Hôm nay,  

Nô Lệ của Mẹ?

07/04/201500:00:00(Xem: 11917)

Tác giả: Tịnh Tâm
Bài số 4502-16-29902vb3040715

Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, liên tục góp bài cho giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Sau đây là bài viết thứ ba trong loạt chuyện kể của người "cho mượn lỗ tai".

* * *

1.

- Ủa! Thằng cu Tý! Trời lạnh ngắt sao con ngồi ngoài nầy? Mẹ đâu? Cái mặt sao buồn xo thế?

Cu Tý đang bó gối, ngồi thu lu trước thềm nhà, vội đứng lên chào khách, miệng cố nở nụ cười gượng gạo, giọng điệu có chút hờn dỗi:

- Chào cô Út. Dạ, mẹ con đang nấu cái gì đó.

- Cái gì đó là cái gì?

- Dạ, bánh tét.

- Ủa, Tết qua rồi, sao mẹ con còn nấu bánh tét?

- Dạ mẹ con chiên bánh tét.

- Ngon nhỉ? Cô Út rất thích bánh tét. Sau Tết ăn càng ngon! Đặc biệt là bánh tét chiên! Tý có thích bánh tét không?

- Dạ, con… um… thích mà cũng không thích.

- Thích mà cũng không thích? Thế là thế nào? Cô Út không hiểu!

- Um… Nghĩa là… Nói chung, con thích ăn nhiều thứ lắm chứ không riêng gì bánh tét… nhưng con cũng không thích ăn gì hết.

- Nghe có vẻ rắc rối nhỉ? Nói rõ cho cô Út nghe được không?

Vẻ mặt cu Tý buồn thiu:

- Um…Cô Út biết gì không, vì mỗi lần con ăn, mẹ cứ la mắng con.

- …?

Cu Tý ngồi phịch xuống, hai tay ôm đầu:

- Dạ… Mẹ kêu con… ăn nhiều…Con thực sự mắc cỡ khi phải nói ra điều nầy. Mẹ luôn miệng nói: “Ăn vậy mập cho mà chết! Ăn vậy bịnh cho mà chết”. Rồi mẹ con kể ra hàng đống bịnh tật. Nghe phát ớn. Nghe hết muốn ăn luôn! Khỏi nuốt xuống luôn! Tại sao mẹ con không nói bằng lời lẽ khác hở cô Út? Con lớn rồi. Con gần mười tám tuổi rồi! Con đang học lớp mười hai tại một trường trung học ở nước Mỹ! Con đang sống trong một thời đại mà nhiều vấn đề của cả thế giới có thể được tìm thấy trong một cái smartphone nhỏ xíu nằm gọn trong lòng bàn tay. Thời đại mà thậm chí con người đang chuẩn bị lên sao Hỏa định cư. Cô Út ơi, con hiểu con cần phải ăn như thế nào để đượ khỏe mạnh. Và con cũng hiểu là mẹ thương con, lo cho con, sợ con bị béo phì, nhưng sao mẹ con không nói bằng lời lẽ khác hở cô Út?

- …

- Chẳng hạn hồi nãy, con mới ăn hai miếng bánh tét, mẹ đã bắt con ngưng lại. Mẹ lặp đi lặp lại câu nói con đã thuộc lòng: “Ăn nhiều mập cho mà chết! Ăn nhiều bịnh cho mà chết!” Con biết mẹ con thương con, nhưng cách thương của mẹ lại làm tổn thương con cô Út ơi! Con buồn lắm cô Út ơi!

Cu Tý dừng lại để thở. Anh chàng có vẻ hụt hơi sau khi tuôn xả liên tục.

- Ôi! Sáng nay trời lạnh dễ sợ Tý nhỉ?

Cu Tý cau mày:

- Ủa, trời lạnh thì liên quan gì đến chuyện “Ăn nhiều mập cho mà chết! Ăn nhiều bịnh cho mà chết!” hả cô Út?

- Ơ… Trời lạnh dễ sợ, cô Út nằm trên giường trùm chăn ấm ơi là ấm…

- Con hổng hiểu tí tẹo gì.

- …thế nhưng cô Út đành phải chui ra khỏi chăn, đành phải lái xe đi làm, dù cô Út thích ơi là thích được ở nhà trùm chăn ngủ. Đi làm chán ơi là chán mà phải đi.

- A.. con hiểu rồi, ý cô Út là có những việc mình không thích nhưng vẫn phải làm.

- Chính xác! Cu Tý thông minh lắm!

Tý thở dài:

- Chỉ có cô Út thường khen con, còn mẹ chỉ toàn chê con: Nào con làm biếng, nào con ở dơ, nào con bất hiếu, nào con ích kỷ. Còn nhiều nữa, mẹ chỉ toàn chê con. Như vậy có phải con là nô lệ của mẹ không cô Út.

- Nô lệ?

- Dạ, cô Út biết gì không, mẹ cứ luôn miệng la mắng con, lời lẽ của mẹ làm con đau khổ. Dù con biết mẹ thương con nhất trên đời.

- …

- Chưa hết đâu cô Út ơi. Mẹ còn làm con đau khổ nhiều nữa kìa!

- Ừ, cô Út hiểu.

- Dạ, cám ơn cô Út.

Cu Tý đứng lên, vòng tay trước ngực như muốn kìm nén bớt những nỗi niềm đang trào dâng.

- Thế nầy Tý nhé! Con với cô Út đi bộ loanh quanh đây chút nhé. Sáng nay cô chưa đi bộ. Tiện thể giờ cô con mình cùng đi, Tý nhé! Cô cam đoan là sau cuộc đi bộ, con sẽ dễ chịu hơn.

- Dạ.

- Nhưng cô con mình phải vào nhà nói mẹ biết, kẻo mẹ thấy vắng con, mẹ lo.

- Dạ.

2.

- OK, giờ con kể cô Út nghe đi. Cô Út biết con đang buồn lắm.

- Dạ, con buồn lắm cô Út ơi. Tại sao mẹ lại đối xử với con như đối xử với đứa nô lệ.

- …

- Cô Út biết gì không, mẹ con bảo con phải học nha sĩ!

- …

- Mà con không thích làm nha sĩ. Mẹ con nói, các cô, các chú, các bác đã là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, dược sĩ, nhưng chưa có ai làm nha sĩ, cho nên con phải học nha sĩ… Hóa ra lý do con phải học nha sĩ vì nhà nội con chưa có nha sĩ! Cô Út nghe có kỳ cục không?

- Thế con thích học gì?

Giọng Cu Tý quả quyết:

- Con chỉ thích học computer science.

- …

- Cô Út biết gì không, mẹ con cứ muốn con phải răm rắp làm theo ý mẹ. Như vậy có phải mẹ coi con như nô lệ?

- …

Cu Tý dừng lại, đá một viên sỏi nhỏ vào bãi cỏ ven đường, thở dài:

- Cô Út biết gì không, hổm rày mẹ cứ nói hoài nói mãi bên tai con. Nha sĩ! Nha sĩ! Nha sĩ!... Con muốn điếc luôn. Con muốn khùng luôn. Cô Út biết gì không, con đang muốn bỏ nhà đi xa, xa thật xa. Con mệt mỏi quá cô Út ơi!

- …

- Điều kinh khủng là mẹ con nói rằng con không nghe lời mẹ có nghĩa là con không thương mẹ. Cô Út ơi, con thương mẹ con nhất trên đời. Vậy mà mẹ cứ nói con bất hiếu.

- …

- Chưa hết đâu cô Út ơi, mẹ còn cấm con nhiều điều hết sức vô lý nữa!

- …

- Ví dụ mẹ cấm con có bạn gái. Mẹ nói, có bạn gái sẽ không tốt cho chuyện học hành. Mà cô Út biết gì không, chuyện bạn trai bạn gái là chuyện rất bình thường trong lớp con. Thậm chí có đứa đã biết yêu đương từ hồi lớp 6 lớp 7. Thậm chí có đứa đã… Dạ, thôi con hổng muốn nói tiếp việc nầy… Cô Út biết gì không, giờ con đang học lớp 12, nhưng mẹ làm như con đang học… lớp 2. Thêm nữa, mẹ thậm chí không muốn con có bạn bè. Mẹ nói không nên chơi với đứa nào hết, lỡ tụi nó xấu, lỡ tụi nó dụ dỗ con vào băng đảng. Tóm lại, mẹ muốn con chỉ học, học, và học. Mà phải học theo ý của mẹ. Nếu không học thì phụ mẹ nấu ăn, dọp dẹp. Như vậy có phải con là nô lệ của mẹ không hở cô Út?

- …

- Chưa hết cô Út ơi, mẹ con không tin cậy con. Lúc nào mẹ cũng nghi ngờ con xao lãng việc học, nghi con chơi game. Nhiều lần con biết mẹ đứng ngoài cửa rình con, lắng nghe coi con đang làm gì trong phòng. Vậy có phải mẹ con coi con như nô lệ không hả cô Út?

- Còn nữa, mẹ cứ nói rằng con may mắn, con được qua Mỹ khi hãy còn nhỏ, dễ học tiếng Anh, dễ hòa nhập xã hội. Mẹ nói, mấy anh chị em họ của con ở Việt Nam mơ ước như con mà không được. Biết bao người mơ ước qua Mỹ mà không được. Rồi mẹ cứ hay kể, hồi xưa mẹ khổ dữ lắm. Mẹ kể đến nỗi con thuộc lòng hết trơn. Có điều là, cách mẹ nói làm con mang mặc cảm tội lỗi, vì con thì quá đầy đủ sung sướng mà mẹ thì quá cực khổ. Nhưng mẹ đâu biết con cũng có những nỗi khổ của con.

- … Và con đã giấu kín những nỗi khổ của con. Con không muốn kể với mẹ, vì hổng ích lợi gì mà lại làm mẹ lo buồn; và tình huống có thể càng tồi tệ thêm.

- Chà… Chuyện có vẻ khá nghiêm trọng. Tý à, nếu được, con hãy kể cô Út nghe. Cô Út mong sẽ giúp được gì đó cho con.


- Dạ… Đó là hồi con học lớp bảy, con bị tụi xấu trong lớp bully con, tụi nó ăn hiếp con, bắt nạt con, hành hạ con một cách dã man. Tụi nó túm đầu con nhận dưới bồn cầu. Tụi nó bắt con liếm giày… Tụi nó đón đường đánh con… Tụi nó xé tập con… Những chuyện đó con đều giấu mẹ.

- Cô Út tưởng tượng coi, ở trường con bị ăn hiếp, bị hành hạ. Về nhà con bị mẹ la mắng. May là con chưa tự tử! Cô Út biết gì không, ngay trên nước Mỹ nầy, nhiều đứa bị bully như con, đã tự tử.

- …

- Con đã từng muốn tự tử, nhưng rồi nghĩ tới mẹ, con bỏ ý định đó. Rồi con đã tự giải quyết.

- Con đã tự giải quyết? Bằng cách nào? Tụi nó mấy đứa?

Cu Tý toét miệng cười, giọng hào hứng:

- Dạ bốn thằng. Tụi nó bự như võ sĩ sumo. Mấy lần đầu con im lặng cam chịu.Tụi nó đe dọa, nếu con kể ra với bất kỳ ai, con sẽ bị thủ tiêu. Nên con đành phải liếm dép. Nên con ráng chịu đau. Nên con ráng chịu nhục. Nhưng bữa chúng dìm đầu con vào bồn cầu, con chống cự. Con đánh lại chúng. Con đấm đá liên hồi vào chúng. Lúc đó con không còn sợ chúng nữa. Con vung chân vung tay loạn xà ngầu. Con húc đầu loạn xà ngầu. Con lăn xả vào chúng. Con la hét điên cuồng. Thế là bọn chúng bỏ chạy. Từ đó chúng không còn hiếp đáp con nữa. À quên, sau trận đó, mỗi lần con gặp mặt tụi nó, con nghiến răng, con trợn mắt nhìn trừng trừng vào mắt từng đứa. Con khuỳnh hai tay, đi như cách đi của ông tướng. Cô Út biết gì không, con đâu ngờ là con đã trị được tụi nó. Mắc cười thiệt! Tụi nó tưởng con có võ. Thực ra con đâu có miếng võ nào! Con chỉ đấm đá, húc huých lung tung thôi! Mắc cười thiệt!

Cu Tý tiếp tục say sưa:

- Cô Út biết gì không, sau đó, con luôn chơi thân với những đứa có thể là con mồi của bọn xấu đó.

- Tuyệt lắm! Đó là một cách con bảo vệ kẻ yếu. Nhưng làm thế nào để con biết được những đứa có thể là con mồi của đám xấu kia?

- Dạ… Con suy ra từ hoàn cảnh của con: Không thông thạo tiếng Anh, không bạn bè, rụt rè nhút nhát, thân hình nhỏ, và giỏi Toán.

- Ra thế… Đây là điều hoàn toàn mới mẻ đối với cô Út. Tý ơi, con thực sự là một chàng trai dũng cảm tuyệt vời! Cô Út hoàn toàn bất ngờ về con! Cu Tý của cô quả thực là một anh hùng!

Cu Tý cúi đầu bẽn lẽn:

- Dạ… có chút xíu đó mà cũng là anh hùng sao cô Út?

- Cô Út có đọc đâu đó, rằng làm nên chuyện lớn lao kỳ vỹ cho quê hương đất nước, cho dân tộc, đương nhiên là anh hùng. Và làm những chuyện nhỏ, tạm gọi là nhỏ, cũng là anh hùng nếu người ấy dám đương đầu với cái ác, cái xấu, dám liều mình để bảo vệ cái thiện, cái đẹp. Ví dụ chuyện của con, theo ý cô Út, con thực sự anh hùng vì con đã dám đối mặt với đám côn đồ kia, dù con một thân một mình, dù con yếu ớt nhỏ thó hơn chúng. Không những vậy, con còn dám đứng ra che chở các bạn yếu. Cô Út rất vui về con, Tý à.

Cu Tý dừng lại, gãi gãi đầu:

- Cô Út biết gì không?

- Biết gì là biết gì? Cái thằng… cứ hỏi kiểu đó cô Út chịu thua.

- Dạ… Hồi đó… cũng nhờ con vừa coi xong phim Life of Pi đó cô Út.

- Ừ, phim hay tuyệt!

- Dạ, chính đêm trước con coi phim đó, hôm sau bọn chúng dìm đầu con vào bồn cầu. Và con đã không còn sợ hãi bọn chúng. Con đã thắng.

- Ừ! Một cuốn sách tốt, một cuốn phim hay có thể làm thay đổi cả đời người Tý nhỉ?

Cu Tý tiếp tục gãi đầu:

- Dạ… Thế nhưng…mẹ cháu lại cấm cháu coi phim. Mẹ bảo mất thời gian học tập. Con phải lén mẹ để coi phim đó cô Út.

- …

- Cô Út biết gì không, con coi phim Life of Pi hai lần rồi mà vẫn còn muốn coi nữa. Con tính, hôm nào ít bài vở, con sẽ coi lại cho đỡ thèm.

- Con rất khôn ngoan! Biết chọn lựa phim để xem! Thế… con vẫn đọc sách đấy chứ?

- Dạ, con vẫn đọc, sách tiếng Anh và tiếng Việt. Con không muốn bị quên tiếng Việt. Con thích đọc truyện khoa học giả tưởng, truyện mạo hiểm. Dĩ nhiên con phải giấu mẹ.

- Sở thích của con rất tốt. Người ta bảo sách là túi khôn của nhân loại.

Cu Tý thở dài, bước tiếp:

- Chỉ có cô Út khen con. Mẹ con hổng bao giờ khen con! Con thực sự không thể nào hiểu nổi mẹ. Tại sao hả cô Út. Có phải mẹ coi con như nô lệ của mẹ?

- Tý à… Theo cô nghĩ, mẹ con chỉ vì… quá yêu thương con, quá lo cho tương lai con. Tý ơi, Con Cái là tất cả của cuộc đời Người Mẹ đó con! Trong đôi mắt người mẹ, con cái luôn bé nhỏ nên cần được chở che. Trong đôi cánh người mẹ, con cái luôn yếu ớt nên cần được bảo bọc ấp ủ. Tý à, mẹ con đã chịu quá nhiều cơ cực, đói nghèo, rách rưới khi ông ngoại con đi tù; nỗi ám ảnh vẫn chưa nguôi. Nhưng cô Út tin, rồi mẹ con sẽ hiểu tất cả. Cô Út tin chắc như vậy, Tý à.

3.

- Cô Út biết gì không?

- Bii..ếê..t!

- Ủa! Cô Út biết rồi hả?

- Ừ, cô Út bii..ếê..t rồi!

- Dạ… cô Út biết gì?

- Ha ha ha… Cô Út đùa chút thôi. Không dưng Tý hỏi biết gì không, biết gì không? Cô Út thua.

- Dạ, cô Út biết chuyện mẹ con không còn ép con học nha sĩ nữa chứ?

- Thế à! Vui nhỉ? Giờ Tý nhẹ cả người rồi phải không? Hết bị điếc tai rồi phải không?

- Dạ. Um… Con nghe mẹ kể, cô Út là bạn thân của mẹ con từ hồi con chưa ra đời phải không?

- Đúng vậy! Chính cô Út làm chim xanh cho ba mẹ con đó!

- Chim xanh? Con không hiểu!

- Là… làm mối, là đưa tin. Chẳng hạn cô Út giới thiệu ba mẹ con với nhau, để hai người quen nhau. Rồi cô Út đưa thư người nầy cho người kia, chuyển thư người kia cho người nầy. Rồi cô Út giải hòa cho hai người mỗi khi hai người giận nhau.

- Vui quá há! Rồi bây giờ cô Út vẫn là người bạn thân nhất của mẹ con! Thú vị thiệt! Mẹ con hay kể về cô Út, về những kỷ niệm của mẹ và cô Út. Mẹ con thương quý cô Út lắm đó. Con rất ngưỡng mộ tình bạn của hai người.

- Người bạn thân thiết chính là một món quà vô cùng quý giá trong đời đó con. Tối qua Cô Út đọc mấy dòng nầy trên facebook nè: “Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy thật buồn và muốn khóc; hãy gọi cho tôi! Tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười, nhưng biết đâu tôi sẽ khóc cùng bạn. Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy vô cùng đơn độc; hãy gọi cho tôi! Tôi sẽ đến bên bạn, chỉ để im lặng, nhưng tôi muốn bạn biết rằng luôn có tôi bên cạnh. Nếu một ngày nào đó, bạn phân vân trước những quyết định của mình; hãy gọi cho tôi! Tôi sẽ không quyết định thay bạn, nhưng có thể giúp bạn vững tâm hơn trước sự chọn lựa của mình…” Ô ồ… Còn nhiều nữa mà cô Út quên mất tiêu.

Cu Tý đăm chiêu:

- Ước gì con cũng có được một người bạn thân!

- Đó là điều ước đẹp. Cô Út tin nếu con cố tìm rồi sẽ có.

Cu Tý bỗng reo lên:

- Cô Út ơi, cô Út có thể là bạn thân của con được không?

- Tại sao không nhỉ? OK! Ngoéo tay nè. Hai cô con mình là bạn thân của nhau. OK?

- OK!

- High- five nè. Yeah!

- Yeah!

- Um… cô Út biết gì không, hổm rày mẹ con ít la mắng con. Mẹ có vẻ như… không còn coi con như nô lệ của mẹ nữa.

- Vui nhỉ?

- Dạ… Con… đoán là… cô Út nói gì đó với mẹ con, đúng không?

Tịnh Tâm

Ý kiến bạn đọc
08/04/201523:32:16
Khách
Quý vị nào ở vùng Little Sài Gòn, California, còn nhớ cách đây khoãng 5 năm có chuyện một bà mẹ Việt Nam bắt con trai phải học bác sĩ, trong khi cháu đã học gần xong ngành dược sĩ. Kết quả: Trong cơn tức giận không kiểm soát được, người con bóp cổ mẹ chết. Đây là bài học cho những bà mẹ quá nghiêm khắc và độc tài.
08/04/201502:30:10
Khách
Tôi thương cô Út và cậu bé này quá, và cả bà mẹ của cậu bé ấy nữa. Câu chuyện rất tâm lý, đầy tình yêu....Chuyện rất đơn giản, nhưng chẳng hề giản đơn. Câu chuyện dạy cho tôi nhiều lắm...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,073,519
Trước 1975, tác giả là một phi công chiến đấu. Tại Hoa Kỳ, nhiều bài viết của ông thường được phổ biến trên báo giấy, báo mạng trong sinh hoạt cộng đồng và các hội đoàn cựu quân nhân VNCH.
Trương Ngọc Anh đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001.
Khai bút đầu năm mới 2015 Đoàn Thị kể về chuyện vui duyên nợ với Viết về nước Mỹ. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010.
Tác giả định cư tại Mỹ từ 1975, hiện là cư dân Westminster, công chức hồi hưu. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của bà kể về một tình bạn. Mong bà tiếp tục viết.
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả là cư dân North Carolina, chỉ mới định cư tại Mỹ ba năm. Với 4 bài viết, trong đó có "Người Đẹp và Quái Thú" ghi nhận nhiều chi tiết đặc biệt về tổ chức y tế, bệnh viện tại Mỹ,
Toàn bộ câu chuyện và happy ending của Tượng Đài Tưỡng Niệm Cựu Chiến Binh cuộc chiến Việt Nam tại Austin, Texas, được kể lại bởi tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về NướcMỹ 2014.
Chuyện kể về người bạn cựu chiến Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Tác giả là cư dân San Dimas, California.
Bài viết là chuyện một tình yêu chung thuỷ cảm động trong ngày Tết Dương Lịch. Tác giả Phương Hoa, định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nail vừa học.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến