Hôm nay,  

Nhân Chứng Tai Nạn

01/07/201600:00:00(Xem: 11938)

Tác giả: Ngô Viết Trọng
Bài số 3857-18-30357-vb6070116

Tháng Bẩy, bắt đầu năm thứ 18 của chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, bằng bài viết của một tác giả lần đầu dự giải thưởng. Đây là một tự sự chân tình của người từng là cựu cảnh sát VNCH, rồi cựu tù, cựu kinh tế mới và hiện là một cư dân cao niên tại Sacramento. Mong ông tiếp tục viết.

* * *

Tôi đến đất Mỹ khi tuổi đã ngoài năm mươi. Sau 7 năm bị đày đọa trong nhà tù Cộng Sản và gần 12 năm lăn lộn ở vùng kinh tế mới, trí óc tôi đã cùn nhụt nhiều. Với bản tính rụt rè, thính giác càng ngày càng tệ, giọng nói lại hơi ngọng, việc học tiếng Mỹ để hội nhập cuộc sống mới của tôi trở nên quá khó khăn. Sau hơn sáu tháng đến trường thấy chẳng khá gì tôi đành bỏ cuộc. Thôi, kiếm mấy công việc ít cần ngôn ngữ như dọn rác, bỏ báo để sống qua ngày cũng xong. Nhọc xác một chút mà khỏe trí óc!

Nhưng qua một thời gian tôi biết mình đã lầm. Sống giữa xã hội mới lạ này, sự yếu kém ngôn ngữ và tinh thần cầu an là những khuyết điểm lớn. Khi có sự va chạm với kẻ khác, những khuyết điểm đó lần nào cũng đem lại sự thua thiệt cho tôi. Ở đây tôi chỉ xin kể lại hai lần thua thiệt đáng nhớ đời trong việc lái xe trên đất Mỹ của mình!

Lần thứ nhất, hồi ấy công việc hằng ngày của tôi là bỏ báo và đưa đón các con đi học. Sau khi đưa đứa con gái tôi đến trường xong tôi trở về nhà. Đến một đoạn kia gặp một chiếc xe chạy ngược chiều với tốc độ rất nhanh. Không hiểu sao xe ấy lại lạc tay lái chuyển sang bên trái trước đầu xe tôi rồi lỡ trớn phóng tuốt lên lề, chạy thẳng vào sân một ngôi nhà ở bên đường. Tuy hai bên đều cố tránh nhau nhưng vẫn không thoát khỏi sự va chạm. Nhẹ thôi. Xe tôi bị đụng vào mép thanh cản trước ở phía hành khách nhưng không móp méo và cũng không ảnh hưởng gì đến máy móc cả. Xe kia thuộc loại honda không có thanh cản nên bị móp một khoảnh ở mép đầu phía tài xế. Nghĩ mình không có lỗi và xe tôi cũng chẳng hư hại gì nên tôi rất bình thản.

Người lái chiếc xe kia là một cô gái Việt Nam còn rất trẻ, nói tiếng Việt có vẻ khó khăn. Cô ta bước xuống xe mếu máo nhăn nhó trông thật thảm thương. Cô chỉ biết lập đi lập lại "Bây giờ làm sao đây? Bây giờ làm sao đây?". Tôi bảo cô gái trao đổi giấy tờ để ghi tin tức cá nhân của nhau phòng khai báo khi cần nhưng cô ta cứ khóc sụt sùi làm lơ. Thấy cô gái là đồng hương, nghĩ có thể cô gặp khó khăn gì về giấy tờ nên tôi không hỏi nữa. Khi ấy ông chủ nhà - một người Mỹ trắng - nghe tiếng động cũng vừa bước ra. Tôi không nói được tiếng Mỹ nên chỉ gật đầu chào. Cô gái nói gì đó với ông chủ nhà rồi mượn phone để gọi ai đó. Tôi hỏi có phải cô gọi cảnh sát không thì cô ta lắc đầu. Tôi nói:

- Vậy coi như xong, ai đi đường nấy nhé.

Cô gái gật đầu. Lúc ấy ở đó chỉ có ba người: cô gái, ông chủ nhà và tôi. Tôi định chào họ để đi nhưng thấy cô gái vẫn còn đứng khóc thút thít tôi lại không đành lòng. Có lẽ cô ta lớn hơn đứa con gái tôi vừa chở đến trường chừng ba bốn tuổi. Tôi chợt nhớ một lần đứa con gái tôi đánh mất mấy chục bạc, nó đã thất thưởng tìm quanh cả ngày trông rất tội nghiệp. Bây giờ cô gái này muốn sửa chỗ móp ở đầu chiếc xe lại chắc cũng mất chừng vài trăm. Tháng 12 là thời gian khách mua báo tặng tiền tip cho carrier nhiều nhất nên tôi cũng có để dành được một ít. Nghĩ cô ta cũng như con gái mình, tôi muốn làm một cử chỉ đẹp nên đề nghị:

- Xe cháu hư chút xíu sửa khoảng hơn trăm bạc là xong, nhà chú gần đây thôi, cháu đi theo chú tới nhà chú phụ cho một trăm.

Nghe tôi nói, cô gái mắt sáng rỡ lên, vui vẻ trở lại liền:

- Chú cho tiền hả? Vậy thì đi!

Cô gái và tôi chào ông chủ nhà rồi đi. Nhà tôi chỉ cách nơi đó không tới một dặm, tôi lái xe đi trước, cô gái lái theo sau. Nhưng vừa đi một đoạn đường quẹo thì cô gái ngừng xe lại làm gì tôi không rõ. Tôi cũng ngừng xe lại đợi. Khi cô gái lái xe trở lại vừa đến thì cùng lúc một chiếc xe khác trờ tới đón đầu xe tôi. Trên xe bước xuống hai thanh niên da đen. Cô gái cũng ngừng xe bước xuống đi lại chỗ xe tôi. Tôi ngạc nhiên hỏi cô gái việc gì xảy ra thì cô hỏi lại tôi:

- Bây giờ chú muốn đi đâu?

- Tôi về nhà lấy tiền cho cô như đã hứa.

Cô gái nói lại với hai thanh niên kia và chúng tránh lối cho tôi đi rồi cùng đi theo.

Thì ra khi nãy cô gái mượn phone ông chủ nhà là để gọi hai thanh niên này.

Về đến nhà, tôi lấy ra một trăm bạc định đưa cho cô gái nhưng cô trở mặt nói:

- Chú phải đưa một ngàn. Thằng bạn trai của cháu bảo phải một ngàn mới được. Ông già nó làm nghề sửa xe nên nó biết.

Bấy giờ tôi mới biết mình đã hớ. Tôi có đóng bảo hiểm đàng hoàng, không có lỗi trong tai nạn, lại thấy thiệt hại cả hai bên đều không đáng kể, hơn nữa nghĩ tình đồng hương nên tôi đã chẳng làm ra lẽ. Ai ngờ sự sơ hở đó lại gây nên chuyện rắc rối lúc này. Bực tức, ân hận nhất là mình đã ngu dại dẫn giặc về nhà! Muốn sớm xong chuyện, tôi nói với cô gái:

- Thôi thì chú đưa cho hai trăm.

Nhưng cô gái bây giờ cứ khăng khăng nói người bạn trai của cô bảo phải đòi cho được một ngàn. Bấy giờ thì mấy người hàng xóm của tôi, con trai tôi và mấy đứa bạn của nó cũng có mặt ở đó. Thấy chiếc xe kia quá cũ, một ngưòi hàng xóm cười bảo:

- Chiếc xe đó còn nguyên bán có được tám trăm không mà móp một chút lại đòi một ngàn?

Rõ ràng là mấy cô cậu này muốn làm tiền rồi. Tôi có bảo hiểm bộ điên sao mà lại phải bỏ ra một ngàn. Một thằng bạn của con trai tôi nói:

- Con có chỗ sửa xe quen, để tụi con đem lên làm một chút xong ngay.

Thằng con tôi cười nói với tôi:

- Ba định cho nó hai trăm sao không đưa giấy bảo hiểm cho nó làm gì thì làm? Bất quá bảo hiểm có tăng nó cũng trừ của ba chừng hai trăm là cùng mà lại trừ dần chứ đâu lấy một lần! Dùng dằng làm gì cho mất công.

Con tôi nói có lý. Câu chuyện đã làm mình phát chán, thôi thì cứ đưa giấy bảo hiểm cho nó làm gì thì làm. Sau đó con tôi liên lạc với hãng bảo hiểm của tôi để trình bày sự việc. Người của hãng bảo hiểm cho biết khi có tai nạn xảy ra nếu chưa phân được lỗi phải, người nào mở miệng hứa cho, dù chỉ một đồng thì người đó bị xử có lỗi rồi. Anh ta cũng cho biết, dù bảo hiểm chỉ phải đền một đồng hay đền một ngàn đồng thì tiền đóng bảo hiểm bị tăng cũng không khác nhau. Vậy thì thôi, kèn cựa gì cho mệt. Cứ coi như không có chuyện gì xảy ra đi!

Hơn một tuần sau tôi nhận được giấy của hãng bảo hiểm báo cho biết tôi có lỗi 51% trong vụ đụng xe. Theo báo cáo của bảo hiểm tôi biết được hai thanh niên da đen kia đã trở thành hai người đi đường làm nhân chứng cho cô gái và trên xe cô gái còn khai thêm một người em gái cùng đi nữa. Hai chị em đều khai bị thương, đều phải đi chữa bệnh! Thật ngang ngược hết chỗ nói.

Tôi buồn bực tìm đến ông chủ nhà ở chỗ xảy ra tai nạn để nhờ ông ấy làm chứng nhưng ông ấy từ chối. Chán nản quá, tôi đành buông xuôi…

Rốt cuộc tôi bị 3 điểm xấu trong hồ sơ lái xe! Phải gánh thêm một “khoản phụ trội” khá lớn trong số tiền đóng bảo hiểm xe của mình suốt ba năm!

*

Lần thua thiệt thứ hai của tôi xảy ra vào giữa năm 2013. Trưa hôm ấy tôi định ra phố mua vài thứ vật dụng đang cần. Theo lộ trình tôi phải đi theo đường Iona Way và quẹo trái khi gặp đường Elsie Ave để chạy về hướng South-West. Ngả tư này có stop sign 4 chiều. Tới stop sign trên, tôi ngừng xe lại đợi đến phiên mình “rất bài bản”. Lúc ấy trên đường Elsie Ave xe chạy nhiều nhưng đường Iona Way chỉ có xe tôi quẹo trái. Tôi đã cẩn thận chờ hai xe ngược xuôi trên đường Elsie Ave vừa ngừng trước mặt qua xong mới khởi quẹo. Lúc đó một chiếc xe chạy trên đường Elsie Ave cũng hướng về South-West. Có lẽ tài xế lơ đãng không để ý đến bảng đường nên đến stop sign mới kịp thắng sơ một chút rồi lỡ đà phóng tới luôn. Thấy xe tôi đã ra nửa chừng, tài xế bên xe kia cố lách tránh sang lề phải nhưng đã trễ. May tôi thắng kịp nên vụ va chạm giữa hai xe rất nhẹ. Xe tôi chỉ bị chạm ở góc đầu bên phải, thanh cản bị móp và ổ đèn bị chấn động nên hơi lơi một chút. Xe bên kia còn sẵn trớn vượt qua nên bị xướt vạch một đoạn khá dài từ bánh trước đến bánh sau ở thân bên trái. Nó tiếp tục chạy thêm một đoạn nữa mới tấp vào lề.

Khách quan, công bằng mà nhìn thì ai lỗi ai phải đã quá rõ ràng. Khi những người trên xe kia bước xuống tôi mới biết họ đều là người Việt. Thấy tôi cũng là người Việt, một người đàn bà bên xe kia sấn sổ bước đến hoa tay múa ngón, miệng tía lia ồn ào như con chim “bồ chao” cố tranh lấy lẽ phải. Tôi giả lơ không đối đáp gì mà lấy phone ra gọi đứa con trai tôi. Trong khi đó mấy người đi cùng xe với bà kia hấp tấp chạy đến những xe khác đang dừng, hẳn là để nhờ họ làm chứng. Quả như tôi phỏng đoán, lát sau người lái xe kia gặp tôi để trao đổi thông tin giấy tờ rồi còn cho tôi coi thêm một trang sổ tay mới ghi và nói:

- Tôi có ba nhân chứng rồi đây!

Ông ta tên H., địa chỉ ở San Jose. Lúc đó bà vợ ông H. vẫn tiếp tục ba hoa đổ riệt lỗi cho tôi. Bà cứ lải nhải dạy đời tuổi già rồi lái xe phải cẩn thận, phải thế này thế khác… Tôi bực mình lắm nhưng chỉ nói:

- Cứ đợi cảnh sát làm việc sẽ biết ai lỗi ai phải.

Từ lúc đầu, qua hành động của những người bên xe kia, nhất là thái độ hung hăng của người đàn bà, tôi biết mình đã gặp thứ dữ. Liệu nói chuyện lỗi phải với họ không xong, tôi giữ xe nguyên tại chỗ để bảo đảm chứng cớ hiện trường. Khi con trai tôi tới, tôi bảo nó gọi cảnh sát đến lập biên bản cho chắc. Con trai tôi nhìn hiện trường rồi nói: “Xe ba đậu thế này đã chứng tỏ vết cà bên xe kia là do họ vượt quá nhanh rồi còn gì nữa! Ở stop sign mà vượt như thế là lỗi hay phải quá rõ rồi. Cảnh sát ở Mỹ nghiệp vụ rất cao. Chỉ cần nhìn vết tích trên xe họ biết ngay xe đã đụng nhau như thế nào!” Lời của con trai tôi làm tôi càng yên chí bên kia sẽ không thể nói ngược được!

Trong khi chờ cảnh sát đến, vì trưa tháng 5 nóng nực nên những người trên xe bên kia đều xuống ẩn dưới các bóng cây bên đường. Khi đó tôi mới biết họ có đến bảy tám người và đi hai xe. Bất ngờ có một bà trong số đó nhận ra tôi và bước lại hỏi thăm. Ông chồng của bà cũng có mặt ở đó, cả hai vợ chồng đều đã ngoài bảy mươi. Thấy họ tôi mới sực nhớ mình đã từng gặp vợ chồng này vài ba lần ở nhà một người chị họ. Ông bà này là sui gia của chị họ tôi, cũng ở Sacramento. Mối liên hệ này còn nhắc tôi nhớ ra ông H. - người lái xe bên kia - chính là em của ông này và cũng chính là một đồng môn với tôi hồi còn là sinh viên sĩ quan ở Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Gần đây tôi với H. đã gặp lại nhau trong một bữa tiệc cũng ở nhà người chị họ ấy. Nay gặp tai nạn bất ngờ, trí óc bị phân tán nên nhất thời hai đứa không nhận ra nhau được.

Khi tôi biết mình đã “ngộ cố tri” thì cảnh sát giao thông vừa đến. Viên cảnh sát bảo tôi dời xe tấp vào lề đường rồi hỏi sự việc xảy ra. Tôi cứ theo sự thật mà khai.

Mấy tuần sau thì tôi lấy được biên bản tai nạn. Cảnh sát vẽ chính xác vết tích do tai nạn gây ra trên hai xe nhưng chỉ ghi lời khai của hai bên mà không có nhận xét riêng. Một trong ba nhân chứng của ông H. được ghi trong đó có cả tên bà chị dâu của H. Tuy vậy, trong báo cáo cuối cùng của bên kia không có lời khai của chị ấy mà chỉ có lời khai của hai nhân chứng người Mỹ.

Trong thời gian chờ Insurance hai bên làm việc với nhau tôi lại gặp H. trong dịp “Họp mặt 46 năm Cựu SVSQ K2 Học Viện CSQG” tại Nam Cali. Chúng tôi đều vui vẻ với nhau và không nhắc gì đến vụ tai nạn.

Tháng 11/2013, bảo hiểm của tôi báo cho biết tôi đã có lỗi trong tai nạn vì bên kia có nhiều người làm chứng họ đúng. Tôi thất vọng quá, viên cảnh sát lập biên bản kia chẳng giỏi nghiệp vụ gì cả! Xe tôi mới ra một đoạn ngắn rồi đứng lại như vậy làm sao có thể gây ra một đoạn vạch dài từ bánh trước ra tới bánh sau bên xe kia? Tôi không đủ khả năng diễn tả sự việc nên giữ nguyên xe tại hiện trường để làm bằng chứng. Nhưng viên cảnh sát lại chẳng để ý đến điểm đó, vừa đến hiện trường ông ta liền bảo tôi dời xe vào lề đường. Tiếp đó ông lấy lời khai của đôi bên, vẽ sơ đồ tai nạn mà chẳng ghi một nhận xét riêng nào, bỏ quên luôn việc xe tôi đang đậu tại hiện trường còn xe bên kia đã chạy đến một đoạn xa để tấp vào lề! Tôi nghĩ phần lớn lỗi đó hẳn do sự kém cỏi ngôn ngữ của tôi đã đành nhưng cũng có phần do viên cảnh sát làm việc không hết lòng nữa. Tôi đã trình bày lại sự việc với bảo hiểm của mình, nhân viên bảo hiểm bảo nếu quyết định kia không đúng, tôi có thể đến cảnh sát cuộc khiếu nại xin lập lại biên bản tai nạn khác. Tôi vốn dốt tiếng Anh, lại nhút nhát, không ưa những chuyện phiền phức nghe vậy càng chán nản. Sau khi hỏi ý một số bạn bè, ai cũng cho rằng các vụ kiện cáo ở Mỹ khi nào nhân chứng cũng là yếu tố quan trọng nhất, khó mà thay đổi yếu tố đó được. Thế là tôi đành ấm ức chịu thua.

Anh đồng môn năm xưa của tôi phạm lỗi trong việc gây tai nạn nhưng cuối cùng lại được xử thắng, được bồi thường. Kết quả điên đảo này chắc hẳn phần lớn nhờ công lao người vợ quá “hoạt bát, lanh lợi” của anh ta. Thật sự cả hai xe đều chẳng hư hại gì nhiều. Nếu bà ấy đừng hung hăng, dù lỗi của ai đi nữa, H. và tôi vẫn có thể nói chuyện và giải quyết vấn đề trong tình đồng môn dễ dàng đâu cần phiền tới cảnh sát. Có lẽ trong lòng H. cũng nhột nhạt vì “chiến thắng” này. Có vài đồng môn thuật lại với tôi H. đã tâm tình với họ về vụ này đại ý như: “Thật ra tao và thằng T. đều lỗi như nhau, nhưng không hiểu sao mấy người Mỹ ấy lại làm chứng cho tao!”. Câu nói đó tuy mang tính đểu cáng nhưng cũng hé lộ được chút nào ray rứt về một việc làm không phải của H. Nghe thế lòng tôi cũng nhẹ đi một chút. Tôi thầm nghĩ: Chồng khôn ngoan như thế, vợ lanh lợi như thế, ngày xưa chắc hẳn họ đã có một thời oanh liệt, huy hoàng!

Sống trên đất Mỹ đã hơn hai mươi năm, tôi từng bị tai nạn lưu thông nhiều lần. Nhưng oái oăm thay, hai lần đụng xe với người đồng hương tôi đều bị chuyển thắng thành bại cả! Cả hai lần tôi đều phải gánh chịu những thiệt thòi một cách lãng nhách! Đây hẳn là sự trả giá cho sự yếu kém ngôn ngữ và tinh thần cầu an của tôi! Tôi hi vọng chuyện này cũng là một bài học cần thiết cho những người “đồng dạng” như tôi, đáng suy ngẫm nhất là về tình đồng hương!

Ngô Viết Trọng

Ý kiến bạn đọc
31/08/201622:02:35
Khách
Tôi xin thưa với anh Trọng, nhà văn Ngô Viết Trọng, cựu SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG của VNCH trước 1975 rằng, có hay không có học ở đâu đi nữa thì người ngay cũng khó tránh khỏi thói ranh ma của những kẻ xấu xa lừa đảo, đạo chích...Huống gì anh, tôi biết dù đã cầm lính của một đại đội ngoài vùng hỏa tuyến, nhưng nhỏ con, hiền hòa, ăn nói nhỏ nhẹ...thì bị "coi mặt đặt tên", mà thua thiệt với kẻ lưu manh, đàng điếm là không tránh khỏi. Nguyễn Thừa Bình
06/07/201613:26:21
Khách
Kinh thua Chu, Chau thay chu nen ban xe , di mua xe dap thi do cho gia dinh do kho . Kinh , Thu
05/07/201612:18:07
Khách
Kính chú Trọng. Cảm ơn chú đã chia sẻ 2 bài học đau thương mà chú gặp phải, hy vọng không vì những con sâu này mà chú và mọi người mất niềm tin vào người Việt. Cảnh sát Mỹ thiệt là tắc trách, họ không làm đúng sự việc , thiệt là tệ. Vấn đề không phải vì ngôn ngữ đâu chú nhưng vì đám người kia xấu quá , họ thấy chú 
hiền nên ăn hiếp, thế nào một ngày kia họ sẽ gặp quả báo. Kính chúc chú và gia đình nhiều may mắn và sức khỏe.
02/07/201615:44:19
Khách
Tại bác tình cảm lăng nhăng, thẻ bảo hiểm dặn hai bên đụng nhau cứ trao đổi thông tin trên bằng lái, thẻ bảo hiểm và gọi cảnh sát. Cứ sống theo lý trí. Bảo hiểm kêu ta làm sao ta cứ làm vậy, bác tự ý làm khác đi thì làm sao nó giải quyết
02/07/201607:17:13
Khách
Thưa anh Trọng
Làm ơn mắc oán là như vậy,cuộc sống của tôi cũng đả bị chính gia đình mình,sau khi chạy thoát khỏi VN,sang đây nhiều khi mùa đông giá lạnh độ âm mà phải đi xe đạp mổi ngày làm trong rừng từ 7 đến 22 giờ để giúp gia đình chục năm ,sau đó trong gia đình các chị em may mắn lấy chồng bây giờ ở rải rác mọi nơi trên TG,bây giờ lên mạng online skype lại lớn tiếng này nọ,tôi buồn lắm nhưng không muốn to tiếng trong gia đình,mọi người giàu sang ở nhà riêng tất cả, chỉ còn con dã tràng tiếp tục xe cát mà thôi.Chúc anh vạn sự may mắn và khoẻ mạnh
01/07/201619:31:05
Khách
Kính gửi chú Trọng,
Đọc bài viết của chú xong cháu càng chán ngán thêm cho tình người, nhất là tình đồng hương.
Trời có mắt, chú à. Xin đừng buồn lâu.
Cháu kính chúc chú và gia đình được bằng an. Kinh nghiệm của chú là bài học hàng ngày mà nhiều người như cháu có khi lơ là, không chú ý. Bài viết của chú là một nhắc nhở đúng lúc.
01/07/201616:11:43
Khách
Chào Anh Trọng
Đọc hết bài Anh viết cũng rõ anh bi quan và thất vọng vì đã hai lần đụng xe với người Việt đồng hương và hai lần đều bị lỗi dù Anh cho mình không lỗi. Chúng tôi tin Anh viết thật từ kinh nghiệm :
"Tôi hi vọng chuyện này cũng là một bài học cần thiết cho những người “đồng dạng” như tôi, đáng suy ngẫm nhất là về tình đồng hương!"
Anh H đồng môn còn ngậm miệng làm lơ dù biết mình sai huống chi cô gái sanh ở Mỹ nói không rành tiếng Việt không thể gọi là đồng hương từ VN được.
Lời khuyên cùng Anh với tình đồng hương( cố hương VN) và ở Mỹ:" Cuộc sống
bất cứ ở nước nào cũng như sống giữa rừng xanh, mạnh được yếu thua, lần sau nếu có dụng xe dù lổi của ai cũng đừng bao giờ đề nghị cho tiền người lái xe đụng mình đó là hình thức nhận lỗi công khai sau khi rời "hiện trường" ( từ của VC), lần đụng xe ở ngả tư đèn xanh đỏ chỉ một hay hai giây là đèn bật đổi màu, ai dại gì nhận lỗi dù Anh đúng đi nữa, phải làm sao đây? tôi cũng chịu thua như Anh thôi! đề nghị với Anh Trọng nên mua một cái " Car DVR Camera Dash Cam , Anh nên nhờ các cháu vào eBay mua cho rẽ hay ra tiệm điện tử cũng có. Nếu có lần sau sẽ dễ dàng hơn trong việc tranh đúng sai đở tốn bạc ngàn đền cho kẻ lái xe đụng mình. Đồng hương cũng có kẻ tốt nhiều hơn kẻ xấu, xin Anh chớ quá bi-quan. Chúc Anh và gia đình sống tốt trên quê hương mới.
Nguyển đồng Hương.
01/07/201615:48:52
Khách
Cám ơn tác giả đã viết chia xẻ những kinh nghiệm bẽ bàng khi phải đối phó với người đồng hương .

Một trong những cái giá phải trả khi được định cư ở nước ngoài, không còn phải sống dưới chế độ Cộng sản thổ tả là phải đọc và nói thông thạo tiếng bản địa . Điều này không sao có thể tránh được . Đành phải theo lời chỉ dạy của người xưa " Kiên nhẫn là mẹ thành công" mà thôi .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,327,025
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản:
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biết từ tháng Tư 2011. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nói về ngày đầu đi học của trẻ con ở Mỹ ngày nay và trẻ con ở VN ngày xưa thuở ông còn bé
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tác giả có Bố mất tại trại tù Vĩnh Phú và người chồng biệt tăm trong trại tù cải tạo của cộng sản. Cô cũng từng là nhà giáo tại trường trung học Vũng Tầu và đã phải bỏ dạy.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015, với nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người.
Nhạc sĩ Cung Tiến