Hôm nay,  

Tết Việt Giữa Mùa Đông Mỹ

10/02/201600:00:00(Xem: 11487)
Tác giả: Nguyễn Anh Nguyên
Bài số 3749-17-30249vb4021016

Mùng Ba Tết Bính Thân

Tác giả là một Kỹ sư Dầu Khí làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam, đã tham gia khóa tu nghiệp một năm tại Chicago (2014, 2015). Tết Âm Lịch 2015 (Ất Mùi), là năm đầu tiên gia đình nhỏ của anh ăn Tết xa nhà. Bài viết là sự chia sẻ những cảm xúc về cái Tết xa quê và những hoài niệm về những cái Tết ở quê nhà

* * *

blank
Biểu tượng 12 Con Giáp ở Chicago Museum Campus vào ngày Mùng 1 Tết Ất Mùi.

Mùa Đông ở Mỹ bắt đầu từ ngày 21 tháng 12 đến ngày 21 tháng 03 hàng năm. Theo lịch tập quán của Mỹ, ngày 03 tháng 02 được coi là điểm giữa của mùa Đông. Như vậy Tết âm lịch tại Việt Nam năm 2015 (Ất Mùi) chỉ vừa qua giữa mùa Đông ở Mỹ được đúng hai tuần. Còn Tết nguyên đán Bính Thân năm nay (2016) chỉ qua điểm giữa của mùa Đông ở Mỹ được có năm ngày.

Tết Ất Mùi 2015 là lần đầu tiên gia đình nhỏ căn Tết trên đất Mỹ nên không khỏi có chút gì luyến tiếc. Giai điệu của bài hát Ly Rượu Mừng “ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”, những lời hát Tết nào cũng thường nghe dù vẫn đang trong danh mục bị cấm cho đến tháng 01 năm 2016, cứ vang lên da diết trong lòng khiến lòng khách xa quê cứ cảm thấy bồi hồi xao xuyến.

Nhớ lại những cái Tết nghèo thời còn là học trò ở Đà Lạt gần 30 năm trước. Cả nhà quây quần đón Tết trong ngôi nhà gỗ thông với căn gác gỗ nhỏ xíu trên một sườn đồi cao nhìn sang vườn hoa Minh Tâm phía bên kia thung lũng. Mỗi khi gió lớn là mái nhà lợp giấy dầu cứ rung lên phần phật muốn bay lên như một cánh diều trong nỗi lo lắng của cả nhà.

Thời đó nhà nghèo lắm, Ba không có việc làm ổn định sau khi ra trại nên ở nhà làm vườn và làm thêm bánh quế để bỏ mối cho các nhà sản xuất kem cộng với đồng lương nhân viên dạy nữ công gia chánh của mẹ chỉ đủ cho cả nhà có bữa cơm đầy đủ là tốt lắm rồi. Tuy vậy mỗi dịp Tết đến là cả nhà, đặc biệt là lũ trẻ chúng tôi lại háo hức chờ được thưởng thức các món mứt dừa, mứt gừng, mứt thơm mẹ tự tay làm cũng như không thể thiếu nồi bánh Tét bánh Chưng cả nhà cùng nhau hì hục gói.

Lúc đó ở Đà Lạt, nhà nào ăn Tết to hay nhỏ thường được đánh giá bằng khối lượng nếp gói bánh 5kg, 10kg hay 15kg,… Thường thì nhà tôi và một nhà Dì ở gần đó góp chung nấu một nồi bánh khoảng 10kg nếp và bánh thường được gói vào khoảng 28, 29 Tết. Quây quần bên bếp lửa sau vườn nhà để thức canh nồi bánh giữa cái lạnh đêm mùa Xuân phố núi là một cảm giác ấp áp và êm đềm khó có thể quên. Nếu đúng dịp cậu Tuấn cùng bạn bè tụ tập lại thì sẽ có thêm tiếng đàn Ghita điêu luyện hòa vào không gian làm say đắm lòng người và dễ đưa ta chìm vào giấc ngủ mơ màng bên nồi bánh chưng xanh. Ánh lửa bập bùng, mùi nhựa Thông cháy thơm nồng hòa cùng tiếng Thông reo vi vu trong gió là những cảm giác mà nhiều năm, thậm chí vài chục năm sau đó khi đã xa Đà Lạt vẫn cảm thấy bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

Tết thuở đó hiếm khi có đủ được bộ quần áo và đôi giày mới. Thường thì Mẹ sẽ cố gắng dành dụm để mua cho ba anh em và cậu Út mà Mẹ nuôi từ khi Bà mất mỗi người một món đồ mới là vui lắm rồi. Lúc đó đối với tôi quần áo mới không quan trọng bằng đôi dép, phương tiện chính cho việc đi bộ hàng ngày từ nhà đến trường với quãng đường khoảng 10km cả đi và về. Nhớ mãi đôi dép nhựa (dép mủ) ngả màu cháo lòng với những cọng dây thép cột vào các chổ rách với đoạn xoắn hai đầu thép thò ra mặt ngoài được bẻ gập lại trên mặt quai dép cho an toàn hơn, tuy vậy khi bước đi lâu lâu cọng dây thép phía dưới cứ cấn vào chân khá khó chịu.

Có năm Bà Nội được tái bản sách, có tiền nhuận bút gửi cho Mẹ thêm ít tiền mua quà Tết nên tôi và các em được chọn thêm một món nữa ngoài món Mẹ đã mua. Không chần chừ gì, tôi chọn ngay đôi dép Sa bô (dép da có đế cao và êm chân) có lẽ do đã phải chịu đựng đôi dép nhựa đứt quai cột dây thép từ lâu lắm rồi. Còn một món nữa khá đắt tiền mà Ba Mẹ đã cắn răng mua cho tôi vào năm học lớp 12, chiếc áo Jean mới cứng do tiền Ba dành dụm được từ những chuyến đi đãi vàng cùng bạn bè trong xóm. Cái áo rất đẹp, ấm áp nhưng hơi rộng so với khổ người ốm nhom của tôi thời đó nhưng nó thể hiện tình thương lớn lao, sự hy sinh và những kỳ vọng mà Ba Mẹ dành cho tôi lúc đó.

blank
Nhà thờ Con Gà, đối diện là Trường Thăng Long trong một buổi chiều giáp Tết.

Sau này trong những lúc khó khăn, chiếc áo Jean và đôi dép nhựa ngày nào chính là hình ảnh giúp tôi cố gắng nỗ lực hơn nữa để không phụ lòng Ba Me.

Rồi anh em tôi lần lượt đậu vào các trường Đại học ở Sài Gòn và rời xa tổ ấm. Năm năm sinh viên trôi nhanh với việc học hành, dạy kèm và làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Mỗi dịp Tết đến sinh viên thường được nghỉ sớm khoảng một tuần, tôi tranh thủ dạy bù và cho học sinh nghỉ sớm để về sớm giúp Ba Mẹ dọn dẹp vườn tược nhà cửa đón Tết. Vẫn nhớ mãi mùi cỏ khô, lá thông khô thơm nồng cay mắt khi dọn vườn, đốt rác.

Khi tôi ra trường đi làm được vài năm thì Ba Mẹ cũng dọn về Sài Gòn sống chung với chúng tôi. Thế là đã 17 năm không còn được đón Tết ở Thành phố quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn nữa.

Sau này, ngày Tết ở Sài Gòn đường phố lại vắng vẻ hơn hẳn những ngày thường vì phần đông những người lao động ngoại tỉnh đã về quê ăn Tết. Khi việc đốt pháo chưa bị cấm thì tiếng pháo đón Giao Thừa nổ giòn giã vào thời khắc chuyển giao của năm mang lại một không khí tươi mới và phấn khởi hơn sau đêm trừ tịch. Nhiều nhà ở Thành phố thường đốt thêm một lượt pháo nữa vào sáng sớm ngày Mùng 1.

Khi kinh tế phát triển hơn thì pháo bông được đốt khoảng 15 đến 30 phút đúng thời khắc giao thừa ở các Thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế,… tùy theo ngân sách địa phương. Khu vực bờ sông ở Bến Bạch Đằng cuối đường hoa Nguyễn Huệ là điểm bắn pháo bông quen thuộc của Sài Gòn. Khi hầm và cầu Thủ Thiêm được xây xong cũng như các cao ốc hiện đại mọc lên gần bờ sông dọc theo trục đường Nguyễn Huệ (cao ốc Sunwah 22 tầng, cao ốc Bitexco 68 tầng, cao ốc Time Squares 39 tầng,…) và đường Nguyễn Huệ trở thành phố đi bộ của Thành phố thì vị trí này càng trở nên lý tưởng cho việc bắn pháo bông Giao Thừa hàng năm.

Tôi đã từng đi coi pháo bông được đúng 2 lần. Lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm tay trong tay đi với người yêu (nay là vợ tôi) và lần sau đi với vợ và hai nhóc con vào Giao thừa Tết Giáp Ngọ (2014). Bé Na thì thích lắm còn Nấm thì tỏ ra hơi sợ tiếng pháo nổ nhưng cũng thích màu sắc của pháo bông nên luôn miệng tự động viên mình “Con không sợ, con không sợ”. Kẹt xe kinh khủng trên đoạn đường từ bến Bạch Đằng đến Cảng Ba son khiến gần 3 giờ khuya cả nhà mới về được tới nhà. Tự hứa với lòng không đi coi pháo bông thêm lần nào nữa đặc biệt khi nghĩ đến cả đám đông chen chúc nhích từng tí một trong làn khói xe đầy ô nhiễm. Rủi có gì bất ngờ gây ra cảnh chen lấn giẫm đạp thì sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt khi có trẻ con đi kèm.


Thường thì sau thời khắc Giao Thừa, cả nhà quây quần quanh ấm trà, dĩa mứt và uống với nhau một ly trà đầu năm. Đó là một cảm giác hạnh phúc ấm áp khó mô tả bằng lời.

Những năm Bà Nội còn sống, sáng Mùng 1 sau khi chúc Tết Ba Mẹ là cả nhà trực chỉ Hàng Xanh để chúc Tết Bà và thắp nhang cho Ông. Sau đó lại thẳng tiến Thanh Đa để chúc Tết Cậu và thắp nhang cho Ông Bà Ngoại, sau đó cả đại gia đình trên 30 người (và mỗi năm mỗi tăng thêm dân số dâu rể và trẻ con) có một bữa trưa đầu năm ấm áp và thân tình.

Ba ngày Tết ở Sài Gòn, loanh quanh chúc Tết bà con trong đại gia đình ngó qua ngó lại là đã hết ngày Mùng 3. Tiếp đó thường là các chuyến đi chơi gần, xa tùy điều kiện và hoàn cảnh như để bù lại cho những cái Tết lúc mới thay đổi Chế độ với món bo bo nhai mỏi cả miệng, bánh bao nhân su su và cơm độn khoai mì mang nhiều vị đắng.

*

blank
Một loài hoa lạ (Hoa pháo bông - tên do tác giả đặt) ở nhà kính Garfield, Chicago.

Người Mỹ đón năm mới Dương lịch khá đơn giản dù không khí Giáng sinh vẫn còn rất gần và năm mới vừa đến.

Đa phần các công ty chỉ nghỉ ngày 01 tháng 01 (một số công ty cho nghỉ thêm một ngày Floating day vào ngày 02 tháng 01). Các gia đình Mỹ thường tụ tập ăn tối vào đêm 31 tháng 12 và đi chơi vào ngày đầu năm, thế là xong chuyện và quay trở lại với công việc thường nhật. Giao thừa năm mới Dương lịch ở Mỹ cũng có bắn pháo bông ở trung tâm các Thành phố lớn. Tuy nhiên, khu trung tâm thường xa và đậu xe cũng khó khăn nên việc ra coi pháo bông cũng không còn hấp dẫn. Hơn nữa pháo bông đón mừng năm mới ở Mỹ kém tưng bừng hơn nhiều so với pháo bông bắn mừng ngày Độc Lập (Independence Day, ngày 04/07).

Vào ngày Độc Lập, pháo bông được bắn khắp nơi, ở cả những Thành phố và Thị trấn nhỏ và ngay cả trong các gia đình riêng. Thường thì ở khu ngoại ô và các Thành phố nhỏ vệ tinh, pháo bông được bắn ở tầm thấp nên cách vài dãy nhà có thể không nhìn rõ nhưng tiếng pháo bông nổ râm ran, liên tục hết chổ này đến chổ khác trong một vài tiếng đồng hồ gợi nhớ tiếng pháo Giao Thừa và sáng sớm Mùng 1 ở Việt Nam thời còn cho đốt pháo.

July 04th, 1776 (July Fourth) là ngày mà Bản Tuyên ngôn Độc Lập (Declaration of Independence) ra đời đánh dấu 13 thuộc địa (Thirteen Colonies), tức 13 vùng của nước Mỹ trước đó là thuộc địa của Anh chính thức tách khỏi nước Anh và giành được Độc Lập và Hiệp chủng Quốc Hoa kỳ ra đời. Điều đặc biệt là hai nhân vật cùng ký tên vào Bản Tuyên ngôn Độc Lập này là John Adams (Sau này là Tổng Thống thứ hai của nước Mỹ) and Thomas Jefferson (Sau này là Tổng Thống thứ ba của nước Mỹ) đều mất vào cùng một ngày Lễ Độc Lập sau đúng 50 năm ngày mà Bản Tuyên ngôn Độc Lập ra đời (July 04th, 1826). Một nhân vật khác trong nhóm bảy người sáng lập ra nước Mỹ (Founding Fathers) cũng mất vào ngày July 04th, 1831 là James Monroe (Tổng Thống thứ năm của nước Mỹ). Sự trùng hợp vẫn chưa kết thúc khi Calvin Coolidge (Tổng Thống thứ 30 của nước Mỹ) lại sinh vào ngày July 04th, 1872. Ba vị Tổng Thống đã ra đi và sau đó một vị Tổng Thống chào đời đúng ngày 04 tháng 7 có vẻ đã kết thúc một chuỗi trùng hợp lạ lùng này. Mà thật vậy, nếu nghĩ theo một cách khác thì sau những mất mát hy sinh đã trải qua rõ ràng sự hồi sinh đã mang đến cho nước Mỹ những khởi đầu mới và sự phát triển mạnh mẽ để trở thành một cường quốc hàng đầu Thế giới như ngày hôm nay.

Với một ý nghĩa hết sức to lớn, các trùng hợp mang đầy màu sắc huyền thoại kể trên và ngày Lễ lại rơi vào những ngày có thời tiết đầu hè mát mẻ, không khó giải thích khi July Fourth là ngày Lễ lớn nhất ở nước Mỹ với nhiều hoạt động ăn mừng diễn ra khắp nơi trên tất cả các Tiểu Bang như bắn pháo bông, tiệc tùng ở từng gia đình, các chương trình hòa nhạc lớn, các buổi dã ngoại và tiệc nướng, diễu hành cũng như những trận đấu bóng chày hấp dẫn tại các sân vận động lớn…

Hơi thất vọng khi trên nhiều cuốn lịch Mỹ và nhiều người Mỹ vẫn xem Tết Âm Lịch là Chinese New Year. Biết làm sao được khi cộng đồng người Hoa đã sinh sống ở đây từ khá lâu trước khi làn sóng di tản và nhập cư của người Việt. Hơn nữa đúng là nguồn gốc Tết Âm Lịch cũng xuất phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên lòng tự ái dân tộc và sự căm ghét các hành vi bành trướng, chiếm đóng biển đảo Việt Nam khiến tôi gạch ngay chữ CHINESE trong từ Chinese New Year và thay bằng chữ LUNAR thật to trên cuốn lịch treo tường được Công ty phát.

Tết Âm lịch ở Mỹ cũng chỉ nhộn nhịp một chút ở các khu phố người Việt và người Hoa ở các Thành phố lớn, còn ở các chổ khác có lẽ chỉ là một ngày như mọi ngày. Nói vậy nhưng mâm cơm ngày Tết ở các gia đình Việt đa phần vẫn có bánh Chưng, bánh Tét, chả lụa, dưa món, dưa hấu,… Trước Tết cả vài tuần, mọi người đã xôn xao tìm chổ để mua bánh Chưng, bánh Tét, dưa kiệu vì sợ không tìm được chút hương vị quê hương nơi xứ lạ. Người Việt ở một số công ty Mỹ thường chỉ được nghỉ vào ngày Mùng 1 Tết (năm nay nhằm ngày 19 tháng 02 năm 2015). UOP Honeywell tổ chức thêm một bữa ăn trưa đầu năm cho các anh em người Việt đang học ở đây (ăn trưa không có bia rượu để không ảnh hưởng lái xe và công việc buổi chiều). Vậy cũng là vui rồi.

Tết xa quê, cũng đang giữa mùa Đông Chicago, khá may mắn khi nghe nói thời tiết không quá lạnh như những năm trước. Những đợt lạnh giá nhất (-20 độ C) và gió lạnh cắt da cắt thịt có vẻ đã trôi qua. Hy vọng bão tuyết và giá lạnh đừng quay lại trong nửa cuối mùa Đông. Chicagoland vẫn chìm đắm trong màu tuyết trắng và tuyết thỉnh thoảng vẫn rơi nhưng nhiệt độ đã tăng dần nên cũng dễ chịu hơn. Nắng ấm thỉnh thoảng đã trở lại chiếu những tia sáng rực rỡ lên nền tuyết trắng. Lũ Sóc mẹ và đám Sóc con đã mạnh dạn rời khỏi tổ để đi tìm thức ăn. Chúng nhón chân sải những bước chạy dài trên nền tuyết. Cảnh rừng cây, nhà cửa phủ tuyết trắng xóa dưới ánh nắng vàng rực rỡ thật sự rất đẹp khi những tia nắng được phản chiếu trở nên đa sắc trên nền tuyết trắng.

Thời khắc Giao Thừa đang đến rất gần. Năm mới luôn mang đến những niềm vui, hy vọng cho một cuộc sống Đầy đủ, Hạnh phúc và Bình an. Xin kính chúc tất cả Ông bà, Ba Mẹ, Cô Dì, Chú Bác, Cậu Mợ, Anh Chị Em, Thầy Cô và Bạn bè cầu được ước thấy trong năm mới và tận hưởng một cái Tết đầy hạnh phúc bên gia đình thân thương với những gì mình đang có, ở nơi mình đang sống.

Nguyễn Anh Nguyên

Ý kiến bạn đọc
12/02/201622:41:02
Khách
Cám ơn Chú/Anh Trung Đạo đã góp ý. Tuy nhiên bài viết chỉ là những cảm nhận về những cái Tết ở 3 Thành phố đã từng gắn bó (Đà Lạt, Sài Gòn và Chicago) nên không để ý phần chuyển tiếp này. Tác giả vẫn đang làm việc tại Việt Nam, Chỉ đi tu nghiệp ở Mỹ trong 1 năm. Đây là một bài viết trong chuỗi các bài viết về 1 năm ở Mỹ. Nếu độc giản đã coi các bài trước thì sẽ rõ hơn...
http://vvnm.vietbao.com/author/post/6488/1/nguyen-anh-nguyen
11/02/201622:44:36
Khách
Sự thật là vậy, ghét gì mà vô lý. Nên chấp nhận thực tế.
11/02/201601:47:39
Khách
Thiếu đoạn chuyển tiếp tại sao mà được qua MỸ , đi vào năm nào, diện ba đi HO hay ba má qua trước rồi bảo lãnh mình qua sau... rồi đi học lại ra sao ở Mỹ. Vài hàng cũng được còn hơn là để độc giả hụt hẫng....vì khong có chuyển tiếp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,318,843
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Đây là bài tham dự Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Trường Xuân. Tác giả cho biết anh là một sinh viên Đại học Huế, và vừa có dịp đi thăm vùng đất bị lũ lụt tàn phá tại miền Trung.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nhất nói về cái thú “bird watching” ở Mỹ và những kỷ niệm đi săn chim thuở thiếu thời ở Việt Nam.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Nhạc sĩ Cung Tiến