Hôm nay,  

SVHS Tây Ninh Hội Ngộ Trên Đất Mỹ

02/12/201500:00:00(Xem: 9656)

Tác giả: Nguyễn Thị Hữu Duyên
Bài số 3689-17--30189vb4120115

Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana. Với bút hiệu Hữu Duyên Nguyễn, cô đã góp nhiều bài viết thể hiện tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ và từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của cô kể về cuộc họp mặt của các cựu sinh viên học sinh trên đất Mỹ.

blank
40 năm bạn xưa hội ngộ.

* * *

An nô nức mong chờ ngày họp mặt cựu sinh viên, học sinh tỉnh Tây Ninh trên khắp thế giới tổ chức tại miền nam California.

Đây là lần thứ tư chương trình được tổ chức tại Mỹ, cách hai năm một lần như vậy là đã tám năm qua rồi. An ở miền đông nên không hề biết chương trình này cho đến khi về sinh sống tại Cali mới được tham dự.

Năm nay kỷ niệm hội ngộ có chủ đề “Trường Xưa Hoài Niệm.”, ngày 18, tháng 7, năm 2015. Để có được buổi hội ngộ này phải biết ơn các anh chị ban tổ chức công khó vô cùng, vất vả vô cùng để chúng ta có được những lần họp mặt đầy thân thương đầy gợi nhớ quê nhà. Xin đa tạ các anh chị.

An đọc lại thông báo lần nữa và e-mail ghi danh tham gia phần văn nghệ, ban tổ chức giới thiệu trang mạng để vào tập hát hai bài họp ca hát chung trong ngày ấy.

Riêng An tự sáng tác và ca hai câu vọng cổ theo chủ đề. Chỉ cần 45 phút ngồi hoài niệm An đã ngân nga ra hai câu 5, 6 của bài: Trường xưa hoài niệm.

Nói lối:

Quê hương tôi Điện bà in đỉnh bạc,(1)
Làng tôi nghèo, vay nợ bóng trăng treo.
Tuổi học sinh thường lội suối leo đèo,
Đường xưa, lối cũ ngoằn ngoèo nhớ thương.

Câu 5:

Ôi Tây Ninh quê hương tôi bao năm rồi xa cách, Vàm cỏ đông (2) con nước vẫn xuôi… dòng…

Đã bốn mươi năm ôi thương nhớ chất chồng.
Em Dầu Tiếng (3) hương lừng thơm ngát,
Chị Trãng Bàng xanh mát ruộng nương (3)
Gò dầu ơi thượng, hạ đạp xe về,(3)
Bay tà áo làm say đắm hồn anh.
Đây Toà thánh Cao đài thắng cảnh, (3)
Kia núi Bà đen (1) sừng sững dưới trăng vàng.

Câu 6:

Thăm lại những ngôi trường thân thương quá,
Trường Kỹ thuật dạy nghề, Sư phạm với Nông lâm (4)
Trường Nữ, trường Nam trung, tiểu học,
Gắn bó muội, huynh không bao giờ thiếu vắng.
Đại học Cao Đài còn đâu chốn ấy,(4)
Với những lần văn nghệ thức thâu đêm.
Thầy cũ, trường xưa nay còn đâu nữa,
Lòng buâng khuâng lệ ứa mắt nhoà.
Kỷ niệm bỗng ùa về trong ngày hội ngộ
Cùng hân hoan, sung sướng rạng niềm vui.
Anh, chị, em ơi cho nhắn nhủ đôi lời,
Tây Ninh dù xa cách bốn phương trời chớ quên.

An hát dứt câu và nước mắt cũng từ đâu rơi lã chã, ôi nhớ chi lạ cái thuở học trò ăn chưa no lo chưa tới với bao buồn vui lẫn lộn, cảm giác tiếc nuối như lúc đánh vỡ con búp bê thuỷ tinh yêu thích năm sinh nhật tám tuổi được ba mang về từ Sàigòn.

An bồi hồi nhớ về ngôi trường mang tên: “Nữ trung học Ngọc Vạn” mình đã đi, về từ lớp sáu cho đến lớp mười hai (1975.)

Năm đầu tiên trường khánh thành là năm An vô lớp sáu. Ngôi trường chỉ có ba dãy phòng học hình chữ U, thấp, nằm khiêm nhường trên góc ngã tư đường từ Ao Hồ chạy lên đi ra hướng thị xã. Vì trường thấp, nhìn vào có vẻ lè tè nên người ta gọi là trường “chuồng gà”, danh từ này thật thân thương đối với bọn An bởi vì các bạn bên trường Nam trung học mỗi lần có dịp đi cắm trại chung thường hay trêu ghẹo: “Coi chừng những con gà mái tơ hay đá bậy lắm đó anh em ơi.” Sau đó các bạn ấy sẽ nhận được những cú chọi (chứ không đá) bằng bất cứ thứ gì những con gà mái tơ có trong tay. Nhớ lại những lần cắm trại vui nhộn ấy lòng An bùi ngùi, mới đấy mà đã bốn mươi năm rồi.

Thời đó, bà hiệu trưởng của bọn An rất hiền, đúng là trường Nữ, ban giám hiệu toàn là nữ: bà Hiệu trưởng, bà Giám học, bà Thư ký, chỉ có giám thị là ông thôi (để mấy con gà tơ sợ,) nhưng khốn nỗi thầy ấy lại hiền hơn bà giám học nữa đấy, đó là thầy Nguyễn Chiêu Hoàng. Bọn An thường trêu thầy là công chúa Lý Chiêu Hoàng nhưng thầy không hề giận chỉ cười ha hả, đó là bản tính dễ dãi của thầy.

An nhẩm tính còn bốn mươi ngày nữa sẽ hội ngộ nhau, vui chi lạ. Nghe nói năm nay có khoảng 60 thư mời gửi về Việt Nam và khoảng 20 thư mời gửi đi các quốc gia khác như: Canađa, Pháp, Úc, Ý, Na uy, Đức, Anh, cùng về họp mặt. Sau ngày mất nước các học sinh và sinh viện tản lạc đi khắp nơi trên thế giới theo gia đình, người trẻ nhất trong những lần hội ngộ này cũng phải trên bốn mươi tuổi. Thầy cô thì đã già hết, hai năm trước, trong chương trình có một chị đã nói: “Bọn chúng em ngày nay còn già huống chi là quý Thầy, Cô. Chỉ mong sao quý thầy cô luôn cố gắng về tham dự với chúng em là hạnh phúc lắm rồi.”

Thật vậy, với tinh thần “tôn sư trọng đạo” nền văn hoá cao quý của người Việt nam, dầu ở đâu, bao nhiêu tuổi các trò vẫn yêu quý và kính trọng Thầy, Cô.

Ca dao Việt nam có câu:

“Muốn sang thì bắt cầu Kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy.”

Ở trường, trong các phòng học đều có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Một người dầu học cao đến đâu mà không biết lễ nghiã thì cũng là con số không! Lễ nghiã bao gồm: cách cư xử với người lớn, ở nhà là ông bà, cha mẹ, anh chị, ở trường là thầy cô, bạn bè, ngoài đường là đồng bào, đồng loại. Đã mang hai chữ “học sinh” hay “học trò” là bắt buộc phải có đạo đức làm đầu, trình độ học vấn xếp thứ nhì.

Nghe nói năm nay các thầy cô về tham dự đông, An nôn nao mong gặp xem có các giáo sư trường Nữ của mình không? Nghe nói trong lần hội ngộ thứ nhì có đến ba thầy cô trường Nữ, lần thứ ba khi An về Cali có đến tham dự gặp được một cô, một thầy, nhưng những thầy cô này không có dạy An.

Buổi họp mặt sẽ bắt đầu từ 2:00pm cho đến 9:00pm, chị trưởng ban tổ chức nói qua phone với An:

- Tha hồ nói chuyện nhe em. Hi Hi

Chị hỏi An đã soạn xong mấy câu vọng cổ chưa? An nói rồi, chị bảo hát “mở hàng” đi. Thế là An ngân nga không cần đàn cho chị nghe…

- Hic hic, cảm động quá em ơi, chị khóc rồi nè.

Chị nghẹn lời, xịt mũi bên kia đầu dây. Bên này An cũng không thốt nên lời.

- Alô, em còn đó không? Alô.

- Híc, dạ còn, em đang nghe nè chị.

Cả hai cùng im lặng sau đó lại huyên thuyên nhắc về những chuyện ngày xưa ấy.

Chị bảo mấy anh chị trong ban tổ chức lần nào cũng chọn California vì nơi đây đất lành, thời tiết, khí hậu giống Việt nam, sinh hoạt giống Việt nam, nhà hàng, chợ, khu mua sắm, nhà ăn, bệnh viện, đủ thứ các dịch vụ đều là Việt nam. Người Việt ở các nước khác thì cũng mong có dịp qua Mỹ chơi, thăm bà con, tham quan du lịch, nên sẵn dịp họp mặt thì có cớ để đến Mỹ gọi là “một công đôi chuyện.”

Hết tháng rồi đến ngày, An nô nức vô internet tập hát hai bài họp ca được chọn và thử lại bản đàn để hát vọng cổ. Mọi sự chuẩn bị xong hết, ngày mai sẽ vui lắm đây.

Ngày hội ngộ đến, đúng 11:00 am, An giục chồng chuẩn bị. Ban tổ chức đã đặt nhà hàng quen thuộc, chương trình sẽ bắt đầu tập trung lúc 12 giờ để chụp hình lưu niệm cho đến 2:00pm chính thức khai mạc. Ông xã cũng cùng tham dự, anh đứng trước gương sửa lại chiếc cà vạt nheo mắt với An:


- Hôm nay anh là con rể của Tây Ninh ra mắt các anh các chị nên phải chỉnh tề đây, em thấy anh được chưa?

An nguýt dài:

- Rễ già mà còn đòi làm đẹp nữa. Cho xin đi ông ơi.

11:45 AM, hai vợ chồng ra xe, mười lăm phút sau An tươi tắn trong chiếc áo dài xanh da trời đậm, bước những bước vội vã, nôn nao vào nhà hàng. Ban tổ chức đã đến từ lúc nào, ghé vào bàn ghi tên, đóng tiền, tay bắt mặt mừng với mọi người tuy không quen biết nhưng cùng dòng máu Tây Ninh nên tưởng như quen lâu lắm rồi. Qua bàn trình bày sách, nhận quyển sách biếu của lần hội ngộ trước và mua CD nhạc, sách, thơ của các anh em phát hành sau đó chụp hình lưu niệm tại cổng chào trang trí đẹp phía trên có dòng chữ: “Hội ngộ Liên Trường Tây Ninh lần IV” hai vợ chồng cũng tranh thủ chộp mấy bôi kỷ niệm.

1:00pm, mọi người đến tương đối đông đủ, tiếng cười nói huyên náo, những ánh chớp của máy ảnh loé lên tứ phía. Bỏ chàng rễ già Tây Ninh ngồi với người bạn mới, anh ấy cũng là cựu học sinh đi cùng với vợ đến từ Canađa, An đi tìm bạn.

Các cựu học sinh đã lần lượt đến, rạng rỡ, tươi tắn, tay bắt mặt mừng vui như ngày tết. Nhìn mọi người cười nói rôm rả, An cố nhớ và tìm xem ai là bạn củ chung lớp, chung trường nhưng “vô phương.” Không nhận ra ai quen cả, hơi thất vọng, An xoay bước định quay về bàn chợt có một người đẹp từ xa đi lại vừa đi vừa vẫy vẫy tay với An. An cũng tiến lại gần hơn, cố nhớ xem là ai.

- Có phải An, Thuỵ An không? Có phải lớp trưởng lớp 12 B không?

Cô bạn hỏi dồn dập, An nhíu mày nhìn chăm bạn mừng quýnh:

- OMG. Phải…Hồng …Hồng pingpoong không?

Đôi bạn ôm chầm lấy nhau, mừng rỡ, xúc động dâng trào. An chớp mắt lia lịa cố nén dòng lệ chợt ứa ra nơi khoé. Hồng cho biết nhận ra An nhờ “cái miệng cười” không hề thay đổi. An nhận ra Hồng nhờ vết sẹo ở mí mắt trái trong một lần thi đấu pingpong bị trái banh của đối phương đánh quá mạnh vào mắt tá hoả tam tinh, quăng vợt thua ở bàn chót.

Hồi đó, sau lần đổi tiền thứ nhất, Hồng nghỉ học về Saigon chăm sóc ông bà Nội vì chú Hồng quá uất ức uống thuốc quyên sinh không ai lo phụng dưỡng ông bà. Gia đình Hồng có sạp vải tại chợ Tây Ninh bị đánh tư sản tơi tả nên về khu kinh tế mới Tân biên sinh sống. Năm 1980, có hồi nhà nước cộng sản thu vàng cho vượt biên bán chính thức ông bà Nội và ba Hồng gom góp được số vàng đủ lo cho cả Hồng và hai anh đi vượt biên. Từ đó An mất liên lạc với bạn.

Hồng kéo An đến bàn khác, ôi vui, thêm một bạn nữa, Na, nếu không nhờ Hồng đưa đến thì An không thể nhận ra bạn vì Na trông già hơn tuổi quá. Na cũng nhận ngay ra An nhờ “cái miệng cười,” Na từ Việt nam qua theo thư mời của ban tổ chức. Thế là ba bạn kéo nhau đi tìm tiếp, gặp thêm hai em học lớp nhỏ hơn nhưng biết An vì An trong ban chấp hành học sinh hai nhiệm kỳ, năm lớp mười và mười một. Hai em cùng ở Florida cùng nói nhận ra An nhờ “cái miệng cười.”

Sau đó ghé vào bàn giáo sư để tìm các Thầy, Cô, không thể nào nhận ra nếu chạm mặt ngoài đường. An bùi ngùi, các Thầy Cô đều lớn tuổi hết rồi, chỉ có Thầy dạy môn triết còn trẻ, vì năm lớp mười một An học với Thầy khi ấy Thầy mới ra trường và lớn hơn bọn An không nhiều tuổi lắm. Cả bọn mời Thầy đến cùng ngồi chung bàn, chuyện nổ như bắp rang.

Nhắc lại thầy nhớ ngay cái lớp quậy có cô bé lớp trưởng luôn nở nụ cười tươi (lại cái miệng cười.) Hồi đó, Thầy vừa tốt nghiệp đại học sư phạm thì về dạy bọn An, Thầy giáo chỉ hơn học sinh khoảng năm hay sáu tuổi, đẹp trai,vui tính mà lại cố làm nghiêm để ra vẻ ông cụ cho giống giáo sư Triết. Thế là bọn nữ quái luôn tìm cách trên chọc thầy, nay gán với bạn này, mai lại ghép cho bạn khác. Làm thơ, vẽ hình hý hoạ lung tung để lên bàn giáo sư mỗi lần thầy đến lớp. Thầy đỏ mặt nhưng không biết tác giả là ai nên đành dùng ngón tay trỏ, chỉ chỉ đe cả lớp, bọn nữ sinh che miệng khúc khích thật dễ thương.

Thầy luôn luôn cho nghỉ sớm khoảng mười phút, thế là cả lớp bày me, ổi, khoai mì, mía lên bàn mời thầy nhâm nhi… tuổi học trò hồn nhiên làm sao.

Thầy cũ, trò xưa, chuyện cũ, chuyện mới, xôn xao, cười nói. Thầy đến từ San José, Hồng đến từ Úc, Na từ Việt nam, hai người từ Florida chỉ mình An ở tại Cali.

Chuyện ngắn chuyện dài nhắc lại chưa được bao nhiêu đã phải gián đoạn với chuyện hiện tại. M.C đã xuất hiện trên sân khấu. Chương trình bắt đầu với tiết mục chào cờ và hát quốc ca Mỹ, Việt. An nhắm mắt tưởng mình đang đứng trong sân trường mấy mươi năm trước. Những tà áo dài trắng của hàng ngàn nữ sinh bay phất phới và lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng đang được kéo lên tung bay phần phật, phần phật. Một phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng đã vị quốc vong thân và những thuyền nhân bỏ thây nơi biển cả trên đường đi tìm tự do. Có những bàn tay đưa lên mắt, những dòng lệ lăn dài.

Trong chương trình, các Thầy cô được giới thiệu và được mời lên để nhận hoa do các cựu học sinh tặng, máy chụp hình chớp nhá xẹt xẹt, những bạn ngồi gần sân khấu tranh thủ lên đứng cạnh thầy cô ké hình, máy quay của đài truyền hình quay tứ phiá.

Thành phần tham dự năm nay gồm các cựu học sinh tất cả các trường thuộc tỉnh Tây Ninh, trước và sau 1975. Hơn 500 người gồm Thầy cô và cựu học sinh cùng gia đình ở khắp các tiểu bang trên nước Mỹ và một số đến từ các quốc gia khác, hội trường chật kín.

Phần sôi động nhất là phần giới thiệu sản phẩm tinh thần của các cựu học sinh đa số là sách và CD nhạc do các anh chị em sáng tác. Vừa ăn vừa thưởng thức văn nghệ vừa chuyện trò, tiết mục vọng cổ cuà An làm ướt những chiếc khăn tay giấy, An nghèn ngẹn khi hát đến câu:

“Thầy cũ, trường xưa nay còn đâu nữa,
Lòng buâng khuâng lệ ứa mắt nhoè”

Tiếng vỗ tay vang rền khi An dứt câu sáu:

“Anh chị em ơi xin nhắn nhủ đôi lời,
Tây Ninh dù xa cách bốn phương trời chớ quên.”

Buổi tiền hội ngộ chấm dứt với lịch hẹn họp mặt cho ngày dã ngoại hôm sau tại Park.

Phút chia tay bịn rịn, dùng dằng không muốn rời xa. Những cái vẫy lưu luyến, những ánh mắt tần ngần rồi cũng lui vào bóng đêm theo những bước chân ngập ngừng xa dần. An chợt rùng mình vội nép vào vòng tay vỗ dành của chồng thổn thức.

- Ngày mai sau khi đi nhà thờ mình sẽ đến gặp lại bạn bè mà em.

Anh vỗ nhè nhẹ vào bờ vai An, chị khịt mũi:

- Biết vậy, nhưng nghĩ đến hai năm nữa mới được hội ngộ em cảm thấy lâu quá đi…

Xe chạy vòng qua cửa nhà hàng An thấy vẫn còn một số anh chị em đang dùng dằng chưa muốn rời xa. An lẩm bẩm: “Ước gì mỗi năm được hội ngộ một lần.”

Garden Grove, 11/02/2015

Nguyễn Thị Hữu Duyên

Chú thích:

(1) Tên ngọn núi ở Tây Ninh “Núi Bà Đen”; (2) Tên dòng sông chảy qua tỉnh Tây Ninh “Vàm Cỏ Đông”; (3) Các điạ danh của Tây Ninh; (4) Tên các trường học trước ngày 30/4/1975.

Ý kiến bạn đọc
05/12/201522:54:19
Khách
Sorry. Tác giả thiếu chữ "nam" phía trước chữ California. Ý tác giả là chỉ riêng An ở quận Cam. Tks bạn nhắc nhở. God bless you.
03/12/201504:50:22
Khách
San Jose không ở Cali?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,467,324
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001.
Tôi bắt đầu vào đại học năm đầu sau khi tới Mỹ hồi đầu năm chín hai. Một trong những môn nhiệm ý của tôi là môn Cảm Thức về Nghệ Thuật, Art Appreciation, do bà đảm trách.
Tác giả tên thật Nguyễn Văn Ni, 70 tuổi, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh trưởng ở Bến Tre. Tại Việt Nam, trước 1975, giảng viên Đại học Nông Lâm Súc Cần Thơ; Đi lính Khóa 6/70 Thủ Đức.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Tác giả, một sĩ quan, nhà giáo VNCH, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã hai lần nhận giải. Mười sáu năm qua, ông luôn gắn bó với giải thưởng. Lời người viết: Nhân ngày kỷ niệm 25 năm chương trình HO.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu.
Tác giả tên thật là Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH, từng là hạm trưởng và chỉ huy ngành chiến tranh chính trị của Sở Phòng Vệ Duyên Hải VNCH.
Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái,