Hôm nay,  

Dạy Và Học Trên Hai Quê Hương

16/10/201600:00:00(Xem: 14261)

Tác giả: Mỹ Đức Phạm Nguyễn
Bài số 4942-18-30642-vb8101616

Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả.

* * *

blank
Thầy, trò trong một lớp tiếng Việt của Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng.

Quê hương ta có bao nhiêu chuyện nói lên ảnh hưởng của thầy với học trò và tấm lòng của trò đối với thầy.

Văn hóa nước ta lại rất tôn sư trọng đạo. “Quân, Sư, Phụ” đã một thời ảnh hưởng rất mạnh trong đời sống của người Việt Nam. Tục ngữ ca dao Việt Nam cũng nói “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy,” hay là “Không thầy đố mầy làm nên,” hoặc là “Trọng thầy mới được làm thầy.” Những ai đã học trung học trước năm 1975 đều biết câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.” Biết bao thế hệ thầy cô giáo đã âm thầm thương yêu, chăm sóc dạy dỗ học sinh của mình với tất cả tấm lòng và để lại bao nhiêu ảnh hưởng tốt đẹp mãi mãi nơi học sinh.

Được làm nghề dạy học, dù là chỉ dạy những học sinh bé tí, người dạy thường đã hội đủ những thiện duyên như tính nhẫn nại, lòng bao dung quảng đại, biết sống vì mọi người, chưa kể đến những khả năng về kiến thức, tri thức của mỗi người. Khi dạy học sinh, những duyên lành nói trên thường dễ dàng đơm hoa kết trái thành tình yêu thương, quý mến học trò, lòng hy sinh tận tụy với nghề, sự trau dồi kiến thức nghề nghiệp của mình. Hầu như “ông thầy, bà cô” nào (theo cách nói bình dị) cũng truyền bá kiến thức của mình cho học trò hết sức trung thực, bất vụ lợi, chỉ với lòng mong mỏi học sinh thực sự tiến bộ, trưởng dưỡng nhân cách và trở thành người hữu dụng sau này. Tự thân mỗi người thầy, với cái tâm trong sáng, cách sống đạo đức đã là những tấm gương sáng cho bao thế hệ con em.

Làm nhà giáo, dù là nhà giáo ở Mỹ, đa số sống thanh bạch, đạm bạc suốt cuộc đời, không giàu có, danh tiếng, uy quyền, chỉ tận tụy giảng dạy và làm tròn trách nhiệm người thầy. (Có lẽ vì thế nhiều cha mẹ không thích con mình đi dạy hay không có ý kiến gì, cho đó là vô thưởng, vô phạt). Chính những cống hiến âm thầm cho Chân, Thiện và Mỹ của bao thế hệ nhà giáo lâu ngày trở thành nền tảng tốt đẹp đem đến một xã hội tri thức, một lớp người biết sống đạo đức, đào tạo nhân tài ở mọi lĩnh vực, làm đất nước tiến bộ, thịnh vượng và có thể thay đổi lịch sử của dân tộc đưa đến sự xoay chuyển vận mạng của nhiều người.

Thế nhưng! (Chữ “nhưng” sao mà đáng ghét!) Nhưng cũng có vài ông thầy trong lúc tức giận đấm vỡ mũi học trò hay đánh học sinh gãy roi, gãy ghế, đánh cho đến nỗi trò phải chạy thoát thân ra khỏi lớp! May mà chuyện này xảy ra trước 1975 lúc đạo đức thầy trò trong xã hội còn được tôn trọng. Mấy ông thầy đó mà sống ở Vkiệt Nam vào thời này thì thể nào cũng bị bố mẹ học sinh xơi tái hay chí ít cũng bị “xã hội đen” hỏi tội. Còn sống ở Mỹ thì sẽ ra tòa, ở tù, thân bại danh liệt suốt cuộc đời.

Thời mạt pháp bây giờ thì trong nước nhiều thầy cô giáo chỉ giảng dạy một phần kiến thức trong lớp thôi. Phần còn lại thì trò phải đến nhà riêng hay đâu đó để thầy cô dạy tiếp với lệ phí quy định rõ ràng. Nếu không thì giỏi đến mấy cũng khó mà được điểm cao. Cũng không ít chuyện thầy cưỡng hiếp trò, có khi trò chỉ mới là những em bé thơ ngây học tiểu học, hoặc thầy dùng điểm số mua dâm với trò, hay các học sinh hè nhau ép xe cô giáo và đánh cô giáo trọng thương. Những ảnh hưởng để lại cho nhau như thế là những vết thương không lành, những vết sẹo không mờ tác động tai hại không chỉ đời này mà còn đến nhiều đời sau nữa. Ngày xưa “lương sư hưng quốc”. Ngày nay phải chăng “manh sư vong quốc”?

*

blank
Hai em sinh viên lập gia đình với nhau và có con trai đầu lòng.

Ngày ấy gia đình tôi di cư vào Phan Rang, một thành phố nhỏ ven biển miền trung, nằm giữa Nha Trang và Phan Thiết.

Khi thi đậu vào lớp đệ thất ở trường Trung học Duy Tân, tôi bắt đầu học môn sinh ngữ Anh văn. Thời gian đó, người Mỹ chưa đổ bộ vào Việt Nam. Số người biết tiếng Anh rất hạn chế và cũng chưa hề có một lớp Anh văn dạy tư nào được mở ra. Bố mẹ tôi chẳng biết tiếng Anh để dạy cơ bản cho con khỏi bỡ ngỡ. Cầm quyển sách “Lets Learn English” mà tôi được tặng trong phần thưởng danh dự toàn trường ở trường Nữ Tiểu Học trên tay, tôi lo lắng. Những chữ viết bằng một ngôn ngữ mới lạ trong quyển sách đang nhảy múa trước mắt tôi.

Cô bạn học Nguyễn Thị Đỉnh là hy vọng duy nhất giảm nỗi bất an của tôi vì Đỉnh đã từng học qua một năm đệ thất ở trường tư thục Nguyễn Công Trứ. Đỉnh dạy tôi thế nào, tôi cứ y như thế mà đọc. Tôi đã bắt đầu học Anh Văn với bạn tôi như thế này: “Oắt dờ dít? Oắt dờ dát? (Whats this? Whats that?)” Bập bẹ những câu tiếng Anh cơ bản như thế, tôi thấy phần nào yên tâm.

Thầy dạy Anh văn đầu tiên của tôi là thầy TQB. Tôi cũng kỳ vọng vào thầy TQB nhiều. Tuy nhiên, những hy vọng ấy đã tan biến như bọt xà bông ngay buổi học đầu tiên. Thầy TQB không tập phát âm nhiều cho lớp, thầy chỉ đọc một vài lần rất nhanh. Cả lớp hầu như chỉ những ai được dạy trước thì mới theo kịp. Tôi cố gắng ghi những âm thầy đọc ra tiếng Việt nhưng không thể nào kịp nên rất nhiều chữ tôi không làm sao đọc được. Tôi uất ức muốn khóc mà sợ thầy quá đành không dám hỏi. Thầy giảng giải thì ít mà kiểm bài thì rất nhiều. Mỗi đầu giờ thầy kiểm bài, lũ học trò chúng tôi đứa nào cũng thót tim, run rẩy. Thầy luôn luôn la mắng, nạt nộ học trò. Những đứa trẻ con mười một, mười hai tuổi như chúng tôi dúm dó lại vì quá sợ hãi.

Có lần thầy kiểm bài mấy nam sinh trong lớp. Dĩ nhiên những người bạn khốn khổ này của tôi làm sao có thể trả bài cho thầy như ý thầy muốn được. Sau khi hỏi và biết những bạn này nhà ở vùng Cửa, Nại, là hai vùng ven biển dân cư chuyên về đánh cá và làm nước mắm, thầy liền quăng hết mấy quyển vở của họ qua cửa sổ, bay ra và rớt xuống sân sau kèm thêm những lời miệt thị mà tôi còn nhớ tới bây giờ:

- Đồ ngu dốt! Sách vở toàn mùi nước mắm.

Tôi vô cùng phẫn nộ khi nghe thầy nói như thế. Tôi không nhớ thầy TQB dạy chúng tôi mấy tháng thì cô Phan Thị Lệ Hoa thay thế.

Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ dáng dấp mảnh mai, khuôn mặt thanh tú và mái tóc dài bay trong gió của cô Lệ Hoa. Cô Lệ Hoa quả đã đem một luồng sinh khí mới đến cho lớp chúng tôi. Cô luyện giọng đọc cho chúng tôi rất kỹ và ân cần chỉ dẫn. Tôi rất thích được học với cô. Nỗi lo âu, hoảng sợ khi học với thầy TQB đã biến mất hết. Tôi bắt chước giọng đọc y hệt như cô và nhanh chóng trở thành cô nhỏ học trò mẫu của cô; nghĩa là thường được cô yêu cầu đọc lại sau khi cô tập đọc cho cả lớp. Điểm Anh văn của tôi ngày càng cao và tôi thấy học tiếng Anh không đáng sợ như những ngày đầu năm.

Lên năm đệ lục, tiếng Anh của tôi tiến bộ lắm rồi. Tôi vẫn nhớ những giờ học tiếng Anh kinh hoàng với thầy TQB và muốn trở thành giáo sư Anh văn đệ nhị cấp sau này để rồi sẽ dạy học trò của tôi với cả tấm lòng nhẫn nại và yêu thương. Tôi thưa với bố tôi ý định đó. Bố tôi rất vui, dặn tôi ráng học giỏi để sẽ theo ban C, ban ngoại ngữ hồi đó, và chuẩn bị thi vào đại học Sư Phạm Sài Gòn.

Và cứ như thế, con đường trở thành một giáo sư Anh văn đệ nhị cấp của tôi mở rộng trước mắt. Tôi biết mình sẽ phải dạy những học sinh mà lúc ban đầu chỉ biết trông cậy vào ông thầy nên tôi cố gắng tập luyện giọng tiếng Anh cho chuẩn xác. Đến nay, tôi đã lăn lộn trong nghề dạy học hơn bốn mươi năm rồi. Nhiều người cho rằng đó chỉ là nghề đưa đò, đầy bạc bẽo. Riêng tôi, dù ở Việt Nam hay ở Mỹ, dù dạy bất cứ ai, tôi cũng dạy với tất cả trái tim và bầu nhiệt huyết nóng hổi như khi còn thanh xuân.

Nhớ lại ngày rời Việt Nam sang định cư ở Mỹ, lòng tôi hoang mang buồn bã không biết rồi đây tôi sẽ làm việc gì để sinh sống. Tôi tin rằng “sự nghiệp giáo dục” của tôi đến đây đã kết thúc rồi.

Thế nhưng, và chữ “ nhưng” này mới dễ thương làm sao! Có lẽ duyên lành của tôi với nghề dạy học vẫn còn mặn mà nên tôi được tuyển vào dạy Việt ngữ ở Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng tại Monterey, California. Đây cũng là đợt tuyển người dạy tiếng Việt cuối cùng của Học Viện mà trong đó có tôi và Giáo sư Orchid Thanh Lê.

Hồi đó chỉ một phần ba dân số Mỹ có máy vi tính ở nhà. Internet còn rất hạn chế, chưa phát triển và phổ biến như bây giờ. Thế nên khi đến nhận việc, tôi mới biết mình được dạy ở một Học Viện ngôn ngữ nổi tiếng hàng đầu trên thế giới và được làm việc với những chuyên viên nghiên cứu về phương pháp giảng dạy ngoại ngữ rất tài năng. Nhờ họ mà tôi thấy được một số thiếu sót chuyên nghiệp của mình mặc dù đã lâu năm trong nghề.

Dựa vào mức độ phức tạp của chữ viết, văn phạm, âm vị học, ngữ âm học, cú pháp, các chuyên viên Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng ở Monterey, California xếp các ngôn ngữ khắp nơi trên thế giới thành bốn nhóm.

Nhóm thứ nhất là những tiếng khó học nhất như các tiếng khu vực Trung Đông, tiếng Tầu, Nhật và Đại Hàn. Tiếng Việt được xếp vào nhóm thứ ba dù sáu dấu gây nhiều khó khăn cho việc phát âm của người học và dù rất phong phú, dồi dào về từ ngữ hơn hẳn một số ngôn ngữ khác. Lý do chính vì tiếng Việt là tiếng đơn âm, cấu trúc câu đơn giản, văn phạm không rắc rối, không phải chia thì, không có giống đực hay giống cái, không có số ít số nhiều, không có những vần tận cùng làm biến đổi một loại từ thành danh từ, tính từ, động từ v.v…

blank
Học trò Mỹ tự làm quà kỷ niệm tặng cô giáo.

Khoa Việt Ngữ gửi tôi đi học một khóa tập huấn sư phạm để nắm vững phương pháp giảng dạy của Học Viện. Thụ huấn được một tuần thì đến lúc mỗi học viên phải ứng dụng những gì đã học vào một giờ dạy biểu diễn trong nhóm khoảng 10 thành viên. Vì đông người và là bước đầu, nên “giờ dạy biểu diễn” chỉ 10 phút cho mỗi người mà thôi. Nhưng yêu cầu cơ bản là phải dạy hoàn tất một bài, và người học (9 thành viên trong nhóm) phải ứng dụng thực hành được những điều vừa học và tuyệt đối không được dùng tiếng Anh. Đây là một đòi hỏi rất khắt khe và khó thực hiện thành công vì thời gian chỉ có 10 phút mà tiếng Việt là tiếng có 6 dấu với âm độ cao thấp, luyến láy khác biệt và 9 thành viên còn lại trong nhóm với 9 ngôn ngữ khác nhau. Tôi suy nghĩ mãi. Sau cùng mới chọn được một đề tài tạm ưng ý.

Đến ngày biểu diễn tôi mang theo một rổ kẹo đủ loại và bài tôi sẽ dạy họ là tập đếm từ 1 đến 10. Với người nước ngoài, 6 dấu tiếng Việt là những khó khăn rất lớn. Vì thế, tôi chỉ dạy đến số 5 thì đến giờ phải thực hành. Rổ kẹo được đem ra. Ai muốn lấy bao nhiêu kẹo thì phải nói đúng con số đó. Phần lớn họ chỉ nói được “hai” hoặc “ba” vì các chữ này không có dấu, dễ phát âm. Riêng một cô Tầu khá trẻ từ Đại Học Cornell chuyển đến muốn lấy 10 cái kẹo, nhưng cô chưa học đến số 10. Vậy thì phải làm sao? Tôi còn nhớ cô ấy xòe một bàn tay ra và nói “năm” và xòe hai ngón tay ở bàn tay kia ra rồi nói “hai”. Hai tay cô đan chéo hình chữ X để mình hiểu rằng không phải năm cộng hai, mà là năm nhân hai. Tôi cười ngất và không tiếc lời khen óc thông minh, linh hoạt của cô.

Học đến tuần thứ sáu thì mỗi người phải dạy biểu diễn. Giờ biểu diễn này dài 30 phút với yêu cầu là tuyệt đối không được dùng tiếng Anh. Tôi cặm cụi soạn bài sẽ dạy, ghi âm, vẽ tranh minh họa để giúp học viên nắm bắt bài nhanh và chính xác. Phần biểu diễn của mỗi học viên đều được chuyên viên ghi âm và ghi hình đầy đủ ở mọi góc cạnh. Sau đó, mọi người phải bỏ phiếu bình chọn. Thật bất ngờ giờ dạy của tôi được mọi người chọn là số một trong ba người dạy hay nhất, áp dụng đúng nguyên tắc đã học nhất và giờ dạy có hiệu quả nhất. Nhờ thế, tôi được miễn tất cả phần thực tập còn lại thường kéo dài cả năm. Còn vui hơn nữa là một thời gian ngắn sau gặp lại Giáo Sư Monica LaVelle, một chuyên viên trong lớp tập huấn đó, Monica đã dí dỏm nói:

- Bữa nay cô nổi tiếng như minh tinh tài tử đó nghe.”

- Tại sao?

- Cái đoạn băng ghi hình thực tập của cô được chọn để làm mẫu ở tất cả các lớp tập huấn sư phạm vòng đầu cho tất cả các ngôn ngữ dạy ở đây. Ai cũng biết cô hết á.”

- Trời! Chỉ tôi là không biết.

Tôi là ma mới trong thời gian khá lâu. Trước hết, thời khóa biểu luôn luôn thay đổi vào giờ chót và trong suốt hơn một năm đầu tiên dạy ở đây tôi không bao giờ có thể biết được ngày mai tôi sẽ dạy môn gì ở lớp nào. Đó là một điều quái đản chưa bao giờ gặp trong quãng thời gian dạy học ở Việt Nam dù rằng đó là dạy dưới chế độ cộng sản. Khi hỏi tại sao lại như vậy, thì luôn nhận câu trả lời lạnh lùng: “Đó là cách làm việc ở đây đấy cô.”

Nhưng vẫn chưa hết. Tại đây, có đầy đủ sách học, sách bài tập rèn luyện tất cả các kỹ năng ngôn ngữ cùng với các phương tiện kỹ thuật hiện đại trợ giúp việc học cho các em. Sinh viên có thể tự học với các tài liệu này. Tuy nhiên, muốn giờ dạy của mình đem nhiều hiệu quả và những điều mới lạ, thường giáo sư phải soạn tài liệu giảng dạy bổ sung. Ma mới như tôi phải bắt đầu từ con số không và phần lớn thời gian phải dành để làm quen với môi trường làm việc mới mẻ.

Thế là mỗi ngày, ngoài giờ dạy, tôi phải cặm cụi thức rất khuya và dậy rất sớm để chuẩn bị từ 4 đến 6 giờ dạy cho 4 hoặc 5 lớp khác nhau. Nghĩa là ít nhất phải chuẩn bị 15 đến 20 phần bài giảng dạy cho một ngày. Nếu không làm như vậy thì sáng sớm ngày mai, sau khi xem thời khóa biểu của ngày mà sếp chỉ cho biết 10 phút trước giờ học, làm sao có thể vào lớp dạy được? Đạo đức nghề nghiệp và lòng tự trọng không cho phép tôi vào lớp với hai tay không và cái đầu trống rỗng.

Thế là hết ngày này qua ngày khác, tôi không hề có nghỉ ngơi mà chỉ có căng thẳng và căng thẳng với soạn bài và soạn bài. Ròng rã như thế hơn một năm trời. Đó là quãng thời gian buồn bã nhất trong đời dạy học. Nhiều khi đuối sức, mỏi mệt tôi đã từng muốn bỏ cuộc trở về Quận Cam với gia đình. Những lúc ấy, tôi lại tự nhủ “Hãy cố lên! Cố lên! Chắc chắn mình sẽ tạo ra đủ những giáo trình cần thiết ấy. Mình có bao nhiêu kinh nghiệm trong nghề và là người dạy giỏi cơ mà.”

Người ta thường nói “Hoàng thiên bất phụ hảo nhân tâm” tức trời xanh không phụ người hiền. Nhờ lòng kiên trì bền bỉ, tôi đã vượt qua bao nhiêu thử thách từ ngoại cảnh, đã thắng được bản thân, đã có đầy đủ tài liệu giảng dạy cho tất cả các lớp, các kỹ năng sau hơn một năm làm việc cật lực, căng thẳng, mất nhiều ký lô.

Cuối năm học đó, năm học đầu tiên dạy ở Mỹ, lớp tôi hướng dẫn có 3 sinh viên tốt nghiệp với điểm tối đa. Và tôi được Chỉ Huy Trưởng của Học Viện tặng phần thưởng Giảng Dạy Xuất Sắc, Teaching Excellence Award.

Thêm nữa, qua nhiều vòng huấn luyện và sát hạch cam go, tôi và đồng nghiệp Orchid là hai người duy nhất trong Khoa Việt Ngữ được tuyển chọn để trở thành phỏng vấn viên cho các sinh viên thi tốt nghiệp ở phần vấn đáp. Đồng thời cho đến hiện tại hai chị em chúng tôi vẫn duy trì cộng tác với đại học Vịnh Monterey (CSUMB – California State University of Monterey Bay) để đánh giá tiếng Việt cho các em sinh viên muốn chọn tiếng Việt là ngoại ngữ trong ngành học của các em.

*

blank
Đám cưới hai học trò cùng lớp. “Nhà gái đưa dâu” về Thành, Nha Trang.

Lúc còn dạy ở quê nhà, học sinh rất quý mến tôi nhưng cũng nhiều em sợ tôi lắm. Những em này gọi tôi là “chằng; khó chịu; hoặc quá khó”. Thực ra thì tôi đã thử nghiệm nhiều phương pháp học và dạy để chọn những cái thích hợp với các em, đã đem đến những kiến thức cập nhật tốt nhất để giúp các em học tiếng Anh hiệu quả nhất. Thế thì những đòi hỏi cao về chất lượng học tập của các em, thiết nghĩ không có gì quá lắm.

Những ngày đầu đến Mỹ, thỉnh thoảng từ những tiểu bang rất xa có những cú điện thoại gọi đến chúc mừng và hỏi thăm. Đó là những học sinh cũ của tôi; một em biết liền chuyền số điện thoại của tôi đến những em khác. Cứ thế chúng tôi giữ liên lạc với nhau trong tình thầy trò thương mến nhiều năm.

Hình như tôi cũng rất “mát tay” khi dạy học trò Việt cũng như Mỹ. Sau thời gian học chung với nhau, có một số em cặp bồ và đi đến hôn nhân. Lúc còn ở Việt Nam, có lần lớp chúng tôi thuê xe ra Nha Trang ăn đám cưới mà thầy trò tôi gọi đùa là “nhà gái đưa dâu”.

Còn ở Mỹ, các sinh viên cũng bồ bịch lung tung. Nhưng cuối cùng chỉ có hai sinh viên lập gia đình với nhau. Năm nào hai em cũng gửi thiệp Giáng Sinh và ảnh gia đình cho tôi. Năm đầu chỉ có hai vợ chồng trong ảnh, năm thứ ba có một bé trai, năm sau có thêm bé trai nữa, vài năm sau lại thêm một bé gái nữa. Ngẫm lại, nghề dạy học có nhiều điều thú vị. Ở quê hương thì mặc áo dài, dạy tiếng Mỹ. Ở Mỹ thì mặc áo đầm, dạy tiếng Việt.

Mỗi năm sinh viên ở Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng được cho đi thực tế hai lần để có dịp tiếp cận văn hóa với cộng đồng bản ngữ. Với Khoa Việt Ngữ, lần thứ nhất thường đến thăm khu mua sắm Lion Plaza ở San Jose. Lần thứ hai thường đến trung tâm hướng nghiệp ViVo cũng ở San Jose để cùng ăn Tết Nguyên Đán với học viên ở đấy. Tôi và đồng nghiệp Orchid thường cùng nhau chuẩn bị các màn văn nghệ bỏ túi cho sinh viên “trình làng” với quan khách Việt: tôi chuyên viết những thoại kịch vui ngắn về đề tài văn hóa Việt để mỗi em sinh viên đều có một vai diễn tham gia; còn GS Orchid đàn guitar và đàn tranh dạy các em hợp ca xuân và hát dân ca ba miền. Các màn biểu diễn luôn được nhiệt liệt tán thưởng. Sinh viên rất thích những chuyến đi thực tế này. Tha hồ được khám phá cộng đồng người Việt ở San Jose. Tha hồ được thưởng thức những món ăn truyền thống ngon lành của người Việt mà ở Monterey hồi đó không có như phở, bánh canh, gỏi cuốn, nem nướng cuốn; được xem múa lân, nói chuyện với nhiều người Việt mà không phải là thầy mình, và nghe nhiều phương ngữ với các chất giọng ba miền. Qua những sinh hoạt này, tôi cũng biết người Mỹ không thích bánh chưng, bánh tét của mình. “Chân lý chỉ ở bên này rặng Pyréné”, người Pháp đã chẳng nói thế đấy sao!

Sau này dù đã xa Monterey, nhưng mỗi năm đến ngày Ma Quỷ, Halloween, là tôi lại nhớ về một kỷ niệm rất đẹp với các học sinh Mỹ.

Chiều tối ngày Halloween một năm nào, tôi đã hóa trang bằng bộ đồ ma, đeo mặt nạ theo các em đi xin kẹo và nói “Trick or Treat?” Trong hai tiếng lang thang khắp nơi, tôi thấy mình hồn nhiên như một em bé và lòng rộn ràng khi có người bỏ kẹo vào sô. Tối đó, về đến nhà, trút sô kẹo ra bàn mà ngất ngây hạnh phúc. Chưa bao giờ trong đời tôi có được nhiều kẹo đến thế. Lại toàn kẹo tuyệt ngon. Sau những phút ngắm nghía, lòng như chùng xuống khi nhớ đến bao bé thơ thiếu thốn ở quê nhà thương khổ. Thương ôi! Nếu các em cũng có được những cái kẹo này, dù chỉ dăm ba cái thôi cũng đủ làm các em sung sướng biết nhường nào!

Monterey giờ xa thăm thẳm nhưng đầy ắp kỷ niệm. Tôi vẫn trân quý một món quà Giáng Sinh mà tôi cho là có nhiều ý nghĩa nhất. Năm ấy, một em sinh viên đã có vợ và một con trai tặng tôi một con rùa tí hon màu xanh và một cái thiệp Giáng sinh nhỏ xíu cũng màu xanh. Em nặn con rùa xinh xắn bằng đất sét. Mắt rùa đeo kính. Chân trái đằng trước rùa nắm cái bút chì. Lưng rùa đội quả táo xíu xiu màu đỏ và tấm thiệp có hàng chữ “Một quả táo cho cô”. Mỗi khi đặt con rùa trên tay, tưởng như nó đang trên đường đến trường, đang gặp nhiều khó khăn khi học nhưng vẫn nức lòng tiến tới và riêng hôm nay nó muốn tặng người thầy quả táo đỏ. Lòng lại luống ngậm ngùi! Kỷ niệm đây mà người biết ở phương nào!

Người ta nói rằng học trò Mỹ còn vô ơn bạc nghĩa hơn học trò Việt nữa. Sau những năm dạy ở đại học Mỹ tôi không nghĩ như vậy. Mà tất cả gần như tùy thuộc vào cách xử sự của người thầy. Nếu ông thầy bà cô đem hết nhiệt tâm ra giảng dạy với mong muốn học trò tiến bộ thì dù khó tính đến mấy học trò cũng phải thấy được tấm lòng của thầy cô. Nếu học trò có lỡ quên thầy thì cũng không sao. Bởi lẽ nhiều khi người ta cũng cần quên để sống khỏe hơn.

Tôi rất thích lời nhạc của Trịnh Công Sơn “… sống trong đời sống cần có một tấm lòng... để gió cuốn đi…..” Cần phải hiểu tấm lòng là những tâm hồn cao đẹp, giàu yêu thương, biết chia sẻ. Tấm lòng ấy thánh thiện vì sự vô tư, trong sáng vượt lên trên những toan tính tầm thường. Cứ trải lòng với mọi người là đã có niềm vui cho chính mình rồi. Không cần gì hồi đáp lại. Nhưng phước báo cứ đến và cứ đến….

Tôi cũng muốn nói lên lời tri ân chân thành với tất cả những thầy giáo, cô giáo đã dạy tôi từ khi ấu thơ đến lúc trưởng thành, những thầy cô giáo mà tôi đã có dịp hoặc chưa có dịp, hoặc không bao giờ gặp lại. Tôi cũng rất cám ơn thầy TQB vì nhờ thầy mà tôi sớm định hình được nghề nghiệp của mình khi còn rất bé và còn được duyên lành theo đuổi nghề ấy đến hôm nay.

Người Việt mình mang ơn ai thì chỉ cúc cung tận tụy với người đó mà thôi. Phần tôi rất thích cách trả ơn của người Mỹ. Nhiều người Mỹ khi được cảm ơn thì thường nhắc nhở chân tình và khiêm tốn rằng: “Cách tốt nhất để đáp ơn người nào là hãy làm những điều tương tự cho người khác”. Triết lý ấy tôi đã thực hiện: tôi đã làm những điều tốt nhất cho học sinh của tôi ở bất cứ không gian và thời gian nào với tất cả tấm lòng trân quý. Xin cám ơn đời. Xin cảm tạ người.

Mỹ Đức Phạm Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
21/10/201622:18:49
Khách
Dạy Anh văn mà dạy sau 1975 thì có dạy sai, học sinh dưới chế dộ "người rừng xuống núi" cũng chả biết đấy là đâu. Xứ mù người chột làm vua.
Dạy tiếng Việt mà dạy cho sinh viên MỸ thì dạy trúng hay trật gì chúng cũng ù ù cạc cạc, chả biết đấy là đâu. Cô này khôn thiệt.
18/10/201620:05:08
Khách
Xin chúc mừng chị với bài viết đầu tay gởi đến chương trình "Viết Về Nước Mỹ" với những tâm tình rất thú vị về việc "Dạy và Học trên Hai Quê Hương". Cảm ơn sự chia sẻ rất hồn hậu, chân thực và dễ thương của chị qua những dòng văn đầy tình cảm và những hình ảnh minh hoạ sống động. Nghề giáo là một nghề hết sức cao quý vì có thể mở cửa trái tim, khối óc, tầm nhìn và của nhiều con người và nhiều thế hệ cho dù ở bất cứ trên quê hương nào. Kính chúc chị nhiều sức khoẻ để tiếp tục con đường giảng dạy và viết lách nhé!
17/10/201611:37:34
Khách
Cám ơn Cô đã tâm sự về nghế dạy tiếng Anh quá hay.Chúc Cô sức khỏe.Mến
17/10/201609:05:50
Khách
Chúc mừng tác giả Mỹ Đức Phạm Nguyễn tác giả bài viết Dạy Và Học Trên Hai Quê Hương .Chúc mừng vì tác giả là người may mắn vi trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử vẫn tiếp tục với nghề dạy học.Và tác giả cũng là người tài năng vì may mắn mà bất tài thì cái may mắn cũng vuột mất.Chúng ta thì ai cũng phải đi học và chúng tôi do một sự tình cờ của lịch sử cũng được đi dạy học hơn mười năm sau 1975 nên có những cái rung động đặc biệt khi tác giả nhắc đến tình cảm của những người học trò đối với Thầy Cô của mình.
Người ta hãy nói đến câu nhứt tự vi sư, bán tự vi sư là vì ngày xưa học tiếng Hán và người học trò thời phong kiến suốt đời chỉ có hai hay ba ông thầy mà thôi trong khi thế hệ chúng ta từ tiểu học cho đến khi lên đại học thì có tới mấy chục ông Thầy Cô.
Không hiểu các người Thầy vào thập niên 1960 được đào tạo như thế nào mà có nhiều vị để lại nhiều ấn tượng "đau thương" cho học trò như tác giả kể trong bài viết. Khoảng thời gian đó, chúng tôi học trung học Nguyễn Du ở Huế, trong một giờ anh văn lớp sáu, Thầy nói có em nào nói được một câu tiếng Anh thì nói thử cho Thầy và cả lớp nghe, .Không ai nói gì hết, thấy Thầy chờ hoài hỏi hoài nên thương Thầy đưa tay xin nói, nói xong Thầy gào lên, nói tiếng chị mà như tiếng mọi rứa.Một lời khen của Thầy đã làm thui chột việc học ngoại ngữ suốt bao nhiêu năm....Lên năm đệ ngũ,trong giờ toán,trước giờ học toán quĩ tích, Thầy nói,hôm nầy thầy dạy toán quĩ tích, cái toán này khó lắm, khó lắm mấy em phải coi chừng, coi chừng ......
Cho nên sau này làm bài mà đọc tôi câu hỏi, hãy tìm quĩ tích điểm M.. thì sợ hãi vô cùng..
Sau 1975, chính quyền mới tiếp quản Viện Đaị Học Vạn Hạnh và đưa giáo
Sư, phụ khảo và nhân viên đi làm thầy cho các trường phổ thông Cấp 3,cấp 2 tại Sài gòn vì vậy được trở thành "kỹ sư tâm hồn".
Lúc này thì buồn hơn là vui Nhưng có cái đang nhớ nhất và đẹp nhất trong thời gian đó là tình nghĩa với các học trò .Lúc dạy học trò lớp 6 thì một tổ ( 12 em) gồm các em gáì ( chừng 10 tuỗi ) mời thầy đi dự picnic do các em tổ chức tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Tới Thảo Cầm Viên, cắm lều xong, mấy đứa con nít bảo thầy đi xa xa một chút, đứng quay lưng lại với tụi em và khi nào tụi em hô xong rồi thì Thầy quay lưng lại và bước tới lều .Lý do ...các em muốn thay đồ bộ để làm bếp.
Thật là đàng hoàng.
Sau này thỉnh thoảng mười mấy đứa rủ nhau mời Thầy đi picnic ở Bình Dương, Thủ Đức dù mấy đứa con nít bây giờ đã học đại học rồi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,316,114
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản:
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biết từ tháng Tư 2011. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nói về ngày đầu đi học của trẻ con ở Mỹ ngày nay và trẻ con ở VN ngày xưa thuở ông còn bé
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tác giả có Bố mất tại trại tù Vĩnh Phú và người chồng biệt tăm trong trại tù cải tạo của cộng sản. Cô cũng từng là nhà giáo tại trường trung học Vũng Tầu và đã phải bỏ dạy.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015, với nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biết từ tháng Tư 2011. Sau đây là bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến