận trọng băng bó lại vết dao của thể xác và của tinh thần. Bà cẩn thận lau sạch những vết máu đỏ vẫn đang lăn dài trong trái tim và trên thân xác. Bà nhẹ nhàng đắp lên vầng trán nóng sốt miếng khăn ướt lạnh dịu mát những cơn gió nóng của giận và của hờn. Bà vẫn thế, chưa bao giờ mở miệng trách móc tôi một lời, nhưng kiên nhẫn, đợi chờ. Và tôi tỉnh lại.

Và bà ta trở thành mẹ của tôi, từ thể xác cho tới tâm hồn.

Nguyễn Trung Tây

Ngày Hiền Mẫu 14/5/2017

Ý kiến bạn đọc
29/11/201707:58:31
Khách
Ông Tây này biết tạo cảm xúc trong lòng người đọc ghê. Tuyệt cù lần!
16/05/201702:49:11
Khách
Cuối thế kỷ thứ 10, nữ bá tước Godiva đã xin chồng mình là bá tước Leofric giảm thuế cho dân nghèo ở thành phố Coventry, Anh quốc. Người chồng tham lam bỏ qua lời năng nỉ thiết tha của người vợ thân yêu. Lòng nhân từ khiến nữ bá tước không bỏ cuộc, dùng mọi lời năng nỉ đã làm bá tước Leofric bực mình nên trong một lúc nóng giận thách đố vợ: Nếu nàng thật sự thương họ thì hãy khỏa thân cưỡi ngựa chạy một vòng dạo quanh thành phố để chứng minh sự hy sinh vô cùng của nàng.
Tưởng Godiva không bao giờ chịu hạ nhục làm chuyện này và sẽ thôi năng nỉ. Nào ngờ sáng sớm hôm sau, Godiva đã cởi bỏ tất cả và lên ngựa chạy một vòng quanh thành phố. Kinh ngạc trước sự xả thân cho dân chúng của người vợ, ngài bá tước giữ lời hứa giảm thuế cho dân thành phố Coventry.
Godiva còn được gọi là Godgifu, nghĩa là "quà tặng của Đức Chúa Trời";. Việt Nam của chúng ta đã có quá nhiều Godgifu trước chiến tranh, trong chiến tranh và hôm nay, sau chiến tranh.
15/05/201717:31:26
Khách
"Mỗi người mẹ đều có cách thể hiện tình thương yêu của mình đối với con, và tất cả đều có chung một điểm, ấy là tấm lòng thương yêu không vụ lợi, không tính toán thiệt hơn, cho đi tất cả, chỉ mong sao cho con nên người, cho con có được cuộc sống hạnh phúc". Trích .

"Mẹ là người có thể thay thế bất kỳ ai khác nhưng không ai có thể thay thế được mẹ". Trích.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,401,454
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”,
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà là Y Sĩ và là Giáo Sư Tiến Sĩ của Đại Học Texas Woman's University Houston Texas / TWU. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Dậu 2017.
Hội chợ Tết Sinh Viên tại San Jose năm Đinh Dậu tại San Jose tưng bừng khai trương vào dịp Rằm Tháng Giêng. Đặc biệt, năm nay một số tác giả trong nhóm bạn Việt Bút đã góp phần đưa sách Viết Về Nước Mỹ
Tác giả tham gia VVNM gần đây và được giải danh dự năm 2016. Ông là một nhà giáo, một sĩ quan QLVNCH, một chuyên viên về hưu, đang sinh sống tại Orange County.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài viết và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005.
Hôm nay, 14 tháng Hai, Velentine 2017, mời đọc một chuyện tình thời chiến của tác giả từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Ngày 14 tháng Hai sẽ là Velentine 2017. Mời đọc một truyện ngắn về người tình Việt kiều của Bồ Tùng Ma, trích từ báo xuân Việt Báo 2017. Tác giả tên thật là Nguyễn Tân.
Ngày 14 tháng Hai sẽ là Velentine 2017. Mời đọc bài viết mới và lời chúc “Happy Valentine” của Lệ Hoa Wilson. Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa,
Nhạc sĩ Cung Tiến